Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Địa Đàng được khôi phục!

Địa Đàng được khôi phục!

Chương hai mươi tám

Địa Đàng được khôi phục!

Ê-sai 35:1-10

1. Tại sao nhiều tôn giáo đưa ra hy vọng về đời sống trong địa đàng?

“SỰ NUỐI TIẾC địa đàng nằm trong số những sự nuối tiếc sâu xa dường như ám ảnh con người. Có lẽ nó mạnh mẽ nhất và dai dẳng hơn hết. Trong đời sống tôn giáo, dù mộ đạo ở mức nào, người ta đều thấy có một sự khao khát nào đó về địa đàng”. Đó là lời phát biểu trong sách The Encyclopedia of Religion (Bách khoa tự điển tôn giáo). Sự nuối tiếc như thế chỉ là tự nhiên, vì Kinh Thánh cho chúng ta biết đời sống con người bắt đầu từ Địa Đàng—một cảnh vườn xinh đẹp, trong đó không có bệnh hoạn và sự chết. (Sáng-thế Ký 2:8-15) Chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi thấy nhiều tôn giáo trên thế giới đưa ra hy vọng về đời sống tương lai trong địa đàng dưới hình thức này hay hình thức khác.

2. Chúng ta có thể tìm thấy hy vọng thật về Địa Đàng tương lai ở đâu?

2 Trong Kinh Thánh, chúng ta đọc thấy nhiều chỗ nói đến hy vọng thật về Địa Đàng tương lai. (Ê-sai 51:3) Chẳng hạn, phần tiên tri ghi nơi chương 35 sách Ê-sai miêu tả vùng đồng vắng biến thành công viên xinh đẹp và cánh đồng đầy hoa trái. Người mù sáng mắt, người câm nói được và người điếc nghe được. Trong Địa Đàng mà Đức Chúa Trời hứa, không có buồn phiền hoặc than vãn, hàm ý là cả cái chết cũng không còn nữa. Thật là một lời hứa tuyệt diệu! Chúng ta nên hiểu những lời này như thế nào? Chúng có đưa ra hy vọng nào cho chúng ta ngày nay không? Khi xem xét chương này của sách Ê-sai, các câu hỏi trên sẽ được trả lời.

Một xứ hoang vu reo mừng

3. Theo lời tiên tri của Ê-sai, đất sẽ trải qua sự biến đổi nào?

3 Ê-sai được soi dẫn tiên tri về Địa Đàng được khôi phục. Lời tiên tri bắt đầu bằng những lời sau: “Đồng vắng và đất khô-hạn sẽ vui-vẻ; nơi sa-mạc sẽ mừng-rỡ, và trổ hoa như bông hường. Nó trổ hoa nhiều và vui-mừng, cất tiếng hát hớn-hở. Sự vinh-hiển của Li-ban cùng sự tốt-đẹp của Cạt-mên và Sa-rôn sẽ được ban cho nó. Chúng sẽ thấy sự vinh-hiển Đức Giê-hô-va, và sự tốt-đẹp của Đức Chúa Trời chúng ta”.—Ê-sai 35:1, 2.

4. Quê hương của dân Giu-đa trở thành như một đồng vắng khi nào và thế nào?

4 Ê-sai viết những lời này vào khoảng năm 732 TCN. Độ 125 năm sau, người Ba-by-lôn phá hủy Giê-ru-sa-lem và bắt dân Giu-đa đi làm phu tù. Quê hương của họ bị bỏ hoang, không người ở. (2 Các Vua 25:8-11, 21-26) Bằng cách này, lời cảnh cáo của Đức Giê-hô-va được ứng nghiệm, theo đó dân Y-sơ-ra-ên sẽ bị đi làm phu tù nếu họ tỏ ra bất trung. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:15, 36, 37; 1 Các Vua 9:6-8) Khi dân tộc Do Thái bị lưu đày nơi xứ ngoại bang thì cánh đồng có hệ thống tưới nước và vườn tược của họ bị bỏ hoang trong 70 năm và trở thành như một đồng vắng.—Ê-sai 64:10; Giê-rê-mi 4:23-27; 9:10-12.

5. (a) Xứ được khôi phục trong tình trạng giống địa đàng như thế nào? (b) Dân sự “thấy sự vinh-hiển Đức Giê-hô-va” theo nghĩa nào?

