Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va dạy chúng ta được ích

Đức Giê-hô-va dạy chúng ta được ích

Chương Chín

Đức Giê-hô-va dạy chúng ta được ích

Ê-sai 48:1-22

1. Những người khôn ngoan đáp lại lời của Đức Giê-hô-va như thế nào?

KHI Đức Giê-hô-va phán, những người khôn ngoan đều lắng nghe với lòng hết sức kính trọng và đáp lại lời Ngài. Mọi điều Đức Giê-hô-va phán là để chúng ta được lợi ích, và Ngài rất quan tâm đến hạnh phúc của chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta được ấm lòng biết bao khi xem xét cách Đức Giê-hô-va nói với dân trong giao ước của Ngài thời xưa: “Than ôi! ước gì ngươi đã để ý đến các điều-răn ta!” (Ê-sai 48:18) Giá trị thực tiễn qua những lời dạy dỗ của Đức Chúa Trời nên thúc đẩy chúng ta lắng nghe và vâng theo sự chỉ dẫn của Ngài. Thành tích ứng nghiệm của lời tiên tri làm tan biến mọi nghi ngờ về việc Đức Giê-hô-va nhất quyết thực hiện lời hứa của Ngài.

2. Chương 48 sách Ê-sai được chép ra cho ai, và ai nữa được lợi ích?

2 Hình như chương 48 sách Ê-sai được viết vì lợi ích của người Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn. Hơn nữa, những lời này chứa đựng một thông điệp mà tín đồ Đấng Christ ngày nay không thể bỏ qua. Trong chương 47 sách Ê-sai, Kinh Thánh tiên tri về sự sụp đổ của Ba-by-lôn. Bây giờ Đức Giê-hô-va nói ra ý định của Ngài đối với dân Do Thái bị làm phu tù trong thành đó. Đức Giê-hô-va buồn lòng về sự giả hình của dân Ngài và về việc họ cứng lòng không tin lời hứa của Ngài. Tuy nhiên, Ngài muốn dạy dỗ họ để họ được lợi ích. Ngài thấy trước một giai đoạn luyện lọc dẫn đến việc những người trung thành còn sót lại được trở về quê hương.

3. Sự thờ phượng của dân Giu-đa thiếu sót ở chỗ nào?

3 Dân Đức Giê-hô-va đã đi lệch sự thờ phượng thanh sạch quá xa! Những lời mở đầu của Ê-sai rất nghiêm trọng: “Hỡi nhà Gia-cốp, là những người được xưng bằng danh Y-sơ-ra-ên, ra từ nguồn Giu-đa, hãy nghe đây; các ngươi chỉ danh Đức Giê-hô-va mà thề, kêu-cầu Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, nhưng chẳng lấy lòng chân-thật và công-bình... Vì họ lấy thành thánh làm danh mình, và cậy Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên; danh Ngài là Đức Giê-hô-va vạn-quân”. (Ê-sai 48:1, 2) Thật giả hình làm sao! Việc “chỉ danh Đức Giê-hô-va mà thề” cho thấy rõ ràng họ chỉ dùng danh Đức Chúa Trời một cách máy móc. (Sô-phô-ni 1:5) Trước khi bị lưu đày sang Ba-by-lôn, dân Do Thái thờ phượng Đức Giê-hô-va tại “thành thánh”, Giê-ru-sa-lem. Nhưng sự thờ phượng của họ không thành thật. Lòng họ xa cách Đức Chúa Trời, và họ “chẳng lấy lòng chân-thật và công-bình” mà thờ Ngài. Họ không có đức tin như tổ phụ họ.—Ma-la-chi 3:7.

4. Loại thờ phượng nào làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va?

4 Lời Đức Giê-hô-va nhắc nhở chúng ta là sự thờ phượng không được máy móc. Nó phải xuất phát từ đáy lòng. Việc phụng sự chiếu lệ—có lẽ để làm hài lòng người khác hay để khoa trương—không phải là “việc làm tin kính”. (2 Phi-e-rơ 3:11, NW) Việc một người gọi mình là tín đồ Đấng Christ tự nó không làm cho sự thờ phượng của người ấy được Đức Chúa Trời chấp nhận. (2 Ti-mô-thê 3:5) Nhận biết Đức Giê-hô-va hiện hữu là cần yếu nhưng mới chỉ là khởi đầu mà thôi. Đức Giê-hô-va muốn sự thờ phượng hết linh hồn và được thúc đẩy bằng lòng yêu thương và biết ơn sâu xa.—Cô-lô-se 3:23.

