Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một “tên mới”

Một “tên mới”

Chương Hai Mươi Ba

Một “tên mới”

Ê-sai 62:1-12

1. Chương 62 sách Ê-sai ghi lại lời trấn an nào?

ĐƯỢC trấn an, yên ủi, và có hy vọng trở về quê hương—đó là những điều dân Do Thái cần trong lúc sống chán nản ở Ba-by-lôn. Nhiều thập niên đã qua kể từ khi Giê-ru-sa-lem và đền thờ bị phá hủy. Cách xa Ba-by-lôn khoảng 800 cây số, nước Giu-đa nằm trong cảnh hoang tàn, và dân Do Thái dường như đã bị Đức Giê-hô-va bỏ quên. Điều gì có thể giúp cải thiện tình trạng của họ? Đó là những lời hứa của Đức Giê-hô-va đem họ về quê hương, và cho họ lập lại sự thờ phượng thanh sạch. Rồi những từ ngữ như “bị bỏ” và “hoang-vu” sẽ được thay thế bằng những danh xưng khác cho thấy Đức Giê-hô-va vui lòng về họ. (Ê-sai 62:4; Xa-cha-ri 2:12) Chương 62 sách Ê-sai chứa đầy những lời hứa như thế. Tuy nhiên, cũng như những lời tiên tri khác về sự khôi phục, chương này nói đến những vấn đề có tầm mức rộng lớn hơn việc giải phóng dân Do Thái khỏi ách phu tù của Ba-by-lôn. Trong phần ứng nghiệm chính yếu của chương 62 sách Ê-sai, chúng ta được bảo đảm rằng sự cứu rỗi của dân tộc thiêng liêng của Đức Giê-hô-va, “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, là chắc chắn.—Ga-la-ti 6:16.

Đức Giê-hô-va không làm thinh mãi

2. Đức Giê-hô-va lại tỏ ra quan tâm đến Si-ôn như thế nào?

2 Ba-by-lôn bị lật đổ vào năm 539 TCN. Sau đó, Vua Si-ru nước Phe-rơ-sơ ban chiếu chỉ cho phép những người Do Thái kính sợ Đức Chúa Trời được trở về Giê-ru-sa-lem để tái lập sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. (E-xơ-ra 1:2-4) Vào năm 537 TCN, những người Do Thái hồi hương đầu tiên về đến quê nhà. Một lần nữa Đức Giê-hô-va đã bày tỏ lòng quan tâm đối với Giê-ru-sa-lem như được phản ánh trong lời tuyên bố nồng nhiệt có tính cách tiên tri của Ngài: “Ta vì cớ Si-ôn sẽ chẳng làm thinh, vì cớ Giê-ru-sa-lem sẽ chẳng an-nghỉ, cho đến chừng nào sự công-bình nó rực-rỡ như sự sáng, và sự cứu-rỗi nó chói-lòa như ngọn đèn”.—Ê-sai 62:1.

3. (a) Tại sao Si-ôn trên đất cuối cùng bị Đức Giê-hô-va từ bỏ, và ai thay thế? (b) Sự trôi giạt nào đã xảy ra và vào lúc nào, và ngày nay chúng ta đang sống trong thời kỳ nào?

