Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va làm tươi tỉnh thần linh của những kẻ khiêm nhường

Đức Giê-hô-va làm tươi tỉnh thần linh của những kẻ khiêm nhường

Chương Mười Tám

Đức Giê-hô-va làm tươi tỉnh thần linh của những kẻ khiêm nhường

Ê-sai 57:1-21

1. Đức Giê-hô-va bảo đảm gì, và những câu hỏi nào được nêu ra trong lời của Ngài?

“ĐẤNG cao-cả, ở nơi đời đời vô-cùng, danh Ngài là Thánh, có phán như vầy: Ta ngự trong nơi cao và thánh, với người có lòng ăn-năn đau-đớn và khiêm-nhường, đặng làm tươi-tỉnh thần-linh của những kẻ khiêm-nhường, và làm tươi-tỉnh lòng người ăn-năn đau-đớn”. (Ê-sai 57:15) Đấy là lời tiên tri Ê-sai viết vào thế kỷ thứ tám TCN. Vào lúc đó, điều gì đang xảy ra ở Giu-đa khiến cho thông điệp này trở thành vô cùng khích lệ? Những lời được soi dẫn trên giúp ích cho tín đồ Đấng Christ ngày nay như thế nào? Xem xét chương 57 sách Ê-sai sẽ giúp chúng ta trả lời những câu hỏi này.

“Các ngươi... hãy lại gần đây”

2. (a) Những lời nơi chương 57 sách Ê-sai dường như đã bắt đầu áp dụng khi nào? (b) Những người công bình trong thời Ê-sai ở trong tình trạng nào?

2 Phần này trong lời tiên tri của Ê-sai dường như áp dụng cho thời của ông. Hãy xem xét mức độ gian ác thời đó: “Người công-bình chết, chẳng ai để ý đến; người nhân-đức bị cất đi, chẳng ai suy-nghĩ rằng người công-bình bị cất đi khỏi tai-vạ hầu đến. Người vào trong sự bình-an. Mỗi người đi trong đường ngay-thẳng, thì được an-nghỉ nơi giường mình”. (Ê-sai 57:1, 2) Nếu một người công bình ngã, chẳng ai quan tâm. Họ chết yểu, cũng chẳng ai để ý. Cái chết đem bình an cho người, giải thoát người khỏi đau khổ do kẻ không tin kính gây ra, và người thoát được tai ương. Dân riêng của Đức Chúa Trời đã chìm đắm trong một tình trạng tệ hại. Nhưng những người tiếp tục trung thành hẳn cảm thấy vô cùng khích lệ khi biết Đức Giê-hô-va không những nhìn thấy những gì đang xảy ra mà còn nâng đỡ họ nữa!

3. Đức Giê-hô-va nói với thế hệ Giu-đa gian ác như thế nào, và tại sao?

3 Đức Giê-hô-va gọi thế hệ gian ác Giu-đa đến và phán: “Nhưng các ngươi, là con trai của bà-bóng, dòng-dõi của kẻ gian-dâm và người đĩ-thõa kia, hãy lại gần đây!” (Ê-sai 57:3) Dân Giu-đa đã bị ô danh, hệt như con trai của bà bóng, dòng dõi của kẻ gian dâm và đĩ điếm. Họ quay sang sự thờ phượng giả gớm ghiếc bao gồm việc thờ hình tượng, ma thuật cũng như thực hành dâm dục vô luân. Bởi thế, những kẻ tội lỗi này đã bị Đức Giê-hô-va hạch hỏi : “Các ngươi nhạo-cười ai? Các ngươi há miệng rộng và lè lưỡi nghịch cùng ai? Các ngươi há chẳng phải con-cái bội-nghịch, dòng-dõi nói dối sao? Các ngươi hành-dâm với nhau trong cây dẻ, dưới cây rậm, giết con-cái nơi trũng, dưới lỗ nẻ vầng đá!”—Ê-sai 57:4, 5.

