Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Kỳ ban ơn”

“Kỳ ban ơn”

Chương Mười

“Kỳ ban ơn”

Ê-sai 49:1-26

1, 2. (a) Ê-sai được hưởng ân phước nào? (b) Lời tiên tri ghi nơi nửa phần đầu của chương 49 sách Ê-sai liên hệ đến những ai?

TỪ XA XƯA, tất cả những người trung thành đều được Đức Chúa Trời chấp nhận và che chở. Nhưng không phải ai cũng được Đức Giê-hô-va ban ơn. Một người phải hội đủ điều kiện để nhận ân phước này, một ân phước không gì sánh bằng. Ê-sai là người như thế. Ông được hưởng ân huệ của Đức Chúa Trời và được Ngài dùng như một công cụ để rao truyền ý muốn Ngài cho người khác. Một điển hình của điều này được ghi nơi nửa phần đầu của chương 49 sách tiên tri Ê-sai.

2 Những lời tiên tri này được nói cho dòng dõi của Áp-ra-ham. Trong lần ứng nghiệm đầu tiên, dòng dõi ấy là dân tộc Y-sơ-ra-ên ra từ Áp-ra-ham. Tuy nhiên, phần lớn những lời này rõ ràng áp dụng cho Dòng Dõi Áp-ra-ham mà từ lâu người ta trông mong. Dòng dõi ấy chính là Đấng Mê-si mà Đức Chúa Trời đã hứa. Lời được soi dẫn cũng áp dụng cho các anh em thiêng liêng của Đấng Mê-si nữa, những người trở thành dòng dõi thiêng liêng của Áp-ra-ham và của “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”. (Ga-la-ti 3:7, 16, 29; 6:16) Riêng phần này trong lời tiên tri của Ê-sai mô tả mối quan hệ đặc biệt giữa Đức Giê-hô-va và Con yêu dấu của Ngài là Chúa Giê-su Christ.—Ê-sai 49:26.

Được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm và che chở

3, 4. (a) Đấng Mê-si có sự ủng hộ nào? (b) Đấng Mê-si đang nói với ai?

3 Đấng Mê-si được hưởng ơn, tức được Đức Chúa Trời chấp nhận. Đức Giê-hô-va ban cho ngài thẩm quyền và uy tín cần thiết để chu toàn sứ mạng. Vậy thật thích hợp khi Đấng Mê-si tương lai nói: “Hỡi các cù-lao, hãy nghe ta! Hỡi các dân xa-lạ [“xa xôi”, “Trịnh Văn Căn”], hãy ghé tai! Đức Giê-hô-va đã gọi ta từ trong bụng mẹ, đã nói đến danh ta từ lòng-dạ mẹ ta”.—Ê-sai 49:1.

4 Ở đây Đấng Mê-si nói với các dân “xa xôi”. Mặc dù Đấng Mê-si được hứa cho dân Do Thái nhưng thánh chức của ngài nhằm đem ân phước cho mọi dân. (Ma-thi-ơ 25:31-33) Các “cù-lao” và “các dân” cho dù không ở trong giao ước với Đức Giê-hô-va nhưng cũng nên vâng phục Đấng Mê-si của Y-sơ-ra-ên vì ngài được gửi đến để cứu rỗi nhân loại.

5. Đấng Mê-si được gọi như thế nào ngay cả trước khi sinh ra làm người?

5 Lời tiên tri nói rằng Đức Giê-hô-va sẽ đặt tên cho Đấng Mê-si trước khi ngài được sinh ra làm người. (Ma-thi-ơ 1:21; Lu-ca 1:31) Từ lâu trước khi sinh ra, Chúa Giê-su được gọi là “Đấng Khuyên Bảo Tuyệt Vời, Chúa Quyền Năng, Cha Đời Đời, Chúa Bình An”. (Ê-sai 9:5 [9:6, NW]) Em-ma-nu-ên, dường như là tên con trai của Ê-sai, lại hóa ra là tên theo nghĩa tiên tri của Đấng Mê-si. (Ê-sai 7:14; Ma-thi-ơ 1:21-23) Ngay cả tên đặt cho Đấng Mê-si mà mọi người sẽ gọi ngài—Giê-su—được tiên tri trước khi ngài sinh ra. (Lu-ca 1:30, 31) Tên này trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa “Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi”. Rõ ràng Chúa Giê-su không tự bổ nhiệm mình làm Đấng Christ.

