Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nắm chặt Lời của Đức Chúa Trời

Nắm chặt Lời của Đức Chúa Trời

Chương 3

Nắm chặt Lời của Đức Chúa Trời

1. a) Dân Y-sơ-ra-ên xưa đã nhìn thấy sự trung thực của Lời Đức Chúa Trời như thế nào? b) Tại sao điều đó đáng cho chúng ta chú ý đến?

GIÔ-SUÊ đã nhắc nhở các trưởng lão trong dân Y-sơ-ra-ên sau khi họ đã lập nghiệp tại Đất Hứa bằng những lời sau đây: “Hãy hết lòng hết ý nhận biết rằng trong các lời lành mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi đã phán về các ngươi, chẳng có một lời nào sai hết, thảy đều ứng-nghiệm cho các ngươi”. Nhưng trong những năm sau đó họ đã không cương quyết khắc ghi Lời Đức Chúa Trời vào lòng và áp dụng. Hậu quả là gì? Kinh-thánh nói rõ rằng, cũng như những lời hứa ban phước của Đức Giê-hô-va đã ứng nghiệm, Ngài cũng thực hiện những gì mà Ngài nói về hậu quả của sự bất tuân (Giô-suê 23:14-16). Lời tường thuật đó, cũng như tất cả phần còn lại của Kinh-thánh, đã được lưu trữ để dạy bảo chúng ta—hầu cho “chúng ta được sự trông-cậy [hy vọng]” và để cho chúng ta không làm gì có thể khiến chúng ta mất niềm hy vọng đó (Rô-ma 15:4).

2. a) Kinh-thánh được “Đức Chúa Trời soi-dẫn” nghĩa là sao? b) Biết được điều này, chúng ta có trách nhiệm gì?

2 Mặc dù khoảng chừng 40 người đã được dùng làm “thư ký” để viết Kinh-thánh, Tác giả sách này vẫn là Đức Giê-hô-va. Phải chăng điều này có nghĩa là Ngài đã tích cực điều khiển việc biên soạn mọi điều ở trong đó? Đúng vậy. Như sứ đồ Phao-lô có nói cách trung thực, “cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn”. Vì tin chắc như vậy, chúng ta khuyến khích mọi người ở khắp nơi nghe theo Kinh-thánh và xây đắp đời sống của họ trên nền tảng của Kinh-thánh, như chính chúng ta cố gắng làm vậy (II Ti-mô-thê 3:16; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:13).

ĐIỀU GÌ SẼ GIÚP NGƯỜI KHÁC QUÍ TRỌNG KINH-THÁNH?

3. Có phương cách tốt nhất nào để giúp nhiều người vốn không tin rằng Kinh-thánh là Lời Đức Chúa Trời?

3 Dĩ nhiên, nhiều người mà chúng ta gặp không tin rằng Kinh-thánh thật sự là Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể giúp họ thế nào? Phương cách hay nhất thường là mở Kinh-thánh ra và đọc cho họ nghe Kinh-thánh nói gì. “Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi...xem xét tư-tưởng và ý-định trong lòng” (Hê-bơ-rơ 4:12). “Lời của Đức Chúa Trời” chính là lời hứa của Ngài, được ghi lại trong Kinh-thánh. Đây không phải là lịch sử xa xưa, nhưng là lời sống và tiến tới sự thành tựu không ai cưỡng lại được. Trong khi đó những động lực thật trong lòng của những người được tiếp xúc với Kinh-thánh được tỏ ra rõ ràng cho thấy họ có muốn hội đủ các điều kiện hay không. Ảnh hưởng của Kinh-thánh mạnh mẽ hơn bất cứ điều gì mà chính cá nhân chúng ta có thể nói ra.

4. Những lời giải thích giản dị nào về lẽ thật của Kinh-thánh đã khiến một số người thay đổi thái độ đối với Kinh-thánh? Tại sao?