4. Những kẻ gian ác ở Giu-đa phạm tội gì?

4 Những kẻ gian ác trong Giu-đa công khai thực hành sự thờ phượng ghê tởm của dân ngoại và “nhạo-cười”. Chúng chế giễu và khinh bỉ các nhà tiên tri được Đức Chúa Trời sai đến để sửa sai. Chúng lè lưỡi với cử chỉ trơ trẽn và bất kính. Mặc dù là con cháu Áp-ra-ham, nhưng đường lối phản nghịch đã biến chúng thành con cái phạm pháp, dòng dõi nói dối. (Ê-sai 1:4; 30:9; Giăng 8:39, 44) Giữa những cây rậm rạp ở vùng quê, họ cuồng nhiệt cổ vũ sự thờ hình tượng. Một sự thờ phượng tàn bạo biết bao! Tàn bạo đến độ giết ngay cả con cái của chính mình, giống như các nước đã bị Đức Giê-hô-va đuổi khỏi đất vì lối sống ghê tởm ấy!—1 Các Vua 14:23; 2 Các Vua 16:3, 4; Ê-sai 1:29.

Dâng của-lễ chay cho đá

5, 6. (a) Dân Giu-đa đã chọn lựa gì thay vì thờ phượng Đức Giê-hô-va? (b) Tại Giu-đa, sự thờ hình tượng đã trở thành công khai và thịnh hành như thế nào?

5 Hãy xem dân Giu-đa đã chìm đắm trong sự thờ hình tượng như thế nào: “Những đá bóng-láng nơi khe-suối, tức là phần riêng ngươi; thật, đó là phần ngươi; nên ngươi làm lễ quán và dâng của-lễ chay cho những đá đó! Ta há chẳng giận về những sự đó sao?” (Ê-sai 57:6) Tuy ở trong giao ước với Đức Chúa Trời, nhưng dân Do Thái thay vì thờ phượng Ngài, lại lấy đá dưới lòng sông làm chúa mình. Đa-vít từng tuyên bố Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp của ông, còn những kẻ tội lỗi này lại chọn tượng bằng đá vô tri vô giác làm phần số của mình và dâng của-lễ chay cho chúng. (Thi-thiên 16:5; Ha-ba-cúc 2:19) Sự thờ phượng sai lầm này của dân mang danh Ngài có thể nào làm hài lòng Đức Giê-hô-va không?

6 Dân Giu-đa phạm tội thờ hình tượng khắp nơi—dưới những cây rậm rạp, trong thung lũng có suối nước, trên đồi, trong các thành. Nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy tất cả và qua Ê-sai, Ngài phơi trần sự đồi bại của họ: “Ngươi đặt giường trên núi rất cao, và lên đó đặng dâng của-lễ. Ngươi đặt dấu-ghi đằng sau cửa và sau các trụ cửa”. (Ê-sai 57:7, 8a) Trên những nơi cao, dân Giu-đa làm cho mình cái giường ô uế về thiêng liêng, và tại đó dâng của-lễ hy sinh cho các thần của dân ngoại. * Ngay tại nhà riêng cũng có hình tượng ở đằng sau cửa và trụ cửa.

7. Dân Giu-đa thực hành sự thờ phượng vô luân với tinh thần nào?

7 Một số người có thể thắc mắc vì sao dân Giu-đa lại vướng sâu vào sự thờ phượng ô uế. Phải chăng thế lực nào đó mạnh mẽ hơn đã buộc họ từ bỏ Đức Giê-hô-va? Câu trả lời là không. Họ tự ý hăm hở làm điều đó. Đức Giê-hô-va phán: “Khuất mặt Ta, ngươi đã lột trần, ngươi lên giường, cái giường ngươi đã nới rộng; ngươi đã giao kèo hưởng lợi với những kẻ ngươi yêu thích nằm giường với chúng, nhìn vào ám hiệu [“bộ phận sinh dục đàn ông”, “NW”]”. (Ê-sai 57:8b, “NTT”) Dân Giu-đa đã lập giao ước với các thần giả, và họ ưa thích mối quan hệ bất chánh với chúng. Họ đặc biệt thích những thực hành dâm dục vô luân—có thể gồm cả việc dùng biểu tượng dương vật—vốn là đặc điểm của sự thờ những thần này!

