Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ghi nhớ trong trí ngày của Đức Giê-hô-va

Ghi nhớ trong trí ngày của Đức Giê-hô-va

Chương 23

Ghi nhớ trong trí ngày của Đức Giê-hô-va

1. a) Lần đầu tiên khi bạn biết được là gần thoát khỏi những phiền toái của hệ thống mọi sự cũ này, bạn đã phản ứng thế nào? b) Chúng ta nên xem xét kỹ lưỡng các câu hỏi nào liên quan đến điều này?

CHẮC HẲN một trong những điều bạn biết được trước nhất qua việc học Kinh-thánh là chúng ta gần thoát khỏi những phiền toái của sự sống trong hệ thống mọi sự hiện tại (Lu-ca 21:28). Bạn hiểu được ý định của Đức Chúa Trời là toàn thể trái đất sẽ biến thành một Địa-đàng. Tội ác, chiến tranh, bệnh tật và sự chết sẽ không còn nữa, và ngay cả những người thân đã chết rồi sẽ được sống lại. Thật là một triển vọng sưởi ấm lòng! Các bằng chứng cụ thể là đấng Christ hiện diện cách vô hình với tư cách là Vua đương kim kể từ năm 1914 tây lịch và từ lúc đó chúng ta sống trong những ngày cuối cùng của thế gian hung ác này nhấn mạnh cho thấy tất cả những điều đó gần đến. Sự hiểu biết này có khiến bạn làm những thay đổi trong đời sống không? Lối sống của bạn có thật sự chứng tỏ bạn tin chắc rằng “ngày Đức Giê-hô-va” gần đến không?

2. a) Khi nào thì “ngày Đức Giê-hô-va” sẽ đến? b) Sự kiện Đức Giê-hô-va không tiết lộ “ngày và giờ đó” tỏ ra có ích như thế nào?

2 Kinh-thánh cho thấy rõ rằng “thế-hệ” chứng kiến lúc đấng Christ bắt đầu hiện diện cũng sẽ thấy “ngày lớn của Đức Giê-hô-va”, khi Ngài thi hành sự phán xét trên tất cả những kẻ thực hành điều không công bình (Ma-thi-ơ 24:34; Sô-phô-ni 1:14 đến 2:3). Những người trong “thế-hệ” đó giờ đây rất lớn tuổi. Nhưng Kinh-thánh không nêu rõ cho biết ngày nào Giê-su Christ sẽ đến với tư cách đấng thi hành án phạt nghịch lại hệ thống mọi sự trên đất của Sa-tan. Giê-su nói: “Về ngày và giờ đó, chẳng ai biết chi hết, các thiên-sứ trên trời, hay là Con cũng chẳng biết nữa; song chỉ Cha mà thôi” (Mác 13:32). Điều này đã tỏ ra rất có ích. Như thế nào? Điều đó giúp phơi bày ra điều gì người ta có ở trong lòng. Nếu có ai không thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va, kẻ đó có khuynh hướng dời lại “ngày” của Ngài trong trí họ và theo đuổi các mục tiêu thế tục mà lòng họ ưa thích. Đức Giê-hô-va chấp nhận cho làm tôi tớ Ngài chỉ những người thật sự yêu mến Ngài và chứng tỏ điều đó qua việc phụng sự Ngài hết lòng, bất kể sự cuối cùng của hệ thống ác đến khi nào. Đức Chúa Trời và Con Ngài không chấp nhận những kẻ hâm hẩm hoặc có hai lòng (Khải-huyền 3:16; Thi-thiên 37:4; I Giăng 5:3).

3. Giê-su nói gì để cảnh giác chúng ta về vấn đề này?

3 Khi dặn những người yêu mến Đức Giê-hô-va hãy đề phòng, Giê-su nói: “Hãy giữ mình, tỉnh-thức; vì các ngươi chẳng biết kỳ đó đến khi nào” (Mác 13:33-37). Ngài khuyến khích chúng ta chớ nên để cho việc ăn uống hoặc “sự lo-lắng đời nầy” khiến chúng ta bận tâm quá nhiều đến nỗi quên rằng chúng ta đang sống trong một thời kỳ nghiêm trọng (Lu-ca 21:34-36; Ma-thi-ơ 24:37-42).

