Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va làm vinh hiển Đấng Mê-si, Tôi Tớ Ngài

Đức Giê-hô-va làm vinh hiển Đấng Mê-si, Tôi Tớ Ngài

Chương Mười Bốn

Đức Giê-hô-va làm vinh hiển Đấng Mê-si, Tôi Tớ Ngài

Ê-sai 52:13–53:12

1, 2. (a) Hãy minh họa tình trạng mà nhiều người Do Thái gặp phải vào đầu thế kỷ thứ nhất CN. (b) Đức Giê-hô-va đã cung cấp gì để giúp những người Do Thái trung thành nhận ra Đấng Mê-si?

HÃY tưởng tượng bạn phải gặp một nhân vật quan trọng. Giờ và nơi gặp đã sắp đặt xong. Nhưng có một vấn đề: Bạn không biết mặt ông như thế nào, và ông lại đến một cách bí mật, không kèn không trống. Vậy làm thế nào bạn có thể nhận ra ông? Nếu bạn có được một bản tả chi tiết về ông thì thật là hữu ích.

2 Vào đầu thế kỷ thứ nhất CN, nhiều người Do Thái đứng trước một hoàn cảnh tương tự. Họ đang trông đợi Đấng Mê-si—một nhân vật quan trọng nhất từ trước đến giờ. (Đa-ni-ên 9:24-27; Lu-ca 3:15) Nhưng làm sao những người Do Thái trung thành có thể nhận ra ngài? Qua các nhà tiên tri Hê-bơ-rơ, Đức Giê-hô-va đã mô tả chi tiết những biến cố liên quan đến Đấng Mê-si, giúp những người biết suy xét nhận diện được ngài mà không lầm lẫn.

3. Ê-sai 52:13–53:12 mô tả thế nào về Đấng Mê-si?

3 Trong số lời tiên tri phần tiếng Hê-bơ-rơ về Đấng Mê-si, có lẽ không lời nào cung cấp hình ảnh rõ ràng hơn những lời ghi nơi Ê-sai 52:13–53:12. Hơn 700 năm trước, dù không mô tả diện mạo của Đấng Mê-si nhưng Ê-sai đã cung cấp những chi tiết quan trọng hơn—lý do và cách ngài chịu đau đớn cùng các chi tiết rõ rệt về cái chết, sự chôn cất, và sự vinh quang của ngài. Việc xem xét lời tiên tri này cùng sự ứng nghiệm của nó sẽ làm ấm lòng và củng cố đức tin của chúng ta.

“Tôi-tớ ta” là ai?

4. Một số học giả Do Thái đưa ra những ý kiến nào để nhận diện “tôi-tớ”, nhưng tại sao không phù hợp với lời tiên tri của Ê-sai?

4 Ê-sai vừa mới nói về việc dân Do Thái được giải thoát khỏi cảnh phu tù ở Ba-by-lôn. Giờ đây hướng tới một biến cố trọng đại hơn nhiều, ông chép lại lời Đức Giê-hô-va: “Nầy, tôi-tớ ta sẽ làm cách khôn-ngoan [“hành động với sự thông sáng”, “NW”]; sẽ được tôn lên, dấy lên, và rất cao-trọng”. (Ê-sai 52:13) Vậy “tôi-tớ” này thật sự là ai? Trải qua nhiều thế kỷ, các học giả Do Thái đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Một số cho rằng tôi tớ đây đại diện cho toàn thể quốc gia Y-sơ-ra-ên trong thời gian lưu đày ở Ba-by-lôn. Nhưng cách giải thích này không phù hợp với lời tiên tri. Tôi Tớ Đức Chúa Trời tình nguyện chịu đau khổ. Mặc dù vô tội, Tôi Tớ này chịu khổ vì tội người khác. Sự mô tả này khó lòng thích hợp với nước Do Thái vốn vì tội lỗi mình mà bị lưu đày . (2 Các Vua 21:11-15; Giê-rê-mi 25:8-11) Những người khác thì lại cho rằng Tôi Tớ tượng trưng cho thiểu số ưu tú tự xem mình là công bình trong dân Y-sơ-ra-ên và những người này chịu khổ sở vì dân Y-sơ-ra-ên tội lỗi. Tuy nhiên, trong thời gian Y-sơ-ra-ên bị hoạn nạn, không có nhóm người rõ rệt nào chịu khổ vì người khác.

5. (a) Một số học giả Do Thái áp dụng lời tiên tri của Ê-sai như thế nào? (Xem cước chú). (b) Tôi Tớ được nhận diện rõ ràng như thế nào trong sách Công-vụ?

5 Trước khi đạo Đấng Christ ra đời và trong những thế kỷ đầu thuộc Công Nguyên, một số học giả Do Thái áp dụng lời tiên tri này cho Đấng Mê-si. Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp cho thấy sự áp dụng của họ là đúng. Sách Công-vụ tường thuật khi hoạn quan Ê-thi-ô-bi nói không biết danh tánh Tôi Tớ trong lời tiên tri của Ê-sai, Phi-líp liền “rao-giảng Đức Chúa Jêsus cho người”. (Công-vụ 8:26-40; Ê-sai 53:7, 8) Những sách khác trong Kinh Thánh cũng nhận diện Chúa Giê-su Christ là Đấng Mê-si, Tôi Tớ trong lời tiên tri của Ê-sai. * Khi thảo luận về lời tiên tri này, chúng ta sẽ thấy những điểm tương đồng hiển nhiên giữa đấng được Đức Giê-hô-va gọi là “tôi-tớ ta” và Chúa Giê-su người Na-xa-rét.

