Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Khốn thay cho kẻ phản nghịch!

Khốn thay cho kẻ phản nghịch!

Chương mười một

Khốn thay cho kẻ phản nghịch!

Ê-sai 9:7–10:4

1. Giê-rô-bô-am đã phạm lỗi lầm nghiêm trọng nào?

KHI dân tộc ở trong giao ước với Đức Giê-hô-va bị chia ra làm hai vương quốc thì mười chi phái thuộc vương quốc phía bắc nằm dưới sự cai trị của Giê-rô-bô-am. Vị vua mới này là một nhà cai trị có khả năng và đầy sinh lực. Nhưng ông lại thiếu đức tin thật nơi Đức Giê-hô-va. Vì điều này nên ông đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng gây ra hậu quả tai hại cho vương quốc phía bắc trong suốt dòng lịch sử. Theo Luật Pháp của Môi-se, dân Y-sơ-ra-ên được lệnh về đền thờ Giê-ru-sa-lem mỗi năm ba lần; nay thuộc vương quốc Giu-đa phía nam. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:16) Sợ rằng những cuộc hành trình thường xuyên như thế sẽ khiến dân chúng nghĩ đến việc hợp nhất lại với anh em phía nam của họ, Giê-rô-bô-am “làm hai con bò con bằng vàng, và nói với dân-sự rằng: Các ngươi đi lên Giê-ru-sa-lem thật khó thay! Hỡi Y-sơ-ra-ên! Nầy là các thần ngươi, đã đem ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Người đặt con nầy tại Bê-tên, và con kia tại Đan”.—1 Các Vua 12:28, 29.

2, 3. Lỗi lầm của Giê-rô-bô-am đã đưa lại những hậu quả nào cho nước Y-sơ-ra-ên?

2 Chỉ trong một thời gian ngắn, kế hoạch của Giê-rô-bô-am xem ra hữu hiệu. Dân chúng dần dần bỏ không lên Giê-ru-sa-lem nữa và bắt đầu thờ phượng hai bò con. (1 Các Vua 12:30) Tuy nhiên, thực hành bội đạo này đã làm hư hỏng vương quốc gồm mười chi phái. Trong những năm sau này, ngay cả Giê-hu, người từng tỏ lòng sốt sắng đáng khen trong việc tẩy sạch sự thờ phượng Ba-anh khỏi nước Y-sơ-ra-ên, cũng tiếp tục cúi lạy tượng bò vàng. (2 Các Vua 10:28, 29) Quyết định sai lầm đáng tiếc của Giê-rô-bô-am còn có hậu quả nào khác nữa? Sự bất ổn về chính trị và sự khổ đau cho dân chúng.

3 Vì Giê-rô-bô-am đã bội đạo, Đức Giê-hô-va nói rằng dòng dõi của ông sẽ không cai trị nước đó nữa, và cuối cùng vương quốc phía bắc sẽ phải lãnh một tai họa kinh hoàng. (1 Các Vua 14:14, 15) Lời của Đức Giê-hô-va đã thành sự thật. Trong số các vua của Y-sơ-ra-ên, có bảy vua cai trị hai năm hoặc ít hơn—một số chỉ được vài ngày. Một vua tự vẫn, và sáu vua bị những người có tham vọng tiếm ngôi ám sát. Đặc biệt sau triều đại Giê-rô-bô-am II, chấm dứt vào khoảng năm 804 TCN, trong lúc Ô-xia làm vua Giu-đa, nước Y-sơ-ra-ên rơi vào đủ thứ tai họa: hỗn loạn, bạo động và ám sát. Trong bối cảnh này, Đức Giê-hô-va, qua Ê-sai, cho rao một sự cảnh cáo hay một “lời” rõ ràng cho vương quốc phía bắc. “Chúa đã giáng một lời trong Gia-cốp, và lời ấy đổ xuống trên Y-sơ-ra-ên”.—Ê-sai 9:7. *

Kiêu căng và xấc xược khiến Đức Chúa Trời nổi giận

4. Đức Giê-hô-va nói “lời” nào nghịch lại Y-sơ-ra-ên, và tại sao?

