Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Kẻ ta chọn-lựa, là kẻ mà linh-hồn ta lấy làm đẹp lòng”

“Kẻ ta chọn-lựa, là kẻ mà linh-hồn ta lấy làm đẹp lòng”

Chương Ba

“Kẻ ta chọn-lựa, là kẻ mà linh-hồn ta lấy làm đẹp lòng”

Ê-sai 42:1-25

1, 2. Tại sao tín đồ Đấng Christ ngày nay chú ý đến chương 42 sách Ê-sai?

“ĐỨC GIÊ-HÔ-VA phán: Các ngươi là kẻ làm chứng ta, và là đầy-tớ ta đã chọn”. (Ê-sai 43:10) Lời tuyên bố này của Đức Giê-hô-va, được nhà tiên tri Ê-sai sống vào thế kỷ thứ tám TCN ghi lại, cho thấy dân tộc trong giao ước thời xưa của Đức Giê-hô-va là một nước nhân chứng. Họ là tôi tớ được Đức Chúa Trời lựa chọn. Khoảng 2.600 năm sau, vào năm 1931, các tín đồ Đấng Christ được xức dầu công khai tuyên bố những lời này áp dụng cho họ. Họ lấy danh Nhân Chứng Giê-hô-va và hết lòng nhận trách nhiệm đi đôi với việc là tôi tớ của Đức Chúa Trời trên đất.

2 Nhân Chứng Giê-hô-va tha thiết muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời. Vì lý do này, mỗi người trong họ hết sức chú ý đến chương 42 sách Ê-sai vì chương này cung cấp hình ảnh một đầy tớ được Đức Chúa Trời chấp nhận và một đầy tớ khác bị Ngài từ bỏ. Việc xem xét lời tiên tri này cùng sự ứng nghiệm của nó sẽ khiến chúng ta thông hiểu điều gì dẫn đến ân phước và điều gì khiến mất ân huệ của Đức Chúa Trời.

‘Ta đã đặt thánh linh ta trên người’

3. Qua Ê-sai Đức Giê-hô-va tiên tri gì về “đầy-tớ” Ngài?

3 Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va báo trước một đầy tớ do chính Ngài lựa chọn sẽ đến: “Nầy, đầy-tớ ta đây, là kẻ ta nâng-đỡ; là kẻ ta chọn-lựa, là kẻ mà linh-hồn ta lấy làm đẹp lòng. Ta đã đặt Thần [“Thánh linh”, “Trần Đức Huân”] ta trên người, người sẽ tỏ ra sự công-bình cho các dân ngoại. Người sẽ chẳng kêu-la, chẳng lên tiếng, chẳng để ngoài đường-phố nghe tiếng mình. Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã giập, và chẳng dụt tim đèn còn hơi cháy. Người sẽ lấy lẽ thật mà tỏ ra sự công-bình. Người chẳng mòn-mỏi, chẳng ngã lòng, cho đến chừng nào lập xong sự công-bình trên đất; các cù-lao sẽ trông-đợi luật-pháp người”.—Ê-sai 42:1-4.

4. Người Đức Chúa Trời “chọn-lựa” được báo trước là ai, và làm sao chúng ta biết được điều này?

4 Đầy Tớ được nói đến ở đây là ai? Chúng ta không bị bỏ mặc trong sự nghi ngờ. Sách Phúc Âm Ma-thi-ơ trích những lời này và áp dụng cho Chúa Giê-su Christ. (Ma-thi-ơ 12:15-21) Chúa Giê-su là Đầy Tớ yêu dấu, tức người được “chọn-lựa”. Đức Giê-hô-va đã đặt thánh linh của Ngài trên Chúa Giê-su khi nào? Vào năm 29 CN, lúc Chúa Giê-su làm báp têm. Lời tường thuật được soi dẫn miêu tả phép báp têm đó và nói là sau khi Chúa Giê-su trồi lên khỏi mặt nước, “trời liền mở ra, Thánh Linh lấy hình bồ câu ngự xuống trên Ngài; lại có tiếng từ trời phát ra: Người là con yêu-dấu Ta, Người rất đẹp lòng Ta”. Bằng cách này, Đức Giê-hô-va đích thân nhận diện Đầy Tớ yêu dấu của Ngài. Thánh chức sau đó của Chúa Giê-su và các công việc lạ lùng ngài làm chứng tỏ thánh linh của Đức Giê-hô-va thật sự trên ngài.—Lu-ca 3:21, 22, TĐH; 4:14-21; Ma-thi-ơ 3:16, 17.