8. Tại Giu-đa, sự thờ hình tượng đặc biệt phát triển dưới thời vua nào?

8 Sự miêu tả việc thờ hình tượng cực kỳ vô luân và tàn nhẫn nói trên phù hợp với những gì chúng ta biết về một vài vua gian ác của Giu-đa. Chẳng hạn, Ma-na-se đã xây những nơi cao, dựng bàn thờ cho Ba-anh, và lập bàn thờ cho thần giả nơi hai sân của đền thờ. Ông dâng các con trai qua lửa, thực hành ma thuật, bói toán và cổ vũ đồng bóng. Vua Ma-na-se cũng để trong đền Đức Giê-hô-va một cột thánh có tượng chạm do ông làm ra. * Ông quyến dụ dân Giu-đa “làm gian-ác hơn các dân-tộc mà Đức Giê-hô-va đã tuyệt-diệt”. (2 Các Vua 21:2-9) Một số người cho rằng chính Ma-na-se đã giết Ê-sai mặc dù tên của Ma-na-se không xuất hiện nơi Ê-sai 1:1.

“Ngươi... đã sai sứ-giả mình đi”

9. Tại sao Giu-đa sai sứ giả đi “phương xa”?

9 Dân Giu-đa không phải chỉ phạm tội thờ thần giả. Dùng Ê-sai làm người phát ngôn, Đức Giê-hô-va phán: “Ngươi đã đem dầu và gia-thêm hương-liệu dâng cho vua kia [“Mê-lác”, “NW”]; đã sai sứ-giả mình đi phương xa; đã hạ mình xuống đến Âm-phủ!” (Ê-sai 57:9) Vương quốc Giu-đa bất trung đến với “Mê-lác”, nghĩa là “vua” trong tiếng Do Thái—có thể là vua của một nước ngoại bang—và dâng cho ông ta những lễ vật hấp dẫn và mắc tiền, tượng trưng bằng dầu và hương liệu thơm. Giu-đa cũng sai sứ thần đến các nơi xa. Để làm gì? Để thuyết phục các nước Dân Ngoại liên minh chính trị với mình. Từ bỏ Đức Giê-hô-va, Giu-đa đặt sự tin cậy nơi các vua ngoại bang.

10. (a) Vua A-cha mưu cầu đồng minh với vua A-si-ri như thế nào? (b) Giu-đa “hạ mình xuống đến Âm-phủ” theo nghĩa nào?

10 Điển hình là việc xảy ra dưới thời Vua A-cha. Cảm thấy bị đe dọa bởi liên minh Y-sơ-ra-ên và Sy-ri, vua Giu-đa bất trung ấy sai sứ giả đến Tiếc-la-Phi-ê-se III của A-si-ri, nói rằng: “Tôi là kẻ tôi-tớ vua, là con trai vua; hãy đi đến giải-cứu tôi khỏi tay vua Sy-ri và vua Y-sơ-ra-ên đã dấy lên cùng tôi”. A-cha lấy bạc và vàng hối lộ vua A-si-ri, và vua này nhận lời, mở một cuộc tấn công tàn phá Sy-ri. (2 Các Vua 16:7-9) Trong giao dịch với các nước Dân Ngoại, Giu-đa “hạ mình xuống đến Âm-phủ”. Vì sự giao dịch này, nó sẽ chết, hoặc không còn là một nước độc lập có vua nữa.

11. Giu-đa có cảm giác an ninh giả tạo nào?

11 Đức Giê-hô-va nói tiếp với Giu-đa: “Ngươi đã mệt-nhọc vì đường dài; mà chưa từng nói rằng: Ấy là vô-ích! Ngươi đã thấy sức-lực mình được phấn-chấn, cho nên ngươi chẳng mòn-mỏi”. (Ê-sai 57:10) Đúng vậy, nước này đã cực nhọc trong đường lối bội đạo, nhưng nó vẫn không hiểu rằng các nỗ lực ấy là vô vọng. Trái lại, nó lại tự lừa dối để tin rằng mình đang thành công với sức riêng. Nó cảm thấy cường tráng và mạnh khỏe. Thật dại dột biết bao!

