Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng”

“Anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng”

Chương 17

“Anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng”

1, 2. a) Những người mới đến lần đầu tại các buổi nhóm họp của Nhân-chứng Giê-hô-va thường có cảm tưởng gì? b) Họ quan sát thấy bằng chứng cụ thể nào khác của đức tính này tại các cuộc hội nghị của chúng ta?

KHI đến các buổi nhóm họp của hội-thánh Nhân-chứng Giê-hô-va lần đầu tiên, người ta thường được cảm kích sâu đậm vì tình yêu thương được biểu lộ tại đó. Họ quan sát thấy sự yêu thương đó qua tình thân hữu nồng nhiệt và lời chào đón dành riêng cho họ.

2 Tại các cuộc hội nghị của chúng ta các người ngoài đến dự cũng nhận thấy phần lớn những người tham dự có hạnh kiểm rất tốt. Một phóng viên báo chí viết về một hội nghị như thế: «Không thấy ai say ma túy hay say rượu. Không la hét và làm ồn. Không chen lấn. Không xô đẩy. Không ai chưởi thề và chưởi rủa. Không ai nói đùa tục tĩu hoặc ăn nói thô tục. Không có bầu không khí đầy khói thuốc lá. Không có sự trộm cắp. Không ai vứt lon trên sân cỏ. Thật là khác thường». Tất cả những điều này là bằng chứng cụ thể của sự yêu thương, thứ yêu thương “chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư-lợi” (I Cô-rinh-tô 13:4-8).

3. a) Dần dần điều gì nên biểu lộ cho thấy rõ sự bày tỏ yêu thương của chúng ta? b) Chúng ta cần phải vun trồng sự yêu thương loại nào để bắt chước đấng Christ?

3 Sự yêu thương là đức tính nhận diện mỗi tín đồ đấng Christ chân thật (Giăng 13:35). Trong khi lớn lên về thiêng liêng chúng ta nên bày tỏ sự yêu thương này cách đầy trọn hơn. Sứ đồ Phao-lô cầu nguyện cho sự yêu thương của anh em “càng ngày càng chan-chứa hơn” (Phi-líp 1:9; I Tê-sa-lô-ni-ca 3:12). Phi-e-rơ cũng khuyên các anh em tín đồ để cho sự yêu thương của họ bao trùm “toàn thể hiệp hội các anh em” (I Phi-e-rơ 2:17, NW). Sự yêu thương của chúng ta nên thúc đẩy chúng ta làm nhiều hơn là chỉ giản dị tham dự các buổi nhóm họp với những người chúng ta không mấy cố gắng quen biết thêm. Phải làm nhiều hơn là chỉ thỉnh thoảng chào hỏi tử tế. Sứ đồ Giăng cho thấy sự yêu thương đó nên có tính chất tự hy sinh. Ông viết: “Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu-thương, ấy là Chúa [Con Đức Chúa Trời] đã vì chúng ta bỏ sự sống; chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy” (I Giăng 3:16; Giăng 15:12, 13). Chúng ta chưa làm điều đó. Nhưng chúng ta sẽ thật sự phó sự sống mình cho anh em không? Thế thì bây giờ chúng ta bỏ công khó ra giúp đỡ họ tới mức độ nào, ngay dù có lẽ việc này không mấy tiện lợi?

4. a) Có lẽ chúng ta nhận thấy có thể biểu lộ sự yêu thương đầy trọn hơn nữa bằng cách nào khác? b) Tại sao tối quan trọng là có sự yêu thương lẫn nhau đậm đà như thế?

4 Cùng với những việc làm phản ảnh tinh thần hy sinh chính mình, việc có cảm tình nồng hậu đối với anh em chúng ta cũng quan trọng nữa. Lời Đức Chúa Trời khuyên: “Hãy lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau như anh em” (Rô-ma 12:10). Tất cả chúng ta đều có cảm tình như thế đối với một số người. Có thể nào chúng ta tỏ nhiều cảm tình như vậy đối với nhiều người hơn nữa không? Khi sự cuối cùng của hệ thống cũ gần kề, điều tối quan trọng là chúng ta gần gũi anh em cùng đạo của chúng ta càng nhiều hơn nữa. Kinh-thánh cảnh giác chúng ta về điều này, nói rằng: “Sự cuối-cùng của muôn vật đã gần... Nhứt là trong vòng anh em phải có lòng yêu-thương sốt-sắng; vì sự yêu-thương che-đậy vô-số tội-lỗi” (I Phi-e-rơ 4:7, 8).

5. Tại sao là sai lầm khi chờ đợi không có vấn đề khó khăn nào xảy ra giữa những người trong hội-thánh?

5 Dĩ nhiên, trong khi chúng ta vẫn còn bất toàn, chúng ta sẽ còn làm những việc va chạm người khác nhiều lần. Họ cũng sẽ phạm tội cùng chúng ta bằng nhiều cách (I Giăng 1:8). Nếu ở trong trường hợp ấy, bạn nên làm gì?

