Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy trở lại thờ phượng Đức Giê-hô-va

Hãy trở lại thờ phượng Đức Giê-hô-va

Chương Bảy

Hãy trở lại thờ phượng Đức Giê-hô-va

Ê-sai 46:1-13

1. Tên hai thần chính của Ba-by-lôn là gì, và lời tiên tri nói gì về chúng?

KHI sống lưu đày ở Ba-by-lôn, dân Y-sơ-ra-ên bị sự thờ phượng giả vây quanh. Vào thời Ê-sai thì dân Đức Giê-hô-va vẫn còn ở trong xứ, họ có đền thờ và dòng tế lễ. Thế nhưng, nhiều người trong dân tộc dâng mình này đã không chống nổi sự thờ hình tượng. Vậy cần phải chuẩn bị cho họ trước để rồi họ sẽ không bị thần giả của Ba-by-lôn làm kinh sợ hoặc bị cám dỗ phụng sự chúng. Do đó, Ê-sai nói tiên tri về hai trong các thần chính của Ba-by-lôn như sau: “Bên cúi xuống; Nê-bô khom mình; tượng nó chở trên loài thú, trên súc-vật. Những vật mà các ngươi vốn thường khiêng, đè nặng quá, làm cho súc-vật mệt-nhọc”. (Ê-sai 46:1) Bên là thần chính của dân Canh-đê. Nê-bô được tôn kính như một thần khôn ngoan và thông thái. Sự tôn kính mà nhiều người dành cho hai thần này được thấy qua sự kiện họ lồng tên thần vào một số tên riêng của người Ba-by-lôn—Bên-xát-sa, Nabopolassar, Nê-bu-cát-nết-sa, và Nê-bu-xa-A-đan; đây mới chỉ kể đến một vài trường hợp mà thôi.

2. Sự bất lực của các thần Ba-by-lôn được nhấn mạnh như thế nào?

2 Ê-sai nói rằng Bên “cúi xuống” và Nê-bô “khom mình”. Những thần giả này sẽ bị hạ xuống. Khi Đức Giê-hô-va đoán phạt Ba-by-lôn, các thần giả ấy sẽ không thể nào đến giúp những kẻ thờ chúng được. Thậm chí chúng không thể cứu chính mình! Bên và Nê-bô sẽ không còn được kiệu trong các đám rước trọng thể như trong lễ hội ngày Tết đầu năm. Thay vì thế, chúng sẽ bị chính những người thờ chúng kéo lê đi như đồ đạc vậy. Sự khen ngợi và tôn sùng mà người ta dành cho chúng sẽ bị thay thế bằng sự chế nhạo và khinh bỉ.

3. (a) Điều gì sẽ làm cho người Ba-by-lôn sửng sốt? (b) Ngày nay chúng ta có thể học được gì từ những điều đã xảy ra cho các thần của Ba-by-lôn?

3 Thật là một sự sửng sốt cho người Ba-by-lôn khi biết các thần tượng mà họ quý mến chỉ là gánh nặng chất trên lưng con vật mệt mỏi! Ngày nay tương tự như vậy, các thần của thế gian—những vật mà người ta tin cậy và sẵn sàng hy sinh năng lực và ngay cả mạng sống họ—chỉ là ảo tưởng. Sự giàu có, vũ khí, sự vui chơi, vua chúa, quốc gia hoặc biểu tượng của nó, và nhiều điều khác đã trở thành đối tượng người ta tôn sùng. Sự hư không của những thần đó sẽ bị phơi bày vào đúng thời điểm của Đức Giê-hô-va.—Đa-ni-ên 11:38; Ma-thi-ơ 6:24; Công-vụ 12:22; Phi-líp 3:19; Cô-lô-se 3:5; Khải-huyền 13:14, 15.