3 Vào năm 537 TCN, Đức Giê-hô-va đã thực hiện lời hứa khôi phục Si-ôn, hay Giê-ru-sa-lem. Dân cư thành này đã nghiệm thấy sự cứu rỗi của Ngài và sự công bình của họ đã tỏ rạng. Dẫu vậy, sau này họ lại rời xa sự thờ phượng thanh sạch. Cuối cùng, họ chối bỏ Chúa Giê-su là Đấng Mê-si, và Đức Giê-hô-va rốt cuộc không còn nhận họ là dân Ngài nữa. (Ma-thi-ơ 21:43; 23:38; Giăng 1:9-13) Đức Giê-hô-va khiến sinh ra một dân tộc mới, “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”. Dân tộc mới này trở thành dân riêng Ngài, và vào thế kỷ thứ nhất, các thành viên của dân này hăng hái rao giảng tin mừng trên khắp thế giới thời đó. (Ga-la-ti 6:16; Cô-lô-se 1:23) Đáng buồn thay, sau khi các sứ đồ qua đời, sự trôi giạt khỏi đạo thật đã xảy ra. Hậu quả là một hình thức bội đạo đã phát triển và ngày nay chúng ta thấy nơi khối đạo tự xưng theo Đấng Christ. (Ma-thi-ơ 13:24-30, 36-43; Công-vụ 20:29, 30) Qua nhiều thế kỷ, khối đạo tự xưng theo Đấng Christ đã gây sỉ nhục cho danh Đức Giê-hô-va rất nhiều. Tuy nhiên, cuối cùng vào năm 1914, “năm ban ơn” của Đức Giê-hô-va bắt đầu, cùng với sự ứng nghiệm chính yếu của phần này trong lời tiên tri Ê-sai.—Ê-sai 61:2.

4, 5. (a) Ngày nay ai tượng trưng cho Si-ôn và con cái nàng? (b) Đức Giê-hô-va đã dùng Si-ôn như thế nào để làm cho “sự cứu-rỗi nó chói-lòa như ngọn đèn”?

4 Ngày nay, lời hứa của Đức Giê-hô-va về việc khôi phục Si-ôn đã ứng nghiệm vào tổ chức trên trời của Ngài, “Giê-ru-sa-lem ở trên cao”, được đại diện bởi con cái nàng trên đất, tức các tín đồ Đấng Christ được xức dầu. (Ga-la-ti 4:26) Tổ chức trên trời của Đức Giê-hô-va phụng sự như một người phụ giúp tận tình—cảnh giác, yêu thương, và siêng năng. Thật hào hứng thay khi vào năm 1914, nàng sinh ra Nước Đấng Mê-si! (Khải-huyền 12:1-5) Đặc biệt từ năm 1919, con cái nàng trên đất đã rao giảng cho các nước về sự công bình và sự cứu rỗi của nàng. Như Ê-sai báo trước, những người con này đã để cho ánh sáng của họ chiếu rọi như đuốc trong đêm tối.—Ma-thi-ơ 5:15, 16; Phi-líp 2:15.

5 Đức Giê-hô-va rất chú ý đến những người thờ phượng Ngài và Ngài sẽ không nghỉ, hay giữ im lặng, cho tới khi Ngài thực hiện xong mọi lời hứa với Si-ôn và con cái nàng. Những người xức dầu sót lại cùng với các “chiên khác” cũng không chịu giữ im lặng. (Giăng 10:16) Thật vậy, họ lớn tiếng chỉ cho người khác con đường duy nhất đưa đến sự cứu rỗi.—Rô-ma 10:10.

Được Đức Giê-hô-va ban cho một “tên mới”

6. Đức Giê-hô-va có ý định gì cho Si-ôn?

6 Đức Giê-hô-va có ý định gì cho Si-ôn, “người nữ” trên trời của Ngài, tượng trưng bởi Giê-ru-sa-lem cổ xưa? Ngài phán: “Các nước sẽ thấy sự công-bình ngươi, các vua sẽ thấy sự vinh-hiển ngươi, ngươi sẽ được xưng bằng tên mới mà miệng Đức Giê-hô-va đặt cho”. (Ê-sai 62:2) Khi dân Y-sơ-ra-ên hành động công bình thì các nước buộc phải chăm chú nhìn xem. Ngay cả các vua cũng buộc phải nhìn nhận rằng Giê-ru-sa-lem đang được Đức Giê-hô-va dùng, và so với Nước của Đức Giê-hô-va, không quyền cai trị nào có thể sánh bằng.—Ê-sai 49:23.

7. Tên mới của Si-ôn có ý nghĩa gì?

7 Giờ đây, Đức Giê-hô-va xác nhận tình trạng thay đổi của Si-ôn bằng cách đặt cho nàng một tên mới. Tên mới đó biểu thị tình trạng được ban phước và địa vị vinh dự mà con cái trên đất của Si-ôn được hưởng bắt đầu từ năm 537 TCN. * Tên ấy cũng cho thấy Đức Giê-hô-va công nhận Si-ôn thuộc về Ngài. Ngày nay, dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời hứng khởi được làm vui lòng Đức Giê-hô-va bằng cách này, và các chiên khác cũng vui mừng với họ.