Tiên tri những điều mới

5. Đâu là một số trong “những sự đầu tiên” mà Đức Giê-hô-va đã báo trước?

5 Có lẽ ký ức của những người Do Thái ở Ba-by-lôn cần được khơi lại. Bởi thế, Đức Giê-hô-va một lần nữa nhắc nhở họ rằng Ngài là Đức Chúa Trời của lời tiên tri thật: “Ta đã phán từ xưa về những sự qua rồi [“những sự đầu tiên”, “NW”]; những sự ấy ra từ miệng ta, và ta đã rao ra: ta đã làm thình-lình, và những sự đó đã xảy đến”. (Ê-sai 48:3) “Những sự đầu tiên” là những việc Đức Giê-hô-va đã hoàn thành, như giải phóng dân Y-sơ-ra-ên khỏi xứ Ai Cập và ban cho họ Đất Hứa làm cơ nghiệp. (Sáng-thế Ký 13:14, 15; 15:13, 14) Những tiên đoán đó ra từ miệng Đức Chúa Trời; chúng bắt nguồn từ Ngài. Đức Chúa Trời khiến người ta nghe mệnh lệnh Ngài, và những gì họ nghe đáng lẽ phải thúc đẩy họ vâng phục. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:15) Ngài mau mắn hành động để thực hiện những gì Ngài đã báo trước. Sự kiện Đức Giê-hô-va là Đấng Toàn Năng bảo đảm ý định của Ngài sẽ thành tựu.—Giô-suê 21:45; 23:14.

6. Dân Do Thái trở nên “cố-chấp phản-nghịch” đến mức nào?

6 Dân sự của Đức Giê-hô-va đã trở nên “cố-chấp phản-nghịch”. (Thi-thiên 78:8) Ngài thẳng thắn bảo họ: “Ngươi cứng-cỏi, gáy ngươi là gân sắt, trán ngươi là đồng”. (Ê-sai 48:4) Giống như kim loại, dân Do Thái khó bẻ cong—tức không uốn được. Đó là một lý do tại sao Đức Giê-hô-va tiết lộ sự việc trước khi chúng xảy ra. Nếu không thì dân Ngài sẽ nói về những việc Đức Giê-hô-va đã làm: “Ấy là thần-tượng ta đã làm nên, tượng chạm hoặc đúc của ta đã dạy-biểu mọi điều đó”. (Ê-sai 48:5) Những điều Đức Giê-hô-va nói bây giờ có bất cứ ảnh hưởng nào trên dân Do Thái bất trung không? Đức Chúa Trời nói với họ: “Ngươi đã nghe rồi, hãy thấy mọi điều đó, sao các ngươi không nói-phô đi?... Từ nay về sau, ta tỏ ra những sự mới, là sự kín-nhiệm ngươi chưa biết. Bây giờ những sự đó mới dựng nên, không phải ngày xưa đã có; trước ngày nầy ngươi chưa nghe chi hết, kẻo ngươi nói rằng: Nầy, ta biết sự đó rồi!”—Ê-sai 48:6, 7.

7. Dân phu tù Do Thái sẽ phải thừa nhận điều gì, và họ có thể trông đợi gì?

7 Ê-sai chép lời tiên tri về sự sụp đổ của Ba-by-lôn từ lâu. Giờ đây, bị lưu đày ở Ba-by-lôn, dân Do Thái được lệnh phải suy ngẫm về sự ứng nghiệm của lời tiên tri. Có thể nào họ phủ nhận Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thực hiện lời tiên tri không? Vì dân Giu-đa đã thấy và nghe Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của lẽ thật, lẽ ra họ cũng phải công bố lẽ thật này cho những người khác nữa phải không? Lời Đức Giê-hô-va tiên tri về những việc mới chưa xảy ra, chẳng hạn như cuộc chinh phục Ba-by-lôn của Si-ru và cuộc phóng thích dân Do Thái. (Ê-sai 48:14-16) Những biến cố gây kinh ngạc như thế dường như sẽ xảy đến thình lình, không ngờ trước. Không ai có thể thấy trước những biến cố chỉ vì xem xét biến chuyển tình hình thế giới. Những sự đó được “dựng nên” mà không có nguyên do rõ ràng nào cả. Ai tạo ra các biến cố này? Vì Đức Giê-hô-va tiên tri những biến cố đó trước khoảng 200 năm nên câu trả lời là hiển nhiên.

