Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va hạ sự tự cao của Ty-rơ xuống

Đức Giê-hô-va hạ sự tự cao của Ty-rơ xuống

Chương mười chín

Đức Giê-hô-va hạ sự tự cao của Ty-rơ xuống

Ê-sai 23:1-18

1, 2. (a) Ty-rơ cổ xưa là một thành như thế nào? (b) Ê-sai tiên tri gì về Ty-rơ?

NÓ “TỐT-ĐẸP trọn-vẹn” và có “đủ mọi thứ của-cải”. (Ê-xê-chi-ên 27:4, 12) Đoàn thương thuyền hùng hậu của nó vượt đại dương tới những nơi xa xôi. Nó trở thành “vinh-hiển cả-thể trong lòng biển” và với “sự giàu-có” của nó, nó “làm giàu cho các vua trên đất”. (Ê-xê-chi-ên 27:25, 33) Vào thế kỷ thứ bảy TCN, Ty-rơ là một thành phồn vinh như thế thuộc xứ Phê-ni-xi nằm về cuối phía đông Địa Trung Hải.

2 Song, Ty-rơ sẽ bị hủy diệt trong một tương lai gần. Khoảng 100 năm trước khi Ê-xê-chi-ên mô tả nó, nhà tiên tri Ê-sai đã tiên tri về sự sụp đổ của đồn lũy này của Phê-ni-xi và sự buồn rầu của những người tùy thuộc vào nó. Ê-sai cũng tiên tri là sau đó một thời gian, Đức Chúa Trời sẽ nhớ đến thành này và ban cho nó sự phồn thịnh mới. Các lời của nhà tiên tri được ứng nghiệm như thế nào? Và chúng ta có thể học được gì từ những điều đã xảy ra cho Ty-rơ? Việc hiểu biết rõ ràng về những gì đã đổ xuống trên nó và tại sao điều đó xảy ra sẽ củng cố đức tin của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va và các lời hứa của Ngài.

“Hỡi tàu-bè Ta-rê-si, hãy than-khóc”

3, 4. (a) Ta-rê-si nằm ở đâu, và giữa Ty-rơ và Ta-rê-si có mối quan hệ gì? (b) Tại sao các thủy thủ buôn bán với Ta-rê-si có lý do để “than-khóc”?

3 Dưới tiêu đề “Gánh-nặng [“Tuyên ngôn”, “NTT”] về Ty-rơ”, Ê-sai nói: “Hỡi tàu-bè Ta-rê-si, hãy than-khóc, vì nó đã bị hủy-phá, đến nỗi chẳng còn nhà-cửa nữa! chẳng còn lối vào nữa!” (Ê-sai 23:1a) Ta-rê-si có lẽ thuộc Tây Ban Nha, cách xa Ty-rơ về phía đông Địa Trung Hải. * Tuy nhiên, dân Phê-ni-xi chuyên nghề đi biển; tàu bè của họ lớn và vượt biển an toàn. Một số sử gia tin rằng dân Phê-ni-xi là những người đầu tiên phát hiện sự liên kết giữa mặt trăng và thủy triều và dùng thiên văn học như một trợ huấn cụ trong ngành hàng hải. Bởi vậy khoảng cách từ Ty-rơ đến Ta-rê-si dù xa nhưng đối với họ không phải là một trở ngại.

4 Vào thời Ê-sai, vùng Ta-rê-si xa xôi là một thị trường của Ty-rơ, có lẽ là nguồn lợi chính đem lại thịnh vượng cho Ty-rơ trong một giai đoạn lịch sử. Tây Ban Nha có mỏ quặng dồi dào, nào bạc, sắt, thiếc và các kim loại khác. (So sánh Giê-rê-mi 10:9; Ê-xê-chi-ên 27:12). “Tàu-bè Ta-rê-si” rất có thể là những tàu của Ty-rơ buôn bán với Ta-rê-si. Chúng sẽ có lý do chính đáng để “than-khóc” về việc cảng nhà của mình bị hủy phá.

5. Thủy thủ đến từ Ta-rê-si nhận được tin Ty-rơ bị sụp đổ từ đâu?

5 Làm sao những thủy thủ trên biển biết được sự sụp đổ của Ty-rơ? Ê-sai trả lời: “Ấy là điều đã tỏ cho họ từ xứ Kít-tim”. (Ê-sai 23:1b) “Xứ Kít-tim” hình như ám chỉ hòn đảo Cyprus, cách bờ biển Phê-ni-xi khoảng 100 cây số về phía tây. Đây là cảng chót cho những tàu bè khởi hành từ Ta-rê-si đi về hướng đông trước khi tới Ty-rơ. Do đó, các thủy thủ nhận được tin cảng nhà yêu dấu của họ bị lật đổ khi họ dừng lại ở Cyprus. Hẳn là một tin sửng sốt cho họ! Buồn bã tột độ, họ sẽ “than-khóc” và mất tinh thần.