4 Không ai có thể lờ đi “lời” của Đức Giê-hô-va. “Cả dân sẽ biết điều đó, tức là Ép-ra-im cùng dân-cư Sa-ma-ri, họ đem lòng kiêu-căng ỷ-thị [“xấc xược”, “NW”]”. (Ê-sai 9:8) “Gia-cốp”, “Y-sơ-ra-ên”, “Ép-ra-im” và “Sa-ma-ri”, tất cả đều ám chỉ vương quốc Y-sơ-ra-ên phía bắc mà Ép-ra-im là chi phái chính và Sa-ma-ri là thủ đô. Lời của Đức Giê-hô-va nghịch lại vương quốc này là một phán quyết mạnh mẽ bởi vì Ép-ra-im đã trở nên cứng lòng trong sự bội đạo và dám trâng tráo xấc xược với Đức Giê-hô-va. Đức Chúa Trời sẽ không che chở dân sự khỏi những hậu quả do đường lối gian ác của họ mang lại. Họ sẽ bị bắt buộc phải nghe hay là chú ý đến lời của Đức Chúa Trời.—Ga-la-ti 6:7.

5. Dân Y-sơ-ra-ên cho thấy họ trơ trơ trước các sự phán xét của Đức Giê-hô-va như thế nào?

5 Khi mà tình trạng trở nên đồi tệ, dân sự phải nếm mùi của sự mất mát trầm trọng gồm cả nhà cửa của họ—thường làm với gạch bằng bùn và gỗ thường. Phải chăng điều này khiến họ mềm lòng? Họ có nghe theo các tiên tri của Đức Giê-hô-va và trở về cùng Đức Chúa Trời thật không? * Ê-sai ghi lại sự đáp ứng xấc xược của dân sự: “Gạch đã đổ, nhưng chúng ta sẽ xây bằng đá đẽo; cây sung đã bị đốn, nhưng chúng ta sẽ thay bằng cây hương-bách”. (Ê-sai 9:9) Dân Y-sơ-ra-ên coi thường Đức Giê-hô-va và hắt hủi các tiên tri của Ngài, là những người nói cho họ biết tại sao họ bị khốn khổ như thế. Thật ra thì họ nói: ‘Chúng tôi có thể mất nhà xây bằng gạch bùn và gỗ thường, nhưng chúng tôi sẽ xây lại nhà tốt hơn bằng các vật liệu tốt hơn—đá đẽo và cây hương bách!’ (So sánh Gióp 4:19). Vì vậy Đức Giê-hô-va không còn cách nào khác hơn là trừng phạt họ thêm nữa.—So sánh Ê-sai 48:22.

6. Đức Giê-hô-va sẽ phá tan âm mưu của liên minh Sy-ri và Y-sơ-ra-ên nhằm chống lại Giu-đa như thế nào?

6 Ê-sai nói tiếp: “Đức Giê-hô-va sẽ khiến kẻ đối-địch ở Rê-xin dấy lên nghịch cùng dân-sự”. (Ê-sai 9:10a) Vua Phê-ca của Y-sơ-ra-ên và Vua Rê-xin của Sy-ri liên minh với nhau. Họ âm mưu xâm chiếm vương quốc Giu-đa gồm hai chi phái và đặt trên ngôi của Đức Giê-hô-va ở Giê-ru-sa-lem một vua bù nhìn—“con trai của Ta-bê-ên” nào đó. (Ê-sai 7:6) Nhưng âm mưu không thành. Rê-xin có kẻ thù hùng mạnh, và Đức Giê-hô-va sẽ “dấy” chúng lên nghịch cùng “dân-sự”, tức Y-sơ-ra-ên. Từ “dấy lên” có nghĩa là cho phép chúng tiến hành cuộc chiến hữu hiệu, phá tan liên minh và mục tiêu của chúng.

7, 8. Đối với Y-sơ-ra-ên, việc A-si-ri xâm lăng Sy-ri đưa lại hậu quả nào?

7 Liên minh này bắt đầu tan rã khi A-si-ri tấn công Sy-ri. “Vua A-si-ri... đi lên hãm-đánh Đa-mách [thủ đô Sy-ri] và chiếm lấy, bắt đem dân-cư nó sang Ki-rơ, và giết Rê-xin”. (2 Các Vua 16:9) Bị mất đồng minh hùng mạnh, Phê-ca thấy mưu ác của mình về Giu-đa bị phá hỏng. Thật vậy, sau khi Rê-xin chết được ít lâu, chính Phê-ca bị Ô-sê ám sát và chiếm ngôi vua Sa-ma-ri sau đó.—2 Các Vua 15:23-25, 30.