4. Như Phi-e-rơ giải thích, “ngày Đức Giê-hô-va” sẽ đem lại điều gì?

4 Sau đó, sứ đồ Phi-e-rơ khuyên tất cả những người có đức tin thật sự hãy “chờ-đợi trông-mong cho ngày Đức [Giê-hô-va] mau đến, là ngày các từng trời sẽ bị đốt mà tiêu-tán, các thể-chất sẽ bị thiêu mà tan chảy đi”. Không ai trong chúng ta nên bao giờ coi nhẹ sự kiện “ngày Đức Giê-hô-va” gần đến. Các chính phủ hữu hình tượng trưng bởi các từng trời và xã hội loài người gian ác sắp sửa được thay thế bởi “trời mới [và] đất mới” do Đức Chúa Trời dựng nên, và tất cả các “thể-chất” liên kết với hệ thống thế gian hiện tại—với thái độ độc lập, lối sống vô luân và duy vật—sẽ bị tiêu mất trong lửa của sự hủy diệt trong “ngày Đức Giê-hô-va” (II Phi-e-rơ 3:10-13). Chúng ta cần phải cảnh giác đề phòng, ý thức rằng các biến cố làm rúng động cả thế giới có thể bắt đầu vào bất cứ lúc nào (Ma-thi-ơ 24:44).

CANH CHỪNG ĐÓN XEM CÁC BIẾN CỐ LÀM ỨNG NGHIỆM ĐIỀM

5. a) Lời giải đáp của Giê-su cho câu hỏi ghi nơi Ma-thi-ơ 24:3 được áp dụng tới mức độ nào cho sự cuối cùng của hệ thống Do-thái? b) Phần nào trong câu trả lời của ngài dồn sự chú ý đến các biến cố diễn ra từ năm 1914 trở về sau?

5 Đặc biệt vì cớ thời kỳ chúng ta đang sống, chúng ta nên biết rõ các chi tiết của điềm tổng hợp đánh dấu “ngày sau-rốt” hoặc “sự cuối cùng của hệ thống mọi sự”. Để đọc đúng điềm đó, chúng ta cần phải ghi nhớ trong trí rằng khi Giê-su trả lời câu hỏi của các môn đồ ghi trong Ma-thi-ơ 24:3 (NW), một số điều ngài nói được áp dụng cho sự cuối cùng của hệ thống Do-thái trong thế kỷ thứ nhất, nhưng sự áp dụng chính yếu xảy ra sau thời kỳ đó rất lâu. Điều ngài miêu tả từ Ma-thi-ơ 24 câu 4 đến 22 đã được ứng nghiệm trong phạm vi nhỏ hẹp từ năm 33 đến năm 70 tây lịch. Nhưng lời tiên tri này có sự ứng nghiệm lớn hơn vào thời chúng ta và nhận diện giai đoạn kể từ năm 1914 tây lịch là thời kỳ “hiện diện của [đấng Christ] và sự cuối cùng của hệ thống mọi sự” (Cũng ở Mác 13:5-20 và Lu-ca 21:8-24). Ma-thi-ơ 24:23-28 nói cho biết điều gì sẽ diễn ra từ năm 70 tây lịch cho đến thời kỳ đấng Christ hiện diện. (Cũng ở Mác 13:21-23). Còn về các diễn biến được tả ra từ Ma-thi-ơ 24:29 đến cuối Ma-thi-ơ đoạn 25, những điều này chỉ đến giai đoạn từ năm 1914 tây lịch. (Cũng ở Mác 13:24-37 và Lu-ca 21:25-36).

6. a) Tại sao cá nhân chúng ta nên canh chừng để xem thế nào các biến cố hiện hành làm ứng nghiệm “điềm”? b) Hãy trả lời các câu hỏi ở cuối đoạn để chứng tỏ “điềm” được ứng nghiệm thế nào từ năm 1914.