6. Hãy tả mối quan hệ giữa Ty-rơ và Si-đôn.

6 Dân cư vùng bờ biển Phê-ni-xi cũng bị mất tinh thần. Nhà tiên tri nói: “Hỡi dân-cư bờ biển, là nơi những lái buôn Si-đôn, là những kẻ vượt biển chở đồ-hàng đến, hãy nín-lặng! Hột giống của Si-ho, mùa-màng của sông Ni-lơ, theo đường biển trở đến, ấy là phần lợi nó; nó vốn là chợ buôn của các nước”. (Ê-sai 23:2, 3) “Dân-cư bờ biển”—tức các nước láng giềng của Ty-rơ—sẽ nín lặng trong sự kinh ngạc trước tai họa đổ trên Ty-rơ. Ai là “những lái buôn Si-đôn... chở đồ-hàng đến” làm giàu cho Ty-rơ? Ty-rơ nguyên thủy là một thuộc địa của thành phố cảng Si-đôn, chỉ cách đó 35 cây số về phía bắc. Trên đồng tiền của nó, Si-đôn tự tả mình là mẹ của Ty-rơ. Mặc dù Ty-rơ vượt hẳn Si-đôn về sự giàu có, nhưng nó vẫn là một “con gái [của] Si-đôn”, và dân cư của nó vẫn nhận mình là người Si-đôn. (Ê-sai 23:12) Do đó, nhóm từ “những lái buôn Si-đôn” có lẽ ám chỉ dân cư Ty-rơ sống bằng nghề thương mại.

7. Những lái buôn Si-đôn đã tạo ra môi trường thịnh vượng như thế nào?

7 Sống bằng thương nghiệp, những lái buôn Si-đôn giàu có vượt Địa Trung Hải. Họ mang đến nhiều nơi hột giống hay ngũ cốc của Si-ho, tức nhánh sông cực đông của Sông Ni-lơ trong vùng châu thổ của Ê-díp-tô. (So sánh Giê-rê-mi 2:18). “Mùa-màng của sông Ni-Lơ” cũng bao gồm những sản phẩm khác từ Ê-díp-tô. Việc buôn bán và trao đổi hàng hóa như thế đem lại lợi nhuận lớn cho những lái buôn chuyên đi biển cũng như cho những nước buôn bán với họ. Những lái buôn Si-đôn đem lại lợi tức dồi dào cho Ty-rơ. Thật vậy, họ đau buồn trước sự sụp đổ của Ty-rơ!

8. Sự sụp đổ của Ty-rơ có ảnh hưởng nào trên Si-đôn?

8 Kế đó, Ê-sai nói với Si-đôn: “Hỡi Si-đôn, hãy hổ-thẹn! Vì biển, nơi đồn-lũy biển, có nói như vầy: Ta chưa ở cữ, chưa đẻ con, chưa nuôi trai trẻ, chưa nuôi gái bé”. (Ê-sai 23:4) Sau khi Ty-rơ bị sụp đổ, vùng bờ biển, nơi thành tọa lạc trước đây, sẽ xơ xác và hoang tàn. Dường như biển sẽ gầm lên trong đau đớn, tựa như một người mẹ mất con nên quẫn trí tới độ bây giờ bà chối là mình chẳng từng có con bao giờ. Si-đôn sẽ xấu hổ vì những gì xảy ra cho con gái nó.

9. Sự đau buồn của dân chúng về sự sụp đổ của Ty-rơ tương đương với sự kinh hoàng sau những biến cố khác nào?

9 Đúng vậy, tin Ty-rơ bị hủy phá sẽ làm cho nhiều người đau đớn. Ê-sai nói: “Cũng như khi nghe tin về Ê-díp-tô, người ta sẽ đau đớn lắm khi nghe tin về Ty-rơ”. (Ê-sai 23:5, “NW”) Sự đau đớn của những người than khóc sẽ tương đương với sự đau đớn mà tin về Ê-díp-tô gây ra. Nhà tiên tri có ý nói đến tin nào? Có thể là sự ứng nghiệm “gánh-nặng [“tuyên ngôn”, NTT] về Ê-díp-tô” mà ông nói trước đây. * (Ê-sai 19:1-25) Hoặc có lẽ nhà tiên tri có ý nói đến tin quân đội của Pha-ra-ôn bị hủy diệt vào thời Môi-se, một tin gây ra sự kinh hoàng lan rộng khắp các dân. (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:4, 5, 14-16; Giô-suê 2:9-11) Dù trong trường hợp nào, những ai nghe tin Ty-rơ bị hủy diệt sẽ vô cùng đau đớn. Họ được mời chạy thoát tới Ta-rê-si xa xôi để ẩn náu và được lệnh than khóc lớn tiếng để biểu lộ sự đau đớn của họ: “Hãy dời qua Ta-rê-si; hỡi dân ở gần biển, hãy than-khóc!”—Ê-sai 23:6.

