Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tay Đức Giê-hô-va trở nên mạnh

Tay Đức Giê-hô-va trở nên mạnh

Chương hai mươi mốt

Tay Đức Giê-hô-va trở nên mạnh

Ê-sai 25:1–27:13

1. Tại sao Ê-sai biết ơn Đức Giê-hô-va?

Ê-SAI yêu thương Đức Giê-hô-va sâu đậm và vui thích ca ngợi Ngài. Ông kêu lên: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là Đức Chúa Trời tôi! Tôi tôn-sùng Ngài, tôi ngợi-khen danh Ngài”. Điều gì giúp nhà tiên tri có lòng biết ơn sâu xa đối với Đấng Tạo Hóa của ông như thế? Một yếu tố chính là ông có sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va và các việc làm của Ngài. Những lời kế tiếp của Ê-sai tiết lộ sự hiểu biết này: “Vì Ngài đã làm những sự mới-lạ, là những mưu đã định từ xưa, cách thành-tín chân thật”. (Ê-sai 25:1) Giống Giô-suê sống trước ông, Ê-sai biết rằng Đức Giê-hô-va là thành tín, đáng tin cậy và mọi “mưu” của Ngài—tức những điều Ngài định làm—sẽ thành tựu.—Giô-suê 23:14.

2. Bây giờ Ê-sai công bố mưu nào của Đức Giê-hô-va, và đối tượng của mưu này có thể là gì?

2 Các mưu của Đức Giê-hô-va bao gồm những lời tuyên bố nghịch lại kẻ thù của Y-sơ-ra-ên. Bây giờ Ê-sai rao một trong những lời tuyên bố này: “Ngài đã làm cho thành trở nên gò-đống, thành bền-vững trở nên nơi đổ-nát. Đền-đài của dân ngoại chẳng phải là thành nữa, sẽ chẳng hề xây lại”. (Ê-sai 25:2) Thành không được nêu tên này là thành nào? Có thể Ê-sai ám chỉ A-rơ của Mô-áp—Mô-áp vốn thù nghịch từ xa xưa với dân sự Đức Chúa Trời. * Hoặc có lẽ ông ám chỉ một thành khác bền vững hơn—tức Ba-by-lôn.—Ê-sai 15:1; Sô-phô-ni 2:8, 9.

3. Kẻ thù của Đức Giê-hô-va tôn vinh Ngài bằng cách nào?

3 Kẻ thù của Đức Giê-hô-va sẽ phản ứng thế nào khi mưu của Ngài nghịch lại thành bền vững của họ thành tựu? “Vậy nên một dân cường-thạnh sẽ tôn-vinh Ngài; thành của các dân-tộc đáng kinh-hãi sẽ kính-sợ Ngài”. (Ê-sai 25:3) Việc kẻ thù của Đức Chúa Trời Toàn Năng sợ Ngài là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, chúng sẽ tôn vinh Ngài bằng cách nào? Phải chăng chúng sẽ từ bỏ thần giả và chấp nhận sự thờ phượng thật? Hoàn toàn không! Đúng hơn, giống như Pha-ra-ôn và Nê-bu-cát-nết-sa, chúng tôn vinh Đức Giê-hô-va khi buộc phải thừa nhận quyền năng ưu việt cao cả của Ngài.—Xuất Ê-díp-tô Ký 10:16, 17; 12:30-33; Đa-ni-ên 4:37.

4. “Thành của các dân-tộc đáng kinh-hãi” nào hiện hữu ngày nay, và thậm chí nó cũng phải tôn vinh Đức Giê-hô-va như thế nào?

4 Ngày nay, “thành của các dân-tộc đáng kinh-hãi” là “cái thành lớn hành quyền trên các vua ở thế-gian”, tức là “Ba-by-lôn Lớn”, đế quốc tôn giáo giả thế giới. (Khải-huyền 17:5, 18) Thành phần chủ yếu của đế quốc này là các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ. Các nhà lãnh đạo tôn giáo tự xưng này tôn vinh Đức Giê-hô-va như thế nào? Bằng cách phải cay đắng nhìn nhận những điều tuyệt diệu mà Ngài đã thực hiện vì các Nhân Chứng của Ngài. Đặc biệt vào năm 1919 khi Đức Giê-hô-va cho các tôi tớ của Ngài hoạt động sôi nổi trở lại sau khi được giải thoát khỏi sự cầm tù về thiêng liêng của Ba-by-lôn Lớn, các nhà lãnh đạo này “thất-kinh và ngợi-khen Đức Chúa Trời trên trời”.—Khải-huyền 11:13. *

5. Đức Giê-hô-va bảo vệ những người tin tưởng tuyệt đối nơi Ngài như thế nào?