6 Chính cá nhân chúng ta nên quan sát các biến cố hiện đang làm ứng nghiệm “điềm”. Sự kiện chúng ta liên kết các biến cố với lời tiên tri của Kinh-thánh sẽ giúp chúng ta “chờ-đợi trông-mong” ngày Đức Giê-hô-va. Điều đó cũng giúp chúng ta cảnh cáo người khác với giọng thuyết phục về “ngày báo thù của Đức Chúa Trời chúng ta” gần đến (Ê-sai 61:1, 2). Ghi nhớ các mục tiêu này trong trí, hãy ôn lại các khía cạnh sau đây của “điềm”.

Lời tiên tri là “dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia” được ứng nghiệm một cách phi thường thế nào kể từ năm 1914 tây lịch? Có điều gì xảy ra ngay cả cách đây vài tháng bổ túc thêm sự ứng nghiệm đó?

Bất kể sự hiểu biết về khoa học trong thế kỷ 20, nạn đói kém ảnh hưởng đến trái đất tới mức độ nào?

Sự kiện động đất xảy ra thường hết nơi này đến nơi khác từ năm 1914 tây lịch có thật sự khác biệt với các thời kỳ khác không?

Năm 1918 bệnh dịch nào gieo chết chóc nhiều hơn là trận thế chiến nữa? Bất kể sự hiểu biết về y học, các chứng bệnh nào vẫn còn đạt tới mức độ cao như dịch lệ?

Bạn có thấy những bằng chứng cụ thể nào cho biết con người bủn rủn vì sợ hãi, như được tiên tri nơi Lu-ca 21:26 không?

Điều gì thuyết phục bạn rằng các tình trạng được mô tả nơi II Ti-mô-thê 3:1-5 không phải là lối sống như hồi nào tới giờ, nhưng những tình trạng đó đã trở nên trầm trọng thêm đến mức độ gây sửng sốt trong khi chúng ta càng tiến đến gần giai đoạn chót của ngày sau rốt?

PHÂN RẼ NGƯỜI NÀY VỚI NGƯỜI KIA

7. a) Giê-su liên kết biến cố nào khác, được mô tả nơi Ma-thi-ơ 13:36-43, với sự cuối cùng của hệ thống mọi sự? b) Lời ví dụ đó có nghĩa gì?

7 Giê-su cũng liên kết mật thiết các biến cố đầy ý nghĩa khác với sự cuối cùng của hệ thống mọi sự. Một trong các biến cố này là việc phân rẽ “con-cái nước thiên-đàng” khỏi “con-cái quỉ dữ”. Giê-su nói về điều này trong lời ví dụ của ngài về một cánh đồng lúa mì bị kẻ thù gieo thêm cỏ lùng vào. “Lúa mì” trong lời ví dụ của ngài tượng trưng cho tín đồ được xức dầu của đấng Christ. “Cỏ lùng” là các tín đồ giả mạo. Trong thời kỳ cuối cùng của hệ thống mọi sự, “cỏ lùng”—tức những người tự xưng là tín đồ đấng Christ nhưng tỏ ra là “con cái quỉ dữ” vì chúng bám chặt vào thế gian dưới sự cai trị của Ma-quỉ—bị tách ra khỏi “con-cái nước [Đức Chúa Trời]” và bị ghi dấu dành cho sự hủy diệt (Ma-thi-ơ 13:36-43). Điều này có thật sự diễn ra không?

8. a) Sau Thế chiến thứ I, có một cuộc phân rẽ vĩ đại nào về tất cả những người tự xưng là tín đồ đấng Christ? b) Các tín đồ thật được xức dầu của đấng Christ cho thấy rõ thế nào rằng họ quả thật là “con-cái nước thiên-đàng”?