6. Lời tiên tri của Ê-sai cho thấy Đấng Mê-si sẽ thành công trong việc thực thi ý muốn của Đức Chúa Trời như thế nào?

6 Lời tiên tri bắt đầu bằng việc mô tả sự thành công cuối cùng của Đấng Mê-si trong việc thực thi ý muốn Đức Chúa Trời. Từ ngữ “tôi-tớ” cho thấy người sẽ phục tùng ý muốn Đức Chúa Trời, như tôi tớ phục tùng ý muốn chủ. Khi làm thế, ngài “sẽ hành động với sự thông sáng”. Thông sáng là khả năng thấy thông suốt một tình huống. Hành động với sự thông sáng là hành động thận trọng. Về động từ Hê-bơ-rơ dùng ở đây, một sách tham khảo bình luận: “Nghĩa chính của nó là thận trọng và khôn ngoan trong việc xử sự. Người nào xử sự khôn ngoan sẽ thành công”. Đấng Mê-si nhất định sẽ thành công vì lời tiên tri nói ngài sẽ “được tôn lên, dấy lên, và rất cao-trọng”.

7. Chúa Giê-su Christ “hành động với sự thông sáng” như thế nào, và được “tôn lên, dấy lên, và rất cao-trọng” như thế nào?

7 Chúa Giê-su đã “hành động với sự thông sáng”, cho thấy ngài biết những lời tiên tri trong Kinh Thánh áp dụng cho ngài, và hướng dẫn ngài để thực thi ý muốn của Cha ngài. (Giăng 17:4; 19:30) Kết quả là gì? Sau khi Chúa Giê-su sống lại và lên trời, “Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh”. (Phi-líp 2:9; Công-vụ 2:34-36) Rồi vào năm 1914, Chúa Giê-su vinh hiển được tôn lên cao hơn nữa. Đức Giê-hô-va nâng ngài lên ngôi Vua của Nước Đấng Mê-si. (Khải-huyền 12:1-5) Đúng vậy, ngài được “tôn lên, dấy lên, và rất cao-trọng”.

“Thấy ngươi mà lấy làm lạ”

8, 9. Khi Chúa Giê-su cao trọng đến để thi hành sự phán xét, các nhà cai trị trên đất sẽ phản ứng thế nào và tại sao?

8 Các dân và các nhà cai trị của họ phản ứng thế nào đối với Đấng Mê-si cao trọng? Nếu tạm bỏ qua phần nằm trong ngoặc đơn ở cuối câu 14 thì lời tiên tri đọc: “Như nhiều kẻ thấy ngươi mà lấy làm lạ... thì cũng vậy người sẽ vảy-rửa nhiều dân, [“làm cho muôn dân phải sững sờ”, “TTGM”] và các vua ngậm miệng lại vì người; vì họ sẽ thấy điều chưa ai nói cho mình, và sẽ hiểu-biết điều mình chưa hề nghe”. (Ê-sai 52:14a, 15) Bằng những lời này, Ê-sai mô tả, không phải sự xuất hiện lần đầu của Đấng Mê-si, nhưng sự đối đầu cuối cùng của ngài với các nhà cai trị trên đất.

9 Khi Vua Giê-su cao trọng đến để thi hành sự phán xét trên hệ thống không tin kính này, các nhà cai trị trên đất sẽ ‘thấy người mà lấy làm lạ’. Đành rằng các nhà cai trị loài người sẽ không thấy được Chúa Giê-su vinh hiển theo nghĩa đen, nhưng họ sẽ thấy những bằng chứng hữu hình về quyền năng của ngài với tư cách Chiến Sĩ trên trời của Đức Giê-hô-va. (Ma-thi-ơ 24:30) Họ buộc phải lưu ý đến những điều mà họ chưa hề nghe các nhà lãnh đạo tôn giáo nói đến—rằng Chúa Giê-su là Đấng Thi Hành sự phán xét của Đức Chúa Trời! Tôi Tớ cao trọng mà họ phải đương đầu sẽ hành động theo một cách thức họ không ngờ.

10, 11. Tại sao có thể nói Chúa Giê-su bị méo mó vào thế kỷ thứ nhất, và điều này cũng xảy ra ngày nay như thế nào?

10 Theo lời chú giải nằm trong ngoặc đơn nơi câu 14, Ê-sai nói: “Mặt-mày người xài-xể [“méo mó”, “NW”] lắm hơn kẻ nào khác, hình-dung xài-xể [“méo mó”, “NW”] hơn con trai loài người”. (Ê-sai 52:14b) Có phải thân thể Chúa Giê-su bị méo mó ít nhiều hay không? Không. Mặc dù Kinh Thánh không cho biết chi tiết về hình dáng Chúa Giê-su, nhưng hiển nhiên người Con hoàn toàn của Đức Chúa Trời có một bề ngoài và diện mạo đáng mến. Vậy những lời của Ê-sai hẳn ám chỉ sự nhục nhã mà Chúa Giê-su phải nếm trải. Ngài dạn dĩ vạch trần các nhà lãnh đạo tôn giáo vào thời ngài là những kẻ giả hình, nói dối và giết người; và họ đã phản ứng bằng cách làm nhục ngài. (1 Phi-e-rơ 2:22, 23) Họ buộc tội ngài là kẻ vi phạm luật pháp, phạm thượng, lừa dối và xúi giục nổi loạn chống La Mã. Do đó, những lời vu cáo này hoàn toàn làm méo mó hình ảnh về Chúa Giê-su.

11 Ngày nay sự trình bày sai lạc về Chúa Giê-su vẫn tiếp tục. Phần lớn người ta hình dung Chúa Giê-su như một bé sơ sinh trong máng cỏ, hoặc như một người khốn khổ bị đóng đinh trên cây thập tự, với nét mặt đau đớn quằn quại, trên đầu đội mão gai. Hàng giáo phẩm của khối đạo tự xưng theo Đấng Christ đã cổ vũ những quan điểm như thế. Họ đã không trình bày Chúa Giê-su là Vua trên trời đầy quyền năng mà các nước sẽ phải khai trình. Trong tương lai gần đây, các nhà cai trị loài người sẽ phải đương đầu với một Đấng Mê-si có “hết cả quyền-phép ở trên trời và dưới đất”!—Ma-thi-ơ 28:18.

Ai sẽ đặt đức tin vào tin mừng này?