5 Mặc dầu trước mắt kẻ thù, Đức Giê-hô-va đáng sợ, nhưng Ngài là nơi trú ẩn cho những người nhu mì và khiêm nhường muốn phụng sự Ngài. Các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị hà khắc có thể tìm mọi cách để phá đổ đức tin của những người thờ phượng thật nhưng chúng sẽ thất bại vì những người này có sự tin tưởng tuyệt đối nơi Đức Giê-hô-va. Cuối cùng, Ngài sẽ dễ dàng bịt miệng những kẻ chống đối Ngài, như thể Ngài che khuất mặt trời nóng bỏng nơi sa mạc bằng một cụm mây hoặc ngăn sức thổi của cơn bão bằng một bức tường.—Đọc Ê-sai 25:4, 5.

‘Một tiệc yến đồ béo cho mọi dân’

6, 7. (a) Đức Giê-hô-va đãi loại tiệc nào và đãi ai? (b) Bữa tiệc Ê-sai tiên tri là hình bóng cho điều gì?

6 Giống như một người cha yêu thương, Đức Giê-hô-va không những bảo vệ mà còn nuôi dưỡng con cái nữa, đặc biệt theo nghĩa thiêng liêng. Sau khi giải thoát dân Ngài vào năm 1919, Ngài dọn ra trước mặt họ một bữa tiệc chiến thắng, một sự cung cấp thức ăn thiêng liêng dồi dào: “Đức Giê-hô-va vạn-quân sẽ ban cho mọi dân-tộc, tại trên núi nầy, một tiệc yến đồ béo, một diên rượu ngon, đồ béo có tủy, rượu ngon lọc sạch”.—Ê-sai 25:6.

7 Bữa tiệc được đãi trên “núi” của Đức Giê-hô-va. Núi này là gì? Đó là “núi của nhà Đức Giê-hô-va” mà các dân tộc đổ về “trong những ngày sau-rốt”. Đó là “núi thánh” của Đức Giê-hô-va, nơi những người thờ phượng trung thành của Ngài không gây thiệt hại và không phá hoại. (Ê-sai 2:2; 11:9) Tại nơi thờ phượng cao cả này, Đức Giê-hô-va mở tiệc linh đình cho những người trung thành. Những điều tốt lành về thiêng liêng được cung cấp một cách dư thừa hiện nay là hình bóng cho những điều tốt lành về vật chất sẽ được cung cấp khi Nước của Đức Chúa Trời trở thành chính phủ duy nhất của nhân loại. Lúc đó sự đói khát sẽ không còn nữa. “Sẽ có dư-dật ngũ-cốc trên đất và trên đỉnh các núi”.—Thi-thiên 72:8, 16.

8, 9. (a) Hai kẻ thù lớn nhất nào của nhân loại sẽ bị loại trừ? Hãy giải thích. (b) Đức Chúa Trời sẽ làm gì để loại bỏ sự sỉ nhục khỏi dân Ngài?

8 Những ai nay đang dự tiệc thiêng liêng do Đức Chúa Trời cung cấp có những triển vọng huy hoàng. Hãy lắng nghe những lời kế tiếp của Ê-sai. So sánh tội lỗi và sự chết với một “cái màn” che phủ hoặc “đồ đắp” ngột ngạt, ông nói: “Tại trên núi nầy [Đức Giê-hô-va] sẽ trừ-diệt mặt của đồ đắp trên muôn dân, và cái màn che-phủ mọi dân-tộc. Ngài đã nuốt sự chết đến đời đời. Chúa Giê-hô-va sẽ lau nước mắt khỏi mọi mặt”.—Ê-sai 25:7, 8a.

9 Đúng vậy, sẽ không còn tội lỗi và sự chết! (Khải-huyền 21:3, 4) Ngoài ra, sự sỉ nhục mà các tôi tớ của Đức Giê-hô-va phải chịu đựng trong nhiều ngàn năm cũng sẽ không còn nữa. [Ngài] trừ-bỏ sự xấu-hổ của dân Ngài khỏi cả thế-gian; vì Đức Giê-hô-va đã phán vậy”. (Ê-sai 25:8b) Điều này sẽ xảy ra như thế nào? Đức Giê-hô-va sẽ loại trừ nguồn gốc của sự sỉ nhục đó, tức Sa-tan và dòng dõi của nó. (Khải-huyền 20:1-3) Không lạ gì khi dân sự Đức Chúa Trời sẽ hứng khởi reo lên: “Kìa, ấy là Đức Chúa Trời chúng ta; chúng ta đã mong-đợi Ngài, và Ngài sẽ cứu chúng ta. Ấy là Đức Giê-hô-va; chúng ta đã mong-đợi Ngài, chúng ta sẽ nức lòng mừng-rỡ và đồng vui về sự cứu-rỗi của Ngài!”—Ê-sai 25:9.

