Hợp nhất trong sự thờ phượng—Điều đó có nghĩa gì?
Chương 1
Hợp nhất trong sự thờ phượng—Điều đó có nghĩa gì?
1, 2. a) Sự hợp nhất trong sự thờ phượng thật đã được thể hiện trong thời chúng ta ngày nay dựa trên căn bản nào? b) Kinh-thánh tả thế nào về điều gì đang xảy ra?
TRÊN khắp đất hiện có một phong trào rất hào hứng hướng tới sự thờ phượng hợp nhất với sự tham gia tích cực của những người thuộc mọi quốc gia, mọi chi phái và mọi ngôn ngữ. Sự hợp nhất giữa họ không đạt được do sự nhượng bộ trong các tín ngưỡng của chính mình, và cũng chẳng do sự bỏ qua không chỉ trích lối sống của người khác đi trái với Kinh-thánh. Vậy thì làm sao có thể hợp nhất được? Sự kiện là có những người khắp nơi đang học biết Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời có một và thật và sẵn sàng sống phù hợp với những đường lối công bình của Ngài. (So sánh Khải-huyền 15:3, 4).
2 Điều này là sự ứng nghiệm của một lời tiên tri được ghi chép cách đây chừng 2.700 năm do nhà tiên tri Mi-chê. Ông đã viết liên quan đến “những ngày sau-rốt” như sau: “Nhiều nước sẽ đi đến đó, mà rằng: Hãy đến, chúng ta hãy lên núi của Đức Giê-hô-va, nơi nhà của Đức Chúa Trời Gia-cốp! Ngài sẽ dạy chúng ta về đường-lối Ngài, và chúng ta sẽ đi trong các nẻo Ngài” (Mi-chê 4:1, 2). * Bạn có thấy điều đó đang xảy ra không?
3, 4. a) Sự kiện các “nước” đang đến nhà của Đức Giê-hô-va xảy ra thật như thế nào? b) Chúng ta nên tự đặt những câu hỏi nào?
3 Không có toàn thể “nước” nào đến trình diện tại nhà thờ phượng thiêng liêng của Đức Giê-hô-va. Nhưng những cá nhân riêng rẽ từ những nước ấy đang làm như thế. Khi họ học biết ý định đầy yêu thương và nhân cách hấp dẫn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, lòng họ cảm kích sâu đậm. Họ tìm kiếm cách khiêm nhường những gì mà Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi họ. Họ cầu nguyện giống như Đa-vít, một người có đức tin, đã cầu xin: “Xin dạy tôi làm theo ý-muốn Chúa, Vì Chúa là Đức Chúa Trời tôi” (4 Bạn có ở giữa đám đông những người thờ phượng Đức Giê-hô-va như thế không? Thái độ của bạn đối với sự dạy dỗ nhận được có chứng tỏ bạn thành thật hiểu rõ rằng sự dạy dỗ đó đến từ Đức Giê-hô-va không? Bạn đang “đi trong các nẻo Ngài” tới mức nào?
SỰ HỢP NHẤT ĐẠT ĐƯỢC THẾ NÀO?
5. a) Sau cùng sự thờ phượng hợp nhất sẽ được thực hiện tới mức độ nào? b) Tại sao cần cấp bách trở nên một người thờ phượng Đức Giê-hô-va bây giờ, và chúng ta có thể làm gì để giúp người khác cũng làm như thế?
5 Ý định của Đức Giê-hô-va là tất cả những tạo vật thông minh được hợp nhất trong sự thờ phượng—không ai bị lừa dối bởi sự sai lầm, không ai đi quờ quạng vì không tìm ra ý nghĩa thật sự của đời sống. Chúng ta nóng lòng chờ đợi biết bao ngày mà tất cả mọi sinh vật đều sẽ chúc phước Đức Chúa Trời có một và thật! (Thi-thiên 103:19-22). Nhưng trước khi việc đó có thể xảy ra, Đức Giê-hô-va phải loại bỏ tất cả những kẻ chê khinh vương quyền đầy yêu thương của Ngài và cứ khăng khăng phá hoại đời sống của người khác. Với lòng thương xót, Ngài báo trước điều mà Ngài sẽ làm. Khắp nơi người ta có cơ hội để thay đổi nếp sống của họ. Vậy ngay trong thời chúng ta ngày nay, lời kêu gọi cấp bách này đang được loan ra trên khắp thế giới: “Hãy kính-sợ Đức Chúa Trời, và tôn-vinh Ngài, vì giờ phán-xét của Ngài đã đến; hãy thờ-phượng Đấng dựng nên trời, đất, biển và các suối nước” (Khải-huyền 14:6, 7). Bạn đã nhận lời mời này chưa? Nếu có, thì bây giờ bạn có đặc ân hợp tác với tổ chức của Đức Giê-hô-va để giúp người khác làm thế.