8 Sy-ri, đồng minh trước đây của Y-sơ-ra-ên, bây giờ chỉ còn là nước chư hầu của A-si-ri, cường quốc bá chủ vùng này. Ê-sai tiên tri cách Đức Giê-hô-va sẽ dùng tình thế chính trị mới này: “Đức Giê-hô-va sẽ... khích chọc kẻ cừu-thù [của Y-sơ-ra-ên], dân Sy-ri đằng trước, dân Phi-li-tin đằng sau, hả miệng nuốt Y-sơ-ra-ên. Dầu vậy, cơn giận Ngài chẳng lánh khỏi, nhưng tay Ngài còn giơ ra!” (Ê-sai 9:10b, 11) Đúng vậy, Sy-ri bây giờ là kẻ thù của Y-sơ-ra-ên, và Y-sơ-ra-ên phải chuẩn bị đối phó với cuộc tấn công của A-si-ri Sy-ri. Cuộc xâm chiếm đó thành công. A-si-ri bắt Ô-sê, vốn là kẻ cướp ngôi vua, làm tôi mình và bắt triều cống nặng nề. (Trước đó vài thập kỷ, A-si-ri nhận được một món triều cống lớn của Mê-na-hem, vua Y-sơ-ra-ên). Lời của nhà tiên tri Ô-sê thật đúng: “Các dân ngoại đã nuốt sức-mạnh nó [Ép-ra-im]”!—Ô-sê 7:9; 2 Các Vua 15:19, 20; 17:1-3.

9. Tại sao chúng ta có thể nói quân Phi-li-tin tấn công từ phía “đằng sau”?

9 Chẳng phải Ê-sai cũng nói rằng dân Phi-li-tin sẽ xâm lăng từ “đằng sau” sao? Đúng vậy. Trước thời la bàn từ, người Hê-bơ-rơ dựa vào cái nhìn của một người hướng về phía mặt trời mọc để định phương hướng. Do đó, “đằng trước” tức là phương đông, trong khi “đằng sau” chỉ về phương tây, quê hương vùng biển của người Phi-li-tin. Trong trường hợp này, dân “Y-sơ-ra-ên” đề cập nơi Ê-sai 9:11 có thể bao gồm cả Giu-đa vì người Phi-li-tin thật sự đã xâm chiếm Giu-đa trong triều Vua A-cha, triều đại đồng thời với Vua Phê-ca. Họ đã chiếm được một số thành và đồn lũy của Giu-đa. Giống như Ép-ra-im phía bắc, nước Giu-đa đáng bị Đức Giê-hô-va trừng phạt vì nó đầy dẫy sự bội đạo.—2 Sử-ký 28:1-4, 18, 19.

Một nước bội nghịch từ ‘đầu tới đuôi’

10, 11. Vì cứ khăng khăng chống nghịch nên Đức Giê-hô-va sẽ giáng cho Y-sơ-ra-ên hình phạt nào?

10 Bất kể bao nhiêu khốn khổ họ phải chịu—và bất kể những lời công bố mạnh mẽ của các tiên tri của Đức Giê-hô-va—vương quốc phía bắc cứ khăng khăng chống nghịch Đức Giê-hô-va. “Dân-sự chẳng xây về Đấng đánh mình, chẳng tin Đức Giê-hô-va vạn-quân”. (Ê-sai 9:12) Do đó, nhà tiên tri nói: “Cho nên chỉ trong một ngày, Đức Giê-hô-va sẽ dứt đầu và đuôi, cây kè và cây lác của Y-sơ-ra-ên. Đầu, tức là trưởng-lão và kẻ tôn-trọng; đuôi, tức là người tiên-tri dạy sự nói dối. Những kẻ dắt dân nầy làm cho họ sai-lạc, còn những kẻ chịu dắt bị diệt-mất”.—Ê-sai 9:13-15.

11 “Đầu” và “cây kè” tượng trưng cho “trưởng-lão và kẻ tôn-trọng”—tức những người dẫn đầu trong nước. “Đuôi” và “cây lác” ám chỉ các tiên tri giả chỉ nói những lời làm vui tai người dẫn đầu của họ. Một học giả Kinh Thánh viết: “Các tiên tri giả được gọi là đuôi vì về đạo đức họ tồi tệ nhất trong dân chúng, và bởi vì họ là bầy tôi bợ đỡ và ủng hộ các vua chúa gian ác”. Giáo Sư Edward J. Young nói về những tiên tri giả này như sau: “Họ không phải là người lãnh đạo nhưng người lãnh đạo dẫn đến đâu thì họ theo đến đó; họ chỉ biết nịnh hót, bợ đỡ, như một cái đuôi vẫy của con chó”.—So sánh 2 Ti-mô-thê 4:3.