8. Đức Giê-hô-va đã cho Si-ôn niềm vinh dự nào?

8 Sau khi ban tên mới cho Si-ôn, giờ đây Đức Giê-hô-va hứa: “Ngươi sẽ làm mão triều-thiên đẹp-đẽ trong tay Đức Giê-hô-va, làm mão-miện vua trong tay Đức Chúa Trời ngươi”. (Ê-sai 62:3) Đức Giê-hô-va nâng cao người vợ tượng trưng của Ngài, tức Si-ôn trên trời, để mọi người thấy và ngưỡng mộ. (Thi-thiên 48:2; 50:2) “Mão triều-thiên đẹp-đẽ” và “mão-miện vua” cho thấy nàng được ban cho vinh hiển và thẩm quyền. (Xa-cha-ri 9:16) Làm đại diện cho Si-ôn trên trời, hay “Giê-ru-sa-lem ở trên cao”, dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời là kết quả phi thường của tay Đức Chúa Trời—tức quyền năng thực dụng của Ngài—đang hành động. (Ga-la-ti 4:26) Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, dân tộc thiêng liêng ấy đã lập được một thành tích vĩ đại về lòng trung kiên và tận tụy. Hàng triệu người, kể cả người xức dầu lẫn chiên khác được vững mạnh để bày tỏ đức tin và tình yêu thương vượt bậc. Trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ, sau khi nhận phần thưởng vinh quang ở trên trời, những người xức dầu sẽ được Đức Giê-hô-va sử dụng như những công cụ để đưa loài người đang than thở đến sự sống đời đời.—Rô-ma 8:21, 22; Khải-huyền 22:2.

‘Đức Giê-hô-va đã ưa-thích ngươi’

9. Hãy miêu tả sự đổi mới của Si-ôn.

9 Việc ban cho tên mới nằm trong sự đổi mới thú vị của Si-ôn trên trời, do con cái nàng trên đất đại diện. Chúng ta đọc: “Người ta sẽ chẳng gọi ngươi là Kẻ bị bỏ nữa, chẳng gọi đất ngươi là Đất hoang-vu nữa; nhưng sẽ gọi ngươi là Kẻ mà ta ưa-thích; và đất ngươi sẽ được xưng là Kẻ có chồng; vì Đức Giê-hô-va sẽ ưa-thích ngươi, và đất ngươi sẽ có chồng”. (Ê-sai 62:4) Si-ôn trên đất đã hoang vu từ khi bị phá hủy vào năm 607 TCN. Tuy nhiên, lời Đức Giê-hô-va cam đoan xứ sẽ được khôi phục và đông dân trở lại. Si-ôn một thời hoang tàn sẽ không còn là một người nữ hoàn toàn bị bỏ, và đất nó sẽ thôi không còn hoang vu nữa. Được khôi phục vào năm 537 TCN, Giê-ru-sa-lem ở trong một tình trạng mới, trái ngược hẳn với tình trạng hoang tàn trước đó. Đức Giê-hô-va tuyên bố Si-ôn sẽ được gọi là “Kẻ mà ta ưa-thích” và đất nó được gọi là “Kẻ có chồng”.—Ê-sai 54:1, 5, 6; 66:8; Giê-rê-mi 23:5-8; 30:17; Ga-la-ti 4:27-31.

10. (a) Dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời đã được biến đổi như thế nào? (b) “Đất” của dân Y-sơ-ra-ên Đức Chúa Trời là gì?

10 Bắt đầu từ năm 1919, dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời cũng trải qua một sự thay đổi tương tự. Trong thế chiến thứ nhất, các tín đồ Đấng Christ được xức dầu dường như bị Đức Chúa Trời từ bỏ. Nhưng vào năm 1919, họ được Đức Chúa Trời lại ban ân huệ và cách thờ phượng của họ được tẩy sạch. Điều này ảnh hưởng đến sự dạy dỗ, tổ chức và hoạt động của họ. Dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời vào “đất” mình, tức sản nghiệp thiêng liêng hay là lãnh vực hoạt động của họ.—Ê-sai 66:7, 8, 20-22.