12. Những lời nơi Ê-sai 53:1 gợi lên những câu hỏi thú vị nào?

12 Sau khi mô tả sự biến đổi lạ lùng của Đấng Mê-si—từ “méo mó” đến “rất cao-trọng”—Ê-sai hỏi: “Ai tin điều đã rao-truyền cho chúng ta, và cánh tay Đức Giê-hô-va đã được tỏ ra cho ai?” (Ê-sai 53:1) Những lời này của Ê-sai gợi lên những câu hỏi thú vị: Lời tiên tri này sẽ ứng nghiệm không? “Cánh tay Đức Giê-hô-va”, tượng trưng cho khả năng thi hành quyền lực của Ngài, có tỏ ra và có làm thành tựu những lời này không?

13. Phao-lô cho thấy lời tiên tri của Ê-sai được ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su như thế nào, nhưng có sự phản ứng nào?

13 Câu trả lời tất nhiên là có! Trong lá thư gửi cho người Rô-ma, Phao-lô trích những lời này của Ê-sai để cho thấy lời tiên tri mà Ê-sai nghe được và chép lại đã ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su. Sự vinh quang của Chúa Giê-su sau khi chịu đau đớn trên đất là tin mừng. Sứ đồ Phao-lô ám chỉ những người Do Thái không tin: “Nhưng chẳng phải mọi người đều nghe theo tin lành đâu vì Ê-sai có nói rằng: Lạy Chúa, ai tin lời chúng tôi rao-giảng? Như vậy, đức-tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao-giảng”. (Rô-ma 10:16, 17) Tuy nhiên, đáng buồn là vào thời của Phao-lô, ít người đặt đức tin nơi tin mừng về Tôi Tớ của Đức Chúa Trời. Tại sao vậy?

14, 15. Đấng Mê-si xuống đất trong bối cảnh nào?

14 Kế đó, lời tiên tri giải thích cho dân Y-sơ-ra-ên lý do có câu hỏi nơi câu 1, và khi làm thế, lời tiên tri làm sáng tỏ lý do tại sao nhiều người không chấp nhận Đấng Mê-si: “Người đã lớn lên trước mặt [một người quan sát] như một cái chồi, như cái rễ ra từ đất khô. Người chẳng có hình-dung [“oai vệ”, “NTT”], chẳng có sự đẹp-đẽ; khi chúng ta thấy người, không có sự tốt-đẹp cho chúng ta ưa-thích được”. (Ê-sai 53:2) Nơi đây chúng ta thấy được bối cảnh Đấng Mê-si xuống trái đất. Ngài có một khởi đầu thấp hèn và đối với người quan sát, dường như ngài sẽ chẳng nên vương tướng gì. Hơn nữa, ngài chỉ như một nhánh cây non, một chồi mỏng manh mọc trên thân hoặc cành của một cây. Ngài cũng như một rễ cây cần nước trên đất khô cằn. Và ngài không đến với nghi thức long trọng và vinh hiển dành cho vua—không vương phục cũng không vương miện lóng lánh. Thay vì thế, ngài khởi đầu tầm thường và khiêm tốn.

15 Quả là một sự diễn tả trung thực về sự khởi đầu khiêm tốn của Chúa Giê-su khi làm người! Người trinh nữ Do Thái Ma-ri sinh ngài trong một chuồng gia súc, ở một thị trấn nhỏ tên Bết-lê-hem. * (Lu-ca 2:7; Giăng 7:42) Vì nghèo nên khoảng 40 ngày sau khi sinh Chúa Giê-su, Ma-ri và chồng là Giô-sép đem của-lễ chuộc tội qui định cho người nghèo gồm “một cặp chim cu, hoặc chim bồ-câu con”. (Lu-ca 2:24; Lê-vi Ký 12:6-8) Với thời gian, Ma-ri và Giô-sép định cư tại Na-xa-rét, nơi đây Chúa Giê-su lớn lên trong một gia đình đông con, có lẽ trong hoàn cảnh khiêm tốn.—Ma-thi-ơ 13:55, 56.

16. Chúa Giê-su quả thật không có “hình-dung oai vệ” hoặc “sự đẹp-đẽ” như thế nào?

16 Là một người, Chúa Giê-su dường như đâm rễ không đúng chỗ. (Giăng 1:46; 7:41, 52) Mặc dù là người hoàn toàn và con cháu của Vua Đa-vít, nhưng hoàn cảnh khiêm tốn của ngài không tạo cho ngài “hình-dung oai vệ” hoặc “sự đẹp-đẽ” nào—ít nhất trước mắt những kẻ mong đợi Đấng Mê-si xuất thân từ một gốc gác danh giá. Bị các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo xúi giục, nhiều người không thèm chú ý, thậm chí còn khinh dể ngài nữa. Cuối cùng đám đông không còn thấy gì đáng chuộng nơi người Con hoàn toàn của Đức Chúa Trời.—Ma-thi-ơ 27:11-26.

“Bị người ta khinh-dể và chán-bỏ”

17. (a) Ê-sai bắt đầu mô tả gì, và tại sao ông viết trong thì quá khứ? (b) Ai là những kẻ “khinh-dể” và “chán-bỏ” Chúa Giê-su, và họ làm vậy như thế nào?

17 Bây giờ Ê-sai bắt đầu mô tả chi tiết Đấng Mê-si sẽ được người ta coi và đối xử như thế nào: “Người đã bị người ta khinh-dể và chán-bỏ, từng-trải sự buồn-bực, biết sự đau-ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì”. (Ê-sai 53:3) Vì tin chắc nơi sự ứng nghiệm của những lời mình viết nên Ê-sai dùng thì quá khứ như thể chúng đã xảy ra rồi. Chúa Giê-su Christ có thật bị người ta khinh dể và chán bỏ không? Quả thật có! Các nhà lãnh đạo tôn giáo tự cho mình là công bình và những người theo họ coi ngài như kẻ ghê tởm nhất trong loài người. Họ gọi ngài là bạn của phường thâu thuế và gái mãi dâm. (Lu-ca 7:34, 37-39) Họ nhổ vào mặt ngài. Họ đấm và mắng nhiếc ngài. Họ nhạo cười và chế giễu ngài. (Ma-thi-ơ 26:67) Bị ảnh hưởng bởi những kẻ thù này của lẽ thật, ‘dân của chính Chúa Giê-su không nhận lấy ngài’.—Giăng 1:10, 11.