12. Khối đạo tự xưng theo Đấng Christ và nước Giu-đa có tình trạng tương đồng nào?

12 Ngày nay cũng có một tổ chức mà hạnh kiểm khiến người ta liên tưởng đến hạnh kiểm dân Giu-đa vào thời Ê-sai. Khối đạo tự xưng theo Đấng Christ dùng tên Chúa Giê-su, nhưng họ lại liên minh với các nước và nơi thờ phượng của họ đầy dẫy hình tượng. Giáo dân họ thậm chí dựng hình tượng tại nhà riêng. Khối đạo tự xưng theo Đấng Christ đã hy sinh những người trai trẻ của mình trong các cuộc chiến tranh giữa các nước. Đức Chúa Trời hẳn gớm ghiếc tất cả những điều này biết bao, vì Ngài đã ban lệnh cho tín đồ Đấng Christ: “Hãy tránh khỏi sự thờ-lạy hình-tượng”! (1 Cô-rinh-tô 10:14) Vì can dự vào chính trị, khối đạo tự xưng theo Đấng Christ đã ‘phạm-tội tà-dâm với các vua trên đất’. (Khải-huyền 17:1, 2) Thật ra kẻ tà dâm này là kẻ ủng hộ chính của Liên Hiệp Quốc. Tương lai nào dành cho dâm phụ về tôn giáo này? Đức Giê-hô-va nói gì về nước Giu-đa bất trung, hình bóng của y thị vào thời xưa, được tượng trưng đặc biệt bởi thủ đô Giê-ru-sa-lem?

‘Các thần mà ngươi nhóm-họp sẽ không giải-cứu ngươi’

13. Dân Giu-đa “nói dối” như thế nào, và họ phản ứng ra sao trước sự kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va?

13 Đức Giê-hô-va hỏi: “Vậy thì ngươi kiêng ai? ngươi sợ ai, nên mới nói dối?” Một câu hỏi chí lý! Chắc chắn Giu-đa không biểu lộ sự kính sợ lành mạnh đối với Đức Giê-hô-va. Nếu có, nó đã không trở thành một dân tộc nói dối, những kẻ thờ thần giả. Đức Giê-hô-va phán tiếp: “Nên mới không nhớ đến ta, và không lo đến sự đó? Có phải tại lâu nay ta làm thinh mãi, nên ngươi không kính-sợ ta chăng?” (Ê-sai 57:11) Đức Giê-hô-va đã làm thinh, không phạt dân Giu-đa ngay. Giu-đa có biết ơn về điều này không? Không, thay vì thế, dân này lại coi sự kiên nhẫn của Đức Chúa Trời như một sự thiếu quan tâm. Họ đã mất hẳn lòng kính sợ Ngài.

14, 15. Đức Giê-hô-va nói gì về những việc làm của dân Giu-đa và ‘các thần mà họ đã nhóm-họp’?

14 Tuy nhiên, giai đoạn nhịn nhục của Đức Chúa Trời sẽ chấm dứt. Hướng tới thời điểm đó, Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Nầy, chính ta sẽ rao sự công-bình ngươi, mọi việc ngươi làm đều là không ích cho ngươi. Khi ngươi sẽ kêu, hết thảy các thần mà ngươi đã nhóm-họp hãy giải-cứu ngươi! Gió sẽ đùa các thần ấy đi, một cái thở là làm mất hết thảy”. (Ê-sai 57:12, 13a) Đức Giê-hô-va sẽ phơi bày sự công bình giả tạo của dân Giu-đa. Các việc làm giả hình của họ sẽ chẳng ích gì. ‘Các thần mà họ đã nhóm-họp’, tức thần tượng họ có trong tay, sẽ chẳng giải cứu được họ. Khi tai họa đến, chỉ một cơn gió thoảng cũng đủ cuốn bay các thần mà họ tin cậy.

15 Lời của Đức Giê-hô-va đã ứng nghiệm vào năm 607 TCN. Đó là khi vua Ba-by-lôn là Nê-bu-cát-nết-sa phá hủy Giê-ru-sa-lem, đốt cháy đền thờ, và bắt phần lớn dân cư làm phu tù. “Như vậy, dân Giu-đa bị bắt đem đi khỏi xứ mình”.—2 Các Vua 25:1-21.

16. Điều gì sẽ xảy ra cho khối đạo tự xưng theo Đấng Christ và các thành phần khác của “Ba-by-lôn Lớn”?

16 Tương tự như vậy, vô số hình tượng của khối đạo tự xưng theo Đấng Christ sẽ không giải cứu được y thị trong ngày thịnh nộ của Đức Giê-hô-va. (Ê-sai 2:19-22; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-10) Cùng với các thành phần khác của “Ba-by-lôn Lớn”—đế quốc tôn giáo giả thế giới—khối đạo tự xưng theo Đấng Christ sẽ bị hủy diệt. Con thú tượng trưng có sắc đỏ sậm và mười sừng “sẽ bóc-lột cho [Ba-by-lôn Lớn] lõa-lồ, ăn thịt nó và thiêu nó bằng lửa”. (Khải-huyền 17:3, 16, 17) Chúng ta sung sướng biết bao vì đã vâng theo lệnh: “Hỡi dân ta, hãy ra khỏi Ba-by-lôn, kẻo các ngươi dự phần tội-lỗi với nó, cũng chịu những tai-họa nó nữa chăng”! (Khải-huyền 18:4, 5) Mong sao chúng ta vĩnh viễn quay lưng với y thị, hay với đường lối của y thị.

