Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Khốn cho vườn nho bất trung!

Khốn cho vườn nho bất trung!

Chương bảy

Khốn cho vườn nho bất trung!

Ê-sai 5:1-30

1, 2. “Bạn rất yêu-dấu” trồng gì, nhưng nó đem lại thất vọng như thế nào?

MỘT nhà bình luận Kinh Thánh nói như sau về những câu mở đầu trong chương 5 sách Ê-sai: “Về phương diện ngôn từ đẹp đẽ sắc sảo và kỹ năng truyền đạt hữu hiệu cao độ thì ngụ ngôn này hầu như vô song”. Còn hơn là một công trình nghệ thuật, những lời của Ê-sai vẽ ra một bức tranh thật cảm động về sự chăm sóc yêu thương mà Đức Giê-hô-va dành cho dân Ngài. Đồng thời những lời này cảnh cáo chúng ta về những điều làm mất lòng Ngài.

2 Ngụ ngôn của Ê-sai bắt đầu: “Ta sẽ hát cho bạn rất yêu-dấu ta một bài ca của bạn yêu-dấu ta về việc vườn nho người. Bạn rất yêu-dấu ta có một vườn nho ở trên gò đất tốt. Người khai-phá ra; cất-bỏ những đá; trồng những gốc nho xinh-tốt; dựng một cái tháp giữa vườn, và đào một nơi ép rượu. Vả, người mong rằng sẽ sanh trái nho; nhưng nó lại sanh trái nho hoang”.—Ê-sai 5:1, 2; so sánh Mác 12:1.

Chăm sóc vườn nho

3, 4. Vườn nho được yêu thương chăm sóc như thế nào?

3 Không biết Ê-sai có thật sự hát bài ngụ ngôn này cho thính giả của ông hay không, nhưng chắc chắn nó chiếm được sự chú ý của họ. Phần lớn thính giả có lẽ quen thuộc với công việc trồng vườn nho, và sự mô tả của Ê-sai sống động và thực tế. Giống như những người trồng nho ngày nay, người chủ vườn nho không trồng bằng hạt nho, nhưng bằng “gốc nho xinh-tốt” có phẩm chất cao—tức được chiết từ một cây nho khác. Tất nhiên, ông trồng vườn nho này trên “gò đất tốt”, nơi mà cây nho sẽ lớn mạnh tốt tươi.

4 Cần phải vun trồng vất vả thì vườn nho mới sai trái. Ê-sai mô tả người chủ vườn phải “khai-phá ra; cất-bỏ những đá”—một công việc nhọc nhằn không lấy gì làm hấp dẫn! Rất có thể ông dùng những tảng đá lớn hơn để “dựng một cái tháp”. Vào thời xưa, những tháp như thế được dùng làm chòi canh cho những người gác, canh phòng kẻ trộm hay thú vật phá hại mùa màng. * Ông cũng xây một bức tường đá dọc theo bờ gồ chung quanh vườn nho. (Ê-sai 5:5) Người ta thường xây cất như vậy để lớp đất trên mặt không bị trôi đi.

5. Người chủ vườn có lý do để kỳ vọng gì nơi vườn nho, nhưng ông hái được gì?

5 Vì đã bỏ ra nhiều công khó để bảo vệ vườn nho, người chủ có mọi lý do để kỳ vọng là vườn nho sẽ sanh trái. Dự kiến điều này, ông đóng một dàn ép nho. Nhưng mùa nho mà người chủ vườn hy vọng có thành công không? Không, vườn nho sản xuất toàn những trái nho hoang.

Vườn nho và chủ vườn

6, 7. (a) Chủ vườn nho là ai, và vườn nho là gì? (b) Chủ vườn nho yêu cầu sự phân xử nào?

6 Chủ vườn nho là ai, và vườn nho là gì? Chủ vườn nho trả lời những câu hỏi này khi chính ông nói: “Hỡi dân ở Giê-ru-sa-lem cùng người Giu-đa, vậy thì bây giờ ta xin các ngươi hãy đoán-xét giữa ta với vườn nho ta. Có điều chi nên làm cho vườn nho ta mà ta không làm cho nó chăng? Cớ sao khi ta mong sanh trái nho, thì nó lại sanh trái nho hoang vậy? Nầy, ta sẽ bảo các ngươi về điều ta định làm cho vườn nho ta: Ta phá rào, nó sẽ bị cắn-nuốt; ta hạ tường xuống, nó sẽ bị giày-đạp”.—Ê-sai 5:3-5.