18. Vì không hề đau ốm, vậy tại sao Chúa Giê-su lại là người “từng-trải sự buồn-bực, biết sự đau-ốm”?

18 Là một người hoàn toàn, Chúa Giê-su không đau ốm. Song, ngài “từng-trải sự buồn-bực, biết sự đau-ốm”. Đau đớn và bệnh hoạn đó không phải là của ngài. Chúa Giê-su từ trời xuống thế gian bệnh hoạn. Ngài sống giữa khổ sở và đau đớn, nhưng ngài không hề tránh né người bệnh hoạn về thể chất hay thiêng liêng. Giống một thầy thuốc chăm sóc chu đáo, ngài trở thành rất quen thuộc với nỗi đau khổ của những người quanh ngài. Hơn nữa, ngài có thể làm những điều mà không một y sĩ loài người nào có thể làm được.—Lu-ca 5:27-32.

19. Mặt ai bị “che”, và kẻ thù của Chúa Giê-su biểu lộ thái độ ‘coi ngài chẳng ra gì’ như thế nào?

19 Tuy nhiên, kẻ thù của Chúa Giê-su coi ngài là người mắc bệnh và họ không hề ưa chuộng ngài. Mặt ngài bị “che” để không ai thấy nhưng không phải vì ngài giấu mặt với kẻ khác. Nơi Ê-sai 53:3, Bản Diễn Ý dùng câu: “Loài người thấy ngài liền ngoảnh mặt”. Những kẻ chống đối Chúa Giê-su kinh tởm ngài đến độ họ ngoảnh mặt để khỏi thấy ngài, như thể ngài quá gớm ghiếc để nhìn. Họ cho ngài không đáng giá hơn một tên nô lệ. (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:32; Ma-thi-ơ 26:14-16) Họ coi ngài không bằng Ba-ra-ba là kẻ giết người. (Lu-ca 23:18-25) Thử hỏi họ còn có thể làm gì hơn để biểu lộ sự khinh miệt đối với Chúa Giê-su?

20. Những lời của Ê-sai đem lại sự an ủi nào cho dân Đức Giê-hô-va ngày nay?

20 Lời của Ê-sai có thể an ủi tôi tớ Đức Giê-hô-va ngày nay rất nhiều. Thỉnh thoảng, những kẻ chống đối có thể khinh dể người trung thành thờ phượng Đức Giê-hô-va hoặc đối xử với họ như thể họ không ra gì. Thế nhưng, cũng như trường hợp của Chúa Giê-su, điều thật sự quan trọng là Giê-hô-va Đức Chúa Trời đánh giá chúng ta như thế nào. Nói cho cùng, dù loài người ‘chẳng coi Chúa Giê-su ra gì’, nhưng điều này chắc chắn không làm giảm giá trị lớn lao mà Chúa Giê-su có trước mắt Đức Chúa Trời!

“Vì tội-lỗi chúng ta mà bị đâm”

21, 22. (a) Vì người khác, Đấng Mê-si đã phải mang và gánh lấy cái gì? (b) Nhiều người đã coi Đấng Mê-si như thế nào, và Ngài chịu đau đớn tột độ khi nào?

21 Tại sao Đấng Mê-si đã phải đau khổ và bị chết? Ê-sai giải thích: “Thật người đã mang sự đau-ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn-bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập [“giáng họa cho”, “NW”], và làm cho khốn-khổ. Nhưng người đã vì tội-lỗi chúng ta mà bị vết [“đâm”, “NTT”], vì sự gian-ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa-phạt người chịu chúng ta được bình-an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy: Đức Giê-hô-va đã làm cho tội-lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người”.—Ê-sai 53:4-6.

22 Đấng Mê-si đã mang bệnh tật của người khác và gánh lấy sự đau đớn của họ. Nói theo nghĩa bóng, ngài đã cất lấy gánh nặng của họ và đặt lên vai mình rồi gánh đi. Và vì bệnh tật và đau đớn là hậu quả của tình trạng tội lỗi của nhân loại nên Đấng Mê-si đã mang tội lỗi của người khác. Nhiều người không hiểu lý do khiến ngài phải chịu đau đớn và tin là ngài đã bị Đức Chúa Trời phạt, bị giáng một căn bệnh ghê tởm. * Sự đau đớn của Đấng Mê-si đã lên tới tột độ khi ngài bị đâm, bị hành hạ và bị thương tích—những lời mạnh mẽ này biểu thị một cái chết khốc liệt và đau đớn. Nhưng cái chết của ngài lại có quyền lực chuộc tội; nó cung cấp căn bản cho việc phục hồi những người sa vào tội lỗi, giúp họ tìm được sự bình an với Đức Chúa Trời.

23. Bằng cách nào Chúa Giê-su mang sự đau đớn của người khác?

23 Chúa Giê-su mang sự đau đớn của người khác như thế nào? Sách Phúc Âm Ma-thi-ơ, trích Ê-sai 53:4, nói: “Người ta đem cho Đức Chúa Jêsus nhiều kẻ bị quỉ ám, Ngài lấy lời nói mà đuổi quỉ ra; cũng chữa được hết thảy những người bịnh, vậy cho được ứng-nghiệm lời của Đấng tiên-tri Ê-sai đã nói rằng: Chính Ngài đã lấy tật-nguyền của chúng ta, và gánh bịnh-hoạn của chúng ta”. (Ma-thi-ơ 8:16, 17) Qua việc chữa lành những người bị bệnh tật khác nhau đến với ngài, Chúa Giê-su thực sự đã gánh lấy sự đau đớn của họ. Và những sự chữa lành đó đã lấy đi mất sinh lực của ngài. (Lu-ca 8:43-48) Khả năng chữa lành mọi loại tật bệnh—thể chất và thiêng liêng—chứng tỏ ngài được ban quyền phép để rửa sạch người ta khỏi tội lỗi.—Ma-thi-ơ 9:2-8.

