Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một nguồn khôn ngoan cao cả

Một nguồn khôn ngoan cao cả

Chương 12

Một nguồn khôn ngoan cao cả

“Hỡi Đức Giê-hô-va, công-việc Ngài nhiều biết bao! Ngài đã làm hết thảy cách khôn-ngoan; trái đất đầy-dẫy tài-sản Ngài” (Thi-thiên 104:24). Đúng vậy, từ một vũ trụ rộng lớn bao la đến một bông hoa xinh đẹp mảnh mai, cả công trình sáng tạo minh chứng cho sự khôn-ngoan vô song của Đấng Tạo Hóa. Kỹ thuật của thể kỷ 20 này không có nghĩa lý gì khi so sánh với công trình của Đức Chúa Trời. Nếu Kinh-thánh là Lời Đức Chúa Trời, chúng ta mong rằng Kinh-thánh phải chứng tỏ có sự khôn ngoan vượt quá khả năng của loài người. Kinh-thánh có chứng tỏ được điều đó không?

1. (Kể cả phần nhập đề). a) Chúng ta thấy được sự khôn ngoan vô song của Đức Chúa Trời ở đâu? b) Kinh-thánh cho lời khuyên nào về sự khôn ngoan?

KINH-THÁNH nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự khôn ngoan. Kinh-thánh nói: “Sự khôn-ngoan là điều cần-nhứt; vậy, khá cầu lấy sự khôn-ngoan; hãy dùng hết của con đã được mà mua sự thông-sáng” (Châm-ngôn 4:7). Kinh-thánh cũng công nhận loài người chúng ta thường thiếu sự khôn-ngoan, và khuyến khích chúng ta: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn-ngoan, hãy cầu-xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng-rãi” (Gia-cơ 1:5).

2. Làm thế nào một người có thể tăng thêm sự khôn ngoan?

2 Đức Chúa Trời ‘ban sự khôn ngoan cho mọi người cách rộng rãi’ như thế nào? Một cách là khuyến khích chúng ta đọc và học Kinh-thánh. Sách Châm-ngôn trong Kinh-thánh khuyên giục: “Hỡi con, nếu con tiếp-nhận lời ta, dành-giữ mạng-lịnh ta nơi lòng con, để lắng tai nghe sự khôn-ngoan... Bấy giờ con sẽ hiểu-biết sự kính-sợ Đức Giê-hô-va, và tìm được điều tri-thức của Đức Chúa Trời. Vì Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn-ngoan” (Châm-ngôn 2:1, 2, 5, 6). Khi áp dụng lời khuyên trong Kinh-thánh và thấy có công hiệu, chúng ta mới ý thức rằng Kinh-thánh thật sự chứa đựng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.

Lời khôn ngoan

3, 4. a) Kinh-thánh nói gì về tính cách hư không của sự ham mê tiền bạc? b) Có sự thăng bằng nào trong lời khuyên của Kinh-thánh về giá trị của tiền bạc?

3 Để hiểu rõ điều này hơn, chúng ta hãy xem qua vài câu Kinh-thánh. Hãy xem xét lời khôn-ngoan này: “Còn như kẻ muốn nên giàu-có, ắt sa vào sự cám-dỗ, mắc bẫy-dò, ngã trong nhiều sự tham-muốn vô-lý thiệt-hại kia... Bởi chưng sự tham tiền-bạc là cội-rễ mọi điều ác” (I Ti-mô-thê 6:9, 10). Hãy so sánh lời này với quan điểm hiện đại—ít ra cũng là quan điểm của xã hội tây phương—khuyến khích người ta đặt mục tiêu chính là chạy theo tiền bạc. Đáng buồn là nhiều người tìm kiếm và đạt được sự giàu có nhưng vẫn có cảm giác trống rỗng và không thỏa mãn. Một nhà tâm lý học đã nhận xét: “Trở thành người đứng đầu và giàu có không làm cho bạn toại nguyện, thỏa mãn, được người khác kính trọng và yêu thương chân thật”.1

4 Một người thực tế không phải là người không màng đến tiền bạc. Kinh-thánh cho thấy sự khôn-ngoan khi có quan điểm thăng bằng này: “Sự khôn-ngoan che thân cũng như tiền-bạc che thân vậy; nhưng sự khôn-ngoan thắng hơn, vì nó giữ mạng-sống cho người nào đã được nó” (Truyền-đạo 7:12). Thế thì Kinh-thánh đã giúp chúng ta thấy tiền bạc, tuy quan trọng, nhưng không phải là hết sức quan trọng. Nếu chúng ta không có sự khôn ngoan để dùng tiền cho đúng, thì nó chỉ là một phương tiện để đạt một mục tiêu nào đó và có giá trị giới hạn.

