Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những lời tiên tri về sự an ủi có liên hệ đến bạn

Những lời tiên tri về sự an ủi có liên hệ đến bạn

Chương Hai

Những lời tiên tri về sự an ủi có liên hệ đến bạn

Ê-sai 41:1-29

1. Tại sao chúng ta nên chú ý đến lời tiên tri của Ê-sai?

Ê-SAI đã viết quyển sách mang tên ông cách đây gần 3.000 năm, nhưng nó rất giá trị cho chúng ta ngày nay. Chúng ta có thể học được những nguyên tắc quan trọng từ những biến cố lịch sử mà ông ghi lại. Chúng ta có thể xây dựng đức tin qua việc học những lời tiên tri được ông chép ra nhân danh Đức Giê-hô-va. Đúng vậy, Ê-sai là một nhà tiên tri của Đức Chúa Trời hằng sống. Đức Giê-hô-va đã soi dẫn ông chép trước lịch sử—tức mô tả những biến cố trước khi chúng xảy ra. Do đó, Đức Giê-hô-va cho thấy rằng Ngài có thể nói trước cũng như lèo lái tương lai. Sau khi học sách Ê-sai, tín đồ thật của Đấng Christ tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện mọi điều Ngài hứa.

2. Tình trạng ở Giê-ru-sa-lem như thế nào khi Ê-sai chép xong sách tiên tri, nhưng nó sẽ thay đổi như thế nào?

2 Vào lúc Ê-sai viết xong lời tiên tri, Giê-ru-sa-lem đã qua được cơn đe dọa của quân A-si-ri. Đền thờ vẫn đứng vững, và dân chúng vẫn tiếp tục sinh hoạt thường nhật như nhiều trăm năm trước. Tuy nhiên, tình trạng sẽ thay đổi. Giờ đến, khi của cải của các vua Giu-đa sẽ bị chuyển sang Ba-by-lôn và những người trẻ Giu-đa sẽ phục vụ triều đình của thành ấy. * (Ê-sai 39:6, 7) Hơn 100 năm sau, điều này xảy ra.—2 Các Vua 24:12-17; Đa-ni-ên 1:19.

3. Chương 41 sách Ê-sai chứa đựng thông điệp nào?

3 Tuy nhiên, thông điệp của Đức Chúa Trời qua Ê-sai không chỉ là thông điệp về tai họa u ám. Trong câu mở đầu Ês chương 40 sách của ông có chữ “Hãy yên-ủi”. * Người Do Thái sẽ được an ủi vì có sự bảo đảm là họ hoặc con cái họ sẽ trở về quê hương. Ês Chương 41 tiếp tục nói về thông điệp an ủi đó và báo trước là Đức Giê-hô-va sẽ dấy lên một vị vua hùng mạnh để thực hiện ý muốn của Ngài. Chương này cũng chứa đựng những lời bảo đảm và khuyến khích tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Nó cũng phơi bày sự bất lực của thần giả mà dân các nước tin cậy. Tất cả những điều này đều củng cố đức tin của người đọc, trong thời Ê-sai cũng như trong thời chúng ta.

Đức Giê-hô-va thách thức các nước

4. Đức Giê-hô-va thách thức các nước bằng những lời nào?

4 Đức Giê-hô-va nói qua nhà tiên tri của Ngài: “Hỡi các cù-lao, hãy nín-lặng trước mặt ta; các dân-tộc hãy lấy sức mới; hãy đến gần, thì mới nói! Chúng ta hãy đến gần nhau để xét-đoán!” (Ê-sai 41:1) Bằng những lời này, Đức Giê-hô-va thách thức các nước vốn thù nghịch với dân Ngài. Hãy để chúng đứng trước Ngài và để chúng nói! Như sẽ thấy sau này, như thể Ngài là một thẩm phán nơi tòa án, Đức Giê-hô-va đòi hỏi những nước này phải cung cấp bằng chứng thần tượng của họ thật sự là thần. Những thần này có thể báo trước sự giải cứu cho những người thờ phượng chúng hoặc sự phán xét nghịch lại kẻ thù của họ không? Nếu có, chúng có thể làm ứng nghiệm những lời tiên tri như thế không? Câu trả lời là không. Chỉ một mình Đức Giê-hô-va mới có thể làm những việc như vậy mà thôi.