11. Làm thế nào dân Do Thái có thể lấy nó làm vợ được?

11 Nhấn mạnh thêm việc dân Ngài có địa vị mới và được ưu đãi, Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Như người trai-tráng cưới người nữ đồng-trinh, thì các con trai ngươi cũng sẽ cưới ngươi; chàng rể mới vui-mừng vì vợ mới mình, Đức Chúa Trời ngươi cũng vui-mừng vì ngươi”. (Ê-sai 62:5) Làm sao dân Do Thái, tức “các con trai” của Si-ôn có thể cưới nó làm vợ được? Điều này có nghĩa là sau khi được giải thoát khỏi cảnh phu tù ở Ba-by-lôn, các con trai của Si-ôn trở về lấy lại thủ đô cũ của họ và tái định cư tại đó. Khi điều đó xảy ra, Si-ôn không còn hoang vu, nhưng đầy dẫy con cái.—Giê-rê-mi 3:14.

12. (a) Bằng cách nào Đức Giê-hô-va đã cho thấy rõ các tín đồ Đấng Christ được xức dầu thuộc về tổ chức gắn bó trong quan hệ hôn nhân với Ngài? (b) Cách Đức Giê-hô-va đối xử với dân Ngài cung cấp một gương mẫu cao cả cho hôn nhân ngày nay ra sao? (Xem khung nơi trang 342).

12 Bằng cách tương tự, kể từ năm 1919, con cái của Si-ôn trên trời đã lấy lại đất, tức tình trạng thiêng liêng của họ, mang tên có nghĩa tiên tri là “Kẻ có chồng”. Hoạt động của họ trong đất đó cho thấy rõ những tín đồ Đấng Christ được xức dầu này là “một dân để dâng cho danh [Đức Giê-hô-va]”. (Công-vụ 15:14) Việc họ sinh ra bông trái Nước Trời và rao truyền danh Đức Giê-hô-va đã cho thấy rõ Đức Giê-hô-va ưa thích các tín đồ Đấng Christ này. Ngài cho thấy rõ rằng họ thuộc về tổ chức kết hợp chặt chẽ với Ngài. Qua việc xức dầu những tín đồ Đấng Christ này bằng thánh linh, giải thoát họ khỏi sự cầm tù về thiêng liêng và dùng họ rao giảng hy vọng Nước Trời cho toàn thể nhân loại, Đức Giê-hô-va đã cho thấy Ngài vui mừng vì họ, như chàng rể vui mừng vì vợ mới vậy.—Giê-rê-mi 32:41.

“Các ngươi... chớ có im lặng chút nào”

13, 14. (a) Vào thời xưa, Giê-ru-sa-lem trở nên một thành cung cấp sự an toàn như thế nào? (b) Thời nay Si-ôn trở thành “sự ngợi-khen trong cả đất” ra sao?

13 Tên mới tượng trưng mà Đức Giê-hô-va ban cho khiến dân Ngài cảm thấy an toàn. Họ biết rằng Ngài công nhận họ, và Ngài làm chủ họ. Bây giờ bằng một minh họa khác, Đức Giê-hô-va nói với dân Ngài như với một thành có tường bao quanh: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, ta đã đặt các vọng canh trên thành ngươi; cả ngày và đêm chúng nó chẳng hề im-lặng. Hỡi các ngươi là kẻ nhắc-nhở Đức Giê-hô-va, chớ có nghỉ-ngơi [“im lặng”, “NW”] chút nào. Đừng để Ngài an-nghỉ cho đến chừng nào đã lập lại Giê-ru-sa-lem và dùng nó làm sự ngợi-khen trong cả đất!” (Ê-sai 62:6, 7) Vào kỳ định của Đức Giê-hô-va, sau khi những người trung thành còn sót lại từ Ba-by-lôn trở về, Giê-ru-sa-lem thật sự trở nên một “sự ngợi-khen trong cả đất”—tức một thành có tường bao quanh che chở dân cư an toàn. Những người canh đứng trên các tường thành ngày đêm cảnh giác đề phòng, nhằm bảo đảm an ninh cho thành và hô lên lời báo động cho dân cư trong thành.—Nê-hê-mi 6:15; 7:3; Ê-sai 52:8.