4. Các thần của Ba-by-lôn “cúi xuống” và “khom mình” theo nghĩa nào?

4 Để cho thấy thêm là các thần Ba-by-lôn hết sức vô dụng, lời tiên tri tiếp tục: “Chúng nó cúi xuống, cùng nhau khom mình; đã chẳng cứu được gánh nặng của mình, và chính mình lại bị bắt làm phu-tù”. (Ê-sai 46:2) Các thần của Ba-by-lôn trông như “cúi xuống” và “khom mình” như thể bị thương nơi chiến trận hoặc lụ khụ vì già yếu. Chúng thậm chí không thể làm nhẹ bớt gánh nặng hoặc giải thoát con vật hèn hạ phải chở chúng. Vậy dân trong giao ước của Đức Giê-hô-va, dù bị lưu đày ở Ba-by-lôn, có nên dành bất cứ sự tôn kính nào cho các thần ấy không? Không! Tương tự như vậy, ngay cả khi bị cầm tù về thiêng liêng, tôi tớ xức dầu của Đức Giê-hô-va không dành bất cứ sự tôn kính nào cho các thần giả của “Ba-by-lôn Lớn”. Những thần này đã không thể ngăn chặn được sự sụp đổ của y thị vào năm 1919 và sẽ không thể cứu y thị khỏi tai họa sẽ đổ xuống trên y thị trong “hoạn-nạn lớn”.—Khải-huyền 18:2, 21; Ma-thi-ơ 24:21.

5. Tín đồ Đấng Christ ngày nay tránh phạm phải lỗi lầm của người Ba-by-lôn thờ hình tượng như thế nào?

5 Tín đồ thật của Đấng Christ ngày nay không cúi mình trước bất cứ loại hình tượng nào. (1 Giăng 5:21) Cây thánh giá, chuỗi hạt và ảnh tượng các thánh không giúp người ta dễ đến gần Đấng Tạo Hóa hơn. Chúng không thể cầu thay cho chúng ta được. Vào thế kỷ thứ nhất, Chúa Giê-su dạy môn đồ cách thờ phượng Đức Chúa Trời chính đáng khi ngài nói: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha. Nếu các ngươi nhân danh ta xin điều chi, ta sẽ làm cho”.—Giăng 14:6, 14.

“Bồng-ẵm... từ trong lòng mẹ”

6. Đức Giê-hô-va khác với thần của các nước như thế nào?

6 Sau khi phơi bày sự hư không của việc thờ các thần giả của Ba-by-lôn, Đức Giê-hô-va nói với dân Ngài: “Hỡi nhà Gia-cốp, và hết thảy các ngươi là dân sót của nhà Y-sơ-ra-ên, hãy nghe ta, ta đã gánh-vác các ngươi từ lúc mới sanh, bồng-ẵm các ngươi từ trong lòng mẹ”. (Ê-sai 46:3) Giữa Đức Giê-hô-va và các tượng chạm của Ba-by-lôn có một sự khác biệt làm sao! Các thần của Ba-by-lôn không thể làm gì cho những kẻ thờ chúng. Nếu di chuyển thì thú vật phải chở đi. Trái lại, Đức Giê-hô-va đã bồng ẵm dân Ngài. Ngài đã nuôi dưỡng họ “từ trong lòng mẹ”, tức từ lúc dân tộc được thành lập. Kỷ niệm êm đềm về việc được Đức Giê-hô-va bồng ẵm nên khuyến khích người Do Thái tránh xa sự thờ hình tượng và đặt sự tin cậy nơi Ngài như người Cha và Bạn của họ.

7. Sự chăm sóc dịu dàng của Đức Giê-hô-va đối với dân Ngài chu đáo hơn sự chăm sóc của cha mẹ đối với con cái như thế nào?