5. Hãy giải thích những lời tiên tri của Ê-sai không phải chỉ ứng nghiệm một lần như thế nào.

5 Khi xem xét lời tiên tri của Ê-sai, chúng ta hãy nhớ, như nhiều lời tiên tri trong Kinh Thánh, lời của ông ứng nghiệm không phải chỉ một lần. Vào năm 607 TCN, dân Giu-đa bị bắt đi lưu đày ở Ba-by-lôn. Tuy nhiên, lời tiên tri của Ê-sai tiết lộ rằng Đức Giê-hô-va sẽ giải thoát dân Y-sơ-ra-ên khỏi sự phu tù. Điều này xảy ra vào năm 537 TCN. Sự giải thoát đó tương đương với sự giải thoát vào đầu thế kỷ 20. Trong thế chiến thứ nhất, các tôi tớ xức dầu của Đức Giê-hô-va trên đất đã trải qua một giai đoạn hoạn nạn. Vào năm 1918, áp lực từ thế gian của Sa-tan—do khối đạo tự xưng theo Đấng Christ, thành phần chính của Ba-by-lôn Lớn, kích động—đã khiến công việc rao giảng tin mừng hầu như tới chỗ bị đình chỉ. (Khải-huyền 11:5-10) Một số thành viên có trách nhiệm của Hội Tháp Canh bị cáo gian và bị bắt giam. Dường như thế gian đã thắng cuộc chiến chống lại các tôi tớ Đức Chúa Trời. Rồi, như đã xảy ra hồi năm 537 TCN, Đức Giê-hô-va bất ngờ giải thoát họ. Vào năm 1919, những thành viên nói trên được thả ra, và sau đó, những sự truy tố về tội mà họ bị vu cáo được hủy bỏ. Một đại hội ở Cedar Point, Ohio, vào tháng 9 năm 1919 đã tăng cường sức cho các tôi tớ Đức Giê-hô-va để bắt tay lại công việc rao giảng tin mừng về Nước Trời. (Khải-huyền 11:11, 12) Từ đó đến nay, tầm mức công việc rao giảng đã mở rộng đáng kể. Hơn nữa, nhiều lời tiên tri của Ê-sai sẽ ứng nghiệm một cách tuyệt diệu trong Địa Đàng trên đất sắp tới. Bởi vậy, lời của Ê-sai viết từ xa xưa liên hệ đến toàn thể các nước và các dân tộc ngày nay.

Một Đấng Giải Cứu được dấy lên

6. Nhà tiên tri miêu tả thế nào về nhà chinh phục tương lai?

6 Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va báo trước một nhà chinh phục sẽ vừa giải thoát dân Đức Chúa Trời khỏi Ba-by-lôn vừa thi hành án phạt trên kẻ thù của họ. Đức Giê-hô-va hỏi: “Ai đã khiến người kia dấy lên từ phương đông, lấy sự công-bình gọi người đến kề chân mình? Ngài phó các dân-tộc trước mặt Người, khiến người cai-trị [“chinh phục”, “NW”] các vua, phó họ như bụi cho gươm người, giống như rác-rến bị gió thổi cho cung người. Người đuổi theo họ trên con đường chưa hề đặt chân, mà vẫn vô-sự lướt dặm. Ai đã làm và thành-tựu việc nầy? Ai đã gọi các dòng-dõi từ ban đầu? Ấy là chính ta, Đức Giê-hô-va, là đầu-tiên, mà cũng sẽ ở với cuối-cùng”.—Ê-sai 41:2-4.

