Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự sáng cho các dân

Sự sáng cho các dân

Chương Hai Mươi Tám

Sự sáng cho các dân

Ê-sai 66:15-24

1, 2. Tại sao ánh sáng cần yếu cho sự sống, và loại tối tăm nào bao phủ trái đất ngày nay?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là Nguồn sự sáng, “Đấng đã ban mặt trời làm sự sáng ban ngày, ban thứ-tự mặt trăng và ngôi sao soi ban đêm”. (Giê-rê-mi 31:35) Chỉ riêng điều này thôi, Ngài cũng đáng được công nhận là Nguồn của sự sống, vì lẽ ánh sáng cần thiết cho sự sống. Sự sống không thể nào có được nếu trái đất không được mặt trời sưởi ấm và soi sáng liên tục. Hành tinh của chúng ta sẽ là nơi không thể ở được.

2 Do đó, chúng ta hết sức quan tâm đến việc Đức Giê-hô-va để mắt đến thời kỳ chúng ta và báo trước đó là thời kỳ đen tối thay vì sáng lạng. Ê-sai viết dưới sự soi dẫn: “Nầy, sự tối-tăm vây-phủ đất, sự u-ám bao-bọc các dân”. (Ê-sai 60:2) Dĩ nhiên, những lời này nói về sự tối tăm thiêng liêng chứ không theo nghĩa đen, nhưng chúng ta không nên coi nhẹ tính chất nghiêm trọng của những lời ấy. Cuối cùng, giống như những người không có ánh sáng mặt trời, những kẻ không có ánh sáng thiêng liêng cũng không thể có sự sống.

3. Trong những thời kỳ đen tối này, chúng ta quay về đâu để có ánh sáng?

3 Trong những thời kỳ đen tối này, chúng ta không thể bỏ qua ánh sáng thiêng liêng mà Đức Giê-hô-va cung cấp sẵn cho chúng ta. Chúng ta cần để cho Lời Đức Chúa Trời soi dẫn, đọc Kinh Thánh mỗi ngày nếu có thể được. (Thi-thiên 119:105) Các buổi họp của đạo Đấng Christ cho chúng ta cơ hội khuyến khích lẫn nhau bền vững trên “con đường người công-bình”. (Châm-ngôn 4:18; Hê-bơ-rơ 10:23-25) Nhờ siêng năng học hỏi Kinh Thánh và kết hợp lành mạnh với anh em tín đồ Đấng Christ, chúng ta được sức mạnh giúp tránh bị chìm đắm trong sự u ám của những “ngày sau-rốt”, mà tột đỉnh của nó sẽ là “ngày thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va”. (2 Ti-mô-thê 3:1; Sô-phô-ni 2:3) Ngày đó đang đến mau chóng! Nó chắc chắn sẽ đến giống như một ngày tương tự đã từng xảy đến trên dân Giê-ru-sa-lem cổ xưa.

Đức Giê-hô-va “làm sự xét-đoán”

4, 5. (a) Đức Giê-hô-va nghịch lại Giê-ru-sa-lem như thế nào? (b) Tại sao chúng ta có thể kết luận rằng chỉ có một số tương đối ít người sống sót khi Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt vào năm 607 TCN? (Xem cước chú).

4 Trong những câu kết thúc của lời tiên tri đầy phấn khởi của Ê-sai, Đức Giê-hô-va mô tả sống động những biến cố dẫn đến ngày thịnh nộ của Ngài. Chúng ta đọc: “Đức Giê-hô-va sẽ đến với lửa, và xe-cộ Ngài giống như gió lốc, hầu cho cơn giận của Ngài thêm nóng-nảy, và sự quở-trách của Ngài biến thành ngọn lửa hừng. Đức Giê-hô-va sẽ lấy lửa và gươm làm sự xét-đoán Ngài trên mọi xác-thịt, và số những kẻ phải chết bởi Đức Giê-hô-va là nhiều lắm”.—Ê-sai 66:15, 16.