14 Thời nay Đức Giê-hô-va dùng lớp người canh được xức dầu để chỉ cho những người nhu mì con đường tự do, thoát khỏi vòng kiềm tỏa của các tôn giáo giả. Những người nhu mì này được mời gia nhập tổ chức của Ngài, nơi họ được che chở khỏi sự ô uế về thiêng liêng, khỏi những ảnh hưởng không tin kính, và tránh làm mất lòng Đức Giê-hô-va. (Giê-rê-mi 33:9; Sô-phô-ni 3:19) Lớp người canh, tức lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, đóng vai trò trọng yếu trong việc che chở ấy. Họ cung cấp “đồ-ăn [thiêng liêng] đúng giờ”. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Đồng làm việc với lớp người canh, đám đông “vô-số người” cũng giữ một vai trò quan trọng trong việc làm cho Si-ôn trở thành “sự ngợi-khen trong cả đất”.—Khải-huyền 7:9.

15. Lớp người canh và bạn đồng hành của họ không ngớt phụng sự như thế nào?

15 Lớp người canh và bạn đồng hành của họ tiếp tục phụng sự! Thái độ hết lòng của họ được biểu hiện qua hoạt động sốt sắng của hàng triệu người trung thành. Họ có sự trợ giúp của các giám thị lưu động và vợ; của những người làm việc tình nguyện tại các nhà Bê-tên và các cơ xưởng in của Nhân Chứng Giê-hô-va; của các giáo sĩ, các tiên phong đặc biệt, đều đều và phụ trợ. Ngoài ra, họ tích cực xây cất các Phòng Nước Trời mới, thăm viếng người bệnh, trợ giúp những người phải đối phó với tình huống y tế gay go, và cứu trợ kịp thời những nạn nhân trong các tai ương và tai biến. Nhiều người trong số những người có tinh thần hy sinh này, thường phục vụ “ngày đêm” theo nghĩa đen.—Khải-huyền 7:14, 15.

16. Tôi tớ Đức Giê-hô-va không “để Ngài an-nghỉ” như thế nào?

16 Tôi tớ Đức Giê-hô-va được khuyến khích luôn luôn cầu nguyện, xin Đức Chúa Trời cho “ý Cha được nên, ở đất như trời”. (Ma-thi-ơ 6:9, 10; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17) Họ cũng được khuyên: “Đừng để [Đức Giê-hô-va] an-nghỉ” cho đến chừng nào các ước nguyện và hy vọng khôi phục sự thờ phượng thanh sạch được Ngài thỏa mãn. Chúa Giê-su nhấn mạnh sự cần thiết của việc thường xuyên cầu nguyện; ngài thúc giục môn đồ “đêm ngày kêu xin [Đức Chúa Trời]”.—Lu-ca 18:1-8.

Phụng sự Đức Chúa Trời sẽ được thưởng

17, 18. (a) Dân Si-ôn có thể mong được hưởng kết quả của công lao mình như thế nào? (b) Dân Đức Giê-hô-va ngày nay hưởng kết quả của công lao mình ra sao?