7. Ai là người chinh phục sẽ đến, và ông thực hiện được gì?

7 Ai là người được dấy lên từ phương đông? Các quốc gia Mê-đi Phe-rơ-sơ và Ê-lam nằm về phía đông Ba-by-lôn. Từ nơi đó Si-ru người Phe-rơ-sơ tiến lên cùng với đạo quân hùng dũng của ông. (Ê-sai 41:25; 44:28; 45:1-4, 13; 46:11) Dù không phải là người thờ phượng Đức Giê-hô-va, nhưng Si-ru hành động phù hợp với ý muốn của Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời công bình. Si-ru chinh phục các vua, và họ bị tan tác như bụi trước mặt ông. Trong cuộc chinh phục, ông tiến quân “vô-sự”, hay là an toàn, trên con đường mà người ta ít khi đi qua, khắc phục mọi chướng ngại vật. Đến năm 539 TCN, Si-ru tới thành Ba-by-lôn kiên cố và lật đổ nó. Kết quả là dân Đức Chúa Trời được giải thoát để rồi họ có thể trở về Giê-ru-sa-lem tái lập sự thờ phượng thanh sạch.—E-xơ-ra 1:1-7. *

8. Chỉ một mình Đức Giê-hô-va mới có thể làm gì?

8 Do đó, qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va tiên tri sự nổi lên của Si-ru rất lâu trước khi vị vua này sinh ra. Chỉ Đức Chúa Trời thật mới có thể tiên tri chính xác một điều như thế. Không thần giả nào của các nước có thể sánh với Đức Giê-hô-va. Với lý do chính đáng, Đức Giê-hô-va nói: “Ta chẳng nhường sự vinh-hiển ta cho một đấng nào khác”. Chỉ mình Đức Giê-hô-va có quyền nói: “Ta là đầu-tiên và cuối-cùng; ngoài ta không có Đức Chúa Trời nào khác”.—Ê-sai 42:8; 44:6, 7.

Những người khiếp đảm tin vào thần tượng

9-11. Các nước phản ứng thế nào trước cuộc tiến quân của Si-ru?

9 Bây giờ Ê-sai mô tả phản ứng của các nước về nhà chinh phục tương lai này: “Các cù-lao thấy và thất-kinh; các đầu-cùng đất đều run-rẩy. Chúng nó đều đến gần và nhóm lại, ai nấy giúp-đỡ kẻ lân-cận mình, và bảo anh em mình rằng: Hãy phấn-chí! Thợ mộc giục lòng thợ vàng; kẻ dùng búa đánh bóng giục lòng kẻ đánh đe; luận về việc hàn rằng: Hàn vẫn tốt; đoạn lấy đinh đóng nó cho khỏi lung-lay”.—Ê-sai 41:5-7.

10 Nhìn sâu vào tương lai khoảng 200 năm, Đức Giê-hô-va thăm dò diễn trường thế giới. Đạo quân hùng mạnh dưới quyền của Si-ru tiến mau lẹ, chinh phục mọi đối thủ. Người ta—thậm chí dân cư các cù lao, tức những người ở nơi xa xôi hẻo lánh—cũng run rẩy trước cuộc tiến quân của ông. Trong sự sợ hãi, chúng hợp lực chống lại người mà Đức Giê-hô-va đã gọi từ phương đông để thi hành án phạt. Chúng cố động viên lẫn nhau rằng: “Hãy phấn-chí”.

11 Những thợ khéo tay cùng nhau làm việc để tạo ra thần tượng cứu người. Một người thợ mộc đẽo hình gỗ rồi động viên thợ vàng mạ nó bằng kim loại, có thể là vàng. Một thợ chạm đập cho kim loại mỏng mịn ra và hàn nó lại. Có lẽ nhằm châm biếm khi nói nó được đóng đinh để cho chắc, khỏi lung lay, như thần Đa-gôn đã ngã xuống trước hòm giao ước của Đức Giê-hô-va.—1 Sa-mu-ên 5:4.

Chớ sợ!