6. Miệng của Đấng Mê-si giống như gươm bén như thế nào, và ngài được che giấu ra sao?

6 Lời tiên tri của Đấng Mê-si tiếp tục: “Ngài đã khiến miệng ta giống như gươm bén; lấy bóng tay Ngài mà che ta; làm cho ta như tên nhọn, và giấu ta trong bao tên”. (Ê-sai 49:2) Khi đến lúc Đấng Mê-si của Đức Giê-hô-va bắt đầu thánh chức trên đất vào năm 29 CN, lời nói và hành động của Chúa Giê-su thật chẳng khác nào như vũ khí chói lòa, bén nhọn, có khả năng xuyên thấu lòng người nghe. (Lu-ca 4:31, 32) Lời nói và hành động của ngài khiến kẻ thù chính của Đức Giê-hô-va là Sa-tan và những kẻ theo hắn nổi giận. Từ lúc Chúa Giê-su sinh ra, Sa-tan cố thủ tiêu ngài, nhưng Chúa Giê-su như một mũi tên được giấu trong bao tên của Đức Giê-hô-va. * Ngài có thể tin cậy nơi sự che chở của Cha ngài. (Thi-thiên 91:1; Lu-ca 1:35) Vào thời điểm đã định, Chúa Giê-su dâng hiến mạng sống ngài vì nhân loại. Nhưng sẽ đến lúc ngài ra tay như một dũng sĩ ở trên trời, vũ trang thật khác biệt, với lưỡi gươm sắc bén ra từ miệng ngài. Lần này, gươm sắc bén tượng trưng cho thẩm quyền của Chúa Giê-su trong việc công bố và thi hành sự đoán phạt trên kẻ thù của Đức Giê-hô-va.—Khải-huyền 1:16.

Đầy Tớ của Đức Chúa Trời không khó nhọc vô ích

7. Những lời của Đức Giê-hô-va nơi Ê-sai 49:3 áp dụng cho ai, và tại sao?

7 Bây giờ Đức Giê-hô-va nói những lời tiên tri này: “Hỡi Y-sơ-ra-ên, ngươi là tôi-tớ ta, ta sẽ được sáng danh bởi ngươi [“nơi ngươi ta sẽ tỏ sự đẹp đẽ của ta”, “NW”]. (Ê-sai 49:3) Đức Giê-hô-va gọi dân Y-sơ-ra-ên là tôi tớ Ngài. (Ê-sai 41:8) Nhưng Chúa Giê-su Christ là Đầy Tớ ưu việt của Đức Chúa Trời. (Công-vụ 3:13) Không tạo vật nào của Đức Chúa Trời có thể phản ánh “sự đẹp đẽ” của Đức Giê-hô-va hơn Chúa Giê-su. Bởi thế, mặc dù nói với dân Y-sơ-ra-ên, nhưng những lời này thực sự áp dụng cho Chúa Giê-su.—Giăng 14:9; Cô-lô-se 1:15.

8. Đấng Mê-si bị chính dân mình đối xử như thế nào, nhưng ngài trông vào ai đánh giá sự thành công của mình?

8 Thế nhưng, chẳng phải sự thật là Chúa Giê-su đã bị phần lớn dân mình khinh dể và hắt hủi đó sao? Đúng. Nói chung, dân Y-sơ-ra-ên không chấp nhận Chúa Giê-su là Đầy Tớ được xức dầu của Đức Chúa Trời. (Giăng 1:11) Đối với những người cùng thời với Chúa Giê-su, tất cả những gì ngài thực hiện khi sống trên đất có thể dường như chẳng có giá trị mấy, thậm chí vô nghĩa nữa. Kế đến, Đấng Mê-si ám chỉ thánh chức mà bề ngoài xem ra thất bại: “Ta đã làm việc luống-công, đã hao sức vô-ích và không kết-quả”. (Ê-sai 49:4a) Đấng Mê-si không vì nản lòng mà nói như vậy. Hãy xem xét những gì ngài nói tiếp: “Song lẽ ngay-thẳng của ta ở nơi Đức Giê-hô-va, sự ban-thưởng cho ta ở nơi Đức Chúa Trời ta”. (Ê-sai 49:4b) Sự thành công của Đấng Mê-si được đánh giá bởi Đức Chúa Trời chứ không phải bởi loài người.

9, 10. (a) Đấng Mê-si được Đức Giê-hô-va giao cho sứ mạng nào, và ngài đã đạt được thành quả nào? (b) Tín đồ Đấng Christ ngày nay có thể được khích lệ như thế nào qua kinh nghiệm của Đấng Mê-si?