5, 6. a) Tại sao lời Kinh-thánh khuyên tránh bạn bè xấu là khôn ngoan? b) Chúng ta được lợi ích gì khi “giao-tiếp với người khôn-ngoan”?

5 Lời sau đây của Kinh-thánh cũng đúng: “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên-dại sẽ bị tàn-hại” (Châm-ngôn 13:20). Bạn có bao giờ để ý thấy là chúng ta bị bạn bè ảnh hưởng mạnh mẽ không? Áp lực của bạn bè đã đưa nhiều người trẻ vào sự say sưa, lạm dụng ma túy và vô luân. Nếu chúng ta nhập bọn với những người ăn nói thô tục, thì cuối cùng chính chúng ta cũng ăn nói thô tục. Chơi với những kẻ bất lương, chúng ta cũng đâm ra có khuynh hướng bất lương. Thật là đúng khi Kinh-thánh nói: “Bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt” (I Cô-rinh-tô 15:33).

6 Mặt khác, bạn bè tốt có thể làm chúng ta tốt hơn. Bằng cách “giao-tiếp với người khôn-ngoan”, chính chúng ta sẽ trở nên khôn ngoan hơn. Thói quen tốt có ảnh hưởng tốt, cũng như thói xấu có ảnh hưởng xấu. Một lần nữa, Kinh-thánh tỏ ra khôn ngoan khi khuyến khích chúng ta chọn bạn một cách cẩn thận.

7. Điều gì làm cho Kinh-thánh là một nguồn chứa đựng lời khuyên độc nhất vô nhị?

7 Kinh-thánh có nhiều nguyên tắc như vậy hướng dẫn chúng ta trong lối sống. Vì là nguồn chứa đựng các lời khuyên bảo nên Kinh-thánh là độc nhất vô nhị. Lời khuyên của Kinh-thánh luôn luôn đem lại lợi ích. Kinh-thánh không chỉ là mớ lý thuyết suông, và không bao giờ gây tai hại cho chúng ta. Kinh-thánh có lời khuyên cho mọi lãnh vực của đời sống mà không sách nào có thể sánh được. Những ai áp dụng lời khuyên đó trong đời sống, và thấy luôn luôn được lợi ích như thế nào, thì sẽ quí trọng Kinh-thánh như một nguồn khôn ngoan độc nhất vô nhị.

Những nguyên tắc khôn ngoan

8. Kinh-thánh giúp chúng ta thế nào khi gặp phải một vấn đề mà Kinh-thánh không trực tiếp nói đến?

8 Nhưng nếu chúng ta gặp phải một vấn đề mà Kinh-thánh không trực tiếp nói đến thì sao? Thường thì chúng ta có thể tìm thấy những nguyên tắc tổng quát để hướng dẫn mình. Thí dụ, đôi lúc trong cuộc sống, nhiều người phải quyết định thôi hút thuốc lá. Vào thời của Chúa Giê-su, thuốc lá chưa được biết đến tại các xứ Trung Đông nên Kinh-thánh không nói đến. Tuy nhiên, có những nguyên tắc thích hợp trong Kinh-thánh giúp chúng ta quyết định khôn ngoan trong vấn đề này.

9-11. Bằng cách nào nguyên tắc của Kinh-thánh giúp chúng ta đạt đến quyết định khôn ngoan về vấn đề thuốc lá và chúng ta được lợi ích nào nhờ theo những nguyên tắc này?