24. (a) Tại sao đối với nhiều người, dường như Chúa Giê-su bị Đức Chúa Trời “giáng họa cho”? (b) Tại sao Chúa Giê-su bị đau khổ và chết?

24 Thế nhưng, đối với nhiều người dường như Chúa Giê-su bị Đức Chúa Trời “giáng họa cho”. Nói cho cùng, ngài bị khổ sở do sự xúi giục của các nhà lãnh đạo tôn giáo được dân chúng kính trọng. Tuy nhiên, nên nhớ là ngài không hề khổ sở vì bất cứ tội nào của chính ngài. Phi-e-rơ nói: “Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài; Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối-trá; Ngài gánh tội-lỗi chúng ta trong thân-thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội-lỗi, được sống cho sự công-bình; lại nhân những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh”. (1 Phi-e-rơ 2:21, 22, 24) Tất cả chúng ta đều lạc đường vì là người có tội, “giống như con chiên lạc”. (1 Phi-e-rơ 2:25) Tuy nhiên, qua Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va cứu chúng ta khỏi tình trạng tội lỗi. Ngài khiến tội lỗi chúng ta “chất trên” Chúa Giê-su. Chúa Giê-su, vốn không hề phạm tội, sẵn lòng chịu hình phạt vì tội lỗi của chúng ta. Bởi cái chết nhục nhã trên cây khổ hình mà đáng lẽ ngài không phải chịu, ngài mở đường để chúng ta được hòa lại với Đức Chúa Trời.

‘Người chịu khốn-khổ’

25. Làm sao chúng ta biết Đấng Mê-si sẵn lòng chịu khổ và chết?

25 Đấng Mê-si có sẵn lòng chịu khổ và chết không? Ê-sai nói: “Người bị hiếp-đáp, nhưng khi chịu sự khốn-khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng”. (Ê-sai 53:7) Vào đêm cuối cùng trong đời, Chúa Giê-su có thể gọi “hơn mười hai đạo thiên-sứ” đến giúp ngài. Nhưng ngài phán: “Nếu vậy, thế nào cho ứng-nghiệm lời Kinh-thánh đã chép rằng việc nầy tất phải xảy đến?” (Ma-thi-ơ 26:53, 54) Thay vì thế, “Chiên con của Đức Chúa Trời” không hề chống cự. (Giăng 1:29) Khi các thầy tế lễ cả và các trưởng lão vu cáo ngài trước Phi-lát, Chúa Giê-su “không đối-đáp gì hết”. (Ma-thi-ơ 27:11-14) Ngài không muốn nói bất cứ điều gì có thể cản trở việc thực thi ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho ngài. Chúa Giê-su sẵn lòng chết như Chiên con hiến dâng làm của-lễ, hoàn toàn biết rõ rằng cái chết của ngài sẽ chuộc nhân loại biết vâng lời khỏi tội lỗi, bệnh tật và sự chết.

26. Các kẻ chống đối Chúa Giê-su đã “cầm giữ” như thế nào?

26 Bây giờ Ê-sai cung cấp thêm chi tiết về sự đau đớn và nhục nhã mà Đấng Mê-si phải chịu. Nhà tiên tri viết: “Bị cầm giữ và xét xử, người đã phải bắt bớ đem đi; nào ai bận tâm lo lắng cho số phận của [“dòng dõi”, “NW”] người? Quả thật, người đã bị trừ khử khỏi đất của những kẻ đang sống; người đã bị hành hạ đến chết vì tội lỗi chúng tôi”. (Ê-sai 53:8, “TVC”) Khi Chúa Giê-su cuối cùng bị kẻ thù bắt thì những nhà lãnh đạo tôn giáo chống đối này đã “cầm giữ” khi đối xử với ngài. Không phải họ cầm giữ để khỏi biểu lộ sự thù ghét nhưng họ cầm giữ, không cho thi hành công lý. Trong câu Ê-sai 53:8, bản Septuagint tiếng Hy Lạp dùng chữ “làm nhục” thay vì “cầm giữ”. Kẻ thù của Chúa Giê-su làm nhục ngài bằng cách không đối xử với ngài một cách vô tư, một sự đối xử mà một kẻ phạm tội thông thường cũng được hưởng. Cuộc xét xử Chúa Giê-su làm cho công lý thành trò hề. Bằng cách nào?

27. Khi xét xử Chúa Giê-su, các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo đã bỏ qua những luật lệ nào, và họ đã vi phạm Luật Pháp Đức Chúa Trời như thế nào?

27 Vì nhất quyết loại trừ Chúa Giê-su, các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo vi phạm chính luật pháp của họ. Theo truyền thống, Tòa Công Luận chỉ có thể xét xử một vụ án tử hình ở phòng xây bằng đá đẽo, tọa lạc trong khuôn viên đền thờ, chứ không phải ở nhà thầy tế lễ thượng phẩm. Cuộc xét xử đó phải diễn ra ban ngày, chứ không phải sau khi mặt trời lặn. Và trong vụ án tử hình, sau khi tranh luận kết thúc thì phán quyết phải được công bố vào ngày hôm sau. Do đó, không thể có phiên xử vào chiều tối trước ngày Sa-bát hoặc ngày lễ. Tất cả những luật lệ này bị cố tình bỏ qua trong vụ xét xử Chúa Giê-su. (Ma-thi-ơ 26:57-68) Tệ hơn nữa, các nhà lãnh đạo tôn giáo vi phạm trắng trợn Luật Pháp Đức Chúa Trời khi xử lý vụ kiện. Chẳng hạn, họ dùng đến hối lộ để đưa Chúa Giê-su vào bẫy. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:19; Lu-ca 22:2-6) Họ nghe người làm chứng dối. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:16; Mác 14:55, 56) Và họ âm mưu để thả một kẻ giết người, và do đó họ cũng như xứ họ phải lãnh tội làm đổ máu. (Dân-số Ký 35:31-34; Phục-truyền Luật-lệ Ký 19:11-13; Lu-ca 23:16-25) Do đó, vì không có sự “xét xử” nên không có phán quyết đúng đắn và vô tư.