‘Người sẽ tỏ sự công-bình ra cho các dân ngoại’

5. Tại sao công lý cần được làm sáng tỏ vào thế kỷ thứ nhất CN?

5 Người Đức Giê-hô-va chọn lựa sẽ “tỏ” hay làm nổi bật sự công bình thật. “Người sẽ rao-giảng sự công-bình cho dân ngoại”. (Ma-thi-ơ 12:18) Vào thế kỷ thứ nhất CN, điều này thật cần thiết biết bao! Những nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái dạy một quan điểm méo mó về công lý và công bình. Họ cố đạt được sự công bình bằng cách theo một bộ luật cứng nhắc—nhiều luật là do họ tự đặt ra. Công lý của họ nặng về luật pháp, thiếu hẳn sự trắc ẩn và lòng thương xót.

6. Chúa Giê-su thể hiện công lý thật bằng cách nào?

6 Trái lại, Chúa Giê-su tiết lộ quan điểm của Đức Chúa Trời về công lý. Qua những gì ngài dạy và qua cách ngài sống, Chúa Giê-su cho thấy công lý chân chính là trắc ẩn và thương xót. Chúng ta hãy xem Bài Giảng trên Núi nổi tiếng của ngài. (Ma-thi-ơ, chương 5-7) Quả là một sự giải thích tuyệt hảo về cách thực hành công lý và công bình! Khi đọc những lời tường thuật trong Phúc Âm, chúng ta chẳng thấy cảm động trước lòng trắc ẩn của Chúa Giê-su đối với người nghèo và người khốn khổ hay sao? (Ma-thi-ơ 20:34; Mác 1:41; 6:34; Lu-ca 7:13) Ngài đem thông điệp an ủi đến cho nhiều người như cây sậy bị giập, quằn xuống và bị ngược đãi. Họ giống như tim đèn dầu leo lét, tia sinh lực cuối cùng gần như sắp tàn. Chúa Giê-su chẳng bẻ “cây sậy đã giập” cũng chẳng dập tắt “tim đèn còn hơi cháy”. Thay vì thế, những lời lẽ và hành động đầy yêu thương và trắc ẩn của ngài đã khiến những người nhu mì nức lòng.—Ma-thi-ơ 11:28-30.

7. Tại sao lời tiên tri có thể nói rằng Chúa Giê-su sẽ ‘chẳng kêu-la, chẳng lên tiếng ngoài đường-phố’?

7 Vậy tại sao lời tiên tri lại nói rằng Chúa Giê-su sẽ “chẳng kêu-la, chẳng lên tiếng, chẳng để ngoài đường-phố nghe tiếng mình”? Bởi vì ngài không tự đề cao mình như nhiều người trong thời ngài. (Ma-thi-ơ 6:5) Sau khi chữa lành một người bị bệnh phong cùi, ngài bảo ông: “Hãy giữ, chớ tỏ điều đó cùng ai”. (Mác 1:40-44) Thay vì tìm kiếm danh vọng và để dân chúng đi đến kết luận dựa vào tin đồn, Chúa Giê-su muốn họ quyết định dựa trên bằng chứng vững vàng chứng tỏ ngài là Đấng Christ, Đầy Tớ được xức dầu của Đức Giê-hô-va.