“Kẻ nào ẩn-náu nơi ta, sẽ hưởng đất nầy”

17. Đức Giê-hô-va hứa điều gì cho ‘kẻ nào ẩn-náu nơi Ngài’, và khi nào điều này được thực hiện?

17 Thế còn những lời tiên tri kế tiếp của Ê-sai thì sao? “Kẻ nào ẩn-náu nơi ta, sẽ hưởng đất nầy, và được hòn núi thánh của ta làm cơ-nghiệp”. (Ê-sai 57:13b) Đức Giê-hô-va đang nói với ai lúc này đây? Ngài đang nghĩ đến những gì xảy ra sau cơn đại nạn sắp đến và báo trước cuộc giải phóng dân Ngài khỏi Ba-by-lôn, cùng việc tái lập sự thờ phượng thanh sạch trên Giê-ru-sa-lem, núi thánh Ngài. (Ê-sai 66:20; Đa-ni-ên 9:16) Thật là một nguồn an ủi cho bất cứ người Do Thái trung thành nào! Ngoài ra, Đức Giê-hô-va phán: “Người sẽ nói rằng: Hãy đắp đường, hãy đắp đường! Hãy ban cho bằng! hãy cất lấy sự ngăn-trở khỏi đường dân ta!” (Ê-sai 57:14) Vào thời điểm Đức Chúa Trời giải thoát dân Ngài, mọi chướng ngại trên đường sẽ bị dẹp bỏ.—2 Sử-ký 36:22, 23.

18. Sự cao cả của Đức Giê-hô-va được miêu tả ra sao, thế nhưng Ngài bày tỏ sự quan tâm đầy yêu thương nào?

18 Đến đây, nhà tiên tri Ê-sai thuật lại những lời được trích dẫn nơi đầu bài: “Đấng cao-cả, ở nơi đời đời vô-cùng, danh Ngài là Thánh, có phán như vầy: Ta ngự trong nơi cao và thánh, với người có lòng ăn-năn đau-đớn và khiêm-nhường, đặng làm tươi-tỉnh thần-linh của những kẻ khiêm-nhường, và làm tươi-tỉnh lòng người ăn-năn đau-đớn”. (Ê-sai 57:15) Ngôi của Đức Giê-hô-va ở các tầng trời cao nhất. Không có địa vị nào cao cả hơn. Chúng ta được khích lệ xiết bao khi biết rằng từ trên trời, Ngài nhìn thấy mọi sự—không chỉ tội lỗi của kẻ ác mà cả các việc công bình của người cố gắng phụng sự Ngài! (Thi-thiên 102:19; 103:6) Ngoài ra, Ngài lắng nghe tiếng kêu rên của những người bị áp bức và làm tươi tỉnh lòng của người đau đớn. Những lời này hẳn đã động đến lòng những người Do Thái biết ăn năn thời xưa. Chắc chắn cũng động đến lòng chúng ta ngày nay.

19. Khi nào Đức Giê-hô-va nguôi cơn giận?

19 Chúng ta cũng được an ủi qua những lời kế tiếp của Đức Giê-hô-va: “Ta chẳng muốn cãi lẽ đời đời, cũng chẳng tức-giận mãi mãi; vì thần-linh sẽ mòn-mỏi trước mặt ta, và các linh-hồn mà ta đã dựng nên cũng vậy”. (Ê-sai 57:16) Không một tạo vật nào của Đức Chúa Trời có thể sống còn nếu Đức Giê-hô-va không nguôi cơn giận. Mừng thay cơn giận Ngài chóng qua, và nguôi đi khi đã hoàn tất mục tiêu. Sự hiểu biết sâu sắc này đến từ Đức Chúa Trời, giúp chúng ta phát triển lòng biết ơn sâu xa về tình yêu thương của Ngài đối với các tạo vật.

20. (a) Đức Giê-hô-va đối xử ra sao với người phạm tội không ăn năn? (b) Đức Giê-hô-va an ủi những người biết ăn năn như thế nào?