12. Đức Giê-hô-va cho dân Y-sơ-ra-ên sự bảo đảm nào?

12 Bây giờ Đức Giê-hô-va chú ý tới dân Ngài. Không giống như các nước tin cậy nơi thần tượng vô tri vô giác, người nào tin cậy Đức Chúa Trời thật sẽ không phải sợ hãi. Sự bảo đảm của Đức Giê-hô-va bắt đầu bằng lời nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên nhớ họ là dòng dõi của Áp-ra-ham, bạn Ngài. Bằng lời văn thật dịu dàng, Ê-sai thuật lại lời của Đức Giê-hô-va: “Hỡi Y-sơ-ra-ên, ngươi là tôi-tớ ta, còn ngươi, Gia-cốp, là kẻ ta đã chọn, dòng-giống của Áp-ra-ham, bạn ta; ta đã cầm lấy ngươi từ đầu-cùng đất, gọi ngươi từ các góc đất, mà bảo ngươi rằng: Ngươi là tôi-tớ ta; ta đã lựa ngươi, chưa từng bỏ ngươi. Đừng sợ, vì ta ở với ngươi; chớ kinh-khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp-đỡ ngươi, lấy tay hữu công-bình ta mà nâng-đỡ ngươi”.—Ê-sai 41:8-10.

13. Tại sao những lời của Đức Giê-hô-va đem lại an ủi cho dân Do Thái đang bị phu tù?

13 Đối với những người Do Thái trung thành bị làm phu tù nơi xứ ngoại bang, những lời này thật an ủi biết bao! Họ được khích lệ biết chừng nào khi nghe Đức Giê-hô-va gọi họ là “tôi-tớ ta” vào lúc mà họ đang bị lưu đày, làm tôi cho vua Ba-by-lôn! (2 Sử-ký 36:20) Mặc dù sửa phạt họ vì tội bất trung, Đức Giê-hô-va không từ bỏ họ. Y-sơ-ra-ên thuộc về Đức Giê-hô-va chứ không phải Ba-by-lôn. Tôi tớ Đức Chúa Trời không có lý do nào để run sợ trước cuộc tiến quân chinh phục của Si-ru. Đức Giê-hô-va sẽ ở với dân Ngài để giúp họ.

14. Những lời Đức Giê-hô-va nói với dân Y-sơ-ra-ên an ủi tôi tớ Đức Chúa Trời ngày nay như thế nào?

14 Những lời đó đã trấn an và củng cố dân sự Đức Chúa Trời thậm chí tới thời chúng ta ngày nay. Hồi năm 1918, họ ao ước muốn biết ý muốn của Đức Giê-hô-va đối với họ. Họ khao khát được giải thoát khỏi tình trạng tù đày về thiêng liêng. Ngày nay chúng ta khao khát được thoát khỏi áp lực mà Sa-tan, thế gian và sự bất toàn của chính chúng ta đè nặng trên chúng ta. Nhưng chúng ta nhận thức rằng Đức Giê-hô-va biết chính xác Ngài sẽ hành động khi nào và thế nào vì dân Ngài. Như đứa con thơ, chúng ta bám chặt lấy cánh tay quyền năng của Ngài, tin tưởng rằng Ngài sẽ giúp chúng ta để đương đầu với mọi vấn đề. (Thi-thiên 63:7, 8) Đức Giê-hô-va yêu quý những người phụng sự Ngài. Ngài nâng đỡ chúng ta ngày nay như Ngài từng nâng đỡ dân Ngài qua giai đoạn khó khăn 1918-1919 và cũng như Ngài đã làm đối với dân Y-sơ-ra-ên trung thành thuở xưa.

15, 16. (a) Kẻ thù của Y-sơ-ra-ên sẽ ra sao, và Y-sơ-ra-ên giống như con sâu như thế nào? (b) Ngày nay, lời của Đức Giê-hô-va đem lại sự khích lệ đặc biệt trước cuộc tấn công sắp tới nào?