8. (a) Chúa Giê-su đem “công-bình cho các dân ngoại” như thế nào? (b) Câu chuyện ngụ ngôn của Chúa Giê-su về người Sa-ma-ri có tình láng giềng dạy chúng ta điều gì về công lý?

8 Đầy Tớ được Đức Chúa Trời chọn lựa đem “công-bình cho các dân ngoại”. Đây là điều Chúa Giê-su đã làm. Ngoài việc nhấn mạnh bản chất thương xót của công lý theo ý Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su còn dạy rằng công lý phải được áp dụng cho mọi người. Vào một dịp nọ, Chúa Giê-su nhắc nhở một người thông thạo về Luật Pháp là ông phải yêu Đức Chúa Trời và người lân cận. Ông ta hỏi Chúa Giê-su: “Ai là người lân-cận tôi?” Có lẽ ông kỳ vọng Chúa Giê-su trả lời: “Những người Do Thái đồng hương của ngươi”. Nhưng Chúa Giê-su kể một ngụ ngôn về người Sa-ma-ri có tình láng giềng. Trong câu chuyện, một người Sa-ma-ri đã đến giúp đỡ một người bị bọn cướp đánh gục bên đường, trong khi một người Lê-vi và một thầy tế lễ thì không chịu giúp. Người đặt câu hỏi đã phải thừa nhận, trong câu chuyện này, người Sa-ma-ri bị dân Do Thái khinh bỉ là người lân cận, chứ không phải người Lê-vi hoặc thầy tế lễ. Chúa Giê-su kết thúc câu chuyện ngụ ngôn bằng lời khuyên: “Hãy đi, làm theo như vậy”.—Lu-ca 10:25-37; Lê-vi Ký 19:18.

“Người chẳng mòn-mỏi, chẳng ngã lòng”

9. Sự hiểu biết về bản chất của công lý thật ảnh hưởng chúng ta như thế nào?

9 Vì Chúa Giê-su làm sáng tỏ bản chất của công lý thật nên các môn đồ ngài đã học thể hiện đức tính ấy. Chúng ta cũng phải làm vậy. Trước nhất, chúng ta cần chấp nhận tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về điều thiện và điều ác, vì Ngài có quyền ấn định thế nào là công bình và chính trực. Khi cố gắng làm mọi việc theo đường lối của Đức Giê-hô-va, hạnh kiểm ngay thẳng của chúng ta sẽ cho thấy rõ thế nào là công lý thật.—1 Phi-e-rơ 2:12.

10. Tại sao việc thể hiện công lý đòi hỏi phải tham gia vào công việc rao giảng và dạy dỗ?

10 Chúng ta cũng thể hiện công lý thật khi siêng năng tham gia vào hoạt động rao giảng và dạy dỗ. Đức Giê-hô-va đã rộng rãi cung cấp sự hiểu biết đem đến sự sống, đó là sự hiểu biết về Ngài, Con Ngài và ý định Ngài. (Giăng 17:3) Chúng ta sẽ không công bình và chính trực nếu giữ sự hiểu biết ấy cho riêng mình. Sa-lô-môn nói: “Chớ từ-chối làm lành cho kẻ nào xứng-đáng, miễn là tay con có quyền làm điều ấy”. (Châm-ngôn 3:27) Vậy chúng ta hãy hết lòng chia sẻ những gì mình biết về Đức Chúa Trời với mọi người, không phân biệt chủng tộc, sắc tộc hay quốc gia.—Công-vụ 10:34, 35.

11. Noi gương Chúa Giê-su, chúng ta đối xử với người khác như thế nào?

11 Hơn nữa, một tín đồ thật của Đấng Christ đối xử với người khác như Chúa Giê-su vậy. Ngày nay nhiều người phải đương đầu với những vấn đề làm họ nản lòng; họ cần sự trắc ẩn và khích lệ. Ngay cả một số tín đồ Đấng Christ đã dâng mình cũng bị hoàn cảnh vùi dập đến độ họ thành giống cây sậy gẫy hoặc như tim đèn leo lét. Phải chăng họ không cần sự nâng đỡ của chúng ta? (Lu-ca 22:32; Công-vụ 11:23) Thật thoải mái làm sao khi được kết hợp với tín đồ thật của Đấng Christ, những người cố noi gương Chúa Giê-su trong việc thi hành công lý!

12. Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng chẳng bao lâu nữa, công lý cho mọi người sẽ thành một thực tại?

12 Có bao giờ mọi người đều được hưởng công lý không? Quả thật có. Đấng được Đức Giê-hô-va chọn lựa sẽ “chẳng mòn-mỏi, chẳng ngã lòng, cho đến chừng nào lập xong sự công-bình trên đất”. Một ngày rất gần đây, Vị Vua ngồi trên ngôi, Chúa Giê-su Christ, sẽ “báo-thù những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời”. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-9; Khải-huyền 16:14-16) Nước Đức Chúa Trời sẽ thay thế sự cai trị của loài người. Công lý và công bình sẽ đầy dẫy. (Châm-ngôn 2:21, 22; Ê-sai 11:3-5; Đa-ni-ên 2:44; 2 Phi-e-rơ 3:13) Tôi tớ Đức Giê-hô-va khắp nơi—ngay cả ở những nơi hẻo lánh, “các cù-lao”—đều nóng lòng mong đợi ngày đó.

‘Ta sẽ phó người làm sự sáng cho các dân ngoại’

13. Lời tiên tri của Đức Giê-hô-va nói gì về Đầy Tớ Ngài lựa chọn?

13 Ê-sai viết tiếp: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời, là Đấng đã dựng nên các từng trời và giương ra, đã trải đất với mọi sự ra bởi nó, đã ban hơi sống cho dân ở trên nó, và thần-linh cho mọi loài đi trên nó, có phán như vầy”. (Ê-sai 42:5) Thật là một sự miêu tả hùng hồn về Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa! Sự nhắc nhở này về quyền năng của Đức Giê-hô-va làm cho lời phán của Ngài trở thành tối hệ trọng. Đức Giê-hô-va phán: “Ta, Đức Giê-hô-va, đã kêu-gọi ngươi trong sự công-bình; ta sẽ nắm tay ngươi và giữ lấy ngươi. Ta sẽ phó ngươi làm giao-ước của dân nầy, làm sự sáng cho các dân ngoại, để mở mắt kẻ mù, làm cho kẻ tù ra khỏi khám, kẻ ngồi trong tối-tăm ra khỏi ngục”.—Ê-sai 42:6, 7.

14. (a) Việc Đức Giê-hô-va nắm lấy tay Đầy Tớ Ngài chọn có nghĩa gì? (b) Đầy Tớ Ngài chọn đóng vai trò gì?

14 Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại của vũ trụ, Đấng ban và duy trì sự sống, đã nắm lấy tay Đầy Tớ Ngài chọn và hứa sẽ hoàn toàn ủng hộ. Thật yên lòng làm sao! Ngoài ra, Đức Giê-hô-va giữ ngài an toàn để ban ngài “làm giao-ước của dân”. Giao ước là một hợp đồng, một giao kèo, một lời hứa long trọng. Nó là pháp lệnh chắc chắn. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va đã làm cho Đầy Tớ Ngài thành “một của thế chấp cho các dân”.—Bản dịch An American Translation.

15, 16. Chúa Giê-su là “sự sáng cho các dân ngoại” như thế nào?

