Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Công bình nẩy mầm ở Si-ôn

Công bình nẩy mầm ở Si-ôn

Chương Hai Mươi Hai

Công bình nẩy mầm ở Si-ôn

Ê-sai 61:1-11

1, 2. Dân Y-sơ-ra-ên sắp có sự thay đổi nào, và do ai thực hiện?

HÃY công bố sự tự do! Đức Giê-hô-va đã quyết định giải phóng dân Ngài và đem họ về xứ sở tổ tiên họ. Như hạt giống nẩy mầm sau trận mưa nhẹ, sự thờ phượng thật sẽ xuất hiện trở lại. Bấy giờ, sự ca ngợi vui mừng sẽ thay thế cho thất vọng, và đầu trước đây phủ tro buồn bã nay sẽ đầy dẫy ân huệ của Đức Chúa Trời.

2 Ai sẽ đem lại sự biến đổi kỳ diệu này? Chỉ Đức Giê-hô-va mới có thể thực hiện một điều như thế. (Thi-thiên 9:19, 20; Ê-sai 40:25) Nhà tiên tri Sô-phô-ni ra lệnh theo nghĩa tiên tri: “Hỡi con gái Si-ôn, hãy hát! Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy kêu-la! Hỡi con gái Giê-ru-sa-lem, hãy hết lòng mừng-rỡ và vui-thích! Đức Giê-hô-va đã trừ-bỏ sự phán xét ngươi”. (Sô-phô-ni 3:14, 15) Lúc đó sẽ vui mừng biết bao! Khi Đức Giê-hô-va thâu nhóm những người còn sót lại từ Ba-by-lôn vào năm 537 TCN thì giống như giấc mơ trở thành sự thật.—Thi-thiên 126:1.

3. Những lời tiên tri nơi chương 61 sách Ê-sai có những sự ứng nghiệm nào?

3 Sự khôi phục này được báo trước nơi chương 61 sách Ê-sai. Tuy đã ứng nghiệm rõ ràng vào năm 537 TCN, lời tiên tri này lại được ứng nghiệm chi tiết hơn vào một thời kỳ sau này. Có nhiều chi tiết được ứng nghiệm hơn, liên quan đến Chúa Giê-su và các môn đồ ngài trong thế kỷ thứ nhất và dân Đức Giê-hô-va thời nay. Thế nên những lời được soi dẫn này quan trọng biết bao!

“Năm ban ơn”

4. Trong lần ứng nghiệm đầu tiên của Ê-sai 61:1, ai được giao phó sứ mạng thông báo tin mừng, còn ai trong lần ứng nghiệm thứ hai?

4 Ê-sai viết: “Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên ta; vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta, đặng giảng tin-lành cho kẻ khiêm-nhường. Ngài đã sai ta đến đặng rịt những kẻ vỡ lòng, đặng rao cho kẻ phu-tù được tự-do, kẻ bị cầm tù được ra khỏi ngục”. (Ê-sai 61:1) Ai là người được giao phó sứ mạng thông báo tin mừng? Rất có thể trong lần ứng nghiệm đầu tiên, đó là Ê-sai, người được Đức Chúa Trời soi dẫn chép tin mừng cho dân bị lưu đày ở Ba-by-lôn. Tuy nhiên, Chúa Giê-su cho thấy sự ứng nghiệm quan trọng nhất là khi ngài áp dụng lời Ê-sai cho chính ngài. (Lu-ca 4:16-21) Đúng vậy, Chúa Giê-su được sai đến để rao tin mừng cho người nhu mì, và vì mục đích này, ngài được xức dầu bằng thánh linh lúc làm báp têm.—Ma-thi-ơ 3:16, 17.

5. Ai đã rao giảng tin mừng gần 2.000 năm nay?

5 Ngoài ra, Chúa Giê-su còn huấn luyện môn đồ ngài thành những người rao truyền phúc âm, hay rao giảng tin mừng. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, khoảng 120 người trong số các môn đồ này đã được xức dầu bằng thánh linh và trở thành con thiêng liêng của Đức Chúa Trời. (Công-vụ 2:1-4, 14-42; Rô-ma 8:14-16) Họ cũng được giao cho sứ mạng thông báo tin mừng cho người nhu mì và vỡ lòng. Số 120 môn đồ đó là những người đầu tiên thuộc 144.000 người được xức dầu bằng thánh linh. Những người cuối cùng thuộc nhóm này hiện nay vẫn tích cực hoạt động trên đất. Do đó, khoảng 2.000 năm nay, các môn đồ được xức dầu của Chúa Giê-su đã làm chứng “về sự ăn-năn đối với Đức Chúa Trời, và đức-tin trong Đức Chúa Jêsus là Chúa chúng ta”.—Công-vụ 20:21.

