Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Chúa Trời thật báo trước sự giải cứu

Đức Chúa Trời thật báo trước sự giải cứu

Chương Năm

Đức Chúa Trời thật báo trước sự giải cứu

Ê-sai 44:1-28

1, 2. (a) Đức Giê-hô-va nêu lên những câu hỏi nào? (b) Đức Giê-hô-va sẽ chứng minh chỉ mình Ngài là Đức Chúa Trời thật như thế nào?

‘AI LÀ Đức Chúa Trời thật?’ Thắc mắc này đã luôn được nêu lên trong bao thế kỷ qua. Vậy thì thật đáng ngạc nhiên khi trong sách Ê-sai, chính Đức Giê-hô-va lại nêu lên câu hỏi đó! Ngài mời người ta suy xét: ‘Đức Giê-hô-va có phải là Đức Chúa Trời có một và thật không? Hoặc có ai khác có thể sánh được với Ngài không?’ Sau khi đề xướng cuộc thảo luận, Đức Giê-hô-va đưa ra tiêu chuẩn hợp lý để giải quyết vấn đề ai là Đức Chúa Trời. Lập luận đưa ra giúp những người có lòng ngay thẳng đi đến kết luận một cách dễ dàng.

2 Vào thời Ê-sai, việc thờ hình tượng rất phổ thông. Cuộc thảo luận minh bạch và thẳng thắn được ghi nơi chương 44 sách tiên tri Ê-sai cho thấy việc thờ hình tượng quả là vô ích! Thế nhưng, chính dân của Đức Chúa Trời lại rơi vào bẫy thờ hình tượng. Do đó, như đã thấy nơi các chương trước của sách Ê-sai, dân Y-sơ-ra-ên bị trừng phạt nặng nề. Tuy nhiên, vì yêu thương, Đức Giê-hô-va đã ban cho dân tộc này sự cam đoan, theo đó, dù để cho Ba-by-lôn bắt họ đi làm phu tù, Ngài sẽ giải cứu họ vào thời điểm của Ngài. Sự ứng nghiệm của lời tiên tri về việc giải cứu khỏi ách phu tù và về việc tái lập sự thờ phượng thanh sạch sẽ chứng minh rõ ràng chỉ mình Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật và khiến mọi kẻ thờ hình tượng vô tri vô giác của các nước phải xấu hổ.

3. Những lời tiên tri của Ê-sai giúp tín đồ Đấng Christ ngày nay như thế nào?

3 Những lời tiên tri nằm trong phần này của sách Ê-sai và sự ứng nghiệm của chúng vào thời xưa củng cố đức tin của tín đồ Đấng Christ ngày nay. Ngoài ra, những lời tiên tri của Ê-sai cũng có sự ứng nghiệm trong thời chúng ta, thậm chí trong tương lai nữa. Những biến cố liên hệ đến người giải cứu và cuộc giải cứu còn vĩ đại hơn những biến cố được tiên tri cho dân Đức Chúa Trời ngày xưa.

Hy vọng dành cho ai thuộc về Đức Giê-hô-va

4. Đức Giê-hô-va khuyến khích dân Y-sơ-ra-ên như thế nào?

4 Chương 44 bắt đầu bằng một lời nhắc nhở là dân Y-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời chọn, tách biệt khỏi những nước chung quanh để trở thành tôi tớ Ngài. Lời tiên tri nói: “Bây giờ, hỡi Gia-cốp, tôi-tớ ta, hỡi Y-sơ-ra-ên mà ta đã chọn, hãy nghe! Đức Giê-hô-va, là Đấng đã làm nên ngươi, đã gây nên ngươi từ trong lòng mẹ, và sẽ giúp-đỡ ngươi, phán như vầy: Hỡi Gia-cốp, tôi-tớ ta, và Giê-su-run mà ta đã chọn, đừng sợ chi”. (Ê-sai 44:1, 2) Có thể nói Đức Giê-hô-va đã chăm sóc Y-sơ-ra-ên từ trong lòng mẹ, kể từ khi Y-sơ-ra-ên trở thành một nước sau khi ra khỏi xứ Ai Cập. Ngài gọi dân Ngài với tư cách tập thể là “Giê-su-run” nghĩa là “Người ngay thẳng”, một tước hiệu nói lên yêu thương và trìu mến. Danh hiệu này cũng nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên phải luôn luôn ngay thẳng, và đây là điều họ thường đã không làm.