5 Tuy nhiên, lời tiên tri của Ê-sai báo trước rằng xứ sẽ không bị hoang vu vĩnh viễn. Nó sẽ được khôi phục thành địa đàng thật. “Sự vinh-hiển của Li-ban cùng sự tốt-đẹp của Cạt-mên và Sa-rôn sẽ được ban cho nó”. * Như thế nào? Khi người Giu-đa từ xứ phu tù trở về, họ lại có thể trồng trọt và tưới cánh đồng của họ rồi đất đai lại sản xuất dồi dào như trước. Chỉ nhờ Đức Giê-hô-va mới được như vậy. Do ý Ngài và nhờ Ngài trợ giúp và ban phước, người Giu-đa mới được hưởng những điều kiện giống địa đàng như thế. Dân sự có thể thấy “sự vinh-hiển Đức Giê-hô-va, và sự tốt-đẹp của Đức Chúa Trời” khi họ nhận ra tay Đức Giê-hô-va trong việc biến đổi xứ họ một cách kỳ diệu.

6. Lời của Ê-sai có sự ứng nghiệm quan trọng nào?

6 Tuy nhiên, trong xứ Y-sơ-ra-ên được khôi phục, lời của Ê-sai có một sự ứng nghiệm quan trọng hơn. Theo nghĩa thiêng liêng, nước Y-sơ-ra-ên đã thành vùng đất khô cằn như sa mạc trong nhiều năm. Trong khi bị lưu đày ở Ba-by-lôn, sự thờ phượng thanh sạch bị hạn chế nghiêm ngặt. Không có đền thờ, bàn thờ, và cũng không có hệ thống thầy tế lễ. Họ không được phép dâng của-lễ hàng ngày. Giờ đây, Ê-sai tiên tri một tình thế ngược lại. Dưới sự lãnh đạo của những người như Xô-rô-ba-bên, E-xơ-ra và Nê-hê-mi, đại diện của tất cả 12 chi phái Y-sơ-ra-ên trở về Giê-ru-sa-lem, tái thiết đền thờ, và tự do thờ phượng Đức Giê-hô-va. (E-xơ-ra 2:1, 2) Đây quả là một địa đàng thiêng liêng!

Lòng sốt sắng

7, 8. Tại sao dân Giu-đa phu tù cần có thái độ tích cực, và những lời của Ê-sai đưa lại sự khuyến khích nào?

7 Những lời nơi chương 35 sách Ê-sai chứa đựng một sự vui mừng dạt dào. Nhà tiên tri đang công bố một tương lai tươi sáng cho dân tộc biết ăn năn. Thật vậy, ông nói với sự quả quyết và lạc quan. Hai thế kỷ sau, đứng trước ngưỡng cửa của sự khôi phục, những người Giu-đa bị lưu đày cần có sự quả quyết và lạc quan như vậy. Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va khuyến khích họ bằng lời tiên tri: “Hãy làm cho mạnh những tay yếu-đuối, làm cho vững những gối run-en! Hãy bảo những kẻ có lòng sợ-hãi rằng: Khá vững lòng, đừng sợ nữa! Đây nầy, Đức Chúa Trời các ngươi sẽ lấy sự báo-thù mà đến, tức là sự báo-trả của Đức Chúa Trời. Chính Ngài sẽ đến và cứu các ngươi!”—Ê-sai 35:3, 4.

8 Khi cảnh lưu đày dài đằng đẵng chấm dứt là thời kỳ hành động. Vua Si-ru của Phe-rơ-sơ, công cụ Đức Giê-hô-va dùng để báo thù Ba-by-lôn, đã công bố là sự thờ phượng Đức Giê-hô-va sẽ được tái lập ở Giê-ru-sa-lem. (2 Sử-ký 36:22, 23) Hàng ngàn gia đình người Do Thái cần phải được tổ chức để thực hiện một cuộc hành trình đầy nguy hiểm từ Ba-by-lôn về Giê-ru-sa-lem. Khi tới nơi, họ phải cất nhà để ở và chuẩn bị một công việc to lớn là tái thiết đền thờ và thành. Đối với một số người Giu-đa ở Ba-by-lôn, những điều này xem ra quá khó khăn. Tuy nhiên, đây không phải là lúc yếu ớt hoặc rụt rè. Dân Giu-đa phải củng cố lẫn nhau và đặt sự tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Ngài bảo đảm với họ rằng họ sẽ được cứu.