8. Tín đồ Đấng Christ ngày nay hy vọng những điều mới nào, và tại sao họ hoàn toàn tin tưởng nơi lời tiên tri của Đức Giê-hô-va?

8 Hơn nữa Đức Giê-hô-va thực hiện lời Ngài tùy theo thời biểu riêng của Ngài. Những lời tiên tri được ứng nghiệm chứng minh Ngài là Đức Chúa Trời, không những cho người Do Thái vào thời xưa mà còn cho tín đồ Đấng Christ thời nay. Việc vô số lời tiên tri được ứng nghiệm trong quá khứ—tức “những sự đầu tiên”—là một đảm bảo cho những sự việc mới mà Đức Giê-hô-va hứa—đó là “cơn đại-nạn” sắp tới, một đám đông “vô-số người” sống sót qua cơn đại nạn, “đất mới” và nhiều điều khác nữa—sẽ được ứng nghiệm. (Khải-huyền 7:9, 14, 15; 21:4, 5; 2 Phi-e-rơ 3:13) Sự đảm bảo ấy thúc đẩy những người có lòng ngay thẳng ngày nay sốt sắng nói về Ngài. Họ chia sẻ cảm nghĩ của người viết Thi-thiên: “Trong hội lớn tôi đã truyền tin vui về sự công-bình; kìa, tôi chẳng có ngậm miệng lại”.—Thi-thiên 40:9.

Đức Giê-hô-va tự chủ

9. Dân Y-sơ-ra-ên ‘đã bội-nghịch từ trong lòng mẹ’ như thế nào?

9 Vì không tin lời tiên tri của Đức Giê-hô-va, dân Do Thái đã không lưu ý đến lời cảnh cáo của Ngài. Đó là lý do tại sao Ngài nói tiếp với họ: “Thật ngươi chưa từng nghe, chưa từng biết, tai ngươi chưa mở ra; vì ta biết rằng ngươi làm gian-dối luôn, từ trong lòng mẹ đã được gọi là bội-nghịch”. (Ê-sai 48:8) Dân Giu-đa từng bịt tai không nghe tin mừng của Đức Giê-hô-va. (Ê-sai 29:10) Lối hành động của dân trong giao ước của Đức Chúa Trời cho thấy dân tộc này ‘đã bội-nghịch từ trong lòng mẹ’. Từ lúc ra đời và trong suốt lịch sử, dân tộc Y-sơ-ra-ên đã từng phản nghịch nhiều lần. Bội nghịch và gian dối trở thành thói quen của dân sự, chứ không còn là tội thỉnh thoảng mới phạm.—Thi-thiên 95:10; Ma-la-chi 2:11.

10. Tại sao Đức Giê-hô-va tự kiềm chế?

10 Tình trạng có tuyệt vọng không? Không. Mặc dù dân Giu-đa bội nghịch và gian dối nhưng Đức Giê-hô-va vẫn luôn chân thật và trung tín. Vì sự vinh hiển của danh lớn Ngài, Ngài sẽ hạn chế cơn thịnh nộ đổ xuống họ. Ngài nói: “Ta vì danh mình mà tạm nhịn giận ta; vì sự vinh-hiển mình mà nhịn-nhục đối với ngươi, đặng không hủy-diệt ngươi”. (Ê-sai 48:9) Thật là một sự khác biệt làm sao! Dân sự Đức Giê-hô-va, cả Y-sơ-ra-ên lẫn Giu-đa, đã bất trung với Ngài. Nhưng Đức Giê-hô-va sẽ làm thánh danh Ngài; Ngài hành động thế nào để đem lại sự khen ngợi và vinh hiển cho danh Ngài. Vì lý do này, Ngài sẽ không hủy diệt dân riêng của Ngài.—Giô-ên 2:13, 14.