28. Kẻ thù của Chúa Giê-su đã không xem xét điều gì?

28 Kẻ thù của Chúa Giê-su có tra cứu, xem người bị đem ra xét xử trước mặt họ thực sự là ai không? Ê-sai nêu một câu hỏi tương tự: “Ai bận tâm lo lắng cho số phận của dòng dõi người?” Từ ngữ “dòng dõi” có thể ám chỉ nguồn gốc hay gốc gác của một người. Khi xử Chúa Giê-su, các thành viên của Tòa Công Luận không hề xem xét gốc gác của ngài—ấy là ngài hội đủ các điều kiện của Đấng Mê-si được hứa từ trước. Thay vì thế, họ cáo buộc ngài là kẻ phạm thượng và tuyên bố ngài đáng chết. (Mác 14:64) Sau đó, quan tổng đốc La Mã Bôn-xơ Phi-lát đã đầu hàng trước áp lực và tuyên án đóng đinh Chúa Giê-su. (Lu-ca 23:13-25) Bởi thế, vào lúc mới 33 tuổi rưỡi, Chúa Giê-su bị “trừ khử” hay là bị chết giữa đời ngài.

29. Chúa Giê-su được chôn “với những kẻ ác” và “kẻ giàu” như thế nào?

29 Kế đó, Ê-sai viết về cái chết của Đấng Mê-si: “Người ta đã đặt mồ người với những kẻ ác, nhưng khi chết, người được chôn với kẻ giàu; dầu người chẳng hề làm điều hung-dữ và chẳng có sự dối-trá trong miệng”. (Ê-sai 53:9) Làm sao Chúa Giê-su bị chết với người ác và được chôn với người giàu được? Vào ngày 14 tháng Ni-san năm 33 CN, ngài chết trên cây khổ hình bên ngoài tường thành Giê-ru-sa-lem. Vì bị đóng đinh giữa hai tên trộm cướp, nên nói theo nghĩa bóng, ngài được chôn với kẻ ác. (Lu-ca 23:33) Tuy nhiên, sau khi Chúa Giê-su chết, Giô-sép, một người giàu có từ A-ri-ma-thê, đã can đảm xin Phi-lát cho phép đem xác ngài xuống để chôn. Cùng với Ni-cô-đem, Giô-sép ướp xác ngài rồi chôn trong một cái huyệt mới của ông. (Ma-thi-ơ 27:57-60; Giăng 19:38-42) Vì vậy, Chúa Giê-su được chôn với giới giàu có.

“Đức Giê-hô-va lấy làm vừa ý mà làm tổn-thương người”

30. Đức Giê-hô-va lấy làm vừa ý mà làm tổn thương Chúa Giê-su theo nghĩa nào?

30 Kế tiếp, Ê-sai nói một điều đáng ngạc nhiên: “Đức Giê-hô-va lấy làm vừa ý mà làm tổn-thương người, và khiến gặp sự đau-ốm. Sau khi đã dâng mạng-sống người làm tế [“của-lễ”, “NW”] chuộc tội, người sẽ thấy dòng-dõi mình; những ngày người sẽ thêm dài ra, và ý-chỉ Đức Giê-hô-va nhờ tay người được thạnh-vượng. Người sẽ thấy kết-quả của sự khốn-khổ linh-hồn mình, và lấy làm thỏa-mãn. Tôi-tớ công-bình của ta sẽ lấy sự thông-biết về mình làm cho nhiều người được xưng công-bình; và người sẽ gánh lấy tội-lỗi họ”. (Ê-sai 53:10, 11) Làm sao Đức Giê-hô-va có thể lấy làm vừa ý để xem tôi tớ trung thành này bị tổn thương? Rõ ràng Đức Giê-hô-va không đích thân giáng đau đớn xuống Con yêu dấu của Ngài. Kẻ thù của Chúa Giê-su phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì họ đã gây ra cho ngài. Nhưng Đức Giê-hô-va cho phép họ hành động độc ác. (Giăng 19:11) Vì lý do gì? Chắc chắn Đức Chúa Trời của sự thấu cảm và đầy lòng thương xót phải đau đớn lắm khi nhìn Con vô tội của Ngài bị khổ sở. (Ê-sai 63:9; Lu-ca 1:77, 78) Đức Giê-hô-va chắc chắn không bất bình với Chúa Giê-su về bất cứ điều gì. Dù vậy, Đức Giê-hô-va lấy làm vừa ý khi thấy Con Ngài sẵn lòng chịu khổ vì tất cả những ân phước nhờ đó mà có được.

31. (a) Đức Giê-hô-va đã dùng mạng sống của Chúa Giê-su để làm “của-lễ chuộc tội” như thế nào? (b) Sau mọi gian nan mà Chúa Giê-su đã trải qua khi làm người, ngài phải đặc biệt thỏa mãn về điều gì?

31 Trước hết, Đức Giê-hô-va dùng mạng sống của Chúa Giê-su làm “của-lễ chuộc tội”. Nhờ đó, khi trở về trời, Chúa Giê-su trình diện với Đức Giê-hô-va, mang theo giá trị mạng sống làm người của ngài đã hy sinh để làm của-lễ chuộc tội vì nhân loại, và Đức Giê-hô-va vui lòng chấp nhận của-lễ đó. (Hê-bơ-rơ 9:24; 10:5-14) Qua của-lễ chuộc tội, Chúa Giê-su nhận được “dòng-dõi”. Là “Cha Đời đời”, ngài có thể ban sự sống—sự sống đời đời—cho những người thực hành đức tin nơi huyết ngài đã đổ ra. (Ê-sai 9:5) Sau mọi gian nan mà Chúa Giê-su đã trải qua khi làm người, ngài hẳn thỏa mãn biết bao khi có được cơ hội giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết! Dĩ nhiên, ngài phải thỏa mãn hơn nữa khi biết rằng sự trung kiên của ngài đã giúp Cha ngài đáp lại sự phỉ báng của kẻ thù nghịch là Sa-tan Ma-quỉ.—Châm-ngôn 27:11.