9. Những người Giu-đa hồi hương được hưởng lời hứa huy hoàng nào?

9 Những người được thoát khỏi cảnh phu tù ở Ba-by-lôn sẽ có lý do chính đáng để mừng rỡ, bởi vì một tương lai huy hoàng đang chờ đón họ khi về tới Giê-ru-sa-lem. Ê-sai báo trước: “Bấy giờ, những kẻ mù sẽ mở mắt, những kẻ điếc sẽ rỗng tai. Bấy giờ, kẻ què sẽ nhảy như con nai, lưỡi kẻ câm sẽ hát”.—Ê-sai 35:5, 6a.

10, 11. Đối với dân Giu-đa hồi hương, tại sao lời của Ê-sai phải hiểu theo nghĩa thiêng liêng, và những lời ấy hàm chứa điều gì?

10 Rõ ràng Đức Giê-hô-va nghĩ đến tình trạng thiêng liêng của dân Ngài. Họ đã bị phạt 70 năm làm phu tù vì tội bội đạo trước đó. Tuy nhiên, khi thi hành kỷ luật, Đức Giê-hô-va không phạt họ bị mù, điếc, què và câm. Vì vậy, việc khôi phục nước Y-sơ-ra-ên không đòi hỏi sự chữa lành những tàn tật về thể chất. Đức Giê-hô-va khôi phục những gì đã mất, nghĩa là sức khỏe thiêng liêng.

11 Những người Giu-đa ăn năn được chữa lành theo nghĩa họ được lại những giác quan thiêng liêng—tức cái nhìn thiêng liêng và khả năng nghe, vâng lời và nói lời của Đức Giê-hô-va. Họ ý thức nhu cầu gắn bó với Đức Giê-hô-va. Bằng hạnh kiểm tốt, họ vui mừng “hát” để khen ngợi Đức Chúa Trời. Những “kẻ què” trước đây trở nên sốt sắng và hăng hái trong sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Nói theo nghĩa bóng, họ sẽ “nhảy như con nai” vậy.

Đức Giê-hô-va làm tươi mát dân Ngài

12. Đức Giê-hô-va ban phước cho xứ có dồi dào nước đến mức nào?

12 Thật khó mà tưởng tượng được một địa đàng không có nước. Địa Đàng nguyên thủy ở Ê-đen có nước dồi dào. (Sáng-thế Ký 2:10-14) Đất ban cho dân Y-sơ-ra-ên cũng là đất “có nhiều khe, suối, nước sâu phun lên”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:7) Vậy thật là thích đáng khi Ê-sai công bố lời hứa tươi mát này: “Có những dòng nước trào lên trong đồng vắng, và những suối chảy ra trong nơi sa-mạc. Cát nóng sẽ biến ra hồ, ruộng khô sẽ biến thành suối nước. Hang chó đồng đã ở sẽ trở nên vùng sậy và lau”. (Ê-sai 35:6b, 7) Khi dân Y-sơ-ra-ên chăm sóc đất đai trở lại thì những vùng hoang vu, nơi chó đồng từng đi lang thang, sẽ um tùm với cây cối xanh tươi. Đất khô và đầy bụi sẽ biến thành một “đầm lầy”, nơi cây sậy và những cây sống dưới nước có thể mọc lên.—Gióp 8:11, NTT.

13. Dân tộc được khôi phục có sẵn nước thiêng liêng dồi dào nào?

13 Dù sao, nước về thiêng liêng của lẽ thật mà những người Giu-đa hồi hương được uống thỏa thuê là điều quan trọng hơn. Đức Giê-hô-va sẽ ban sự hiểu biết, khích lệ và an ủi qua Lời Ngài. Hơn nữa, các trưởng lão và quan trưởng trung thành sẽ giống “như suối nước trong nơi đất khô”. (Ê-sai 32:1, 2) Những người phát huy sự thờ phượng thanh sạch như E-xơ-ra, A-ghê, Giê-sua, Nê-hê-mi, Xa-cha-ri và Xô-rô-ba-bên sẽ thực sự là những người được tận mắt thấy và làm chứng cho sự ứng nghiệm của lời tiên tri của Ê-sai.—E-xơ-ra 5:1, 2; 7:6, 10; Nê-hê-mi 12:47.