4 Đối với nhiều người, chỉ giản dị nhìn thấy danh của Đức Chúa Trời trong Kinh-thánh cũng đủ để đánh dấu một khúc quanh trong đời họ. Những người khác đã quyết định học Kinh-thánh khi được xem Kinh-thánh nói gì về mục đích của sự sống, tại sao Đức Chúa Trời cho phép sự gian ác, ý nghĩa của những biến cố hiện tại hay hy vọng thực tiễn căn cứ vào Nước Đức Chúa Trời. Tại những nước mà các thực hành tôn giáo khiến dân chúng bị các ác thần khuấy rối, lời giải thích của Kinh-thánh về nguyên nhân của việc ấy và làm sao thoát khỏi đã gợi sự chú ý. Tại sao những điểm này đã gây ấn tượng mạnh cho họ đến thế? Bởi vì Kinh-thánh là nguồn thông tin đáng tin cậy duy nhất nói về những vấn đề hệ trọng này (Thi-thiên 119:130).

5. Khi một người nói không tin Kinh-thánh, có lẽ bởi vì lý do nào? Chúng ta có thể giúp người ấy ra sao?

5 Tuy nhiên, nói gì nếu một người nói thẳng với chúng ta là không tin nơi Kinh-thánh? Điều đó có cắt ngang câu chuyện không? Không, nếu người đó sẵn lòng chịu lý luận. Chúng ta nên cảm thấy có trách nhiệm phải nói lên với lòng tin chắc để bênh vực Kinh-thánh. Có thể là người đó xem Kinh-thánh như một cuốn sách của các nhà thờ tự xưng theo đấng Christ. Những thành tích về sự giả hình và việc trà trộn vào chính trị của các nhà thờ ấy, cũng như việc mãi đốc thúc người ta cho tiền, có lẽ đã khiến cho người đó phản ứng một cách tiêu cực đối với Kinh-thánh. Tại sao không dọ hỏi có phải như vậy không? Người đó có lẽ sẽ chú ý nếu hiểu rằng Kinh-thánh kết án những đường lối theo thế gian của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, và nếu người được thấy những điểm tương phản giữa các tôn giáo ấy với đạo thật của đấng Christ. (So sánh Ma-thi-ơ 15:7-9; Gia-cơ 4:4; Mi-chê 3:11, 12).

6. a) Điều gì thuyết phục chính cá nhân bạn rằng Kinh-thánh là Lời Đức Chúa Trời? b) Có thể dùng những lập luận nào khác để giúp người ta hiểu rằng Kinh-thánh thật sự đến từ Đức Chúa Trời?

6 Đối với những người khác, có lẽ cần có một cuộc thảo luận thẳng thắn về những bằng chứng cho thấy Kinh-thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn. Đối với bạn điều gì chứng minh rõ ràng là Kinh-thánh đến từ Đức Chúa Trời? Có phải vì chính Kinh-thánh tự tiết lộ nguồn gốc không? (II Ti-mô-thê 3:16, 17; Khải-huyền 1:1). Hay đó là vì Kinh-thánh chứa đựng nhiều lời tiên tri cho thấy có sự hiểu biết chi tiết về tương lai, và do đó những lời tiên tri ấy phải đến từ một nguồn siêu nhân, phải không? (II Phi-e-rơ 1:20, 21; Ê-sai 42:9). Có lẽ vì nội dung của Kinh-thánh có tính cách hòa hợp, dù được ghi chép bởi nhiều người trong một khoảng thời gian hơn 1.610 năm không? Hay nhờ có sự chính xác về khoa học trái với những văn tự khác cũng được viết vào thời ấy? Hay vì sự thật thà của những người viết? Hay vì sự bảo tồn Kinh-thánh bất chấp những cố gắng quỷ quyệt để hủy diệt Kinh-thánh? Bạn có thể dùng bất cứ điểm nào đặc sắc đối với bạn để giúp những người khác.

VIỆC ĐỌC KINH-THÁNH CỦA CÁ NHÂN CHÚNG TA

7, 8. a) Cá nhân chúng ta phải làm gì đối với Kinh-thánh? b) Ngoài việc tự đọc Kinh-thánh, chúng ta cần đến điều gì và Kinh-thánh cho thấy việc này ra sao? c) Cá nhân bạn đã đạt được sự hiểu biết về những ý định của Đức Giê-hô-va như thế nào?

