Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tôn giáo giả—Sự kết liễu bi thảm được thấy trước

Tôn giáo giả—Sự kết liễu bi thảm được thấy trước

Chương Tám

Tôn giáo giả—Sự kết liễu bi thảm được thấy trước

Ê-sai 47:1-15

1, 2. (a) Tại sao một số người thấy khó tin là một ngày gần đây sẽ có một sự thay đổi tận gốc rễ trong môi trường tôn giáo thế giới? (b) Làm sao chúng ta biết được những lời tiên tri nơi chương 47 sách Ê-sai có sự ứng nghiệm trong tương lai? (c) Tại sao việc gọi toàn thể các tôn giáo giả bằng tên “Ba-by-lôn Lớn” là thích đáng?

“TÔN GIÁO đang phục hồi”. Đó là nhận định của một bài trong tờ The New York Times Magazine. Bài báo cho biết dường như tôn giáo vẫn còn chi phối tâm trí hàng triệu người. Do đó, khó có thể tin là sẽ có một sự thay đổi tận gốc rễ trong môi trường tôn giáo thế giới. Nhưng chương 47 sách Ê-sai cho biết một sự thay đổi như thế sẽ xảy ra.

2 Lời của Ê-sai đã ứng nghiệm cách đây 2.500 năm. Tuy nhiên, sách Khải-huyền trích dẫn câu Ê-sai 47:8 và cho thấy nó có một ứng nghiệm trong tương lai. Nơi sách Khải-huyền, Kinh Thánh tiên tri sự kết liễu của một tổ chức giống như dâm phụ được gọi là “Ba-by-lôn Lớn”—đế quốc tôn giáo giả thế giới. (Khải-huyền 16:19) Việc dùng tên “Ba-by-lôn” để gọi các tôn giáo giả của thế gian là thích đáng vì tôn giáo giả phát xuất từ Ba-by-lôn cổ xưa. Từ đó nó lan ra khắp bốn phương trên đất. (Sáng-thế Ký 11:1-9) Các học thuyết tôn giáo bắt nguồn từ Ba-by-lôn, như linh hồn bất tử, hỏa ngục và tam vị nhất thể, đều hiện hữu trong hầu hết các tôn giáo, gồm cả khối đạo tự xưng theo Đấng Christ. * Lời tiên tri của Ê-sai có làm sáng tỏ tương lai của tôn giáo không?

Ba-by-lôn bị hạ xuống bụi đất

3. Hãy tả sự vĩ đại của Cường Quốc Thế Giới Ba-by-lôn.

3 Hãy nghe lời tuyên bố đầy phấn khởi của Đức Chúa Trời: “Hỡi con gái đồng-trinh của Ba-by-lôn, hãy xuống ngồi trong bụi-đất! Hỡi con gái người Canh-đê, hãy ngồi dưới đất, ngươi chẳng có ngôi nữa! Vì từ nay về sau, ngươi sẽ không được xưng là dịu-dàng yểu-điệu nữa đâu”. (Ê-sai 47:1) Trong nhiều năm, Ba-by-lôn ngồi trên ngôi bá chủ thế giới. Nó là “sự vinh-hiển các nước”—một trung tâm phồn vinh về tôn giáo, thương mại và quân sự. (Ê-sai 13:19) Vào thời hùng cường tột đỉnh, đế quốc này bành trướng về phía nam đến tận biên giới Ai Cập. Rồi khi đánh bại Giê-ru-sa-lem vào năm 607 TCN, dường như chính Đức Chúa Trời cũng không thể cản sự chinh phục của nó! Bởi vậy, nó tự xem mình như một “con gái đồng-trinh”, tức một nước sẽ không bao giờ bị một nước khác xâm chiếm. *