5 Những lời này lẽ ra phải giúp những người đương thời với Ê-sai nhận thức được tình trạng nghiêm trọng của họ. Thời điểm đang đến gần khi quân Ba-by-lôn, với tư cách là kẻ hành quyết của Đức Giê-hô-va, sẽ đến tấn công Giê-ru-sa-lem. Như cơn lốc, xe pháo của chúng hất tung bụi mịt mù. Thật sẽ là một cảnh tượng hãi hùng! Đức Giê-hô-va sẽ dùng quân xâm lăng để thực hiện sự phán xét hực lửa trên mọi “xác-thịt” người Do Thái bất trung, như thể chính Đức Giê-hô-va đánh dân Ngài vậy. Không ai ngăn được ‘cơn giận nóng-nảy’ của Ngài. Nhiều người Do Thái sẽ ngã như “những kẻ phải chết bởi Đức Giê-hô-va”. Lời tiên tri này được ứng nghiệm vào năm 607 TCN. *

6. Trong nước Giu-đa, có những thực hành đáng khiển trách nào?

6 Đức Giê-hô-va có chính đáng khi ‘xét-đoán dân Ngài’ không? Chắc chắn có! Khi xem xét sách Ê-sai, nhiều lần chúng ta thấy dân Do Thái mặc dù được xem là đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va nhưng vẫn đắm chìm trong sự thờ phượng giả—và Đức Giê-hô-va không phải là không thấy các hành động của họ. Chúng ta thấy điều này một lần nữa trong lời tiên tri sau: “Những kẻ biệt mình riêng ra và tự làm sạch mình để đến các vườn, ở đằng sau một cái cây giữa đó, ăn thịt heo, thịt chuột, và những đồ ăn gớm-ghiếc, thì sẽ chết với nhau, Đức Giê-hô-va phán vậy”. (Ê-sai 66:17) Có phải những người Do Thái này “biệt mình riêng ra và tự làm sạch mình” để chuẩn bị cho sự thờ phượng thanh sạch không? Rõ ràng là không. Đúng hơn, họ đang tham dự nghi lễ tẩy sạch của ngoại giáo trong các ngôi vườn đặc biệt. Sau đó, họ ngấu nghiến ăn thịt heo và thịt các thú vật không tinh sạch khác theo Luật Pháp Môi-se.—Lê-vi Ký 11:7, 21-23.

7. Có điểm tương đồng nào giữa khối đạo tự xưng theo Đấng Christ và nước Giu-đa thờ hình tượng?

7 Thật là một tình trạng ghê tởm đối với một nước có mối quan hệ giao ước với Đức Chúa Trời có một và thật! Nhưng hãy suy xét: Một tình trạng đáng ghê tởm như thế cũng hiện hữu trong khối đạo tự xưng theo Đấng Christ ngày nay. Những tôn giáo này cũng tự nhận phụng sự Đức Chúa Trời, và nhiều nhà lãnh đạo của các tôn giáo đó giả vờ sùng đạo. Thế nhưng, họ tự làm ô uế mình bằng những truyền thống và dạy dỗ ngoại giáo và do đó tự chứng tỏ ở trong sự tăm tối về thiêng liêng. Sự tối tăm đó lớn biết chừng nào!—Ma-thi-ơ 6:23; Giăng 3:19, 20.

‘Chúng nó sẽ thấy sự vinh-hiển Ta’

8. (a) Điều gì sẽ xảy đến cho cả Giu-đa lẫn khối đạo tự xưng theo Đấng Christ? (b) Các nước sẽ ‘thấy sự vinh-hiển của Đức Giê-hô-va’ theo nghĩa nào?

8 Đức Giê-hô-va có lưu ý đến những hành động đáng khiển trách và những sự dạy dỗ sai lầm của khối đạo tự xưng theo Đấng Christ không? Hãy đọc những lời sau đây của Đức Giê-hô-va do Ê-sai ghi lại, và xem bạn kết luận gì: “Về phần ta, ta biết việc làm và ý-tưởng chúng nó; kỳ đến mà ta sẽ nhóm các nước và các thứ tiếng; chúng nó sẽ đến và thấy sự vinh-hiển ta”. (Ê-sai 66:18) Đức Giê-hô-va biết và chuẩn bị đoán phạt không chỉ việc làm mà cả tư tưởng của những kẻ tự nhận là tôi tớ Ngài. Dân Giu-đa nhận mình tin nơi Đức Giê-hô-va, nhưng hành động thờ hình tượng và các thực hành ngoại giáo đã cho thấy sự mạo nhận của họ. Việc dân sự “tẩy sạch” mình theo nghi lễ ngoại giáo hoàn toàn vô giá trị. Dân tộc sẽ bị tan hoang, và điều này sẽ xảy ra ngay trước mắt các nước láng giềng thờ hình tượng. Họ sẽ ‘thấy sự vinh-hiển của Đức Giê-hô-va’ theo nghĩa họ sẽ chứng kiến các biến cố và buộc phải thú nhận rằng các lời Đức Giê-hô-va đã thành sự thật. Tất cả những điều này áp dụng cho khối đạo tự xưng theo Đấng Christ như thế nào? Khi sự cuối cùng của y thị đến, nhiều bạn bè và người hợp tác làm ăn trước đây của y thị sẽ buộc phải đứng yên bất lực chứng kiến lời Đức Giê-hô-va được ứng nghiệm.—Giê-rê-mi 25:31-33; Khải-huyền 17:15-18; 18:9-19.