7 Đúng vậy, Đức Giê-hô-va là chủ vườn nho, và như thể Ngài đang ở trong tòa án, yêu cầu phân xử giữa Ngài với vườn nho làm Ngài thất vọng. Vậy vườn nho là gì? Chủ vườn nho giải thích: “Vườn nho của Đức Giê-hô-va vạn-quân, ấy là nhà Y-sơ-ra-ên, và những người của Giu-đa tức là cây mà Ngài ưa-thích”.—Ê-sai 5:7a.

8. Việc Ê-sai gọi Đức Giê-hô-va là “bạn yêu-dấu ta” có ý nghĩa gì?

8 Ê-sai gọi Đức Giê-hô-va, chủ vườn nho, là “bạn yêu-dấu ta”. (Ê-sai 5:1) Ê-sai có thể nói về Đức Giê-hô-va theo cách thân mật như thế chính vì ông có một mối quan hệ gần gũi với Ngài. (So sánh Gióp 29:4; Thi-thiên 25:14). Tuy nhiên, tình yêu thương của nhà tiên tri đối với Đức Chúa Trời không mạnh bằng tình yêu thương Đức Chúa Trời dành cho “vườn nho” của Ngài—tức là dân mà Ngài “trồng”.—So sánh Xuất Ê-díp-tô Ký 15:17; Thi-thiên 80:8, 9.

9. Đức Giê-hô-va đối xử với dân Ngài giống như một vườn nho quý như thế nào?

9 Đức Giê-hô-va đã “trồng” dân Ngài trên vùng đất Ca-na-an và ban cho họ luật pháp cùng điều lệ giống như một bức tường bảo vệ họ khỏi bị các nước khác làm hư hỏng. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6; Thi-thiên 147:19, 20; Ê-phê-sô 2:14) Hơn nữa, Đức Giê-hô-va cung cấp cho họ các quan xét, thầy tế lễ và nhà tiên tri để giáo dục họ. (2 Các Vua 17:13; Ma-la-chi 2:7; Công-vụ 13:20) Khi nước Y-sơ-ra-ên bị quân xâm lăng đe dọa, Đức Giê-hô-va dấy lên những người giải cứu. (Hê-bơ-rơ 11:32, 33) Đức Giê-hô-va có lý do để hỏi: “Có điều chi nên làm cho vườn nho ta mà ta không làm cho nó chăng?”

Nhận diện vườn nho của Đức Chúa Trời ngày nay

10. Chúa Giê-su nói ngụ ngôn nào liên quan đến vườn nho?

10 Chúa Giê-su có thể đã nghĩ đến những lời của Ê-sai khi ngài nói ngụ ngôn về những người trồng nho mướn có tâm địa sát nhân: “Có người chủ nhà kia, trồng một vườn nho, rào chung-quanh, ở trong đào một cái hầm ép rượu, và cất một cái tháp; rồi cho những kẻ trồng nho mướn, và đi qua xứ khác”. Thật là đáng buồn, những kẻ trồng nho mướn đã phản bội chủ vườn nho, thậm chí giết con trai của chủ. Chúa Giê-su tiếp theo đó cho thấy là ngụ ngôn này không chỉ liên hệ đến dân Y-sơ-ra-ên theo nghĩa đen mà thôi khi ngài nói: “Nước Đức Chúa Trời sẽ cất khỏi các ngươi [Y-sơ-ra-ên xác thịt], và cho một dân khác là dân sẽ có kết-quả của nước đó”.—Ma-thi-ơ 21:33-41, 43.

11. Vườn nho thiêng liêng nào hiện hữu vào thế kỷ thứ nhất, nhưng điều gì xảy ra sau khi các sứ đồ chết?

11 “Dân” mới đó chứng tỏ là “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”—một dân thiêng liêng gồm những tín đồ Đấng Christ được xức dầu tổng cộng là 144.000 người. (Ga-la-ti 6:16; 1 Phi-e-rơ 2:9, 10; Khải-huyền 7:3, 4) Chúa Giê-su ví các môn đồ này như những “nhánh” của “gốc nho thật”, tức là chính ngài. Lẽ tự nhiên, người ta kỳ vọng những nhánh này sanh ra trái. (Giăng 15:1-5) Họ phải biểu lộ những đức tính giống như Đấng Christ và tham gia vào công việc rao giảng “tin-lành nầy về Nước Đức Chúa Trời”. (Ma-thi-ơ 24:14; Ga-la-ti 5:22, 23) Nhưng kể từ khi mười hai sứ đồ chết, đại đa số những người nhận mình là nhánh của “gốc nho thật” đã tỏ ra là nhánh giả—sanh ra những trái nho hoang thay vì trái tốt.—Ma-thi-ơ 13:24-30, 38, 39.