4. Ba-by-lôn sẽ trải qua điều gì?

4 Tuy nhiên, “con gái đồng-trinh” ngạo mạn này sẽ bị truất khỏi ngôi cường quốc thế giới độc tôn và bị hạ xuống “ngồi trong bụi-đất”. (Ê-sai 26:5) Nó sẽ không còn được coi là “dịu-dàng yểu-điệu” như một nữ hoàng được chiều chuộng nữa. Bởi vậy Đức Giê-hô-va ra lệnh: “Hãy lấy cối xay và đi xay bột; hãy bỏ lúp, vén vạt áo đi, để trần chân, đặng lội qua sông”. (Ê-sai 47:2) Sau khi bắt cả nước Giu-đa làm nô lệ, bây giờ chính Ba-by-lôn sẽ bị đối xử như nô lệ! Ba-by-lôn sẽ bị người Mê-đi và Phe-rơ-sơ lật đổ khỏi địa vị cường quốc thế giới và bị bắt phục dịch họ cách cực nhọc.

5. (a) Ba-by-lôn sẽ bị lột ‘lúp và vạt áo’ như thế nào? (b) Việc nó được lệnh “[hãy] lội qua sông” có thể cho thấy điều gì?

5 Do đó, Ba-by-lôn sẽ bị lột ‘lúp và vạt áo’, mất hết mọi dấu vết của sự cao sang và vinh hiển trước đây. Đốc công của nó sẽ giục: “[Hãy] lội qua sông”. Có lẽ trên thực tế, một số người Ba-by-lôn đã phải làm công việc nặng nhọc ngoài trời dành cho nô lệ. Hoặc lời tiên tri hàm ý một số sẽ bị kéo qua sông theo nghĩa đen khi bị bắt đi làm phu tù. Dù trong trường hợp nào, Ba-by-lôn sẽ không còn du hành với dáng vẻ mỹ miều của một nữ hoàng được ngồi trên kiệu hoặc trên xe ngựa khi băng qua suối. Thay vì thế, nó sẽ giống như một người nô lệ lội qua sông, không còn e thẹn nữa mà phải xắn váy lên và để lộ đôi chân ra. Thật là nhục nhã làm sao!

6. (a) Sự lõa lồ của Ba-by-lôn bị lộ ra theo nghĩa nào? (b) Đức Chúa Trời sẽ “không tử tế đón tiếp bất cứ một ai” như thế nào? (Xem cước chú).

6 Đức Giê-hô-va tiếp tục chế nhạo: “Sự lõa-lồ của ngươi phải tỏ ra, sự sỉ-nhục ngươi sẽ bị thấy! Ta sẽ làm sự báo-cừu, không chừa ai [“sẽ không tử tế đón tiếp bất cứ một ai”, “NW”]. (Ê-sai 47:3) * Vâng, Ba-by-lôn sẽ bị xấu hổ và nhục nhã. Những điều gian ác và tàn bạo mà nó đã làm cho dân Đức Chúa Trời sẽ bị phơi trần một cách công khai. Không một người nào có thể ngăn được sự báo thù của Đức Chúa Trời!

7. (a) Dân phu tù Do Thái phản ứng thế nào trước tin Ba-by-lôn bị sụp đổ? (b) Đức Giê-hô-va sẽ chuộc lại dân Ngài bằng cách nào?

7 Sau khi bị cầm tù 70 năm ở nước Ba-by-lôn hùng mạnh, dân Đức Chúa Trời vô cùng mừng rỡ trước việc nó sụp đổ. Họ sẽ reo lên: “Đấng Cứu-chuộc của chúng ta, danh Ngài là Đức Giê-hô-va vạn-quân, là Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên”. (Ê-sai 47:4) Dưới Luật Pháp Môi-se, khi một người Y-sơ-ra-ên bán mình làm nô lệ để trả nợ thì một người chuộc (có liên hệ máu mủ) có thể mua lại người, hay là chuộc người khỏi cảnh nô lệ. (Lê-vi Ký 25:47-54) Vì dân Do Thái bị bán làm nô lệ cho Ba-by-lôn, họ cần được chuộc lại, hay là được thả ra. Đối với người nô lệ, cuộc chinh phục thường chỉ có nghĩa là thay đổi chủ. Nhưng Đức Giê-hô-va sẽ khiến người chinh phục là Vua Si-ru thả dân Do Thái ra khỏi cảnh nô lệ. Ê-díp-tô, Ê-thi-ô-bi và Sê-ba sẽ được ban cho Si-ru làm “giá chuộc” thế cho dân Do Thái. (Ê-sai 43:3) Vậy thật là thích hợp khi Đấng Cứu Chuộc của Y-sơ-ra-ên được gọi là “Đức Giê-hô-va vạn-quân”. Dù lực lượng quân sự của Ba-by-lôn xem ra hùng mạnh nhưng so với đạo binh thiên sứ vô hình của Đức Giê-hô-va thì quá yếu ớt.