15 Là “sự sáng cho các dân ngoại”, Đầy Tớ mà Đức Chúa Trời hứa ban cho sẽ “mở mắt kẻ mù” và giải phóng “kẻ ngồi trong tối-tăm”. Chúa Giê-su đã làm điều này. Bằng cách làm chứng cho lẽ thật, Chúa Giê-su tôn vinh danh Cha trên trời của ngài. (Giăng 17:4, 6) Ngài đã vạch trần sự sai lầm của các tôn giáo giả, giảng tin mừng về Nước Trời và mở cánh cửa đưa đến sự tự do về thiêng liêng cho những người bị cầm tù trong tôn giáo giả. (Ma-thi-ơ 15:3-9; Lu-ca 4:43; Giăng 18:37) Ngài cảnh cáo người ta về những việc làm thuộc về tối tăm và vạch mặt Sa-tan là “cha sự nói dối” và “vua-chúa thế-gian nầy”.—Giăng 3:19-21; 8:44; 16:11.

16 Chúa Giê-su nói: “Ta là sự sáng của thế-gian”. (Giăng 8:12) Ngài chứng tỏ đúng như vậy một cách nổi bật khi dâng sự sống làm người hoàn toàn của ngài làm giá chuộc. Do đó, ngài đã mở đường cho những ai thực hành đức tin được tha tội, có được mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời và triển vọng sống đời đời. (Ma-thi-ơ 20:28; Giăng 3:16) Qua việc giữ lòng tin kính vẹn toàn trong suốt cuộc đời, Chúa Giê-su đã ủng hộ quyền thống trị của Đức Giê-hô-va và chứng minh Ma-quỉ là kẻ nói dối. Ngài thật là đấng ban sự sáng cho kẻ mù, đấng giải phóng những người bị giam cầm trong sự tăm tối về thiêng liêng.

17. Bằng những cách nào chúng ta có thể là người mang sự sáng?

17 Trong Bài Giảng trên Núi, Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Các ngươi là sự sáng của thế-gian”. (Ma-thi-ơ 5:14) Chẳng phải chúng ta cũng là người mang sự sáng hay sao? Qua lối sống và qua công việc rao giảng, chúng ta có đặc ân hướng dẫn người khác đến với Đức Giê-hô-va, Nguồn của sự hiểu biết thiêng liêng thật. Noi gương Chúa Giê-su, chúng ta rao truyền danh Đức Giê-hô-va, ủng hộ quyền thống trị của Ngài và công bố Nước Trời của Ngài là hy vọng duy nhất cho nhân loại. Hơn nữa, là những người mang sự sáng, chúng ta phơi bày sự dối trá về tôn giáo, cảnh cáo về những việc làm dơ bẩn thuộc về tối tăm và vạch mặt Sa-tan là ác thần.—Công-vụ 1:8; 1 Giăng 5:19.

“Hãy hát bài ca-tụng mới cho Đức Giê-hô-va”

18. Đức Giê-hô-va khiến dân Ngài biết những điều gì?

18 Bây giờ hướng về dân Ngài, Đức Giê-hô-va phán: “Ta là Đức Giê-hô-va: ấy là danh ta. Ta chẳng nhường sự vinh-hiển ta cho một đấng nào khác, cũng không nhường sự tôn-trọng ta cho những tượng chạm! Nầy, những sự đầu-tiên đã ứng-nghiệm rồi, nay ta lại rao cho các ngươi sự mới; ta làm cho các ngươi biết trước khi nó nổ ra”. (Ê-sai 42:8, 9) Lời tiên tri về “đầy-tớ ta” được phán ra, chẳng phải bởi một trong các thần tượng vô dụng, nhưng bởi Đức Chúa Trời hằng sống có một và thật. Lời tiên tri chắc chắn phải ứng nghiệm, và nó đã ứng nghiệm. Giê-hô-va Đức Chúa Trời quả thực là Tác Giả của những điều mới lạ, và Ngài khiến dân Ngài biết những điều ấy trước khi chúng xảy ra. Chúng ta phải đáp ứng ra sao?

19, 20. (a) Bài ca nào phải được hát? (b) Ngày nay ai đang hát bài ca khen ngợi Đức Giê-hô-va?