LÀM GÌ KHI CÓ VẤN ĐỀ KHÓ KHĂN XẢY RA?

6. a) Tại sao lời khuyên của Kinh-thánh có lẽ không luôn luôn trùng hợp với các khuynh hướng của chúng ta? b) Nhưng kết quả sẽ là gì nếu chúng ta áp dụng lời khuyên?

6 Kinh-thánh cung cấp lời chỉ bảo cần thiết. Nhưng lời chỉ bảo của Kinh-thánh có lẽ không trùng với điều mà con người bất toàn của chúng ta có khuynh hướng hay làm (Rô-ma 7:21-23). Tuy thế, sự kiện chúng ta sốt sắng rèn luyện cho thấy rõ ý muốn chân thành của chúng ta để làm hài lòng Đức Giê-hô-va, và điều đó cũng sẽ làm phong phú thêm phẩm chất sự yêu thương của chúng ta đối với người khác.

7. a) Nếu có người nào xúc phạm đến chúng ta, tại sao chúng ta không nên báo thù? b) Tại sao chúng ta không nên giản dị tránh né một người anh em xúc phạm đến chúng ta?

7 Đôi khi, lúc bị va chạm người ta tìm cách trả đũa lại với người xúc phạm đến mình. Nhưng làm vậy chỉ khiến tình thế trở nên căng thẳng hơn mà thôi. Nếu cần phải báo đáp, chúng ta nên để cho Đức Chúa Trời làm việc này (Châm-ngôn 24:29; Rô-ma 12:17-21). Những người khác có lẽ tìm cách loại kẻ xúc phạm đến mình ra ngoài đời sống của mình, bằng cách tránh giao thiệp với người đó. Nhưng chúng ta không thể làm thế với anh em cùng đạo. Sự thờ phượng của chúng ta có được chấp nhận hay không, một phần tùy thuộc nơi sự yêu thương của chúng ta đối với anh em cùng đạo (I Giăng 4:20). Chúng ta có thể nào nói cách lương thiện chúng ta yêu thương người nào nếu chúng ta không muốn nói chuyện với người đó hoặc cảm thấy khó chịu trước mặt người đó không? Chúng ta cần phải đối phó với vấn đề này và giải quyết cho xong. Thế nào?

8, 9. a) Nếu chúng ta có cớ để phàn nàn về một người anh em, điều phải làm là gì? b) Nhưng nếu người đó cứ phạm lỗi với chúng ta thì sao? c) Tại sao chúng ta nên đối xử bằng cách này, và điều gì sẽ giúp chúng ta làm như thế?

8 Sứ đồ Phao-lô viết về vấn đề này: “Hãy [tiếp tục] nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau: như Chúa [Đức Giê-hô-va] đã tha-thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha-thứ thể ấy” (Cô-lô-se 3:13). Bạn có thể làm điều đó không? Nói gì nếu một người cứ liên miên phạm lỗi với bạn bằng nhiều cách khác nhau?

9 Sứ đồ Phi-e-rơ cũng đã thắc mắc như vậy, và ông đề nghị là có lẽ ông nên cố gắng tha thứ một người anh em cho đến bảy lần. Giê-su đáp: “Ta không nói cùng ngươi rằng đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi [bảy lần]”. Nhưng tại sao? Giê-su giải thích bằng một lời thí dụ nêu rõ món nợ của chúng ta đối với Đức Chúa Trời to tát thế nào so với bất cứ món nợ nào mà có lẽ một người đồng loại thiếu chúng ta (Ma-thi-ơ 18:21-35). Mỗi ngày chúng ta phạm tội cùng Đức Chúa Trời nhiều cách—đôi khi bằng một hành vi ích kỷ, thường thì do điều chúng ta nói hoặc suy nghĩ, cũng như là bởi chúng ta không làm điều mà đáng lý ra chúng ta nên làm. Vì ngu dốt có lẽ chúng ta ngay đến không ý thức rằng một số chuyện chúng ta làm là sai lầm, hoặc trong cuộc sống hối hả chúng ta có lẽ không suy nghĩ chín chắn đến vấn đề. Đức Chúa Trời hẳn có thể đòi hỏi chúng ta đền tội bằng sự sống chúng ta (Rô-ma 6:23). Nhưng Ngài đã tiếp tục thương xót chúng ta (Thi-thiên 103:10-14). Do đó, tuyệt đối không có gì quá đáng khi Ngài đòi hỏi chúng ta đối xử với nhau giống như thế (Ma-thi-ơ 6:14, 15; Ê-phê-sô 4:1-3). Khi chúng ta làm thế, thay vì cưu mang sự hờn giận, rõ ràng là chúng ta đã đạt đến sự yêu thương thuộc loại “chẳng nghi-ngơ [cố chấp, NW] sự dữ” (I Cô-rinh-tô 13:4, 5; I Phi-e-rơ 3:8, 9).