7 Ngoài việc giúp người khác tin nơi Kinh-thánh, chính chúng ta cần phải dành thì giờ để đọc Kinh-thánh đều đặn. Bạn có đang làm điều này không? Trong số tất cả những cuốn sách đã được sản xuất ra, đây là cuốn sách quan trọng nhất. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là nếu chúng ta đọc Kinh-thánh, chúng ta không còn cần đến điều gì khác nữa. Kinh-thánh cảnh giác chúng ta không nên tách riêng ra, nghĩ rằng tự chúng ta có thể hiểu hết mọi sự nhờ khảo cứu riêng. Chúng ta cần phải vừa học hỏi cá nhân, vừa đi nhóm họp đều đặn hầu giữ được sự thăng bằng của người tín đồ đấng Christ (Châm-ngôn 18:1; Hê-bơ-rơ 10:24, 25).

8 Nhằm giúp ích chúng ta, Kinh-thánh kể lại trường hợp của một ông quan người Ê-thi-ô-bi đã được thiên sứ khiến cho gặp tín đồ đấng Christ rao giảng tin mừng là Phi-líp. Chính thiên sứ đã bảo Phi-líp đến ông quan đó khi người đang đọc sách tiên tri Ê-sai. Phi-líp hỏi người kia: “Ông hiểu lời mình đọc đó chăng?” Người Ê-thi-ô-bi trả lời cách khiêm nhường: “Nếu chẳng ai dạy cho tôi, thể nào tôi hiểu được?” Ông mời Phi-líp giải thích đoạn Kinh-thánh đó. Nhưng Phi-líp không phải là một người tự đọc Kinh-thánh một mình và giải thích Kinh-thánh theo ý riêng. Không; lời tường thuật cho thấy ông đã giữ liên lạc mật thiết với các sứ đồ trong hội-thánh tại Giê-ru-sa-lem và ông thuộc vào tổ chức hữu hình của Đức Giê-hô-va thời ấy. Như thế ông có thể giúp người Ê-thi-ô-bi nhận được sự giảng huấn của Đức Giê-hô-va qua trung gian tổ chức ấy (Công-vụ các Sứ-đồ 6:5, 6; 8:5, 14, 15, 26-35). Ngày nay cũng thế, có ai trong vòng chúng ta lại tự mình hiểu rõ và hiểu đúng được những ý định của Đức Giê-hô-va không? Trái lại, chúng ta đã cần đến và còn tiếp tục cần đến sự giúp đỡ đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va qua trung gian tổ chức hữu hình của Ngài.

9. Chương trình đọc Kinh-thánh nào có thể đem lại lợi ích cho tất cả chúng ta?

9 Để giúp chúng ta dùng và hiểu Kinh-thánh, tổ chức của Đức Giê-hô-va cung cấp những tài liệu xuất sắc dựa trên Kinh-thánh trong tạp chí Tháp Canh và những sách báo cùng loại. Ngoài ra, trong khuôn khổ Trường học Chức vụ Thần quyền tại các hội-thánh của Nhân-chứng Giê-hô-va chúng ta có một chương trình đọc Kinh-thánh đều đặn. Một số Nhân-chứng Giê-hô-va đọc Kinh-thánh thêm một cách liên tục. Thì giờ dành ra để xem xét Kinh-thánh có thể đem lại nhiều lợi ích (Thi-thiên 1:1-3; 19:7, 8). Cá nhân bạn có đọc toàn bộ cuốn Kinh-thánh chưa? Nếu chưa, hãy cố gắng đặc biệt để làm thế. Ngay dù bạn không hoàn toàn hiểu hết mọi sự, có một cái nhìn tổng quát về Kinh-thánh sẽ có lợi ích lớn lao cho bạn. Giả sử bạn đọc bốn hay năm trang mỗi ngày, bạn có thể đọc xong Kinh-thánh trong vòng một năm.

10. a) Bạn thì đọc Kinh-thánh khi nào? b) Tại sao sự đều đặn là quan trọng?

10 Khi nào bạn có thể sắp đặt riêng để đọc Kinh-thánh như thế? Nếu bạn có thể dành ra được dù chỉ 10 hay 15 phút mỗi ngày, thật lợi ích biết bao! Nếu không, ít ra hãy sắp xếp chương trình đều đặn mỗi tuần, và rồi đi sát chương trình đó. Nên coi việc đọc Kinh-thánh như là một thói quen lâu đời, như việc ăn uống. Như bạn biết, nếu một người có thói quen ăn uống không đều, sức khỏe người đó sẽ kém đi. Sức khỏe thiêng liêng của chúng ta cũng thế. Sự sống của chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta được nuôi dưỡng đều đặn bởi “mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 4:4).

