Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Ta ban nước cho các ngươi”

“Ta ban nước cho các ngươi”

Chương 14

“Ta ban nước cho các ngươi”

1. Vào đêm trước khi chết, Giê-su đã đặt trước mắt các sứ đồ viễn ảnh nào?

GIÊ-SU nói với các môn đồ trung thành với ngài, ngay vào đêm trước khi ngài bị giết chết: «Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở. Ta đi sắm-sẵn cho các ngươi một chỗ, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó». Sau đó ngài nói thêm với họ: “Ta ban nước cho các ngươi, cũng như Cha ta đã ban cho ta vậy” (Giăng 14:2, 3; Lu-ca 22:29). Ngài đã đặt trước mắt họ một triển vọng huy hoàng thay!

2. Có bao nhiêu người sẽ kết hợp với đấng Christ trong Nước Trời ở trên trời?

2 Tuy nhiên, Giê-su không muốn nói chỉ có các sứ đồ ấy mới được cùng cai trị với ngài trong Nước Trời ở trên trời. Sau đó ta được biết là có 144.000 người được chuộc từ trái đất sẽ có đặc ân cao quí đó (Khải-huyền 5:9, 10; 14:1, 4). Ngày nay có ai nhận được đặc ân này không?

GOM GÓP NHỮNG NGƯỜI THỪA KẾ NƯỚC TRỜI

3. Giê-su hướng sự chú ý đến cơ hội nào khi đi rao giảng công khai?

3 Sau khi Hê-rốt An-ti-ba bắt giam Giăng Báp-tít, Giê-su mở một chiến dịch rao giảng công khai và ngài tập trung sự chú ý đến “nước thiên-đàng” (Ma-thi-ơ 4:12, 17). Ngài khiến cho thiên hạ ý thức được là họ có cơ hội để vào Nước Trời, và các môn đồ ngài cố gắng hết sức để đạt đến giải thưởng đó (Ma-thi-ơ 5:3, 10, 20; 7:21; 11:12).

4. a) Khi nào thì những người môn đồ đầu tiên của Giê-su đã được xức dầu bằng thánh linh? b) Điều gì cho thấy từ đó về sau việc gom góp những người thừa kế Nước Trời được chú ý đến?

4 Vào ngày lễ Ngũ tuần năm 33 tây lịch những người đầu tiên trong số họ đã được xức dầu bằng thánh linh (Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-4; II Cô-rinh-tô 1:21, 22). Lúc đó người ta biết đến sự sắp đặt của Đức Chúa Trời cho sự cứu rỗi dẫn đến đời sống bất tử ở trên trời. Phi-e-rơ dùng các “chìa-khóa nước thiên-đàng” để làm sáng tỏ sự hiểu biết đó—trước hết cho người Do-thái, kế đến cho người Sa-ma-ri, và rồi cho những người dân ngoại (Ma-thi-ơ 16:19). Người ta đã chú trọng đặc biệt đến việc thành lập chính phủ sẽ cai trị 1.000 năm trên nhân loại, và hầu hết các lá thư trong phần Kinh-thánh tiếng Hy-lạp về đấng Christ được dành trước nhất cho nhóm người thừa kế Nước Trời—“các thánh-đồ”, “[những người] dự phần ơn trên trời gọi” *.

5. Việc họ được gọi lên trời có phải là vì họ tốt hơn các tôi tớ Đức Chúa Trời sống trước họ không?

5 Việc họ được gọi để lên trời không phải là vì họ tốt hơn tất cả những tôi tớ Đức Chúa Trời đã chết trước ngày lễ Ngũ tuần năm 33 tây lịch (Ma-thi-ơ 11:11). Thay vì thế, chính vào lúc ấy Đức Giê-hô-va bắt đầu chọn lựa những người sẽ cùng cai trị với Giê-su Christ. Suốt khoảng 19 thế kỷ sau đó sự kêu gọi để lên trời là sự kêu gọi duy nhất. Đó là một ân điển mà Đức Chúa Trời dành cho một số người có giới hạn để thực thi các ý định khôn ngoan và đầy yêu thương của Ngài (Ê-phê-sô 2:8-10).