5, 6. Đức Giê-hô-va cung cấp gì cho dân Y-sơ-ra-ên khiến họ thoải mái, và với kết quả nào?

5 Những lời kế đó của Đức Giê-hô-va dễ chịu và thoải mái làm sao! Ngài phán: “Ta sẽ rót nước trên kẻ khát, cho suối chảy nơi đất khô. Ta sẽ đổ Thần ta trên dòng-dõi ngươi, và phước-lành ta trên những kẻ ra từ ngươi. Chúng nó sẽ nẩy-nở giữa đám cỏ, như cây liễu giữa dòng nước”. (Ê-sai 44:3, 4a) Ngay trong vùng nóng bỏng và khô cằn, cây cối vẫn um tùm bên dòng nước. Khi Đức Giê-hô-va cung cấp nước lẽ thật ban sự sống và đổ thánh linh Ngài xuống thì dân Y-sơ-ra-ên hưng thịnh và mạnh mẽ như cây cối dọc theo kênh ngòi đầy nước. (Thi-thiên 1:3; Giê-rê-mi 17:7, 8) Đức Giê-hô-va sẽ ban cho dân Ngài sức mạnh để đảm đương vai trò làm nhân chứng cho việc Ngài là Đức Chúa Trời.

6 Một kết quả của việc đổ thánh linh xuống là lòng biết ơn của một số người đối với mối quan hệ giữa Y-sơ-ra-ên với Đức Giê-hô-va được mới lại. Bởi vậy chúng ta đọc: “Người nầy sẽ nói rằng: Ta thuộc về Đức Giê-hô-va; người kia xưng mình bằng danh của Gia-cốp, kẻ khác nữa lấy tay mình viết rằng: Ta thuộc về Đức Giê-hô-va, và xưng mình bằng danh Y-sơ-ra-ên”. (Ê-sai 44:4b, 5) Vâng, mang danh Đức Giê-hô-va là điều vinh dự vì Ngài sẽ tỏ ra là Đức Chúa Trời có một và thật.

Một cuộc thách thức cho các thần

7, 8. Đức Giê-hô-va thách thức thần của các nước như thế nào?

7 Dưới Luật Pháp Môi-se, một người có quyền chuộc—thường là một người nam, có họ hàng gần nhất—có thể chuộc lại một người khỏi cảnh nô lệ. (Lê-vi Ký 25:47-54; Ru-tơ 2:20) Đức Giê-hô-va nhận Ngài là Đấng Cứu Chuộc của Y-sơ-ra-ên—tức Đấng sẽ giải thoát dân này khiến Ba-by-lôn và tất cả các thần của nó phải hổ thẹn. (Giê-rê-mi 50:34) Ngài đối đầu thách thức các thần giả và những kẻ thờ chúng: “Đức Giê-hô-va, là Vua và Đấng Cứu-chuộc của Y-sơ-ra-ên, là Đức Giê-hô-va vạn-quân, phán như vầy: Ta là đầu-tiên và cuối-cùng; ngoài ta không có Đức Chúa Trời nào khác. Ai là kẻ kêu-gọi như ta, rao-bảo và phán-truyền điều đó từ khi ta đã lập dân-tộc xưa nầy? thì hãy rao-truyền sự mai sau và điều chi sẽ xảy đến! Chớ kinh-hãi và cũng đừng bối-rối. Từ thuở đó ta há chẳng từng rao ra cho các ngươi biết sao? Các ngươi làm chứng cho ta. Ngoài ta có Đức Chúa Trời nào khác không? Thật, chẳng có Vầng Đá nào khác; ta không biết đến!”—Ê-sai 44:6-8.

8 Đức Giê-hô-va thách thức các thần đưa ra chứng cớ. Chúng có thể tiên tri về tương lai, tiên đoán những biến cố trong tương lai một cách chính xác như thể đã xảy ra không? Chỉ ‘Đấng đầu-tiên và cuối-cùng’ mới có thể thực hiện được một việc như vậy. Ngài hiện hữu trước tất cả các thần giả do người ta nghĩ ra, và Ngài sẽ còn tồn tại sau khi chúng bị quên lãng từ lâu. Dân Ngài không phải sợ làm chứng cho sự thật này, vì họ có sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va, Đấng vững vàng và chắc chắn như tảng đá lớn vậy!—Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4; 2 Sa-mu-ên 22:31, 32.