6. Vào thời xưa, ai được khuây khỏa khi nghe tin mừng, và ngày nay thì sao?

6 Thông điệp được soi dẫn của Ê-sai đem lại sự khuây khỏa cho những người Do Thái biết ăn năn ở Ba-by-lôn. Vào thời Chúa Giê-su và các môn đồ ngài, nó cũng mang lại sự khuây khỏa cho những người Do Thái đau lòng vì sự gian ác ở Y-sơ-ra-ên, và chán nản vì bị giam hãm trong những truyền thống tôn giáo sai lầm của Do Thái Giáo vào thế kỷ thứ nhất. (Ma-thi-ơ 15:3-6) Ngày nay, hàng triệu người ở trong vòng kiềm tỏa của các phong tục ngoại giáo và truyền thống làm ô danh Đức Chúa Trời của khối đạo tự xưng theo Đấng Christ. Họ “than-thở khóc-lóc” vì những sự gớm ghiếc hệ thống tôn giáo này đã phạm. (Ê-xê-chi-ên 9:4) Những ai hưởng ứng tin mừng được giải thoát khỏi tình trạng đáng thương hại đó. (Ma-thi-ơ 9:35-38) Tầm hiểu biết của họ được mở rộng khi học thờ phượng Đức Giê-hô-va “bằng tâm-thần và lẽ thật”.—Giăng 4:24.

7, 8. (a) Có hai “năm ban ơn” nào? (b) “Ngày báo-thù” của Đức Giê-hô-va là những ngày nào?

7 Công việc rao giảng tin mừng được sắp đặt theo một thời gian biểu. Chúa Giê-su và môn đồ được giao sứ mạng: “Rao năm ban ơn của Đức Giê-hô-va, và ngày báo-thù của Đức Chúa Trời chúng ta; đặng yên-ủi mọi kẻ buồn-rầu”. (Ê-sai 61:2) Một năm là một thời gian dài, nhưng nó có bắt đầu và kết thúc. “Năm ban ơn” của Đức Giê-hô-va là khoảng thời gian Ngài cho người nhu mì cơ hội hưởng ứng sự tự do Ngài công bố.

8 Vào thế kỷ thứ nhất, năm ban ơn cho dân Do Thái bắt đầu từ năm 29 CN, khi Chúa Giê-su khởi sự thánh chức rao giảng trên đất. Ngài nói với dân Do Thái: “Các ngươi hãy ăn-năn, vì nước thiên-đàng đã đến gần”. (Ma-thi-ơ 4:17) Năm ban ơn đó kéo dài tới “ngày báo-thù” của Đức Giê-hô-va mà cao điểm của ngày này là năm 70 CN, khi Đức Giê-hô-va để quân La Mã phá hủy Giê-ru-sa-lem và đền thờ. (Ma-thi-ơ 24:3-22) Ngày nay, chúng ta đang sống trong một năm ban ơn khác, bắt đầu khi Nước Trời thành lập ở trên trời vào năm 1914. Năm ban ơn này cũng kết thúc bằng một ngày báo thù có tầm mức rộng lớn hơn, khi Đức Giê-hô-va hủy diệt toàn thể hệ thống này trong “hoạn-nạn lớn”.—Ma-thi-ơ 24:21.

9. Ngày nay ai được lợi ích từ năm ban ơn của Đức Giê-hô-va?

9 Ngày nay năm ban ơn của Đức Chúa Trời đem lại lợi ích cho những ai? Đó là những người chấp nhận thông điệp, biểu lộ tính nhu mì và sốt sắng ủng hộ việc công bố Nước Trời trong “khắp muôn dân”. (Mác 13:10) Những người này thấy là tin mừng đem lại niềm an ủi thực sự. Tuy nhiên, những ai bác bỏ thông điệp, không chịu tận dụng năm ban ơn của Đức Giê-hô-va, chẳng bao lâu nữa sẽ phải đối diện với thực tại về ngày báo thù của Ngài.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-9.

