Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giê-hô-va Đức Chúa Trời thương xót số người sót lại

Giê-hô-va Đức Chúa Trời thương xót số người sót lại

Chương sáu

Giê-hô-va Đức Chúa Trời thương xót số người sót lại

Ê-sai 4:2-6

1, 2. Nhà tiên tri Ê-sai báo trước điều gì liên quan đến Giu-đa và Giê-ru-sa-lem?

MỘT cơn bão dữ dội thổi vào một vùng đông dân cư. Gió mạnh, mưa như thác và nước tràn ngập chảy xiết soi mòn mặt đất khiến nhà cửa bị sập, mùa màng bị thiệt hại, người và vật bị chết. Nhưng chẳng bao lâu, cơn bão qua đi, và tiếp đó là một thời gian bình lặng. Đối với những người sống sót, đây là thời gian phục hồi và tái thiết.

2 Nhà tiên tri Ê-sai báo trước một điều tương tự về Giu-đa và Giê-ru-sa-lem. Tựa như đám mây đen kéo đến trước cơn bão, Ê-sai báo trước sự phán xét sắp đến của Đức Chúa Trời. Nó đến với lý do chính đáng! Tội lỗi của nước này nặng nề. Cả vua quan lẫn dân sự đã làm cho cả xứ đầy dẫy bất công và máu đổ. Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va phơi bày tội lỗi của Giu-đa và cảnh cáo là Ngài sẽ thi hành sự phán xét trên dân tộc phạm pháp này. (Ê-sai 3:25) Đất Giu-đa sẽ hoàn toàn bị bỏ hoang như là hậu quả của cơn bão đó. Viễn tượng này chắc hẳn đã làm Ê-sai buồn rầu.

3. Thông điệp được soi dẫn nơi Ê-sai 4:2-6 chứa đựng tin mừng nào?

3 Nhưng có tin mừng! Sự phán xét công bình của Đức Giê-hô-va như cơn bão sẽ qua, và một số người sẽ sống sót. Đúng vậy, sự phán xét của Đức Giê-hô-va trên Giu-đa sẽ được dung hòa với sự thương xót! Thông điệp được soi dẫn của Ê-sai ghi nơi Ê-sai 4:2-6 nhắm tới thời kỳ ân phước này. Đó như thể mặt trời ló dạng sau đám mây; quang cảnh thay đổi từ những hình ảnh và âm thanh của sự phán xét—như diễn tả nơi Ê-sai 2:6–4:1—sang một vùng đất và một dân tộc được làm mới lại tuyệt đẹp.

4. Tại sao chúng ta nên thảo luận lời tiên tri của Ê-sai về sự khôi phục số người sót lại?

4 Lời tiên tri của Ê-sai về sự khôi phục số người sót lại và sự an ổn họ được hưởng sau đó cũng có một sự ứng nghiệm trong thời kỳ của chúng ta—“những ngày sau-rốt”. (Ê-sai 2:2-4) Chúng ta hãy thảo luận thông điệp đúng lúc này, không những vì nó có ý nghĩa tiên tri mà còn dạy chúng ta về lòng thương xót của Đức Giê-hô-va và làm thế nào mỗi cá nhân chúng ta có thể nhận được lòng thương xót đó.

“Chồi của Đức Giê-hô-va”

5, 6. (a) Ê-sai tả thế nào về thời kỳ yên ổn theo sau cơn giông tố sắp đến? (b) Chữ “chồi” nghĩa là gì, và chữ này cho thấy gì về đất Giu-đa?

5 Giọng của Ê-sai trở nên ấm cúng khi ông nhìn đến một thời kỳ yên ổn hơn, sau cơn giông tố sắp đến. Ông viết: “Trong ngày đó, chồi của Đức Giê-hô-va sẽ làm đồ trang-sức vinh-hiển của những kẻ sót lại [“thoát nạn”, Nguyễn Thế Thuấn] trong Y-sơ-ra-ên, sản-vật dưới đất sẽ làm sự tốt-đẹp cho chúng nó”.—Ê-sai 4:2.