Thờ hình tượng là hư không

9. Việc dân Y-sơ-ra-ên làm bất cứ tượng nào của sinh vật có phải là sai quấy không? Hãy giải thích.

9 Việc Đức Giê-hô-va thách thức các thần giả khiến chúng ta nhớ đến điều răn thứ hai trong Mười Điều Răn. Điều răn ấy nói rõ ràng: “Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình-tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4, 5) Dĩ nhiên, lệnh cấm này không có nghĩa là dân Y-sơ-ra-ên không được làm những vật để trang hoàng. Chính Đức Giê-hô-va ra lệnh làm hình cây cối, thú vật và Chê-ru-bim để đặt trong đền tạm. (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:18; 26:31) Tuy nhiên, chúng không phải là để sùng kính, hay thờ phượng. Không ai được cầu hay dâng của-lễ hy sinh cho các vật ấy. Điều răn được Đức Chúa Trời soi dẫn cấm không được làm bất cứ hình tượng nào để thờ. Sùng bái, cúi lạy hoặc tôn kính chúng là phạm tội thờ hình tượng.—1 Giăng 5:21.

10, 11. Tại sao Đức Giê-hô-va coi các hình tượng là gớm ghiếc?

10 Bây giờ Ê-sai mô tả sự vô ích của các hình tượng vô tri vô giác và sự xấu hổ dành cho những kẻ làm ra hình tượng: “Những thợ chạm tượng đều là hư-vô, việc họ rất ưa-thích chẳng có ích gì. Những kẻ làm chứng của họ không thấy và không biết, để họ mang xấu-hổ. Ai là kẻ tạo một vì thần, đúc một tượng, mà không có ích chi? Nầy, mọi kẻ làm bạn về việc đó sẽ bị nhục, những thợ đó chẳng qua là loài người! Họ hãy nhóm lại hết thảy và đứng lên! Chắc sẽ cùng nhau bị kinh-hãi và xấu-hổ”.—Ê-sai 44:9-11.

11 Tại sao Đức Chúa Trời coi các hình tượng này là gớm ghiếc đến thế? Trước hết, không thể nào lấy những đồ vật để tiêu biểu cách đúng đắn cho Đấng Toàn Năng. (Công-vụ 17:29) Hơn nữa, thờ một tạo vật thay vì Đấng Tạo Hóa là xúc phạm đến cương vị Đức Chúa Trời của Đức Giê-hô-va. Và chẳng phải là sự thờ lạy đó làm hạ thấp phẩm giá của con người vốn được dựng nên “giống như hình Đức Chúa Trời” sao?—Sáng-thế Ký 1:27; Rô-ma 1:23, 25.

12, 13. Tại sao con người không thể chạm ra hình tượng xứng đáng để thờ phượng?

12 Có thể nào một vật nên thánh vì được chạm trổ khéo léo để trở thành một cái gì đó được người ta thờ không? Ê-sai nhắc nhở chúng ta là hình tượng do bàn tay con người làm ra. Dụng cụ và kỹ thuật của người làm ra hình tượng cũng giống như của bất cứ thợ thủ công nào khác: “Thợ rèn lấy một thỏi sắt nướng trên than lửa; dùng búa mà đập, dùng cánh tay mạnh mà làm; mặc dầu đói và kém sức; không uống nước và kiệt cả người. Thợ mộc giăng dây; dùng phấn mà gạch; đẽo bằng cái chàng, đo bằng cái nhíp; làm nên tượng người, giống hình người tốt-đẹp, để ở trong một cái nhà”.—Ê-sai 44:12, 13.

13 Đức Chúa Trời thật tạo ra mọi sinh vật trên trái đất này trong đó có con người. Sự sống có ý thức là một chứng cớ tuyệt diệu về cương vị Đức Chúa Trời của Đức Giê-hô-va, và dĩ nhiên, mọi vật Đức Giê-hô-va dựng nên đều thua kém Ngài. Có thể nào con người có khả năng hơn Ngài không? Con người có thể làm ra những vật cao hơn mình—cao tới mức đáng để mình sùng bái không? Khi một người làm ra hình tượng, ông ta mệt mỏi, đói và khát. Đây là những hạn chế của con người, nhưng ít nhất cũng cho thấy người ấy đang sống. Hình tượng người ấy làm ra có thể trông giống một người, thậm chí đẹp đẽ nữa. Nhưng nó vô tri vô giác. Hình tượng không hề thiêng liêng. Ngoài ra, chưa từng có tượng chạm nào “từ trên trời giáng xuống” như thể không phải do con người hay chết làm ra.—Công-vụ 19:35.