Vui vẻ “từ đời thượng-cổ”

10-12. Hãy miêu tả sự giàu có, sự cổ kính và ảnh hưởng của Ty-rơ.

10 Ty-rơ là một thành cổ xưa, như Ê-sai nhắc nhở chúng ta khi ông hỏi: “Đây há chẳng phải là thành vui-vẻ của các ngươi sao? Là thành có từ đời thượng-cổ”. (Ê-sai 23:7a) Lịch sử về sự phồn vinh của thành Ty-rơ kéo dài ít nhất từ thời Giô-suê. (Giô-suê 19:29) Trải qua nhiều năm, Ty-rơ trở thành nổi tiếng là một nước chế tạo các đồ kim khí, đồ thủy tinh và thuốc nhuộm màu tía. Các áo choàng màu tía của Ty-rơ được giá cao nhất, và vải vóc mắc tiền của Ty-rơ được giới thượng lưu ưa thích. (So sánh Ê-xê-chi-ên 27:7, 24). Ty-rơ cũng là một trung tâm thương mại cho các đoàn bộ hành, đồng thời là một kho vĩ đại chứa hàng xuất nhập cảng.

11 Hơn nữa, thành rất mạnh về quân sự. Ông L. Sprague de Camp viết: “Mặc dù không đặc biệt hiếu chiến—vì họ là thương gia chứ không phải lính chiến—người Phê-ni-xi phòng thủ thành của họ với lòng can đảm cuồng nhiệt và quyết liệt. Những đặc tính này cũng như sức mạnh về hải quân của nó đã khiến Ty-rơ có khả năng chống cự lại quân A-si-ri, đạo quân hùng mạnh nhất vào thời ấy”.

12 Quả thật, Ty-rơ tạo được danh tiếng trong toàn vùng Địa Trung Hải. “Chân nó đã trải đến nơi xa đặng trú-ngụ tại đó”. (Ê-sai 23:7b) Người Phê-ni-xi du hành đến những nơi xa, thiết lập những trạm thông thương buôn bán và cảng ghé mà một số đã trở thành thuộc địa. Chẳng hạn, Carthage nằm về bờ biển phía bắc Phi Châu là một thuộc địa của Ty-rơ. Với thời gian, về ảnh hưởng trong vùng Địa Trung Hải, Carthage vượt Ty-rơ và còn ngang ngửa với cả La Mã nữa.

Sự tự cao của nó sẽ bị hạ xuống

13. Tại sao câu hỏi ai dám công bố sự phán xét nghịch lại Ty-rơ được nêu lên?

13 Trước sự phồn vinh và cổ kính của Ty-rơ, câu hỏi kế tiếp thật thích hợp: “Vậy ai đã định sự ấy nghịch cùng Ty-rơ, là thành đã phân-phát mão triều-thiên, lái buôn nó vốn là hàng vương-hầu, người mua bán nó vốn là tay quí-hiển trong thiên-hạ?” (Ê-sai 23:8) Ai dám nói nghịch lại một thành từng bổ nhiệm những nhân vật quyền thế vào những chức vụ cao cấp trong những thuộc địa và những nơi khác dưới quyền nó—và do đó nó trở thành kẻ “phân-phát mão triều-thiên”? Ai dám nói nghịch lại một thủ phủ mà những thương gia của nó là hàng vương hầu và các nhà kinh doanh là những tay quý hiển? Ông Maurice Chehab, nguyên giám đốc về cổ vật tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia ở Beirut, Lebanon, phát biểu: “Từ thế kỷ thứ chín đến thế kỷ thứ sáu TCN, Ty-rơ giữ một địa vị quan trọng ngang với thành phố Luân Đôn vào đầu thế kỷ hai mươi”. Vậy ai dám nói nghịch lại thành này?