17 Tên mới Đức Giê-hô-va đặt cho dân Ngài bảo đảm với họ là các cố gắng của họ không vô ích. “Đức Giê-hô-va đã chỉ tay hữu mình và cánh tay quyền-năng mình mà thề rằng: Ta chắc sẽ chẳng ban lúa mì ngươi cho kẻ thù ngươi ăn nữa, những người dân ngoại sẽ chẳng còn uống rượu nho mới ngươi mà ngươi đã khó-nhọc làm ra. Song những kẻ có gặt sẽ ăn hoa-lợi mình, và khen-ngợi Đức Giê-hô-va; những kẻ có hái nho sẽ uống rượu mình trong hành-lang của nơi thánh ta”. (Ê-sai 62:8, 9) Tay hữu và cánh tay quyền năng của Đức Giê-hô-va tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực của Ngài. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:40; Ê-xê-chi-ên 20:5) Qua việc Ngài thề như thế cho thấy Ngài cương quyết sửa đổi tình trạng của Si-ôn. Vào năm 607 TCN, Đức Giê-hô-va đã để cho Si-ôn bị kẻ thù cướp bóc và tước đoạt của cải. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:33, 51) Nhưng giờ đây, chỉ những ai có quyền đối với tài sản của Si-ôn mới được hưởng.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 14:22-27.

18 Trong sự ứng nghiệm thời nay của lời hứa này, dân được Đức Giê-hô-va khôi phục nghiệm được sự thịnh vượng về thiêng liêng. Họ hoàn toàn hưởng được kết quả của công lao mình—đó là số tín đồ Đấng Christ gia tăng và thức ăn thiêng liêng dư dật. (Ê-sai 55:1, 2; 65:14) Vì dân Ngài trung thành nên Đức Giê-hô-va không để cho kẻ thù gây trở ngại cho sự thịnh vượng về thiêng liêng của họ hoặc cướp đi thành quả việc phụng sự hết lòng của họ. Trong công tác phụng sự Đức Giê-hô-va, không việc nào là vô ích.—Ma-la-chi 3:10-12; Hê-bơ-rơ 6:10.

19, 20. (a) Con đường đã được san bằng như thế nào để giúp dân Do Thái trở về quê hương? (b) Thời nay con đường được san bằng cho những người nhu mì để vào tổ chức Đức Giê-hô-va ra sao?

19 Tên mới cũng khiến cho tổ chức của Đức Giê-hô-va trở nên hấp dẫn đối với những ai có lòng ngay thẳng. Vô số người kéo đến tổ chức và con đường lúc nào cũng rộng mở cho họ. Lời tiên tri của Ê-sai nói: “Hãy đi qua, bởi cửa thành đi qua; hãy ban bằng đường của dân; hãy đắp đường, hãy đắp đường cái; bỏ hết đá; dựng một cờ-xí [“dấu hiệu”, “NW”] cho các dân-tộc”. (Ê-sai 62:10) Trong trường hợp đầu, lời kêu gọi này dường như nói đến việc đi qua cửa các thành ở Ba-by-lôn để trở về Giê-ru-sa-lem. Những người trở về phải dẹp những tảng đá trên đường đi để cuộc hành trình được dễ dàng hơn và để dựng những bảng chỉ đường.—Ê-sai 11:12.

20 Kể từ năm 1919, tín đồ xức dầu của Đấng Christ đã được biệt riêng để phụng sự Đức Chúa Trời và đang bước đi trên “đường thánh”. (Ê-sai 35:8) Họ là những người đầu tiên bước trên con đường cái thiêng liêng ra khỏi Ba-by-lôn Lớn. (Ê-sai 40:3; 48:20) Đức Chúa Trời đã ban cho họ đặc ân dẫn đầu việc rao truyền các công việc đầy quyền năng của Ngài và hướng dẫn người khác lối vào con đường cái ấy. Việc dẹp các tảng đá—tức các chướng ngại vật—phần lớn là vì lợi ích của họ. (Ê-sai 57:14) Họ cần thấy rõ ý định và sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời. Các tin tưởng sai lầm chính là những tảng đá cản trở trên con đường dẫn đến sự sống, nhưng Lời Đức Giê-hô-va “như búa đập vỡ đá”. Với Lời này, tín đồ xức dầu của Đấng Christ đập vỡ các tảng đá có thể làm vấp ngã những người muốn phụng sự Đức Giê-hô-va.—Giê-rê-mi 23:29.

21, 22. Đức Giê-hô-va đã lập dấu hiệu nào cho những người rời bỏ tôn giáo giả, và làm sao chúng ta biết?

