Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một thông điệp hy vọng cho dân phu tù ngã lòng

Một thông điệp hy vọng cho dân phu tù ngã lòng

Chương Mười Sáu

Một thông điệp hy vọng cho dân phu tù ngã lòng

Ê-sai 55:1-13

1. Hãy miêu tả tình trạng lưu đày của dân Do Thái ở Ba-by-lôn.

ĐÓ LÀ một giai đoạn đen tối trong lịch sử nước Giu-đa. Dân trong giao ước của Đức Chúa Trời bị cưỡng bách rời quê hương và giờ đây họ mòn mỏi trong cảnh phu tù ở Ba-by-lôn. Công nhận là họ được tự do phần nào trong cuộc sống hàng ngày. (Giê-rê-mi 29:4-7) Một số học được nghề chuyên môn hoặc buôn bán. * (Nê-hê-mi 3:8, 31, 32) Tuy nhiên, đời sống các phu tù người Do Thái không phải là dễ dàng. Họ bị tù đày, cả về thể chất lẫn thiêng liêng. Chúng ta hãy cùng xem xét sự việc.

2, 3. Tình trạng bị lưu đày đã ảnh hưởng thế nào đến việc thờ phượng Đức Giê-hô-va của người Do Thái?

2 Khi phá hủy Giê-ru-sa-lem vào năm 607 TCN, quân Ba-by-lôn không những tàn phá một nước mà còn tấn công thẳng vào sự thờ phượng thật nữa. Chúng cướp bóc và phá hủy đền thờ Đức Giê-hô-va, làm tê liệt sự sắp đặt về chức tế lễ qua việc bắt một số người Lê-vi đi lưu đày, và giết những người khác. Bị mất nơi thờ phượng, bàn thờ và những thầy tế lễ do Đức Chúa Trời lập nên, dân Do Thái không thể dâng của-lễ hy sinh cho Đức Chúa Trời thật theo Luật Pháp qui định nữa.

3 Những người Do Thái trung thành vẫn có thể giữ đạo qua việc cắt bì và vâng theo Luật Pháp trong phạm vi cho phép. Chẳng hạn, họ có thể kiêng những thức ăn bị cấm và giữ ngày Sa-bát. Tuy nhiên, họ có thể bị những kẻ thắng trận chế nhạo, vì người Ba-by-lôn coi các nghi lễ của dân Do Thái là ngu dại. Tình trạng chán nản của dân phu tù được thể hiện qua lời người viết Thi-thiên: “Chúng tôi đương ngồi trên mé sông Ba-by-lôn, bèn nhớ lại Si-ôn, và khóc. Chúng tôi treo đàn cầm chúng tôi trên cây dương-liễu của sông ấy. Vì ở đó những kẻ bắt chúng tôi làm phu-tù, có bảo chúng tôi hát-xướng; kẻ cướp-giựt chúng tôi có đòi chúng tôi hát mừng, mà rằng: Hãy hát cho chúng ta một bài ca của Si-ôn”.—Thi-thiên 137:1-3.

4. Tại sao việc dân Do Thái trông mong các nước khác giải cứu là vô ích, nhưng ai có thể giúp đỡ họ?

4 Vậy thì dân phu tù Do Thái quay về ai để được an ủi? Đâu là sự cứu rỗi của họ? Chắc chắn không phải nơi một nước láng giềng nào! Tất cả những nước ấy đều bất lực trước quân Ba-by-lôn và nhiều nước lại còn thù nghịch với dân Do Thái nữa. Nhưng tình trạng không phải là tuyệt vọng. Dù là phu tù, họ vẫn được Đức Giê-hô-va, Đấng mà họ đã phản nghịch khi còn là dân tộc tự do, nhân từ đưa ra lời mời khích lệ.

“Hãy đến suối nước!”

