Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cần thực hành sự tin kính trong gia đình

Cần thực hành sự tin kính trong gia đình

Chương 18

Cần thực hành sự tin kính trong gia đình

1. a) Sau khi học được các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va về hôn nhân, nhiều người đã làm những sự thay đổi nào? b) Nhưng đời sống gia đình tín đồ đấng Christ còn bao gồm điều gì nữa?

MỘT SỐ những lẽ thật sưởi ấm lòng mà chúng ta học được trong khi học hỏi Kinh-thánh trước đây có liên quan đến hôn nhân và đời sống gia đình. Chúng ta đã nhận biết Đức Giê-hô-va là Đấng Sáng lập hôn nhân và hiểu rằng qua Kinh-thánh Ngài ban cho chúng ta sự hướng dẫn tốt nhất cho gia đình. Kết quả của sự hướng dẫn đó là nhiều người đã từ bỏ nếp sống tình dục vô luân và lập hôn thú hẳn hoi, thật đáng khen thay! Nhưng đời sống gia đình tín đồ đấng Christ còn phức tạp hơn thế nữa, cũng bao gồm thái độ của chúng ta đối với sự bền vững của liên lạc hôn nhân, sự chu toàn các trách nhiệm trong gia đình, và cách thức chúng ta đối xử với người thân trong nhà (Ê-phê-sô 5:33 đến 6:4).

2. a) Phải chăng mỗi người đều áp dụng ở trong nhà điều gì học biết từ Kinh-thánh? b) Giê-su và Phao-lô nhấn mạnh thế nào tầm quan trọng của việc hành động như thế?

2 Hằng triệu người biết Kinh-thánh nói gì về các đề tài này. Nhưng khi gặp phải vấn đề khó khăn trong nhà, họ không áp dụng Kinh-thánh. Còn chúng ta thì sao? Chắc chắn không một ai trong chúng ta muốn giống như những kẻ bị Giê-su kết án vì trốn tránh điều răn của Đức Chúa Trời đòi hỏi con cái phải tôn kính cha mẹ bằng cách lý luận rằng chỉ cần viện cớ sùng đạo là đủ (Ma-thi-ơ 15:4-9). Chúng ta không muốn làm hạng người có một hình thức tin kính Đức Chúa Trời ở bề ngoài nhưng lại không thực hành sự tin kính đó trong “nhà riêng mình”. Thay vì thế, chúng ta nên muốn bày tỏ sự tin kính Đức Chúa Trời cách chân thật, là một “lợi lớn” (I Ti-mô-thê 5:4; 6:6; II Ti-mô-thê 3:5).

HÔN NHÂN KÉO DÀI BAO LÂU?

3. a) Có gì xảy ra cho nhiều hôn nhân, nhưng chúng ta nên cương quyết làm gì? b) Hãy dùng Kinh-thánh của bạn để trả lời các câu hỏi liệt kê trên đây liên quan đến tính chất bền lâu của hôn nhân.

3 Càng ngày càng có nhiều trường hợp hơn chứng tỏ giây liên lạc hôn nhân rất mỏng manh. Một số người hôn phối đã sống với nhau 20, 30 hoặc 40 năm rồi, bây giờ lại quyết định bắt đầu “cuộc đời mới” với một người khác. Cũng không còn lạ thường gì nữa khi nghe nói một số cặp vợ chồng trẻ ly thân chỉ vài tháng sau khi kết hôn. Bất luận người khác làm gì, chúng ta là những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta nên có sự mong muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời. Lời của Ngài nói gì về điều này?

Khi một người đàn ông và một người đàn bà kết hôn, họ nên trông mong sống với nhau bao lâu? (Rô-ma 7:2, 3; Mác 10:6-9).

Chỉ có nguyên nhân nào để ly dị mới có giá trị trước mặt Đức Chúa Trời? (Ma-thi-ơ 19:3-9; 5:31, 32).

Đức Giê-hô-va ghét tới độ nào các vụ ly dị mà Lời của Ngài không cho phép? (Ma-la-chi 2:13-16).

Kinh-thánh có khuyến khích việc ly thân như là một cách để giải quyết các vấn đề khó khăn giữa vợ chồng không? (I Cô-rinh-tô 7:10-13).