9 Dù người ta có cho việc hút thuốc lá là thú vị đi nữa, thật ra nó liên hệ đến việc hít toàn chất độc dày đặc vào buồng phổi. Người hút thuốc làm ô uế thân thể mình, cũng như làm ô uế quần áo và không khí chung quanh. Hơn nữa, hút thuốc gây ra nghiện ngập. Những người muốn ngưng hút thường thấy rất khó. Hiểu như vậy, chúng ta có thể trông cậy Kinh-thánh giúp chúng ta kết luận khôn ngoan về việc hút thuốc lá.

10 Thứ nhất, chúng ta hãy xem xét vấn đề nghiện ngập. Khi nói về đồ ăn, sứ đồ Phao-lô viết: “[Tôi] chẳng để sự gì bắt phục được tôi” (I Cô-rinh-tô 6:12). Sứ đồ Phao-lô được tự do ăn mọi thứ đồ ăn, nhưng ông biết một số người thời đó có một lương tâm dễ bị tổn thương. Bởi vậy, ông nói ông không “ghiền” bất cứ thức ăn nào đến độ không nhịn được, trong trường hợp ông phải nhịn, để khỏi làm vấp phạm người khác. Nếu một người không thể ngưng hút, hoặc nhai thuốc lá, người đó chắc chắn là ‘bị [thuốc lá] bắt phục’. Vì thế, lời của Phao-lô về vấn đề đồ ăn là lời hướng dẫn tốt cho việc hút thuốc lá. Chúng ta không nên để chính mình trở thành nô lệ cho một tật xấu nào.

11 Thứ nhì, hãy xem xét vấn đề ô nhiễm. Kinh-thánh nói: “Hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ-bẩn phần xác-thịt và phần thần-linh” (II Cô-rinh-tô 7:1). Chắc chắn hút thuốc làm dơ bẩn hay làm ô uế thân thể. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, thói ô uế này trầm trọng đến độ khiến cho hơn một triệu người chết sớm mỗi năm. Nếu chúng ta theo nguyên tắc Kinh-thánh, giữ mình cho sạch khỏi mọi dơ bẩn về thân thể, thì chúng ta sẽ tránh khỏi những nguy hại trầm trọng cho sức khỏe mà tật nghiện thuốc, nghiện ma túy và những thói dơ bẩn khác gây ra.

Những lời hữu ích

12. Tại sao lời khuyên của Kinh-thánh luôn luôn có liên hệ tới sự lành mạnh về thể chất và tình cảm của chúng ta?

12 Chúng ta không nên ngạc nhiên là làm theo những lời khuyên của Kinh-thánh sẽ có lợi cho chúng ta về phương diện thể chất. Lời khuyên của Kinh-thánh đến từ Đức Chúa Trời. Là Đấng Tạo Hóa, Ngài hiểu rõ chúng ta được tạo ra như thế nào và chúng ta cần gì (Thi-thiên 139:14-16). Lời khuyên của Ngài luôn luôn có liên hệ tới sự lành mạnh về thể chất và tình cảm của chúng ta.

13, 14. Tại sao việc làm theo lời khuyên của Kinh-thánh chớ nói dối là đường lối khôn ngoan?

13 Điều này thấy được qua lời khuyên chớ nói dối. Nói dối được liệt kê là một trong bảy điều Đức Giê-hô-va ghét, và sách Khải-huyền liệt những kẻ nói dối vào hạng người không được vào hệ thống mới của Đức Chúa Trời (Châm-ngôn 6:19; Khải-huyền 21:8). Dù vậy, người ta vẫn nói dối. Một tạp chí thương mãi ghi nhận: “Hoa Kỳ đang trải qua thời kỳ có nhiều vụ lừa bịp, dối trá và những vụ gian lận tệ nhất trong lịch sử”.2

14 Dù rất phổ thông, sự nói dối vẫn gây tệ hại cho xã hội và cho cá nhân. Ký giả Clifford Longley đã nhận xét đúng: “Nói dối làm tổn thương người nói dối và người bị dối gạt ở một mức độ sâu xa nhất, bởi làm cho đứt đoạn mối liên hệ cần thiết giữa trí óc và thực tại”.3 Tờ The American Journal of Psychiatry (Tập san Hoa Kỳ về tâm thần học) nói: “Những người bị lừa dối có thể bị tác động tàn hại về mặt tâm lý. Những quyết định quan trọng trong cuộc sống có thể căn cứ vào những tin tức giả dối nhưng được tưởng là thật. Nói dối cũng có thể gây hậu quả bất lợi cho chính người nói dối”.4 Nói thật có lợi biết bao, như Kinh-thánh đã khuyên bảo một cách khôn ngoan!