5. Nhóm từ “hãy đến suối nước” quan trọng thế nào?

5 Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va nói tiên tri cho dân Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn: “Hỡi những kẻ nào khát, hãy đến suối nước! Và người nào không có tiền-bạc, hãy đến, mua mà ăn! Hãy đến, mua rượu và sữa mà không cần tiền, không đòi giá”. (Ê-sai 55:1) Những lời này giàu ý nghĩa tượng trưng. Chẳng hạn, hãy xem xét lời mời: “Hãy đến suối nước!” Không thể sống thiếu nước. Thiếu chất lỏng quý giá đó, chúng ta không thể sống quá một tuần. Do đó, thật thích hợp khi Đức Giê-hô-va dùng nước làm ẩn dụ để làm nổi bật hiệu quả lời của Ngài đối với dân Do Thái phu tù. Như nước mát trong một ngày oi bức, thông điệp của Ngài sẽ làm họ khoan khoái, kéo họ ra khỏi tình trạng nản lòng, thỏa mãn lòng khát khao lẽ thật và công bình của họ, và truyền vào lòng họ hy vọng được tự do khỏi cảnh phu tù. Tuy vậy, để được lợi ích, dân Do Thái phu tù phải chấp nhận thông điệp của Đức Chúa Trời, chú ý và làm theo thông điệp ấy.

6. Nếu mua “rượu và sữa”, dân Do Thái sẽ được lợi ích nào?

6 Đức Giê-hô-va cũng mời nhận “rượu và sữa”. Sữa làm cho thân thể còn non nớt được mạnh khỏe và giúp trẻ em tăng trưởng. Cũng vậy, lời Đức Giê-hô-va sẽ làm dân Ngài vững mạnh về thiêng liêng và giúp họ có thể củng cố mối quan hệ của họ với Ngài. Còn rượu thì sao? Rượu thường được dùng trong các tiệc tùng. Trong Kinh Thánh, rượu gắn liền với sự thịnh vượng và vui mừng. (Thi-thiên 104:15) Khi bảo dân Ngài “mua rượu”, Đức Giê-hô-va trấn an rằng họ sẽ “vui-mừng trọn-vẹn” nếu hết lòng trở lại với sự thờ phượng thật.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:15; Thi-thiên 19:8; Châm-ngôn 10:22.

7. Tại sao lòng thương xót của Đức Giê-hô-va đối với dân phu tù là nổi bật, và nó dạy chúng ta điều gì về Ngài?

7 Đức Giê-hô-va thật thương xót biết bao khi cho dân Do Thái phu tù hưởng sự tươi mát về thiêng liêng như thế! Lòng thương xót của Ngài càng nổi bật hơn khi chúng ta nhớ lại lịch sử ương ngạnh và bội nghịch của dân Do Thái. Chẳng phải vì họ đáng được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Tuy nhiên, người viết Thi-thiên là Đa-vít nhiều thế kỷ trước đã viết: “Đức Giê-hô-va có lòng thương-xót, hay làm ơn, chậm nóng-giận, và đầy sự nhân-từ. Ngài không bắt tội luôn luôn, Cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời”. (Thi-thiên 103:8, 9) Thay vì cắt đứt quan hệ với dân Ngài, chính Đức Giê-hô-va đã thực hiện bước đầu đưa đến việc hòa giải. Quả thật, Ngài là Đức Chúa Trời “lấy sự nhân-từ làm vui-thích”.—Mi-chê 7:18.

Lòng tin đặt sai chỗ

8. Nhiều người Do Thái đã tin cậy vào đâu, bất chấp lời cảnh cáo nào?

8 Cho đến lúc này, nhiều người Do Thái chưa hoàn toàn tin cậy nơi Đức Giê-hô-va để được cứu rỗi. Chẳng hạn, trước khi Giê-ru-sa-lem sụp đổ, các vua quan của nó đã trông cậy các nước hùng mạnh giúp đỡ; họ đã gian dâm, nói theo nghĩa bóng, với cả Ai Cập lẫn Ba-by-lôn. (Ê-xê-chi-ên 16:26-29; 23:14) Giê-rê-mi có lý do chính đáng để cảnh cáo họ: “Đáng rủa thay là kẻ nhờ-cậy loài người, lấy loài xác-thịt làm cánh tay, lòng lìa khỏi Đức Giê-hô-va”. (Giê-rê-mi 17:5) Vậy mà đó chính là điều dân Đức Chúa Trời đã làm!