15 Hãy xem xét những gì Đức Giê-hô-va nói tiếp qua Ê-sai: “Nầy, những kẻ nổi giận cùng ngươi sẽ hổ-thẹn nhuốc-nhơ. Những kẻ dấy lên nghịch cùng ngươi sẽ ra hư-không và chết-mất. Những kẻ công-kích ngươi, ngươi sẽ tìm nó mà chẳng thấy; những kẻ giao-chiến cùng ngươi sẽ bị diệt và thành không. Vì ta, là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, sẽ nắm tay hữu ngươi, và phán cùng ngươi rằng: Đừng sợ, ta sẽ giúp-đỡ ngươi; hỡi sâu-bọ Gia-cốp, và các người của dân Y-sơ-ra-ên, đừng sợ chi hết, ta sẽ giúp ngươi, Đức Giê-hô-va phán vậy, tức là Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, và là Đấng chuộc ngươi”.—Ê-sai 41:11-14.

16 Kẻ thù của Y-sơ-ra-ên sẽ không thắng. Những kẻ nổi giận với Y-sơ-ra-ên sẽ bị hổ thẹn. Những kẻ đánh họ sẽ bị hủy diệt. Dù dân Y-sơ-ra-ên phu tù có vẻ yếu ớt và không có khả năng tự vệ như một con sâu bò ngoằn ngoèo trong bụi đất, Đức Giê-hô-va sẽ giúp đỡ họ. Điều này quả là sự khích lệ trong suốt những “ngày sau-rốt” khi mà tín đồ thật của Đấng Christ phải đương đầu với sự thù nghịch gay gắt của quá nhiều người trong thế gian! (2 Ti-mô-thê 3:1) Và lời hứa của Đức Giê-hô-va thêm sức cho chúng ta biết bao trước cuộc tấn công sắp tới của Sa-tan mà trong lời tiên tri hắn được gọi là “Gót ở đất Ma-gốc”! Trong cuộc tấn công tàn bạo của Gót, dân Đức Giê-hô-va dường như không có khả năng tự vệ như một con sâu vậy—một dân “ở trong những nơi không có tường” cũng “không then và không cửa”. Thế nhưng, ai trông cậy Đức Giê-hô-va sẽ không phải run rẩy vì sợ hãi. Chính Đấng Toàn Năng sẽ tranh chiến để giải cứu họ.—Ê-xê-chi-ên 38:2, 11, 14-16, 21-23; 2 Cô-rinh-tô 1:3.

Sự an ủi cho dân Y-sơ-ra-ên

17, 18. Ê-sai miêu tả Y-sơ-ra-ên được ban sức mạnh như thế nào, và chúng ta được bảo đảm về sự ứng nghiệm nào?

17 Đức Giê-hô-va tiếp tục an ủi dân Ngài: “Nầy, ta sẽ lấy ngươi làm cái bừa nhọn, thật mới và có răng bén. Ngươi sẽ tán các núi và nghiền nhỏ ra, làm cho các gò nên giống như cám mịn. Ngươi sẽ dê nó, gió sẽ đùa đi, gió lốc sẽ làm tan-lạc; nhưng ngươi sẽ vui-mừng trong Đức Giê-hô-va, khoe mình trong Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên”.—Ê-sai 41:15, 16.