20 Những lời kế tiếp của Đức Giê-hô-va giúp chúng ta hiểu rõ hơn. Trước hết Ngài phán: “Ấy là vì tội tham-lam của nó mà ta giận, và đánh nó. Trong cơn giận, ta đã ẩn mặt ta với nó; nhưng nó cứ trở lui đi, theo con đường của lòng mình”. (Ê-sai 57:17) Những tội phạm bởi lòng tham lam trêu cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Càng nuôi lòng phản nghịch, họ càng trêu cơn giận Ngài. Nhưng nếu người phản nghịch chấp nhận sự sửa phạt thì sao? Lúc đó Đức Giê-hô-va sẽ cho thấy tình yêu thương và lòng thương xót của Ngài thúc đẩy Ngài hành động như thế nào: “Ta đã xem-thấy đường-lối nó, ta sẽ chữa lành cho; sẽ dắt-đưa và thưởng cho nó sự yên-ủi, cùng cho những kẻ lo buồn với nó”. (Ê-sai 57:18) Sau khi sửa phạt, Đức Giê-hô-va chữa lành người biết ăn năn, an ủi người và những ai đau buồn với người. Đó là lý do khiến dân Do Thái có thể được hồi hương vào năm 537 TCN. Đành rằng Giu-đa không bao giờ còn là một vương quốc dưới sự cai trị của một vua thuộc dòng tộc Đa-vít nữa, nhưng đền thờ ở Giê-ru-sa-lem được tái thiết và sự thờ phượng thật được tái lập.

21. (a) Đức Giê-hô-va đã hồi sinh tín đồ xức dầu của Đấng Christ vào năm 1919 như thế nào? (b) Mỗi người chúng ta cần vun trồng đức tính nào?

21 Vào năm 1919, Đức Giê-hô-va, “Đấng cao-cả” đã quan tâm đến sự an toàn của những người xức dầu còn sót lại. Vì họ ăn năn, hạ mình xuống nên Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời cao cả, đã nhân từ để ý đến sự khốn khổ của họ và đã giải thoát họ khỏi sự cầm tù của Ba-by-lôn. Ngài dẹp bỏ mọi trở ngại và dẫn họ tới sự tự do để rồi họ có thể dâng cho Ngài sự thờ phượng thanh sạch. Do đó, lời của Đức Giê-hô-va phán qua Ê-sai được ứng nghiệm vào lúc đó. Đằng sau những lời này là các nguyên tắc áp dụng mãi mãi cho mỗi người chúng ta. Đức Giê-hô-va chỉ chấp nhận sự thờ phượng của người khiêm nhường. Và nếu một tôi tớ nào của Đức Chúa Trời phạm tội, người ấy nên mau mắn nhận tội, chấp nhận sự sửa trị, và sửa chữa đường lối của mình. Mong sao chúng ta luôn nhớ rằng Đức Giê-hô-va chữa lành và an ủi người khiêm nhường, nhưng “chống-cự kẻ kiêu-ngạo”.—Gia-cơ 4:6.

“Bình-an cho kẻ ở xa cùng cho kẻ ở gần”

22. Đức Giê-hô-va báo trước tương lai nào cho (a) người biết ăn năn? (b) kẻ ác?

22 Đối chiếu tương lai của những người biết ăn năn và của những kẻ cứ ngoan cố trong đường lối gian ác, Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Ta dựng nên trái của môi-miếng: bình-an, bình-an cho kẻ ở xa cùng cho kẻ ở gần; ta sẽ chữa lành kẻ ấy. Song những kẻ ác giống như biển đương động, không yên-lặng được, thì nước nó chảy ra bùn-lầy... Những kẻ gian-ác chẳng hưởng sự bình-an”.—Ê-sai 57:19-21.