9. Nhiều người Do Thái có thể đang “trả tiền để mua đồ không phải là bánh” như thế nào?

9 Giờ đây họ phải làm nô lệ cho một trong các nước mà họ đã tin cậy. Họ đã học được bài học chưa? Có thể một số vẫn chưa vì Đức Giê-hô-va hỏi: “Sao các ngươi trả tiền để mua đồ không phải là bánh? Sao các ngươi đem công-lao mình đổi lấy vật chẳng làm cho no?” (Ê-sai 55:2a) Nếu dân phu tù Do Thái tin cậy người nào khác ngoài Đức Giê-hô-va, họ đang “trả tiền để mua đồ không phải là bánh”. Chắc chắn họ sẽ không được Ba-by-lôn phóng thích vì nước này không có chính sách cho phép dân lưu đày trở về quê hương. Thật ra, Ba-by-lôn, với chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thương mại và sự thờ phượng giả của nó, không có gì để cho dân Do Thái phu tù cả.

10. (a) Nếu vâng lời Đức Giê-hô-va, dân Do Thái phu tù sẽ được Ngài thưởng như thế nào? (b) Đức Giê-hô-va đã lập giao ước nào với Đa-vít?

10 Đức Giê-hô-va tha thiết kêu gọi dân Ngài: “Hãy chăm-chỉ nghe ta, hãy ăn của ngon, và cho linh-hồn các ngươi vui-thích trong của béo. Hãy nghiêng tai, và đến cùng ta; hãy nghe ta, thì linh-hồn các ngươi được sống. Ta sẽ lập với các ngươi một giao-ước đời đời, tức là sự nhân-từ chắc-thật đã hứa cùng Đa-vít”. (Ê-sai 55:2b, 3) Hy vọng duy nhất cho dân sự thiếu dinh dưỡng về thiêng liêng này nằm nơi Đức Giê-hô-va, Đấng đang nói tiên tri với họ qua Ê-sai. Mạng sống của họ tùy thuộc vào việc nghe theo thông điệp của Đức Chúa Trời, vì Ngài nói rằng, nếu làm thế, “linh-hồn các ngươi được sống”. Vậy còn “giao-ước đời đời” tức giao ước Đức Giê-hô-va sẽ lập với những người hưởng ứng lời Ngài là gì? Giao ước đó là “sự nhân-từ chắc-thật đã hứa cùng Đa-vít”. Nhiều thế kỷ trước đó, Đức Giê-hô-va đã hứa với Đa-vít là ngôi vua của ông sẽ “được vững-lập đến mãi mãi”. (2 Sa-mu-ên 7:16) Do đó, “giao-ước đời đời” nói đến ở đây có liên hệ đến sự cai trị.

Người thừa kế vĩnh viễn một vương quốc đời đời

11. Tại sao đối với dân Do Thái phu tù ở Ba-by-lôn sự ứng nghiệm lời hứa của Đức Giê-hô-va với Đa-vít dường như viển vông?

11 Quả thật, đối với dân Do Thái phu tù, ý tưởng về sự cai trị của dòng Đa-vít dường như viển vông. Họ đã mất xứ sở, thậm chí không còn là một quốc gia nữa! Nhưng đó chỉ là tạm thời. Đức Giê-hô-va không quên giao ước Ngài lập với Đa-vít. Dù theo quan điểm của loài người sự việc có vẻ khó thực hiện đến đâu chăng nữa, ý định của Đức Chúa Trời về một Vương Quốc đời đời trong dòng Đa-vít sẽ thành tựu. Nhưng bằng cách nào và khi nào? Vào năm 537 TCN, Đức Giê-hô-va đã giải phóng dân Ngài khỏi cảnh phu tù ở Ba-by-lôn và đưa họ về quê hương. Có phải điều này đưa đến việc thiết lập một vương quốc đời đời không? Không, họ tiếp tục nằm dưới quyền thống trị của Mê-đi và Phe-rơ-sơ, một đế quốc ngoại giáo khác. “Các kỳ” để các nước cai trị chưa mãn. (Lu-ca 21:24) Vì nước Y-sơ-ra-ên không có vua nên lời Đức Giê-hô-va hứa với Đa-vít vẫn chưa thành tựu trong nhiều thế kỷ tới.