11. Chúng ta nên nhắm tới mục tiêu nào khi đọc Kinh-thánh?

11 Chúng ta nên nhắm tới mục tiêu nào khi đọc Kinh-thánh? Nếu mục tiêu của chúng ta chỉ là đọc một số trang nào đó mỗi ngày hay ngay cả chỉ vì muốn đạt sự sống đời đời thì quả là một điều sai lầm. Để nhận được lợi ích lâu dài, chúng ta phải có những động lực cao cả hơn—sự yêu thương đối với Đức Chúa Trời, mong muốn biết Ngài nhiều hơn, hiểu ý muốn của Ngài và thờ phượng Ngài đúng cách (Giăng 5:39-42). Chúng ta nên có thái độ giống như người viết Kinh-thánh có nói như sau: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho tôi biết các đường-lối Ngài, Và dạy-dỗ tôi các nẻo-đàng Ngài” (Thi-thiên 25:4).

12. a) Tại sao cần đạt được “sự hiểu-biết [chính xác]”, và muốn thế có lẽ cần phải cố gắng thế nào khi đọc Kinh-thánh? b) Như trang 27 cho thấy, chúng ta có thể phân tích cách hữu ích điều chúng ta đọc trong Kinh-thánh theo những quan điểm nào? c) Hãy dùng Kinh-thánh để dẫn chứng năm điểm này, từng cái một, bằng cách trả lời những câu hỏi ghi ở cuối đoạn này.

12 Trong khi chúng ta nhận được sự dạy dỗ ấy, chúng ta nên muốn thâu thập “sự hiểu-biết [chính xác]”. Nếu không có sự hiểu biết đó, làm sao chúng ta có thể áp dụng đúng cách Lời Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta hay giải thích đúng đắn cho người khác được? (Cô-lô-se 3:10; II Ti-mô-thê 2:15). Thâu thập sự hiểu biết chính xác đòi hỏi chúng ta phải đọc kỹ lưỡng, và nếu có đoạn nào thâm sâu chúng ta có lẽ cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần để hiểu rõ ý nghĩa. Chúng ta cũng có được lợi ích nếu dành thì giờ suy gẫm, nghĩ ngợi về những điều mình đọc theo nhiều quan điểm khác nhau. Trang 27 của sách này làm nổi bật năm phương pháp nghĩ ngợi tốt. Nhiều đoạn Kinh-thánh có thể được phân tích cách hữu ích khi dùng một hay nhiều phương pháp này. Trong khi bạn trả lời những câu hỏi ở trang kế tiếp bạn sẽ nghiệm thấy điều này đúng ra sao.

1) Thường thường đoạn Kinh-thánh mà bạn đang đọc chỉ cho thấy Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời như thế nào.

Khi chúng ta suy gẫm với sự biết ơn về những gì Kinh-thánh nói với chúng ta về công việc sáng tạo của Đức Giê-hô-va, điều này có ảnh hưởng gì trên thái độ của chúng ta đối với Ngài? (Thi-thiên 139:13, 14; khi đọc Gióp đoạn 38 đến 42 hãy đặc biệt lưu ý Gióp 38:1, 2 và Gióp 40:2, 8, rồi Gióp 42:1-6).

Theo điều Giê-su nói ở Giăng 14:9, 10, chúng ta có thể kết luận gì về Đức Giê-hô-va khi đọc về những việc xảy ra như việc được ghi ở Lu-ca 5:12, 13?

2) Hãy xem xét làm thế nào lời tường thuật góp phần vào việc khai triển chủ đề của Kinh-thánh, tức là Nước Trời dưới quyền của Dòng dõi đã hứa, Giê-su Christ, làm rạng danh Đức Giê-hô-va.

Những tai vạ tại xứ Ê-díp-tô có liên hệ gì tới chủ đề? (Xem Xuất Ê-díp-tô Ký 5:2; 9:16; 12:12).

Nói gì về lời tường thuật cảm động liên quan đến Ru-tơ người đàn bà Mô-áp? (Ru-tơ 4:13-17; Ma-thi-ơ 1:1, 5).