12. Những lời của Ê-sai lên án các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ như thế nào, và cho các tín đồ thật của Đấng Christ bài học nào?

12 Do đó, lời Ê-sai lên án Giu-đa cũng áp dụng cho các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ ngày nay. Một cuộc nghiên cứu về lịch sử của y thị—về chiến tranh, thập tự chiến, Tòa Án Dị Giáo—cho thấy y thị chỉ sanh ra toàn trái chua mà thôi! Tuy nhiên, vườn nho thật gồm các tín đồ Đấng Christ được xức dầu và đám đông “vô-số người” đồng hành với họ phải lưu ý đến những lời của Ê-sai. (Khải-huyền 7:9) Nếu muốn làm vui lòng chủ vườn nho thì trên bình diện cá nhân và tập thể, họ phải sanh ra trái mà chủ vườn thích.

“Trái nho hoang”

13. Đức Giê-hô-va sẽ làm gì đối với vườn nho của Ngài vì nó sanh ra trái xấu?

13 Vì đã gắng hết sức để chăm bón và vun trồng vườn nho của Ngài, Đức Giê-hô-va có quyền kỳ vọng nó sẽ là “vườn nho sanh ra rượu nho!” (Ê-sai 27:2) Tuy nhiên, thay vì sanh ra trái tốt, nó lại sanh ra “trái nho hoang”, mà nghĩa đen là “những vật hôi hám” hay “những trái dâu thối”. (Ê-sai 5:2; cước chú NW; Giê-rê-mi 2:21) Do đó, Đức Giê-hô-va tuyên bố là Ngài sẽ phá đi hàng “rào” bảo vệ của Ngài chung quanh nước đó. Nước sẽ bị “để hoang-loạn”; nó sẽ bị bỏ hoang và khô cằn. (Đọc Ê-sai 5:6) Môi-se đã cảnh cáo là họ sẽ phải lãnh những hậu quả đó nếu họ không vâng theo Luật Pháp của Đức Chúa Trời.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:17; 28:63, 64; 29:22, 23.

14. Đức Giê-hô-va kỳ vọng trái gì nơi dân Ngài, nhưng thay vì thế, họ sanh ra gì?

14 Đức Chúa Trời kỳ vọng nước đó sanh ra trái tốt. Nhà tiên tri đồng thời với Ê-sai là Mi-chê tuyên bố: “Cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công-bình, ưa sự nhân-từ và bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?” (Mi-chê 6:8; Xa-cha-ri 7:9) Tuy nhiên, nước đó đã không vâng theo lời khuyên dạy của Đức Giê-hô-va. [Đức Chúa Trời] trông họ được công-chính, mà nầy, có sự bạo-ngược [“vi phạm luật pháp”, “NW”]; trông được công-bình, mà nầy, có tiếng kêu-la”. (Ê-sai 5:7b) Môi-se đã tiên đoán rằng nước bất trung đó sẽ sanh ra nho độc từ “chồi của Sô-đôm”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:32) Vậy chắc là sự vô luân gồm cả đồng tính luyến ái nằm trong những vi phạm của họ đối với Luật Pháp của Đức Chúa Trời. (Lê-vi Ký 18:22) Cụm từ “vi phạm luật pháp” cũng có thể dịch là “làm đổ máu”. Cách đối xử tàn bạo như thế hiển nhiên đưa lại hậu quả là “có tiếng kêu-la” của những người bị ngược đãi—tiếng kêu la thấu tới tai của Người Trồng vườn nho.—So sánh Gióp 34:28.

15, 16. Làm thế nào các tín đồ thật của Đấng Christ tránh sanh ra trái xấu mà dân Y-sơ-ra-ên đã sanh ra?