12. Đức Giê-hô-va đã thực hiện bước nào nhằm làm ứng nghiệm giao ước Nước Trời Ngài lập với Đa-vít?

12 Hơn 500 năm sau khi dân Y-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi cảnh tù đày ở Ba-by-lôn, Đức Giê-hô-va đã thực hiện một bước quan trọng trong việc làm ứng nghiệm giao ước về Vương Quốc, khi chuyển sự sống của Con đầu lòng của Ngài, công trình sáng tạo đầu tiên của Ngài, từ sự vinh hiển trên trời xuống vào lòng một trinh nữ Do Thái tên là Ma-ri. (Cô-lô-se 1:15-17) Khi công bố biến cố đó, thiên sứ của Đức Giê-hô-va nói với Ma-ri: “Con trai ấy sẽ nên tôn-trọng, được xưng là Con của Đấng Rất-Cao; và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ-phụ Ngài. Ngài sẽ trị-vì đời đời nhà Gia-cốp, nước Ngài vô-cùng”. (Lu-ca 1:32, 33) Vì lẽ đó, Chúa Giê-su được sinh ra trong dòng hoàng tộc Đa-vít và được thừa kế quyền làm vua. Khi đã lên ngôi, Chúa Giê-su sẽ cai trị “đời đời”. (Ê-sai 9:6; Đa-ni-ên 7:14) Do đó, con đường nay đã mở để làm ứng nghiệm lời hứa của Đức Giê-hô-va với Đa-vít từ nhiều thế kỷ về việc Ngài ban cho ông một người thừa kế vĩnh viễn.

“Quan-tướng cho muôn dân”

13. Chúa Giê-su là một “nhân chứng cho các nước” trong thời gian ngài làm thánh chức cũng như sau khi ngài lên trời như thế nào?

13 Vị vua tương lai này sẽ làm gì? Đức Giê-hô-va phán: “Nầy, ta đã lập người lên làm chứng-kiến [“nhân chứng”, “TTGM”] cho các nước, làm quan-trưởng và quan-tướng cho muôn dân”. (Ê-sai 55:4) Khi lớn lên, Chúa Giê-su là đại diện của Đức Giê-hô-va trên đất, là nhân chứng của Đức Chúa Trời cho các nước. Trong cuộc đời làm người, thánh chức của ngài nhắm vào “những con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên”. Tuy nhiên, ngay trước khi lên trời, Chúa Giê-su nói với các môn đồ ngài: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân... Nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận-thế”. (Ma-thi-ơ 10:5, 6; 15:24; 28:19, 20) Do đó, với thời gian thông điệp Nước Trời được rao giảng cho người ngoại, và một số người đó được dự phần vào việc thực hiện giao ước lập với Đa-vít. (Công-vụ 13:46) Bằng cách này, ngay cả sau khi chết, sống lại và lên trời, Chúa Giê-su tiếp tục là “nhân chứng [của Đức Giê-hô-va] cho các nước”.

14, 15. (a) Chúa Giê-su đã chứng tỏ là một “quan-trưởng và quan-tướng” như thế nào? (b) Những môn đồ của Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất có triển vọng gì?