9. Đức Giê-hô-va công bố tin mừng nào?

9 Phải chăng việc Giê-ru-sa-lem bị phá hủy vào năm 607 TCN có nghĩa là Đức Giê-hô-va không còn nhân chứng trên trái đất? Không. Những người trung kiên như Đa-ni-ên và ba đồng bạn sẽ tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va, ngay cả khi bị lưu đày ở Ba-by-lôn. (Đa-ni-ên 1:6, 7) Đúng vậy, chuỗi nhân chứng trung thành của Đức Giê-hô-va sẽ vẫn còn nguyên vẹn, và khi thời kỳ 70 năm mãn, những người đàn ông và đàn bà trung thành sẽ rời Ba-by-lôn trở về Giu-đa để phục hồi sự thờ phượng thanh sạch. Đó là điều Đức Giê-hô-va ám chỉ nơi câu kế: “Ta sẽ đặt một dấu-hiệu giữa họ; những kẻ trong vòng họ đã tránh khỏi nạn, thì ta sẽ sai đến khắp các nước, tức là đến Ta-rê-si, Phun, Lút là dân có tài bắn cung, Tu-banh và Gia-van, cho đến trong các cù-lao xa, là nơi chưa hề nghe danh-tiếng ta, và chưa từng thấy sự vinh-hiển ta. Bấy giờ chúng sẽ rao-truyền sự vinh-hiển ta ra trong các nước”.—Ê-sai 66:19.

10. (a) Những người Do Thái trung thành được giải thoát khỏi Ba-by-lôn sẽ là một dấu hiệu theo nghĩa nào? (b) Ngày nay ai được dùng làm dấu lạ?

10 Đám đông người đàn ông và đàn bà trung thành trở về Giê-ru-sa-lem năm 537 TCN sẽ là một dấu hiệu lạ lùng, là bằng chứng Đức Giê-hô-va đã giải thoát dân Ngài. Ai có thể tưởng tượng được rằng một ngày kia dân phu tù Do Thái lại được tự do theo đuổi sự thờ phượng thanh sạch tại đền thờ Đức Giê-hô-va? Cũng vậy, vào thế kỷ thứ nhất, tín đồ Đấng Christ được xức dầu được dùng làm “dấu và phép lạ” để những người nhu mì muốn phụng sự Đức Giê-hô-va kéo đến. (Ê-sai 8:18, NW; Hê-bơ-rơ 2:13) Ngày nay, sống trong sự hưng thịnh trên đất được khôi phục, tín đồ xức dầu của Đấng Christ được dùng làm dấu lạ trên đất. (Ê-sai 66:8) Họ là bằng chứng sống về quyền năng của thánh linh Đức Giê-hô-va, lôi cuốn những người nhu mì có lòng muốn phụng sự Đức Giê-hô-va.

11. (a) Sau công cuộc khôi phục, làm sao dân các nước sẽ biết đến Đức Giê-hô-va? (b) Xa-cha-ri 8:23 đã được ứng nghiệm lần đầu như thế nào?