“Đường Thánh”

14. Hãy miêu tả cuộc hành trình từ Ba-by-lôn đến Giê-ru-sa-lem.

14 Tuy nhiên, trước khi dân phu tù Giu-đa có thể được hưởng những tình trạng về thể chất và thiêng liêng như trong địa đàng, họ phải thực hiện một cuộc hành trình dài và nguy hiểm từ Ba-by-lôn về Giê-ru-sa-lem. Nếu đi theo đường thẳng, có nghĩa là họ phải vượt qua một đoạn đường dài khoảng 800 kilômét trên một địa thế đồng không mông quạnh và khô cằn. Nếu đi theo con đường khác ít trở ngại hơn, họ sẽ phải vượt khoảng 1.600 kilômét. Dù đi đường nào, họ cũng phải mất nhiều tháng, dãi dầu mưa nắng gió sương và nguy cơ gặp thú rừng lẫn người dữ giống như thú. Tuy nhiên, những người tin tưởng vào lời tiên tri của Ê-sai không quá lo lắng. Tại sao vậy?

15, 16. (a) Đức Giê-hô-va cung cấp sự bảo vệ nào cho những người Giu-đa trung thành trên đường hồi hương? (b) Đức Giê-hô-va cung cấp xa lộ an toàn cho dân Giu-đa theo ý nghĩa nào khác?

15 Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va hứa: “Tại đó sẽ có một đường cái, và một lối gọi là đường thánh. Kẻ nào ô-uế sẽ không được đi qua; song nó sẽ dành cho những người được chuộc. Ai đi trong đường đó, dầu khờ-dại cũng không lầm-lạc. Trên đường đó không có sư-tử, không có một thú dữ nào lên; chẳng ai gặp nó ở đó. Song những kẻ được chuộc sẽ bước đi đường ấy”. (Ê-sai 35:8, 9) Đức Giê-hô-va đã khôi phục dân Ngài! Họ là những người “được chuộc” của Ngài, và Ngài bảo đảm họ được an toàn trên con đường về quê hương. Từ Ba-by-lôn về Giê-ru-sa-lem, có con đường trải sỏi, cao và được rào theo nghĩa đen không? Không, nhưng dân sự Đức Giê-hô-va sẽ được Ngài che chở trong cuộc hành trình; điều này chắc chắn đến độ như thể họ đi trên xa lộ như thế.—So sánh Thi-thiên 91:1-16.

16 Dân Giu-đa cũng được che chở khỏi sự nguy hiểm về thiêng liêng. Xa lộ tượng trưng này là “đường thánh”. Những kẻ khinh thường điều thánh hoặc không tinh sạch về thiêng liêng không được đi trên đường đó. Những người này bị từ chối trong xứ được khôi phục. Chỉ những người có động cơ chính đáng mới được chấp nhận mà thôi. Họ không trở về Giu-đa và Giê-ru-sa-lem với tinh thần quốc gia hãnh tiến hoặc theo đuổi quyền lợi riêng tư. Những người Giu-đa có đầu óc thiêng liêng ý thức rằng lý do chính yếu họ trở về là để tái lập sự thờ phượng thanh sạch của Đức Giê-hô-va trong xứ.—E-xơ-ra 1:1-3.

Dân tộc Đức Giê-hô-va mừng rỡ

17. Lời tiên tri của Ê-sai an ủi những người Do Thái trung thành như thế nào trong thời gian lưu đày dài đằng đẵng?

17 Lời tiên tri trong chương 35 sách Ê-sai kết thúc đầy vui mừng: “Những kẻ Đức Giê-hô-va đã chuộc sẽ về, ca-hát mà đến Si-ôn; sự vui-vẻ vô-cùng sẽ ở trên đầu họ. Họ sẽ được sự vui-vẻ mừng-rỡ, mà sự buồn-bực than-vãn sẽ trốn đi”. (Ê-sai 35:10) Những người phu tù Do Thái nào vẫn trông vào lời tiên tri này để được an ủi và hy vọng trong thời gian bị lưu đày có thể tự hỏi không biết các chi tiết khác nhau trong lời tiên tri sẽ thành tựu như thế nào. Có lẽ còn nhiều khía cạnh của lời tiên tri họ chưa hiểu. Tuy nhiên, họ biết thật rõ là họ chắc chắn trở về Si-ôn.