11. Tại sao Đức Chúa Trời sẽ không để cho dân Ngài bị tuyệt diệt?

11 Sự quở trách của Đức Chúa Trời đã làm thức tỉnh những người có lòng ngay thẳng trong dân phu tù Do Thái, khiến họ cương quyết nghe theo sự dạy dỗ của Ngài. Đối với những người này, lời tuyên bố sau đây khiến họ rất yên lòng: “Nầy, ta luyện ngươi, nhưng không phải như luyện bạc; ta đã thử ngươi trong lò hoạn-nạn. Ấy là vì ta, vì một mình ta, mà ta sẽ làm điều đó; vì ta há để nhục danh ta sao? Ta sẽ chẳng nhường sự vinh-hiển ta cho thần nào khác”. (Ê-sai 48:10, 11) Những thử thách khổ cực—như là trong “lò hoạn-nạn”—mà Đức Giê-hô-va để cho dân Ngài trải qua sẽ thử nghiệm và tinh luyện họ, làm lộ ra những gì họ có trong lòng. Một điều tương tự đã xảy ra nhiều thế kỷ trước đó khi Môi-se nói với tổ phụ họ: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã dẫn ngươi đi trong bốn mươi năm nầy, để hạ ngươi xuống và thử ngươi, đặng biết điều có ở trong lòng ngươi”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:2) Dù họ có thái độ phản nghịch nhưng Đức Giê-hô-va đã không hủy diệt dân tộc vào lúc ấy, và bây giờ Ngài cũng sẽ không tuyệt diệt nữa. Vì thế danh Ngài và sự vinh hiển của Ngài được sáng chói. Nếu dân Ngài bị diệt vong trong tay người Ba-by-lôn, tức Ngài không trung tín với giao ước của Ngài và danh Ngài sẽ bị xúc phạm. Nó khiến người ta tưởng Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên bất lực trong việc giải cứu dân Ngài.—Ê-xê-chi-ên 20:9.

12. Tín đồ thật của Đấng Christ đã được luyện lọc như thế nào vào thế chiến thứ nhất?

12 Thời nay cũng vậy, dân tộc Đức Giê-hô-va cần được luyện lọc. Hồi đầu thế kỷ 20, nhiều người trong nhóm nhỏ Học Viên Kinh Thánh phụng sự Đức Chúa Trời vì thành thật muốn làm hài lòng Ngài, nhưng một số lại có động cơ xấu, chẳng hạn như muốn danh vọng. Trước khi nhóm nhỏ đó có thể dẫn đầu công việc rao giảng tin mừng trên khắp thế giới được tiên tri sẽ xảy ra vào thời cuối cùng, họ cần được tẩy sạch. (Ma-thi-ơ 24:14) Nhà tiên tri Ma-la-chi tiên tri đúng như vậy; công việc luyện lọc đó sẽ được thực hiện khi Đức Giê-hô-va đến đền thờ của Ngài. (Ma-la-chi 3:1-4) Lời ông đã được ứng nghiệm vào năm 1918. Tín đồ thật của Đấng Christ đã trải qua một giai đoạn thử thách cam go trong cơn sốt của thế chiến thứ nhất, sự thử thách đó lên đến tột độ với việc anh Joseph F. Rutherford, chủ tịch Hội Tháp Canh lúc đó, và một số anh có trách nhiệm của Hội bị bỏ tù. Tiến trình lọc luyện này đã đem lại lợi ích cho những tín đồ Đấng Christ chân thật ấy. Sau Thế Chiến I, hơn bao giờ hết, họ cương quyết phụng sự Đức Chúa Trời bằng bất cứ cách nào mà Ngài chỉ cho.

13. Dân Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào trước sự bắt bớ trong những năm kể từ thế chiến thứ nhất?

13 Từ thời đó, Nhân Chứng Giê-hô-va liên tiếp phải đối diện với những hình thức bắt bớ ác độc nhất. Điều này không hề làm cho họ nghi ngờ lời Đấng Tạo Hóa của họ. Đúng hơn, họ lưu ý đến lời của sứ đồ Phi-e-rơ nói với tín đồ Đấng Christ bị bắt bớ vào thời ông: “Anh em vì sự thử-thách trăm bề buộc phải buồn-bã ít lâu; hầu cho sự thử-thách đức-tin anh em... sanh ra ngợi-khen, tôn-trọng, vinh-hiển cho anh em khi Đức Chúa Jêsus-Christ hiện ra”. (1 Phi-e-rơ 1:6, 7) Sự bắt bớ dữ dội không bẻ gẫy được lòng trung kiên của tín đồ thật Đấng Christ. Trái lại, nó cho thấy động lực trong sạch của họ. Nó làm cho đức tin họ có thêm phẩm chất vì đã được thử nghiệm và cho thấy lòng trung thành và yêu thương sâu xa của họ.—Châm-ngôn 17:3.