10. Chúng ta nên làm gì nếu một người anh em có chuyện xích mích với chúng ta?

10 Có lẽ có lúc chúng ta ý thức rằng ngay dù chúng ta không có ác cảm đối với một người anh em chúng ta, người đó có điều gì xích mích với chúng ta. Chúng ta nên làm gì? Không chậm trễ chúng ta nên nói chuyện với người đó và tìm cách lập lại mối liên lạc hòa nhã. Kinh-thánh khuyên chúng ta nên khởi xướng làm việc này (Ma-thi-ơ 5:23, 24). Có lẽ không dễ làm thế. Điều này đòi hỏi yêu thương phối hợp với khiêm nhường. Các đức tính này có khá mạnh mẽ trong chúng ta để chúng ta làm điều Kinh-thánh khuyên không? Đây là một mục tiêu quan trọng để nhắm tới.

11. Nếu một người anh em làm những việc khiến chúng ta đau lòng thì nên làm gì?

11 Mặt khác, có thể là một người nào đó làm những việc khiến bạn—và có thể những người khác nữa—đau lòng. Điều tốt là một người nào đó đến nói chuyện với người ấy phải không? Có lẽ. Nếu bạn đích thân giải thích vấn đề cách tử tế với người đó, có lẽ sẽ có kết quả tốt. Nhưng trước hết, bạn nên tự hỏi: «Việc người đó làm có thật sự trái với Kinh-thánh không? Hoặc vấn đề có tùy thuộc phần lớn nơi sự khác biệt về gốc gác giữa tôi với người đó không?» Nếu quả là như thế, hãy cẩn thận để đừng đặt ra luật lệ riêng và dựa vào đó phán đoán (Gia-cơ 4:11, 12). Đức Giê-hô-va chấp nhận cách bất thiên vị những người từ mọi gốc gác và kiên nhẫn đối với họ trong khi họ lớn lên về thiêng liêng.

12. a) Nếu là trường hợp một việc phạm tội nặng trong hội-thánh, ai lo đến việc đó? b) Nhưng trong hoàn cảnh nào thì người bị xúc phạm có trách nhiệm hành động trước tiên? Với mục tiêu gì?

12 Tuy nhiên, nếu một người nào đó trong hội-thánh liên can đến một tội nặng thì việc này cần phải được lưu ý ngay lập tức. Nhưng ai phải làm thế? Thường thì đây là phận sự của các trưởng lão. Dù vậy, nếu điều này liên can đến việc thương nghiệp giữa các anh em, hoặc có thể là lời ăn nói làm thiệt hại nặng nề đến một người nào, thì trước tiên người bị xúc phạm nên tìm cách giúp người gây ra sự xúc phạm trên bình diện cá nhân. Điều đó có lẽ dường như khó làm đối với một số người. Nhưng đây là điều Giê-su khuyên nơi Ma-thi-ơ 18:15-17. Sự yêu thương đối với anh em mình và lòng mong muốn thành tâm thấy người đó cứ mãi là một người anh em sẽ giúp ta làm việc này theo một phương cách sẽ động lòng người lầm lạc, nếu có thể được (Châm-ngôn 16:23).

13. Nếu giữa chúng ta và một người anh em khác có một vấn đề xảy ra, điều gì sẽ giúp chúng ta có quan điểm đúng về sự việc?

13 Khi có một vấn đề khó khăn xảy ra, dù lớn hay nhỏ, chúng ta được giúp đỡ nếu cố gắng hiểu Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về việc này. Ngài không tán thành tội lỗi dưới bất cứ hình thức nào, tuy vậy Ngài nhận thấy trong tất cả chúng ta đều có tội lỗi. Đến thời kỳ Ngài đã ấn định, những kẻ thực hành tội lỗi mà không chịu ăn năn bị thanh lọc ra ngoài tổ chức của Ngài. Nhưng về phần những người còn lại trong chúng ta thì sao? Hết thảy chúng ta đều hưởng sự nhẫn nhục và thương xót của Ngài. Ngài đặt ra gương mẫu để chúng ta noi theo. Khi làm thế, chúng ta phản ảnh sự yêu thương của Ngài (Ê-phê-sô 5:1, 2).

TÌM KIẾM CÁCH “MỞ RỘNG” LÒNG MÌNH

14. a) Tại sao Phao-lô khuyến khích người ở thành Cô-rinh-tô “mở rộng” lòng mình? b) Các câu Kinh-thánh được dẫn chứng nơi đây cho thấy thế nào rằng điều tốt là tất cả chúng ta nên nghĩ đến việc này?