6. Sau khi đã học biết những điều dạy dỗ căn bản trong Kinh-thánh, chúng ta cần cố gắng tiến bộ hơn như thế nào?
6 Ý định của Đức Chúa Trời không phải là đem vào tổ chức Ngài những kẻ chỉ nói họ tin nơi Đức Giê-hô-va và họ muốn sống trong Địa-đàng, nhưng đồng thời vẫn tiếp tục theo đuổi những quyền lợi cá nhân ích kỷ của mình. Ngài muốn người ta đạt đến “sự hiểu biết [chính xác] về ý-muốn của Ngài”, và điều này phải được thể hiện trong đời sống của họ (Cô-lô-se 1:9, 10). Sau khi những người biết ơn học biết những điều dạy dỗ căn bản trong Kinh-thánh, họ muốn tiến bộ tới sự thành thục của người tín đồ đấng Christ. Họ muốn biết Đức Giê-hô-va cách sâu xa hơn, mở rộng và đào sâu sự hiểu biết về Lời của Ngài, và áp dụng Kinh-thánh một cách trọn vẹn hơn nữa vào đời sống của họ. Họ tìm cách bắt chước Cha trên trời của họ, bằng cách phản ảnh những đức tính của Ngài và có quan điểm về mọi sự giống như Ngài. Điều này thúc đẩy họ tìm tòi những cách thức để tham gia càng nhiều càng tốt vào công việc mà Ngài đang cho làm trên đất ngày nay. Bạn có làm điều đó không? (Ê-phê-sô 5:1; Hê-bơ-rơ 5:12 đến 6:3; I Ti-mô-thê 4:15).
7. Sự hợp nhất thật có thể có được ngày nay bằng những cách nào, và làm sao đạt được?
7 Kinh-thánh cho thấy rằng những ai phụng sự Đức Giê-hô-va phải là một dân hợp nhất (Ê-phê-sô 4:1-3). Sự hợp nhất này phải có ngay bây giờ, dù chúng ta sống trong một thế gian bị chia rẽ và chúng ta vẫn còn phải phấn đấu với những sự bất toàn của chính mình. Giê-su đã chân thành cầu nguyện cho tất cả các môn đồ của ngài hưởng được sự hợp nhất thật sự. Điều này có nghĩa gì? Có nghĩa là trước nhất họ có liên lạc tốt với Đức Giê-hô-va và với Con Ngài. Họ cũng hợp nhất với nhau nữa (Giăng 17:20, 21). Điều này được thực hiện ngay trong hiện tại, khi họ áp dụng sự dạy dỗ nhận được trong “nhà” của Đức Giê-hô-va.
NHỮNG YẾU TỐ NÀO GÓP PHẦN VÀO SỰ HỢP NHẤT?
8. a) Chúng ta phát triển được những đức tính gì khi dùng Kinh-thánh để suy luận và tự trả lời cho những câu hỏi ảnh hưởng đến chúng ta? b) Hãy phân tích những yếu tố góp phần vào sự hợp nhất giữa tín đồ đấng Christ bằng cách trả lời những câu hỏi nêu ra trên đây.
8 Dưới đây là bản liệt kê những yếu tố góp phần vào sự hợp nhất. Khi bạn trả lời những câu hỏi theo sau những yếu tố này, hãy suy nghĩ làm thế nào mỗi yếu tố ảnh hưởng đến sự liên lạc của chính bạn với Đức Giê-hô-va và với những anh em tín đồ. Lý luận dựa trên những điểm này dưới sự hướng dẫn của những câu Kinh-thánh được dẫn chứng sẽ giúp bạn phát triển khả năng suy luận và nhận định theo quan điểm của Đức Chúa Trời, những đức tính mà tất cả chúng ta đều cần đến (Châm-ngôn 5:1, 2; Phi-líp 1:9-11). Vậy hãy lần lượt xem xét những yếu tố này từng cái một:
1) Tất cả chúng ta đều thờ phượng Đức Giê-hô-va và nhìn nhận Ngài có quyền đặt những tiêu chuẩn về điều thiện và điều ác.
Đức Giê-hô-va nghĩ sao nếu chúng ta cố ý lờ đi những lời khuyên của Ngài về một vấn đề mà chúng ta cho là nhỏ nhặt? (Lu-ca 16:10; so sánh Ma-la-chi 1:6-8).