14 Chúa Giê-su cũng là một “quan-trưởng và quan-tướng cho muôn dân”. Đúng như lời tiên tri miêu tả, khi ở trên đất, Chúa Giê-su hoàn toàn chấp nhận trách nhiệm của vai trò làm đầu và ngài đã dẫn đầu về mọi phương diện, lôi cuốn những đám đông lớn, dạy họ lời lẽ thật và cho họ thấy lợi ích khi theo sự lãnh đạo của ngài. (Ma-thi-ơ 4:24; 7:28, 29; 11:5) Ngài huấn luyện môn đồ một cách hữu hiệu, chuẩn bị cho họ gánh vác công cuộc rao giảng trong tương lai. (Lu-ca 10:1-12; Công-vụ 1:8; Cô-lô-se 1:23) Chỉ trong ba năm rưỡi, Chúa Giê-su đã đặt được nền tảng cho một hội thánh có tính cách quốc tế, hợp nhất, với nhiều ngàn hội viên từ nhiều chủng tộc! Chỉ một “quan-trưởng và quan-tướng” thật mới có thể hoàn thành được một công trình to tát như thế. *

15 Những người gia nhập hội thánh tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất được xức dầu bằng thánh linh của Đức Chúa Trời, và họ có triển vọng trở thành người đồng cai trị với Chúa Giê-su trong Nước Trời. (Khải-huyền 14:1) Tuy nhiên, lời tiên tri của Ê-sai có tầm ứng nghiệm xa hơn thời ban đầu của đạo Đấng Christ. Bằng chứng cho thấy Chúa Giê-su Christ chỉ bắt đầu cai trị với tư cách là Vua Nước Trời vào năm 1914. Sau đó ít lâu, trong vòng các tín đồ được xức dầu của Đấng Christ trên đất đã nảy sinh một tình trạng có nhiều điểm tương đồng với tình trạng của dân Do Thái phu tù vào thế kỷ thứ sáu TCN. Thật vậy, những gì xảy ra cho những tín đồ Đấng Christ này nằm trong sự ứng nghiệm lớn hơn của lời tiên tri Ê-sai.

Phu tù và phóng thích thời nay

16. Sau khi Chúa Giê-su lên ngôi vua vào năm 1914, có sự khốn khổ nào?

16 Việc Chúa Giê-su lên ngôi vua vào năm 1914 được đánh dấu bằng sự khốn khổ chưa từng thấy trên thế giới. Tại sao? Bởi vì sau khi lên ngôi vua, Chúa Giê-su đánh đuổi Sa-tan và các tạo vật thần linh gian ác khác ra khỏi trời. Bị kiềm tỏa trong phạm vi trái đất, Sa-tan bắt đầu gây chiến với các thánh, tức những tín đồ Đấng Christ xức dầu còn sót lại. (Khải-huyền 12:7-12, 17) Cuộc chiến đó lên đến tột đỉnh vào năm 1918 khi công việc rao giảng công khai hầu như bị đình trệ và các anh có trách nhiệm của Hội Tháp Canh bị bắt giam vì bị cáo gian tội xúi giục nổi loạn. Bằng cách này, các tôi tớ thời nay của Đức Giê-hô-va đã lâm vào tình trạng phu tù về thiêng liêng, làm liên tưởng đến tình trạng phu tù theo nghĩa đen của dân Do Thái xưa. Họ đã bị sỉ nhục rất nhiều.

17. Tình trạng của lớp người xức dầu được đảo ngược như thế nào vào năm 1919, và lúc đó họ được củng cố ra sao?

17 Tuy nhiên, cảnh tù đày của các tôi tớ xức dầu của Đức Chúa Trời không kéo dài bao lâu. Vào ngày 26-3-1919, các anh có trách nhiệm được phóng thích và sau đó, tất cả những tội trạng mà họ bị vu cáo đều được bãi bỏ. Đức Giê-hô-va đã đổ thánh linh trên dân tộc được giải phóng của Ngài, tăng cường sinh lực cho họ để làm công việc sẽ được giao phó. Họ vui mừng đáp lại lời mời “nhận lấy nước sự sống cách nhưng không”. (Khải-huyền 22:17) Họ đã “mua rượu và sữa mà không cần tiền, không đòi giá” và được củng cố về thiêng liêng để đáp ứng sự bành trướng kỳ diệu sắp xảy ra mà lớp người xức dầu còn sót lại đã không dự kiến trước.