15, 16. Làm theo lời khuyên của Kinh-thánh trong việc bày tỏ lòng yêu thương đối với người khác, chúng ta được lợi ích gì?

15 Một cách tích cực hơn, Kinh-thánh bảo chúng ta nên quan tâm đến người khác, tỏ lòng yêu thương và giúp đỡ họ. Chúa Giê-su đã nói những lời nổi tiếng này: “Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ” (Ma-thi-ơ 7:12).

16 Thế gian này sẽ tốt hơn biết bao nếu mỗi người đều làm theo luật này! Hơn nữa, theo một cuộc nghiên cứu tâm lý tại Hoa Kỳ, thì việc quan tâm đến người khác khiến người ta cảm thấy sung sướng. Cuộc nghiên cứu, liên quan đến 1.700 người, cho biết việc giúp đỡ người khác đem lại cho họ một cảm giác yên tịnh và giúp họ tránh được những bệnh gây ra bởi sự căng thẳng như bệnh nhức đầu và bệnh mất tiếng nói. Bài tường trình kết luận: “Chăm sóc người khác dường như là một phần trong bản tính tự nhiên của con người, cũng như là việc chăm sóc chính mình vậy”.5 Điều này nhắc chúng ta nhớ một điều răn của Kinh-thánh: “Ngươi phải yêu kẻ lân-cận như mình” (Ma-thi-ơ 22:39; so sánh Giăng 13:34, 35). Yêu chính mình là điều tự nhiên. Nhưng để chúng ta được khỏe mạnh về mặt cảm xúc, Kinh-thánh nói rằng chúng ta phải thăng bằng trong việc yêu chính mình và yêu người khác.

Hôn nhân và đạo đức

17. Tại sao những lời khuyên của Kinh-thánh đôi khi có vẻ lỗi thời?

17 Dù lời khuyên của Kinh-thánh được chứng tỏ là khôn ngoan sâu xa nhưng Kinh-thánh không luôn luôn nói những điều mà người ta muốn nghe. Kinh-thánh thường bị lên án là lỗi thời. Tại sao vậy? Bởi vì dù lời khuyên của Kinh-thánh có lợi ích lâu dài cho chúng ta, nhưng việc áp dụng các lời khuyên ấy thường đòi hỏi kỷ luật và quên mình; và ngày nay những đức tính này không được phổ thông lắm.

18, 19. Tiêu chuẩn của Kinh-thánh về hôn nhân và đạo đức là gì?

18 Hãy xem vấn đề hôn nhân và đạo đức. Tiêu chuẩn của Kinh-thánh rất khắt khe về phương diện này. Kinh-thánh nói rõ nguyên tắc một vợ, một chồng. Dù Kinh-thánh có cho phép ly dị hay ly thân trong những trường hợp bất khả kháng, nhưng thường Kinh-thánh coi hôn nhân là sự ràng buộc cả đời. “Các ngươi há chưa đọc lời chép về Đấng Tạo-Hóa, hồi ban đầu, dựng nên một người nam, một người nữ, và có phán rằng: Vì cớ đó người nam sẽ lìa cha mẹ, mà dính-díu với vợ mình; hai người sẽ cùng nên một thịt hay sao? Thế thì, vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi. Vậy, loài người không nên phân-rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối-hiệp!” (Ma-thi-ơ 19:4-6; I Cô-rinh-tô 7:12-15).

19 Hơn nữa, Kinh-thánh nói rằng người ta chỉ có quyền giao hợp trong phạm vi hôn nhân mà thôi. Kinh-thánh cấm tất cả những sự giao hợp ngoài hôn nhân. Chúng ta đọc: “Phàm những kẻ tà-dâm, kẻ thờ hình-tượng, kẻ ngoại-tình, kẻ làm giáng yểu-điệu, kẻ đắm nam-sắc... đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu” (I Cô-rinh-tô 6:9, 10).