Ngay ‘người góa-bụa và trẻ mồ-côi’ cũng phản nghịch

12. Sự thối nát đã thâm nhập xã hội Y-sơ-ra-ên đến mức độ nào?

12 Đức Giê-hô-va là Đấng Tranh Đấu cho người góa bụa và trẻ mồ côi. (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:22, 23) Song, hãy nghe Ê-sai bây giờ nói: “Chúa chẳng đẹp lòng về bọn trai-trẻ của họ, và chẳng thương-xót đến kẻ mồ-côi góa-bụa chút nào; vì họ đều là khinh-lờn [“bội đạo”, “NW”], gian-ác, miệng nào cũng nói điều càn-dỡ. Dầu vậy, cơn giận Ngài chẳng lánh khỏi, nhưng tay Ngài còn giơ ra!” (Ê-sai 9:16) Sự bội đạo đã làm hư hỏng mọi tầng lớp xã hội gồm cả người góa bụa và trẻ mồ côi! Đức Giê-hô-va đã kiên nhẫn sai các tiên tri của Ngài đến, hy vọng là dân sự sẽ thay đổi đường lối của họ. Thí dụ, nhà tiên tri Ô-sê khẩn khoản: “Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy trở lại cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, vì ấy là tại tội-lỗi ngươi làm cho ngươi sa-ngã”. (Ô-sê 14:1) Đấng Tranh Đấu cho người góa bụa và trẻ mồ côi hẳn đau lòng biết bao khi phải thi hành sự phán xét nghịch lại cả họ nữa!

13. Chúng ta có thể học được gì từ tình trạng vào thời Ê-sai?

13 Như Ê-sai, chúng ta cũng đang sống trong những thời kỳ khó khăn trước ngày phán xét của Đức Giê-hô-va trên kẻ ác. (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Vậy thật là quan trọng cho các tín đồ thật của Đấng Christ, dù tình trạng cuộc sống thế nào, giữ trong sạch về thiêng liêng, đạo đức và tinh thần để duy trì ân huệ của Đức Chúa Trời. Mỗi người hãy tha thiết gìn giữ mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va. Chớ có ai đã thoát khỏi “Ba-by-lôn lớn” rồi, còn trở lại “dự phần tội-lỗi với nó”.—Khải-huyền 18:2, 4.

Sự thờ phượng giả đẻ ra bạo động

14, 15. (a) Sự thờ quỉ đưa đến những hậu quả nào? (b) Ê-sai tiên tri dân Y-sơ-ra-ên sẽ phải trải qua sự khốn khổ lâu dài nào?

14 Thật ra, thờ phượng giả là thờ các quỉ. (1 Cô-rinh-tô 10:20) Thời kỳ trước Nước Lụt cho thấy ảnh hưởng của quỉ dẫn đến bạo động. (Sáng-thế Ký 6:11, 12) Vậy không có gì ngạc nhiên khi dân Y-sơ-ra-ên trở thành bội đạo và bắt đầu thờ quỉ thì bạo động và gian ác tràn ngập xứ.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:17; Thi-thiên 106:35-38.

15 Bằng những lời tượng hình sống động, Ê-sai mô tả sự gian ác và bạo động lan tràn trong xứ Y-sơ-ra-ên như sau: “Sự hung-ác hừng lên như lửa thiêu-cháy gai-gốc và chà-chuôm, đốt các nơi rậm trong rừng, trụ khói cuộn lên. Đất bị thiêu-đốt bởi cơn giận của Đức Giê-hô-va vạn-quân, dân-sự trở nên mồi của lửa; chẳng ai thương-tiếc anh em mình. Có kẻ cướp bên hữu, mà vẫn cứ đói; có kẻ ăn bên tả, mà chẳng được no; ai nấy ăn thịt chính cánh tay mình. Ma-na-se nghịch cùng Ép-ra-im, Ép-ra-im nghịch cùng Ma-na-se, và cả hai đều nghịch cùng Giu-đa!... Dầu vậy, cơn giận của Đức Giê-hô-va chẳng lánh khỏi, nhưng tay Ngài còn giơ ra”.—Ê-sai 9:17-20.