Một đám đông chạy đến với lớp người xức dầu của Đức Chúa Trời

18. Môn đồ của Chúa Giê-su gồm hai nhóm nào, và ngày nay họ tạo thành gì?

18 Môn đồ của Chúa Giê-su được hưởng một trong hai hy vọng. Trước nhất, một “bầy nhỏ” gồm 144.000 người đã được thâu nhóm—tức tín đồ Đấng Christ được xức dầu là người Do Thái hoặc Dân Ngoại hợp thành “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, có hy vọng đồng cai trị với Chúa Giê-su trong Nước Trời. (Lu-ca 12:32; Ga-la-ti 6:16; Khải-huyền 14:1) Thứ hai, trong những ngày cuối cùng, một đám đông “vô-số người” thuộc “chiên khác” đã xuất hiện. Họ có hy vọng sống đời đời trong địa đàng. Trước khi cơn đại nạn bùng nổ, đám đông này—con số không định trước—cùng phụng sự kề vai với bầy nhỏ, và cả hai nhóm tạo thành “một bầy” thuộc “một người chăn”.—Khải-huyền 7:9, 10; Giăng 10:16.

19. “Một nước”, mà trước đây dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời không biết đến, đã hưởng ứng lời kêu gọi của họ như thế nào?

19 Chúng ta có thể nhận ra việc thâu nhóm đám đông này nơi những lời sau đây trong lời tiên tri của Ê-sai: “Nầy, ngươi sẽ kêu-gọi nước mà ngươi chưa hề biết, và nước chưa hề biết ngươi sẽ chạy đến cùng ngươi, vì cớ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, và Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, là Đấng đã làm vinh-hiển ngươi”. (Ê-sai 55:5) Trong những năm sau khi được giải thoát khỏi tình trạng phu tù về thiêng liêng, lúc đầu lớp người xức dầu còn sót lại không hiểu là trước Ha-ma-ghê-đôn, họ sẽ là công cụ kêu gọi một “nước” lớn đến thờ phượng Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, với thời gian trôi qua, nhiều người có lòng thành thật không có hy vọng lên trời bắt đầu đến kết hợp với lớp người xức dầu và phụng sự Đức Giê-hô-va nhiệt thành, y như lớp người xức dầu vậy. Khi thấy tình trạng đẹp đẽ của dân sự Đức Chúa Trời, những người mới gia nhập này nhận ra rằng Đức Giê-hô-va ở giữa dân Ngài. (Xa-cha-ri 8:23) Vào thập niên 1930, lớp người xức dầu mới nhận dạng đúng nhóm này và nhân số của nhóm này ngày càng gia tăng thêm nhiều. Những người xức dầu nhận thức là còn một cuộc thâu nhóm vĩ đại trong tương lai. Với lý do chính đáng, đám đông đang chạy đến kết hợp với dân trong giao ước của Đức Chúa Trời.

20. (a) Trong thời chúng ta, tại sao việc “tìm-kiếm Đức Giê-hô-va” là cấp bách, và phải làm việc này như thế nào? (b) Đức Giê-hô-va sẽ đáp lại những người tìm kiếm Ngài như thế nào?

20 Vào thời Ê-sai, lời kêu gọi vang ra: “Hãy tìm-kiếm Đức Giê-hô-va đang khi mình gặp được; hãy kêu-cầu đang khi Ngài ở gần!” (Ê-sai 55:6) Vào thời chúng ta, những lời này thích hợp cho cả dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời lẫn cho đám đông ngày càng tăng. Đức Giê-hô-va không ban phước vô điều kiện, lời mời của Ngài cũng không vô hạn định. Bây giờ là lúc tìm kiếm ân huệ của Đức Chúa Trời. Khi kỳ định để Đức Giê-hô-va phán xét đến, lúc đó sẽ quá trễ. Do đó, Ê-sai nói: “Kẻ ác khá bỏ đường mình, người bất-nghĩa khá bỏ các ý-tưởng; hãy trở lại cùng Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ thương-xót cho, hãy đến cùng Đức Chúa Trời chúng ta, vì Ngài tha-thứ dồi-dào”.—Ê-sai 55:7.