Người kiêu ngạo bị hạ xuống

10, 11. Đức Giê-hô-va sẽ đối xử nghiêm khắc như thế nào với Mô-áp?

10 Đức Giê-hô-va cứu dân Ngài là những người tỏ ra khiêm nhường. Tuy nhiên, nước láng giềng của Y-sơ-ra-ên là Mô-áp thì kiêu ngạo và Đức Giê-hô-va ghét sự kiêu ngạo. (Châm-ngôn 16:18) Do đó, Mô-áp phải bị hạ xuống. “Tay Đức Giê-hô-va sẽ đặt trên núi nầy; nhưng Mô-áp sẽ bị giày-đạp trong nơi nó, như rơm bị giày-đạp trong ao phân. Nó sẽ dang tay trong đó, như người lội-bơi dang tay ra để lội; nhưng Đức Giê-hô-va sẽ dằn sự kiêu-ngạo nó xuống, và cất bỏ mọi cơ-mưu của tay nó. Ngài sẽ hạ lũy cao của tường-thành ngươi xuống, đánh đổ, và ném xuống đất vào trong bụi-bặm”.—Ê-sai 25:10-12.

11 Tay Đức Giê-hô-va sẽ “đặt trên” núi thánh của Ngài để che chở. Tuy nhiên, Mô-áp kiêu ngạo kia bị đánh và bị giày đạp như trong “ao phân”. Vào thời Ê-sai, người ta giẫm rơm rạ trộn vào đống phân để dùng làm phân bón; vì thế Ê-sai nói trước việc Mô-áp bị hạ nhục bất kể những bức tường của nó có vẻ cao và vững chãi.

12. Tại sao Đức Giê-hô-va công bố sự đoán phạt riêng cho Mô-áp?

12 Tại sao Đức Giê-hô-va lại dành riêng mưu nghiêm khắc như thế cho Mô-áp? Dân Mô-áp là con cháu của Lót. Lót là cháu Áp-ra-ham và là một người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Do đó, họ không những là nước láng giềng của dân tộc trong giao ước với Đức Chúa Trời mà còn là họ hàng nữa. Bất chấp sự kiện này, họ đã thờ thần giả và biểu lộ một mối thù truyền kiếp đối với dân Y-sơ-ra-ên. Họ đáng lãnh hậu quả đó. Về phương diện này, Mô-áp giống như kẻ thù của các tôi tớ Đức Giê-hô-va ngày nay vậy. Mô-áp đặc biệt giống các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ, những người tự nhận là hậu thân của hội thánh tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất nhưng, như đã xem xét trước đây, chúng là thành phần chủ yếu của Ba-by-lôn Lớn.

Một bài ca cứu rỗi

13, 14. Dân sự Đức Chúa Trời ngày nay có “thành bền-vững” nào, và ai được phép vào đó?

13 Còn về dân sự Đức Chúa Trời thì sao? Hớn hở vì được Đức Giê-hô-va ban ân huệ và che chở nên họ cất tiếng hát. “Trong ngày đó, tại xứ Giu-đa, người ta sẽ hát bài nầy: Chúng ta có thành bền-vững! Chúa lấy sự cứu làm tường làm lũy! Hãy mở các cửa, cho dân công-bình trung-tín vào đó!” (Ê-sai 26:1, 2) Trong khi những lời này hiển nhiên đã ứng nghiệm một lần vào thời xưa, chúng cũng có một sự ứng nghiệm rõ ràng vào ngày nay nữa. “Dân công-bình” của Đức Giê-hô-va, dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, được ban cho một tổ chức mạnh mẽ giống như thành trì. Thật là một cớ để vui mừng và ca hát!