8 Thật thế, sau Thế chiến thứ I, có một cuộc phân rẽ vĩ đại về tất cả những người tự xưng là tín đồ đấng Christ làm hai hạng: 1) Giới chức giáo phẩm của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ và môn đồ của họ, ủng hộ mạnh mẽ Hội Quốc Liên (nay là Liên Hiệp Quốc), trong khi vẫn bám chặt vào chủ nghĩa quốc gia. 2) Một số tương đối ít các tín đồ thật được xức dầu của đấng Christ vào thời hậu chiến, hoàn toàn ủng hộ Nước Đức Chúa Trời do đấng Mê-si cai trị. Hạng người thứ nhất, bởi ủng hộ công khai các chính phủ thế gian làm như đó là công cụ đem lại hòa bình và an ninh, cho thấy rõ họ không phải là tín đồ thật của đấng Christ (Giăng 17:16). Trái lại, các tôi tớ Đức Giê-hô-va nhận diện đúng Hội Quốc Liên như là “sự gớm-ghiếc tàn-nát” thời nay, được ghi nơi Ma-thi-ơ 24:15. Họ tỏ ra họ là “con-cái [thật sự của] nước [Đức Chúa Trời]”, họ bắt tay vào việc rao giảng “[tin mừng] nầy về nước Đức Chúa Trời...ra khắp đất” (Ma-thi-ơ 24:14). Kết quả là gì?

9. Công việc rao giảng về Nước Trời đã đem lại kết quả đầu nhất nào?

9 Trước nhất, có sự gom góp số còn sót lại của “những kẻ đã được lựa-chọn”, các tín đồ đấng Christ được xức dầu bằng thánh linh. Dù sống rải rác thưa thớt giữa các nước, tưởng chừng như là “ở khắp bốn phương”, họ đã được phối hiệp lại trong một tổ chức hợp nhất dưới sự hướng dẫn của thiên sứ (Ma-thi-ơ 24:31).

10. a) Một công việc phân rẽ khác diễn ra thế nào, và phù hợp với lời tiên tri nào? b) Sự ứng nghiệm các lời tiên tri này có nghĩa gì?

10 Rồi, như Giê-su tiên tri, ngài bắt đầu phân rẽ dân của mọi nước, “như kẻ chăn chiên chia chiên với dê ra”. Công việc này do đấng Christ chỉ huy từ ngôi ngài ở trên trời, vẫn còn tiếp diễn cho đến nay, và ảnh hưởng đến chính cá nhân bạn. Phần đông nhân loại từ chối Nước Đức Chúa Trời và các “con-cái” Nước Trời được thánh linh xức dầu, và vì vậy họ bị để dành cho “hình-phạt đời đời” trong sự chết. Tuy nhiên, đối với những người khác thì Chúa mời họ thừa hưởng lãnh vực trên đất thuộc về Nước Trời của ngài, với triển vọng được sống đời đời. Những người ấy giống như chiên kết hợp với “con-cái nước thiên-đàng” được xức dầu, dù những người này bị bắt bớ tàn nhẫn (Ma-thi-ơ 25:31-46). Họ trung thành giúp những người này cổ động thông điệp trọng yếu về Nước Trời. Một đám đông lên đến hàng triệu người đang tham gia vào công việc này. Ngay cả những nơi xa xôi nhất của trái đất cũng được nghe nói đến thông điệp Nước Trời. Các biến cố này có nghĩa gì? Có nghĩa là chúng ta sống rất gần sự cuối cùng của những “ngày sau-rốt” và “ngày Đức Giê-hô-va” rất gần đến.

ĐIỀU GÌ SẮP XẢY RA?

11. Có còn phải rao giảng nhiều hơn nữa trước khi “ngày Đức Giê-hô-va” đến không?

11 Còn có những lời tiên tri nào khác sẽ được ứng nghiệm trước khi ngày lớn và kinh khiếp của Đức Giê-hô-va bắt đầu không? Có! Việc phân rẽ người này với người kia về vấn đề Nước Trời chưa kết thúc. Tại vài nơi có sự chống đối mãnh liệt qua nhiều năm rồi, hiện có thật nhiều môn đồ mới đang đổ xô đến. Và ngay cả ở những nơi mà người ta từ chối tin mừng, việc làm chứng rao giảng cho mọi người thấy sự công bình và thương xót của Đức Giê-hô-va. Vậy, hãy tiến lên làm công việc rao giảng! Giê-su bảo đảm với chúng ta rằng, khi việc đó xong xuôi, “sự cuối-cùng sẽ đến” (Ma-thi-ơ 24:14).

12. a) Như I Tê-sa-lô-ni-ca 5:2, 3 cho thấy, biến cố nào đáng lưu ý chưa xảy ra? b) Điều đó sẽ có nghĩa gì đối với chúng ta?