6 Ở đây, Ê-sai nói về sự khôi phục. Từ Hê-bơ-rơ dịch là “chồi” ám chỉ ‘cái gì trổ ra, một mầm măng, một nhánh non’. Chữ này liên hệ đến sự thịnh vượng, sự gia tăng và ân phước đến từ Đức Giê-hô-va. Do đó, Ê-sai đã vẽ lên một bức tranh đầy hy vọng—sự hoang vu sắp xảy ra sẽ không kéo dài vô tận. Với sự ban phước của Đức Giê-hô-va, vùng đất Giu-đa từng thịnh vượng sẽ lại sản xuất dư thừa. *Lê-vi Ký 26:3-5.

7. Chồi của Đức Giê-hô-va sẽ “làm đồ trang-sức vinh-hiển” bằng cách nào?

7 Ê-sai dùng những từ sống động để diễn tả sự biến đổi huy hoàng sẽ xảy ra. “Chồi của Đức Giê-hô-va” sẽ “làm đồ trang-sức vinh-hiển”. Chữ “trang-sức” gợi cho người ta nhớ lại vẻ xinh đẹp của Đất Hứa mà Đức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên nhiều thế kỷ trước đó. Vùng đất đẹp đến độ nó được coi như “vinh-hiển nhứt [“hạt ngọc”, New American Bible] trong các đất”. (Ê-xê-chi-ên 20:6) Như thế, lời của Ê-sai bảo đảm cho dân sự rằng sự đẹp đẽ và vinh hiển trước đây của nước Giu-đa sẽ được khôi phục. Thật vậy, nó sẽ giống như hạt ngọc sáng ngời trên mặt đất.

8. Ai sẽ có mặt để hưởng sự tươi đẹp của vùng đất được khôi phục, và Ê-sai tả cảm giác của họ như thế nào?

8 Vậy ai sẽ có mặt để hưởng sự tươi đẹp của vùng đất được khôi phục? Ê-sai trả lời: ‘Những kẻ thoát nạn trong Y-sơ-ra-ên’. Đúng vậy, một số người sẽ được sống sót qua sự hủy diệt, một sự hủy diệt khiến họ bị nhục nhã mà Ê-sai đã tiên tri trước đó. (Ê-sai 3:25, 26) Trong số người sống sót, một số nhỏ sẽ trở về Giu-đa và góp phần vào việc khôi phục. Đối với những người hồi hương này—tức “những kẻ thoát nạn”—sản vật dư dật của đất khôi phục sẽ “là oai phong sán lạn nguồn hào hoa kiêu mịn”. (Ê-sai 4:2, NTT) Sự nhục nhã do sự hoang vu gây ra sẽ nhường chỗ cho cảm giác tự hào mới mẻ.

9. (a) Đúng như lời của Ê-sai, điều gì đã xảy ra vào năm 537 TCN? (b) Tại sao có thể nói rằng “những kẻ thoát nạn” bao gồm cả những người sinh đẻ nơi xứ phu tù? (Xin xem cước chú).

9 Đúng như lời của Ê-sai, cơn bão phán xét đã đến vào năm 607 TCN khi người Ba-by-lôn hủy phá Giê-ru-sa-lem và nhiều người Y-sơ-ra-ên bị chết. Một số sống sót bị bắt đi làm phu tù ở Ba-by-lôn và nếu như Đức Chúa Trời không thương xót thì chẳng một ai sống sót. (Nê-hê-mi 9:31) Cuối cùng, Giu-đa bị bỏ hoang hoàn toàn. (2 Sử-ký 36:17-21) Rồi vào năm 537 TCN, Đức Chúa Trời thương xót đã cho phép “những kẻ thoát nạn” trở về Giu-đa để tái lập sự thờ phượng thật. * (E-xơ-ra 1:1-4; 2:1) Sự hết lòng ăn năn của những người trở về từ xứ phu tù này được diễn tả tuyệt vời nơi bài Thi-thiên 137 là bài hình như được viết trong thời gian lưu đày hoặc sau đó ít lâu. Trở về Giu-đa, họ cày xới đất và gieo hạt giống khắp xứ. Chúng ta hãy nghĩ đến cảm tưởng của họ khi nhìn thấy Đức Chúa Trời ban phước cho các cố gắng của họ, khiến cho đất đai mọc lên cây cối tươi tốt giống như “vườn Ê-đen” đầy hoa trái!—Ê-xê-chi-ên 36:34-36.