6. a) Tại sao đến lúc phải kết thúc sự kêu gọi lên trời? b) Ai sẽ hướng dẫn các sự việc để cũng làm ứng nghiệm lời tiên tri về “đám đông”, và điều gì đã thật sự xảy ra?

6 Dần dần theo thời gian con số hạn chế được ấn định là 144.000 người sẽ đầy đủ. Việc đóng ấn sau cùng của những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng được chấp nhận sẽ gần kề (Khải-huyền 7:1-8). Rồi Đức Giê-hô-va, qua trung gian thánh linh Ngài và sự hiểu biết của tổ chức hữu hình của Ngài về Kinh-thánh, sẽ hướng dẫn các sự việc để hoàn thành phần khác của ý định Ngài, như được ghi nơi Khải-huyền 7:9-17. Ngài sẽ cho gom góp một “đám đông” người từ mọi nước, với triển vọng đầy phấn khởi là sẽ được sống sót qua hoạn nạn lớn và sống đời đời với sự hoàn toàn trong Địa-đàng trên đất. Khi chúng ta xem xét những điều đã thật sự xảy ra, dường như sự kêu gọi lên trời nói chung đã kết thúc vào khoảng năm 1935 tây lịch, khi người ta nhận định rõ được hy vọng sống trên đất dành cho “đám đông”. Kể từ lúc đó, hằng triệu người thờ phượng Đức Giê-hô-va, hết lòng hy vọng sống đời đời ngay trên đất này, đã được đưa đến kết hợp với số người tương đối ít là hàng ngàn người còn sót lại của lớp người có hy vọng lên trời.

7. Có thể nào ngay cả ngày nay có lẽ một số người nhận được sự kêu gọi lên trời không? Và tại sao bạn trả lời như thế?

7 Phải chăng điều này có nghĩa là hiện thời không còn ai được Đức Chúa Trời gọi để sống trên trời hay sao? Cho đến chừng nào việc đóng ấn sau cùng được hoàn thành, có thể có một số ít người có hy vọng đó tỏ ra bất trung, và những người khác sẽ được chọn để thay thế họ. Nhưng dường như ta có lý để tin rằng hiếm có việc như thế xảy ra.

CÁC CON THIÊNG LIÊNG—LÀM SAO HỌ BIẾT ĐƯỢC?

8. Phao-lô giải thích thế nào để cho thấy rằng những ai được thánh linh thọ sanh ý thức được điều này?

8 Thánh linh Đức Chúa Trời ban cho lòng tin chắc chắn cho các tín đồ đấng Christ đã làm báp têm nhận được sự kêu gọi lên trời rằng họ được nhận làm con thiêng liêng. Sứ đồ Phao-lô cho thấy điều này khi viết cho các “thánh-đồ” ở thành Rô-ma, ông diễn tả tình trạng của tất cả các tín đồ thật của đấng Christ thời bấy giờ. Ông nói: “Hết thảy kẻ nào được thánh-linh của Đức Chúa Trời dắc-dẫn, đều là con của Đức Chúa Trời. Thật anh em đã chẳng nhận lấy thần-trí của tôi-mọi đặng còn ở trong sự sợ-hãi; nhưng đã nhận lấy thần-trí của sự làm con nuôi, và nhờ đó chúng ta kêu rằng: A-ba! Cha! Chính thánh-linh làm chứng cho [thần trí] chúng ta rằng chúng ta là con-cái Đức Chúa Trời. Lại nếu chúng ta là con-cái, thì cũng là kẻ kế-tự: kẻ kế-tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế-tự với đấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau-đớn với ngài, hầu cho cũng được vinh-hiển với ngài” (Rô-ma 1:7; 8:14-17).

9. «Thánh-linh làm chứng» thế nào cho thần trí của những người thật sự là con Đức Chúa Trời?