12 Một lời tiên tri khác thật đầy ý nghĩa của Kinh-thánh báo trước: “Khi người ta sẽ nói rằng: “Bình-hòa và an-ổn, thì tai-họa thình-lình vụt đến, như sự đau-đớn xảy đến cho đờn-bà có nghén, và người ta chắc không tránh khỏi đâu” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:2, 3). Phải chờ đợi mới biết được lời hô hào “hòa bình, an ninh” sẽ diễn ra dưới hình thức nào. Nhưng chắc chắn là lời hô hào đó không có nghĩa là các lãnh tụ thế giới đã thật sự giải quyết các vấn đề của nhân loại. Những người “chờ-đợi trông-mong” ngày Đức Giê-hô-va mau đến sẽ không bị lời hô hào đó đánh lừa. Họ biết rằng, liền sau đó, “tai-họa thình-lình” vụt đến.

13. Các biến cố nào sẽ xảy ra liền sau khi có lời hô hào “bình-hòa và an-ổn”, và theo thứ tự nào?

13 Trước nhất, như Kinh-thánh cho thấy, các nhà cầm quyền chính trị ở khắp đất sẽ quay sang nghịch lại Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo giả thế giới, và hủy diệt nó (Khải-huyền 17:15, 16). Thật thế, điều đáng lưu ý là đặc biệt các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đang gặp phải thái độ hiềm khích ngay bây giờ. Một số chính phủ kịch liệt chống lại tôn giáo đang gây được ảnh hưởng mạnh trong Liên Hiệp Quốc rồi, và chính quần chúng ở trong những nước có truyền thống tôn giáo đang ồ ạt rời bỏ tôn giáo của tổ tiên họ. Tất cả mọi điều này có nghĩa gì? Có nghĩa là gần đến lúc tàn phá tất cả tôn giáo giả. Kế đến, khi các nước đầy vẻ khiêu khích quay sang hùng hổ chống lại những người ủng hộ quyền thống trị của Đức Giê-hô-va, cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời sẽ giáng xuống các chính phủ chính trị cùng những kẻ ủng hộ chúng, để rồi sau cùng hủy diệt chúng hoàn toàn. Sau rốt, chính Sa-tan và các quỉ sứ của hắn sẽ bị quăng xuống vực sâu, hoàn toàn bị xiềng xích, không còn gây ảnh hưởng trên nhân loại được nữa. Thật vậy, đó sẽ là “ngày Đức Giê-hô-va”, ngày mà danh Đức Chúa Trời sẽ được nâng cao (Ê-xê-chi-ên 38:18, 22, 23; Khải-huyền 19:11 đến 20:3).

14. Tại sao lý luận rằng ngày Đức Giê-hô-va hãy còn xa lắm là thiếu khôn ngoan?

14 Ngày đó sẽ đến đúng hạn kỳ, thể theo lịch trình của Đức Chúa Trời. Sẽ không có sự chậm trễ nào (Ha-ba-cúc 2:3). Hãy nhớ rằng sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem năm 70 tây lịch đã đến nhanh chóng, lúc người Do-thái không ngờ tới, khi họ tưởng là nguy hiểm đã qua. Và về xứ Ba-by-lôn thời xưa thì sao? Xứ đó hùng mạnh, đầy tin tưởng, có tường thành kiên cố dày đặc. Nhưng lại sụp đổ chỉ trong một đêm. Cũng giống như vậy, “tai-họa thình-lình” sẽ bủa xuống hệ thống ác hiện tại. Khi việc đó xảy ra, mong sao chúng ta đang hợp nhất trong sự thờ phượng thật, vì đã “chờ-đợi trông-mong” ngày Đức Giê-hô-va!

Thảo Luận Để Ôn Lại

● Tại sao “chờ-đợi trông-mong” ngày Đức Giê-hô-va là điều trọng yếu? Chúng ta có thể làm điều đó thế nào?

● Việc phân rẽ người này với người kia đang diễn ra có ảnh hưởng thế nào đến cá nhân chúng ta?

● Trước khi ngày Đức Giê-hô-va bắt đầu, điều gì hãy còn phải xảy ra? Vậy cá nhân chúng ta nên làm gì?

[Câu hỏi thảo luận]