21. Dân Y-sơ-ra-ên đã tỏ ra bất trung như thế nào đối với lời tuyên bố của tổ phụ họ?

21 Nhóm từ “hãy trở lại cùng Đức Giê-hô-va” hàm ý những người đã có mối quan hệ với Đức Chúa Trời trước đây. Những lời này nhắc nhở chúng ta rằng nhiều khía cạnh của phần này trong lời tiên tri của Ê-sai đã được áp dụng đầu tiên cho dân phu tù Do Thái ở Ba-by-lôn. Nhiều thế kỷ trước, tổ phụ dân phu tù này đã tuyên bố nhất quyết vâng phục Đức Giê-hô-va khi họ nói: “Chúng tôi quyết hẳn không [“Đó là điều không thể tưởng tượng được đối với chúng tôi”, NW] lìa-bỏ Đức Giê-hô-va mà hầu việc các thần khác!” (Giô-suê 24:16) Lịch sử cho thấy “điều không thể tưởng tượng được” đã xảy ra—và xảy ra nhiều lần! Thiếu đức tin là lý do tại sao dân sự Đức Chúa Trời bị làm phu tù ở Ba-by-lôn.

22. Tại sao Đức Giê-hô-va nói ý tưởng và đường lối Ngài cao hơn của loài người?

22 Điều gì sẽ xảy ra nếu họ ăn năn? Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va hứa Ngài sẽ “tha-thứ dồi-dào”. Ngài nói thêm: “Ý-tưởng ta chẳng phải ý-tưởng các ngươi, đường-lối các ngươi chẳng phải đường-lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường-lối ta cao hơn đường-lối các ngươi, ý-tưởng ta cao hơn ý-tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu”. (Ê-sai 55:8, 9) Đức Giê-hô-va là hoàn toàn; ý tưởng và đường lối Ngài ngoài tầm hiểu biết của loài người. Ngay cả lòng thương xót của Ngài cao cả ở mức mà chúng ta là loài người không bao giờ có hy vọng đạt được. Hãy xem xét: Khi chúng ta tha thứ người khác thì đây là trường hợp một tội nhân tha thứ cho một tội nhân. Chúng ta biết sớm muộn gì mình sẽ cần một người nào đó tha thứ. (Ma-thi-ơ 6:12) Nhưng Đức Giê-hô-va, dù không bao giờ cần ai tha thứ, lại “tha-thứ dồi-dào”! Ngài quả là một Đức Chúa Trời có lòng yêu thương nhân từ lớn lao. Và vì lòng thương xót, Đức Giê-hô-va mở các cửa trên trời, mưa ân phước xuống cho những ai hết lòng trở lại với Ngài.—Ma-la-chi 3:10.

Ân phước dành cho những người trở lại với Đức Giê-hô-va

23. Đức Giê-hô-va minh họa thế nào cho thấy lời Ngài chắc chắn sẽ thành tựu?

23 Đức Giê-hô-va hứa với dân Ngài: “Vả, như mưa và tuyết xuống từ trên trời và không trở lại nữa, mà đượm-nhuần đất-đai, làm cho sanh ra và kết nụ, đặng có giống cho kẻ gieo, có bánh cho kẻ ăn, thì lời nói của ta cũng vậy, đã ra từ miệng ta, thì chẳng trở về luống-nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận-lợi công-việc ta đã sai-khiến nó”. (Ê-sai 55:10, 11) Mọi điều Đức Giê-hô-va phán chắc chắn sẽ thành tựu. Giống như mưa và tuyết từ trời rơi xuống hoàn thành được mục tiêu là thấm đẫm đất đai và sinh ra cây trái, thì cũng vậy, lời ra từ miệng Đức Giê-hô-va hoàn toàn đáng tin cậy. Ngài sẽ thực hiện những gì Ngài hứa—với sự chắc chắn tuyệt đối.—Dân-số Ký 23:19.

24, 25. Dân Do Thái phu tù làm theo thông điệp Đức Giê-hô-va phán qua Ê-sai sẽ được những ân phước nào?