18 Y-sơ-ra-ên sẽ được ban sức mạnh để chống trả và, theo nghĩa thiêng liêng, để khuất phục kẻ thù của họ to lớn như núi. Khi trở về từ xứ phu tù, dân Y-sơ-ra-ên sẽ thắng kẻ thù ra sức ngăn cản việc tái thiết đền thờ và các tường thành Giê-ru-sa-lem. (E-xơ-ra 6:12; Nê-hê-mi 6:16) Tuy nhiên, những lời của Đức Giê-hô-va sẽ ứng nghiệm trên một tầm mức rộng lớn hơn với “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”. (Ga-la-ti 6:16) Chúa Giê-su hứa với các môn đồ xức dầu của ngài: “Kẻ nào thắng, và giữ các việc của ta đến cuối-cùng, ta sẽ ban cho quyền trị các nước: kẻ đó sẽ cai-trị bằng một cây gậy sắt, và sẽ phá tan các nước như đồ gốm, khác nào chính ta đã nhận quyền cai-trị đó nơi Cha ta”. (Khải-huyền 2:26, 27) Giờ chắc chắn sẽ tới khi mà các anh em của Đấng Christ sống lại vinh hiển trên trời sẽ dự phần vào việc hủy diệt kẻ thù của Giê-hô-va Đức Chúa Trời.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:7, 8; Khải-huyền 20:4, 6.

19, 20. Ê-sai viết gì về việc khôi phục Y-sơ-ra-ên thành một nơi đẹp đẽ, và điều này được ứng nghiệm như thế nào?

19 Nói theo nghĩa bóng, Đức Giê-hô-va giờ đây khẳng định lời hứa cứu giúp dân Ngài. Ê-sai viết: “Những kẻ nghèo-nàn thiếu-thốn tìm nước mà không được, lưỡi khô vì khát; nhưng ta, Đức Giê-hô-va, sẽ nhậm lời họ; ta, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, sẽ không lìa-bỏ họ đâu. Ta sẽ khiến sông chảy ra trên đỉnh núi trọi, và suối trào lên giữa trũng. Ta sẽ biến sa-mạc thành ao, và đất khô thành nguồn nước. Ta sẽ đặt trong đồng vắng những cây hương-bách, cây tạo-giáp, cây sim và cây dầu. Ta sẽ trồng chung nơi sa-mạc những cây tùng, cây sam, cây hoàng-dương, hầu cho mọi người xem thấy và biết, ngẫm-nghĩ và cùng nhau hiểu rằng tay Đức Giê-hô-va đã làm sự đó, Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên đã dựng nên sự đó”.—Ê-sai 41:17-20.

20 Dù sống ở thủ phủ của một cường quốc thế giới giàu mạnh, nhưng đối với dân Y-sơ-ra-ên phu tù, họ như đang sống ở sa mạc không có nước vậy. Họ cảm thấy giống như Đa-vít khi trốn tránh Vua Sau-lơ. Vào năm 537 TCN, Đức Giê-hô-va mở đường cho họ trở về xứ Giu-đa và tái thiết đền thờ của Ngài ở Giê-ru-sa-lem, và do đó tái lập sự thờ phượng thanh sạch. Đáp lại, Đức Giê-hô-va ban phước cho họ. Trong một lời tiên tri sau đó, Ê-sai báo trước: “Đức Giê-hô-va [sẽ] yên-ủi Si-ôn; Ngài [sẽ] yên-ủi mọi nơi đổ-nát của nó. Ngài [sẽ] khiến đồng-vắng nên như vườn Ê-đen, nơi sa-mạc nên như vườn Đức Giê-hô-va”. (Ê-sai 51:3) Điều này đã thật sự xảy ra sau khi người Do Thái trở về quê hương.

21. Sự khôi phục nào đã xảy ra vào thời hiện đại, và điều gì sẽ xảy ra trong tương lai?

21 Một điều tương tự cũng đã xảy ra vào thời hiện đại khi Si-ru Lớn là Chúa Giê-su Christ giải thoát các môn đồ xức dầu của ngài khỏi sự phu tù về thiêng liêng để rồi họ có thể tái lập sự thờ phượng thanh sạch. Những môn đồ trung thành ấy được ban phước với một địa đàng thiêng liêng tuyệt diệu, một vườn Ê-đen theo nghĩa bóng. (Ê-sai 11:6-9; 35:1-7) Chẳng bao lâu nữa, khi Đức Chúa Trời hủy diệt kẻ thù của Ngài, toàn trái đất sẽ biến thành một địa đàng theo nghĩa đen, giống như Chúa Giê-su đã hứa với tên trộm trên cây gỗ.—Lu-ca 23:43.