Bông trái thiêng liêng tôn vinh Đức Chúa Trời

10. Công việc vĩ đại Đức Giê-hô-va làm vì dân Do Thái từ Ba-by-lôn trở về đã ảnh hưởng đến họ như thế nào?

10 Những người Do Thái từ Ba-by-lôn trở về ý thức rằng Đức Giê-hô-va đã thực hiện một công việc vĩ đại vì họ. Than khóc vì bị lưu đày đổi thành mừng rỡ và ngợi khen vì cuối cùng họ đã được tự do. Như vậy, Ê-sai đã hoàn thành sứ mạng nói tiên tri của ông, nghĩa là “ban mão-hoa cho kẻ buồn-rầu ở [“về”, “NW”] Si-ôn thay vì tro-bụi, ban dầu vui-mừng thay vì tang-chế, ban áo ngợi-khen thay vì lòng nặng-nề; hầu cho những kẻ ấy được xưng là cây [“to lớn”, “NW”] của sự công-bình, là cây Đức Giê-hô-va đã trồng để được vinh-hiển.—Ê-sai 61:3.

11. Vào thế kỷ thứ nhất, ai có lý do chính đáng để khen ngợi Đức Giê-hô-va về công việc vĩ đại của Ngài?

11 Vào thế kỷ thứ nhất, người Do Thái nào chấp nhận sự giải thoát khỏi xiềng xích của tôn giáo giả đều khen ngợi Đức Chúa Trời vì công việc vĩ đại Ngài làm vì họ. Được giải cứu khỏi một nước chết về thiêng liêng, lòng chán nản của họ được thay thế bằng “áo ngợi-khen”. Môn đồ Chúa Giê-su là những người đầu tiên trải nghiệm được sự thay đổi đó; khi ngài chết, họ than khóc, nhưng sự than khóc đó biến thành vui mừng khi Chúa của họ được sống lại, và xức dầu cho họ bằng thánh linh. Chẳng bao lâu sau đó, 3.000 người nhu mì cũng nghiệm được sự thay đổi tương tự khi hưởng ứng lời giảng của các tín đồ vừa mới được xức dầu và làm báp têm vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. (Công-vụ 2:41) Thật an lòng biết bao khi biết chắc được Đức Giê-hô-va ban phước! Thay vì “buồn-rầu về Si-ôn”, họ nhận được thánh linh và được hồi sinh nhờ “dầu vui-mừng”, tượng trưng cho niềm vui mừng của những người được Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào.—Hê-bơ-rơ 1:9.

12, 13. Ai là những “cây to lớn của sự công-bình” (a) trong số những người Do Thái trở về vào năm 537 TCN? (b) kể từ Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN?

12 Đức Giê-hô-va ban phước cho dân Ngài với những “cây to lớn của sự công-bình”. Ai là những cây to lớn này? Trong những năm sau năm 537 TCN, đó là những người học hỏi, suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời và vun trồng những tiêu chuẩn công bình của Ngài. (Thi-thiên 1:1-3; Ê-sai 44:2-4; Giê-rê-mi 17:7, 8) Những người như E-xơ-ra, A-ghê, Xa-cha-ri, và Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Giê-hô-sua đã chứng tỏ là những “cây to lớn” vượt bậc—những người kiên cường ủng hộ lẽ thật và chống lại sự ô uế về thiêng liêng trong dân sự.

13 Tương tự như thế, kể từ Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN trở đi, Đức Chúa Trời trồng những “cây to lớn của sự công-bình”—tức các tín đồ xức dầu của Đấng Christ đầy can đảm—trong tình trạng thiêng liêng của dân tộc mới của Ngài, “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”. (Ga-la-ti 6:16) Trải qua nhiều thế kỷ, có tất cả là 144.000 “cây”, sinh ra bông trái công bình làm đẹp, tức đem vinh hiển cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời. (Khải-huyền 14:3) Những người cuối cùng trong số những “cây” to lớn này lớn mạnh kể từ năm 1919, khi Đức Giê-hô-va hồi sinh những người còn sót lại thuộc dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời, vực họ dậy từ tình trạng bất động nhất thời. Bằng cách cung cấp cho họ nguồn nước thiêng liêng dư dật, Đức Giê-hô-va đã sản xuất ra một rừng cây công bình và sai trái thật sự.—Ê-sai 27:6.