19 Ê-sai viết: “Các ngươi là kẻ đi biển cùng mọi vật ở trong biển, các cù-lao cùng dân-cư nó, hãy hát bài ca-tụng mới cho Đức Giê-hô-va, hãy từ nơi đầu-cùng đất ngợi-khen Ngài! Đồng vắng cùng các thành nó hãy cất tiếng lên; các làng Kê-đa ở cũng vậy; dân-cư Sê-la hãy hát, hãy kêu lên từ trên chót núi! Hãy dâng vinh-hiển cho Đức Giê-hô-va, và rao sự ngợi-khen Chúa trong các cù-lao”.—Ê-sai 42:10-12.

20 Dân cư các thành, các làng trong đồng vắng, các cù lao, thậm chí dân cư “Kê-đa”, tức các trại nơi sa mạc—người người khắp nơi—được kêu gọi hát một bài ca khen ngợi cho Đức Giê-hô-va. Thật hào hứng biết bao khi trong thời chúng ta, hàng triệu người đã đáp ứng lời kêu gọi có tính cách tiên tri này! Họ đã chấp nhận lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời và nhận Đức Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình. Dân tộc của Đức Giê-hô-va đang hát bài ca mới này—quy vinh hiển cho Đức Giê-hô-va—trong hơn 230 xứ. Thật là phấn khởi để ca hát trong một ban hợp xướng gồm những người thuộc mọi văn hóa, ngôn ngữ và chủng tộc!

21. Tại sao kẻ thù của dân Đức Chúa Trời không thể thành công trong việc làm im đi tiếng hát khen ngợi Đức Giê-hô-va?

21 Những kẻ chống đối có thể đứng lên nghịch lại Đức Chúa Trời và làm im đi tiếng hát khen ngợi này không? Không thể nào! “Đức Giê-hô-va sẽ ra như người mạnh-dạn; giục lòng sốt-sắng như người lính-chiến; kêu-la quát-tháo; ra sức cự lại kẻ thù-nghịch mình”. (Ê-sai 42:13) Quyền lực nào có thể chống lại Đức Giê-hô-va? Cách đây khoảng 3.500 năm, nhà tiên tri Môi-se và con cái Y-sơ-ra-ên cất tiếng hát: “Đức Giê-hô-va là một chiến-sĩ; danh Ngài là Giê-hô-va. Ngài đã ném xuống biển binh-xa Pha-ra-ôn và cả đạo binh của người; quan-tướng kén-chọn của người đã bị đắm nơi Biển-đỏ”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:3, 4) Đức Giê-hô-va đã chiến thắng một lực lượng quân sự hùng mạnh nhất vào thời ấy. Không một kẻ thù nào của dân Đức Chúa Trời có thể thành công khi Đức Giê-hô-va tiến tới như một chiến sĩ hùng dũng.

“Ta làm thinh đã lâu”

22, 23. Tại sao Đức Giê-hô-va “làm thinh đã lâu”?

22 Đức Giê-hô-va công bằng và chính trực ngay cả khi thi hành án phạt trên kẻ thù của Ngài. Ngài phán: “Ta làm thinh đã lâu; ta đã nín-lặng, ta đã cầm mình. Nhưng bây giờ, ta rên-la, thở hổn-hển, như đàn bà sanh-đẻ. Ta sắp phá hoang núi và đồi, làm cho cỏ cây khô-héo; biến sông thành cù-lao, làm cho hồ ao cạn-tắt”.—Ê-sai 42:14, 15.