14. Ai công bố sự phán xét nghịch lại Ty-rơ, và tại sao?

14 Câu trả lời được soi dẫn sẽ gây ra sự kinh hoàng ở Ty-rơ. Ê-sai nói: “Ấy là Đức Giê-hô-va vạn-quân đã định sự nầy, để làm dơ-dáy sự kiêu-ngạo mọi vinh-hiển [“hạ vinh quang kiêu hãnh xuống”, “Trần Đức Huân”], và làm nhục mọi kẻ sang-trọng trong thế-gian”. (Ê-sai 23:9) Tại sao Đức Giê-hô-va công bố sự phán xét nghịch lại thành cổ xưa phồn vinh này? Phải chăng vì dân thành là những người thờ phượng thần giả Ba-anh? Hoặc vì Ty-rơ có mối quan hệ với Giê-sa-bên—con gái của Ết-ba-anh, vua Si-đôn đồng thời là vua Ty-rơ—là người đã kết hôn với Vua A-háp của Y-sơ-ra-ên và đã tàn sát các tiên tri của Đức Giê-hô-va? (1 Các Vua 16:29, 31; 18:4, 13, 19) Câu trả lời cho cả hai câu hỏi là không. Ty-rơ bị lên án vì sự tự phụ đầy kiêu ngạo của nó—nó giàu có nhờ bóc lột các dân tộc khác, trong đó có dân Y-sơ-ra-ên. Vào thế kỷ thứ chín TCN, qua nhà tiên tri Giô-ên, Đức Giê-hô-va nói với thành Ty-rơ và các thành khác: “Các ngươi đã bán con-cái của Giu-đa và con-cái của Giê-ru-sa-lem cho các con trai Gờ-réc, đặng làm cho chúng nó lìa khỏi bờ-cõi mình”. (Giô-ên 3:6) Có thể nào Đức Chúa Trời bỏ qua việc Ty-rơ đối xử với dân trong giao ước của Ngài như món hàng trong thương trường không?

15. Ty-rơ sẽ phản ứng ra sao khi Giê-ru-sa-lem rơi vào tay Nê-bu-cát-nết-sa?

15 Một trăm năm trôi qua, Ty-rơ vẫn không thay đổi. Khi đạo quân của Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, phá hủy Giê-ru-sa-lem vào năm 607 TCN, Ty-rơ reo mừng: “Hay! hay! thành [Giê-ru-sa-lem] làm cửa của các dân, đã vỡ-nát rồi! Nó đã trở về cùng ta; rày nó đã trở nên hoang-vu, thì ta sẽ được đầy-dẫy”. (Ê-xê-chi-ên 26:2) Ty-rơ sẽ hớn hở, hy vọng được lợi từ việc Giê-ru-sa-lem bị hủy phá. Với việc thủ đô của nước Giu-đa không còn là một thị trường cạnh tranh nữa, Ty-rơ kỳ vọng có nhiều thương vụ hơn. Đức Giê-hô-va sẽ làm nhục những kẻ tự tôn là “sang-trọng” tỏ ra kiêu ngạo đứng về phía kẻ thù của dân Ngài.

16, 17. Điều gì sẽ xảy ra cho dân cư Ty-rơ khi thành bị sụp đổ? (Xem cước chú).

16 Ê-sai tiếp tục sự kết án của Đức Giê-hô-va đối với Ty-rơ: “Hỡi con gái Ta-rê-si, ngươi không còn bị trói-buộc nữa, hãy đi qua khắp địa-phận ngươi như sông Ni-lơ! Đức Giê-hô-va đã dang tay Ngài trên biển, làm cho các nước rung-động. Ngài đã ban mạng-lịnh về Ca-na-an [“Phê-nê-xi”, “NW”], mà phá đồn-lũy nó. Ngài có phán rằng: Hỡi con gái Si-đôn, là nữ đồng-trinh bị ức-hiếp kia, ngươi sẽ chẳng còn cứ vui-mừng nữa! Vậy hãy chờ-dậy, sang xứ Kít-tim, tại đó ngươi cũng sẽ không được an-nghỉ đâu!”—Ê-sai 23:10-12.

17 Tại sao Ty-rơ được gọi là “con gái Ta-rê-si”? Có lẽ là vì sau khi Ty-rơ bị bại trận, Ta-rê-si sẽ cường thịnh hơn. * Dân của thành Ty-rơ đổ nát sẽ tản mát giống như một con sông ngập lụt; bờ sông bị bể và nước tràn vào toàn thể các đồng bằng lân cận. Thông điệp của Ê-sai cho “con gái Ta-rê-si” nhấn mạnh tầm nghiêm trọng của những gì sẽ xảy ra cho Ty-rơ. Chính Đức Giê-hô-va dang tay Ngài ra và ban lệnh. Không ai có thể thay đổi được hậu quả.

