Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tôn vinh Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật

Tôn vinh Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật

Chương 2

Tôn vinh Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật

1. a) Đức Chúa Trời thật là ai? b) Chúng ta càng học biết về Ngài thì chúng ta càng muốn thay đổi thế nào trong đời sống mình?

SỨ ĐỒ PHAO-LÔ viết cho các anh em cùng đạo rằng, dù cho có nhiều kẻ được gọi là thần, nhưng “về phần chúng ta, chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, là Đức Chúa Cha...lại chỉ có một Chúa mà thôi, là Đức Chúa Giê-su Christ” (I Cô-rinh-tô 8:5, 6). Đức Chúa Trời “có một” mà Phao-lô nói đến đó là Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo hóa của muôn vật (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4; Khải-huyền 4:11). Những người có lòng biết ơn khi học biết những đức tính của Ngài và những điều Ngài đã làm cho nhân loại đều cảm thấy Ngài rất khả ái, có mãnh lực hấp dẫn và kéo họ đến gần Ngài. Với kết quả nào? Họ tự nhiên muốn tôn vinh Đấng mà họ ngưỡng mộ một cách sâu đậm như thế, tôn vinh Ngài cả bằng lời nói và bằng việc làm. Khi lòng yêu thương đối với Đức Chúa Trời gia tăng dần, họ cảm thấy cần phải nói cho người khác biết về Ngài, và họ muốn bắt chước Ngài trong phạm vi mà con người có thể làm được. Kinh-thánh khuyến khích tất cả chúng ta làm như vậy mà rằng: “Vậy anh em hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con-cái yêu-dấu; hãy bước đi trong sự yêu-thương” (Ê-phê-sô 5:1, 2). Để áp dụng lời khuyên đó, chúng ta cần hiểu thật rõ về Đức Giê-hô-va.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LÀ ĐỨC CHÚA TRỜI NHƯ THẾ NÀO?

2. Một số những đức tính xuất sắc của Đức Chúa Trời thúc đẩy chúng ta khen ngợi Ngài là gì?

2 Trong suốt Kinh-thánh có nhiều câu trực tiếp nói lên những đức tính xuất sắc của Đức Chúa Trời. Khi bạn đọc những câu đó, hãy dành thì giờ để suy nghĩ về ý nghĩa thật sự của những đức tính này và tầm quan trọng đối với bạn. Thí dụ: “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương” (I Giăng 4:8). “Các đường-lối Ngài là công-bình” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4). “Nơi Đức Chúa Trời có sự khôn-ngoan” (Gióp 12:13). “Quyền-năng Ngài rất cao” (Ê-sai 40:26). Khi bạn suy gẫm về những đức tính này, bạn có cảm thấy được thúc đẩy để khen ngợi Đức Chúa Trời vì lòng ngưỡng mộ đối với Ngài không?

3. Những cá tính nào khác của Đức Giê-hô-va rất là hấp dẫn?

3 Để cho chúng ta quen biết thêm về những cá tính hấp dẫn của Đức Giê-hô-va, Kinh-thánh nói rằng Ngài là “Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6). “Chúa ôi! Chúa là thiện, sẵn tha-thứ cho” (Thi-thiên 86:5). “Vì con mắt của Đức Giê-hô-va soi-xét khắp thế-gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài” (II Sử-ký 16:9). “Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa” (Công-vụ các Sứ-đồ 10:34, 35). Đức Giê-hô-va “ban cho...cách rộng-rãi” và là “Đức Chúa Trời hạnh-phước” (Gia-cơ 1:5; I Ti-mô-thê 1:11). Quả thật, phụng sự Đức Chúa Trời không ai bì kịp này và được Ngài chăm sóc một cách đầy yêu thương là một khích lệ lớn biết bao!

4. a) Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta phải có sự tin kính như thế nào đối với Ngài, và điều này quan trọng thế nào? b) Thi-thiên 34:3 mời chúng ta tham dự vào việc gì?