9 Mối quan tâm chính yếu của Chúa Giê-su là được sự chấp nhận hay ơn của Đức Chúa Trời. Trong lời tiên tri, Đấng Mê-si nói: “Bây giờ, Đức Giê-hô-va là Đấng đã lập ta làm tôi-tớ Ngài từ trong bụng mẹ, có khiến ta dẫn Gia-cốp đến cùng Ngài, và nhóm Y-sơ-ra-ên về cùng Ngài; vì ta được tôn-trọng trước mắt Đức Giê-hô-va, và Đức Chúa Trời ta là sức-mạnh ta”. (Ê-sai 49:5) Đấng Mê-si đến để đem lòng con cái Y-sơ-ra-ên trở lại với Cha trên trời của họ. Một số hưởng ứng, nhưng phần lớn thì không. Tuy nhiên, phần thưởng thật của ngài đến từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Sự thành công của ngài được đánh giá theo tiêu chuẩn của chính Đức Chúa Trời, chứ không theo điều kiện của loài người.

10 Ngày nay, môn đồ Chúa Giê-su có thể thỉnh thoảng cảm thấy như họ đang khó nhọc vô ích. Tại vài nơi, kết quả thánh chức của họ có vẻ vô nghĩa so với bao công sức và cố gắng của họ. Tuy nhiên, họ vẫn kiên trì nhờ được khích lệ bởi gương của Chúa Giê-su. Họ cũng được vững chí nhờ lời của sứ đồ Phao-lô: “Vậy, hỡi anh em yêu-dấu của tôi, hãy vững-vàng chớ rúng-động, hãy làm công-việc Chúa cách dư-dật luôn, vì biết rằng công-khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô-ích đâu”.—1 Cô-rinh-tô 15:58.

“Sự sáng cho các dân ngoại”

11, 12. Đấng Mê-si là “sự sáng cho các dân ngoại” như thế nào?

11 Trong lời tiên tri của Ê-sai, Đức Giê-hô-va khuyến khích Đấng Mê-si bằng cách nhắc ngài rằng được làm Đầy Tớ Đức Chúa Trời không phải là “việc nhỏ”. Chúa Giê-su phải “lập lại các chi-phái Gia-cốp, và làm cho những kẻ được gìn-giữ của Y-sơ-ra-ên lại được trở về”. Đức Giê-hô-va giải thích thêm: “Ta sẽ khiến ngươi làm sự sáng cho các dân ngoại, hầu cho ngươi làm sự cứu-rỗi của ta đến nơi đầu-cùng đất”. (Ê-sai 49:6) Làm thế nào Chúa Giê-su làm sự sáng cho các dân “đến nơi đầu-cùng đất” nếu thánh chức trên đất của ngài chỉ giới hạn cho dân Y-sơ-ra-ên?

12 Lời chép trong Kinh Thánh cho thấy “sự sáng [của Đức Chúa Trời] cho các dân ngoại” không hề tắt với sự ra đi của Chúa Giê-su. Khoảng 15 năm sau khi Chúa Giê-su chết, hai giáo sĩ Phao-lô và Ba-na-ba trích lời tiên tri nơi Ê-sai 49:6 và áp dụng cho môn đồ của Chúa Giê-su, tức các anh em thiêng liêng của ngài. Họ giải thích: “Chúa có phán dặn chúng ta như vầy: Ta lập ngươi lên đặng làm sự sáng cho các dân, hầu cho ngươi đem sự cứu-rỗi cho đến cùng cõi đất”. (Công-vụ 13:47) Trước khi chết, Phao-lô thấy tin mừng cứu rỗi đã giảng không chỉ cho người Do Thái nhưng cho “mọi vật dựng nên ở dưới trời”. (Cô-lô-se 1:6, 23) Ngày nay, những anh em được xức dầu của Đấng Christ còn sót lại vẫn tiếp tục công việc này. Được hỗ trợ bởi đám đông “vô-số” lên đến nhiều triệu người, họ là “sự sáng cho các dân ngoại” trong hơn 230 xứ trên khắp thế giới.—Khải-huyền 7:9.

13, 14. (a) Đấng Mê-si và môn đồ ngài gặp phải phản ứng nào trong công việc rao giảng? (b) Tình thế đảo ngược như thế nào?

13 Đức Giê-hô-va quả đã chứng tỏ là nguồn sức mạnh cho Đấng Mê-si, Đầy Tớ Ngài, cho các anh em được xức dầu của Đấng Mê-si và cũng cho tất cả đám đông kết hợp với họ để tiếp tục rao giảng tin mừng. Thật vậy, giống như Chúa Giê-su, các môn đồ ngài đã bị khinh miệt và chống đối. (Giăng 15:20) Nhưng đến kỳ định, Đức Giê-hô-va luôn luôn đảo ngược tình thế để giải cứu và ban thưởng cho các tôi tớ trung thành. Đức Giê-hô-va hứa về Đấng Mê-si từng bị loài người “khinh-dể” “gớm-ghiếc”: “Các vua sẽ thấy và đứng dậy; các quan-trưởng sẽ quì-lạy, vì cớ Đức Giê-hô-va là Đấng thành-tín, tức là Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, là Đấng đã chọn ngươi”.—Ê-sai 49:7.