32. Nhờ “sự thông-biết” nào Chúa Giê-su “làm cho nhiều người được xưng công-bình”, và ai được hưởng vị thế này?

32 Cái chết của Chúa Giê-su đem lại một ân phước khác là “làm cho nhiều người được xưng công-bình”, ngay cả bây giờ. Ê-sai nói ngài làm được như thế nhờ “sự thông-biết”. Rất có thể đây là sự thông biết mà Chúa Giê-su đã nhận được khi trở thành người, và khi vì vâng phục Đức Chúa Trời ngài phải chịu đau khổ một cách bất công. (Hê-bơ-rơ 4:15) Vì phải đau đớn cho đến chết, Chúa Giê-su có thể cung cấp sự hy sinh cần thiết để giúp người khác đạt được vị thế công bình. Ai sẽ được hưởng vị thế công bình này? Trước hết là các môn đồ được xức dầu của ngài. Vì thực hành đức tin nơi sự hy sinh của Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va xưng họ là công bình để nhận họ làm con và cho họ được đồng kế tự với Chúa Giê-su. (Rô-ma 5:19; 8:16, 17) Rồi, một đám đông “vô-số người” thuộc “chiên khác” thực hành đức tin nơi huyết Chúa Giê-su đã đổ ra và được hưởng một vị thế công bình với triển vọng là bạn Đức Chúa Trời và sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn.—Khải-huyền 7:9; 16:14, 16; Giăng 10:16; Gia-cơ 2:23, 25.

33, 34. (a) Chúng ta học được gì về Đức Giê-hô-va khiến chúng ta phấn khởi? (b) “Nhiều người” cùng với Đấng Mê-si nhận được “một phần” là ai?

33 Cuối cùng, Ê-sai mô tả sự chiến thắng của Đấng Mê-si: “Vậy nên ta sẽ chia phần cho người đồng với người lớn [“cho người một phần giữa nhiều người”, “NW”]. Người sẽ chia của-bắt với những kẻ mạnh, vì người đã đổ mạng-sống mình cho đến chết, đã bị kể vào hàng kẻ dữ, đã mang lấy tội-lỗi nhiều người, và cầu thay cho những kẻ phạm tội”.—Ê-sai 53:12.

34 Những câu kết trong phần này của lời tiên tri dạy chúng ta một điều về Đức Giê-hô-va khiến chúng ta phấn khởi. Ngài xem trọng những người trung thành với Ngài. Điều này được thể hiện qua lời Ngài hứa sẽ “chia” cho Đấng Mê-si, Tôi Tớ của Ngài, “một phần giữa nhiều người”. Những lời này dường như đến từ phong tục chia chiến lợi phẩm. Đức Giê-hô-va quý mến sự trung tín của “nhiều người” trung thành thuở xưa, trong đó có Nô-ê, Áp-ra-ham và Gióp, và Ngài đã dành riêng “một phần” cho họ trong thế giới sắp đến của Ngài. (Hê-bơ-rơ 11:13-16) Cũng vậy, Ngài sẽ chia một phần cho Đấng Mê-si, Tôi Tớ của Ngài. Đức Giê-hô-va quả thật sẽ không bỏ qua việc thưởng cho lòng trung kiên của Chúa Giê-su. Chúng ta cũng có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va sẽ không ‘bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương mà chúng ta đã tỏ ra vì danh Ngài’.—Hê-bơ-rơ 6:10.

35. Ai là “những kẻ mạnh” được Chúa Giê-su chia chiến lợi phẩm, và chiến lợi phẩm là gì?

35 Tôi Tớ của Đức Chúa Trời cũng sẽ được chiến lợi phẩm vì ngài chiến thắng kẻ thù của ngài. Ngài sẽ chia chiến lợi phẩm này với “những kẻ mạnh”. Trong sự ứng nghiệm, “những kẻ mạnh” này là ai? Họ là những môn đồ đầu tiên của Chúa Giê-su chiến thắng thế gian như ngài—tức 144.000 công dân của “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”. (Ga-la-ti 6:16; Giăng 16:33; Khải-huyền 3:21; 14:1) Vậy chiến lợi phẩm là gì? Nó rất có thể gồm “món quà dưới hình thức người”, mà Chúa Giê-su đoạt khỏi quyền kiểm soát của Sa-tan, và ban cho hội thánh tín đồ Đấng Christ. (Ê-phê-sô 4:8-12, NW) “Những kẻ mạnh” là 144.000 người cũng sẽ được ban một phần chiến lợi phẩm khác. Vì đã thắng thế gian nên họ đã làm cho Sa-tan không còn cơ sở nào để sỉ nhục Đức Chúa Trời nữa. Lòng trung thành không lay chuyển của họ đối với Đức Giê-hô-va khiến Ngài được tôn vinh và làm Ngài vui lòng.

36. Chúa Giê-su có biết ngài đã làm ứng nghiệm lời tiên tri về Tôi Tớ của Đức Chúa Trời không? Hãy giải thích.

36 Chúa Giê-su biết ngài đã làm ứng nghiệm lời tiên tri về Tôi Tớ của Đức Chúa Trời. Vào đêm bị bắt, ngài trích dẫn Ê-sai 53:12 và áp dụng cho mình: “Ta rao cho các ngươi, có lời chép rằng: Ngài đã bị kể vào hàng kẻ dữ. Lời ấy phải ứng-nghiệm về chính mình ta. Thật vậy, sự đã chỉ về ta hầu được trọn”. (Lu-ca 22:36, 37) Thật đáng buồn, Chúa Giê-su thật sự đã bị đối xử như một kẻ dữ. Ngài bị hành quyết như một kẻ phạm pháp, bị đóng đinh giữa hai kẻ cướp. (Mác 15:27) Thế nhưng, ngài sẵn lòng chịu sỉ nhục như thế, hoàn toàn ý thức rằng ngài chịu khổ vì chúng ta. Quả thật ngài đã đứng giữa kẻ phạm tội và án tử hình, và ngài đã nhận án đó cho ngài.