10, 11. (a) Vào đầu thế kỷ 20, các Học Viên Kinh Thánh bị làm phu tù cho “Ba-by-lôn Lớn” như thế nào? (b) Đức Giê-hô-va ban phước cho những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng còn sót lại như thế nào?

10 Một sự khôi phục tương tự đã xảy ra trong thời đại chúng ta. Vào đầu thế kỷ 20, các Học Viên Kinh Thánh, tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va vào lúc đó, bị làm phu tù về thiêng liêng cho “Ba-by-lôn Lớn”, đế quốc tôn giáo giả thế giới. (Khải-huyền 17:5) Mặc dù đã từ bỏ rất nhiều giáo lý sai lầm, các Học Viên Kinh Thánh vẫn còn bị vấy nhơ bởi một số ý tưởng và thực hành của Ba-by-lôn. Sự chống đối do hàng giáo phẩm xúi giục đã đưa đến kết quả là một số người thật sự bị bỏ tù. Vùng đất thiêng liêng của họ—tình trạng về thiêng liêng hoặc tín ngưỡng của họ—bị bỏ hoang.

11 Nhưng vào mùa xuân năm 1919, Đức Giê-hô-va đã thương xót những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng còn sót lại này. (Ga-la-ti 6:16) Ngài thấy họ ăn năn và ước muốn thờ phượng Ngài bằng lẽ thật, vì thế Ngài giải thoát họ khỏi sự tù đày theo nghĩa đen và, quan trọng hơn, khỏi sự tù đày về thiêng liêng. “Những kẻ thoát nạn” này đã được trở lại tình trạng thiêng liêng do Đức Chúa Trời ban cho; Ngài khiến họ được thịnh vượng như cũ. Tình trạng thiêng liêng này tỏa ra một vẻ đẹp hấp dẫn, mời mọc, khiến hàng triệu người khác vốn kính sợ Đức Chúa Trời đến kết hợp với những người còn sót lại trong sự thờ phượng thật.

12. Lời của Ê-sai đề cao lòng thương xót của Đức Giê-hô-va đối với dân của Ngài như thế nào?

12 Những lời của Ê-sai ở đây đề cao lòng thương xót của Đức Chúa Trời đối với dân Ngài. Mặc dù dân Y-sơ-ra-ên nói chung đã nghịch lại Đức Giê-hô-va, Ngài vẫn thương xót những người còn sót lại biết ăn năn. Chúng ta được an ủi khi biết rằng ngay cả những người phạm lỗi nặng có thể trở lại cùng Đức Giê-hô-va với niềm hy vọng. Những người biết ăn năn không nên cảm thấy mình bất xứng với lòng thương xót của Đức Giê-hô-va, bởi vì Ngài không hề từ chối tấm lòng thống hối. (Thi-thiên 51:17) Kinh Thánh bảo đảm với chúng ta: “Đức Giê-hô-va có lòng thương-xót, hay làm ơn, chậm nóng-giận, và đầy sự nhân-từ. Đức Giê-hô-va thương-xót kẻ kính-sợ Ngài, khác nào cha thương-xót con-cái mình vậy”. (Thi-thiên 103:8, 13) Một Đức Chúa Trời đầy lòng thương xót như thế chắc chắn đáng được tất cả chúng ta khen ngợi!