18. Sự buồn bã và thở than ở Ba-by-lôn được thay thế bằng sự mừng rỡ hân hoan trong xứ được khôi phục như thế nào?

18 Vì vậy, vào năm 537 TCN, khoảng 50.000 người nam (gồm cả hơn 7.000 đầy tớ) cùng với đàn bà và con trẻ thực hiện một cuộc hành trình trở về Giê-ru-sa-lem dài bốn tháng. Họ hoàn toàn tin tưởng nơi Đức Giê-hô-va. (E-xơ-ra 2:64, 65) Chỉ vài tháng sau đó, bàn thờ của Đức Giê-hô-va được xây cất lại; đây là bước đầu tiên trong công cuộc tổng tái thiết đền thờ. Lời tiên tri của Ê-sai nói cách đó 200 năm được ứng nghiệm. Sự buồn bã và thở than của dân tộc trong thời gian ở Ba-by-lôn được thay thế bằng sự mừng rỡ hân hoan trong xứ được khôi phục. Đức Giê-hô-va đã thực hiện lời hứa của Ngài. Địa Đàng—theo nghĩa đen lẫn thiêng liêng—đã được khôi phục!

Một nước mới ra đời

19. Tại sao phải nói rằng lời tiên tri của Ê-sai chỉ có sự ứng nghiệm giới hạn vào thế kỷ thứ sáu TCN?

19 Dĩ nhiên, vào thế kỷ thứ sáu TCN, sự ứng nghiệm của chương 35 sách Ê-sai có tính cách giới hạn. Tình trạng địa đàng mà những người Do Thái hồi hương được hưởng chẳng kéo dài được lâu. Với thời gian, các dạy dỗ của tôn giáo giả và tinh thần quốc gia chủ nghĩa làm ô uế sự thờ phượng thanh sạch. Về thiêng liêng, dân Giu-đa lại phải trải qua buồn rầu và than thở. Cuối cùng, Đức Giê-hô-va không còn nhận họ là dân Ngài nữa. (Ma-thi-ơ 21:43) Vì tái phạm tội bất tuân nên sự vui mừng của họ không lâu bền. Tất cả những điều này cho thấy chương 35 sách Ê-sai sẽ có một sự ứng nghiệm rộng lớn hơn nhiều.

20. Nước Y-sơ-ra-ên mới nào xuất hiện vào thế kỷ thứ nhất CN?

20 Vào kỳ định của Đức Giê-hô-va, một nước Y-sơ-ra-ên khác, một nước thiêng liêng, sẽ xuất hiện. (Ga-la-ti 6:16) Chúa Giê-su đã tạo điều kiện cho nước Y-sơ-ra-ên mới này ra đời trong thời gian ngài làm thánh chức trên đất. Ngài tái lập sự thờ phượng thanh sạch, và với sự dạy dỗ của ngài, nước lẽ thật lại bắt đầu chảy một lần nữa. Ngài chữa lành kẻ đau về cả thể chất lẫn thiêng liêng. Tiếng reo mừng vang lên khi tin mừng về Nước Trời được công bố. Bảy tuần sau khi chết và sống lại, Chúa Giê-su, trong sự vinh hiển, đã thiết lập hội thánh tín đồ Đấng Christ, một nước Y-sơ-ra-ên thiêng liêng gồm người Do Thái và những người khác. Những người này được chuộc bởi máu Chúa Giê-su đổ ra, được sinh ra là con thiêng liêng của Đức Chúa Trời và là anh em của Chúa Giê-su, và được xức dầu bởi thánh linh.—Công-vụ 2:1-4; Rô-ma 8:16, 17; 1 Phi-e-rơ 1:18, 19.

21. Về hội thánh tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất, những biến cố nào có thể được coi như là sự ứng nghiệm của một số khía cạnh trong lời tiên tri của Ê-sai?