15 Giê-hô-va Đức Chúa Trời “chuộng sự công-bình và sự chánh-trực”. (Thi-thiên 33:5) Ngài ra lệnh cho người Do Thái: “Các ngươi chớ phạm sự bất-nghĩa trong việc xét-đoán, chớ thiên-vị người nghèo, chớ nể kẻ quyền-thế; hãy cứ theo công-bình mà xét-đoán kẻ lân-cận ngươi”. (Lê-vi Ký 19:15) Do đó, chúng ta không được thiên vị trong việc đối xử với nhau, không bao giờ để cho những yếu tố như chủng tộc, tuổi tác, của cải, hay giàu nghèo ảnh hưởng đến cách chúng ta đánh giá người khác. (Gia-cơ 2:1-4) Thật là đặc biệt quan trọng để những người đang phụng sự trong những chức vụ giám thị “phàm việc gì cũng chớ tây-vị bên nào”, luôn luôn nghe cả hai bên về một vấn đề trước khi phán xét.—1 Ti-mô-thê 5:21; Châm-ngôn 18:13.

16 Hơn nữa, sống trong một thế giới phi pháp, thật là dễ dàng cho các tín đồ Đấng Christ phát triển một thái độ tiêu cực hoặc chống nghịch đối với các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Nhưng tín đồ thật của Đấng Christ phải “sẵn sàng vâng theo” luật pháp của Đức Chúa Trời. (Gia-cơ 3:17, NW) Bất chấp sự vô luân và bạo động của “đời ác nầy”, họ cần ‘giữ cho khéo về sự ăn-ở của họ, không xử mình như người dại-dột, nhưng như người khôn-ngoan’. (Ga-la-ti 1:4; Ê-phê-sô 5:15) Họ phải tránh xa những quan điểm phóng túng về tình dục, và khi có sự bất đồng, họ nên giải quyết với nhau mà không có sự “buồn-giận, tức mình, kêu-rêu, mắng-nhiếc”. (Ê-phê-sô 4:31) Qua việc vun trồng đức tính công bình, các tín đồ thật của Đấng Christ tôn vinh Đức Chúa Trời và được ân huệ của Ngài.

Giá phải trả cho tính tham lam

17. Hành vi gian ác nào bị lên án trong lời rủa sả thứ nhất của Ê-sai?

17 Trong câu 8, Ê-sai không còn trích lời của Đức Giê-hô-va nữa. Lên án một số “trái nho hoang” sanh ra ở Giu-đa, chính ông công bố lời rủa sả đầu tiên trong sáu lời rủa sả: “Khốn thay cho những kẻ thêm nhà vào nhà, thêm ruộng vào ruộng, cho đến chừng nào chẳng còn chỗ hở nữa, và các ngươi ở một mình giữa xứ! Đức Giê-hô-va vạn-quân có phán vào tai tôi những lời nầy: Thật nhiều nhà sẽ bỏ hoang, những nhà ấy lớn và đẹp mà chẳng có người ở!... Ấy vậy, mười mẫu vườn nho chỉ sanh được một bát rượu; một ô-me hột giống chỉ được một ê-pha”.—Ê-sai 5:8-10.

18, 19. Những người vào thời Ê-sai lờ đi luật pháp của Đức Giê-hô-va về tài sản như thế nào, và họ sẽ lãnh hậu quả gì?

18 Trong nước Y-sơ-ra-ên xưa, toàn thể đất đai cuối cùng đều thuộc về Đức Giê-hô-va. Mỗi gia đình được Đức Chúa Trời cho một sản nghiệp mà họ có thể cho thuê chứ không bao giờ “bán vĩnh viễn”. (Lê-vi Ký 25:23, Nguyễn Thế Thuấn) Điều luật này ngăn ngừa sự lạm dụng như nạn độc quyền về bất động sản. Nó cũng bảo vệ các gia đình khỏi rơi vào sự nghèo nàn cùng quẫn. Tuy nhiên, một số người tham lam ở Giu-đa vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời về tài sản. Mi-chê viết: “Chúng nó tham đất-ruộng và cướp đi, tham nhà-cửa và lấy đi. Chúng nó ức-hiếp người ta và nhà họ, tức là người và sản-nghiệp họ nữa”. (Mi-chê 2:2) Nhưng Châm-ngôn 20:21 cảnh cáo: “Sản-nghiệp mình được vội-vã [“bởi tham lam”, NW] lúc ban-đầu, và cuối-cùng sẽ chẳng đặng phước”.