11 Tuy nhiên, sau công cuộc khôi phục vào năm 537 TCN, làm sao dân các nước biết Đức Giê-hô-va nếu chưa được nghe kể lại việc Ngài đã làm? Không phải mọi người Do Thái trung thành đều trở về Giê-ru-sa-lem sau khi mãn thời kỳ lưu đày ở Ba-by-lôn. Một số người, như Đa-ni-ên, vẫn tiếp tục ở lại Ba-by-lôn. Những người khác tản mát ra bốn phương trên đất. Đến thế kỷ thứ năm TCN, khắp Đế Quốc Phe-rơ-sơ đều có người Do Thái sinh sống. (Ê-xơ-tê 1:1; 3:8) Hiển nhiên, một số người Do Thái nói với những người láng giềng ngoại giáo về Đức Giê-hô-va, bởi lẽ nhiều người từ các dân này đã trở thành người cải đạo Do Thái. Rất có thể đó là trường hợp hoạn quan người Ê-thi-ô-bi được môn đồ Đấng Christ là Phi-líp rao giảng vào thế kỷ thứ nhất. (Công-vụ 8:26-40) Tất cả những điều xảy ra làm ứng nghiệm lần đầu lời của nhà tiên tri Xa-cha-ri: “Sẽ xảy ra trong những ngày đó, có mười người từ mọi thứ tiếng trong các nước ra, nắm chặt vạt áo của một người Giu-đa, mà nói rằng: Chúng ta sẽ đi cùng các ngươi, vì chúng ta có nghe rằng Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi”. (Xa-cha-ri 8:23) Quả thật, Đức Giê-hô-va đã soi sáng các dân!—Thi-thiên 43:3.

‘Dâng của-lễ cho Đức Giê-hô-va’

12, 13. Bắt đầu vào năm 537 TCN, “anh em” được đem đến Giê-ru-sa-lem như thế nào?

12 Sau khi Giê-ru-sa-lem được xây cất lại, những người Do Thái sống rải rác xa quê hương sẽ coi thành này cùng với dòng thầy tế lễ được khôi phục là trung tâm của sự thờ phượng thanh sạch. Nhiều người trong họ sẽ từ nơi rất xa về dự các lễ hội hàng năm tại đó. Ê-sai viết dưới sự soi dẫn: “Các dân ngoại sẽ đem hết thảy anh em các ngươi cỡi ngựa, xe, kiệu, la, lạc-đà một gu, từ các nước mà đem đến núi thánh ta, là Giê-ru-sa-lem, đặng dâng họ cho Đức Giê-hô-va làm của-lễ, cũng như con-cái Y-sơ-ra-ên đem của-lễ trong đồ-đựng sạch-sẽ mà vào đền-thờ Đức Giê-hô-va vậy. Đức Giê-hô-va phán: Ta lại từ trong đám họ lựa kẻ làm thầy tế-lễ và làm người Lê-vi”.—Ê-sai 66:20, 21.

13 Một số ‘anh em từ các nước’ có mặt trong ngày Lễ Ngũ Tuần khi thánh linh đổ xuống trên môn đồ Chúa Giê-su. Lời tường thuật kể lại: “Có người Giu-đa, kẻ mộ đạo, từ các dân thiên-hạ đến, ở tại thành Giê-ru-sa-lem”. (Công-vụ 2:5) Họ đến Giê-ru-sa-lem để thờ phượng theo tập tục Do Thái, nhưng khi nghe tin mừng về Chúa Giê-su Christ, nhiều người đã thực hành đức tin nơi ngài và làm báp têm.

14, 15. (a) Sau Thế Chiến I, tín đồ Đấng Christ được xức dầu thâu nhóm thêm “anh em” thiêng liêng của họ như thế nào, và những người này được đem đến Đức Giê-hô-va làm “của-lễ trong đồ-đựng sạch-sẽ” ra sao? (b) Đức Giê-hô-va “từ trong đám họ lựa kẻ làm thầy tế-lễ” bằng cách nào? (c) Một số tín đồ Đấng Christ được xức dầu tham dự vào việc thâu nhóm anh em thiêng liêng là ai? (Xem khung ở trang này).

14 Lời tiên tri này có ứng nghiệm vào thời nay không? Chắc chắn có. Sau Thế Chiến I, qua Kinh Thánh, các tôi tớ được xức dầu của Đức Giê-hô-va đã nhận thức rằng Nước Đức Chúa Trời đã được thành lập trên trời vào năm 1914. Qua việc cẩn thận nghiên cứu Kinh Thánh, họ hiểu rằng có những người kế tự khác của Nước Trời, hay các “anh em”, cần được thâu nhóm. Nhiều người truyền giáo dũng cảm đã đi “đến cùng trái đất”, dùng mọi phương tiện di chuyển để tìm kiếm những thành viên tương lai của lớp người xức dầu còn sót lại, mà phần lớn ra từ các giáo hội thuộc khối đạo tự xưng theo Đấng Christ. Khi tìm được, những người này là của-lễ dâng cho Đức Giê-hô-va.—Công-vụ 1:8.