Lời thông báo của Gáp-ri-ên nói cho Ma-ri biết về việc Giê-su sanh ra phù hợp với chủ đề như thế nào? (Lu-ca 1:26-33).

Tại sao việc các môn đồ của Giê-su được xức dầu bằng thánh linh vào Lễ Ngũ tuần có ý nghĩa? (Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-4; I Phi-e-rơ 2:4, 5, 9; II Phi-e-rơ 1:10, 11).

3) Bối cảnh của một câu văn ảnh hưởng đến ý nghĩa của câu văn đó.

Những lời được ghi trong Rô-ma 5:1 và 8:16 nói về ai? (Xem Rô-ma 1:7).

Bối cảnh có cho thấy rằng I Cô-rinh-tô 2:9 nói về đời sống trên đất trong Hệ thống Mới của Đức Chúa Trời không? Như các I Cô-rinh-tô 2 câu 6-8 cho thấy, mắt và tai của ai không hiểu thấu những điều Phao-lô đang viết ra?

4) Hãy tự hỏi làm sao bạn có thể áp dụng điều đang đọc cho chính mình.

Lời tường thuật về Ca-in giết A-bên phải chăng chỉ có giá trị lịch sử hay có ngụ ý khuyên chúng ta điều gì không? (Sáng-thế Ký 4:3-12; I Giăng 3:10-15; Hê-bơ-rơ 11:4).

Khi chúng ta đọc (từ Xuất Ê-díp-tô Ký đến Phục-truyền Luật-lệ Ký) về kinh nghiệm của dân Y-sơ-ra-ên trong sa mạc, chúng ta nên tự áp dụng cho mình điều gì? (I Cô-rinh-tô 10:6-11).

Những lời khuyên về hạnh kiểm viết cho những tín đồ đấng Christ được xức dầu có áp dụng cho những người có hy vọng sống đời đời trên đất không? (So sánh Dân-số Ký 15:16; Giăng 10:16).

Ngay dù chúng ta là người tín đồ tốt trong hội-thánh đấng Christ, có cần phải xem xét những cách mà chúng ta có thể áp dụng những lời khuyên của Kinh-thánh mà chúng ta đã biết rồi một cách trọn vẹn hơn không? (II Cô-rinh-tô 13:5; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:1).

5) Hãy nghĩ cách bạn có thể dùng những gì bạn đang đọc để giúp đỡ người khác.

Lời tường thuật về việc con gái của Giai-ru được sống lại có thể giúp ích cho ai? (Lu-ca 8:41, 42, 49-56).

13. Chúng ta có thể chờ đợi những kết quả nào nếu tiếp tục đọc và học hỏi Kinh-thánh với tổ chức của Đức Giê-hô-va?

13 Đọc Kinh-thánh bằng cách này thật bổ ích biết bao! Chắc hẳn đọc Kinh-thánh là một thách đố—một kế hoạch mà chúng ta có thể bỏ ra cả đời để thực hiện với kết quả tốt. Nhưng làm thế chúng ta sẽ lớn mạnh về phương diện thiêng liêng, khiến chúng ta càng đến gần hơn Đức Giê-hô-va, Cha đầy yêu thương của chúng ta, và các anh em tín đồ đấng Christ. Điều này sẽ giúp chúng ta làm theo lời khuyên nắm “giữ lấy đạo sự sống” (Phi-líp 2:15, 16).

Thảo Luận Để Ôn Lại

● Tại sao Kinh-thánh được viết ra và gìn giữ cho đến ngày nay?

● Làm thế nào chúng ta có thể giúp người khác mến thích Kinh-thánh?

● Tại sao tự đọc Kinh-thánh đều đặn đem lại lợi ích? Chúng ta có thể phân tích cách hữu ích điều chúng ta đọc theo năm quan điểm nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung/​Hình nơi trang 27]

KHI ĐỌC KINH-THÁNH, BẠN HÃY XEM XÉT—

Mỗi đoạn nói cho bạn biết điều gì về cá tính của Đức Giê-hô-va

Đoạn đó liên quan thế nào đến toàn thể chủ đề của Kinh-thánh

Bối cảnh ảnh hưởng thế nào đến ý nghĩa của đoạn văn

Đoạn văn ảnh hưởng thế nào đến đời sống của bạn

Bạn có thể dùng đoạn đó thế nào để giúp đỡ người khác