Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tin nơi sự hướng dẫn và che chở của Đức Giê-hô-va

Tin nơi sự hướng dẫn và che chở của Đức Giê-hô-va

Chương mười sáu

Tin nơi sự hướng dẫn và che chở của Đức Giê-hô-va

Ê-sai 20:1-6

1, 2. Dân sự của Đức Giê-hô-va phải đối diện với sự nguy hiểm nào vào thế kỷ thứ tám TCN, và nhiều người trong số họ có khuynh hướng quay về ai để được bảo vệ?

NHƯ chúng ta đã thấy trong các chương trước trong sách này, dân sự Đức Chúa Trời phải đối diện với một sự đe dọa hãi hùng vào thế kỷ thứ tám TCN. Người A-si-ri khát máu đang tàn phá hết nước này đến nước khác, và việc họ tấn công vương quốc Giu-đa phía nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Dân trong xứ quay về ai để được bảo vệ? Họ có mối quan hệ giao ước với Đức Giê-hô-va và nên trông cậy Ngài giúp đỡ. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6) Đó là điều Vua Đa-vít đã làm. Ông xác nhận: “Đức Giê-hô-va là hòn đá và đồn-lũy tôi, Đấng giải cứu tôi”. (2 Sa-mu-ên 22:2) Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy nhiều người vào thế kỷ thứ tám TCN không đặt tin cậy nơi Đức Giê-hô-va là đồn lũy của họ. Họ nghiêng về việc nhờ cậy Ê-díp-tô và Ê-thi-ô-bi hơn, hy vọng là hai nước này sẽ là nguồn bảo vệ chống lại sự đe dọa xâm lăng của A-si-ri. Họ đã sai lầm.

2 Qua nhà tiên tri của Ngài là Ê-sai, Đức Giê-hô-va cảnh cáo là việc tìm sự nương náu nơi Ê-díp-tô hay nơi Ê-thi-ô-bi sẽ đưa đến thảm họa. Những lời được soi dẫn của nhà tiên tri cung cấp cho những người vào thời ông cũng như cho chúng ta một bài học hữu ích về tầm quan trọng của việc tin cậy Đức Giê-hô-va.

Một nước làm đổ máu

3. Hãy miêu tả việc A-si-ri đặt nặng sức mạnh quân sự như thế nào.

3 A-si-ri nổi tiếng về sức mạnh quân sự. Sách Ancient Cities ghi nhận: “Họ tôn thờ sức mạnh, và chỉ cầu nguyện với các tượng đá khổng lồ hình sư tử, bò đực có chân chắc nịch, cánh chim ưng, và đầu người tượng trưng cho sức mạnh, can đảm và chiến thắng. Tranh chiến là công việc của nhà nước, và các thầy tế lễ không ngớt xúi giục chiến tranh”. Nhà tiên tri trong Kinh Thánh là Na-hum có lý do chính đáng để mô tả Ni-ni-ve, thủ đô của A-si-ri, là “thành đổ máu”.—Na-hum 3:1.

4. A-si-ri rải ra sự sợ hãi nơi lòng của các nước khác như thế nào?

4 Chiến thuật của A-si-ri tàn bạo hiếm có. Những hình chạm nổi vào thời ấy cho thấy các chiến sĩ A-si-ri giải tù binh đi bằng những cái móc xiên qua mũi hoặc môi. Họ dùng cây giáo đâm mù mắt một số tù binh. Một bản khắc nói về một cuộc chinh phục, trong đó quân đội A-si-ri phân thây tù binh họ bắt được và chất thành hai đống bên ngoài thành—một đống toàn là đầu, và đống kia toàn là tay chân. Còn trẻ con bắt được thì họ thiêu bằng lửa. Các hành động tàn bạo như thế gây ra sự sợ hãi khiến A-si-ri có lợi về quân sự vì làm nản lòng đối phương, không dám chống lại quân đội của họ.

Tranh chiến với Ách-đốt

5. Trong thời Ê-sai, một vị vua hùng mạnh của A-si-ri là vua nào, và sự tường thuật của Kinh Thánh về ông xác thực như thế nào?