14 Loại người nào đi vào “thành” này? Bài ca cho câu trả lời: “Người nào để trí mình [“có xu hướng”, “NW”] nương-dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn-giữ người trong sự bình-yên trọn-vẹn, vì người nhờ-cậy Ngài. Hãy nhờ-cậy Đức Giê-hô-va đời đời, vì Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va, là vầng đá của các thời-đại!” (Ê-sai 26:3, 4) “Xu hướng” mà Đức Giê-hô-va chấp nhận là ước muốn vâng phục các nguyên tắc công bình của Ngài và tin cậy nơi Ngài, chứ không nơi hệ thống thương mại, chính trị và tôn giáo vụng về của thế gian này. “Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va” mới là Hòn Đá an toàn đáng tin cậy duy nhất. Những ai đặt tin tưởng hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va sẽ được Ngài che chở và được hưởng “sự bình-yên trọn-vẹn”.—Châm-ngôn 3:5, 6; Phi-líp 4:6, 7.

15. Ngày nay “thành cao-ngất” bị hạ bệ như thế nào, và “bàn chân kẻ nghèo-nàn thiếu-thốn” giày đạp nó theo cách nào?

15 Thật là khác biệt với những gì xảy ra cho kẻ thù của dân sự Đức Chúa Trời! “Ngài đã dằn những người ở nơi cao; đã phá đổ thành cao-ngất, hạ xuống tới đất, sa vào bụi-bặm, bị giày-đạp dưới chân, bị bàn chân kẻ nghèo-nàn thiếu-thốn bước lên trên và nghiền nát”. (Ê-sai 26:5, 6) Một lần nữa, nơi đây có lẽ Ê-sai ám chỉ một “thành cao-ngất” trong xứ Mô-áp, hoặc có thể ông muốn nói đến một thành khác nào đó, chẳng hạn như Ba-by-lôn, một thành hẳn cao ngạo. Dù là trường hợp nào, Đức Giê-hô-va đã lèo lái để đảo ngược tình trạng của “thành cao-ngất”, và những “kẻ nghèo-nàn thiếu-thốn” của Ngài sẽ giày đạp thành ấy. Ngày nay lời tiên tri này thật thích hợp với Ba-by-lôn Lớn, đặc biệt các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ. Vào năm 1919, “thành cao-ngất” này buộc phải thả dân sự của Đức Giê-hô-va—đó là sự sụp đổ nhục nhã—và đến phiên dân sự Ngài giày đạp kẻ từng bắt giam họ. (Khải-huyền 14:8) Bằng cách nào? Bằng cách công khai rao báo sự báo thù của Đức Giê-hô-va sắp đến trên y thị.—Khải-huyền 8:7-12; 9:14-19.

Ao ước sự công bình và “sự ghi-nhớ” của Đức Giê-hô-va

16. Ê-sai nêu gương tốt nào về lòng trung thành?

16 Sau bài ca chiến thắng này, Ê-sai cho thấy chiều sâu lòng trung thành của chính ông và phần thưởng vì phụng sự Đức Chúa Trời của sự công bình. (Đọc Ê-sai 26:7-9). Nhà tiên tri cung cấp một gương tốt về việc ‘trông-đợi nơi Đức Giê-hô-va’ và việc có một ước muốn sâu xa về “danh” “sự ghi-nhớ” của Đức Giê-hô-va. Sự ghi nhớ của Đức Giê-hô-va là gì? Xuất Ê-díp-tô Ký 3:15 nói: “GIÊ-HÔ-VA... là danh đời đời của ta, ấy sẽ là kỷ-niệm [“sự ghi nhớ”, NW] của ta trải qua các đời”. Ê-sai yêu quý danh của Đức Giê-hô-va và tất cả những gì danh ấy tiêu biểu, trong đó có các đường lối và tiêu chuẩn công bình của Ngài. Những ai vun trồng một tình yêu tương tự đối với Đức Giê-hô-va chắc chắn sẽ được Ngài ban phước.—Thi-thiên 5:8; 25:4, 5; 135:13; Ô-sê 12:5.

17. Kẻ ác sẽ không được những đặc ân nào?

17 Tuy nhiên, không phải mọi người đều yêu mến Đức Giê-hô-va và các tiêu chuẩn cao cả của Ngài. (Đọc Ê-sai 26:10). Kẻ ác, thậm chí khi được mời gọi, còn cố chấp khước từ học hỏi sự công bình để được vào “đất ngay-thẳng”, vùng đất mà các tôi tớ ngay thẳng về đạo đức và thiêng liêng của Đức Giê-hô-va trú ngụ. Hậu quả là những kẻ ác “không nhìn-xem uy-nghiêm của Đức Giê-hô-va”. Chúng sẽ không được sống để hưởng những ân phước tràn trề đổ trên nhân loại sau khi danh của Đức Giê-hô-va được nên thánh. Ngay cả trong thế giới mới, khi toàn thể trái đất thành “đất ngay-thẳng”, một số người có thể không đáp lại lòng yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va. Tên của những kẻ như thế sẽ không được viết vào sách sự sống.—Ê-sai 65:20; Khải-huyền 20:12, 15.