14. Những kẻ làm hình tượng hoàn toàn tùy thuộc vào Đức Giê-hô-va như thế nào?

14 Ê-sai tiếp tục cho thấy những kẻ làm hình tượng hoàn toàn tùy thuộc vào các quy trình và vật liệu thiên nhiên mà Đức Giê-hô-va dựng nên: “Lại đi đốn cây bách; lấy cây lật, cây dẻ, mà mình đã chọn trong các thứ cây trên rừng; trồng cây thông, mưa xuống làm cho lớn lên. Gỗ ấy người ta sẽ dùng mà chụm, lấy về mà sưởi. Cũng dùng để đun lửa hấp bánh; lại cũng lấy mà làm một vì thần, rồi thờ-lạy nó, làm nó nên một tượng chạm mà quì-lạy trước mặt nó. Họ chụm đi phân nửa trong lửa, còn phân nửa thì dùng mà nướng thịt, ăn cho no; hoặc sưởi cho ấm, và nói rằng: Hà! nầy ta sưởi đây; ta thấy ngọn lửa! Đoạn, gỗ còn thừa lại, làm một vì thần, tức là tượng chạm mình; cúi mình trước mặt nó mà thờ-lạy, cầu-nguyện nó mà rằng: Xin giải-cứu tôi, vì ngài là thần của tôi!”—Ê-sai 44:14-17.

15. Người làm hình tượng hoàn toàn thiếu sự hiểu biết nào?

15 Một khúc củi chưa đốt có thể giải cứu được ai không? Dĩ nhiên không. Chỉ Đức Chúa Trời thật mới có thể giải cứu. Làm sao người ta lại có thể thần tượng hóa những vật vô tri vô giác? Ê-sai cho thấy vấn đề thật sự nằm trong lòng của một người: “Những người ấy không biết và không suy-xét; vì mắt họ nhắm lại để đừng thấy, lòng họ lấp đi để đừng hiểu. Trong bọn họ chẳng ai suy đi nghĩ lại, chẳng ai có sự thông-biết khôn-sáng mà nói rằng: Ta đã lấy phân nửa mà chụm; đã hấp bánh trên lửa than; đã quay thịt và ăn rồi; còn thừa lại, ta dùng làm một vật gớm-ghiếc sao? Ta lại đi cúi mình lạy một gốc cây sao? Người đó ăn tro, lòng mê-muội đã làm cho lìa-bỏ đường, chẳng có thể tự cứu linh-hồn mình, hay là nói rằng: Trong tay hữu ta há chẳng phải là đồ giả-dối sao?” (Ê-sai 44:18-20) Đúng vậy, tưởng rằng thờ hình tượng có thể mang lại điều gì tốt về thiêng liêng thì cũng như ăn tro thay vì ăn thực phẩm bổ dưỡng.

16. Thờ hình tượng khởi đầu như thế nào, và điều gì đưa đến việc thờ hình tượng?

16 Sự thờ hình tượng thật ra khởi đầu từ trên trời khi một tạo vật thần linh quyền năng trở thành Sa-tan, thèm muốn sự thờ phượng thuộc về một mình Đức Giê-hô-va. Sự tham muốn ấy mãnh liệt đến độ đẩy Sa-tan đến chỗ chống lại Đức Chúa Trời. Đây thật là sự khởi đầu của việc thờ hình tượng, vì sứ đồ Phao-lô nói rằng tham lam cũng giống như thờ hình tượng. (Ê-sai 14:12-14; Ê-xê-chi-ên 28:13-15, 17; Cô-lô-se 3:5) Sa-tan xúi giục cặp vợ chồng loài người đầu tiên ấp ủ những ý tưởng ích kỷ. Ê-va tham muốn điều Sa-tan đưa ra: ‘Mắt ngươi mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác’. Chúa Giê-su nói rằng sự tham lam ra từ lòng. (Sáng-thế Ký 3:5; Mác 7:20-23) Người ta có thể trở thành thờ hình tượng khi lòng hư hỏng. Vậy thật là quan trọng để tất cả chúng ta ‘canh giữ lòng mình’, chớ bao giờ để cho bất cứ người nào hay điều gì choán chỗ trong lòng đáng lẽ thuộc về Đức Giê-hô-va!—Châm-ngôn 4:23; Gia-cơ 1:14.