Những người sót lại nên thánh trước mắt Đức Giê-hô-va

13. Như được ghi nơi Ê-sai 4:3, Ê-sai tả về những người sót lại sẽ được Đức Giê-hô-va thương xót như thế nào?

13 Chúng ta đã biết sơ qua về những người sót lại được Đức Giê-hô-va tỏ lòng thương xót; giờ đây Ê-sai tả thêm chi tiết về họ. Ông viết: “Phàm những kẻ còn lại ở Si-ôn, những kẻ sót lại ở Giê-ru-sa-lem, tức là những kẻ ở Giê-ru-sa-lem được chép vào sổ người sống, thì sẽ được xưng là thánh”.—Ê-sai 4:3.

14. “Những kẻ còn lại” và “những kẻ sót lại” là ai, và tại sao Đức Giê-hô-va sẽ thương xót họ?

14 “Những kẻ còn lại” và “những kẻ sót lại” là ai? Họ chính là những kẻ thoát nạn nói ở câu trước đó—tức những người phu tù Do Thái sẽ được phép trở về Giu-đa. Bây giờ Ê-sai cho thấy tại sao Đức Giê-hô-va sẽ thương xót họ—đó là vì họ sẽ “được xưng là thánh” trước mắt Ngài. Thánh có nghĩa là “thánh khiết hoặc tinh sạch về mặt tôn giáo; thiêng liêng”. Muốn nên thánh, phải thanh sạch tinh khiết trong lời nói, việc làm và sống theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va về điều đúng và chính đáng. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va sẽ thương xót những người “được xưng là thánh” trước mắt Ngài, và Ngài sẽ cho phép họ trở lại “thành thánh” Giê-ru-sa-lem.—Nê-hê-mi 11:1.

15. (a) Nhóm từ “được chép trong sổ người sống” ở Giê-ru-sa-lem nhắc chúng ta về phong tục nào của người Do Thái? (b) Lời của Ê-sai ám chỉ sự cảnh cáo nghiêm trọng nào?

15 Đám người sót lại trung thành này có tiếp tục ở đó không? Ê-sai hứa là họ sẽ được “chép vào sổ người sống” ở Giê-ru-sa-lem. Điều này nhắc nhở chúng ta về phong tục của người Do Thái liên quan đến việc gìn giữ cẩn thận gia phả và tộc phả. (Nê-hê-mi 7:5) Được chép vào sổ có nghĩa là được sống, bởi vì khi một người chết, tên của người bị xóa đi. Trong những chỗ khác trong Kinh Thánh, chúng ta thấy có nói đến một quyển sách theo nghĩa bóng, chứa đựng tên của những người được Đức Giê-hô-va ban thưởng sự sống. Nhưng để được ghi tên vào quyển sách này, phải có điều kiện vì Đức Giê-hô-va có thể “xóa” tên đi. (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:32, 33; Thi-thiên 69:28) Vậy lời của Ê-sai hàm ý một sự cảnh cáo nghiêm trọng—những người hồi hương chỉ có thể tiếp tục sống trong xứ được khôi phục nếu họ vẫn nên thánh dưới mắt Đức Chúa Trời.

16. (a) Đức Giê-hô-va đòi hỏi gì nơi những người được Ngài cho phép trở về Giu-đa vào năm 537 TCN? (b) Tại sao có thể nói rằng lòng thương xót của Đức Giê-hô-va dành cho những người xức dầu còn sót lại và các “chiên khác” không uổng phí?