9 Ở đây chúng ta được lưu ý đến hai chữ “thánh-linh” và “thần-trí”. Chữ thứ nhất là sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời, cảm ứng các con thiêng liêng của Ngài để họ tin chắc rằng đã được Đức Chúa Trời nhận làm con nuôi có tự do. Thánh linh đó cũng làm chứng qua Kinh-thánh, Lời được soi dẫn bởi Đức Chúa Trời, Kinh-thánh giống như lá thư riêng cho các con thiêng liêng của Ngài (I Phi-e-rơ 1:10-12). Khi những người đã được thánh linh thọ sanh đọc những điều Kinh-thánh nói với các con thiêng liêng của Đức Chúa Trời, họ đáp lại cách thích nghi: «Điều này áp dụng cho tôi». Vậy thánh linh của Đức Chúa Trời làm chứng bằng nhiều cách khác nhau với thần trí của họ, sức lực thúc đẩy lòng và trí họ, rằng họ là con cái Đức Chúa Trời. Vậy thì, phù hợp với điều thánh linh Đức Chúa Trời cho thấy, lòng và trí họ nuôi triển vọng làm những người đồng kế tự với đấng Christ, và họ chấp nhận trách nhiệm làm con cái thiêng liêng của Đức Chúa Trời (Phi-líp 3:13, 14).

10. a) Các yếu tố nào tự chúng không nhận diện một người là một tín đồ đấng Christ được xức dầu? b) Các “chiên khác” có quan điểm nào về địa vị của họ trong ý định của Đức Chúa Trời?

10 Có phải đây là trường hợp của bạn không? Nếu vậy, bạn có một đặc ân huyền diệu. Tuy nhiên, hẳn là một điều sai lầm để kết luận rằng, bởi vì một người rất quí trọng những điều thiêng liêng sâu sắc hơn hoặc có sự hăng hái trong công việc rao giảng hay yêu mến anh em cách đậm đà, người đó hẳn phải là một tín đồ đấng Christ được xức dầu. Nhiều người thuộc các “chiên khác” cũng đó những đặc điểm ấy. Lòng họ cũng cảm xúc trước những điều họ đọc thấy trong Kinh-thánh liên quan đến những người đồng kế tự với đấng Christ, nhưng họ không dám đòi cho mình một điều mà Đức Chúa Trời không dành sẵn cho họ. (So sánh Dân-số Ký 16:1-40). Họ nhìn nhận ý định ban đầu của Đức Chúa Trời đối với trái đất và hoạt động với sự biết ơn nhằm dự phần vào việc thực thi ý định đó.

DỰ PHẦN CÁCH XỨNG ĐÁNG

11. Ai có mặt tại buổi lễ kỷ niệm hằng năm về sự chết của Giê-su, và tại sao?

11 Mỗi năm, vào ngày 14 Ni-san, sau khi mặt trời lặn, các môn đồ được xức dầu của Giê-su Christ ở khắp mọi nơi trên thế giới kỷ niệm sự chết của ngài, phù hợp với lời chỉ dạy của ngài ban cho các sứ đồ (Lu-ca 22:19, 20). Các “chiên khác” cũng có mặt, không phải để dự phần vào bánh và rượu, nhưng để quan sát cách cung kính.

12. Một số tín đồ đấng Christ thuộc thế kỷ thứ nhất ở Cô-rinh-tô đã không tỏ ra quí trọng Bữa Tiệc của Chúa cách đúng mức như thế nào?

12 Đây không phải là một nghi lễ tôn giáo trống rỗng, nhưng đầy ý nghĩa. Sứ đồ Phao-lô có viết lời khuyên bảo nghiêm nghị cho một số tín đồ đấng Christ thuộc thế kỷ thứ nhất ở Cô-rinh-tô, Hy-lạp, không quí trọng dịp đó cách đúng mức, ông nói rằng: “Ai ăn bánh hoặc uống chén của Chúa cách không xứng-đáng, thì sẽ mắc tội với thân và huyết của Chúa”. Điều gì khiến cho họ “không xứng-đáng” dự phần? Họ đã không sửa soạn lòng và trí cách đúng đắn. Trong hội-thánh lúc đó có sự chia rẽ. Một số người ăn uống quá độ trước khi nhóm lại. Họ đã tỏ ra thờ ơ đối với Bữa Tiệc của Chúa. Họ không ở trong tình trạng mà họ có thể nhận định ra ý nghĩa hệ trọng của bánh và rượu (I Cô-rinh-tô 11:17-34).