18. Vào thời Ê-sai, một số người tự làm cho mình mù như thế nào, và khi nào họ buộc phải “xem thấy” Đức Giê-hô-va?

18 “Hỡi Đức Giê-hô-va, tay Ngài đã giá lên, mà chúng nó chẳng xem thấy, song chúng nó sẽ thấy, và sẽ xấu-hổ bởi cớ lòng sốt-sắng Ngài tỏ ra vì dân mình. Lửa sẽ đốt-cháy kẻ thù-nghịch Ngài”. (Ê-sai 26:11) Vào thời Ê-sai, tay Đức Giê-hô-va đã giơ lên cao khi Ngài bảo vệ dân Ngài bằng cách hành động chống lại kẻ thù của họ. Nhưng phần lớn không nhận ra điều này. Những kẻ đó, tự làm cho mình mù về thiêng liêng, cuối cùng sẽ bị buộc phải “xem thấy” hay là thừa nhận Đức Giê-hô-va khi họ bị lửa nhiệt thành của Ngài đốt cháy. (Sô-phô-ni 1:18) Sau này Đức Chúa Trời nói với Ê-xê-chi-ên: “Chúng nó sẽ biết rằng ta là Đức Giê-hô-va”.—Ê-xê-chi-ên 38:23.

“Chúa sửa-phạt kẻ Ngài yêu”

19, 20. Tại sao Đức Giê-hô-va sửa phạt dân Ngài, và sửa phạt như thế nào, và sự sửa phạt này mang lại lợi ích cho ai?

19 Ê-sai biết là bất cứ sự bình an hay thịnh vượng nào mà dân sự ông được hưởng đều là nhờ phước lành của Đức Giê-hô-va. “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ lập sự bình-an cho chúng tôi; vì mọi điều chúng tôi làm, ấy là Ngài làm cho!” (Ê-sai 26:12) Bất kể điều này và cũng bất kể cơ hội được trở thành “một nước thầy tế-lễ, cùng một dân-tộc thánh” mà Đức Giê-hô-va đặt trước mặt họ, nước Giu-đa có một lịch sử thăng trầm. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6) Nhiều lần liên tiếp, dân nước này quay thờ các thần giả. Hậu quả là họ bị sửa phạt liên tiếp. Tuy nhiên, sự sửa phạt như thế là bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va thương yêu họ vì “Chúa sửa-phạt kẻ Ngài yêu”.—Hê-bơ-rơ 12:6.

20 Đức Giê-hô-va thường sửa phạt dân Ngài bằng cách để cho nước khác, tức các “chủ khác” thống trị họ. (Đọc Ê-sai 26:13). Vào năm 607 TCN, Ngài để cho Ba-by-lôn bắt họ đi làm phu tù. Điều này có lợi cho họ không? Sự đau khổ chính nó không đem lại lợi ích cho người đương cuộc. Tuy nhiên, nếu người bị đau khổ học được từ những gì xảy ra, ăn năn, và hết lòng với Đức Giê-hô-va, thì lúc ấy người đó được lợi ích. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:25-31) Có người Do Thái nào ăn năn theo ý Đức Chúa Trời không? Có! Ê-sai tiên tri: “Chúng tôi chỉ cậy một mình Ngài mà kêu-cầu danh Ngài”. Sau khi từ xứ phu tù trở về vào năm 537 TCN, người Do Thái vẫn cần sự sửa phạt về những tội khác, nhưng họ không bao giờ lại rơi vào bẫy thờ các thần bằng đá.

21. Điều gì sẽ xảy ra cho những kẻ áp bức dân sự Đức Chúa Trời?

21 Còn về những kẻ bắt giữ Giu-đa thì sao? “Họ... đã thành âm-hồn không dậy nữa: vì Ngài đã phạt và diệt họ, cho đến sự ghi-nhớ họ, Ngài cũng làm ra hư-không”. (Ê-sai 26:14) Ba-by-lôn sẽ phải khổ sở về những sự tàn bạo mà nó đã đối xử với dân riêng của Đức Giê-hô-va. Qua người Mê-đi và Phe-rơ-sơ, Đức Giê-hô-va sẽ lật đổ Ba-by-lôn kiêu ngạo và giải thoát dân bị lưu đày của Ngài. Thành lớn đó, thành Ba-by-lôn, sẽ trở nên bất lực như bị chết vậy. Cuối cùng, nó sẽ không còn hiện hữu nữa.