4. Bất kể khuynh hướng hiện đại, tại sao một số hôn nhân được bền lâu?

4 Tại sao một số hôn nhân được bền lâu, trong khi các hôn nhân khác—ngay cả giữa những người nói mình là tín đồ đấng Christ—bị đổ vỡ? Yếu tố then chốt thường là đợi cho đến khi cả hai đều thành thục. Điều quan trọng khác là tìm kiếm người hôn phối cùng chia xẻ các sở thích của mình và chịu thảo luận cách cởi mở. Nhưng điều còn quan trọng hơn nữa là việc một người thực hành sự tin kính chân thật. Nếu một người thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va và tin chắc rằng các đường lối Ngài là đúng, thì có một căn bản lành mạnh để đối phó với vấn đề khó khăn xảy ra (Thi-thiên 119:97, 104; Châm-ngôn 22:19). Hôn nhân của một người như thế không dễ bị lung lay vì cớ thái độ cho rằng, nếu hôn nhân không thành, người đó luôn luôn có thể xin ly thân hoặc ly dị. Người đó sẽ không viện cớ các sự thiếu sót của người hôn phối để trốn tránh trách nhiệm của mình. Thay vì thế, người sẽ học cách đối phó với vấn đề khó khăn của đời sống và tìm ra những giải pháp ổn thỏa.

5. a) Sự trung thành đối với Đức Giê-hô-va có liên hệ thế nào? b) Ngay cả khi gặp phải sự khó khăn gay gắt, việc cương quyết ủng hộ các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va có thể đem lại lợi ích gì?

5 Chúng ta biết rõ Ma-quỉ tranh luận rằng khi chính chúng ta trải qua sự đau khổ chúng ta sẽ lờ đi đường lối Đức Giê-hô-va và kết luận rằng tốt hơn nên tự quyết định lấy điều thiện và điều ác cho mình. Nhưng những người trung thành với Đức Giê-hô-va không giống thế (Gióp 2:4, 5; Châm-ngôn 27:11). Đại đa số Nhân-chứng Giê-hô-va, dù bị người hôn phối không tin đạo bạc đãi, không chối bỏ các lời kết hứa về hôn nhân (Ma-thi-ơ 5:37). Sau nhiều năm, một số người đã có ngay cả niềm vui thấy người hôn phối quay về phụng sự Đức Giê-hô-va cùng với mình (I Cô-rinh-tô 7:16; I Phi-e-rơ 3:1, 2). Về phần những người khác, người hôn phối họ không cho thấy dấu hiệu thay đổi hoặc đã bỏ rơi họ vì họ đứng vững trong đức tin—những người này cũng biết rằng họ được ban phước dồi dào nhờ làm theo các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Dưới hình thức nào? Hoàn cảnh của họ đã dạy họ đến gần Đức Giê-hô-va hơn. Họ đã học cách thể hiện rõ các đức tính của Đức Chúa Trời ngay cả trong nghịch cảnh. Họ là những người có đời sống chứng tỏ rõ rệt quyền lực của sự tin kính (Thi-thiên 55:22; Gia-cơ 1:2-4; II Phi-e-rơ 1:5, 6).

MỖI NGƯỜI LÀM PHẦN MÌNH

6. Ta phải tôn trọng sự sắp đặt nào để thành công trong hôn nhân?

6 Dĩ nhiên, chỉ ở cùng nhau không đủ để có hạnh phúc thật trong hôn nhân, nhưng cần phải làm nhiều hơn. Một nhu cầu căn bản là mỗi người trong gia đình bày tỏ sự tôn trọng quyền lãnh đạo do Đức Giê-hô-va sắp đặt. Điều này giúp có vào trật tự và cảm giác an toàn trong gia đình (I Cô-rinh-tô 11:3; Tít 2:4, 5; Châm-ngôn 1:8, 9; 31:10, 28).

7. Quyền lãnh đạo trong gia đình nên được hành sử thế nào?

7 Phải hành sử quyền lãnh đạo như thế nào? Bằng một cách cho thể hiện rõ các đức tính của Giê-su Christ. Giê-su cương quyết ủng hộ các đường lối của Đức Giê-hô-va; ngài yêu chuộng sự công bình và ghét điều phi pháp (Hê-bơ-rơ 1:8, 9). Ngài cũng tha thiết yêu mến hội-thánh, cung cấp lời chỉ dẫn cần thiết và chăm sóc hội-thánh. Ngài không kiêu căng và khinh khi nhưng, trái lại, “có lòng nhu-mì, khiêm-nhường”, và những ai ở dưới quyền lãnh đạo của ngài có cảm giác «linh hồn của họ được yên nghỉ» (Ma-thi-ơ 11:28, 29; Ê-phê-sô 5:25-33). Khi một người chồng và cha đối xử với gia đình mình như thế, rõ ràng ông đang phục tùng đấng Christ, ngài đặt ra gương mẫu hoàn hảo về sự tin kính. Dĩ nhiên, các bà mẹ theo đấng Christ cũng nên thể hiện rõ các đức tính ấy khi đối xử với con cái.