20. Nhiều người ngày nay lờ đi tiêu chuẩn đạo đức của Kinh-thánh trong vấn đề nào?

20 Ngày nay, nhiều người đã bỏ qua những tiêu chuẩn này. Giáo sư xã hội học là David Mace nhận xét: “Trong thế kỷ này, nền văn hóa của chúng ta đã trải qua nhiều sự thay đổi. Nhiều phong tục và cơ cấu ngày xưa đã bị lung lay đến tận gốc rễ. Hôn nhân cũng không khỏi bị ảnh hưởng”.6 Các sự thực hành buông tuồng rất phổ thông. Sự giao hợp giữa các cặp nam nữ vị thành niên trong lúc hò hẹn là thường tình. Sống chung trước hôn nhân—‘để cho chắc ăn’—thường xảy ra. Khi cưới nhau rồi, chuyện tình dục trái phép cũng không phải là hiếm có.

21. Bỏ qua tiêu chuẩn của Kinh-thánh về hôn nhân và đạo đức đã đưa đến hậu quả nào?

21 Tình trạng luân lý buông tuồng này có đem lại hạnh phúc không? Không, tình trạng này chỉ đem lại rối loạn mà thôi—một sự rối loạn đắt giá—đưa đến cảnh đau khổ và gia đình tan vỡ. Sự vô luân cũng đã trực tiếp gây ra những bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục. Bệnh lậu, giang mai và chlamydia cùng với nhiều bệnh khác đã lan tràn đến độ không kiểm soát được. Trong những năm gần đây, nạn mãi dâm và đồng tính luyến ái đã làm tăng tốc độ lan tràn bệnh AIDS. Nạn gái trẻ độc thân có con cũng lan tràn như một thứ bệnh dịch, trong khi chính chúng cũng còn là con trẻ. Tờ Ladies’ Home Journal (Tập san phụ nữ) ghi nhận: “Sự nhấn mạnh về tình dục, điển hình là trong thập kỷ 60 và 70, đã không đem lại hạnh phúc cho con người, nhưng đem đến những đau khổ trầm trọng”.7

22. Về phương diện luân lý, điều gì đem lại hạnh phúc lớn nhất?

22 Vì thế, bây giờ chúng ta hãy nghe lời bình luận sau đây của giáo sư xã hội học Carlfred B. Broderick: “Có lẽ chúng ta đã đủ trưởng thành để xét xem việc khuyến khích đường lối tránh giao hợp trước hôn nhân có tốt cho tất cả chúng ta không. Đường lối này là một sự đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu của dân chúng và quyền tự do của họ: tự do khỏi bệnh tật, tự do khỏi chửa hoang”.8 Thật vậy, tiêu chuẩn đạo đức của Kinh-thánh đã chứng tỏ là đem lại hạnh phúc lớn nhất cho chúng ta lâu dài về sau.

Các nguyên tắc thật sự hiệu nghiệm

23. a) Nếu một hôn nhân không hạnh phúc thì ly dị có phải là giải pháp duy nhất không? b) Hai chìa khóa nào đưa đến cuộc hôn nhân hạnh phúc và vững bền?

23 Vì hôn nhân kéo dài suốt đời, nên chúng ta cần phải biết làm thế nào để cho hôn nhân được thành công. Một số người tranh luận rằng tốt hơn nên chấm dứt cuộc hôn nhân không hạnh phúc còn hơn là tiếp tục để bị khổ sở. Nhưng có một cách khác nữa: cố gắng giải quyết những vấn đề đã làm cho hôn nhân không hạnh phúc. Về lãnh vực này, Kinh-thánh có thể giúp được. Chúng ta đã biết Kinh-thánh khuyên phải chung thủy với người hôn phối, và đây là chìa khóa đưa đến một hôn nhân hạnh phúc và vững bền. Một chìa khóa khác nữa là cần nhận biết chỉ có một người làm đầu trong hôn nhân. Kinh-thánh nói đó phải là người chồng. Người vợ được khuyên là nên ủng hộ chồng và không nên thách thức địa vị của chồng. Mặt khác, Kinh-thánh khuyên người chồng nên dùng địa vị mình để chăm lo cho hạnh phúc của vợ và không nên ích kỷ (I Cô-rinh-tô 11:3; I Ti-mô-thê 2:11-14).