23. Trái của môi miếng là gì, và Đức Giê-hô-va “dựng nên” trái này bằng cách nào?

23 Trái của môi miếng là của-lễ hy sinh bằng lời ngợi khen dâng cho Đức Chúa Trời—đó là công bố danh Ngài. (Hê-bơ-rơ 13:15) Đức Giê-hô-va “dựng nên” sự công bố đó như thế nào? Để dâng của-lễ hy sinh bằng lời ngợi khen, một người trước tiên phải học về Đức Chúa Trời rồi đặt đức tin nơi Ngài. Đức tin—một bông trái của thánh linh Đức Chúa Trời—sẽ thúc đẩy người đó nói với người khác những gì mình học được. Nói cách khác, người ấy làm nhiệm vụ công bố. (Rô-ma 10:13-15; Ga-la-ti 5:22) Cũng nên nhớ rằng chính Đức Giê-hô-va là Đấng tối hậu giao cho tôi tớ Ngài sứ mạng khen ngợi Ngài. Và Đức Giê-hô-va chính là Đấng giải phóng dân Ngài, giúp họ dâng của-lễ bằng lời ngợi khen như thế. (1 Phi-e-rơ 2:9) Bởi vậy, thật chính đáng khi nói rằng Đức Giê-hô-va dựng nên trái của môi miếng.

24. (a) Ai nếm biết sự bình an của Đức Chúa Trời, và kết quả là gì? (b) Ai không có bình an, và hậu quả là gì cho chúng?

24 Khi dân Do Thái trở về quê hương dâng bông trái của môi miếng bằng lời ca hát ngợi khen Đức Giê-hô-va thì quả là hào hứng biết bao! Họ hẳn vui mừng nếm biết sự bình an của Đức Chúa Trời, dù “ở xa”—cách xa Giu-đa, vẫn đang đợi trở về—hoặc “ở gần”, tức đã có mặt ở quê hương rồi. Còn với kẻ ác, tình trạng thật trái ngược! Bất cứ người nào không hưởng ứng sự sửa phạt của Đức Giê-hô-va, dù là ai và ở nơi nào mặc lòng, những kẻ gian ác này đều không có bình an. Như biển động luôn sôi sục, chúng liên tiếp sinh ra, không phải trái của môi miếng, nhưng “bùn-lầy”, tức mọi điều dơ dáy.

25. Nhiều người khắp nơi đang nếm được sự bình an như thế nào?

25 Ngày nay cũng vậy, những người thờ phượng Đức Giê-hô-va đâu đâu cũng công bố tin mừng về Nước Trời. Tín đồ Đấng Christ ở khắp nơi trong hơn 230 xứ dâng bông trái của môi miếng, rao vang lời ca ngợi Đức Chúa Trời có một và thật. “Từ nơi đầu-cùng đất”, tiếng hát ca ngợi của họ vang dội. (Ê-sai 42:10-12) Những ai nghe và hưởng ứng lời ca ngợi này sẽ đón nhận lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời là Kinh Thánh. Họ đang nếm được sự bình an nhờ phụng sự “Đức Chúa Trời bình-an”.—Rô-ma 16:20.

26. (a) Điều gì sẽ xảy ra cho kẻ ác? (b) Người hiền từ được hưởng lời hứa tuyệt diệu nào, và chúng ta nên cương quyết làm gì?

26 Thật vậy, kẻ gian ác không chú ý đến thông điệp Nước Trời. Tuy nhiên, chẳng bao lâu nữa, chúng sẽ không được phép quấy rối sự bình an của những người công bình nữa. Đức Giê-hô-va hứa: “Một chút nữa kẻ ác không còn”. Những ai ẩn náu nơi Đức Giê-hô-va sẽ nhận được đất làm cơ nghiệp bằng một cách tuyệt diệu. “Người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật”. (Thi-thiên 37:10, 11, 29) Trái đất của chúng ta lúc đó sẽ đẹp đẽ thay! Mong sao tất cả chúng ta cương quyết duy trì sự bình an của Đức Chúa Trời, để có thể hát khen ngợi Ngài cho đến đời đời.

[Chú thích]

^ đ. 6 Rất có thể chữ “giường” ám chỉ bàn thờ hoặc chỗ thờ thần ngoại giáo. Gọi nó là cái giường nhằm nhắc nhở rằng cách thờ phượng đó chính là sự mãi dâm về thiêng liêng.

^ đ. 8 Cột thánh có thể là biểu tượng của âm hộ người nữ, và trụ đá có thể là biểu tượng của dương vật. Dân Giu-đa bất trung đã dùng cả hai vật này.—2 Các Vua 18:4; 23:14, TTGM.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 263]

Dân Giu-đa thực hành sự thờ phượng vô luân dưới cây rậm

[Hình nơi trang 267]

Dân Giu-đa lập bàn thờ khắp nơi trong xứ

[Hình nơi trang 275]

“Ta dựng nên trái của môi-miếng”