16 Vào năm 537 TCN, đám người sót lại trở về Giê-ru-sa-lem với động lực trong sạch—để tái lập sự thờ phượng thật. Những ai bị nhiễm các thực hành tà giáo hoặc bị lây hạnh kiểm ô uế mà Ê-sai đã mạnh mẽ cảnh cáo, thì không một người nào được quyền hồi hương. (Ê-sai 1:15-17) Chỉ những người được Đức Giê-hô-va coi là thánh mới có thể trở về Giu-đa mà thôi. (Ê-sai 35:8) Tương tự như vậy, từ khi được giải thoát khỏi sự tù đày về thiêng liêng vào năm 1919, những người xức dầu còn sót lại, nay cùng với họ, có hàng triệu các “chiên khác”—tức những người có hy vọng sống đời đời trên đất—đã cố gắng hết sức để nên thánh dưới mắt Đức Chúa Trời. (Giăng 10:16) Họ bỏ đi các thực hành và dạy dỗ của Ba-by-lôn. Trên bình diện cá nhân, họ cố gắng giữ tiêu chuẩn cao của Đức Chúa Trời về luân lý. (1 Phi-e-rơ 1:14-16) Lòng thương xót của Đức Giê-hô-va dành cho họ đã không uổng phí.

17. Ai được Đức Giê-hô-va ghi tên vào “sách sự sống” của Ngài, và chúng ta nên cương quyết làm gì?

17 Chúng ta còn nhớ là Đức Giê-hô-va đã chú ý đến những người nên thánh ở Y-sơ-ra-ên và Ngài đã ‘chép tên họ vào sổ người sống’. Ngày nay cũng vậy, Đức Giê-hô-va để ý đến nỗ lực của chúng ta trong việc gìn giữ trí óc và thân thể thanh sạch khi ‘dâng thân-thể của chúng ta làm của-lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời’. (Rô-ma 12:1) Tất cả những người sống cuộc sống như thế sẽ được Ngài ghi vào “sách sự sống” của Ngài—tức danh sách tượng trưng chứa đựng tên của những người có triển vọng nhận được sự sống đời đời hoặc trên trời hoặc dưới đất. (Phi-líp 4:3; Ma-la-chi 3:16) Vậy chúng ta hãy hết sức giữ mình nên thánh dưới mắt Đức Chúa Trời, vì làm như vậy tên của chúng ta được giữ trong “sách” quý giá đó.—Khải-huyền 3:5.

Một lời hứa về sự chăm sóc yêu thương

18, 19. Theo Ê-sai 4:4, 5, Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện sự tẩy sạch nào, và bằng cách nào?

18 Kế tiếp, Ê-sai cho thấy dân cư trên đất khôi phục sẽ nên thánh như thế nào và những ân phước nào chờ đón họ. Ông nói: “Khi Chúa đem thần công-bình [“xét xử”, “Trịnh Văn Căn”] cùng thần thiêu-đốt mà rửa sự ô-uế của những con gái Si-ôn, tẩy sạch huyết Giê-ru-sa-lem khỏi giữa nó. Trên khắp nơi núi Si-ôn, trên khắp các hội nó, Đức Giê-hô-va sẽ dựng lên một đám mây bọc khói trong ban ngày, và ngọn lửa soi-sáng trong ban đêm. Vì một cái màn sẽ che cả sự vinh-hiển”.—Ê-sai 4:4, 5.

19 Trước đó, Ê-sai khiển trách “con gái Si-ôn” vốn dấu sự bại hoại về luân lý dưới các đồ trang sức lòe loẹt của mình. Ông cũng đã phơi bày tội làm đổ máu của dân sự nói chung và kêu gọi họ rửa sạch đi. (Ê-sai 1:15, 16; 3:16-23) Tuy nhiên, ở đây, ông hướng đến thời kỳ chính Đức Chúa Trời sẽ “rửa sự ô-uế”, hay là sự dơ bẩn về luân lý và “tẩy sạch huyết”. (Ê-sai 4:4) Sự rửa sạch này được thực hiện bằng cách nào? Bằng ‘thần xét xử’ và “thần thiêu-đốt”. Sự phá hủy sắp đến trên Giê-ru-sa-lem và việc dân cư bị bắt đi làm phu tù ở Ba-by-lôn sẽ là hậu quả của sự phán xét và cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời trên một dân tộc ô uế. Đám người sót lại sống sót qua tai họa đó và trở về quê hương đã bị hạ xuống và được lọc luyện. Đó là lý do tại sao Đức Giê-hô-va xem họ là thánh và thương xót họ.—So sánh Ma-la-chi 3:2, 3.