23 Trước khi đoán phạt, Đức Giê-hô-va cho phép thời gian trôi qua để những kẻ phạm tội có cơ hội từ bỏ con đường gian ác. (Giê-rê-mi 18:7-10; 2 Phi-e-rơ 3:9) Hãy xem trường hợp Ba-by-lôn, cường quốc thế giới hùng mạnh đã tàn phá Giê-ru-sa-lem vào năm 607 TCN. Đức Giê-hô-va cho phép điều này xảy ra để trừng phạt dân Y-sơ-ra-ên vì tội bất trung của họ. Tuy nhiên, người Ba-by-lôn không nhận biết vai trò mà mình đang đóng. Họ đối xử với dân của Đức Chúa Trời cay nghiệt hơn quá xa với hình phạt Đức Chúa Trời đòi hỏi. (Ê-sai 47:6, 7; Xa-cha-ri 1:15) Đức Chúa Trời hẳn đau lòng biết bao khi thấy dân Ngài bị khổ sở! Nhưng Ngài không ra tay hành động cho đến thời điểm của Ngài. Rồi Ngài dồn nỗ lực—giống như người đàn bà sinh đẻ—để giải phóng dân tộc trong giao ước của Ngài và làm cho họ thành một quốc gia độc lập. Để hoàn thành điều này, vào năm 539 TCN, Ngài làm cạn tắt và tàn phá Ba-by-lôn và hệ thống phòng thủ của nó.

24. Đức Giê-hô-va mở ra triển vọng nào cho dân Y-sơ-ra-ên?

24 Dân Đức Chúa Trời hẳn phấn khởi biết bao khi, sau nhiều năm lưu đày, con đường trở về quê hương cuối cùng mở ra cho họ! (2 Sử-ký 36:22, 23) Họ hẳn vui mừng khi chứng kiến lời hứa của Đức Giê-hô-va được ứng nghiệm: “Ta sẽ khiến kẻ mù đi trên con đường mình không thuộc, dắt họ bởi các nẻo chẳng quen; ta sẽ đổi bóng tối trước mặt họ ra ánh sáng, nơi cong-queo ra ngay-thẳng. Thật, ta sẽ làm các sự đó, và không lìa-bỏ chúng nó đâu”.—Ê-sai 42:16.

25. (a) Dân sự Đức Giê-hô-va ngày nay có thể chắc chắn về điều gì? (b) Chúng ta phải cương quyết làm gì?

25 Những lời này áp dụng cho chúng ta ngày nay như thế nào? Đến nay, Đức Giê-hô-va đã để cho các nước tự đi theo đường riêng mình một thời gian dài—hàng bao thế kỷ. Tuy nhiên, thời điểm Ngài đã định để giải quyết mọi việc nay gần kề. Trong thời hiện đại, Ngài đã dấy lên một dân tộc làm chứng cho danh Ngài. Qua việc san bằng mọi chống đối nghịch lại họ, Ngài đã làm phẳng đường cho họ để họ thờ phượng Ngài bằng “tâm-thần và lẽ thật”. (Giăng 4:24) Ngài hứa: “Ta sẽ... không lìa-bỏ chúng nó đâu”, và Ngài đã giữ lời. Còn về những kẻ cứ cố chấp thờ thần giả thì sao? Đức Giê-hô-va phán: “Song những kẻ cậy các tượng chạm, xưng các tượng đúc rằng: Các ngài là thần chúng tôi, thì sẽ đều giựt-lùi và mang xấu-hổ!” (Ê-sai 42:17) Thật quan trọng biết bao để chúng ta tiếp tục trung thành với Đức Giê-hô-va, như Đấng được Ngài chọn lựa!

‘Một đầy-tớ điếc và mù’

26, 27. Dân Y-sơ-ra-ên chứng tỏ là ‘một đầy-tớ điếc và mù’ như thế nào, và hậu quả nào sẽ xảy đến cho họ?

26 Đầy Tớ Đức Chúa Trời chọn, tức Chúa Giê-su Christ, đã giữ lòng trung thành cho đến chết. Còn dân Y-sơ-ra-ên chứng tỏ là một đầy tớ bất trung, điếc và mù theo nghĩa thiêng liêng. Đức Giê-hô-va nói với họ: “Hỡi những kẻ điếc, hãy nghe; còn các ngươi là kẻ mù, hãy mở mắt và thấy! Ai là mù, há chẳng phải đầy-tớ ta sao? Ai là điếc như sứ-giả mà ta đã sai đi? Ai là mù như kẻ đã hòa-thuận cùng ta? Ai là mù như đầy-tớ của Đức Giê-hô-va?... Ngươi thấy nhiều sự, mà không giữ chi hết; người vẫn có lỗ tai ngỏ, mà không nghe chi hết. Đức Giê-hô-va vui lòng vì sự công-bình mình, làm cho luật-pháp cả sáng và tôn-trọng”.—Ê-sai 42:18-21.