8. a) Trong một số gia đình, tại sao dường như các phương pháp tín đồ đấng Christ không đem lại kết quả? b) Chúng ta nên làm gì trước một tình trạng như thế?

8 Tuy nhiên, vì bản thể bất toàn của loài người những vấn đề khó khăn có thể xảy ra. Một số người có thể đã quen tánh cảm thấy bực bội trước sự chỉ huy của người khác tới một mức độ nào đó trước khi có người nào trong gia đình bắt đầu áp dụng các nguyên tắc Kinh-thánh. Lời yêu cầu tử tế và cách hành động yêu thương dường như không đem lại kết quả. Chúng ta biết rằng Kinh-thánh nói nên từ bỏ “sự...buồn-giận, tức mình, kêu-rêu, mắng-nhiếc” (Ê-phê-sô 4:31). Nhưng nên làm gì, nếu một số người dường như không hiểu gì khác hơn? Giê-su đã phản ứng thế nào trước áp lực nặng nề? Ngài đã không bắt chước những kẻ hăm dọa và chưởi rủa. Thay vì thế, ngài phó thác chính mình cho Cha ngài, tin cậy nơi Cha ngài (I Phi-e-rơ 2:22, 23). Cũng thế, nếu tình thế gay go xảy ra trong nhà, chúng ta chứng tỏ có sự tin kính nếu quay về Đức Giê-hô-va, cầu nguyện xin Ngài giúp đỡ, thay vì làm theo đường lối của thế gian (Châm-ngôn 3:5-7).

9. Thay vì phanh phui lỗi lầm, nhiều người chồng tín đồ đấng Christ đã học dùng các phương pháp nào?

9 Các sự thay đổi không luôn luôn được thực hiện cách nhanh chóng, nhưng lời khuyên của Kinh-thánh thật sự có hiệu nghiệm. Nhiều người chồng trước kia đã thường phàn nàn cay đắng về các khuyết điểm của vợ, nay nhận thấy tình thế khả quan hơn khi chính họ hiểu được trọn vẹn hơn cách đấng Christ đối xử với hội-thánh. Hội-thánh ấy không gồm có những con người hoàn toàn. Tuy vậy Giê-su yêu thương hội-thánh, đặt ra gương mẫu cho họ, ngay cả phó sự sống ngài vì họ, và dùng Kinh-thánh để giúp họ trau dồi đức tính hầu có thể cùng nhau làm hài lòng ngài (Ê-phê-sô 5:25-27; I Phi-e-rơ 2:21). Gương mẫu của ngài khuyến khích nhiều người chồng tín đồ đấng Christ cố gắng làm gương tốt và sẵn lòng giúp đỡ cách yêu thương để cải thiện. Các phương pháp như thế đem lại nhiều kết quả tốt hơn là việc phanh phui lỗi lầm cách cay đắng hoặc chỉ giản dị từ chối nói chuyện.

10. a) Một người chồng và cha—dù nói mình là tín đồ đấng Christ—có thể làm cho những người khác trong nhà khó sống thế nào? b) Để cải thiện tình thế có lẽ nên làm gì?

10 Dĩ nhiên, có lẽ chính những sự thiếu sót của người chồng và cha đem lại vấn đề khó khăn trong gia đình. Nói gì nếu ông không lưu tâm đến nhu cầu tình cảm của gia đình hoặc không thật sự dẫn đầu bằng cách sắp đặt để thảo luận Kinh-thánh trong nhà hoặc làm các hoạt động khác? Nhiều gia đình gặt được kết quả tốt sau khi thẳng thắn và kính cẩn thảo luận vấn đề khó khăn (Châm-ngôn 15:22; 16:23; 31:26). Nhưng ngay dù không gặt được kết quả mong muốn, mỗi người có thể góp phần đáng kể vào việc làm cho bầu không khí gia đình trở nên tốt hơn bằng cách chính mình vun trồng bông trái của thánh linh và tỏ ra lo lắng và chú trọng đầy yêu thương đến những người khác trong gia đình. Ta sẽ thấy sự tiến bộ, không phải nhờ chờ đợi người khác hành động, nhưng nhờ chính chúng ta làm trọn phần mình, như vậy chứng tỏ rằng cá nhân chúng ta thực hành sự tin kính trong gia đình (Cô-lô-se 3:18-20, 23, 24).