20. (a) Những từ “một đám mây”, “khói” và “một ngọn lửa” làm chúng ta nhớ lại điều gì? (b) Tại sao những người phu tù được tẩy sạch không phải sợ hãi?

20 Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va hứa là Ngài sẽ yêu thương chăm sóc đám người sót lại được tẩy sạch này. Những từ “một đám mây”, “khói” và “một ngọn lửa” làm chúng ta nhớ lại việc Đức Giê-hô-va đã chăm sóc dân Y-sơ-ra-ên như thế nào sau khi họ rời xứ Ê-díp-tô. Họ được một “trụ mây và lửa” bảo vệ khỏi sự rượt đuổi của người Ê-díp-tô; nó cũng dẫn họ đi trong đồng vắng. (Xuất Ê-díp-tô Ký 13:21, 22; 14:19, 20, 24) Khi Đức Giê-hô-va tỏ mình ra trên Núi Si-nai, khắp núi “đều ra khói”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:18) Vậy những người phu tù được tẩy sạch không phải sợ hãi gì. Đức Giê-hô-va sẽ là Đấng che chở họ. Ngài sẽ ở với họ dù họ họp nhau lại tại nhà hay tại các cuộc đại hội thánh.

21, 22. (a) Một cái lều thường được dựng lên với mục đích gì? (b) Triển vọng nào đặt trước mặt đám người sót lại đã được tẩy sạch?

21 Ê-sai kết thúc sự mô tả về sự bảo vệ của Đức Chúa Trời bằng cách tập trung sự chú ý vào đời sống hàng ngày. Ông viết: “Sẽ có trại [“lều”, “NTT”] làm bóng mát tránh nắng ban ngày, và dùng làm nơi núp chỗ đụt cho khỏi gió táp mưa sa”. (Ê-sai 4:6) Một cái lều thường được dựng lên trong vườn nho hay trong cánh đồng để làm nơi che ánh nắng gay gắt của mặt trời vào mùa nắng, và gió bão và cái lạnh vào mùa mưa.—So sánh Giô-na 4:5.

22 Khi phải đối diện với sự bắt bớ nóng như lửa thiêu đốt và sự chống đối mạnh như vũ bão, đám người sót lại đã được tẩy sạch sẽ nhận thấy Đức Giê-hô-va là Nguồn che chở, an ninh và ẩn náu của mình. (Thi-thiên 91:1, 2; 121:5) Vì thế, một triển vọng đẹp đẽ đặt trước mặt họ: Nếu họ từ bỏ những sự tin tưởng và thực hành ô uế của Ba-by-lôn, thuần phục sự phán xét của Đức Giê-hô-va cốt làm cho họ nên thanh sạch, và cố gắng giữ mình nên thánh, họ sẽ được an toàn giống như ở trong một cái “lều” che chở của Đức Chúa Trời.

23. Tại sao Đức Giê-hô-va ban phước cho những người xức dầu còn sót lại và bạn đồng hành của họ?

23 Chúng ta hãy để ý là sự tẩy sạch đến trước rồi ân phước theo sau. Điều này tỏ ra đúng trong thời đại của chúng ta. Hồi năm 1919, những người xức dầu còn sót lại đã khiêm nhường chịu lọc luyện, và Đức Giê-hô-va đã “rửa” sự ô uế của họ. Kể từ đó, một đám đông “vô-số người” thuộc các chiên khác cũng tự nguyện để Đức Giê-hô-va tẩy sạch. (Khải-huyền 7:9) Vì được tẩy sạch, những người còn sót lại và bạn đồng hành của họ được ban phước—Đức Giê-hô-va đã chăm sóc che chở họ. Ngài không dùng phép lạ để ngăn cản sự bắt bớ nóng như lửa thiêu đốt hoặc sự chống đối mạnh như vũ bão đang đè nặng trên họ. Nhưng Ngài che chở họ như thể dựng lên ‘một cái lều làm bóng mát và làm nơi núp gió táp mưa sa’. Bằng cách nào?