24, 25. Kinh-thánh khuyến khích chồng và vợ thế nào để họ làm tròn vai trò của mình trong hôn nhân?

24 Với người chồng, Kinh-thánh nói: “Chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy. Vì chẳng hề có người nào ghét chính thân mình” (Ê-phê-sô 5:28, 29). Người chồng yêu thương sẽ quan tâm đến người khác khi hành sử quyền làm đầu. Ông nên nhớ rằng, dù làm đầu, ông cũng nên lưu ý hoặc hỏi ý kiến vợ. Hôn nhân là sự hợp tác song phương chứ không phải là sự độc đoán đơn phương.

25 Kinh-thánh khuyên người vợ: “Vợ thì phải kính chồng” (Ê-phê-sô 5:33). Vợ kính nể chồng vì địa vị của chồng trong gia đình, và sự kính nể đó được thể hiện bằng việc ủng hộ chồng, cũng như tình yêu thương của chồng đối với vợ được thấy qua việc ông quan tâm đến vợ. Đối với những người có lối suy luận hiện đại, những lời khuyên trên không thể chấp nhận được. Nhưng những cặp vợ chồng nào xây dựng mối liên lạc của họ trên tình yêu thương và sự kính nể—như Kinh-thánh khuyên bảo—thì luôn luôn được hạnh phúc.

26. Tiêu chuẩn của Kinh-thánh về hôn nhân có thật sự hữu hiệu không? Hãy chứng minh.

26 Một kinh nghiệm ở nam Thái Bình Dương cho thấy lời khuyên của Kinh-thánh về hôn nhân thật sự hiệu nghiệm. Có một cặp vợ chồng, sau 10 năm chung sống, tin rằng hôn nhân của họ đã hoàn toàn thất bại, cho nên họ bắt đầu tính chuyện ly thân. Nhưng rồi người vợ nói chuyện với một Nhân Chứng Giê-hô-va. Bà học với chị Nhân-chứng về lời khuyên của Kinh-thánh cho các cặp vợ chồng. Người chồng cho biết: “Khi vợ tôi học các nguyên tắc Kinh-thánh, thì cố gắng áp dụng các lời đó trong đời sống. Chỉ trong vài tuần sau, tôi chú ý thấy vài thay đổi trong nhân cách của vợ tôi”. Vì tò mò, ông đồng ý ngồi học Kinh-thánh chung với vợ, và biết được lời khuyên của Kinh-thánh cho những người làm chồng. Kết quả là gì? Ông nói: “Giờ đây, chúng tôi đã tìm được một nền tảng để có được đời sống gia đình thật sự hạnh phúc”.

27. Áp dụng nguyên tắc nào trong Kinh-thánh có thể giúp những tín đồ đấng Christ ở trong tình trạng nghèo nàn về kinh tế?

27 Lời khuyên của Kinh-thánh tỏ ra có lợi trên một phương diện khác nữa, đó là giúp đương đầu với sự nghèo khó. Thí dụ, hút thuốc lá và say sưa là hai tật xấu ngược lại với nguyên tắc của Kinh-thánh và phí phạm tiền của (Châm-ngôn 23:19-21). Hơn nữa, Kinh-thánh khuyến khích sự cần mẫn, vì người siêng làm việc thường có thể tìm được cách để nuôi gia đình dễ hơn người lười biếng hay là người dễ chán nản (Châm-ngôn 6:6-11; 10:26). Ngoài ra, việc nghe theo lời khuyên “đừng ghen-tị kẻ tập-tành sự gian-ác” sẽ ngăn cản một người dùng phương sách như phạm tội ác, hay cờ bạc, để cứu vãn tình trạng nghèo khó của mình (Thi-thiên 37:1). Những thực hành như thế dường như có thể giúp giải quyết nhanh chóng sự khó khăn về tài chính, nhưng hậu quả lâu dài sẽ rất đắng cay.

28-30. a) Việc áp dụng nguyên tắc Kinh-thánh đã giúp một nữ tín đồ đấng Christ đối phó với tình trạng nghèo khó như thế nào? b) Kinh nghiệm của hàng ngàn tín đồ đấng Christ sống trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã làm chứng cho điều gì?