Một thách đố cho kẻ thù của Y-sơ-ra-ên

22. Đức Giê-hô-va lại thách thức các nước bằng những lời nào nữa?

22 Bây giờ Đức Giê-hô-va trở lại tranh luận với các nước và thần tượng của họ: “Đức Giê-hô-va phán: Hãy trình đơn các ngươi; Vua của Gia-cốp phán: Hãy bày-tỏ lẽ mạnh các ngươi. Phải, hãy thuật lại đi! Hãy rao cho chúng ta điều sẽ xảy đến! Hãy tỏ ra những điều đã có lúc trước, cho chúng ta để ý nghiệm sự cuối-cùng nó là thế nào, hay là bảo cho chúng ta biết những sự hầu đến. Hãy rao những việc sẽ xảy đến sau nầy, cho chúng ta biết các ngươi là thần, cũng hãy xuống phước hoặc xuống họa đi, hầu cho chúng ta cùng nhau xem thấy và lấy làm lạ... Nầy, các ngươi chẳng ra gì, sự các ngươi làm cũng là vô-ích; kẻ lựa-chọn các ngươi là đáng gớm-ghiếc”! (Ê-sai 41:21-24) Thần của các nước có khả năng tiên tri chính xác và do đó chứng tỏ chúng có sự hiểu biết siêu nhiên không? Nếu có, thì chắc phải có bằng chứng, xấu hoặc tốt, để hỗ trợ cho sự rêu rao của chúng. Thế nhưng sự thật là các thần tượng chẳng có thể làm được bất cứ điều gì và cũng chẳng hiện hữu nữa.

23. Tại sao Đức Giê-hô-va, qua các tiên tri của Ngài, không ngừng lên án hình tượng?

23 Trong thời chúng ta một số người có thể tự hỏi tại sao Đức Giê-hô-va, qua Ê-sai và các tiên tri khác của Ngài, dành ra quá nhiều thời giờ để lên án sự điên rồ của việc thờ hình tượng. Nhiều người ngày nay dường như thấy rõ các thần tượng do con người tạo ra là vô ích. Tuy nhiên, một khi hệ thống tin tưởng giả trá đã thành khuôn khổ và được chấp nhận rộng rãi thì khó mà nhổ nó đi khỏi đầu óc của những người tin vào nó. Ngày nay có nhiều niềm tin cũng vô nghĩa như niềm tin các hình tượng vô tri vô giác thật sự là thần. Thế nhưng, người ta cứ bám vào những niềm tin như thế bất kể những lý lẽ hết sức xác đáng cho thấy họ sai. Chỉ bằng cách nghe đi nghe lại lẽ thật, một số người mới nhận ra được sự khôn ngoan của việc tin cậy Đức Giê-hô-va.

24, 25. Đức Giê-hô-va lại nhắc tới Si-ru như thế nào, và điều này nhắc nhở chúng ta đến những lời tiên tri khác nào?

24 Đức Giê-hô-va lại nhắc tới Si-ru: “Ta dấy lên một người từ phương bắc, và người đã đến; người kêu-cầu danh ta từ phía mặt trời mọc, giẵm lên trên các quan-trưởng như giẵm trên đất vôi, khác nào thợ gốm nhồi đất sét”. (Ê-sai 41:25) * Trái với các thần của các nước, Đức Giê-hô-va có thể hoàn thành nhiều việc. Khi đem Si-ru ra khỏi phương đông, từ “phía mặt trời mọc”, Đức Chúa Trời đã biểu dương khả năng tiên đoán của Ngài và rồi lèo lái tương lai để hoàn thành lời tiên đoán đó.