Người khác có bị ảnh hưởng không, nếu chúng ta không luôn luôn vâng lời làm theo những điều răn của Đức Giê-hô-va? (So sánh Rô-ma 5:12; Giô-suê 7:20-26; I Các Vua 14:16).
2) Dù sống nơi nào trên thế giới, chúng ta đều có Lời Đức Chúa Trời hướng dẫn chúng ta.
Có nguy hiểm nào khi chúng ta quyết định làm điều mà chúng ta chỉ “cảm thấy” là đúng? (Giê-rê-mi 17:9; Châm-ngôn 14:12)
Nếu chúng ta không biết Kinh-thánh cho lời khuyên nào về một vấn đề nào đó thì chúng ta phải làm gì? (Châm-ngôn 2:3-5)
3) Tất cả chúng ta đều được hưởng cùng một chương trình về đồ ăn thiêng liêng.
Tình trạng những người không biết ơn về những sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va để ban cho đồ ăn thiêng liêng thì ra sao? (So sánh Ê-sai 1:3; 9:15; 65:14).
4) Giê-su Christ, chứ không phải một người nào, là đấng Lãnh đạo chúng ta và nhờ ngài mà tất cả chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va để thờ phượng.
Có ai trong chúng ta có lý do nào để nghĩ rằng mình là cao trọng hơn người khác không? (Rô-ma 3:23, 24; 12:3; Ma-thi-ơ 23:8-10)
5) Bất luận chúng ta sống ở nơi nào, chúng ta trông mong nơi Nước Đức Chúa Trời như là hy vọng duy nhất cho nhân loại.
Điều này che chở chúng ta thế nào chống lại những ảnh hưởng gây chia rẽ? (Ma-thi-ơ 6:9, 10; Mi-chê 4:3).
6) Thánh linh đào tạo nơi những người thờ phượng Đức Giê-hô-va những đức tính trọng yếu cho sự hợp nhất.
Làm thế nào chúng ta để cho thánh linh của Đức Chúa Trời đào tạo bông trái nơi chúng ta? (Thi-thiên 1:2; Châm-ngôn 22:4; Khải-huyền 3:6; Công-vụ các Sứ-đồ 5:32)
Có bông trái của thánh linh ảnh hưởng gì đến sự liên lạc của chúng ta với Đức Giê-hô-va? Với các anh em của chúng ta? (Ga-la-ti 5:22, 23)
7) Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời.
Việc mà chúng ta bận rộn trong hoạt động rao giảng với anh em cùng đạo ảnh hưởng thế nào đến những cảm nghĩ của chúng ta đối với họ? (So sánh Cô-lô-se 4:7, 11).
9. Khi chúng ta thật sự áp dụng những lẽ thật này vào đời sống của mình, hiệu quả là gì?
9 Nhìn nhận những sự kiện này là một việc. Sống phù hợp với những sự kiện ấy đòi hỏi nhiều hơn nữa. Nhưng khi chúng ta làm thế, chúng ta được đến gần Đức Giê-hô-va. Việc kết hợp với những anh em cùng đạo cũng trở nên một nguồn khích lệ. Như Thi-thiên 133:1 nói: “Nầy, anh em ăn-ở hòa-thuận nhau thật tốt-đẹp thay!” Chính cá nhân bạn có cảm thấy được khích lệ nhiều, khi rời thế gian đầy sự ích kỷ và có mặt tại các buổi nhóm họp với những người khác thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va không?
HÃY TRÁNH NHỮNG ẢNH HƯỞNG GÂY CHIA RẼ
10. Tại sao chúng ta cần phải cẩn thận tránh tinh thần độc lập?
10 Để không làm hại sự hợp nhất quí báu ấy, chúng ta phải tránh những ảnh hưởng gây chia rẽ. Một trong những ảnh hưởng chính gây chia rẽ là tinh thần độc lập. Đức Giê-hô-va giúp chúng ta tránh tinh thần này bằng cách lột mặt nạ Sa-tan Ma-quỉ là kẻ đầu tiên đã tỏ ra độc lập. Chính hắn đã lường gạt Ê-va để nàng nghĩ rằng không nghe lời Đức Chúa Trời và quyết định riêng theo ý mình sẽ có lợi hơn. A-đam theo vợ mình trong cuộc phản nghịch ấy, với hậu quả tàn khốc cho họ và cho chúng ta (Sáng-thế Ký 2:16, 17; 3:1-6, 17-19). Chúng ta đang sống trong một thế gian tràn đầy tinh thần độc lập, vậy chúng ta chẳng ngạc nhiên khi thấy mình cần phải đè nén tinh thần này trong chính chúng ta. Với lòng yêu thương Đức Giê-hô-va giúp chúng ta làm thế bằng cách khuyên bảo chúng ta qua tổ chức của Ngài.