18. Tại sao Ty-rơ được gọi là “con gái Si-đôn, là nữ đồng-trinh”, và tình trạng của nó sẽ thay đổi như thế nào?

18 Ê-sai cũng gọi Ty-rơ là “con gái Si-đôn, là nữ đồng-trinh”; điều này cho thấy trước đó Ty-rơ chưa hề bị quân ngoại bang chiếm cứ và cướp bóc và vẫn được hưởng tình trạng độc lập. (So sánh 2 Các Vua 19:21; Ê-sai 47:1; Giê-rê-mi 46:11). Dù vậy, bây giờ nó phải bị hủy diệt và giống như người tỵ nạn, một số dân cư của nó sẽ chạy tới Kít-tim, thuộc địa của Phê-ni-xi. Tuy nhiên, vì mất đi sức mạnh về kinh tế, tại đó họ sẽ không được an nghỉ.

Người Canh-đê sẽ cướp bóc nó

19, 20. Theo lời tiên tri, ai sẽ là người chinh phục Ty-rơ, và lời tiên tri đó được ứng nghiệm như thế nào?

19 Cường quốc chính trị nào sẽ thi hành sự phán xét của Đức Giê-hô-va trên Ty-rơ? Ê-sai công bố: “Hãy xem xứ của người Canh-đê, không có dân đó nữa [“Kìa xứ Kanđê: chính là dân ấy chứ không phải Assur”, “NTT”]; người A-si-ri lấy làm chỗ cho thú-rừng; chúng nó dựng tháp, phá cung-đền nó làm ra gò-đống. Hỡi tàu-bè Ta-rê-si, hãy than-khóc! Vì đồn-lũy các ngươi hủy-diệt rồi”. (Ê-sai 23:13, 14) Người Canh-đê—chứ không phải người A-si-ri—sẽ chinh phục Ty-rơ. Chúng sẽ dựng lên tháp cao để vây hãm, san bằng nhà cửa của Ty-rơ và biến đồn che chở tàu bè Ta-rê-si thành một đống đổ nát tan hoang.

20 Đúng với lời tiên tri, chẳng bao lâu sau khi Giê-ru-sa-lem sụp đổ, Ty-rơ dấy loạn chống lại Ba-by-lôn, và Nê-bu-cát-nết-sa vây hãm thành. Ty-rơ kháng cự vì tin rằng thành không thể bị chiếm được. Trong lúc cuộc vây hãm diễn ra, đầu của các binh lính Ba-by-lôn “trọc” vì chà xát với mũ che đạn và vai họ bị “mòn” vì phải gồng gánh vật liệu dùng để xây cất các công sự vây hãm. (Ê-xê-chi-ên 29:18) Cuộc vây hãm gây tốn kém cho Nê-bu-cát-nết-sa. Thành Ty-rơ nằm trên đất liền bị hủy phá, song chiến lợi phẩm biến đâu mất. Hầu hết kho tàng của Ty-rơ được chuyển tới một đảo nhỏ cách bờ khoảng 0,8 cây số. Vì thiếu tàu bè, vua Canh-đê không sao chiếm được hòn đảo đó. Sau 13 năm, Ty-rơ đầu hàng nhưng nó sẽ tồn tại và sẽ chứng kiến sự ứng nghiệm của các lời tiên tri khác.

“Nó sẽ trở lại nghề cũ”

21. Ty-rơ bị “quên đi” như thế nào, và trong bao lâu?

21 Ê-sai tiếp tục tiên tri: “Trong lúc đó, thành Ty-rơ sẽ bị người ta quên đi trong bảy mươi năm, bằng một đời vua”. (Ê-sai 23:15a) Tiếp theo việc người Ba-by-lôn phá hủy thành Ty-rơ trên đất liền, thành Ty-rơ trên đảo sẽ bị “quên đi”. Đúng như lời tiên tri, trong đời ‘một vua’—tức Đế Quốc Ba-by-lôn—thành phố Ty-rơ trên đảo không còn là một thành có thế lực quan trọng về tài chính nữa. Qua Giê-rê-mi, Đức Giê-hô-va liệt Ty-rơ trong số những nước bị biệt riêng ra để uống chén rượu thịnh nộ của Ngài. Ngài nói: “Các nước nầy sẽ phục-sự vua Ba-by-lôn trong bảy mươi năm”. (Giê-rê-mi 25:8-17, 22, 27) Đành rằng thành Ty-rơ trên đảo không nằm dưới quyền của Ba-by-lôn trong trọn 70 năm vì Đế Quốc Ba-by-lôn sụp đổ vào năm 539 TCN, nhưng hiển nhiên, 70 năm tượng trưng cho thời kỳ cai trị cực thịnh của Ba-by-lôn khi hoàng triều Ba-by-lôn kiêu ngạo nhắc ngôi của mình lên trên “các ngôi sao Đức Chúa Trời”. (Ê-sai 14:13) Các nước khác nằm dưới sự thống trị đó vào các thời điểm khác nhau. Nhưng vào cuối 70 năm, sự thống trị đó sẽ sụp đổ. Vậy lúc đó, điều gì sẽ xảy ra cho Ty-rơ?