14 Sứ đồ Phao-lô đã dành ra nhiều tháng để xây dựng hội-thánh ở Cô-rinh-tô, Hy-lạp. Ông đã làm lụng khó nhọc để giúp anh em tại đó và ông yêu mến họ. Nhưng một số người trong họ thiếu cảm tình nồng hậu đối với ông. Họ chỉ trích nhiều quá. Ông khuyên họ “mở rộng” lòng yêu mến (II Cô-rinh-tô 6:11-13; 12:15). Điều tốt là tất cả chúng ta nên xem xét mức độ chúng ta bày tỏ sự yêu thương đối với người khác và tìm những cách để “mở rộng” lòng mình (I Giăng 3:14; I Cô-rinh-tô 13:3).

15. Điều gì có thể giúp chúng ta tỏ sự yêu thương nhiều hơn đối với bất cứ người nào chúng ta không mấy cảm thấy thích kết thân?

15 Có một số người nào trong hội-thánh chúng ta nhận thấy khó kết thân được không? Nếu chúng ta cố gắng che lấp các lỗi nhẹ của họ, cũng như chúng ta muốn họ làm thế đối với chúng ta, điều này có thể giúp cho liên lạc giữa chúng ta được nồng hậu (Châm-ngôn 17:9; 19:11). Chúng ta cũng có thể trau dồi cảm tình đối với họ nếu tìm kiếm những đức tính tốt nơi họ và chỉ chú ý đến các đức tính đó mà thôi. Chúng ta có thật sự để ý đến cách Đức Giê-hô-va dùng người anh em đó không? Điều này chắc chắn sẽ khiến sự yêu thương của chúng ta đối với họ gia tăng thêm lên (Lu-ca 6:32, 33, 36).

16. Thực tế mà nói, làm thế nào chúng ta có thể “mở rộng” lòng mình để bày tỏ sự yêu thương đối với những người trong hội-thánh chúng ta?

16 Chắc hẳn chúng ta bị giới hạn trong những điều mà chúng ta có thể làm cho người khác. Có lẽ chúng ta không thể chào hỏi tất cả mọi người ở mỗi buổi nhóm họp. Có lẽ chúng ta không thể mời hết thảy mọi người đến ăn uống tại nhà chúng ta. Tất cả chúng ta đều có những người bạn thân thiết mà chúng ta tới lui nhiều hơn là những người khác. Nhưng chúng ta có thể “mở rộng” lòng mình không? Chúng ta có thể nào dành ra vài phút mỗi tuần để làm quen nhiều hơn với một người nào trong hội-thánh chưa làm bạn thân với chúng ta không? Chúng ta có thể thỉnh thoảng mời họ đi rao giảng với chúng ta không? Nếu chúng ta thật sự có lòng yêu thương nồng nhiệt đối với nhau, chắc chắn chúng ta sẽ tìm cách biểu lộ sự yêu thương đó.

17. Khi ở giữa những anh em mà chúng ta chưa từng gặp gỡ trước đó, điều gì sẽ cho thấy chúng ta cũng có sự yêu thương nồng nhiệt đối với họ?

17 Các cuộc hội nghị của tín đồ đấng Christ cho chúng ta những cơ hội tốt để “mở rộng” sự yêu thương của chúng ta. Có thể có tới hằng ngàn người có mặt tại đó. Chúng ta không thể gặp tất cả mọi người. Nhưng chúng ta có thể cư xử một cách cho thấy chúng ta đặt hạnh phúc của họ lên trên sự thuận tiện cho chúng ta, ngay dù chúng ta chưa gặp gỡ họ lần nào trước đó. Và chúng ta có thể tỏ ra chú ý riêng đến họ bằng cách đi đến bắt chuyện với một số người ở chung quanh chúng ta giữa các phiên họp. Một ngày nào đó tất cả những người sống trên đất sẽ là anh chị em với nhau, hợp nhất trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời và Cha của tất cả mọi người. Thật là một niềm vui lớn biết bao để làm quen với hết thảy họ, biết nhiều đức tính khác nhau của họ! Sự yêu thương nồng nhiệt đối với họ sẽ thúc đẩy chúng ta muốn làm thế. Tại sao không bắt đầu ngay bây giờ?

Thảo Luận Để Ôn Lại

● Khi có vấn đề khó khăn xảy ra giữa anh chị em, nên giải quyết như thế nào? Tại sao?

● Trong khi chúng ta lớn lên về thiêng liêng, chúng ta cũng nên gia tăng sự yêu thương của chúng ta bằng những cách nào?

● Làm thế nào ta có thể tỏ sự yêu thương nồng nhiệt đối với nhiều người hơn là một nhóm nhỏ các bạn thân?

[Câu hỏi thảo luận]