11. Điều gì sẽ cho thấy nếu chúng ta đang thành thật sửa soạn để sống trong hệ thống mới công bình của Đức Chúa Trời hay không?
11 Qua trung gian tổ chức ấy chúng ta đã học biết đến lời hứa cao cả của Đức Giê-hô-va là Ngài sẽ thay thế môi trường hiện tại bằng trời mới và đất mới, là nơi “sự công-bình ăn-ở” (II Phi-e-rơ 3:13). Chúng ta rất cảm kích trước triển vọng là sắp tới đây thế giới gian ác này sẽ qua đi và trái đất sẽ thay đổi trở nên một Địa-đàng. Nhưng nếp sống của chúng ta có cho thấy là chúng ta đang sửa soạn cách chân thành để sống trong một thế giới nơi mà sự công bình sẽ ngự trị, hay không? Kinh-thánh nói rõ với chúng ta: “Chớ yêu thế-gian, cũng đừng yêu các vật ở thế-gian nữa; nếu ai yêu thế-gian, thì sự kính-mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy” (I Giăng 2:15). Thật ra thế gian có nhiều điều mà không ai trong chúng ta thích. Nhưng có phải chúng ta chỉ ghét những khía cạnh đó của thế gian vì xâm phạm đến hạnh phúc trước mắt của chúng ta? Hay là chúng ta cũng từ bỏ tinh thần thế gian—thái độ độc lập, vị kỷ của nó nữa? Chúng ta có thành thật tập thói quen nghe lời Đức Giê-hô-va và vâng theo Ngài từ trong lòng của chúng ta, mặc dù có thể có khuynh hướng xác thịt muốn làm ngược lại không? Bất luận chúng ta sống ở nơi nào, bất luận chúng ta làm gì, cả nếp sống của chúng ta nên chứng tỏ rằng những tư tưởng và động lực của chúng ta hướng tới Đức Chúa Trời (Châm-ngôn 3:5, 6).
12. a) Tại sao ngay bây giờ cần nắm lấy cơ hội để học biết các đường lối của Đức Giê-hô-va và làm theo trong đời sống mình? b) Những câu Kinh-thánh được dẫn chứng trong đoạn này có nghĩa gì đối với mỗi cá nhân chúng ta?
12 Khi giờ đã định đến để Đức Giê-hô-va hủy diệt hệ thống mọi sự gian ác này cùng tất cả những kẻ yêu chuộng đường lối nó, Ngài sẽ không trì hoãn. Ngài sẽ không dời việc đó lại hoặc thay đổi các tiêu chuẩn của Ngài hầu tỏ ra dễ dãi với những người vẫn còn muốn bám víu vào thế gian này, những người không hết lòng học biết ý muốn của Đức Chúa Trời và chỉ làm theo ý muốn đó một cách nửa chừng. Bây giờ là lúc để hành động! (Lu-ca 13:23, 24; 17:32; 21:34-36). Do đó, thật ấm lòng làm sao khi nhìn thấy đám đông “vô-số người” đang nắm giữ cơ hội quí báu này để dốc lòng tìm kiếm sự dạy dỗ mà Đức Giê-hô-va cung cấp qua tổ chức đầy yêu thương của Ngài và rồi hợp nhất bước đi trong đường lối của Ngài!
[Chú thích]
^ đ. 2 Trừ khi có lời ghi khác, những đoạn Kinh-thánh được dẫn chiếu trong sách này là theo bản dịch do Thánh-kinh Hội Mỹ-quốc, Nữu-ước. Chữ viết tắt NW chỉ bản dịch Anh-ngữ “Kinh-thánh Thế giới Mới” (New World Translation of the Holy Scriptures), tu chính bản năm 1984.
Thảo Luận Để Ôn Lại
● Ý định của Đức Giê-hô-va về sự thờ phượng là gì?
● Sau khi đã học biết những điều dạy dỗ căn bản trong Kinh-thánh, chúng ta nên dốc lòng tìm cách làm gì để tiến bộ hơn nữa?
● Cá nhân chúng ta có thể làm gì hầu cho những yếu tố góp phần vào sự hợp nhất mà chúng ta đã thảo luận sẽ ảnh hưởng trên đời sống chúng ta một cách đúng đắn?
[Câu hỏi thảo luận]
[Trang hình ảnh nơi trang 4]