19 Đức Giê-hô-va hứa sẽ tước hết những lợi lộc bất nghĩa khỏi những kẻ tham lam này. Nhà cửa của họ do cướp đoạt sẽ “chẳng có người ở”. Đất mà họ thèm muốn sẽ chỉ sanh ra một phần nhỏ năng suất của nó thôi. Sự rủa sả này hoàn thành chính xác khi nào và như thế nào thì không được nói đến. Hình như nó ám chỉ, ít nhất một phần, việc bị bắt sang Ba-by-lôn làm phu tù sau này.—Ê-sai 27:10.

20. Tín đồ Đấng Christ ngày nay có thể tránh bắt chước thái độ tham lam của một số người Y-sơ-ra-ên như thế nào?

20 Tín đồ Đấng Christ ngày nay phải gớm ghiếc sự tham lam vô độ mà một số người Y-sơ-ra-ên vào thời xưa đã biểu lộ. (Châm-ngôn 27:20) Khi quá coi trọng vật chất thì một người dễ hạ thấp đạo đức của mình xuống để kiếm tiền bằng những cách vô lương tâm. Một người có thể dễ dàng rơi vào bẫy làm ăn ám muội hoặc mưu đồ thiếu thực tế nhằm làm giàu nhanh chóng. “Những ai vội làm giàu sẽ không khỏi phạm tội”. (Châm-ngôn 28:20, Trịnh Văn Căn) Vậy việc thỏa lòng với những gì mình có quả là quan trọng!—1 Ti-mô-thê 6:8.

Bẫy của sự giải trí đáng nghi ngờ

21. Tội nào bị lên án trong lời rủa sả thứ hai của Ê-sai?

21 Kế đến Ê-sai công bố lời rủa sả thứ hai: “Khốn thay cho kẻ dậy sớm đặng tìm-kiếm rượu, chầy đến ban đêm, phát nóng vì rượu! Trong tiệc yến họ có những đàn cầm, đàn sắt, trống cơm, ống sáo và rượu nữa, nhưng chẳng thiết đến công-việc Đức Giê-hô-va; họ chẳng xem-xét công-trình của tay Ngài”.—Ê-sai 5:11, 12.

22. Dân Y-sơ-ra-ên cho thấy thiếu sự kiềm chế nào, và hậu quả là gì cho dân này?

22 Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời hạnh-phước” và Ngài không hề khó chịu khi các tôi tớ Ngài giải trí vừa phải. (1 Ti-mô-thê 1:11) Tuy nhiên, những kẻ chỉ tìm thú vui này vượt qua mọi giới hạn! Kinh Thánh nói: “Kẻ say thì say ban đêm”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:7) Nhưng những kẻ ham vui trong lời tiên tri bắt đầu uống lu bù từ tảng sáng và kéo dài tới chiều! Họ hành động như thể Đức Chúa Trời không hiện hữu, như thể Ngài không bắt họ chịu trách nhiệm về hành động của mình. Ê-sai tiên đoán một tương lai đen tối cho những người như thế. “Dân ta phải bắt làm phu-tù, vì không hiểu-biết; kẻ sang nó chịu đói, chúng dân nó chịu khát”. (Ê-sai 5:13) Vì không chịu hành động theo sự hiểu biết thật, dân trong giao ước của Đức Chúa Trời—người tôn trọng cũng như thấp hèn—sẽ đi xuống âm phủ.—Đọc Ê-sai 5:14-17.

23, 24. Các tín đồ Đấng Christ cần phải biểu lộ sự kiềm chế và có chừng mực như thế nào?

23 “Say sưa” hay “tiệc-tùng liên-miên” cũng là một vấn đề của một số tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất. (Ga-la-ti 5:21, Ghi-đê-ôn; 2 Phi-e-rơ 2:13) Bởi thế không lấy làm ngạc nhiên khi ngày nay một số tín đồ đã dâng mình tỏ ra thiếu suy xét về việc hội họp vui chơi. Việc uống rượu vô độ đã khiến một số người trở nên ồn ào và la lối. (Châm-ngôn 20:1) Thậm chí có những người hành động vô luân vì quá chén, và một số cuộc họp mặt kéo dài hầu như suốt đêm, gây trở ngại cho các hoạt động của đạo Đấng Christ vào ngày hôm sau.