“Ta là đầu-tiên và cũng là cuối-cùng”

14. (a) Đức Giê-hô-va là “đầu-tiên” và “cuối-cùng” như thế nào? (b) Đức Giê-hô-va đã dùng “tay” Ngài thực hiện những công việc vĩ đại nào?

14 Bây giờ, bằng giọng ấm áp, Đức Giê-hô-va kêu gọi dân trong giao ước của Ngài: “Hỡi Gia-cốp, và ngươi, Y-sơ-ra-ên ta đã gọi, hãy nghe lời ta: Ta là Đấng đó; ta là đầu-tiên và cũng là cuối-cùng. Tay ta đã lập nền đất, tay hữu ta đã giương các từng trời; ta gọi đến, trời đất đều đứng lên”. (Ê-sai 48:12, 13) Không giống loài người, Đức Giê-hô-va là đời đời và không hề thay đổi. (Ma-la-chi 3:6) Nơi sách Khải-huyền, Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là thứ nhứt và là sau-chót, là đầu và là rốt”. (Khải-huyền 22:13) Trước Đức Giê-hô-va không có Đức Chúa Trời toàn năng nào và sau Ngài cũng chẳng có Đức Chúa Trời nào khác nữa. Ngài là Đấng Tối Cao, Đấng Hằng Hữu, Đấng Tạo Hóa. “Tay” Ngài—tức quyền năng Ngài dùng—đã lập nên trái đất và trải rộng các tầng trời đầy sao. (Gióp 38:4; Thi-thiên 102:25) Khi Ngài gọi các tạo vật, chúng đứng lên, sẵn sàng phụng sự Ngài.—Thi-thiên 147:4.

15. Đức Giê-hô-va “yêu” Si-ru như thế nào và với mục đích gì?

15 Một lời mời long trọng được gửi đến người Do Thái lẫn người ngoại: “Các ngươi hãy nhóm lại hết thảy, và hãy nghe: Trong vòng họ có ai đã rao ra những sự nầy không? Người mà Đức Giê-hô-va yêu, sẽ làm điều đẹp ý Ngài nghịch cùng Ba-by-lôn, và cánh tay người sẽ giá lên nghịch cùng người Canh-đê. Ta, chính ta đã phán, và đã gọi người; ta đã khiến người đến, người sẽ làm thạnh-vượng đường-lối mình”. (Ê-sai 48:14, 15) Chỉ mình Đức Giê-hô-va là toàn năng, có thể tiên tri các biến cố một cách chính xác. Không ai trong vòng “họ”, tức các thần tượng vô dụng, có thể nói được như vậy. Chính Đức Giê-hô-va, chứ không phải thần tượng, đã ‘yêu người’ là Si-ru—nghĩa là Ngài đã chọn ông với một mục đích rõ rệt. (Ê-sai 41:2; 44:28; 45:1, 13; 46:11) Ngài thấy trước sự xuất hiện của Si-ru trên diễn trường thế giới và đã chỉ định ông làm người chinh phục Ba-by-lôn.

16, 17. (a) Tại sao có thể nói rằng Đức Chúa Trời không hề tiên tri một cách bí mật? (b) Ngày nay Đức Giê-hô-va công bố ý định của Ngài như thế nào?

16 Bằng một giọng tha thiết, Đức Giê-hô-va nói tiếp: “Các ngươi hãy đến gần ta, và nghe điều nầy: Từ lúc ban-đầu ta chưa từng nói cách kín-giấu. Vừa lúc có sự ấy, ta đã ở đó rồi”. (Ê-sai 48:16a) Đức Giê-hô-va đã không tiên tri một cách bí mật hoặc chỉ cho vài người biết. Các tiên tri của Đức Giê-hô-va là những phát ngôn viên thẳng thắn, nói nhân danh Đức Chúa Trời. (Ê-sai 61:1) Họ công khai tuyên bố ý muốn của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, những biến cố liên hệ đến Si-ru không có gì mới mẻ hoặc bất ngờ đối với Ngài. Khoảng 200 năm trước, qua Ê-sai, Đức Chúa Trời đã công khai tiên tri về điều này.