7 Đức Giê-hô-va nói thêm với dân Ngài bằng những lời dịu dàng: “Cho đến chừng các ngươi già-cả, đầu râu tóc bạc, ta cũng sẽ bồng-ẵm các ngươi. Ta đã làm ra, thì sẽ còn gánh-vác các ngươi nữa. Ta sẽ bồng-ẵm và giải-cứu các ngươi”. (Ê-sai 46:4) Đức Giê-hô-va chăm sóc dân Ngài hơn cả những bậc cha mẹ chu đáo nhất. Khi con cái khôn lớn thì cha mẹ thường cảm thấy càng có ít trách nhiệm hơn đối với chúng. Khi cha mẹ về già, con cái thường chăm sóc họ. Nhưng với Đức Giê-hô-va thì không bao giờ như thế. Ngài không bao giờ ngưng chăm sóc con cái loài người của Ngài—ngay cả khi họ về già. Những người thờ phượng Đức Chúa Trời ngày nay tin cậy và yêu thương Đấng Tạo Hóa của họ và tìm được niềm an ủi lớn lao nơi những lời tiên tri này của Ê-sai. Họ không cần phải lo âu về những năm tháng còn lại của đời họ trong hệ thống mọi sự này. Đức Giê-hô-va hứa sẽ “bồng-ẵm” những ai già nua; Ngài ban cho họ sức mạnh cần thiết để chịu đựng và giữ được lòng trung thành. Ngài sẽ bồng ẵm, tiếp sức và giải cứu họ.—Hê-bơ-rơ 6:10.

Coi chừng thần tượng tân thời

8. Một số người đồng hương của Ê-sai đã phạm tội nào không thể bào chữa được?

8 Người Ba-by-lôn tin cậy nơi thần tượng. Nhưng hãy tưởng tượng sự thất vọng của họ khi thần tượng của họ tỏ ra hoàn toàn vô dụng! Dân Y-sơ-ra-ên có nên tin những thần ấy ngang hàng với Đức Giê-hô-va không? Dĩ nhiên không. Đức Giê-hô-va hỏi một cách chính đáng: “Các ngươi so-sánh ta cùng ai, và coi ta bằng ai? Các ngươi lấy ai đọ với ta, đặng chúng ta được giống nhau?” (Ê-sai 46:5) Làm sao một số người đồng hương của Ê-sai có thể bào chữa được khi họ quay sang thờ những tượng câm, bất lực và vô tri vô giác! Đối với một dân tộc biết Đức Giê-hô-va, việc đặt tin cậy nơi hình tượng vô tri vô giác, bất lực do bàn tay con người tạo ra, quả là dại dột.

9. Hãy diễn tả lý luận ngớ ngẩn của một số kẻ thờ hình tượng.

9 Hãy xem xét lý luận ngớ ngẩn của những kẻ thờ hình tượng. Lời tiên tri tiếp tục: “Kìa, họ móc vàng trong túi ra, và lấy cân mà cân bạc, thuê thợ vàng dùng mà đúc một thần, rồi cúi mình thờ-lạy”. (Ê-sai 46:6) Như thể hình tượng mắc tiền có quyền năng cứu giúp hơn hình tượng làm bằng gỗ, những người thờ hình tượng không ngại tốn kém để tạc ra thần của họ. Tuy nhiên, dù bỏ ra công sức đến đâu hoặc vật liệu họ dùng mắc tiền đến mấy, một hình tượng vô tri vô giác vẫn là một hình tượng vô tri vô giác, không hơn không kém.

10. Việc thờ hình tượng là hoàn toàn vô ích như thế nào?

10 Nhấn mạnh thêm về sự ngu xuẩn của việc thờ hình tượng, lời tiên tri nói tiếp: “Họ vác tượng ấy trên vai, đem đi, đặt vào chỗ nó: thần cứ đứng đó mà không dời khỏi chỗ nó nữa. Nếu có ai kêu-cầu, thì thần chẳng trả lời, và không cứu khỏi nạn được”. (Ê-sai 46:7) Thật là phi lý khi cầu với một ảnh tượng không nghe, không hành động được! Người viết Thi-thiên diễn tả thật đúng sự vô dụng của những tượng ảnh như thế: “Hình-tượng chúng nó bằng bạc bằng vàng, là công-việc tay người ta làm ra. Hình-tượng có miệng mà không nói; có mắt mà chẳng thấy; có tai mà không nghe; có lỗ mũi mà chẳng ngửi; có tay, nhưng không rờ-rẫm; có chân, nào biết bước đi; cuống họng nó chẳng ra tiếng nào. Phàm kẻ nào làm hình-tượng, và nhờ-cậy nơi nó, đều giống như nó”.—Thi-thiên 115:4-8.