5 Vào thời Ê-sai, sức mạnh của Đế Quốc A-si-ri dưới triều Vua Sa-gôn đạt đến tầm mức chưa từng có. * Trong nhiều năm, những nhà phê bình nghi ngờ về sự hiện hữu của vị vua này, khi họ thấy không có tài liệu ngoài đời nào nói đến ông. Tuy nhiên, với thời gian, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được dinh thự đổ nát của Sa-gôn, và chứng minh sự tường thuật trong Kinh Thánh là xác thực.

6, 7. (a) Rất có thể vì lý do nào Sa-gôn ra lệnh tấn công Ách-đốt? (b) Sự sụp đổ của Ách-đốt ảnh hưởng thế nào đến các nước láng giềng của Phi-li-tin?

6 Ê-sai miêu tả vắn tắt một trong các chiến dịch quân sự của Sa-gôn như sau: “Sa-gôn, vua A-si-ri, sai Ta-tân đến Ách-đốt, vây thành và chiếm lấy”. (Ê-sai 20:1) * Tại sao Sa-gôn lại ra lệnh tấn công thành Ách-đốt của Phi-li-tin? Một lý do là Phi-li-tin đồng minh với Ê-díp-tô và Ách-đốt là nơi có đền thờ thần Đa-gôn, tọa lạc trên con đường dọc theo bờ biển từ Ê-díp-tô qua Pha-lê-tin. Do đó, thành này ở vào địa điểm chiến lược. Chiếm được thành này có thể coi như là bước tiên khởi để chinh phục Ê-díp-tô. Ngoài ra, theo lịch sử của A-si-ri thì Azuri, vua của Ách-đốt, đang có âm mưu chống lại A-si-ri. Do đó, Sa-gôn đã dẹp vua phản nghịch và đặt em của vua này là Ahimiti lên làm vua. Tuy nhiên, hành động đó không giải quyết được vấn đề. Một cuộc nổi loạn khác bùng nổ và lần này Sa-gôn thi hành biện pháp mạnh hơn. Ông ra lệnh tấn công Ách-đốt; thành bị bao vây và bị thất thủ. Hình như Ê-sai 20:1 ám chỉ biến cố này.

7 Sự sụp đổ của Ách-đốt gây ra một sự đe dọa cho các nước láng giềng, đặc biệt là nước Giu-đa. Đức Giê-hô-va biết rằng dân Ngài có xu hướng quay về “một cánh tay xác-thịt”, chẳng hạn như Ê-díp-tô hoặc Ê-thi-ô-bi ở phía nam. Do đó, Ngài giao cho Ê-sai sứ mạng công bố lời cảnh cáo khẩn cấp.—2 Sử-ký 32:7, 8.

“Trần và chân không”

8. Ê-sai diễn màn kịch mang nghĩa tiên tri nào?

8 Đức Giê-hô-va bảo Ê-sai: “Hãy đi, cởi bao gai khỏi lưng ngươi, và lột giày khỏi chân”. Ê-sai làm theo lệnh của Đức Giê-hô-va. “Ê-sai vâng lời, đi trần, và chân không”. (Ê-sai 20:2) Bao gai là một cái áo đan bằng sợi gai thô mà các nhà tiên tri thường mặc, đôi khi liên kết với một thông điệp cảnh cáo. Người ta cũng mặc áo này trong thời gian khủng hoảng hoặc khi hay tin về tai họa. (2 Các Vua 19:2; Thi-thiên 35:13; Đa-ni-ên 9:3) Có phải Ê-sai thật sự bước đi trần truồng, theo nghĩa là không có mảnh vải nào che thân không? Không nhất thiết. Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “trần” cũng có thể ám chỉ một phần thân thể được che hoặc có mặc quần lót. (1 Sa-mu-ên 19:24, cước chú NW) Do đó, Ê-sai có thể chỉ cởi áo ngoài và mặc áo choàng ngắn mà người ta thường mặc để che thân thể. Những nam tù binh thường được vẽ ăn mặc theo cách này trong các bức tranh chạm trổ của người A-si-ri.