Đức Giê-hô-va kêu gọi lòng người

17. Dân Y-sơ-ra-ên phải ghi nhớ điều gì?

17 Kế đó, Đức Giê-hô-va kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên nhớ lại họ đang ở trong một địa vị có đặc ân và trách nhiệm kèm theo. Họ là nhân chứng của Ngài! Ngài nói: “Hỡi Gia-cốp, hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy nhớ các điều nầy! Vì ngươi là tôi-tớ ta. Ta đã gây nên [“tạo thành”, “NW”] ngươi; hỡi Y-sơ-ra-ên, ngươi là tôi-tớ ta, ta sẽ không quên ngươi! Ta đã xóa sự phạm tội ngươi như mây đậm, và tội-lỗi ngươi như đám mây. Hãy trở lại cùng ta, vì ta đã chuộc ngươi. Hỡi các từng trời, hãy hát vui-mừng vì Đức Giê-hô-va đã làm hoàn-thành! Hỡi các nơi sâu dưới đất, hãy reo-la! Hỡi các núi, rừng cùng mọi cây-cối trên rừng, hãy cất tiếng mà hát! vì Đức Giê-hô-va đã chuộc Gia-cốp, và sẽ tỏ sự vinh-hiển Ngài ra trong Y-sơ-ra-ên”.—Ê-sai 44:21-23.

18. (a) Tại sao dân Y-sơ-ra-ên có cớ để mừng rỡ? (b) Ngày nay tôi tớ của Đức Giê-hô-va có thể noi theo gương của Ngài về lòng thương xót như thế nào?

18 Dân Y-sơ-ra-ên không tạo thành Đức Giê-hô-va. Ngài không phải là một thần do con người làm ra. Đúng hơn, Đức Giê-hô-va tạo thành Y-sơ-ra-ên để làm tôi tớ Ngài. Ngài sẽ chứng tỏ một lần nữa Ngài là Đức Chúa Trời khi Ngài giải cứu dân tộc đó. Ngài nói với dân Ngài một cách ưu ái, bảo đảm với họ là nếu họ ăn năn, Ngài sẽ tha thứ mọi tội lỗi của họ, che giấu tội của họ như thể để đằng sau lớp mây dày đặc. Thật là một cớ để dân Y-sơ-ra-ên mừng rỡ! Gương của Đức Giê-hô-va thúc đẩy tôi tớ thời nay noi theo lòng thương xót của Ngài. Họ có thể làm thế bằng cách giúp đỡ những người lầm lạc—cố gắng phục hồi họ về thiêng liêng nếu có thể được.—Ga-la-ti 6:1, 2.

Tột đỉnh của cuộc thử thách xem ai là Đức Chúa Trời

19, 20. (a) Đức Giê-hô-va đưa nội vụ lên đến tột đỉnh như thế nào? (b) Đức Giê-hô-va tiên tri những điều ấm lòng nào về dân Ngài, và Ngài sẽ dùng ai thực hiện những điều này?

19 Bây giờ Đức Giê-hô-va đưa lập luận pháp lý của Ngài lên đến tột đỉnh. Ngài sắp sửa đưa ra giải pháp của chính Ngài cho cuộc thử thách quyết liệt nhất xem ai là Đức Chúa Trời—khả năng tiên tri chính xác về tương lai. Một học giả Kinh Thánh gọi năm câu kế tiếp của chương 44 sách Ê-sai là một “bài thơ nói lên tính siêu việt của Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên”, Đấng Tạo Hóa có một, Đấng duy nhất có thể tiết lộ tương lai và hy vọng được giải cứu của Y-sơ-ra-ên. Đoạn văn từ từ dẫn đến cao điểm gây cấn bằng cách công bố tên của người giải phóng dân tộc khỏi Ba-by-lôn.