24. Đức Giê-hô-va đã rõ ràng ban phước cho dân Ngài với tư cách một tổ chức như thế nào?

24 Chúng ta hãy xem xét điều này: Một số chính phủ hùng mạnh nhất trong lịch sử đã cấm đoán công việc rao giảng của Nhân Chứng Giê-hô-va hoặc cố gắng tiêu trừ họ. Song, Nhân Chứng vẫn đứng vững và tiếp tục rao giảng không ngừng! Tại sao các quốc gia hùng mạnh lại không thể chặn đứng hoạt động của một nhóm người tương đối nhỏ và dường như không có khả năng tự vệ này? Chính bởi vì Đức Giê-hô-va đã đặt các tôi tớ trong sạch của Ngài trong một cái “lều” che chở mà không một người nào có thể phá sập được!

25. Được Đức Giê-hô-va che chở có nghĩa gì đối với mỗi cá nhân chúng ta?

25 Còn mỗi cá nhân chúng ta thì sao? Được Đức Giê-hô-va che chở không có nghĩa là đời sống của chúng ta trong hệ thống mọi sự này sẽ không có khó khăn. Nhiều anh chị tín đồ Đấng Christ trung thành phải đương đầu với những nghịch cảnh gay go như nghèo nàn, thiên tai, chiến tranh, bệnh hoạn và chết chóc. Khi gặp phải những đau buồn này, chúng ta chớ bao giờ quên là Đức Chúa Trời ở với chúng ta. Ngài che chở chúng ta về thiêng liêng, cung cấp những gì chúng ta cần—ngay cả “sức lực vượt quá mức bình thường”—để có thể trung thành chịu đựng thử thách. (2 Cô-rinh-tô 4:7, NW) Được an toàn trong sự trông chừng của Ngài, chúng ta không phải sợ hãi gì. Nói cho cùng, miễn là chúng ta làm hết sức để giữ mình nên thánh dưới mắt Ngài thì sẽ chẳng có gì ‘có thể phân-rẽ chúng ta khỏi sự yêu-thương của Đức Chúa Trời’.—Rô-ma 8:38, 39.

[Chú thích]

^ đ. 6 Một số học giả cho rằng câu “chồi của Đức Giê-hô-va” ám chỉ Đấng Mê-si; Đấng xuất hiện sau khi Giê-ru-sa-lem được khôi phục. Trong các bản dịch Kinh Thánh tiếng A-ram, phần diễn ý của câu này đọc: “Đấng Mê-si [Christ] của Đức Giê-hô-va”. Điều đáng lưu ý là danh từ Hê-bơ-rơ (tseʹmach) đó sau này được Giê-rê-mi dùng khi nói về Đấng Mê-si là “Nhánh công-bình” được dấy lên cho Đa-vít.—Giê-rê-mi 23:5; 33:15.

^ đ. 9 “Những kẻ thoát nạn” bao gồm cả những người sinh đẻ nơi xứ phu tù. Những người này cũng được coi như đã “thoát nạn” vì họ sẽ không được sinh ra nếu như tổ tiên của họ không sống sót qua sự hủy diệt.—E-xơ-ra 9:13-15; so sánh Hê-bơ-rơ 7:9, 10.

[Câu hỏi]

[Hình nơi trang 63]

Sự phán xét của Đức Chúa Trời như cơn bão đang đến trên Giu-đa