15 Những người xức dầu được thâu nhóm vào những năm đầu không dám mong được Đức Giê-hô-va chấp nhận khi họ còn trong tình trạng cũ, trước khi hiểu biết lẽ thật của Kinh Thánh. Họ lần lượt tẩy sạch khỏi sự ô uế về thiêng liêng và đạo đức để có thể là “của-lễ trong đồ-đựng sạch-sẽ” hoặc như sứ đồ Phao-lô nói, “người trinh-nữ tinh-sạch cho Đấng Christ”. (2 Cô-rinh-tô 11:2) Ngoài việc từ bỏ các giáo lý sai lầm, những người xức dầu phải học giữ trung lập triệt để trong các vấn đề chính trị của thế gian. Vào năm 1931, khi các tôi tớ Ngài được tẩy sạch ở mức thích đáng, Đức Giê-hô-va nhân từ ban cho họ đặc ân mang danh Ngài là Nhân Chứng Giê-hô-va. (Ê-sai 43:10-12) Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va “từ trong đám họ lựa kẻ làm thầy tế-lễ” bằng cách nào? Với tư cách một nhóm, những người xức dầu này trở nên thành viên của “thầy tế-lễ nhà vua, là dân thánh”, dâng của-lễ ngợi khen cho Đức Chúa Trời.—1 Phi-e-rơ 2:9; Ê-sai 54:1; Hê-bơ-rơ 13:15.

Tiếp tục thâu nhóm

16, 17. Sau Thế Chiến I, ai là ‘dòng-giống của các ngươi’?

16 Con số đầy đủ “thầy tế-lễ nhà vua” là 144.000 người, và cuối cùng, sự thâu nhóm đã hoàn tất. (Khải-huyền 7:1-8; 14:1) Có phải công việc thâu nhóm chấm dứt không? Không. Lời tiên tri của Ê-sai tiếp tục: “Đức Giê-hô-va phán: Vì như trời mới đất mới mà ta hầu dựng, sẽ cứ còn trước mặt ta thể nào, thì dòng-giống và danh-hiệu các ngươi cũng sẽ cứ còn thể ấy”. (Ê-sai 66:22) Trong sự ứng nghiệm lần đầu của lời tiên tri này, người Do Thái từ xứ phu tù Ba-by-lôn trở về sẽ bắt đầu sinh con cái. Do đó, dưới sự cai trị mới hay “trời mới” của dân Do Thái, những người Do Thái hồi hương, tức “đất mới”, sẽ được thiết lập vững chắc. Tuy nhiên, sự ứng nghiệm đáng chú ý nhất của lời tiên tri nằm trong thời chúng ta.

17 “Dòng-giống” mà nước của các anh em thiêng liêng sinh ra là đám đông “vô-số người” có hy vọng sống đời đời trên đất. Họ ra từ “mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng” và họ đứng “trước ngôi và trước Chiên Con”. Những người này “đã giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con”. (Khải-huyền 7:9-14; 22:17) Ngày nay đám đông “vô-số người” đang rời bỏ sự tối tăm về thiêng liêng để đến với sự sáng mà Đức Giê-hô-va cung cấp. Họ thực hành đức tin nơi Chúa Giê-su Christ, và như các anh chị được xức dầu, họ cố gắng tiếp tục giữ trong sạch về thiêng liêng và đạo đức. Với tư cách một nhóm, họ tiếp tục phụng sự dưới sự hướng dẫn của Đấng Christ và sẽ “cứ còn” mãi mãi!—Thi-thiên 37:11, 29.

18. (a) Thành viên của đám đông hành động giống các anh em xức dầu của họ như thế nào? (b) Lớp người xức dầu và bạn đồng hành của họ thờ phượng Đức Giê-hô-va “từ ngày trăng mới nầy đến ngày trăng mới khác, từ ngày Sa-bát nọ đến ngày Sa-bát kia” như thế nào?