14, 15. Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va sau khi được giải thoát đã thực hiện những công trình nào kể từ năm (a) 537 TCN? (b) 33 CN? (c) 1919?

14 Nhấn mạnh việc làm của những “cây” này, Ê-sai nói tiếp: “Họ sẽ xây lại các nơi hoang-vu ngày xưa, dựng lại các nơi hủy-hoại lúc trước, lập lại thành bị hủy-phá, là những nơi đổ-nát lâu đời”. (Ê-sai 61:4) Do chiếu chỉ của Vua Si-ru nước Phe-rơ-sơ, những người Do Thái trung thành từ Ba-by-lôn trở về xây cất lại Giê-ru-sa-lem và đền thờ lâu nay nằm trong tình trạng đổ nát. Những công trình tái thiết cũng được thực hiện vào những năm sau năm 33 CN, và sau năm 1919.

15 Vào năm 33 CN, môn đồ Chúa Giê-su vô cùng đau buồn về việc ngài bị bắt, xét xử và chết. (Ma-thi-ơ 26:31) Tuy nhiên, tâm trạng của họ thay đổi sau khi ngài sống lại và hiện ra với họ. Ngay khi nhận được thánh linh, họ bận rộn với công việc rao giảng tin mừng “tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất”. (Công-vụ 1:8) Nhờ vậy, họ bắt đầu tái lập sự thờ phượng thanh sạch. Tương tự thế, từ năm 1919 trở đi, Chúa Giê-su Christ khiến những anh em được xức dầu còn sót lại của ngài tái thiết “những nơi đổ-nát lâu đời”. Qua nhiều thế kỷ, hàng giáo phẩm của khối đạo tự xưng theo Đấng Christ đã không phổ biến sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va, mà còn thay thế sự hiểu biết ấy bằng những truyền thống và học thuyết trái với Kinh Thánh do con người đặt ra. Tín đồ xức dầu của Đấng Christ đã tẩy sạch hội thánh của họ khỏi những thực hành ô uế của tôn giáo giả để rồi công cuộc tái lập sự thờ phượng thật tiếp tục được tiến hành. Họ quả đã bắt đầu một chiến dịch làm chứng lớn nhất từ trước tới nay.—Mác 13:10.

16. Ai đã giúp đỡ tín đồ Đấng Christ trong công cuộc tái thiết, và họ được giao phó công việc gì?

16 Đây là một sứ mạng vô cùng lớn lao. Làm thế nào những người thuộc dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời còn sót lại tương đối ít ỏi, có thể hoàn thành được một công việc như thế? Đức Giê-hô-va soi dẫn Ê-sai tuyên bố: “Những người khách lạ sẽ đứng đặng chăn bầy chiên các ngươi, những người ngoại-quốc sẽ làm kẻ cày ruộng và trồng nho của các ngươi”. (Ê-sai 61:5) Khách lạ và người ngoại quốc tượng trưng này là đám đông “vô-số người” thuộc “chiên khác” của Chúa Giê-su. * (Khải-huyền 7:9; Giăng 10:11, 16) Họ không được xức dầu bằng thánh linh với triển vọng nhận được cơ nghiệp ở trên trời. Trái lại, họ có hy vọng sống đời đời ở địa đàng. (Khải-huyền 21:3, 4) Tuy nhiên, họ yêu thương Đức Giê-hô-va và đã được giao phó nhiệm vụ thiêng liêng như chăn chiên, cày cấy, và trồng nho. Các hoạt động này không phải là những công việc tầm thường. Dưới sự hướng dẫn của dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời còn sót lại, những người này trợ giúp trong việc chăn dắt, nuôi dưỡng và thu hoạch người ta.—Lu-ca 10:2; Công-vụ 20:28; 1 Phi-e-rơ 5:2; Khải-huyền 14:15, 16.

17. (a) Những thành viên của dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời được gọi là gì? (b) Để được tha tội, chỉ cần của-lễ hy sinh nào?