24 Tuy nhiên, tín đồ Đấng Christ thăng bằng sẽ sanh ra bông trái làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, biết kiềm chế và có chừng mực trong việc lựa chọn giải trí. Họ vâng theo lời khuyên của sứ đồ Phao-lô nơi Rô-ma 13:13 như sau: “Hãy bước đi cách hẳn-hoi như giữa ban ngày. Chớ nộp mình vào sự quá-độ và say-sưa”.

Ghét tội lỗi và yêu lẽ thật

25, 26. Trong lời rủa sả thứ ba và thứ tư, Ê-sai phơi bày lối suy nghĩ gian ác nào của dân Y-sơ-ra-ên?

25 Bây giờ, hãy nghe Ê-sai rao lời rủa sả thứ ba và thứ tư: “Khốn thay cho kẻ lấy sự dối-trá làm dây kéo sự gian-ác theo sau, và như dùng đỏi xe kéo tội-lỗi; họ nói: Xin vội-vã kíp làm nên công-việc Ngài, hầu cho chúng tôi thấy! Nguyền xin mưu của Đấng Thánh Y-sơ-ra-ên hãy lại gần, hãy tới đến, cho chúng tôi được biết! Khốn thay cho kẻ gọi dữ là lành, gọi lành là dữ; lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối; vật chi cay trở cho là ngọt, vật chi ngọt trở cho là cay!”—Ê-sai 5:18-20.

26 Đây quả là một bức tranh sống động mô tả những kẻ thực hành tội lỗi! Họ bị buộc vào tội lỗi như súc vật kéo xe bị buộc vào xe vậy. Những kẻ phạm tội này không sợ ngày đoán phạt sắp tới. Họ nhạo báng: “Xin vội vã kíp làm nên công việc Ngài!” Thay vì tùng phục Luật Pháp của Đức Chúa Trời, họ bóp méo sự việc, “gọi dữ là lành, gọi lành là dữ”.—So sánh Giê-rê-mi 6:15; 2 Phi-e-rơ 3:3-7.

27. Tín đồ Đấng Christ ngày nay có thể tránh lối suy nghĩ của dân Y-sơ-ra-ên như thế nào?

27 Tín đồ Đấng Christ ngày nay phải tránh một thái độ như thế bằng mọi giá. Chẳng hạn, họ từ chối chấp nhận quan điểm của thế gian cho tà dâm và đồng tính luyến ái là không sao. (Ê-phê-sô 4:18, 19) Thật vậy, một tín đồ Đấng Christ có thể vì lầm lỗi mà phạm tội nặng. (Ga-la-ti 6:1) Các trưởng lão trong hội thánh sẵn sàng giúp đỡ những người sa ngã cần sự hỗ trợ. (Gia-cơ 5:14, 15) Nhờ sự cầu nguyện và lời khuyên dựa trên Kinh Thánh, người ấy có thể được hồi phục về thiêng liêng. Nếu không, có nguy cơ trở thành “tôi-mọi của tội-lỗi”. (Giăng 8:34) Thay vì chế nhạo Đức Chúa Trời và đánh mất sự nhận thức về ngày phán xét sắp đến, tín đồ Đấng Christ cố gắng giữ để “không dấu-vít, chẳng chỗ trách được” trước mặt Đức Giê-hô-va.—2 Phi-e-rơ 3:14; Ga-la-ti 6:7, 8.

28. Tội nào bị lên án trong lời rủa sả cuối cùng của Ê-sai, và tín đồ Đấng Christ ngày nay có thể tránh tội đó như thế nào?

28 Ê-sai rao thêm lời rủa sả cuối cùng này một cách thích hợp: “Khốn thay cho kẻ chính mắt mình coi mình là khôn-ngoan, tự mình xét-đoán mình là thông-sáng! Khốn thay cho kẻ mạnh uống rượu, có sức-lực đặng pha các thức uống hay say; vì hối-lộ mà xưng kẻ có tội là công-bình, và cướp lấy sự công-bình của người nghĩa!” (Ê-sai 5:21-23) Những lời này hình như được nói cho những người đang làm quan xét trong xứ. Các trưởng lão trong hội thánh ngày nay cần tránh ‘khôn-ngoan theo mắt mình’. Họ nên khiêm nhường chấp nhận lời khuyên từ các trưởng lão khác và theo sát sự hướng dẫn của tổ chức. (Châm-ngôn 1:5; 1 Cô-rinh-tô 14:33) Họ chừng mực trong việc dùng rượu, không bao giờ uống rượu trước khi thi hành các trách nhiệm đối với hội thánh. (Ô-sê 4:11) Các trưởng lão cũng cần tránh tỏ ra thiên vị, ngay cả bề ngoài. (Gia-cơ 2:9) Thật là khác hẳn với hàng giáo phẩm của các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ! Một số thuộc hàng ngũ này đã bao che những kẻ phạm tội giàu có và có thế lực trong đám giáo dân của họ, trái hẳn với lời cảnh cáo của sứ đồ Phao-lô ở Rô-ma 1:18, 26, 27; 1 Cô-rinh-tô 6:9, 10; và Ê-phê-sô 5:3-5.