22, 23. Điều gì xảy ra cho Ty-rơ khi nó thoát khỏi sự thống trị của Ba-by-lôn?

22 Ê-sai tiên tri tiếp: “Mãn bảy mươi năm rồi, Ty-rơ sẽ giống như bài ca của kỵ-nữ hát. Hỡi kỵ-nữ đã bị quên kia, hãy lấy đàn cầm, dạo chơi thành-phố! Gảy cho hay, ca đi ca lại, hầu cho người ta nhớ đến mầy! Mãn bảy mươi năm rồi, Đức Giê-hô-va sẽ thăm-viếng thành Ty-rơ, nó sẽ lại được lợi [“trở lại nghề cũ”, “Bản Diễn Ý”], sẽ hành-dâm cùng mọi nước trong thế-gian trên mặt đất”.—Ê-sai 23:15b-17.

23 Tiếp theo sự sụp đổ của Ba-by-lôn vào năm 539 TCN, Phê-ni-xi trở thành một tỉnh của Đế Quốc Mê-đi và Phe-rơ-sơ. Si-ru Đại Đế, vua Phe-rơ-sơ, là một vị vua khoan dung. Dưới sự cai trị mới này, Ty-rơ sẽ trở lại hoạt động như trước và ráng sức chiếm lại vai trò là trung tâm thương mại thế giới được mọi người thừa nhận—giống như một kỵ nữ bị quên lãng và mất khách hàng tìm cách quyến rũ khách hàng mới bằng cách đi lang thang quanh thành, chơi đàn hạc và ca hát. Ty-rơ có thành công không? Có, Đức Giê-hô-va sẽ cho nó thành công. Với thời gian, thành trên đảo trở nên phát đạt đến độ vào cuối thế kỷ thứ sáu TCN, nhà tiên tri Xa-cha-ri phải nói: “Ty-rơ đã xây một đồn-lũy cho mình, và thâu-chứa bạc như bụi-đất, vàng ròng như bùn ngoài đường”.—Xa-cha-ri 9:3.

“Lời-lãi của nó sẽ nên thánh”

24, 25. (a) Lợi lộc của Ty-rơ trở nên thánh cho Đức Giê-hô-va như thế nào? (b) Bất kể Ty-rơ giúp đỡ dân sự của Đức Chúa Trời, Đức Giê-hô-va soi dẫn lời tiên tri nào về nó?

24 Các lời tiên tri sau đây thật đáng chú ý! “Lời-lãi của nó sẽ nên thánh cho Đức Giê-hô-va, mà không chứa, cũng không để-dành lại. Vì lời-lãi ấy sẽ phân-phát cho những người ở trước mặt Đức Giê-hô-va, để họ được ăn sung mặc sướng”. (Ê-sai 23:18) Làm sao lợi lộc vật chất của Ty-rơ lại nên thánh được? Đức Giê-hô-va lèo lái sự việc để rồi lợi lộc được dùng theo ý của Ngài—để dân Ngài được ăn mặc sung sướng. Điều này xảy ra sau khi dân Y-sơ-ra-ên trở về từ xứ phu tù Ba-by-lôn. Dân Ty-rơ trợ giúp họ qua việc cung cấp gỗ bá hương để tái thiết đền thờ. Ty-rơ cũng buôn bán trở lại với thành Giê-ru-sa-lem.—E-xơ-ra 3:7; Nê-hê-mi 13:16.

25 Dù vậy, Đức Giê-hô-va cũng soi dẫn một tuyên ngôn khác nghịch lại Ty-rơ. Xa-cha-ri tiên tri về thành phố trên đảo hiện giàu có: “Nầy, Chúa sẽ cất lấy của-cải nó, xô quyền-thế nó xuống biển, nó sẽ bị lửa thiêu-nuốt”. (Xa-cha-ri 9:4) Điều này được ứng nghiệm vào tháng 7 năm 332 TCN khi A-léc-xan-đơ Đại Đế tàn phá nữ chúa của biển khơi kiêu ngạo đó.