18 Những người đàn ông và đàn bà siêng năng có hy vọng sống trên đất này hiểu được sự cần thiết của việc giữ trong sạch về thiêng liêng và đạo đức, và họ cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va. Công việc thâu nhóm đang tiến mạnh và họ muốn đóng góp vào công việc này. Sách Khải-huyền tiên tri rằng họ “được ở trước ngôi Đức Chúa Trời, và ngày đêm hầu việc Ngài trong đền Ngài”. (Khải-huyền 7:15) Những lời này nhắc nhở chúng ta về câu kế câu cuối cùng trong lời tiên tri của Ê-sai: “Đức Giê-hô-va phán: Từ ngày trăng mới nầy đến ngày trăng mới khác, từ ngày Sa-bát nọ đến ngày Sa-bát kia, mọi xác-thịt sẽ đến thờ-lạy trước mặt ta”. (Ê-sai 66:23) Ngày nay điều này đang xảy ra. “Từ ngày trăng mới nầy đến ngày trăng mới khác, từ ngày Sa-bát nọ đến ngày Sa-bát kia”—nghĩa là đều đặn, mọi tuần trong tháng—tín đồ Đấng Christ được xức dầu và đám đông bạn đồng hành của họ, cùng nhau thờ phượng Đức Giê-hô-va. Để thờ phượng Ngài, họ làm nhiều việc, trong đó có việc tham dự các buổi họp của đạo Đấng Christ và tham gia thánh chức rao giảng. Bạn có phải là một trong những người đều đặn ‘đến thờ-lạy trước mặt Đức Giê-hô-va’ không? Dân Đức Giê-hô-va rất vui sướng làm điều này, và những người thuộc đám đông trông mong đến kỳ “mọi xác-thịt”—tức mọi người sống—sẽ phụng sự Đức Giê-hô-va “từ ngày trăng mới nầy đến ngày trăng mới khác, từ ngày Sa-bát nọ đến ngày Sa-bát kia” cho đến đời đời.

Kẻ thù của Đức Chúa Trời cáo chung

19, 20. Vào thời Kinh Thánh, Ghê-hen-na được dùng để làm gì, và nó tượng trưng cho gì?

19 Chúng ta còn một câu chót trong sách Ê-sai để xem xét. Sách kết luận bằng những lời này: “Khi dân-sự ra ngoài, sẽ thấy thây của những người đã bội-nghịch cùng ta; vì sâu chúng nó chẳng hề chết, lửa chúng nó chẳng hề tắt; chúng nó sẽ làm sự gớm-ghiếc cho mọi xác-thịt”. (Ê-sai 66:24) Chúa Giê-su Christ hẳn nghĩ đến lời tiên tri này khi khuyến khích môn đồ ngài sống giản dị và đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu. Ngài nói: “Còn nếu mắt ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy móc nó đi; thà rằng chỉ một mắt mà vào nước Đức Chúa Trời, còn hơn đủ hai mắt mà bị quăng vào địa-ngục [“Ghê-hen-na”, NW], đó là nơi sâu-bọ của chúng nó chẳng hề chết và là nơi lửa chẳng hề tắt”.—Mác 9:47, 48; Ma-thi-ơ 5:29, 30; 6:33.

20 Chỗ được gọi “Ghê-hen-na” là gì? Cách đây nhiều thế kỷ, học giả David Kimhi người Do Thái viết: “Đó là một nơi... kế cận Giê-ru-sa-lem, và là nơi ghê tởm; người ta ném vào đó những vật ô uế và xác chết. Họ cũng giữ lửa luôn cháy để thiêu hủy các vật dơ dáy và xương xác chết. Bởi thế, tên gọi Gehinnom ám chỉ hình phạt dành cho kẻ ác”. Theo học giả Do Thái này, nếu Ghê-hen-na được dùng để thiêu hủy rác rến và xác của những người bị cho là không đáng được chôn cất thì lửa là phương tiện thích đáng để khử trừ rác rưởi đó. Những gì lửa không thiêu hết thì dòi bọ sẽ khử trừ. Thật là một hình ảnh thích hợp cho sự cuối cùng của kẻ thù Đức Giê-hô-va! *

21. Sách Ê-sai kết luận đầy lạc quan đối với những ai, và tại sao?

21 Vì nói đến xác chết, lửa, và sâu bọ, chẳng phải sách tiên tri đầy hào hứng của Ê-sai kết luận bằng những lời kinh khủng hay sao? Hiển nhiên, những kẻ quyết làm kẻ thù của Đức Chúa Trời sẽ nghĩ như vậy. Nhưng những người là bạn Đức Chúa Trời rất khích lệ trước sự miêu tả của Ê-sai về hình phạt hủy diệt kẻ ác đời đời. Dân Đức Giê-hô-va cần sự bảo đảm này, kẻ thù của họ sẽ không bao giờ thắng thế nữa. Những kẻ thù đó đã gây quá nhiều khổ sở cho người thờ phượng Đức Chúa Trời và biết bao sỉ nhục cho danh Ngài. Chúng sẽ bị hủy diệt đời đời. Rồi “sẽ chẳng có tai-nạn [“cơn khốn quẫn”, TTGM] dậy lên lần thứ hai”.—Na-hum 1:9.