29. Sự cuối cùng đầy khốn khổ nào dành cho vườn nho là nước Y-sơ-ra-ên của Đức Giê-hô-va?

29 Ê-sai kết thúc thông điệp mang ý nghĩa tiên tri này bằng cách diễn tả một sự cuối cùng đầy khốn khổ dành cho những kẻ “đã bỏ luật-pháp của Đức Giê-hô-va” không sanh ra trái công bình. (Ê-sai 5:24, 25; Ô-sê 9:16; Ma-la-chi 4:1) Ông tuyên bố: [Đức Giê-hô-va] phất cờ ra hiệu cho một nước từ phương xa lại. Người huýt gọi nó từ mút cùng mặt đất, và này chúng vội đến lanh chai”.—Ê-sai 5:26, Nguyễn Thế Thuấn; Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:49; Giê-rê-mi 5:15.

30. Ai sẽ tập hợp “một nước” nghịch lại dân sự của Đức Giê-hô-va, và kết quả là gì?

30 Vào thời xưa, một cây cột đóng trên một khu đất cao được dùng làm ‘một dấu hiệu’ hay một địa điểm tập họp dân sự hoặc quân đội. (So sánh Ê-sai 18:3; Giê-rê-mi 51:27). Bây giờ chính Đức Giê-hô-va sẽ tập họp “một nước” vô danh để thi hành sự phán xét của Ngài. * Ngài sẽ “huýt gọi nó”, nghĩa là làm cho nước này chú ý đến dân sự ương ngạnh của Ngài như một đối tượng đáng để chinh phục. Kế đó, nhà tiên tri mô tả sự tấn công mau lẹ và khủng khiếp của những người chinh phục mạnh như sư tử này. Họ sẽ “bắt mồi”, tức bắt dân của Đức Chúa Trời, và “đem đi” làm phu tù. (Đọc Ê-sai 5:27-30a) Thật là một hậu quả buồn thảm cho xứ của dân tộc Đức Giê-hô-va! “Nếu người ta ngó vào xứ, chỉ thấy tối-tăm và khốn-nạn: sự sáng sẽ bị che tối bởi các chòm mây”.— Ê-sai 5:30b.

31. Làm thế nào các tín đồ thật của Đấng Christ có thể tránh được sự trừng phạt đã giáng trên vườn nho Y-sơ-ra-ên của Đức Giê-hô-va?

31 Đúng vậy, vườn nho mà Đức Chúa Trời rất yêu thương vun trồng đã chứng tỏ cằn cỗi không sanh trái—chỉ đáng phá đi mà thôi. Những lời của Ê-sai cung cấp một bài học thật đích đáng cho những ai phụng sự Đức Giê-hô-va ngày nay! Mong sao họ cố gắng sanh ra toàn trái công bình để Đức Giê-hô-va được khen ngợi và để chính họ được cứu rỗi!

[Chú thích]

^ đ. 4 Một vài học giả nghĩ rằng các lều hoặc chòi, được xây cất tạm thời và rẻ, thông dụng hơn nhiều so với các tháp bằng đá. (Ê-sai 1:8) Sự hiện hữu của một cái tháp cho thấy nỗ lực khác thường của chủ vườn dành cho “vườn nho” của ông.

^ đ. 30 Trong những lời tiên tri khác, Ê-sai cho thấy Ba-by-lôn là nước sẽ thi hành sự phán xét của Đức Giê-hô-va là hủy diệt nước Giu-đa.

[Câu hỏi]

[Hình nơi trang 83]

Một người phạm tội bị buộc vào tội lỗi như súc vật kéo xe bị buộc vào xe vậy

[Trang hình ảnh nơi trang 85]