4 Song song với những đặc tính này, Ngài cũng là “Đức Chúa Trời kỵ-tà” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5). Muốn Ngài chấp nhận chúng ta phụng sự Ngài, chúng ta phải dâng cho Ngài trọn lòng tin kính. Chúng ta không thể nào vừa yêu mến Ngài vừa yêu mến thế gian này theo Sa-tan được (I Giăng 2:15-17; II Cô-rinh-tô 4:3, 4). Đức Giê-hô-va nhìn thấu mọi hình thức công bình giả tạo. Ngài biết rõ không chỉ những điều gì chúng ta làm, mà cả những cảm nghĩ của chúng ta và biết chúng ta đang muốn trở nên hạng người nào. Nếu chúng ta thật sự yêu mến sự công bình, Ngài giúp chúng ta (Giê-rê-mi 17:10; Châm-ngôn 15:9). Chính vì Đức Giê-hô-va có những đức tính như thế, mà hàng triệu người trên khắp thế giới đã vui mừng nhận lời mời của người viết Thi-thiên trong Kinh-thánh: “Hãy cùng tôi tôn-trọng Đức Giê-hô-va, Chúng ta hãy cùng nhau tôn-cao danh của Ngài” (Thi-thiên 34:3). Bạn có ở trong số những người đó không?

5. Khi học hỏi về những đức tính cao cả của Đức Giê-hô-va chúng ta nên làm gì để được nhiều lợi ích?

5 Bạn sẽ càng ham thích nói về Đức Chúa Trời và bạn sẽ được giúp đỡ nhiều trong những cố gắng của bạn để bắt chước Ngài, nếu bạn xem xét kỹ lưỡng những đức tính cao cả của Ngài. Hãy nhận định 1) ý nghĩa chính xác của mỗi đức tính, và có lẽ nên so sánh với những đức tính khác để thấy sự khác biệt, 2) Đức Giê-hô-va đã bày tỏ đức tính đó như thế nào, đối với ai, và 3) bạn có thể biểu lộ đức tính đó ra sao hoặc đức tính đó ảnh hưởng thế nào đến quan điểm của bạn.

6. Bằng cách dùng sự yêu thương làm một thí dụ hãy cho thấy chúng ta có thể xem xét kỹ lưỡng những đức tính của Đức Giê-hô-va như thế nào. Hãy làm điều này bằng cách trả lời những câu hỏi ở cuối đoạn, và cũng dùng Kinh-thánh trong các câu trả lời.

6 Hãy xem xét chỉ một thí dụ sau đây. Khi Kinh-thánh nói “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”, thì có nghĩa gì? (I Giăng 4:8). Dĩ nhiên là có nhiều loại tình yêu thương. Chữ Hy-lạp dùng trong đoạn văn là a·gaʹpe, nói đến hình thức cao trọng nhất của sự yêu thương, mà chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời bày tỏ để làm gương. Sự yêu thương ấy diễn tả lòng vị tha hoàn toàn. Với ý tưởng này trong tâm trí, chính bạn hãy trả lời những câu hỏi ghi bên dưới, bằng cách dùng những đoạn Kinh-thánh được dẫn chứng.

Đức tính ấy được chứng tỏ thế nào trong các công trình sáng tạo của Đức Giê-hô-va? (Công-vụ các Sứ-đồ 14:16, 17).

Gương mẫu xuất sắc nhất về sự yêu thương của Đức Giê-hô-va đối với nhân loại là gì? (Giăng 3:16). Có phải vì lòng tốt của loài người mà Ngài đã làm như thế không? (Rô-ma 5:8).

Vì biết ơn về điều mà Đức Giê-hô-va đã làm qua Con của Ngài, vậy chúng ta nên dùng đời sống của mình ra sao? (II Cô-rinh-tô 5:14, 15, 18, 19).

Với tư cách tín đồ đấng Christ, chúng ta có thể bày tỏ qua những cách nào rằng chúng ta có cùng một thứ tình yêu thương như thế đối với anh em cùng đạo? (I Cô-rinh-tô 13:4-7; I Giăng 4:10, 11; 3:16-18).

Chúng ta cũng nên tỏ sự yêu thương đối với ai khác nữa, và như thế nào? (Ma-thi-ơ 5:43-48; 28:19, 20; Ga-la-ti 6:10).