17 Ngày nay cũng vậy, Đức Giê-hô-va không giữ bí mật ý định của Ngài. Hàng triệu người trong hàng trăm xứ và hải đảo công bố từ nhà này sang nhà kia, ngoài đường phố, và bất cứ nơi nào khác, lời cảnh cáo về sự kết liễu sắp đến của hệ thống mọi sự này và tin mừng về các ân phước mà Nước Đức Chúa Trời mang lại. Thật vậy, Giê-hô-va là Đức Chúa Trời truyền đạt ý định của Ngài.

“[Hãy] để ý đến các điều-răn ta!”

18. Đức Giê-hô-va muốn dân Ngài làm gì?

18 Được sức mạnh bởi thánh linh của Đức Giê-hô-va, nhà tiên tri tuyên bố: “Chúa Giê-hô-va, và Thần của Ngài, sai ta đến. Đức Giê-hô-va, Đấng Cứu-chuộc ngươi, là Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, phán như vầy: Ta là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy cho ngươi được ích, và dắt ngươi trong con đường ngươi phải đi”. (Ê-sai 48:16b, 17) Sự chăm sóc đầy yêu thương mà Đức Giê-hô-va bày tỏ là một sự cam đoan với dân Y-sơ-ra-ên rằng Đức Chúa Trời sẽ giải cứu họ khỏi Ba-by-lôn. Ngài là Đấng Cứu Chuộc của họ. (Ê-sai 54:5) Đức Giê-hô-va tha thiết muốn dân Y-sơ-ra-ên nối lại quan hệ với Ngài và lưu ý đến mệnh lệnh của Ngài. Sự thờ phượng thật đặt nền tảng trên việc vâng theo lời chỉ dạy của Đức Chúa Trời. Dân Y-sơ-ra-ên không thể đi đúng đường trừ khi họ được dạy ‘con đường phải đi’.

19. Đức Giê-hô-va đưa ra lời kêu gọi tha thiết nào?

19 Việc Đức Giê-hô-va muốn dân Ngài tránh được tai họa và vui sống được diễn tả tuyệt vời như sau: “Than ôi! ước gì ngươi đã để ý đến các điều-răn ta! thì sự bình-an ngươi như sông, và sự công-bình ngươi như sóng biển”. (Ê-sai 48:18) Thật là một lời kêu gọi tha thiết của Đấng Tạo Hóa toàn năng! (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:29; Thi-thiên 81:13) Thay vì bị đi làm phu tù, dân Y-sơ-ra-ên có thể hưởng sự bình an tràn đầy như dòng nước sông êm đềm. (Thi-thiên 119:165) Các việc làm công bình của họ có thể không đếm xuể như sóng biển vậy. (A-mốt 5:24) Là Đấng thực sự quan tâm đến họ, Đức Giê-hô-va kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên, yêu thương chỉ cho họ con đường phải đi. Ước gì họ nghe tiếng Ngài!

20. (a) Mặc dù dân Y-sơ-ra-ên phản nghịch, Đức Chúa Trời vẫn muốn họ được gì? (b) Chúng ta học được gì về Đức Giê-hô-va qua cách Ngài đối xử với dân Y-sơ-ra-ên? (Xem khung nơi trang 133).

20 Những ân phước nào sẽ đến với dân Y-sơ-ra-ên nếu họ ăn năn? Đức Giê-hô-va phán: “Dòng-dõi ngươi như cát, hoa-trái của ruột-già ngươi như sạn, danh ngươi chẳng bị diệt bị xóa trước mặt ta”. (Ê-sai 48:19) Đức Giê-hô-va nhắc dân sự về lời hứa của Ngài là dòng dõi Áp-ra-ham sẽ trở nên nhiều “như sao trên trời, đông như cát bờ biển”. (Sáng-thế Ký 22:17; 32:12) Tuy nhiên, con cháu Áp-ra-ham đã phản nghịch và họ không còn quyền nhận được sự ứng nghiệm của lời hứa nữa. Thật vậy, quá trình của họ quá tệ đến độ chiếu theo Luật Pháp của Đức Giê-hô-va, danh của họ, với tư cách một dân tộc, đáng bị tuyệt diệt. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:45) Tuy vậy, Đức Giê-hô-va không muốn tiêu diệt dân Ngài, và cũng không muốn từ bỏ họ hoàn toàn.