27 Dân Y-sơ-ra-ên thất bại thảm thương thay! Dân này hằng tái phạm thờ thần ma quỉ của dân ngoại, Đức Giê-hô-va không ngừng sai sứ giả đến, nhưng họ không thèm để ý. (2 Sử-ký 36:14-16) Ê-sai báo trước hậu quả: “Ấy là một dân bị cướp bị giựt: hết thảy đều bị mắc lưới trong hang và giam trong ngục; chúng nó làm của cướp mà chẳng ai giải-cứu; làm mồi mà chẳng ai nói rằng: Hãy trả lại! Trong vòng các ngươi ai là kẻ lắng tai nghe điều nầy, ai để ý đến và nghe sự xảy có về sau? Ai đã phó Gia-cốp cho sự cướp-bóc, và Y-sơ-ra-ên cho quân trộm-cướp? Há chẳng phải Đức Giê-hô-va, là Đấng mà chúng ta phạm tội nghịch cùng, đường-lối Ngài chúng nó chẳng noi-theo, luật-pháp Ngài chúng nó chẳng vâng-giữ? Cho nên Chúa đã trút cơn thạnh-nộ và sự chiến-tranh dữ-dội trên nó; lửa đốt tứ bề mà nó không biết; lửa thiêu-cháy nó, mà cũng chẳng lấy làm lo”.—Ê-sai 42:22-25.

28. (a) Chúng ta có thể học được gì từ gương của dân Giu-đa? (b) Chúng ta có thể tìm kiếm sự chấp nhận của Đức Giê-hô-va bằng cách nào?

28 Vì sự bất trung của họ, Đức Giê-hô-va để cho nước Giu-đa bị cướp phá vào năm 607 TCN. Quân Ba-by-lôn đốt đền thờ Đức Giê-hô-va, phá tan hoang Giê-ru-sa-lem và bắt dân Do Thái đi làm phu tù. (2 Sử-ký 36:17-21) Mong sao chúng ta nhớ kỹ gương cảnh cáo này và đừng bao giờ bịt tai không nghe trước lời chỉ dạy của Đức Giê-hô-va hoặc bịt mắt không thấy trước Lời của Ngài. Thay vì thế, mong sao chúng ta tìm kiếm sự chấp nhận của Đức Giê-hô-va bằng cách noi gương Chúa Giê-su Christ, Đầy Tớ được chính Đức Giê-hô-va chấp nhận. Giống như Chúa Giê-su, mong sao chúng ta làm sáng tỏ công lý thật qua lời nói và việc làm. Bằng cách này, chúng ta sẽ tiếp tục ở trong vòng dân sự Đức Giê-hô-va, phụng sự Ngài với tư cách người mang sự sáng, ca ngợi Đức Chúa Trời thật và tôn vinh Ngài.

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 33]

Công lý thật là trắc ẩn và thương xót

[Hình nơi trang 34]

Trong ngụ ngôn về người Sa-ma-ri có tình láng giềng, Chúa Giê-su cho thấy mọi người đều đáng hưởng công lý thật

[Các hình nơi trang 36]

Qua việc khích lệ và tử tế, chúng ta thực hành công lý theo ý Đức Chúa Trời

[Các hình nơi trang 39]

Qua hoạt động rao giảng, chúng ta thể hiện công lý theo ý Đức Chúa Trời

[Hình nơi trang 40]

Đức Giê-hô-va ban Đầy Tớ mà Ngài chấp nhận làm “ánh sáng cho dân ngoại”