Hãy tránh chủ nghĩa vật chất và kiêu ngạo

26. Tại sao Đức Chúa Trời kết án thành Ty-rơ?

26 Đức Giê-hô-va kết án Ty-rơ vì nó kiêu ngạo, một đặc tính mà Ngài gớm ghét. “Con mắt kiêu-ngạo” được liệt kê đầu tiên trong bảy điều mà Đức Giê-hô-va ghét. (Châm-ngôn 6:16-19) Phao-lô liên kết sự tự cao với Sa-tan Ma-quỉ, và trong sự miêu tả của Ê-xê-chi-ên về thành Ty-rơ kiêu ngạo, chúng ta thấy thành này có những đặc tính y như của Sa-tan. (Ê-xê-chi-ên 28:13-15; 1 Ti-mô-thê 3:6) Tại sao Ty-rơ tự cao? Nhắm vào Ty-rơ, Ê-xê-chi-ên nói: “Lòng ngươi đã đem lên vì cớ sự giàu-có của ngươi”. (Ê-xê-chi-ên 28:5) Thành này dồn toàn lực vào việc buôn bán và tích lũy tiền bạc. Sự thành công của Ty-rơ trong lãnh vực này khiến nó kiêu ngạo không ai chịu nổi. Qua Ê-xê-chi-ên, Đức Giê-hô-va nói với “vua của Ty-rơ”: “Lòng ngươi đã tự cao, và ngươi nói rằng: Ta là một vì thần, ta ngồi trên ngai Đức Chúa Trời”.—Ê-xê-chi-ên 28:2.

27, 28. Loài người có thể rơi vào cạm bẫy nào, và Chúa Giê-su minh họa điều này như thế nào?

27 Các nước có thể trở nên kiêu ngạo và có quan điểm sai lầm về sự giàu có thì trên bình diện cá nhân cũng vậy. Chúa Giê-su nói một ngụ ngôn cho thấy cái bẫy này tinh vi như thế nào. Ngài nói về một người giàu, ruộng đất sinh nhiều hoa lợi. Lòng hứng khởi, ông dự trù xây những kho vựa lớn hơn để chứa sản vật và sung sướng nhìn về tương lai với đời sống sung túc lâu dài. Nhưng chẳng được như vậy. Đức Chúa Trời nói với ông ta: “Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh-hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của-cải ngươi đã sắm-sẵn sẽ thuộc về ai?” Đúng vậy, người đàn ông này chết, của cải ông không có ích gì cho ông.—Lu-ca 12:16-20.

28 Chúa Giê-su kết luận ngụ ngôn như sau: “Hễ ai thâu-trữ của cho mình mà không giàu-có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy”. (Lu-ca 12:21) Giàu có chính nó không có gì sai và việc được trúng mùa cũng không có gì là tội lỗi cả. Sự sai trái của ông là ở chỗ ông coi những điều này là chính yếu trong đời sống. Ông đặt tất cả tin tưởng vào sự giàu có. Khi nhìn về tương lai, ông không hề để ý đến Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

29, 30. Gia-cơ cảnh cáo về việc tin cậy nơi mình như thế nào?

29 Gia-cơ nhấn mạnh cùng điểm này. Ông nói: “Hỡi anh em, là kẻ nói rằng: Hôm nay hoặc ngày mai, ta sẽ đi đến thành kia, ở đó một năm, buôn-bán và phát-tài,—song ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết! Vì, sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay. Anh em phải nói trái lại: Ví bằng Chúa muốn, và ta còn sống, thì ta sẽ làm việc nọ việc kia”. (Gia-cơ 4:13-15). Rồi Gia-cơ cho thấy mối tương quan giữa sự giàu có và sự kiêu ngạo khi nói tiếp: “Kìa anh em lấy những lời kiêu-ngạo mà khoe mình! Phàm khoe-khoang như vậy là xấu”.—Gia-cơ 4:16.

30 Một lần nữa, làm ăn buôn bán không phải là tội. Nhưng tội ở chỗ tự cao, kiêu ngạo, cậy mình, là những tật mà bởi sự làm giàu sinh ra. Câu châm ngôn cổ xưa nói một cách khôn ngoan: “Chớ cho tôi nghèo-khổ, hoặc sự giàu-sang”. Sự nghèo khổ có thể làm cho đời sống cơ cực. Nhưng sự giàu sang có thể dẫn một người tới chỗ “từ-chối Chúa, mà rằng: Đức Giê-hô-va là ai?”—Châm-ngôn 30:8, 9.

31. Một tín đồ Đấng Christ nên tự đặt ra những câu hỏi nào?

31 Chúng ta sống trong một thế giới mà nhiều người trở thành nạn nhân của sự tham lam và ích kỷ. Bầu không khí kinh doanh phổ thông nên ai nấy đều đặt nặng sự giàu có. Do đó, một tín đồ Đấng Christ cần tự tra xét cẩn thận để chắc chắn là mình không rơi vào cạm bẫy mà thành Ty-rơ buôn bán sầm uất đã rơi vào. Anh có dùng quá nhiều thời giờ và năng lực vào việc theo đuổi vật chất đến độ anh thật sự làm nô lệ cho giàu sang không? (Ma-thi-ơ 6:24) Anh có ghen với người nào đó có thể có của cải nhiều hay tốt hơn anh không? (Ga-la-ti 5:26) Nếu giàu, anh có tự cao nghĩ rằng mình đáng được chú ý hơn hay đáng được đặc ân hơn những người khác không? (So sánh Gia-cơ 2:1-9). Nếu anh không giàu, anh có “muốn nên giàu-có” với bất cứ giá nào không? (1 Ti-mô-thê 6:9, chúng tôi viết nghiêng) Anh có quá bận rộn với công việc làm ăn đến độ anh chỉ dành một phần rất nhỏ trong đời sống cho công việc phụng sự Đức Chúa Trời không? (2 Ti-mô-thê 2:4) Anh có mải mê theo đuổi sự giàu có đến độ lờ đi các nguyên tắc của đạo Đấng Christ trong các giao dịch buôn bán của anh không?—1 Ti-mô-thê 6:10.