14 Sau này sứ đồ Phao-lô viết cho anh em tín đồ Đấng Christ ở Phi-líp về sự đảo ngược tình thế này. Ông miêu tả Chúa Giê-su bị nhục trên cây khổ hình nhưng rồi được Đức Chúa Trời tôn vinh. Đức Giê-hô-va đem Đầy Tớ Ngài “lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối... đều quì xuống”. (Phi-líp 2:8-11) Các môn đồ trung thành của Đấng Christ đã được báo trước là họ cũng sẽ bị bắt bớ. Nhưng giống như Đấng Mê-si, họ được ơn của Đức Giê-hô-va.—Ma-thi-ơ 5:10-12; 24:9-13; Mác 10:29, 30.

“Kỳ thuận-tiện”

15. “Kỳ” đặc biệt nào được nói đến trong lời tiên tri của Ê-sai, và kỳ này ngụ ý gì?

15 Lời tiên tri của Ê-sai tiếp tục với một lời đầy ý nghĩa. Đức Giê-hô-va nói với Đấng Mê-si: “Ta đã nhậm lời ngươi trong kỳ thuận-tiện [“ban ơn”, “NW”], đã vùa-giúp ngươi trong ngày cứu-rỗi. Ta sẽ gìn-giữ ngươi, phó ngươi làm giao-ước của dân”. (Ê-sai 49:8a) Một lời tiên tri tương tự được chép nơi Thi-thiên 69:13-18 theo Bản dịch Thế Giới Mới. Người viết Thi-thiên ám chỉ “kỳ ban ơn” khi dùng từ “kỳ thuận tiện”. Những từ này cho thấy Đức Giê-hô-va ban ơn và sẵn sàng che chở một cách đặc biệt nhưng chỉ trong một khoảng thời gian nhất định và tạm thời.

16. Kỳ ban ơn của Đức Giê-hô-va cho dân Y-sơ-ra-ên xưa là gì?

16 Kỳ ban ơn là khi nào? Theo bối cảnh nguyên thủy, những chữ này nằm trong phần tiên tri về sự phục hồi báo trước việc người Do Thái lưu đày được trở về xứ. Dân Y-sơ-ra-ên đã trải qua một kỳ ban ơn khi họ có thể “lập lại xứ” và được lại “đất hoang-vu làm sản-nghiệp”. (Ê-sai 49:8b) Họ không còn là “kẻ bị trói” ở Ba-by-lôn nữa. Trên đường trở về quê hương, họ được Đức Giê-hô-va lo liệu sao cho không bị “đói” hoặc “khát” “khí nóng mặt trời chẳng phạm đến”. Những người Y-sơ-ra-ên tản mát “từ nơi xa..., từ phương bắc,... từ phương tây” lũ lượt kéo về quê hương. (Ê-sai 49:9-12) Dù lời tiên tri này lần đầu đã ứng nghiệm tuyệt diệu như thế, nhưng Kinh Thánh cho biết nó còn một lần ứng nghiệm nữa.

17, 18. Trong thế kỷ thứ nhất, Đức Giê-hô-va ấn định kỳ ban ơn nào?

17 Trước nhất, lúc Chúa Giê-su sinh ra, các thiên sứ công bố sự bình an và ơn của Đức Chúa Trời cho loài người. (Lu-ca 2:13, 14) Ơn này được ban, không phải cho mọi người nói chung, nhưng chỉ cho những người thực hành đức tin nơi Chúa Giê-su mà thôi. Sau này Chúa Giê-su đọc trước công chúng lời tiên tri nơi Ê-sai 61:1, 2 và áp dụng cho chính ngài là đấng rao “năm lành” của Đức Giê-hô-va. (Lu-ca 4:17-21) Sứ đồ Phao-lô cho thấy Đấng Christ được Đức Giê-hô-va che chở đặc biệt khi còn sống trong xác thịt. (Hê-bơ-rơ 5:7-9) Như vậy kỳ ban ơn này có nghĩa là Đức Chúa Trời ban ân huệ cho Chúa Giê-su trong suốt đời sống làm người của ngài.