7. Khi học hỏi cá nhân làm sao bạn có thể tìm được tài liệu tương tự về các đức tính khác của Đức Giê-hô-va?

7 Bạn có muốn tra cứu một số đức tính khác của Đức Giê-hô-va nữa không? Để bắt đầu, khi học hỏi cá nhân, tại sao lại không tìm hiểu những đức tính như “công bình”, “khôn ngoan”, rồi có lẽ “nhân từ” và “thương xót”? Nếu dùng các bản đối chiếu các sách báo của Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) và một bản kê các chữ trong Kinh-thánh, bạn sẽ tìm được thật nhiều tài liệu bổ ích.

GIÚP NHỮNG NGƯỜI KHÁC BIẾT LẼ THẬT VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI

8. a) Người thế gian thờ phượng những thần thánh như thế nào? b) Kẻ nào nấp sau mọi sự hỗn độn này, và tại sao bạn nói thế?

8 Ngược lại với sự thờ phượng Đức Chúa Trời có một và thật, người ta thờ phượng hàng triệu thần thánh khác. Vào thế kỷ thứ tư, Giáo hội tự xưng theo đấng Christ thừa nhận tín điều về “Chúa Ba Ngôi”, vốn xuất phát từ các tôn giáo của Ba-by-lôn, Ai-cập, Ấn-độ và Phật giáo. Ngoài ý niệm này về Đức Chúa Trời, người ta tôn thờ coi như những thần tượng nhiều lãnh tụ quyền năng, lực sĩ và ca sĩ xuất chúng. Người ta cũng nhiệt thành tôn thờ tiền bạc, chính mình và tình dục. Kẻ nào nấp sau tất cả những điều này? Đó là Sa-tan Ma-quỉ, “chúa đời nầy” (II Cô-rinh-tô 4:4; I Cô-rinh-tô 10:20). Bằng đủ mọi phương kế lưu manh xảo quyệt, hắn tìm cách khiến người ta xây bỏ Đức Giê-hô-va, hay ít ra để phân tán lòng tin kính của họ.

9. Cách tốt nhất để giúp một người học biết lẽ thật về Đức Chúa Trời là gì?

9 Làm sao chúng ta có thể giúp đỡ những người ấy biết lẽ thật về Đức Chúa Trời, dù họ tự xưng theo đấng Christ hay theo các tôn giáo khác? Một trong những phương cách tốt nhất là giúp cho họ thấy Kinh-thánh nói Đức Chúa Trời thật là ai và Ngài có những đức tính gì. Rồi đi đôi với lời nói chúng ta cần có hạnh kiểm phản ảnh những đức tính của Đức Chúa Trời trong đời sống của mình (I Phi-e-rơ 2:12).

10. Khi nói chuyện với một người tin Chúa Ba Ngôi, tại sao không nên thiết tưởng rằng chúng ta biết chính xác điều mà người đó tin tưởng?

10 Nhưng nói gì nếu một số người thuộc các nhà thờ tự xưng theo đấng Christ tranh luận với bạn, cho rằng giáo lý về “Chúa Ba Ngôi” mà họ tin phù hợp với Kinh-thánh? Trước hết hãy nhận thức rằng mặc dù có nhiều sự phát biểu chính thức về giáo lý “Chúa Ba Ngôi”, nhiều người có ý kiến riêng của họ. Vậy hãy mời họ phát biểu ý kiến của họ, rồi giúp họ so sánh những điều mà họ tin với những điều viết trong chính cuốn Kinh-thánh của họ. Dần dần cũng khuyến khích họ so sánh giáo lý chính thức của nhà thờ của họ với Lời Đức Chúa Trời.

11. Trong khi xem xét từng điểm một trong năm điểm kể trên, hãy dùng những câu hỏi và những câu Kinh-thánh liệt kê trong đoạn này để lý luận về việc giáo lý “Chúa Ba Ngôi” không phù hợp với Kinh-thánh.

11 Với ước muốn giúp đỡ những người thành thật, hãy xem xét làm thế nào bạn có thể dùng những câu Kinh-thánh kể ra ở dưới đây để lý luận về những điểm sau:

1Một số người tin Chúa Ba Ngôi nhấn mạnh là có ba Đấng (Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh thần) trong một Đức Chúa Trời.