22, 23. (a) Hãy giải thích một số cách mà bạn có thể được lợi ích qua việc nghiên cứu sách Ê-sai. (b) Học qua sách Ê-sai, quyết tâm và hy vọng của bạn là gì?

22 Khi kết thúc cuộc nghiên cứu sách Ê-sai, chúng ta hẳn nhận được rằng sách này của Kinh Thánh không phải là lịch sử chết. Trái lại, sách chứa một thông điệp cho chúng ta ngày nay. Khi suy nghĩ về thời kỳ đen tối mà Ê-sai đã trải qua, chúng ta có thể thấy giữa thời đó và thời chúng ta có những điểm tương đồng. Nào chính trị bất ổn, tôn giáo giả hình, nào tư pháp thối nát, và cảnh áp bức người nghèo là đặc điểm thời Ê-sai cũng như thời chúng ta. Những người Do Thái trung thành vào thế kỷ thứ sáu TCN chắc hẳn đã biết ơn về lời tiên tri của Ê-sai, và ngày nay chúng ta được an ủi khi học những lời tiên tri này.

23 Trong những thời kỳ khó khăn này, khi sự tối tăm bao phủ đất và sự u ám bao bọc các dân, tất cả chúng ta đều biết ơn Đức Giê-hô-va một cách sâu xa vì qua Ê-sai, Ngài đã cung cấp ánh sáng cho toàn thể nhân loại! Ánh sáng thiêng liêng có nghĩa là sự sống đời đời cho tất cả những ai hết lòng chấp nhận ánh sáng đó, không phân biệt gốc gác về quốc gia hay sắc tộc. (Công-vụ 10:34, 35) Vậy mong sao chúng ta tiếp tục bước đi trong ánh sáng của Lời Đức Chúa Trời, đọc Lời Ngài mỗi ngày, suy ngẫm và yêu mến thông điệp chứa trong đó. Điều này sẽ đưa lại ân phước đời đời cho chúng ta và sự ngợi khen cho danh thánh Đức Giê-hô-va!

[Chú thích]

^ đ. 5 Về tình trạng sau khi Giê-ru-sa-lem rơi vào tay Ba-by-lôn, Giê-rê-mi 52:15 nhắc đến “những kẻ rất nghèo trong dân, với những kẻ sống sót đương ở trong thành”. Bình luận về điều này, sách Insight on the Scriptures, Tập 1, trang 415, nói: “Từ ngữ ‘đương ở trong thành’ dường như cho thấy đa số chết vì đói kém, dịch lệ, hoặc bị lửa thiêu, hoặc vì chiến tranh”.

^ đ. 20xác người chết, chứ không phải người sống, bị thiêu hủy ở Ghê-hen-na, nên nơi này không tượng trưng cho sự thống khổ đời đời.

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 409]

Các nước dâng cho Đức Giê-hô-va của-lễ được xức dầu

Vào năm 1920, anh Juan Muñiz rời Hoa Kỳ đi Tây Ban Nha và rồi đến Argentina, nơi đây anh tổ chức các hội thánh những người xức dầu. Từ năm 1923 trở đi, ánh sáng của lẽ thật chiếu rọi vào những người có lòng thành thật ở Tây Phi khi giáo sĩ William R. Brown (thường được gọi là Kinh Thánh Brown) đến những nơi như Sierra Leone, Ghana, Liberia, Gambia, và Nigeria để rao giảng thông điệp Nước Trời. Cùng năm đó, anh George Young người Canada đi xuống Brazil rồi đi tiếp sang Argentina, Costa Rica, Panama, Venezuela, và ngay cả tới Liên Bang Xô Viết. Cũng vào khoảng thời gian này, Edwin Skinner đáp tàu từ Anh tới Ấn Độ, nơi đây anh đã nỗ lực làm công việc gặt hái trong nhiều năm.

[Hình nơi trang 411]

Một số người Do Thái vào ngày Lễ Ngũ Tuần là ‘anh em đến từ các nước’

[Trang hình ảnh nơi trang 413]