32. Sứ đồ Giăng cho lời cảnh cáo nào, và chúng ta có thể áp dụng như thế nào?

32 Dù tình trạng về kinh tế của chúng ta thế nào chăng nữa, Nước Trời phải luôn luôn đứng hàng đầu trong đời sống của chúng ta. Điều tối quan trọng là chúng ta đừng bao giờ quên lời của sứ đồ Giăng: “Chớ yêu thế-gian, cũng đừng yêu các vật ở thế-gian nữa; nếu ai yêu thế-gian, thì sự kính-mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy”. (1 Giăng 2:15) Công nhận là chúng ta phải dùng các sắp đặt về kinh tế của thế gian này để sống. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:10) Do đó, chúng ta ‘dùng thế gian’—nhưng không “tận dụng” nó. (1 Cô-rinh-tô 7:31, NW) Nếu quá ham mê của cải vật chất—đồ vật trong thế gian—chúng ta sẽ không yêu Đức Giê-hô-va nữa. Việc theo đuổi “sự mê-tham của xác-thịt, mê-tham của mắt, và sự kiêu-ngạo của đời” không đi đôi với việc làm theo ý Đức Chúa Trời. * Chính việc làm theo ý Đức Chúa Trời mới dẫn đến sự sống đời đời.—1 Giăng 2:16, 17.

33. Tín đồ Đấng Christ có thể tránh được cạm bẫy mà Ty-rơ đã rơi vào như thế nào?

33 Ty-rơ đã sa vào bẫy theo đuổi vật chất và coi đó là trên hết. Thành này đã thành công theo nghĩa vật chất, trở thành tự cao quá đỗi, và bị trừng phạt vì sự tự cao này. Gương của nó là một sự cảnh cáo cho các nước và cá nhân ngày nay. Tốt hơn biết bao khi theo lời khuyên của sứ đồ Phao-lô! Ông kêu gọi các tín đồ Đấng Christ “đừng kiêu-ngạo và đừng để lòng trông-cậy nơi của-cải không chắc-chắn, nhưng hãy để lòng trông-cậy nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dư-dật cho chúng ta được hưởng”.—1 Ti-mô-thê 6:17.

[Chú thích]

^ đ. 3 Theo một số học giả, Ta-rê-si chính là Sardinia, một hòn đảo nằm về phía tây Địa Trung Hải. Sardinia cũng cách xa Ty-rơ.

^ đ. 9 Xin xem Chương 15, trang 200-207, sách này.

^ đ. 17 Cách giải nghĩa khác là “con gái Ta-rê-si” có thể ám chỉ dân cư Ta-rê-si. Một tài liệu tham khảo nói: “Dân cư quê quán ở Ta-rê-si nay được tự do đi lại, tự do buôn bán như sông Ni-lơ khi nó chảy mọi phía”. Tuy nhiên, câu này nhấn mạnh đến hậu quả nghiêm trọng của việc Ty-rơ bị sụp đổ.

^ đ. 32 “Kiêu-ngạo của đời” dịch từ chữ Hy Lạp a·la·zo·niʹa. Chữ này diễn tả “một sự tự phụ bất kính và thiếu thực tế vì tin vào sự ổn định của những vật trên đất”.—The New Thayer’s Greek-English Lexicon.

[Câu hỏi]

[Bản đồ nơi trang 256]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

ÂU CHÂU

TÂY BAN NHA (Đây có thể là địa điểm thành TA-RÊ-SI)

ĐỊA TRUNG HẢI

SARDINIA

CYPRUS

Á CHÂU

SI-ĐÔN

TY-RƠ

PHI CHÂU

Ê-DÍP-TÔ

[Hình nơi trang 250]

Ty-rơ thần phục Ba-by-lôn chứ không phải A-si-ri

[Hình nơi trang 256]

Đồng tiền mang hình Melkart, thần chính của Ty-rơ

[Hình nơi trang 256]

Mô hình một chiếc tàu của người Phê-ni-xi