25 Những lời này nhắc nhở chúng ta về sự miêu tả có tính cách tiên tri của sứ đồ Giăng về những vua sẽ ra tay hành động vào thời chúng ta. Nơi Khải-huyền 16:12, chúng ta thấy con đường sẽ được sửa soạn “cho các vua từ Đông-phương”. Những vua này không ai khác hơn là Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ. Cũng như Si-ru đã giải cứu dân Đức Chúa Trời trước đây thì những vua hùng mạnh hơn này sẽ tiêu diệt kẻ thù của Đức Giê-hô-va và sẽ chăn dắt dân Ngài qua cơn đại nạn để vào thế giới mới công bình.—Thi-thiên 2:8, 9; 2 Phi-e-rơ 3:13; Khải-huyền 7:14-17.

Đức Giê-hô-va là tối cao!

26. Bây giờ Đức Giê-hô-va đặt ra câu hỏi nào, và có được trả lời không?

26 Một lần nữa, Đức Giê-hô-va công bố sự thật, chỉ mình Ngài là Đức Chúa Trời thật. Ngài hỏi: “Ai đã tỏ ra điều đó từ lúc ban đầu cho chúng ta biết? Ai đã rao ra từ trước, đặng chúng ta nói rằng, người là công-bình? Nhưng chẳng ai rao hết, chẳng ai báo hết, chẳng ai từng nghe tiếng các ngươi”. (Ê-sai 41:26) Không thần tượng nào công bố về một nhà chinh phục đến để giải thoát những ai tin cậy nó. Tất cả những thần tượng đó đều là vô tri vô giác, câm. Chúng hoàn toàn không phải là thần.

27, 28. Lẽ thật quan trọng nào được nhấn mạnh trong những câu chót của Ê-sai chương 41, và chỉ ai mới công bố điều này?

27 Sau khi tường trình những lời tiên tri hào hứng này của Đức Giê-hô-va, Ê-sai nhấn mạnh một lẽ thật quan trọng: “Ấy chính ta đã phán trước nhứt cùng Si-ôn rằng: Nầy, chúng nó đây! Ta sẽ sai một kẻ báo tin lành đến Giê-ru-sa-lem. Ta xem rồi, chẳng có ai hết; trong đám họ cũng chẳng có một người mưu-sĩ, để mà khi ta hỏi họ, có thể đáp một lời. Thật, họ chỉ là hư-vô hết thảy; công-việc họ cũng thành không, tượng đúc của họ chẳng qua là gió và sự lộn-lạo”.—Ê-sai 41:27-29.

28 Đức Giê-hô-va là trước nhất. Ngài là tối cao! Ngài là Đức Chúa Trời thật; Ngài công bố sự giải cứu cho dân Ngài, đem tin mừng đến cho họ. Và chỉ có Nhân Chứng Ngài mới công bố sự vĩ đại của Ngài cho các nước. Đức Giê-hô-va đã khinh bỉ lên án những kẻ tin cậy vào sự thờ hình tượng; Ngài coi hình tượng của họ như là “gió và sự lộn-lạo”. Quả là lý do mạnh mẽ để bám vào Đức Chúa Trời thật! Chỉ mình Đức Giê-hô-va đáng cho chúng ta tin cậy.

[Chú thích]

^ đ. 7 Si-ru Lớn đã giải phóng “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” khỏi sự phu tù về thiêng liêng vào năm 1919 không ai khác hơn là Chúa Giê-su Christ, Đấng đã được phong Vua Nước Trời từ năm 1914.—Ga-la-ti 6:16.

^ đ. 24 Mặc dù quê của Si-ru nằm về phía đông Ba-by-lôn, nhưng khi mở cuộc tấn công cuối cùng vào thành này, ông đến từ phía bắc, từ Tiểu Á.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 19]

Si-ru dù là người ngoại nhưng được chọn để thực hiện công việc của Đức Chúa Trời

[Hình nơi trang 21]

Các nước tin cậy nơi các hình tượng vô tri vô giác

[Các hình nơi trang 27]

Y-sơ-ra-ên, giống như “cái bừa nhọn”, sẽ ‘nghiền nhỏ các núi’