17 Còn về dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời thì sao? Đức Giê-hô-va nói với họ qua Ê-sai: “Nhưng các ngươi thì sẽ được gọi là thầy tế-lễ của Đức Giê-hô-va; sẽ được xưng là chức-dịch của Đức Chúa Trời chúng ta; sẽ ăn của báu các nước, và lấy sự vinh-hoa của họ mà khoe mình”. (Ê-sai 61:6) Ở Y-sơ-ra-ên xưa, Đức Giê-hô-va đã cung cấp thầy tế lễ dòng Lê-vi để dâng của-lễ hy sinh vì chính họ và cũng vì những người Y-sơ-ra-ên khác. Tuy nhiên, vào năm 33 CN, Đức Giê-hô-va không còn dùng các thầy tế lễ dòng Lê-vi nữa và Ngài đã thiết lập một sự sắp đặt tốt hơn. Ngài đã chấp nhận mạng sống hoàn toàn của Chúa Giê-su làm của-lễ hy sinh vì tội lỗi của nhân loại. Kể từ đó, không cần của-lễ hy sinh nào khác nữa. Sự hy sinh của Chúa Giê-su có giá trị đời đời.—Giăng 14:6; Cô-lô-se 2:13, 14; Hê-bơ-rơ 9:11-14, 24.

18. Dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời tạo thành dòng tế lễ loại nào, và sứ mạng của họ là gì?

18 Về phần những thành viên của dân Y-sơ-ra-ên Đức Chúa Trời là “thầy tế-lễ của Đức Giê-hô-va” thì sao? Viết cho các anh em tín đồ Đấng Christ được xức dầu, sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Anh em là dòng-giống được lựa-chọn, là chức thầy tế-lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao-giảng nhân-đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối-tăm, đến nơi sáng-láng lạ-lùng của Ngài”. (1 Phi-e-rơ 2:9) Do đó, với tư cách một nhóm, tín đồ Đấng Christ được xức dầu tạo thành một dòng thầy tế lễ với sứ mạng đặc biệt: rao truyền sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va cho các nước. Họ phải là nhân chứng của Ngài. (Ê-sai 43:10-12) Trong suốt những ngày cuối cùng này, tín đồ Đấng Christ được xức dầu đã chu toàn sứ mạng trọng yếu được giao phó. Kết quả là nhiều triệu người ngày nay đang cùng với họ làm chứng về Nước Trời của Đức Giê-hô-va.

19. Tín đồ Đấng Christ được xức dầu có đặc ân thi hành công việc nào?

19 Ngoài ra, các thành viên của dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời có triển vọng phụng sự với tư cách thầy tế lễ theo một cách khác nữa. Sau khi chết, họ được sống lại thành thần linh bất tử ở trên trời. Nơi đó, họ không những là người đồng cai trị với Chúa Giê-su trong Nước Trời mà còn là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời nữa. (Khải-huyền 5:10; 20:6) Trong chức vụ này, họ được đặc ân áp dụng lợi ích từ sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su cho nhân loại trung thành trên đất. Trong sự hiện thấy được sứ đồ Giăng ghi lại nơi Khải-huyền chương 22, họ lại được miêu tả như những “cây”. Tất cả 144.000 “cây” được thấy ở trên trời, “trổ mười hai mùa, mỗi tháng một lần ra trái; và những lá cây đó dùng để chữa lành cho các dân”. (Khải-huyền 22:1, 2) Quả là một công việc tế lễ tuyệt diệu!

Chịu xấu hổ, nhục nhã nhưng rồi vui mừng

20. Bất chấp sự chống đối, những vua kiêm thầy tế lễ sẽ được ân phước nào?

20 Từ năm 1914, khi năm ban ơn của Đức Giê-hô-va bắt đầu, những vua kiêm thầy tế lễ đã bị hàng giáo phẩm khối đạo tự xưng theo Đấng Christ chống đối không ngừng. (Khải-huyền 12:17) Tuy nhiên, mọi nỗ lực nhằm chặn đứng công việc rao giảng tin mừng cuối cùng đều thất bại. Ê-sai tiên tri về việc này: “Các ngươi sẽ được gấp hai để thay vì sự xấu-hổ; chúng nó sẽ vui-vẻ về phận mình để thay sự nhuốc-nhơ. Vậy nên chúng nó sẽ có sản-nghiệp bội phần trong xứ mình, và được sự vui-mừng đời đời”.—Ê-sai 61:7.