‘Hãy can đảm lên’

11. Điều gì sẽ giúp những ai lưỡng lự “can đảm lên”?

11 Sau khi phơi bày sự vô ích của việc thờ hình tượng, bây giờ Đức Giê-hô-va cho dân Ngài lý do tại sao họ nên phụng sự Ngài: “Hãy nhớ mọi sự đó, hãy rõ ra là đấng trượng-phu [“can đảm lên”, “NW”]! Hỡi kẻ phạm tội, hãy nghĩ lại! Hãy nhớ lại những sự ngày xưa; vì ta là Đức Chúa Trời, và chẳng có Chúa nào khác; ta là Đức Chúa Trời, chẳng có ai giống như ta”. (Ê-sai 46:8, 9) Những người cứ lưỡng lự giữa sự thờ phượng Đức Chúa Trời thật và sự thờ hình tượng nên nhớ lại lịch sử. Họ phải nhớ những việc Đức Giê-hô-va đã làm. Điều này sẽ giúp họ can đảm lên và làm điều đúng. Nhờ vậy họ sẽ trở lại thờ phượng Đức Giê-hô-va.

12, 13. Tín đồ Đấng Christ đang tham dự cuộc chiến nào, và họ có thể chiến thắng như thế nào?

12 Ngày nay chúng ta vẫn cần sự khuyến khích này. Giống như dân Y-sơ-ra-ên, tín đồ thành thật của Đấng Christ phải chiến đấu với sự cám dỗ và với sự bất toàn của chính mình. (Rô-ma 7:21-24) Ngoài ra, họ đang đánh trận thiêng liêng với một kẻ thù vô hình nhưng vô cùng mạnh mẽ. Sứ đồ Phao-lô nói: “Chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ-quyền, cùng thế-lực, cùng vua-chúa của thế-gian mờ-tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy”.—Ê-phê-sô 6:12.

13 Sa-tan và các quỉ sứ của hắn sẽ cố tìm mọi cách để xoay tín đồ Đấng Christ khỏi sự thờ phượng thật. Để thắng trận, tín đồ Đấng Christ cần theo lời khuyên của Đức Giê-hô-va và phải can đảm lên. Bằng cách nào? Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Hãy mang lấy mọi khí-giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu-kế của ma-quỉ”. Đức Giê-hô-va không gửi tôi tớ Ngài ra trận với trang bị sơ sài. Các khí giới thiêng liêng gồm “đức-tin làm thuẫn, nhờ đó anh em có thể dập tắt được các tên lửa của kẻ dữ”. (Ê-phê-sô 6:11, 16) Dân Y-sơ-ra-ên đã phạm tội vì lờ đi các sự cung cấp về thiêng liêng Đức Giê-hô-va ban cho họ. Nếu như họ suy ngẫm về những việc đầy quyền năng mà Đức Giê-hô-va đã nhiều lần thực hiện vì họ, họ đã chẳng quay sang thờ hình tượng gớm ghiếc. Mong sao chúng ta học được bài học từ gương của họ và cương quyết không bao giờ dao động trong cuộc chiến làm điều phải.—1 Cô-rinh-tô 10:11.

14. Đức Giê-hô-va chỉ đến khả năng nào cho thấy Ngài là Đức Chúa Trời có một và thật?