20 “Đức Giê-hô-va, là Đấng Cứu-chuộc ngươi, đã gây nên ngươi từ trong lòng mẹ, phán như vầy: Ta là Đức Giê-hô-va, đã làm nên mọi vật, một mình ta đã giương các từng trời và trải đất, ai ở cùng ta? Ấy chính ta làm trật các điềm của kẻ nói dối, khiến thầy bói nên ngu-muội, làm cho kẻ trí tháo-lui, biến sự khôn-ngoan nó ra dại-khờ; Chúa làm ứng-nghiệm lời của tôi-tớ Ngài, thiệt-hành mưu của sứ-giả Ngài; phán về thành Giê-ru-sa-lem rằng: Nó sẽ có người ở; và về các thành của Giu-đa rằng: Nó sẽ được lập lại, ta sẽ dựng lại các nơi hoang-vu của nó; phán cùng vực sâu rằng: Hãy khô đi, ta sẽ làm cạn các sông; phán về Si-ru rằng: Nó là người chăn chiên của ta; nó sẽ làm nên mọi sự ta đẹp lòng; lại cũng phán về Giê-ru-sa-lem rằng: Nó sẽ được lập lại, và phán về đền-thờ rằng: Nền ngươi sẽ lại lập”.—Ê-sai 44:24-28.

21. Lời Đức Giê-hô-va cung cấp sự bảo đảm nào?

21 Vâng, Đức Giê-hô-va không những có khả năng nói trước biến cố sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng còn có quyền năng thực hiện trọn vẹn ý định mà Ngài đã tiết lộ nữa. Sự công bố này sẽ là nguồn hy vọng cho dân Y-sơ-ra-ên. Họ được bảo đảm là dù quân Ba-by-lôn sẽ tàn phá xứ nhưng Giê-ru-sa-lem và các thành phụ thuộc sẽ được xây cất lại và sự thờ phượng thật sẽ được tái lập tại đó. Nhưng bằng cách nào?

22. Hãy tả Sông Ơ-phơ-rát khô đi như thế nào.

22 Những kẻ bói toán không được soi dẫn thường không dám tiên đoán rõ rệt vì sợ thời gian sẽ chứng tỏ mình sai. Trái lại, qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va tiết lộ đích xác tên người mà Ngài sẽ dùng để giải phóng dân Ngài khỏi cảnh phu tù hầu họ có thể trở về quê hương tái thiết Giê-ru-sa-lem và đền thờ. Tên người đó là Si-ru, và ông được mọi người biết dưới danh Si-ru Đại Đế của Phe-rơ-sơ. Đức Giê-hô-va cũng cho biết những chi tiết về chiến lược mà Si-ru sẽ dùng để chọc thủng hệ thống phòng thủ phức tạp và đồ sộ của Ba-by-lôn. Ba-by-lôn được bảo vệ bởi những bức tường cao và bởi sông ngòi chảy qua và bao bọc quanh thành. Si-ru sẽ biến phần chính của hệ thống đó—Sông Ơ-phơ-rát—thành một lợi điểm cho mình. Theo các sử gia cổ xưa là Herodotus và Xenophon, tại một địa điểm ngược dòng sông từ Ba-by-lôn, Si-ru cho rẽ dòng nước Sông Ơ-phơ-rát cho đến khi mực nước sông hạ xuống, đủ cạn để lính của ông lội qua được. Xét về khả năng bảo vệ Ba-by-lôn của Sông Ơ-phơ-rát, có thể nói con sông mênh mông này khô đi vậy.

23. Có sự ghi chép nào về sự ứng nghiệm của lời tiên tri rằng Si-ru sẽ giải phóng dân Y-sơ-ra-ên?

23 Vậy còn về lời hứa là Si-ru sẽ thả dân Đức Chúa Trời và sẽ lo liệu việc tái thiết thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ thì sao? Chính Si-ru, trong một tuyên ngôn chính thức được lưu giữ lại trong Kinh Thánh, tuyên bố: “Si-ru, vua Phe-rơ-sơ, nói như vầy: Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban các nước thế-gian cho ta, và chính Ngài có biểu ta xây-cất cho Ngài một đền-thờ tại Giê-ru-sa-lem, trong xứ Giu-đa. Trong các ngươi, phàm ai thuộc về dân-sự Ngài, khá trở lên Giê-ru-sa-lem trong xứ Giu-đa, đặng cất lại đền-thờ Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, vẫn ngự tại Giê-ru-sa-lem”. (E-xơ-ra 1:2, 3) Lời của Đức Giê-hô-va phán qua Ê-sai được ứng nghiệm trọn vẹn!