22. Thời nay dân sự Đức Chúa Trời được ban phước như thế nào?

22 Trong sự ứng nghiệm thời nay, số người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng còn sót lại, sau khi được sửa trị, được giải thoát khỏi Ba-by-lôn Lớn và phụng sự Đức Giê-hô-va trở lại vào năm 1919. Với sức sống mới, các tín đồ Đấng Christ được xức dầu hăng hái rao giảng. (Ma-thi-ơ 24:14) Vì vậy, Đức Giê-hô-va đã ban phước cho họ với sự gia tăng, thậm chí đem một đám đông các “chiên khác” đến phụng sự cùng với họ. (Giăng 10:16) “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã thêm dân nầy lên, phải, Ngài đã thêm dân nầy lên. Ngài đã được vinh-hiển, đã mở-mang bờ-cõi đất nầy. Hỡi Đức Giê-hô-va, họ đã tìm-kiếm Ngài trong lúc ngặt-nghèo, kêu-cầu Ngài khi Ngài sửa-phạt họ”.—Ê-sai 26:15, 16.

“Họ sẽ chỗi-dậy”

23. (a) Quyền lực của Đức Giê-hô-va được biểu dương một cách đáng chú ý như thế nào vào năm 537 TCN? (b) Sự biểu dương tương tự nào xảy ra vào năm 1919 CN?

23 Ê-sai trở lại tình trạng mà dân Giu-đa đang đối diện trong khi vẫn còn bị lưu đày ở Ba-by-lôn. Ông so sánh dân tộc này với một người đàn bà đang sinh nở nếu không có người giúp thì không thể sinh được. (Đọc Ê-sai 26:17, 18). Sự giúp đỡ đó đến vào năm 537 TCN, và dân của Đức Giê-hô-va trở về quê hương, háo hức xây lại đền thờ và tái lập sự thờ phượng thật. Có thể nói là dân tộc này từ chết sống lại. “Những kẻ chết của Ngài sẽ sống, những xác chết của tôi đều chỗi-dậy! Hỡi kẻ ở trong bụi-đất, hãy thức dậy, hãy hát! Vì hột móc của Ngài như hột móc lúc hừng-đông, đất sẽ buông các âm-hồn ra khỏi”. (Ê-sai 26:19) Thật là một sự biểu dương quyền lực của Đức Giê-hô-va! Hơn nữa, sự biểu dương quyền lực của Ngài thật vĩ đại biết bao khi những lời này được ứng nghiệm theo nghĩa thiêng liêng vào năm 1919! (Khải-huyền 11:7-11) Chúng ta trông chờ thời kỳ những lời này được ứng nghiệm theo nghĩa đen trong thế giới mới và những ai bất lực trong sự chết ‘nghe tiếng của Chúa Giê-su và ra khỏi’ mồ tưởng niệm!—Giăng 5:28, 29.

24, 25. (a) Người Do Thái vào năm 539 TCN có thể đã vâng lệnh của Đức Giê-hô-va là ẩn mình đi như thế nào? (b) Thời nay “buồng” có thể chỉ về gì, và chúng ta phải vun trồng thái độ nào đối với những “buồng” này?

24 Tuy nhiên, nếu muốn được hưởng ân phước thiêng liêng mà Đức Chúa Trời hứa qua Ê-sai, những người trung thành phải vâng theo mạng lệnh của Đức Giê-hô-va: “Hỡi dân ta, hãy đến vào buồng và đóng cửa lại. Hãy ẩn mình một lát, cho đến chừng nào cơn giận đã qua. Vì nầy, Đức Giê-hô-va ra từ nơi Ngài, đặng phạt dân-cư trên đất vì tội-ác họ. Bấy giờ đất sẽ tỏ-bày huyết nó ra, và không che-đậy những kẻ đã bị giết nữa”. (Ê-sai 26:20, 21; so sánh Sô-phô-ni 1:14). Câu này có thể đã ứng nghiệm tiên khởi khi người Mê-đi và Phe-rơ-sơ, do Vua Si-ru thống lãnh, chinh phục Ba-by-lôn vào năm 539 TCN. Theo sử gia Xenophon người Hy Lạp thì khi Si-ru tiến vào Ba-by-lôn, ông ra lệnh cho mọi người phải ở trong nhà vì kỵ binh của ông được “lệnh giết bất cứ ai họ gặp ngoài cửa”. Ngày nay, “buồng” trong lời tiên tri này có thể liên hệ mật thiết với hàng chục ngàn hội thánh của dân sự Đức Giê-hô-va trên khắp thế giới. Những hội thánh này tiếp tục đóng một vai trò chủ yếu trong đời sống của chúng ta, thậm chí qua cả “cơn đại-nạn” nữa. (Khải-huyền 7:14) Thật là cần thiết để chúng ta duy trì một thái độ lành mạnh đối với hội thánh và thường xuyên kết hợp với hội thánh!—Hê-bơ-rơ 10:24, 25.