9. Hành động của Ê-sai có ý nghĩa tiên tri gì?

9 Ý nghĩa về hành động khác thường của Ê-sai không bị để mặc cho người ta hiểu sao thì hiểu: “Đức Giê-hô-va bèn phán rằng: Như đầy-tớ ta là Ê-sai đã đi trần và chân không trong ba năm, làm dấu và điềm chỉ về Ê-díp-tô và Ê-thi-ô-bi thể nào, thì những phu-tù của Ê-díp-tô và lưu-tù của Ê-thi-ô-bi, cả trẻ lẫn già, cũng bị vua A-si-ri giải đi trần và chân không, bày mông ra thể ấy, để làm nhục nước Ê-díp-tô”. (Ê-sai 20:3, 4) Đúng vậy, người Ê-díp-tô và người Ê-thi-ô-bi chẳng bao lâu nữa sẽ bị bắt đi làm phu tù. Không chừa một ai. Ngay cả “trẻ lẫn già”—tức trẻ con và người già—sẽ bị tước hết của cải và bị bắt đi lưu đày. Bằng các hình ảnh bi thảm này, Đức Giê-hô-va cảnh cáo dân Giu-đa là việc họ tin cậy Ê-díp-tô và Ê-thi-ô-bi sẽ là vô ích. Sự suy sụp của những nước này sẽ khiến chúng bị “trần”—tức bị nhục nhã ê chề!

Trông cậy tan vỡ, vinh hiển tàn phai

10, 11. (a) Giu-đa sẽ phản ứng ra sao khi họ nhận ra rằng Ê-díp-tô và Ê-thi-ô-bi bất lực trước A-si-ri? (b) Tại sao dân cư Giu-đa có khuynh hướng tin cậy nơi Ê-díp-tô và Ê-thi-ô-bi?

10 Kế tiếp, Đức Giê-hô-va tiên tri về phản ứng của dân Ngài khi họ nhận ra rằng Ê-díp-tô và Ê-thi-ô-bi, nơi họ hy vọng nhờ cậy, đã tỏ ra bất lực trước A-si-ri. “Chúng nó sẽ sợ-sệt và hổ-thẹn vì cớ Ê-thi-ô-bi, là sự trông-cậy mình, và Ê-díp-tô, là sự vinh-hiển mình. Trong ngày đó, kẻ ở gần biển sẽ nói rằng: Kìa, dân-tộc mà chúng ta vốn đem lòng trông-cậy, và chạy đến cầu-cứu để được giải-thoát khỏi vua A-si-ri, thì nay đã trở nên thể ấy rồi! Chúng ta làm sao trốn khỏi được?”—Ê-sai 20:5, 6.

11 Giu-đa chỉ như dải đất gần biển so với các cường quốc Ê-díp-tô và Ê-thi-ô-bi. Có lẽ một số dân ở dải đất “gần biển” này hâm mộ sự vinh hiển của Ê-díp-tô—những kim tự tháp đồ sộ, những đền thờ cao ngất và những biệt thự rộng rãi có vườn cảnh, cây ăn trái và hồ ao bao quanh. Kiến trúc nguy nga của Ê-díp-tô dường như là bằng cớ về sự ổn định và bền vững. Chắc chắn đất nước này không thể nào bị tàn phá! Rất có thể người Do Thái cũng cảm kích trước những lính thiện xạ, xe pháo và kỵ binh của Ê-thi-ô-bi.