24 Do đó, nếu dân Do Thái nghe theo lời tiên tri Đức Giê-hô-va nói cho họ qua Ê-sai thì chắc chắn họ sẽ được giải cứu như Ngài hứa. Và như vậy, họ sẽ vui mừng lớn. Đức Giê-hô-va phán: “Các ngươi sẽ đi ra vui-vẻ, được đưa đi trong sự bình-an. Trước mặt các ngươi, núi và đồi sẽ trổi tiếng ca-hát, mọi cây-cối ngoài đồng sẽ vỗ tay. Cây tùng sẽ mọc lên thay cho bụi gai, và cây sim sẽ lớn lên thay cho gai-gốc [“tầm ma”, “NTT”]; điều đó sẽ làm cho biết danh Đức Giê-hô-va, và là một dấu đời đời không hề tuyệt-diệt”.—Ê-sai 55:12, 13.

25 Vào năm 537 TCN, dân Do Thái phu tù quả đã ra khỏi Ba-by-lôn với sự vui mừng. (Thi-thiên 126:1, 2) Khi về tới Giê-ru-sa-lem, họ thấy đất đai đầy dẫy bụi gai góc chằng chịt và cây tầm ma có gai đâm nhức nhối—nên nhớ là đất đã bị hoang vu nhiều thập kỷ. Nhưng dân hồi hương của Đức Chúa Trời bây giờ có thể giúp để biến đổi thành đẹp đẽ! Những cây cao lớn như cây tùng và cây sim thay thế cho gai góc và cây tầm ma. Dễ dàng thấy được ân phước của Đức Giê-hô-va khi dân Ngài “trổi tiếng ca-hát” phụng sự Ngài. Đó như thể chính đất đai mừng rỡ vậy.

26. Ngày nay dân Đức Chúa Trời vui hưởng tình trạng được ban phước nào?

26 Vào năm 1919, tín đồ Đấng Christ xức dầu còn sót lại được giải thoát khỏi sự giam cầm về thiêng liêng. (Ê-sai 66:8) Cùng với đám đông thuộc chiên khác, bây giờ họ đang mừng rỡ phụng sự Đức Giê-hô-va trong một địa đàng thiêng liêng. Mọi ảnh hưởng của Ba-by-lôn đã bị xóa sạch, họ vui hưởng một tình trạng đầy ân huệ, và tình trạng này “sẽ làm cho biết danh Đức Giê-hô-va”. Sự thịnh vượng về thiêng liêng của họ làm vinh hiển danh Ngài và tán dương Ngài là Đức Chúa Trời của lời tiên tri thật. Những gì Đức Giê-hô-va đã thực hiện cho họ chứng minh Ngài là Đức Chúa Trời và là bằng chứng về sự thành tín của Ngài trong lời hứa, và về lòng thương xót của Ngài dành cho những người biết ăn năn. Mong sao tất cả những người tiếp tục “mua rượu và sữa mà không cần tiền, không đòi giá” vui mừng phụng sự Ngài cho đến đời đời!

[Chú thích]

^ đ. 1 Trong văn khố về thương mại của Ba-by-lôn cổ xưa, người ta đã tìm được nhiều tên gọi Do Thái.

^ đ. 14 Chúa Giê-su tiếp tục trông nom công việc đào tạo môn đồ. (Khải-huyền 14:14-16) Ngày nay, tín đồ Đấng Christ, nam cũng như nữ, đều coi Chúa Giê-su là Đầu hội thánh. (1 Cô-rinh-tô 11:3) Vào thời điểm Đức Chúa Trời định, Chúa Giê-su sẽ thực hiện một vai trò khác của “quan-trưởng và quan-tướng”, khi chỉ huy trận chiến quyết liệt, hủy diệt kẻ thù của Đức Chúa Trời tại Ha-ma-ghê-đôn.—Khải-huyền 19:19-21.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 234]

Những người Do Thái nào đói khát về thiêng liêng được mời “đến suối nước” và “mua rượu và sữa”

[Hình nơi trang 239]

Chúa Giê-su chứng tỏ ngài là một “quan-trưởng và quan-tướng” cho muôn dân

[Các hình nơi trang 244, 245]

“Kẻ ác khá bỏ đường mình”