25 Chẳng bao lâu nữa thế giới của Sa-tan sẽ tới chỗ chấm dứt. Chúng ta chưa biết Đức Giê-hô-va sẽ bảo vệ dân Ngài như thế nào trong thời kỳ đáng sợ ấy. (Sô-phô-ni 2:3) Tuy nhiên, chúng ta biết chắc là sự sống còn sẽ tùy thuộc vào đức tin của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va cũng như lòng trung thành và vâng phục của chúng ta đối với Ngài.

26. “Lê-vi-a-than” là gì vào thời Ê-sai và thời chúng ta, và điều gì xảy ra cho “con vật lớn dưới biển”?

26 Hướng tới thời điểm đó, Ê-sai tiên tri: “Trong ngày đó, Đức Giê-hô-va sẽ dùng gươm cứng, lớn, và mạnh mà phạt lê-vi-a-than, là con rắn lẹ-làng, phạt lê-vi-a-than, là con rắn cong-queo; và Ngài sẽ giết con vật lớn dưới biển”. (Ê-sai 27:1) Trong sự ứng nghiệm tiên khởi, “lê-vi-a-than” ám chỉ các nước trong đó dân Y-sơ-ra-ên bị tan lạc cư ngụ, chẳng hạn như Ba-by-lôn, Ê-díp-tô và A-si-ri. Những nước này không thể ngăn cản được sự hồi hương của dân sự Đức Giê-hô-va vào thời điểm thích hợp. Vậy ai là lê-vi-a-than tân thời? Dường như là Sa-tan—“con rắn xưa”—và hệ thống gian ác của hắn trên đất, công cụ hắn dùng để tranh chiến chống lại dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng. (Khải-huyền 12:9, 10; 13:14, 16, 17; 18:24) Vào năm 1919, “Lê-vi-a-than” không còn giam giữ được dân sự Đức Chúa Trời, và chẳng bao lâu nữa hắn sẽ hoàn toàn biến mất khi Đức Giê-hô-va “giết con vật lớn dưới biển”. Trong khi chờ đợi, “Lê-vi-a-than” có thể cố gắng hành động chống lại dân sự Đức Giê-hô-va, nhưng hắn sẽ không thật sự thành công.—Ê-sai 54:17.

“Vườn nho sanh ra rượu nho”

27, 28. (a) Vườn nho của Đức Giê-hô-va đã làm đầy mặt đất với những gì? (b) Đức Giê-hô-va bảo vệ vườn nho của Ngài như thế nào?

27 Với một bài hát khác, bây giờ Ê-sai minh họa tuyệt đẹp bông trái tốt mà dân sự được Đức Giê-hô-va giải phóng sinh ra: “Trong ngày đó, các ngươi khá hát bài nói về vườn nho sanh ra rượu nho! Ấy chính ta, Đức Giê-hô-va, là Đấng giữ nó, sẽ chốc chốc tưới nó, và giữ nó đêm ngày, kẻo người ta phá-hại chăng”. (Ê-sai 27:2, 3) Số người còn sót lại trong dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng và những bạn cần mẫn của họ thật sự đã sanh ra sản vật về thiêng liêng đầy khắp đất. Thật là một cớ để ăn mừng—để ca hát! Mọi công trạng đều qui cho Đức Giê-hô-va, Đấng yêu thương chăm sóc vườn nho của Ngài.—So sánh Giăng 15:1-8.