37. (a) Sự ghi chép có tính cách lịch sử về cuộc đời và cái chết của Chúa Giê-su giúp chúng ta nhận diện được gì? (b) Tại sao chúng ta nên biết ơn Đức Giê-hô-va và Tôi Tớ cao trọng của Ngài là Chúa Giê-su Christ?

37 Sự ghi chép có tính cách lịch sử về cuộc đời và cái chết của Chúa Giê-su giúp chúng ta nhận diện chính xác: Chúa Giê-su Christ là Đấng Mê-si, Tôi Tớ của Đức Chúa Trời trong lời tiên tri của Ê-sai. Chúng ta thật biết ơn Đức Giê-hô-va đã sẵn lòng để Con yêu dấu Ngài hoàn thành vai trò Tôi Tớ, chịu đau đớn, và chết để chúng ta được chuộc khỏi tội lỗi và sự chết! Do đó, Đức Giê-hô-va đã bày tỏ tình yêu thương lớn đối với chúng ta. Rô-ma 5:8 nói: “Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu-thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết”. Chúng ta cũng thật biết ơn Chúa Giê-su Christ, Tôi Tớ cao trọng, vì đã sẵn lòng đổ mạng sống mình ra cho đến chết!

[Chú thích]

^ đ. 5 Trong bản Kinh Thánh tiếng A-ram của Jonathan ben Uzziel (vào thế kỷ thứ nhất CN), do ông J. F. Stenning dịch, câu Ê-sai 52:13 đọc: “Này, tôi tớ ta, Đấng chịu xức dầu (hay Đấng Mê-si), sẽ thành công”. Tương tự như vậy, sách Talmud từ Ba-by-lôn (khoảng thế kỷ thứ ba CN) nói: “Đấng Mê-si—tên ngài là gì?... [; những người] thuộc viện Ra-bi [phát biểu, ngài là người đau ốm], như được nói trong câu Kinh Thánh: ‘Thật người đã mang sự đau-ốm của chúng ta’ ”.—Sanhedrin 98b; Ê-sai 53:4.

^ đ. 15 Tiên tri Mi-chê nói Bết-lê-hem là thành “trong hàng ngàn Giu-đa là nhỏ lắm”. (Mi-chê 5:1) Thế nhưng, Bết-lê-hem bé nhỏ ấy được một vinh dự phi thường, là thành Đấng Mê-si ra đời.

^ đ. 22 Chữ Hê-bơ-rơ được dịch là “giáng họa cho” cũng được dùng khi nói đến bệnh phong cùi. (2 Các Vua 15:5) Theo một vài học giả, từ câu Ê-sai 53:4, một số người Do Thái đã suy ra rằng Đấng Mê-si sẽ là một người mắc bệnh phong cùi. Sách Talmud từ Ba-by-lôn áp dụng câu này cho Đấng Mê-si, gọi ngài là “học giả bị phong cùi”. Bản dịch Trần Đức Huân dịch câu này: “[Chúng] ta lại tưởng người bị cùi”.

[Câu hỏi thảo luận]

[Biểu đồ/​Bảng thống kê nơi trang 212]

TÔI TỚ CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

Chúa Giê-su làm tròn vai trò này như thế nào?

LỜI TIÊN TRI

BIẾN CỐ

SỰ ỨNG NGHIỆM

Ê-sai 52:13

Được tôn lên, và rất cao trọng

Công 2:34-36; Phi-líp 2:8-11; 1 Phi 3:22

Ê-sai 52:14

Bị xuyên tạc và bị làm mất thể diện

Mat 11:19; 27:39-44, 63, 64; Giăng 8:48; 10:20

Ê-sai 52:15

Làm nhiều nước sửng sốt

Mat 24:30; 2 Tê 1:6-10; Khải 1:7

Ê-sai 53:1

Không tin ngài

Giăng 12:37, 38; Rô 10:11, 16, 17

Ê-sai 53:2

Khởi đầu khiêm tốn và không phô trương

Lu 2:7; Giăng 1:46

Ê-sai 53:3

Bị khinh dể và chối bỏ

Mat 26:67; Lu 23:18-25; Giăng 1:10, 11

Ê-sai 53:4

Mang sự đau ốm của chúng ta

Mat 8:16, 17; Lu 8:43-48

Ê-sai 53:5

Bị đâm

Giăng 19:34

Ê-sai 53:6

Chịu đau khổ vì tội lỗi của người khác

1 Phi 2:21-25

Ê-sai 53:7

Im lặng và không kêu ca trước những kẻ buộc tội

Mat 27:11-14; Mác 14:60, 61; Công 8:32, 35

Ê-sai 53:8

Bị xét xử và kết án bất công

Mat 26:57-68; 27:1, 2, 11-26; Giăng 18:12-14, 19-24, 28-40

Ê-sai 53:9

Được chôn với người giàu

Mat 27:57-60; Giăng 19:38-42

Ê-sai 53:10

Dâng mạng sống làm của-lễ chuộc tội

Hê 9:24; 10:5-14

Ê-sai 53:11

Mở đường cho nhiều người được vị thế công bình

Rô 5:18, 19; 1 Phi 2:24; Khải 7:14

Ê-sai 53:12

Bị liệt vào hàng kẻ tội lỗi

Mat 26:55, 56; 27:38; Lu 22:36, 37

[Hình nơi trang 203]

‘Người đã bị người ta khinh-dể’

[Hình nơi trang 206]

‘Người chẳng hề mở miệng’

[Nguồn tư liệu]

Chi tiết từ “Ecce Homo” của Antonio Ciseri

[Hình nơi trang 211]

“Người đã đổ mạng-sống mình cho đến chết”