Nhưng Công-vụ các Sứ-đồ 2:4, 17 có cho thấy “Thánh thần”, hay “thánh linh” là một đấng không?

Tại sao nên thử đếm xem có bao nhiêu đấng hay vị được nói đến trong mỗi câu Kinh-thánh sau đây? (Giăng 17:20-22; Công-vụ các Sứ-đồ 7:56; Khải-huyền 7:10).

2Một số người tin rằng tất cả các ngôi trong “Chúa Ba Ngôi” đều có sự vinh hiển ngang nhau, không ngôi nào lớn hơn hoặc nhỏ hơn, rằng ba ngôi đều bình đẳng với nhau và đều hằng sống như nhau.

Kinh-thánh có đồng ý như vậy không? (Để trả lời, hãy xem Giăng 14:28; Ma-thi-ơ 24:36; Khải-huyền 3:14).

3Một số người chỉ Giăng 1:1 mà nói rằng đó là bằng chứng về “Chúa Ba Ngôi”. Họ lập luận rằng bản văn bằng tiếng Hy-lạp không có bất định quán từ (“một”) và câu Kinh-thánh đó phải được đọc là: “Ngôi-Lời là Đức Chúa Trời”, thay vì “một thần”.

Nhưng có bao nhiêu đấng được nói đến nơi Giăng 1:1? Ba? Hay hai? Giăng 1:18 cũng đối ngược thế nào với giáo lý “Chúa Ba Ngôi”?

Thật ra trong tiếng Hy-lạp không có bất định quán từ như trong nhiều thứ tiếng khác, và trong các thứ tiếng này người ta dùng bất định quán từ để diễn tả tư tưởng một cách chính xác. Nếu có ai cảm thấy dùng bất định quán từ là sai khi dịch Giăng 1:1, người đó nghĩ sao khi thấy bất định quán từ được dùng nơi Công-vụ các Sứ-đồ 28:6 như trong bản dịch King James Version và nhiều bản dịch khác? (Bản An American Translation dịch Giăng 1:1 cách khác: “Ngôi Lời có thể thần linh” (divine), tức là ngài có cùng những loại đặc tính như Đức Chúa Trời).

4) Những người tin “Chúa ba Ngôi” cũng lập luận rằng nơi Sáng-thế Ký 1:1, 26 chữ Hê-bơ-rơ El·o·himʹ được dịch ra “Đức Chúa Trời” thuộc về số nhiều và thật ra có nghĩa là “các Đức Chúa Trời”.

Tại sao điều đó không ủng hộ cho giáo lý nói rằng có ba ngôi ở trong “một Đức Chúa Trời”?

Nếu chữ này ám chỉ một “Chúa Ba Ngôi” nơi Sáng-thế Ký 1:1, nói sao về Các Quan Xét 16:23 cũng dùng chữ el·o·himʹ để chỉ “thần” và động từ Hê-bơ-rơ thuộc số ít, chứ không phải số nhiều?

Tại sao chữ “Đức Chúa Trời” ở trong những câu văn này tiếng Hê-bơ-rơ được dùng dưới thể số nhiều? Đó là một cách để nói lên ý tưởng cao trọng hay oai nghiêm trong tiếng Hê-bơ-rơ. Nếu nói đến nhiều người thì động từ theo sau cũng phải thuộc về số nhiều, nhưng trong những trường hợp kể trên động từ lại thuộc về số ít.

5) Vì các nhà thờ đã nhấn mạnh nhiều đến Giê-su (và cũng vì nhiều bản dịch Kinh-thánh đã loại bỏ danh Đức Giê-hô-va), một số người chỉ nghĩ đến Giê-su khi Đức Chúa Trời được đề cập tới.

Nhưng Giê-su cung cấp gương mẫu nào trong sự thờ phượng để chúng ta noi theo? (Lu-ca 4:8).