12. Giu-đa nên đặt sự tin cậy nơi ai?

12 Trước sự cảnh cáo được diễn đạt bằng hành động của Ê-sai và những lời tiên tri của Đức Giê-hô-va, bất cứ người nào tự nhận là dân Đức Chúa Trời mà lại nghiêng về sự tin cậy nơi Ê-díp-tô và Ê-thi-ô-bi phải suy nghĩ nghiêm chỉnh. Thật tốt hơn biết bao nếu họ đặt tin cậy nơi Đức Giê-hô-va thay vì nơi loài người! (Thi-thiên 25:2; 40:4) Khi sự việc diễn tiến, dân Giu-đa bị khốn khổ trong tay của vua A-si-ri, và sau này họ phải chứng kiến đền thờ và thủ đô bị Ba-by-lôn phá hủy. Song, “một phần mười”, một “giống thánh”, được sót lại, giống như gốc của một cây cao lớn. (Ê-sai 6:13) Khi giờ đến, thông điệp của Ê-sai sẽ làm vững mạnh đức tin của nhóm nhỏ người đó, những người tiếp tục tin cậy Đức Giê-hô-va!

Hãy đặt sự trông cậy nơi Đức Giê-hô-va

13. Ngày nay áp lực nào ảnh hưởng đến tất cả mọi người, người tin lẫn người không tin?

13 Sự cảnh cáo trong lời tiên tri của Ê-sai, theo đó, việc nhờ cậy Ê-díp-tô và Ê-thi-ô-bi là vô ích, không phải chỉ là lịch sử đã qua. Sự cảnh cáo ấy có giá trị thực tiễn cho thời đại chúng ta. Chúng ta đang sống trong “những thời-kỳ khó-khăn”. (2 Ti-mô-thê 3:1) Thảm họa về tài chính, nạn nghèo nàn lan rộng, sự bất ổn về chính trị, xã hội xáo trộn và những cuộc chiến tranh lớn nhỏ đã gây ra ảnh hưởng tàn hại—không những cho người bác bỏ sự cai trị của Đức Chúa Trời nhưng cũng cho những người thờ phượng Đức Giê-hô-va nữa. Câu hỏi mà mỗi người phải đối diện là: ‘Tôi phải quay về ai để được giúp đỡ?’

14. Tại sao chúng ta nên đặt sự tin cậy nơi một mình Đức Giê-hô-va mà thôi?

14 Một số người có thể cảm kích những chuyên gia tài chính, chính khách và khoa học gia ngày nay, là những người chủ trương giải quyết các vấn đề của con người bằng tài năng và kỹ thuật của con người. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói rõ: “Thà nương-náu mình nơi Đức Giê-hô-va còn hơn tin-cậy vua-chúa”. (Thi-thiên 118:9) Tất cả mọi kế hoạch về hòa bình của con người sẽ là con số không. Nhà tiên tri Giê-rê-mi nêu ra lý do thích đáng như sau: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biết đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình”.—Giê-rê-mi 10:23.

15. Hy vọng duy nhất cho nhân loại đang đau khổ nằm ở đâu?

15 Do đó, tôi tớ của Đức Chúa Trời không được ngưỡng mộ quá đáng sức mạnh và sự khôn ngoan bề ngoài của thế gian này. (Thi-thiên 33:10; 1 Cô-rinh-tô 3:19, 20) Hy vọng duy nhất cho nhân loại đang đau khổ nằm nơi Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va. Những ai đặt tin cậy nơi Ngài sẽ được giải cứu. Như sứ đồ Giăng được soi dẫn viết: “Thế-gian với sự tham-dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời”.—1 Giăng 2:17.

[Chú thích]

^ đ. 5 Các sử gia gọi vị vua này là Sa-gôn II. Một vua trước đó không phải là của A-si-ri mà là của Ba-by-lôn, có tên là “Sa-gôn I”.

^ đ. 6 “Ta-tân” không phải là tên riêng nhưng là tước hiệu đặt cho vị tham mưu trưởng quân đội A-si-ri, rất có thể là người có quyền thế lớn hàng thứ hai trong đế quốc.

[Câu hỏi]

[Hình nơi trang 209]

Người A-si-ri từng làm mù mắt một số tù binh họ bắt được

[Hình nơi trang 213]

Một số người cảm kích các thành quả của con người, nhưng tốt hơn nên trông cậy Đức Giê-hô-va