18 Tuy nhiên, lời tiên tri còn một sự áp dụng khác nữa. Sau khi trích lời Ê-sai về kỳ ban ơn, Phao-lô nói tiếp: “Kìa, hiện nay là thì thuận-tiện; kìa, hiện nay là ngày cứu-rỗi!” (2 Cô-rinh-tô 6:2) Sứ đồ Phao-lô viết những lời này 22 năm sau khi Chúa Giê-su chết. Có thể nói rằng khi hội thánh tín đồ Đấng Christ ra đời vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, Đức Giê-hô-va đã nới rộng năm ban ơn cho các môn đồ xức dầu của Đấng Christ.

19. Tín đồ Đấng Christ ngày nay có thể được lợi ích từ kỳ ban ơn của Đức Giê-hô-va như thế nào?

19 Còn các môn đồ ngày nay của Chúa Giê-su không được xức dầu để thừa kế Nước Trời thì sao? Những người có hy vọng sống trên đất có thể được lợi ích từ kỳ thuận tiện này không? Có. Sách Khải-huyền cho thấy bây giờ là kỳ ban ơn của Đức Giê-hô-va cho đám đông sẽ “ra khỏi cơn đại-nạn” và vui hưởng sự sống trong địa đàng. (Khải-huyền 7:13-17) Bởi thế, tất cả tín đồ Đấng Christ có thể tận dụng giai đoạn có giới hạn này, trong đó Đức Giê-hô-va ban ơn cho loài người bất toàn.

20. Tín đồ Đấng Christ có thể tránh chịu ơn của Đức Chúa Trời luống không như thế nào?

20 Nhưng trước khi công bố kỳ thuận tiện của Đức Giê-hô-va, sứ đồ Phao-lô đã đưa ra một lời răn. Ông nài xin anh em tín đồ Đấng Christ “chớ chịu ơn Đức Chúa Trời luống không”. (2 Cô-rinh-tô 6:1) Do đó, tín đồ Đấng Christ dùng mọi cơ hội để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và thi hành ý muốn Ngài. (Ê-phê-sô 5:15, 16) Họ sẽ được lợi ích khi làm theo lời khuyên của Phao-lô: “Hỡi anh em, hãy giữ lấy, kẻo ai trong anh em có lòng dữ và chẳng tin mà trái-bỏ Đức Chúa Trời hằng sống chăng. Nhưng hằng ngày anh em hãy khuyên-bảo lẫn nhau, đang khi còn gọi là ‘Ngày nay,’ hầu cho trong anh em không ai bị tội-lỗi dỗ-dành mà cứng lòng”.—Hê-bơ-rơ 3:12, 13.

21. Phần đầu của chương 49 sách Ê-sai kết luận với lời vui mừng nào?

21 Khi nói xong các lời tiên tri về Đức Giê-hô-va và Đấng Mê-si, Ê-sai vui mừng thốt lên: “Hỡi trời, hãy hát! Hỡi đất, hãy vui-mừng! Hỡi các núi, hãy lên tiếng hát-xướng! Vì Đức Giê-hô-va đã yên-ủi dân Ngài, cũng thương-xót kẻ khốn-khó”. (Ê-sai 49:13) Thật là những lời yên ủi tuyệt vời cho dân Y-sơ-ra-ên thời xưa và cho Đầy Tớ thân tín của Đức Giê-hô-va là Chúa Giê-su Christ, cũng như cho các tôi tớ xức dầu của Đức Giê-hô-va và các “chiên khác” ngày nay!—Giăng 10:16.

Đức Giê-hô-va không quên dân Ngài

22. Đức Giê-hô-va nhấn mạnh thế nào rằng Ngài sẽ không bao giờ quên dân Ngài?

22 Bây giờ Ê-sai tiếp tục tường thuật lời tuyên bố của Đức Giê-hô-va. Ông tiên tri rằng dân Y-sơ-ra-ên phu tù sẽ có khuynh hướng mệt mỏi và mất hy vọng. Ê-sai nói: “Si-ôn từng nói rằng: Đức Giê-hô-va đã lìa-bỏ ta; Chúa đã quên ta”. (Ê-sai 49:14) Có thật như vậy không? Đức Giê-hô-va có lìa bỏ dân Ngài và quên họ không? Với tư cách phát ngôn viên của Đức Giê-hô-va, Ê-sai nói tiếp: “Đàn-bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đàn-bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi”. (Ê-sai 49:15) Thật là một câu trả lời đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va! Đức Chúa Trời yêu dân Ngài hơn là người mẹ yêu con mình. Ngài hằng nghĩ đến những người trung thành của Ngài. Ngài nhớ đến họ như thể tên họ được khắc nơi tay Ngài: “Nầy ta đã chạm ngươi trong lòng bàn tay ta; các tường-thành ngươi thường ở trước mặt ta luôn”.—Ê-sai 49:16.