21 Vào năm 537 TCN, Giê-ru-sa-lem trở thành dấu hiệu mời gọi những người Do Thái còn sót lại trở về và xây cất lại đền thờ. (Ê-sai 49:22) Vào năm 1919, khi được giải thoát khỏi sự cầm tù của tôn giáo giả, những người xức dầu còn sót lại không đi lang thang vô mục đích. Họ biết nơi họ phải đến, vì Đức Giê-hô-va đã lập một dấu hiệu cho họ. Dấu hiệu nào? Cùng dấu hiệu được báo trước nơi Ê-sai 11:10: “Xảy ra trong ngày đó, rễ Y-sai đứng lên làm cờ [“dấu hiệu”, NW] cho muôn dân”. Sứ đồ Phao-lô áp dụng những lời này cho Chúa Giê-su. (Rô-ma 15:8, 12) Đúng vậy, dấu hiệu đó chính là Chúa Giê-su Christ, Vua đang cai trị trên Núi Si-ôn trên trời.—Hê-bơ-rơ 12:22; Khải-huyền 14:1.

22 Tín đồ Đấng Christ, cả người xức dầu lẫn chiên khác, được tập hợp chung quanh Chúa Giê-su Christ để cùng hợp nhất thờ phượng Đức Chúa Trời Tối Cao. Sự cai trị của ngài nhằm biện minh cho quyền thống trị hoàn vũ của Đức Giê-hô-va, và để ban phước cho những người có lòng thành thật thuộc mọi dân trên đất. Đây chẳng phải là lý do để tất cả chúng ta đồng thanh ca ngợi tôn vinh Ngài hay sao?

“Sự cứu-rỗi ngươi sẽ đến!”

23, 24. Những người có đức tin nơi Đức Chúa Trời được hưởng sự cứu rỗi như thế nào?

23 Tên mới Đức Giê-hô-va ban cho tổ chức ví như vợ Ngài có liên quan đến sự cứu rỗi đời đời của con cái nàng. Ê-sai viết: “Nầy, Đức Giê-hô-va đã rao-truyền ra đến đầu-cùng đất rằng: Hãy bảo con gái Si-ôn rằng: Nầy, sự cứu-rỗi ngươi [“sẽ”, “NW”] đến! Phần thưởng đi theo Ngài, và sự thưởng [“tiền công”, “NW”] đi trước Ngài”. (Ê-sai 62:11) Sự cứu rỗi đến với người Do Thái khi Ba-by-lôn sụp đổ và họ được trở về quê hương. Nhưng những lời này nói đến một điều trọng đại hơn. Lời công bố của Đức Giê-hô-va khiến người ta nhớ lại lời tiên tri của Xa-cha-ri về Giê-ru-sa-lem: “Hỡi con gái Si-ôn, hãy mừng-rỡ cả-thể! Hỡi con gái Giê-ru-sa-lem, hãy trổi tiếng reo-vui! Nầy, Vua ngươi đến cùng ngươi, Ngài là công-bình và ban sự cứu-rỗi nhu-mì và cỡi lừa, tức là con của lừa cái”.—Xa-cha-ri 9:9.

24 Ba năm rưỡi sau khi làm báp têm và được xức dầu bằng thánh linh Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su cưỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem và tẩy sạch đền thờ. (Ma-thi-ơ 21:1-5; Giăng 12:14-16) Ngày nay, Chúa Giê-su Christ là Đấng đem sự cứu rỗi của Đức Giê-hô-va cho tất cả những ai có đức tin nơi Đức Chúa Trời. Kể từ khi lên ngôi vua vào năm 1914, Chúa Giê-su cũng được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm làm Quan Án và Đấng Hành Quyết. Vào năm 1918, ba năm rưỡi sau khi lên ngôi vua, ngài tẩy sạch đền thờ thiêng liêng của Đức Giê-hô-va, có đại diện trên đất là hội thánh tín đồ Đấng Christ được xức dầu. (Ma-la-chi 3:1-5) Việc ngài được nâng lên cao để làm dấu hiệu đã đánh dấu sự khởi đầu cuộc thâu nhóm vĩ đại trên khắp đất nhằm ủng hộ Nước Đấng Mê-si. Như thuở xưa, “sự cứu-rỗi” đến với dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời khi họ được giải phóng khỏi Ba-by-lôn Lớn vào năm 1919. “Phần thưởng” hay “tiền công” dành cho thợ gặt có tinh thần hy sinh là sự sống bất tử trên trời hoặc là sự sống đời đời trên đất. Tất cả những ai giữ được lòng trung thành có thể tin chắc là “công-khó... trong Chúa chẳng phải là vô-ích”.—1 Cô-rinh-tô 15:58.