12. Tại sao Giê-su đã kêu Cha ngài cách thích đáng là “Đức Chúa Trời có một và thật”?

12 Đành rằng Kinh-thánh nói Giê-su là “một thần”, ngay cả “Đức Chúa Trời Quyền-năng”, tuy nhiên ngài vẫn tôn vinh Cha ngài, nói đến Cha ngài như “Đức Chúa Trời ta và Đức Chúa Trời các ngươi” (Giăng 1:1; 20:17; Ê-sai 9:5). Ngài đồng ý với Môi-se, người đã từng nói trước đó: “[Đức] Giê-hô-va...là Đức Chúa Trời [thật], chớ không ai khác hơn Ngài” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:35). Đức Giê-hô-va vô cùng khác biệt với những đồ vật dùng làm thần tượng, những con người được thần thánh hóa và Sa-tan Ma-quỉ. Vì vô cùng khác biệt với tất cả mọi thứ đó, Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời có một và thật”, như Giê-su đã nói về Ngài (Giăng 17:3).

“BƯỚC THEO DANH CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA”

13, 14. “Biết” và «bước đi theo danh» Đức Giê-hô-va bao hàm điều gì?

13 Sau bao nhiêu năm lẫn lộn hoang mang không biết Đức Chúa Trời là ai nhiều người cảm thấy rất phấn khởi khi mới được thấy tên riêng của Đức Chúa Trời, là Đức Giê-hô-va, trong cuốn Kinh-thánh của họ (Xuất Ê-díp-tô Ký 6:3). Nhưng họ chỉ được lợi ích lâu dài của sự hiểu biết này khi nào họ «bước đi theo danh Đức Giê-hô-va đời đời» (Mi-chê 4:5). Điều này đòi hỏi nhiều hơn là chỉ biết danh Đức Giê-hô-va hay tự xưng mình là Nhân-chứng Giê-hô-va.

14 Thi-thiên 9:10 nói về tầm quan trọng của danh Đức Giê-hô-va: “Hỡi Đức Giê-hô-va, phàm ai biết danh Ngài sẽ để lòng tin-cậy nơi Ngài”. Điều này bao hàm gì? Điều này bao hàm nhiều hơn là chỉ biết danh Đức Giê-hô-va, vì chỉ biết thôi không có nghĩa là tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. “Biết” danh Đức Chúa Trời ở đây có nghĩa là hiểu rõ Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời như thế nào, kính trọng uy quyền của Ngài, tuân theo các mệnh lệnh của Ngài. Tương tự như vậy, «bước đi theo danh Đức Giê-hô-va» bao hàm việc dâng mình cho Ngài và đại diện Ngài với tư cách những người thờ phượng Ngài, thật sự sống phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời (Lu-ca 10:27). Bạn có đang làm thế không?

15. Nếu muốn phụng sự Đức Giê-hô-va đời đời, chúng ta cần gì hơn là chỉ có tinh thần bổn phận?

15 Nếu muốn phụng sự Đức Giê-hô-va đời đời, chúng ta phải được thúc đẩy nhiều hơn là chỉ vì tinh thần bổn phận. Sứ đồ Phao-lô khuyên giục Ti-mô-thê, người đã phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều năm rồi: “Hãy...tập-tành sự tin-kính” (I Ti-mô-thê 4:7). Sự tin kính đến từ lòng, được kích thích bởi lòng biết ơn đối với người mà mình tin kính. “Sự tin-kính” là một sự kính trọng sâu đậm đối với chính Đức Giê-hô-va, biểu lộ lòng quyến luyến đầy yêu thương đối với Ngài vì biết ơn Ngài và mến thích các đường lối của Ngài. Sự tin kính khiến cho chúng ta muốn mọi người đều kính mến danh Ngài. Chúng ta phải vun trồng “sự tin-kính” như là một mục tiêu hay mục đích trong đời sống của chúng ta, nếu muốn đời đời bước đi theo danh Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời thật (Thi-thiên 37:4; II Phi-e-rơ 3:11).

Thảo Luận Để Ôn Lại

● Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời như thế nào? Tại sao chúng ta được lợi ích khi hiểu rõ mỗi đức tính của Ngài?

● Làm sao chúng ta có thể giúp đỡ người khác học biết lẽ thật về Đức Chúa Trời?

● “Biết” và «bước đi theo danh Ngài» bao hàm điều gì?

[Câu hỏi thảo luận]