23. Phao-lô khuyến khích tín đồ Đấng Christ tin Đức Giê-hô-va không bao giờ quên dân Ngài như thế nào?

23 Trong lá thư gửi cho anh em ở Ga-la-ti, sứ đồ Phao-lô khuyên: “Chớ mệt-nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ-nải, thì đến kỳ, chúng ta sẽ gặt”. (Ga-la-ti 6:9) Ông cũng viết những lời đầy khích lệ cho người Hê-bơ-rơ: “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài”. (Hê-bơ-rơ 6:10) Chúng ta đừng bao giờ nghĩ Đức Giê-hô-va quên dân Ngài. Giống như Si-ôn cổ xưa, tín đồ Đấng Christ có mọi lý do để mừng rỡ và kiên nhẫn chờ đợi Đức Giê-hô-va. Ngài giữ đúng các điều đã giao ước và lời hứa của Ngài.

24. Si-ôn sẽ được khôi phục như thế nào, và nó sẽ hỏi những câu hỏi nào?

24 Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va an ủi thêm. Những kẻ “phá-hại” Si-ôn, dù là người Ba-by-lôn hoặc người Do Thái bội đạo, không còn là một sự đe dọa nữa. “Con-cái” của Si-ôn, tức dân Do Thái phu tù còn trung thành với Đức Giê-hô-va, sẽ “chóng về”. Họ sẽ được “nhóm lại”. Khi mau mắn trở về Giê-ru-sa-lem, những người Do Thái hồi hương sẽ tô điểm thêm cho thủ đô của họ, như “nàng dâu” mang đầy “trang-sức”. (Ê-sai 49:17, 18) Si-ôn đã bị “đổ-nát”. Hãy tưởng tượng sự ngạc nhiên của nó khi bất ngờ nó có nhiều dân cư đến độ thành xem ra chật chội. (Đọc Ê-sai 49:19, 20). Dĩ nhiên, nó hỏi những con cái này từ đâu đến: “Chắc ngươi sẽ tự nói trong lòng rằng: Ai đã sanh-sản cho ta những đứa nầy? Ta đã mất hết con-cái; ta đã son-sẻ, bị đày và lưu-lạc? Vậy thì ai đã nuôi những đứa nầy? Nầy, ta đã ở một mình, những đứa nầy có bởi đâu?” (Ê-sai 49:21) Thật sung sướng biết mấy cho Si-ôn trước đây bị son sẻ!

25. Thời nay dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng được khôi phục ra sao?

25 Những lời này có một sự ứng nghiệm tân thời. Vào những năm khó khăn thời thế chiến thứ nhất, dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng đã trải qua một giai đoạn bị hoang vu và tù đày. Nhưng họ được khôi phục và được ở trong một địa đàng thiêng liêng. (Ê-sai 35:1-10) Giống như thành phố mà Ê-sai mô tả là đã một lần bị tàn phá, nay họ vui sướng thấy mình có đầy dẫy người thờ phượng Đức Giê-hô-va trong sự vui mừng và hăng hái.

“Dấu hiệu cho muôn dân”

26. Đức Giê-hô-va cung cấp sự chỉ dẫn nào cho dân sự được phóng thích của Ngài?

26 Qua lời tiên tri, bây giờ Đức Giê-hô-va đưa Ê-sai đến thời kỳ dân Ngài được giải thoát khỏi Ba-by-lôn. Họ có nhận được bất cứ sự chỉ dẫn nào từ Đức Chúa Trời không? Đức Giê-hô-va trả lời: “Nầy, ta sẽ giá tay trên các nước, dựng cờ [“dấu hiệu”, “NW”] ta trong các dân. Bấy giờ chúng sẽ bồng các con trai ngươi, vác các con gái ngươi trên vai mà đến”. (Ê-sai 49:22) Trong lần ứng nghiệm đầu, Giê-ru-sa-lem, nguyên là trung tâm cai trị và là nơi đền thờ Đức Giê-hô-va tọa lạc, trở thành “dấu hiệu” của Đức Giê-hô-va. Ngay cả những kẻ quyền thế và danh tiếng của các nước, như “các vua” “các hoàng-hậu”, cũng hỗ trợ dân Y-sơ-ra-ên trong cuộc hành trình hồi hương của họ. (Ê-sai 49:23a) Vua Si-ru và Ạt-ta-xét-xe Longimanus của Phe-rơ-sơ cùng gia đình họ nằm trong số những người trợ giúp này. (E-xơ-ra 5:13; 7:11-26) Lời của Ê-sai còn một lần ứng nghiệm nữa.