21. Tín đồ xức dầu của Đấng Christ được hưởng ân phước gấp đôi như thế nào?

21 Trong Thế Chiến I, những người xức dầu còn sót lại bị xấu hổ và nhục nhã trong tay khối đạo tự xưng theo Đấng Christ nặng tinh thần quốc gia. Nhiều thành viên của hàng giáo phẩm nằm trong số những người vu cáo tội nổi loạn cho tám anh trung thành của Hội ở Brooklyn. Những anh này đã bị tù oan uổng trong chín tháng. Cuối cùng, vào mùa xuân năm 1919, các anh được trả tự do, và sau đó tất cả các cáo trạng đều được hủy bỏ. Thế là âm mưu chặn đứng công việc rao giảng lại đưa đến kết quả trái ngược. Đức Giê-hô-va đã không để người thờ phượng Ngài phải chịu xấu hổ lâu dài, nhưng giải thoát và đưa họ trở lại tình trạng thiêng liêng, tức “xứ” của họ. Nơi đây, họ nhận được ân phước gấp đôi. Đức Giê-hô-va đã ban phước dồi dào bù cho tất cả mọi khốn khổ mà họ đã phải gánh chịu. Quả thật, họ có lý do để reo mừng!

22, 23. Tín đồ xức dầu của Đấng Christ noi gương Đức Giê-hô-va như thế nào, và Ngài thưởng cho họ ra sao?

22 Tín đồ Đấng Christ ngày nay có một lý do khác để vui mừng qua lời phán kế tiếp của Đức Giê-hô-va: “Ta, Đức Giê-hô-va, ưa sự chánh-trực, ghét sự trộm-cướp và sự bất-nghĩa. Ta sẽ lấy điều thành-tín báo-trả lại, và lập giao-ước với chúng nó đời đời”. (Ê-sai 61:8) Qua việc học hỏi Kinh Thánh, những người xức dầu còn sót lại học để yêu chính trực và ghét điều gian ác. (Châm-ngôn 6:12-19; 11:20) Họ học “lấy gươm rèn lưỡi-cày” và giữ trung lập trong các cuộc chiến cũng như các cuộc biến động về chính trị của loài người. (Ê-sai 2:4) Họ cũng bỏ các thực hành làm ô danh Đức Chúa Trời như nói xấu, ngoại tình, trộm cắp, và say sưa.—Ga-la-ti 5:19-21.

23 Nhờ noi gương Đấng Tạo Hóa yêu sự chính trực, tín đồ xức dầu của Đấng Christ được Đức Giê-hô-va “lấy điều thành-tín báo-trả lại”. Một sự “báo-trả” như thế là giao ước đời đời—giao ước mới—mà Chúa Giê-su đã thông báo cho môn đồ vào đêm trước khi ngài chết. Dựa trên căn bản của giao ước này, họ trở thành một nước thiêng liêng, một dân đặc biệt của Đức Chúa Trời. (Giê-rê-mi 31:31-34; Lu-ca 22:20) Dưới giao ước đó, Đức Giê-hô-va sẽ áp dụng tất cả các lợi ích từ sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su, trong đó có sự tha tội cho lớp người xức dầu lẫn tất cả những người trung thành khác trong nhân loại.

Mừng rỡ trong ân phước của Đức Giê-hô-va

24. “Dòng-dõi” được ban phước đến từ các nước là ai, và bằng cách nào họ đã trở thành “dòng-dõi”?

24 Một số người trong các nước đã nhận ra Đức Giê-hô-va ban phước cho dân Ngài. Điều này đã được Đức Giê-hô-va tiên tri qua lời hứa: “Dòng-dõi chúng nó sẽ nổi tiếng trong các nước, con-cháu sẽ nổi tiếng trong các dân; phàm ai thấy sẽ nhận là một dòng-dõi mà Đức Giê-hô-va đã ban phước”. (Ê-sai 61:9) Các thành viên thuộc dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời, tức tín đồ Đấng Christ được xức dầu, đã hoạt động tích cực giữa các nước trong năm ban ơn của Đức Giê-hô-va. Ngày nay số người hưởng ứng thánh chức rao giảng của họ lên đến nhiều triệu. Nhờ làm việc kề vai sát cánh với dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời, những người thuộc các nước có đặc ân trở thành “dòng-dõi mà Đức Giê-hô-va đã ban phước”. Cả nhân loại đều nhận biết tình trạng hạnh phúc của họ .