13. Bánh và rượu được dọn ra vào buổi Lễ Kỷ niệm có ý nghĩa gì?

13 Ý nghĩa đó là gì? Không cốt ở phép lạ giả tưởng nào khiến bánh và rượu biến thể. Đấng Christ không chịu chết làm vật hy sinh một lần nữa mỗi khi có Lễ Kỷ niệm, dù theo nghĩa nào. Kinh-thánh ghi lại rằng “đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội lỗi của nhiều người” (Hê-bơ-rơ 9:28; 10:10; Rô-ma 6:9). Bánh không men và rượu chát đỏ chỉ là món biểu hiệu, tượng trưng cho thân thể thật sự mà Giê-su đã hy sinh và máu thật sự ngài đã đổ ra. Nhưng những điều thật sự này quí giá biết bao! Thân thể làm người không có tội lỗi của Giê-su đã được phó cho để thế gian loài người có cơ hội sống đời đời (Giăng 6:51). Và máu ngài đổ ra giúp đạt hai mục tiêu cùng một lúc—tẩy sạch tội lỗi cho những ai trong nhân loại đặt đức tin nơi máu đó, và cũng để ban hiệu lực cho giao ước mới giữa Đức Chúa Trời và hội-thánh Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, gồm các tín đồ đấng Christ được thánh linh xức dầu (I Giăng 1:7; I Cô-rinh-tô 11:25; Ga-la-ti 6:14-16). Chính những sự sắp đặt quí giá này khiến cho những người thuộc “bầy nhỏ” có thể được Đức Chúa Trời xưng là công bình, thật sự được công nhận có sự hoàn toàn với tư cách con người (Lu-ca 12:32). Điều này được thực hiện hầu cho họ có thể được thánh linh thọ sanh làm con Đức Chúa Trời, với triển vọng dự phần với đấng Christ vào Nước Trời ở trên trời. Khi họ nhận lấy các món biểu hiệu mỗi năm, tức làm chứng rằng họ có hy vọng lên trời, thì sự biết ơn của họ vì được ở trong “giao ước mới” do đấng Christ làm trung bảo, được bày tỏ lần nữa và đậm đà thêm lên (Hê-bơ-rơ 8:6-12).

“CHÚNG TA SẼ ĐI CÙNG CÁC NGƯƠI”

14. a) Tại sao các “chiên khác” không dự phần vào các món biểu hiệu của Lễ Kỷ niệm, nhưng họ khao khát chờ đón điều gì? b) Họ xem việc kết hợp với những người còn sót lại được thừa kế Nước Trời như thế nào?

14 Các “chiên khác” nhận ra cách Đức Giê-hô-va đối xử với những người được xức dầu của Ngài, và họ đến kết hợp với những người này, nói rằng: “Chúng ta sẽ đi cùng các ngươi, vì chúng ta có nghe rằng Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi” (Xa-cha-ri 8:20-23). Không những họ đi nhóm họp chung với nhau, mà lại còn cùng rao báo tin mừng về Nước Trời cho mọi người ở khắp nơi trên đất nữa. Tuy nhiên, các “chiên khác” không được mời vào “giao ước mới” cùng với dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, cũng không có phần trong giao ước về “nước” do Giê-su lập ra với những người được chọn để cùng sống với ngài trên trời, và bởi lẽ đó họ làm đúng khi không dự phần vào các món biểu hiệu của Lễ Kỷ niệm (Lu-ca 22:20, 29). Nhưng trong khi “giao ước mới” đạt tới mục tiêu là gom góp những thành viên sau cùng của “bầy nhỏ” để xung vào Nước Trời ở trên trời, các “chiên khác” hiểu rằng đó là dấu hiệu họ gần hưởng được những ân phước ở trên đất do Nước Trời đó đem lại. Họ coi đó là một đặc ân được phụng sự hợp nhất với những người trung thành còn sót lại được thừa kế Nước Trời, trong “ngày sau-rốt”.

[Chú thích]

Thảo Luận Để Ôn Lại

● Tại sao có nhiều chỗ đến thế trong phần Kinh-thánh Hy-lạp về đấng Christ hướng sự chú ý về hy vọng lên trời?

● Làm sao những người đã được Đức Chúa Trời nhận làm con biết thế? Các món biểu hiệu mà họ nhận lấy vào Lễ Kỷ niệm có ý nghĩa gì?

● Các “chiên khác” chứng tỏ thế nào rằng họ thật sự hợp nhất với “bầy nhỏ”?

[Câu hỏi thảo luận]