28 Thật vậy, cơn giận trước đây của Đức Giê-hô-va được thay thế bằng niềm vui mừng! “Ta chẳng căm-giận. Mặc ai đem chà-chuôm gai-gốc mà chống-cự cùng ta! Ta sẽ đi đánh chúng nó, đốt chung làm một. Chẳng gì bằng nhờ sức ta, làm hòa với ta, phải, hãy làm hòa với ta!” (Ê-sai 27:4, 5) Để bảo đảm vườn nho của Ngài tiếp tục sanh dư thừa “rượu nho”, Đức Giê-hô-va sẽ bẻ đi và đốt đi, như bằng lửa, mọi ảnh hưởng giống như cỏ lùng có thể làm hư hại vườn nho của Ngài. Do đó, chớ có ai gây ra nguy hại cho sự an toàn của hội thánh tín đồ Đấng Christ! Thay vì thế, tất cả chúng ta hãy ‘nhờ sức của Đức Giê-hô-va’, tìm kiếm ân huệ và sự bảo vệ của Ngài. Khi làm thế, chúng ta làm hòa với Đức Chúa Trời—một điều quan trọng đến độ Ê-sai nhắc đến hai lần. Kết quả là gì? “Sau nầy, Gia-cốp đâm rễ, Y-sơ-ra-ên kết nụ và nở hoa, chắc sẽ ra trái đầy trên mặt đất”. (Ê-sai 27:6) * Sự ứng nghiệm của câu này quả là một bằng chứng hùng hồn về quyền lực của Đức Giê-hô-va! Kể từ năm 1919, các tín đồ Đấng Christ được xức dầu đã “ra trái” đầy mặt đất nhờ thức ăn bổ dưỡng về thiêng liêng. Kết quả là họ được hàng triệu các chiên khác trung thành đến kết hợp, cùng với họ “ngày đêm hầu việc [Đức Chúa Trời]”. (Khải-huyền 7:15) Giữa một thế gian đồi trụy, những người này vui mừng giữ vững các tiêu chuẩn cao cả của Ngài. Và Đức Giê-hô-va tiếp tục ban phước cho họ với sự gia tăng. Mong sao chúng ta đừng bao giờ quên đi đặc ân lớn lao được tham dự vào việc “ra trái” và chia sẻ điều này với người khác qua tiếng ca ngợi vang dội của chính chúng ta!

[Chú thích]

^ đ. 2 Có lẽ tên A-rơ nghĩa là “Thành”.

^ đ. 4 Xin xem sách Revelation—Its Grand Climax At Hand!, trang 170.

^ đ. 28 Ê-sai 27:7-13 được thảo luận trong khung nơi  trang 285.

[Câu hỏi]

[Khung nơi trang 285]

 “Kèn lớn” báo tin giải phóng

Vào năm 607 TCN, Giu-đa đau đớn thêm khi Đức Giê-hô-va trừng phạt dân tộc ương ngạnh này bằng roi của phu tù. (Đọc Ê-sai 27:7-11, “NW”). Tội lỗi của dân sự quá nặng không thể chuộc với của-lễ bằng thú vật được. Vì thế, như thể một người có thể làm cho đàn chiên hay dê tan tác bằng “một tiếng la kinh khiếp” hay có thể “đùa” lá bay tứ tung bằng cơn gió mạnh, Đức Giê-hô-va tống khứ dân Ngài khỏi quê hương họ. Sau đó, thậm chí những người dân yếu đuối, tượng trưng bằng đàn bà, có thể khai thác những gì còn lại trong xứ.

Tuy nhiên, đến lúc để Đức Giê-hô-va giải phóng dân Ngài khỏi cảnh lưu đày. Ngài giải thoát họ giống như người nông phu có thể giải phóng những trái ô-li-ve, nói theo nghĩa bóng, bị cầm tù trên cây. “Xảy ra trong ngày đó, Đức Giê-hô-va sẽ lung-lay từ lòng Sông cái [Ơ-phơ-rát] cho đến khe Ê-díp-tô; hỡi con-cái Y-sơ-ra-ên, các ngươi đều sẽ bị lượm từng người một! Trong ngày đó, kèn lớn sẽ thổi lên. Bấy giờ những kẻ bị thất-lạc trong xứ A-si-ri, và những kẻ bị đày trong đất Ê-díp-tô, sẽ đến thờ-lạy trước mặt Đức Giê-hô-va, trên hòn núi thánh, tại Giê-ru-sa-lem”. (Ê-sai 27:12, 13) Tiếp theo chiến thắng năm 539 TCN, Si-ru ra chiếu chỉ giải phóng tất cả người Do Thái trong đế quốc của ông, gồm cả những người ở A-si-ri và Ê-díp-tô nữa. (E-xơ-ra 1:1-4) Đây như thể “kèn lớn” thổi lên, dội vang bài ca tự do cho dân sự Đức Chúa Trời.

[Hình nơi trang 275]

“Một tiệc yến đồ béo”

[Hình nơi trang 277]

Ba-by-lôn bị bàn chân của những người từng là phu tù của nó giày đạp

[Hình nơi trang 278]

“Hãy đến vào buồng”