14 Đức Giê-hô-va là [Đấng] đã rao sự cuối-cùng từ buổi đầu-tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên. [Đấng] phán rằng: Mưu của ta sẽ lập [“đứng vững”, “NW”], và ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý”. (Ê-sai 46:10) Về điều này, có thần nào có thể so sánh với Đức Giê-hô-va? Khả năng tiên đoán tương lai là một bằng chứng hùng hồn về cương vị Đức Chúa Trời của Đấng Tạo Hóa. Tuy nhiên, để bảo đảm sự ứng nghiệm của những điều tiên đoán thì việc thấy trước chưa đủ. Lời tuyên bố “mưu của ta sẽ đứng vững” nhấn mạnh sự bất di bất dịch của ý định Đức Chúa Trời. Vì Đức Giê-hô-va có quyền năng vô hạn, không gì trong vũ trụ có thể ngăn cản Ngài hoàn thành ý muốn Ngài. (Đa-ni-ên 4:35) Do đó, chúng ta có thể chắc chắn rằng bất cứ lời tiên tri nào chưa được ứng nghiệm nhất định sẽ thành sự thật vào thời điểm của Đức Chúa Trời.—Ê-sai 55:11.

15. Chúng ta lưu ý đến điển hình đặc biệt nào về khả năng của Đức Giê-hô-va trong việc tiên tri về tương lai?

15 Kế tiếp, lời tiên tri của Ê-sai nêu ra một điển hình đáng chú ý về khả năng của Đức Giê-hô-va trong việc tiên tri những biến cố trong tương lai và rồi làm cho lời Ngài ứng nghiệm: “Ta gọi chim ó đến từ phương đông, và gọi người làm mưu ta đến từ xứ xa. Điều ta đã rao ra, ta sẽ làm hoàn-thành, điều ta đã định, ta cũng sẽ làm”. (Ê-sai 46:11) Là “Đấng đã rao sự cuối-cùng từ buổi đầu-tiên”, Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ lèo lái các tình huống trong xã hội loài người để thực hiện mưu của Ngài. Ngài sẽ gọi Si-ru “từ phương đông”, hay là Phe-rơ-sơ, nơi tọa lạc của thủ đô Pasargadae mà Si-ru ưa thích. Si-ru sẽ như “chim ó” bổ xuống chụp lấy Ba-by-lôn bất thình lình.

16. Đức Giê-hô-va xác nhận tính cách chắc chắn trong lời tiên đoán của Ngài về Ba-by-lôn như thế nào?

16 Tính cách chắc chắn trong lời tiên đoán của Đức Giê-hô-va về Ba-by-lôn được xác nhận bằng cụm từ “điều ta đã rao ra, ta sẽ làm hoàn-thành”. Trong khi con người bất toàn có khuynh hướng đưa ra những lời hứa bốc đồng, Đấng Tạo Hóa luôn luôn làm trọn lời Ngài. Vì Giê-hô-va là Đức Chúa Trời “không thể nói dối”, chúng ta có thể chắc chắn là nếu Ngài “đã định”, Ngài “cũng sẽ làm”.—Tít 1:2.

Lòng thiếu đức tin

17, 18. Ai được mô tả là “những người cứng lòng” (a) vào thời xưa? (b) vào thời nay?

17 Một lần nữa, hướng về Ba-by-lôn, Đức Giê-hô-va tiên tri: “Hỡi những người cứng lòng, xa cách sự công-bình, hãy nghe ta phán”. (Ê-sai 46:12) Nhóm từ “những người cứng lòng” mô tả những kẻ ngoan cố chống lại ý muốn Đức Chúa Trời. Hiển nhiên, người Ba-by-lôn xa cách với Đức Chúa Trời. Họ ghét Đức Giê-hô-va và dân Ngài và vì thế họ phá hủy Giê-ru-sa-lem cùng đền thờ và bắt dân cư đi làm phu tù.

18 Ngày nay những kẻ mà trong lòng hoài nghi và không tin cứ ngoan cố không chịu nghe thông điệp Nước Trời đang được giảng trên khắp đất. (Ma-thi-ơ 24:14) Họ không muốn công nhận Đức Giê-hô-va là Đấng Thống Trị Tối Cao chính đáng. (Thi-thiên 83:18; Khải-huyền 4:11) Với lòng “xa cách sự công-bình”, họ kháng cự và chống đối ý muốn Ngài. (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Giống như người Ba-by-lôn, họ không chịu lắng nghe Đức Giê-hô-va.

Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời sẽ không chậm trễ

19. Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện một hành động công bình cho dân Y-sơ-ra-ên như thế nào?

19 Những lời kết thúc chương 46 sách Ê-sai nhấn mạnh các khía cạnh trong cá tính của Đức Giê-hô-va: “Ta làm cho sự công-bình ta đến gần, nó chẳng xa chi, và sự cứu-rỗi của ta sẽ chẳng chậm-trễ. Ta sẽ đặt sự cứu-rỗi trong Si-ôn cho Y-sơ-ra-ên, là sự vinh-hiển ta”. (Ê-sai 46:13) Việc Đức Chúa Trời giải thoát Y-sơ-ra-ên sẽ là một hành động công bình. Ngài sẽ không để cho dân Ngài sống lay lắt nơi xứ lưu đày mãi. Sự cứu rỗi của Si-ôn sẽ đến đúng lúc, “sẽ chẳng chậm-trễ”. Ngay sau khi được thoát khỏi cảnh phu tù, dân Y-sơ-ra-ên sẽ trở thành một điều lạ lùng cho các dân tộc chung quanh. Việc Đức Giê-hô-va giải cứu dân Ngài sẽ là một bằng chứng về quyền năng cứu rỗi của Ngài. Sự vô dụng của các thần Ba-by-lôn là Bên, Nê-bô sẽ bị phơi trần. Mọi người đều thấy sự bất lực của chúng.—1 Các Vua 18:39, 40.

20. Làm thế nào tín đồ Đấng Christ có thể chắc chắn là ‘sự cứu-rỗi của Đức Giê-hô-va sẽ chẳng chậm-trễ’?

20 Vào năm 1919, Đức Giê-hô-va đã giải thoát dân Ngài khỏi sự cầm tù về thiêng liêng. Ngài đã không chậm trễ. Biến cố đó, cũng như các biến cố thời xưa khi Ba-by-lôn rơi vào tay Si-ru, khích lệ chúng ta ngày nay. Đức Giê-hô-va hứa chấm dứt hệ thống gian ác này, gồm cả sự thờ phượng giả. (Khải-huyền 19:1, 2, 17-21) Nhìn sự việc theo mắt của loài người, một số tín đồ Đấng Christ có thể cảm thấy là sự cứu rỗi của họ bị trì hoãn. Tuy nhiên, việc Đức Giê-hô-va kiên nhẫn cho tới thời điểm của Ngài để hoàn thành lời hứa đó thật ra là một hành động công bình. Nói cho cùng, “[Đức Giê-hô-va] không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn”. (2 Phi-e-rơ 3:9) Do đó, hãy vững tin rằng, giống như trong thời dân Y-sơ-ra-ên xưa, ‘sự cứu-rỗi sẽ chẳng chậm-trễ’. Thật vậy, trong khi ngày cứu rỗi đến gần hơn, Đức Giê-hô-va yêu thương tiếp tục đưa ra lời mời: “Hãy tìm-kiếm Đức Giê-hô-va đang khi mình gặp được; hãy kêu-cầu đang khi Ngài ở gần! Kẻ ác khá bỏ đường mình, người bất-nghĩa khá bỏ các ý-tưởng; hãy trở lại cùng Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ thương-xót cho, hãy đến cùng Đức Chúa Trời chúng ta, vì Ngài tha-thứ dồi-dào”.—Ê-sai 55:6, 7.

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 94]

Các thần của Ba-by-lôn không bảo vệ nó khỏi bị hủy diệt

[Các hình nơi trang 98]

Tín đồ Đấng Christ phải coi chừng thần tượng tân thời

[Các hình nơi trang 101]

Hãy can đảm lên để làm điều phải