21. Ngày nay chúng ta có thể cảm nghiệm được những ân phước nào nếu tìm kiếm sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va?

21 Các nguyên tắc nằm trong đoạn Kinh Thánh đầy ý nghĩa này áp dụng cho những người thờ phượng Đức Giê-hô-va ngày nay. Đức Giê-hô-va là Nguồn sự sống và hơn ai hết Ngài biết chúng ta nên dùng đời sống mình như thế nào. (Thi-thiên 36:9) Ngài cho chúng ta sự hướng dẫn, không phải làm chúng ta mất đi niềm vui nhưng để được lợi ích. Tín đồ thật của Đấng Christ hưởng ứng bằng cách tìm kiếm sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va. (Mi-chê 4:2) Sự hướng dẫn của Ngài bảo vệ sức khỏe thiêng liêng của chúng ta và mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Nó cũng che chở chúng ta khỏi ảnh hưởng đồi bại của Sa-tan. Khi quý trọng các nguyên tắc nằm đằng sau luật pháp của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ thấy Đức Giê-hô-va dạy để chúng ta được lợi ích. Chúng ta sẽ nhận ra rằng “điều-răn của Ngài chẳng phải là nặng-nề”. Và chúng ta sẽ không bị tiêu diệt.—1 Giăng 2:17; 5:3.

“Hãy ra khỏi Ba-by-lôn!”

22. Những người Do Thái trung thành được kêu gọi làm gì, và được bảo đảm gì?

22 Khi Ba-by-lôn sụp đổ, có bất cứ người Do Thái nào biểu lộ tâm tình đúng đắn không? Họ có tận dụng sự giải cứu của Đức Chúa Trời, trở về quê hương và lập lại sự thờ phượng thanh sạch không? Có. Những lời kế tiếp của Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài tin chắc điều này sẽ xảy ra. “Hãy ra khỏi Ba-by-lôn! Hãy tránh xa người Canh-đê! Hãy cất tiếng reo vui mà rao tin nầy, tuyên-bố và truyền ra cho đến nơi cuối-cùng đất! Hãy rằng: Đức Giê-hô-va đã chuộc Gia-cốp, là tôi-tớ Ngài. Khi Ngài dẫn họ đi ngang qua sa-mạc thì họ không khát, vì Ngài đã khiến nước từ vầng đá chảy ra cho họ; đập bể vầng đá, thì nước văng ra”. (Ê-sai 48:20, 21) Dân Đức Giê-hô-va được lời tiên tri kêu gọi ra khỏi Ba-by-lôn không chậm trễ. (Giê-rê-mi 50:8) Việc họ được chuộc phải được rao truyền cho đến đầu cùng đất. (Giê-rê-mi 31:10) Sau Cuộc Xuất Hành khỏi xứ Ê-díp-tô, Đức Giê-hô-va cung cấp cho dân Ngài những gì họ cần trên suốt quãng đường băng qua sa mạc. Tương tự như vậy, Ngài sẽ cung cấp cho dân Ngài trên con đường từ Ba-by-lôn về quê hương.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:15, 16.

23. Những ai sẽ không được hưởng sự bình an của Đức Chúa Trời?

23 Có một nguyên tắc quan trọng khác mà người Do Thái phải nhớ liên quan đến những hành động giải cứu của Đức Giê-hô-va. Những người yêu mến công bình có thể khổ sở vì tội lỗi của họ, nhưng họ sẽ không bị hủy diệt. Tuy nhiên, đối với kẻ không công bình thì khác: “Những người ác chẳng hưởng sự bình-an bao giờ, Đức Giê-hô-va phán vậy”. (Ê-sai 48:22) Những kẻ phạm tội không ăn năn sẽ không được hưởng sự bình an mà Đức Chúa Trời dành cho những người yêu mến Ngài. Ngài không có ý định cho kẻ ác ngoan cố và những kẻ không tin được hưởng sự giải cứu của Ngài. Những sự đó chỉ dành cho người có đức tin mà thôi. (Tít 1:15, 16; Khải-huyền 22:14, 15) Những kẻ gian ác không thể có sự bình an của Đức Chúa Trời được.

24. Điều gì đã mang lại vui mừng cho dân Đức Chúa Trời thời nay?