TÌM ĐÂU RA CÁC CÂU TRẢ LỜI?

11, 12. a) Đức Giê-hô-va đã cung cấp điều gì để giúp chúng ta giải quyết các vấn đề khó khăn trong đời sống gia đình? b) Chúng ta được khuyến khích nên làm gì để tận hưởng sự giúp đỡ đó?

11 Người ta có thể tìm lời khuyên cho các việc trong gia đình từ nhiều nơi khác nhau. Nhưng chúng ta biết rằng Lời Đức Chúa Trời chứa đựng lời khuyên tốt nhất, và chúng ta biết ơn vì Ngài dùng tổ chức hữu hình của Ngài để giúp chúng ta áp dụng các lời khuyên đó. Bạn có tận hưởng sự giúp đỡ đó không? (Thi-thiên 119:129, 130; Mi-chê 4:2).

12 Ngoài việc tham dự các buổi nhóm họp trong hội-thánh, bạn có đều đặn dành thì giờ cho buổi học hỏi Kinh-thánh gia đình không? Các gia đình làm điều này đều đặn mỗi tuần trở nên hợp nhất trong sự thờ phượng của họ. Đời sống gia đình họ được phong phú nhờ thảo luận việc áp dụng Lời Đức Chúa Trời vào hoàn cảnh gia đình họ. (So sánh Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:18-21).

13. a) Nếu chúng ta có những câu hỏi đặc biệt về các vấn đề giữa vợ chồng hoặc trong gia đình, chúng ta thường có thể tìm thấy sự giúp đỡ cần yếu ở đâu? b) Ta nên thể hiện rõ điều gì trong mọi quyết định của chúng ta?

13 Có lẽ bạn có những câu hỏi đặc biệt về các vấn đề giữa vợ chồng hoặc trong gia đình. Chẳng hạn, nói gì về việc kiểm soát sự sinh sản? Việc giải phẫu để không có con có thích hợp cho người tín đồ đấng Christ không? Việc phá thai có được biện minh trong trường hợp đứa bé sanh ra rất có thể sẽ bị tật nguyền không? Việc giao hợp giữa vợ chồng có bị giới hạn trong một phạm vi nào đó không? Nếu một thanh thiếu niên ít tỏ ra chú trọng đến các điều thiêng liêng, ta nên đòi hỏi nó tham gia vào sự thờ phượng cùng với gia đình đến mức độ nào? Chắc hẳn bạn có ý kiến riêng về mỗi đề tài này. Nhưng bạn có thể trả lời dựa trên nguyên tắc Kinh-thánh không? Mỗi câu hỏi nêu trên đã được thảo luận trong tạp chí Tháp Canh. Hãy tập dùng các bảng đối chiếu hiện có để tìm các tài liệu ấy. Nếu bạn không có các sách báo hơi xưa được các bảng đối chiếu đề cập đến, hãy xem trong thư viện của Phòng Nước Trời. Chớ nên chờ đợi có câu trả lời dứt khoát, hoặc “Có” hoặc “Không” cho mỗi câu hỏi. Đôi khi bạn phải quyết định—trên bình diện cá nhân hoặc với tư cách vợ chồng. Nhưng hãy tập làm những quyết định thể hiện rõ sự yêu thương của bạn đối với Đức Giê-hô-va và những người trong gia đình. Hãy làm các quyết định chứng tỏ rằng bạn có lòng mong muốn thành tâm làm hài lòng Đức Chúa Trời. Nếu làm thế, cả Đức Giê-hô-va lẫn những người khác quen thân với bạn sẽ thấy rõ bạn thật sự thực hành sự tin kính không những trước mắt người ngoài, mà cũng trong gia đình bạn nữa (Ê-phê-sô 5:10; Rô-ma 14:19).

Thảo Luận Để Ôn Lại

● Sự trung thành với Đức Giê-hô-va liên can thế nào tới việc chung thủy trong hôn nhân?

● Khi các vấn đề khó khăn trong gia đình gây áp lực, điều gì sẽ giúp chúng ta làm hài lòng Đức Chúa Trời?

● Ngay dù những người khác trong gia đình có thiếu sót, chúng ta có thể làm gì để khiến cho tình thế trở nên tốt hơn?

[Câu hỏi thảo luận]