Ê-sai, Si-ru và tín đồ Đấng Christ ngày nay

24. Có sự tương quan nào giữa việc Ạt-ta-xét-xe ra chiếu chỉ “tu-bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem” với việc Đấng Mê-si đến?

24 Chương 44 sách Ê-sai tôn vinh Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật duy nhất và Đấng giải cứu dân tộc thời xưa của Ngài. Ngoài ra, lời tiên tri có ý nghĩa sâu xa cho tất cả chúng ta ngày nay. Lệnh của Si-ru về việc tái thiết đền thờ ở Giê-ru-sa-lem được ban ra vào năm 538/537 TCN, khởi đầu những biến cố mà cao điểm sẽ là sự ứng nghiệm của một lời tiên tri quan trọng khác. Tiếp theo chiếu chỉ của Si-ru là chiếu chỉ của một người cai trị sau này là Ạt-ta-xét-xe; vua này ban lệnh xây cất lại thành Giê-ru-sa-lem. Sách Đa-ni-ên tiết lộ “từ khi ra lệnh tu-bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem [vào năm 455 TCN], cho đến Đấng chịu xức dầu, tức là vua”, sẽ là 69 “tuần-lễ”, trong đó mỗi tuần có 7 năm. (Đa-ni-ên 9:24, 25) Lời tiên tri này cũng đã thành sự thật. Đúng theo lịch trình, vào năm 29 CN, tức 483 năm sau khi chiếu chỉ của Ạt-ta-xét-xe thành hiệu lực ở Đất Hứa, Chúa Giê-su làm báp têm và bắt đầu thánh chức trên đất. *

25. Việc Ba-by-lôn rơi vào tay Si-ru cho thấy điều gì vào thời nay?

25 Ba-by-lôn sụp đổ đưa đến sự phóng thích cho những người Do Thái trung thành. Điều này là hình bóng cho sự phóng thích khỏi phu tù về thiêng liêng của những tín đồ Đấng Christ xức dầu vào năm 1919. Sự phóng thích ấy là bằng cớ một Ba-by-lôn khác, được miêu tả là một đại dâm phụ, Ba-by-lôn Lớn—một biểu tượng cho tập thể tôn giáo giả của thế gian—đã đổ. Như được ghi trong sách Khải-huyền, sứ đồ Giăng nhìn thấy trước sự sụp đổ của y thị. (Khải-huyền 14:8) Ông cũng thấy trước y thị bị hủy diệt bất thình lình. Sự miêu tả của Giăng về sự hủy diệt đế quốc thế giới đầy dẫy hình tượng này cũng tương tự phần nào sự miêu tả của Ê-sai về cuộc chinh phục thành công của Si-ru đối với thành Ba-by-lôn cổ xưa. Giống như hệ thống sông ngòi phòng thủ của Ba-by-lôn đã không cứu nó khỏi tay Si-ru, thì cũng vậy, dòng nước nhân loại vốn ủng hộ và bảo vệ Ba-by-lôn Lớn sẽ bị “cạn-khô” trước khi y thị bị hủy diệt một cách đích đáng.—Khải-huyền 16:12. *

26. Những lời tiên tri của Ê-sai và sự ứng nghiệm của chúng làm vững mạnh đức tin của chúng ta như thế nào?

26 Ngày nay, sau hơn hai ngàn rưởi năm từ khi Ê-sai công bố lời tiên tri, chúng ta có thể thấy Đức Chúa Trời quả thật đã “thiệt-hành mưu của sứ-giả Ngài”. (Ê-sai 44:26) Do đó, sự ứng nghiệm lời tiên tri của Ê-sai là một điển hình tuyệt hảo về tính chất đáng tin cậy của mọi lời tiên tri trong Kinh Thánh.

[Chú thích]

^ đ. 25 Xem chương 35 và 36 sách Revelation—Its Grand Climax At Hand!, do Hội Tháp Canh xuất bản.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 63]

Một khúc củi chưa đốt có thể giải cứu được ai không?

[Hình nơi trang 73]

Cái đầu bằng đá cẩm thạch của một vua I-ran, có thể là Si-ru

[Hình nơi trang 75]

Si-ru làm ứng nghiệm lời tiên tri bằng cách rẽ dòng nước Sông Ơ-phơ-rát