24 Vào năm 537 TCN, cơ hội rời Ba-by-lôn đem lại sự vui mừng lớn cho những người Y-sơ-ra-ên trung thành. Vào năm 1919, dân Đức Chúa Trời vui mừng vì được giải thoát khỏi sự cầm tù của Ba-by-lôn. (Khải-huyền 11:11, 12) Họ tràn đầy hy vọng và nắm lấy cơ hội để mở rộng hoạt động. Thật vậy, điều này đòi hỏi nhóm nhỏ tín đồ Đấng Christ đó phải can đảm để tận dụng những cơ hội mới trong việc rao giảng giữa một thế giới thù nghịch. Nhưng với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, họ bắt tay ngay vào công việc rao giảng tin mừng. Lịch sử xác nhận là Đức Giê-hô-va đã ban phước cho họ.

25. Tại sao việc cẩn thận chú ý đến các mệnh lệnh công bình của Đức Chúa Trời là hệ trọng?

25 Phần này trong lời tiên tri của Ê-sai nhấn mạnh việc Đức Giê-hô-va dạy để chúng ta được ích. Thật là hệ trọng để chúng ta cẩn thận chú ý đến các mệnh lệnh công bình của Đức Chúa Trời. (Khải-huyền 15:2-4) Nếu chúng ta nhớ đến sự khôn ngoan và tình yêu thương của Đức Chúa Trời thì điều này sẽ giúp chúng ta sống phù hợp với những gì Đức Giê-hô-va xem là công bình. Tất cả các mệnh lệnh của Ngài đều có lợi cho chúng ta.—Ê-sai 48:17, 18.

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung/​Hình nơi trang 133]

Đức Chúa Trời Toàn Năng tự chủ

Đức Giê-hô-va nói với dân Y-sơ-ra-ên bội đạo: “Ta... tạm nhịn giận...; nhịn-nhục đối với ngươi”. (Ê-sai 48:9) Những lời như thế giúp chúng ta thấy Đức Chúa Trời nêu gương tuyệt hảo trong việc không bao giờ lạm quyền. Sự thật là không ai có quyền năng lớn hơn Đức Chúa Trời. Đó là lý do tại sao chúng ta gọi Ngài là Đấng Toàn Quyền, Đấng Toàn Năng. Ngài có quyền áp dụng tước hiệu “toàn-năng” cho chính Ngài. (Sáng-thế Ký 17:1) Không những Ngài có sức mạnh vô hạn mà còn có toàn quyền vì Ngài ở địa vị Chúa Tối Thượng của hoàn vũ mà Ngài dựng nên. Đó là lý do tại sao không ai có thể dám cản tay Ngài hoặc nói: “Ngài làm chi vậy?”—Đa-ni-ên 4:35.

Tuy nhiên, Đức Chúa Trời chậm giận, ngay cả khi cần biểu lộ quyền năng chống lại kẻ thù của Ngài. (Na-hum 1:3) Đức Giê-hô-va có thể “nhịn giận” và được miêu tả một cách đúng đắn là “chậm giận” bởi vì tình yêu thương—chứ không phải giận dữ—là đức tính nổi bật của Ngài. Cơn giận của Ngài, khi phát ra, luôn luôn công bình, luôn luôn chính đáng và luôn luôn được kiểm soát.—Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6; 1 Giăng 4:8.

Tại sao Đức Giê-hô-va lại hành động theo cách này? Bởi vì Ngài dung hòa một cách tuyệt hảo quyền năng vô hạn với ba đức tính chính yếu khác của Ngài—đó là khôn ngoan, công bình và yêu thương. Ngài luôn luôn dùng quyền năng phù hợp với các đức tính này.

[Hình nơi trang 122]

Thông điệp của Ê-sai về sự khôi phục cung cấp tia hy vọng cho những người Do Thái trung thành nơi xứ phu tù

[Các hình nơi trang 124]

Dân Do Thái có xu hướng gán các hành động của Đức Giê-hô-va cho thần tượng

1. Ishtar 2. Diềm bằng gạch tráng men trên Đường Rước Kiệu của Ba-by-lôn 3. Biểu tượng con rồng của Marduk

[Hình nơi trang 127]

Một “lò hoạn-nạn” có thể cho thấy động lực phụng sự của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va có trong sạch hay không

[Các hình nơi trang 128]

Tín đồ thật của Đấng Christ đã phải đương đầu với những hình thức bắt bớ ác độc