27. (a) Trong sự ứng nghiệm lớn hơn, người ta sẽ kéo đến “dấu hiệu” nào? (b) Khi các nước buộc phải tùng phục sự cai trị của Đấng Mê-si thì kết quả sẽ là gì?

27 Ê-sai 11:10 (NW) nói đến “dấu hiệu cho muôn dân”. Sứ đồ Phao-lô áp dụng những lời này cho Chúa Giê-su Christ. (Rô-ma 15:8-12) Vì thế trong sự ứng nghiệm lớn hơn, Chúa Giê-su và các vua phó được thánh linh xức dầu là những “dấu hiệu” của Đức Giê-hô-va để muôn dân kéo đến đó. (Khải-huyền 14:1) Đúng kỳ định, mọi dân trên đất—ngay cả giới cai trị ngày nay—sẽ phải tùng phục sự cai trị của Đấng Mê-si. (Thi-thiên 2:10, 11; Đa-ni-ên 2:44) Kết quả là gì? Đức Giê-hô-va phán: “Ngươi sẽ biết rằng ta là Đức Giê-hô-va, và những kẻ trông-cậy ta sẽ chẳng hổ-thẹn”.—Ê-sai 49:23b.

“Sự cứu hiện nay đã gần chúng ta hơn”

28. (a) Bằng những lời nào Đức Giê-hô-va một lần nữa bảo đảm với dân Ngài là họ sẽ được giải thoát? (b) Đức Giê-hô-va vẫn còn sự cam kết nào với dân Ngài?

28 Một số người trong dân phu tù ở Ba-by-lôn có thể tự hỏi: ‘Có thật dân Y-sơ-ra-ên sẽ được giải thoát không?’ Đức Giê-hô-va lưu ý đến câu hỏi đó bằng cách hỏi: “Vậy của-cải bị người mạnh-bạo cướp lấy, há ai giựt lại được sao? Người công-bình bị bắt làm phu-tù, há ai giải-cứu được sao?” (Ê-sai 49:24) Câu trả lời là có. Đức Giê-hô-va cam đoan với họ: “Thật, những kẻ bị người mạnh-bạo bắt lấy, sẽ được cứu thoát, mồi của người đáng sợ sẽ bị giựt lại”. (Ê-sai 49:25a) Quả là sự đảm bảo đầy an ủi! Ngoài ra, ơn của Đức Giê-hô-va cho dân Ngài bao hàm một sự cam kết chắc chắn là Ngài che chở họ. Bằng lời lẽ quả quyết, Ngài nói: “Ta sẽ chống-cự kẻ đối-địch ngươi, và chính ta sẽ giải-cứu con-cái ngươi”. (Ê-sai 49:25b) Sự cam kết ấy vẫn còn. Đức Giê-hô-va nói với dân Ngài như được ghi nơi Xa-cha-ri 2:8: “Ai đụng đến các ngươi tức là đụng đến con ngươi mắt [Ta]”. Thật vậy, hiện nay chúng ta được hưởng kỳ ban ơn, trong đó người ta trên khắp trái đất có cơ hội kéo đến Si-ôn thiêng liêng. Tuy nhiên, kỳ ban ơn đó sẽ chấm dứt.

29. Viễn tượng rùng rợn nào dành cho những kẻ không chịu vâng phục Đức Giê-hô-va?

29 Điều gì sẽ xảy ra cho những kẻ ngoan cố không chịu vâng phục Đức Giê-hô-va và thậm chí còn bắt bớ người thờ phượng Ngài? Ngài nói: “Ta sẽ làm cho kẻ hiếp-đáp ngươi tự ăn thịt mình, say vì máu mình, như vì rượu mới”. (Ê-sai 49:26a) Thật là một viễn tượng rùng rợn! Những kẻ chống đối ngoan cố ấy không có tương lai lâu dài. Chúng sẽ bị hủy diệt. Do đó, bằng cách cứu dân Ngài và hủy diệt kẻ thù của họ, mọi người sẽ thấy Đức Giê-hô-va là Đấng Cứu Rỗi. “Cả loài xác-thịt sẽ biết ta, Đức Giê-hô-va, là Đấng Cứu ngươi, Đấng Chuộc ngươi, tức là Đấng Toàn-năng của Gia-cốp”.—Ê-sai 49:26b.

30. Đức Giê-hô-va đã giải cứu dân Ngài như thế nào và Ngài sẽ còn làm gì nữa?