25. Dân Đức Giê-hô-va được hưởng sự bảo đảm nào?

25 Tương lai dành cho tổ chức trên trời của Đức Giê-hô-va, cho các đại diện được xức dầu trên trái đất này và cho bất cứ ai tích cực kết hợp với họ thật đầy hứa hẹn! (Phục-truyền Luật-lệ Ký 26:19) Ê-sai tiên tri: “Người ta sẽ gọi chúng nó là Dân thánh, tức những Kẻ được chuộc của Đức Giê-hô-va; còn ngươi, sẽ được xưng là Thành hay tìm đến, tức Thành không bị bỏ”. (Ê-sai 62:12) Có một thời, “Giê-ru-sa-lem ở trên cao”, được đại diện bởi dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời, thấy mình bị bỏ rơi. Nàng sẽ chẳng bao giờ cảm thấy như vậy nữa. Dân Đức Giê-hô-va sẽ vĩnh viễn được Đức Giê-hô-va chăm sóc, che chở, và chấp nhận.

[Chú thích]

^ đ. 7 Trong lời tiên tri của Kinh Thánh, một “tên mới” có thể mang ý nghĩa một địa vị hay đặc ân mới.—Khải-huyền 2:17; 3:12.

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 342]

Một gương cao cả cho hôn nhân

Khi kết hôn, người ta đều có những mong đợi riêng nơi hôn nhân. Còn Đức Chúa Trời đòi hỏi gì? Chính Ngài sáng lập ra hôn nhân. Vậy ý định của Ngài là gì?

Chúng ta có thể thấy quan điểm của Đức Chúa Trời về vấn đề này qua mối quan hệ của Ngài với dân Y-sơ-ra-ên. Ê-sai tả mối quan hệ này như một cuộc hôn nhân. (Ê-sai 62:1-5) Hãy lưu ý những gì Đức Giê-hô-va với tư cách người “chồng” đã làm cho “vợ mới” của Ngài. Ngài che chở và thánh hóa nàng. (Ê-sai 62:6, 7, 12) Ngài tôn trọng và quý chuộng nàng. (Ê-sai 62:3, 8, 9) Và Ngài vui thích nơi nàng, như được thấy qua tên Ngài ban cho nàng.—Ê-sai 62:4, 5, 12.

Trong Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp, sứ đồ Phao-lô lặp lại sự mô tả của Ê-sai về mối quan hệ giữa Đức Giê-hô-va và Y-sơ-ra-ên khi ví mối quan hệ giữa Đấng Christ và hội thánh tín đồ xức dầu với mối quan hệ vợ chồng.—Ê-phê-sô 5:21-27.

Phao-lô khuyến khích tín đồ Đấng Christ noi theo mối quan hệ giữa Chúa Giê-su và hội thánh trong hôn nhân của mình. Không tình yêu thương nào có thể sánh bằng tình yêu thương Đức Giê-hô-va đối với Y-sơ-ra-ên, và của Đấng Christ đối với hội thánh. Những mối quan hệ tượng trưng này cung cấp một gương mẫu cao cả giúp hôn nhân giữa tín đồ Đấng Christ được thành công và hạnh phúc.—Ê-phê-sô 5:28-33.

[Hình nơi trang 339]

Đức Giê-hô-va sẽ gọi Si-ôn trên trời bằng một tên mới

[Các hình nơi trang 347]

Thời nay lớp người canh của Đức Giê-hô-va không im lặng