16. Những lời nơi Ê-sai 9:17-20 được ứng nghiệm như thế nào?

16 Giống như ngọn lửa cháy lan từ bụi gai này sang bụi gai khác, sự bạo động lan tràn ngoài tầm kiểm soát và mau chóng lan tới “các nơi rậm trong rừng” khiến sự bạo động như một đám cháy rừng lớn. Hai nhà bình luận Kinh Thánh là ông Keil và ông Delitzsch mô tả mức độ bạo động như thể “sự tự hủy hoại bất nhân nhất trong một cuộc nội chiến hỗn loạn. Mất hết cảm xúc, họ cắn xé lẫn nhau mà vẫn không thỏa dạ”. Có thể là các chi phái Ép-ra-im và Ma-na-se được chừa ra ở đây vì hai chi phái này là đại diện chính cho vương quốc phía bắc và vì là con cháu của hai con của Giô-sép, họ là bà con gần nhất trong số mười chi phái. Tuy nhiên, bất kể điều này, họ chỉ ngưng tàn sát anh em mình khi đánh nhau với nước Giu-đa phía nam mà thôi.—2 Sử-ký 28:1-8.

Các quan án tham ô gặp quan án của mình

17, 18. Hệ thống luật pháp và hành chính của Y-sơ-ra-ên thối nát như thế nào?

17 Kế đó, Đức Giê-hô-va, bằng một cặp mắt của quan án, nhìn vào những quan án và các viên chức tham ô khác của Y-sơ-ra-ên. Những kẻ này lạm dụng quyền hành để bóc lột người thấp kém và khốn cùng đến xin họ xét xử công bình. Ê-sai nói: “Khốn thay cho những kẻ lập luật không công-bình, cho những kẻ chép lời trái lẽ, cất mất sự công-bình khỏi kẻ nghèo, cướp lẽ phải của kẻ khốn-khó trong dân ta, lấy kẻ góa-bụa làm miếng mồi, kẻ mồ-côi làm của cướp!”—Ê-sai 10:1, 2.

18 Luật Pháp của Đức Giê-hô-va cấm bất công dưới mọi hình thức: “Các ngươi chớ phạm sự bất-nghĩa trong việc xét-đoán, chớ thiên-vị người nghèo, chớ nể kẻ quyền-thế”. (Lê-vi Ký 19:15) Không đếm xỉa đến điều luật đó, các viên chức này tự đặt ra “luật không công-bình” để hợp pháp hóa điều mà rốt cuộc là sự ăn cắp tàn nhẫn nhất—tước lấy của cải ít oi của người góa bụa và trẻ mồ côi. Dĩ nhiên các thần giả của Y-sơ-ra-ên mù trước sự bất công này, nhưng Đức Giê-hô-va thì không. Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va giờ đây chú ý tới những quan án gian ác này.

19, 20. Tình trạng của các quan án Y-sơ-ra-ên tham nhũng sẽ thay đổi như thế nào, và điều gì sẽ xảy ra cho “sự vinh-hiển” của họ?

19 “Tới ngày thăm-phạt, khi họa-hoạn từ xa mà đến, các ngươi sẽ làm thể nào? Các ngươi trốn đến cùng ai để cầu cứu, và để sự vinh-hiển mình ở nơi nào? Chúng nó chỉ có khom lưng dưới những kẻ phu-tù, và ngã dưới những kẻ bị giết!” (Ê-sai 10:3, 4a) Người góa bụa và trẻ mồ côi không có quan án lương thiện để xin xét xử. Vậy thật là thích đáng để Đức Giê-hô-va nay hỏi các quan án nhũng lạm của Y-sơ-ra-ên họ sẽ quay về ai khi Ngài bắt họ phải khai trình. Đúng vậy, họ sắp sửa thấy rằng “sa vào tay Đức Chúa Trời hằng sống là sự đáng kinh-khiếp thay!”—Hê-bơ-rơ 10:31.