30 Những lời trên ứng nghiệm lần đầu khi Đức Giê-hô-va dùng Si-ru để giải phóng dân Ngài khỏi sự tù đày ở Ba-by-lôn. Chúng cũng ứng nghiệm vào năm 1919 khi Đức Giê-hô-va dùng Con Ngài đã được phong vương là Chúa Giê-su Christ để giải thoát dân Ngài khỏi sự nô lệ về thiêng liêng. Do đó, cả Chúa Giê-su và Đức Giê-hô-va đều được Kinh Thánh gọi là Cứu Chúa. (Tít 2:11-13; 3:4-6) Đức Giê-hô-va là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta; và Chúa Giê-su, Đấng Mê-si, là “Đấng Chính Yếu” mà Đức Giê-hô-va dùng. (Công-vụ 5:31, NW) Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-su Christ quả là tuyệt diệu. Bằng tin mừng, Đức Giê-hô-va giải thoát những người có lòng ngay thẳng khỏi sự nô lệ của tôn giáo giả. Qua giá chuộc, Ngài giải thoát họ khỏi sự nô lệ của tội lỗi và sự chết. Vào năm 1919, Ngài giải thoát anh em của Chúa Giê-su khỏi sự nô lệ về thiêng liêng. Và trong trận chiến Ha-ma-ghê-đôn sắp tới, Ngài sẽ giải cứu đám đông người trung thành khỏi sự hủy diệt giáng trên những người tội lỗi.

31. Là người hưởng ơn của Đức Chúa Trời, tín đồ Đấng Christ nên làm gì?

31 Vậy được hưởng ơn của Đức Chúa Trời quả là đặc ân lớn biết bao! Mong sao tất cả chúng ta dùng kỳ thuận tiện này một cách khôn ngoan. Và mong sao chúng ta hành động phù hợp với sự khẩn cấp của thời chúng ta, chú ý đến lời của Phao-lô gửi cho người Rô-ma: “[Anh em] biết thời-kỳ đương lúc chúng ta đây: giờ anh em từ ngủ thức dậy đã đến, bởi sự cứu hiện nay đã gần chúng ta hơn lúc chúng ta mới tin. Đêm đã khuya, ngày gần đến; vậy chúng ta hãy lột bỏ những việc tối-tăm mà mặc lấy áo giáp sáng-láng. Hãy bước đi cách hẳn-hoi như giữa ban ngày. Chớ nộp mình vào sự quá-độ và say-sưa, buông-tuồng và bậy-bạ, rầy-rà và ghen-ghét; nhưng hãy mặc lấy Đức Chúa Jêsus-Christ, chớ chăm-nom về xác-thịt mà làm cho phỉ lòng dục nó”.—Rô-ma 13:11-14.

32. Dân Đức Chúa Trời có những bảo đảm nào?

32 Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục ban ân huệ cho người nào nghe theo lời khuyên của Ngài. Ngài sẽ cung cấp cho họ sức mạnh và năng lực cần thiết để thực thi công việc rao giảng tin mừng. (2 Cô-rinh-tô 4:7) Đức Giê-hô-va sẽ dùng các tôi tớ Ngài như Ngài dùng Chúa Giê-su, Đấng Lãnh Đạo họ. Ngài sẽ khiến miệng họ “như gươm bén” để rồi họ sẽ động đến lòng của những người nhu mì bằng thông điệp tin mừng. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Ngài sẽ lấy “bóng tay Ngài” mà che chở dân Ngài. Giống như “tên nhọn”, họ sẽ được giấu kín “trong bao tên” của Ngài. Quả thật, Đức Giê-hô-va sẽ không bỏ rơi dân Ngài!—Thi-thiên 94:14; Ê-sai 49:2, 15.

[Chú thích]

^ đ. 6 “Chắc chắn Sa-tan nhận ra Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời và là đấng, theo lời tiên tri, sẽ giày đạp đầu nó (Sáng 3:15); Sa-tan tìm mọi cách để tiêu diệt Chúa Giê-su. Nhưng khi báo cho Ma-ri biết là bà sẽ thụ thai Chúa Giê-su, thiên sứ Gáp-ri-ên nói: “Đức Thánh-Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền-phép Đấng Rất-Cao sẽ che-phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời”. (Lu 1:35) Đức Giê-hô-va gìn giữ Con Ngài. Các nỗ lực nhằm tiêu diệt Chúa Giê-su khi ngài còn là hài nhi đã không thành công”.—Insight on the Scriptures, Tập 2, trang 868, do Hội Tháp Canh xuất bản.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 139]

Đấng Mê-si giống như một “tên nhọn” trong bao tên của Đức Giê-hô-va

[Hình nơi trang 141]

Đấng Mê-si là “sự sáng cho các dân ngoại”

[Hình nơi trang 147]

Đức Chúa Trời yêu thương dân Ngài hơn là người mẹ yêu con mình