21 Khi viết cho các thành viên của dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, sứ đồ Phao-lô dựa vào Ê-sai 35:3, nói như sau: “Hãy dở bàn tay yếu-đuối của anh em lên, luôn cả đầu-gối lỏng-lẻo nữa”. (Hê-bơ-rơ 12:12) Vậy rõ ràng những lời nơi chương 35 sách Ê-sai có một sự ứng nghiệm vào thế kỷ thứ nhất CN. Theo nghĩa đen, Chúa Giê-su và các môn đồ ngài đã làm phép lạ để chữa người mù được sáng, người điếc được nghe. Họ cũng chữa ‘người què’ đi được, người câm nói được. (Ma-thi-ơ 9:32; 11:5; Lu-ca 10:9) Nhưng quan trọng hơn, những người có lòng ngay thẳng được thoát khỏi tôn giáo giả và được hưởng một địa đàng thiêng liêng bên trong hội thánh tín đồ Đấng Christ. (Ê-sai 52:11; 2 Cô-rinh-tô 6:17) Như trong trường hợp dân Giu-đa từ Ba-by-lôn trở về, những người trốn thoát này nhận thấy cần phải có một tinh thần can đảm và tích cực.—Rô-ma 12:11.

22. Tín đồ Đấng Christ thời nay thành thật tìm kiếm lẽ thật bị rơi vào cảnh phu tù cho Ba-by-lôn như thế nào?

22 Còn thời chúng ta thì sao? Lời tiên tri của Ê-sai còn có một sự ứng nghiệm khác trọn vẹn hơn liên quan đến hội thánh tín đồ Đấng Christ ngày nay không? Có. Sau khi các sứ đồ chết, số tín đồ thật được xức dầu giảm bớt còn rất ít, và số tín đồ giả, tức “cỏ lùng”, đua nở trên diễn trường thế giới. (Ma-thi-ơ 13:36-43; Công-vụ 20:30; 2 Phi-e-rơ 2:1-3) Thậm chí vào thế kỷ 19, khi những người thành thật bắt đầu tách khỏi các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ và tìm kiếm sự thờ phượng thanh sạch, sự hiểu biết của họ vẫn bị những dạy dỗ trái với Kinh Thánh vấy vào. Vào năm 1914, Chúa Giê-su được phong làm Vua Mê-si, nhưng sau đó chẳng bao lâu, tình trạng của những người thành thật tìm kiếm lẽ thật có vẻ ảm đạm. Trong sự ứng nghiệm của lời tiên tri, các nước ‘chiến-đấu cùng họ và thắng’; các nỗ lực rao giảng tin mừng của những tín đồ thành thật này bị bóp nghẹt. Tình trạng như thể họ bị làm phu tù cho Ba-by-lôn.—Khải-huyền 11:7, 8.

23, 24. Kể từ năm 1919 những lời của Ê-sai đã được ứng nghiệm nơi dân sự của Đức Chúa Trời như thế nào?

23 Tuy nhiên, vào năm 1919 sự việc thay đổi. Đức Giê-hô-va đã đưa dân Ngài ra khỏi cảnh phu tù. Họ bắt đầu loại bỏ các dạy dỗ giả dối trước đây đã làm hư hỏng sự thờ phượng của họ. Kết quả là họ được chữa lành. Họ được ở trong địa đàng thiêng liêng mà thậm chí ngày nay vẫn tiếp tục mở rộng khắp đất. Theo nghĩa thiêng liêng, người mù đang tập thấy, người điếc tập nghe—tức họ ý thức cao độ về hoạt động của thánh linh Đức Chúa Trời, luôn luôn nhận biết sự cần thiết phải gắn bó với Đức Giê-hô-va. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:6; 2 Ti-mô-thê 4:5) Tín đồ thật của Đấng Christ không còn bị câm nữa nhưng sốt sắng “hát”, tuyên bố lẽ thật của Kinh Thánh cho người khác. (Rô-ma 1:15) Những người trước đây yếu đuối, hay “què”, về thiêng liêng nay biểu lộ lòng nhiệt thành và vui mừng. Nói theo nghĩa bóng, họ có thể “nhảy như con nai”.