20 “Sự vinh-hiển” của những quan án gian ác này—tức là sự hãnh tiến, vinh dự, và quyền thế thuộc đời này mà sự giàu có và địa vị của họ mang lại—sẽ chẳng được bao lâu. Một số người trong bọn họ sẽ trở thành tù nhân chiến tranh, “khom lưng” hay là cúi mình, giữa các tù nhân khác, trong khi những kẻ còn lại sẽ bị giết; thây của họ bị các xác chết vì chiến tranh phủ lên trên. “Sự vinh-hiển” của họ, gồm cả của cải bất hợp pháp, sẽ bị kẻ thù cướp lấy.

21. Trước những hình phạt mà Y-sơ-ra-ên đã nhận lãnh, có phải Đức Giê-hô-va đã nguôi cơn giận?

21 Ê-sai kết thúc đoạn thơ cuối cùng này bằng một lời cảnh cáo quyết liệt: “Dầu vậy [dù xứ đã phải chịu bao tai ương], cơn giận của Chúa chẳng lánh khỏi, nhưng tay Ngài còn giơ ra”. (Ê-sai 10:4b) Vâng, Đức Giê-hô-va còn nhiều điều để nói với dân Y-sơ-ra-ên. Tay Đức Giê-hô-va giơ ra sẽ không rút lại cho đến khi Ngài giáng cho vương quốc phía bắc bội nghịch một đòn khốc liệt cuối cùng.

Chớ bao giờ trở thành nạn nhân của những người dối trá và lợi dụng

22. Chúng ta có thể học được bài học nào từ những gì đã xảy ra cho nước Y-sơ-ra-ên?

22 Lời của Đức Giê-hô-va qua Ê-sai giáng mạnh trên dân Y-sơ-ra-ên và “chẳng trở về luống-nhưng”. (Ê-sai 55:10, 11) Theo lịch sử, vương quốc Y-sơ-ra-ên phía bắc kết liễu một cách tang thương, và chúng ta có thể mường tượng ra sự đau khổ mà dân chúng phải chịu. Cũng vậy, lời của Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ ứng nghiệm trên hệ thống mọi sự này, đặc biệt trên các tôn giáo bội đạo tự xưng theo Đấng Christ. Vậy thật quan trọng để các tín đồ Đấng Christ không nghe những lời tuyên truyền dối trá và chống nghịch Đức Chúa Trời! Nhờ Lời Đức Chúa Trời, các chiến thuật xảo quyệt của Sa-tan từ lâu đã được phơi trần để chúng ta không bị thua cuộc như những người Y-sơ-ra-ên xưa đã thua. (2 Cô-rinh-tô 2:11) Mong tất cả chúng ta không bao giờ ngừng thờ phượng Đức Giê-hô-va bằng “tâm-thần và lẽ thật”. (Giăng 4:24) Nếu làm như vậy, cánh tay Ngài giơ ra không phải để đánh những người thờ phượng Ngài như đã đánh người Ép-ra-im bội nghịch; nhưng sẽ âu yếm ôm lấy họ, và Ngài sẽ giúp đỡ họ trên con đường đi đến sự sống đời đời ở địa đàng trên đất.—Gia-cơ 4:8.

[Chú thích]

^ đ. 3 Các câu Ê-sai 9:7–10:4 gồm bốn đoạn thơ (những phần của một đoạn văn theo vần điệu), mỗi đoạn kết thúc bằng điệp khúc cảnh cáo về điềm xấu: “Dầu vậy, cơn giận Ngài chẳng lánh khỏi, nhưng tay Ngài còn giơ ra”. (Ê-sai 9:11, 16, 20; 10:4) Kỹ thuật này có hiệu quả là nối các câu từ Ê-sai 9:7–10:4 lại thành một “chữ” ghép. (Ê-sai 9:7) Cũng cần lưu ý là “tay Ngài còn giơ ra” không phải để mời làm hòa nhưng để đoán phạt.—Ê-sai 9:12.

^ đ. 5 Các tiên tri của Đức Giê-hô-va ở vương quốc Y-sơ-ra-ên phía bắc gồm có Giê-hu (không phải Vua Giê-hu), Ê-li, Mi-chê, Ê-li-sê, Giô-na, Ô-đết, Ô-sê, A-mốt và Mi-chê.

[Câu hỏi]

[Hình nơi trang 139]

Sự gian ác và bạo động lan tràn khắp xứ Y-sơ-ra-ên giống như một đám cháy rừng

[Hình nơi trang 141]

Đức Giê-hô-va sẽ bắt những kẻ cướp bóc người khác phải khai trình