28 Lời khuyên này có thật sự giúp những người nghèo khổ không, hay nó chỉ là một lý tưởng không thực tế? Câu trả lời là lời khuyên này rất có hiệu quả như nhiều kinh nghiệm trên thế giới đã cho thấy. Để thí dụ, một nữ tín đồ đấng Christ ở Á Châu trong cảnh góa bụa, không có bất cứ lợi tức nào và phải nuôi một đứa con trai nhỏ. Kinh-thánh đã giúp chị và con chị như thế nào?

29 Như Kinh-thánh khuyên, chị siêng năng làm việc. Chị bắt đầu may quần áo và đem bán. Vì chị là người lương thiện, đáng tin cậy, và Kinh-thánh cũng khuyên như vậy, nên chẳng bao lâu chị có khách hàng thường xuyên mua đồ của chị (Cô-lô-se 3:23). Rồi chị sửa một căn phòng nhỏ trong nhà thành một quán ăn, và mỗi sáng chị dậy lúc bốn giờ để chuẩn bị đồ ăn để bán, nhờ vậy chị có thêm lợi tức để sống. Chị nói: “Dù vậy, chúng tôi phải sống đơn sơ thôi”. Nhưng chị nhớ lời khuyên của Kinh-thánh: “Miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng” (I Ti-mô-thê 6:8).

30 Chị nói thêm: “Mặc dù tôi sống gần mức bần cùng, tôi không hận đời hay là cay đắng. Lẽ thật của Kinh-thánh đã làm cho tôi có cái nhìn đầy lạc quan”. Hơn nữa, chị đã thấy lời hứa đáng chú ý của Chúa Giê-su thực sự hữu hiệu trong trường hợp của chị. Ngài nói: “Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy [các nhu cầu vật chất] nữa” (Ma-thi-ơ 6:33). Chị có kinh nghiệm là khi để việc phụng sự Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong đời sống, chị luôn luôn nhận lãnh, bằng cách này hay cách khác, những nhu cầu vật chất cần thiết. Kinh nghiệm của chị, cùng với kinh nghiệm của vô số tín đồ đấng Christ nghèo khác, đã cho thêm bằng chứng là lời khuyên của Kinh-thánh thật sự hữu dụng.

31. Điều gì xảy ra khi chúng ta theo lời khuyên của Kinh-thánh và sự thật này làm chứng cho điều gì?

31 Trong chương này, chúng ta chỉ mới nói sơ đến kho tàng vĩ đại gồm có những lời khuyên và lời chỉ bảo chứa đựng trong Kinh-thánh. Những trường hợp kể trên chỉ là vài trường hợp cho chúng ta thấy lời khuyên của Kinh-thánh rất hiệu nghiệm. Có hàng ngàn kinh nghiệm khác cũng như vậy. Mỗi lần làm theo Kinh-thánh, người ta được lợi ích. Khi lờ đi, họ bị đau khổ. Từ cổ chí kim, không có lời khuyên nào mà luôn luôn có lợi ích và áp dụng được cho mọi người thuộc mọi chủng tộc. Lời khuyên khôn ngoan như thế không thể nào chỉ là sự khôn ngoan của loài người. Sự kiện Kinh-thánh là một kho chứa đầy sự khôn ngoan như vậy là bằng chứng hùng hồn cho thấy Kinh-thánh là lời của Đức Chúa Trời.

[Câu hỏi]

[Câu nổi bật nơi trang 168]

Một tinh thần giúp đỡ có lợi cho mọi người

[Hình nơi trang 163]

Giao tiếp với người khôn ngoan sẽ giúp chúng ta được khôn ngoan, nhưng làm bạn với kẻ ngu dại sẽ có ảnh hưởng xấu cho chúng ta

[Hình nơi trang 165]

Phải tránh hút thuốc vì trái với nguyên tắc Kinh-thánh

[Hình nơi trang 171]

Những ai làm theo lời khuyên của Kinh-thánh về hôn nhân sẽ có một nền tảng vững chắc cho hạnh phúc của họ

[Hình nơi trang 173]

Áp dụng lời khuyên của Kinh-thánh giúp người ta đối phó được với vấn đề nghèo khó