24 Tín đồ Đấng Christ được phục hồi này bước trên “đường thánh”. “Đường” này dẫn họ ra khỏi Ba-by-lôn Lớn để đi vào địa đàng thiêng liêng; con đường được mở ra cho tất cả những người thờ phượng thanh sạch về thiêng liêng. (1 Phi-e-rơ 1:13-16) Họ có thể trông cậy Đức Giê-hô-va che chở và tin chắc là Sa-tan sẽ không thành công trong việc tấn công tàn bạo như thú vật nhằm loại trừ sự thờ phượng thật. (1 Phi-e-rơ 5:8) Những kẻ không vâng lời, và bất cứ ai hành động giống như thú dữ say mồi sẽ không được phép làm hại dân sự đi trên đường thánh của Đức Chúa Trời. (1 Cô-rinh-tô 5:11) Trong môi trường được che chở này, những người được Đức Giê-hô-va chuộc—lớp người xức dầu và “chiên khác”—được vui mừng phụng sự Đức Chúa Trời có một và thật.—Giăng 10:16.

25. Chương 35 sách Ê-sai sẽ có sự ứng nghiệm theo nghĩa đen không? Hãy giải thích.

25 Còn về tương lai thì sao? Lời tiên tri của Ê-sai có ứng nghiệm theo nghĩa đen không? Có. Các phép lạ chữa lành của Chúa Giê-su và các sứ đồ trong thế kỷ thứ nhất đã chứng minh là Đức Giê-hô-va có ý muốn và có khả năng thực hiện những sự chữa lành đó trên một tầm mức rộng lớn trong tương lai. Những bài Thi-thiên được soi dẫn nói về sự sống đời đời trong hòa bình trên đất. (Thi-thiên 37:9, 11, 29) Chúa Giê-su cũng hứa đời sống trong Địa Đàng. (Lu-ca 23:43) Và từ đầu đến cuối, Kinh Thánh cung cấp hy vọng về một địa đàng theo nghĩa đen. Vào lúc đó, người mù, điếc, què và câm sẽ được chữa lành về thể chất một cách vĩnh viễn. Sự đau buồn và than thở sẽ qua đi. Sự mừng rỡ sẽ thực sự kéo dài vô tận, cho đến đời đời.—Khải-huyền 7:9, 16, 17; 21:3, 4.

26. Các lời của Ê-sai làm vững mạnh tín đồ Đấng Christ ngày nay như thế nào?

26 Trong khi chờ đợi Địa Đàng được khôi phục trên đất theo nghĩa đen, tín đồ thật của Đấng Christ ngay bây giờ có thể vui hưởng những ân phước của địa đàng thiêng liêng. Họ đương đầu với thử thách và hoạn nạn bằng tinh thần lạc quan. Với sự tin tưởng mãnh liệt nơi Đức Giê-hô-va, họ khuyến khích lẫn nhau, vâng theo lời khuyên: “Hãy làm cho mạnh những tay yếu-đuối, làm cho vững những gối run-en! Hãy bảo những kẻ có lòng sợ-hãi rằng: Khá vững lòng, đừng sợ nữa!” Họ hoàn toàn tin tưởng nơi sự bảo đảm trong lời tiên tri: “Đây nầy, Đức Chúa Trời các ngươi sẽ lấy sự báo-thù mà đến, tức là sự báo-trả của Đức Chúa Trời. Chính Ngài sẽ đến và cứu các ngươi!”—Ê-sai 35:3, 4.

[Chú thích]

^ đ. 5 Kinh Thánh miêu tả Li-ban cổ xưa là vùng đất tươi tốt với rừng um tùm và cây hương nam cao lớn, chẳng kém gì Vườn Ê-đen. (Thi-thiên 29:5; 72:16; Ê-xê-chi-ên 28:11-13) Sa-rôn nổi tiếng về các dòng suối và rừng cây sồi; còn Cạt-mên nổi tiếng về vườn nho, vườn trái cây và các vùng đồi thoai thoải phủ đầy hoa như tấm thảm.

[Câu hỏi]

[Trang hình ảnh nơi trang 370]

[Hình nơi trang 375]

Sa mạc sẽ trở thành vùng có đầy nước cho cây sậy và cây lau

[Hình nơi trang 378]

Chúa Giê-su chữa lành người bệnh, cả về thiêng liêng lẫn thể chất