25, 26. Tất cả tín đồ Đấng Christ đều noi theo cảm nghĩ diễn tả nơi Ê-sai 61:10 như thế nào?

25 Tất cả tín đồ Đấng Christ, cả người xức dầu lẫn chiên khác, đều mong ước được ca ngợi Đức Giê-hô-va mãi mãi. Họ hết lòng đồng ý với nhà tiên tri Ê-sai, người được soi dẫn viết: “Ta sẽ rất vui-vẻ trong Đức Giê-hô-va, linh-hồn ta mừng-rỡ trong Đức Chúa Trời ta; vì Ngài đã mặc áo cứu-rỗi cho ta; khoác áo choàng công-bình cho ta, như chàng rể mới diện mão-hoa trên đầu mình, như cô dâu mới giồi mình bằng châu-báu”.—Ê-sai 61:10.

26 Khoác vào “áo choàng công-bình”, tín đồ Đấng Christ được xức dầu cương quyết giữ mình tinh khiết và thanh sạch trước mắt Đức Giê-hô-va. (2 Cô-rinh-tô 11:1, 2) Được Đức Giê-hô-va xưng là công bình với triển vọng thừa hưởng sự sống trên trời, họ sẽ không bao giờ trở lại tình trạng tiêu điều của Ba-by-lôn Lớn mà họ đã được giải thoát. (Rô-ma 5:9; 8:30) Đối với họ, áo cứu rỗi là vô giá. Cũng vậy, bạn đồng hành của họ là các chiên khác cương quyết giữ các tiêu chuẩn cao cả của Giê-hô-va Đức Chúa Trời về sự thờ phượng thanh sạch. Vì đã “giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con”, họ được xưng là công bình và sẽ sống sót qua “cơn đại-nạn”. (Khải-huyền 7:14; Gia-cơ 2:23, 25) Trong khi chờ đợi, họ noi gương những người bạn được xức dầu, tránh khỏi mọi ô uế của Ba-by-lôn Lớn.

27. (a) Trong Triều Đại Một Ngàn Năm, sẽ có sự “nẩy mầm” đặc biệt nào? (b) Sự công bình nay đang nẩy mầm giữa nhân loại như thế nào?

27 Ngày nay những người thờ phượng Đức Giê-hô-va vui sướng được ở trong địa đàng thiêng liêng. Chẳng bao lâu nữa, họ sẽ vui hưởng địa đàng thật. Chúng ta hết lòng trông mong thời kỳ đó, được diễn tả sống động trong những lời kết thúc chương 61 sách Ê-sai: “Như đất làm cho cây mọc lên, vườn làm cho hột giống nứt lên thể nào, thì Chúa Giê-hô-va cũng sẽ làm cho sự công-bình và sự khen-ngợi nứt ra [“nẩy mầm”, “NW”] trước mặt mọi dân-tộc thể ấy”. (Ê-sai 61:11) Trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ, trái đất sẽ nghiệm được “sự công bình... nẩy mầm”. Nhân loại sẽ reo hò chiến thắng và sự công bình sẽ lan đến đầu cùng đất. (Ê-sai 26:9) Tuy nhiên, chúng ta không phải đợi đến ngày vinh quang đó để khen ngợi Đức Chúa Trời trước các nước. Sự công bình đang nẩy mầm giữa hàng triệu người dâng lời khen ngợi cho Đức Chúa Trời và rao giảng tin mừng về Nước Ngài. Ngay bây giờ, qua đức tin và hy vọng, chúng ta có mọi lý do để mừng rỡ trong ân phước của Đức Chúa Trời.

[Chú thích]

^ đ. 16 Ê-sai 61:5 có thể đã ứng nghiệm một lần vào thời xưa, vì lẽ có những người ngoại đi theo người Do Thái về Giê-ru-sa-lem và rất có thể đã giúp khôi phục xứ. (E-xơ-ra 2:43-58) Tuy nhiên, từ câu 6 trở đi, lời tiên tri hình như chỉ áp dụng cho dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 323]

Ê-sai có tin mừng để loan báo cho dân Do Thái bị lưu đày

[Hình nơi trang 331]

Bắt đầu từ năm 33 CN, 144.000 “cây to lớn của sự công-bình” được Đức Giê-hô-va trồng

[Hình nơi trang 334]

Trái đất sẽ nẩy mầm công bình