Giá phải trả cho sự tàn bạo

8. Ba-by-lôn sẽ “trốn trong nơi tối-tăm” theo nghĩa nào?

8 Đức Giê-hô-va lại tiếp tục lên án Ba-by-lôn theo lối tiên tri: “Hỡi con gái của người Canh-đê, hãy ngồi làm thinh, trốn trong nơi tối-tăm! Vì từ nay về sau, ngươi sẽ không được gọi là chủ-mẫu của các nước nữa”. (Ê-sai 47:5) Chẳng có gì ngoài tối tăm và u ám cho Ba-by-lôn. Nó không còn là “chủ-mẫu” tàn bạo thống trị các nước khác nữa.—Ê-sai 14:4.

9. Tại sao Đức Giê-hô-va nổi giận với dân Do Thái?

9 Nhưng trước đó, tại sao Ba-by-lôn được phép làm hại dân Đức Chúa Trời? Đức Giê-hô-va giải thích: “Ta đã nổi giận nghịch cùng dân ta, làm ô-uế sản-nghiệp ta, và phó hết chúng nó trong tay ngươi”. (Ê-sai 47:6a) Đức Giê-hô-va có lý do chính đáng để nổi giận với dân Do Thái. Trước đây, Ngài đã cảnh cáo họ là việc bất tuân Luật Pháp Ngài sẽ đưa đến hậu quả bị tống ra khỏi xứ. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:64) Khi họ rơi vào sự thờ hình tượng và tình dục vô luân, Đức Giê-hô-va cũng yêu thương sai các tiên tri đến giúp họ trở lại sự thờ phượng thanh sạch. Nhưng “chúng nhạo-báng sứ-giả của Đức Chúa Trời, khinh-bỉ các lời phán Ngài, cười-nhạo những tiên-tri của Ngài, cho đến nỗi cơn thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va nổi lên cùng dân-sự Ngài, chẳng còn phương chữa được”. (2 Sử-ký 36:16) Do đó, Đức Chúa Trời để cho sản nghiệp của Ngài, tức dân Giu-đa, bị ô uế khi Ba-by-lôn xâm chiếm xứ và xúc phạm đền thánh Ngài.—Thi-thiên 79:1; Ê-xê-chi-ên 24:21.

10, 11. Tại sao Đức Giê-hô-va nổi giận với Ba-by-lôn mặc dù Ngài muốn nó chinh phục dân Ngài?

10 Bởi thế, khi bắt dân Do Thái làm nô lệ, có phải Ba-by-lôn chỉ thi hành ý muốn của Đức Chúa Trời không? Không, vì Đức Chúa Trời nói: “Ngươi chẳng từng dùng sự thương-xót đối với chúng nó; đã tra ách nặng trên người già-cả. Ngươi nói rằng: Ta sẽ làm chủ-mẫu luôn. Ngươi chẳng để những sự ấy vào lòng, và chẳng nghĩ đến cuối-cùng sự đó”. (Ê-sai 47:6b, 7) Đức Chúa Trời không hề ra lệnh cho Ba-by-lôn đối xử tàn nhẫn quá đáng, chẳng thương xót “người già-cả”. (Ca-thương 4:16; 5:12) Ngài cũng không hề xui giục họ lấy sự chế giễu dân phu tù Do Thái làm trò vui tàn bạo.—Thi-thiên 137:3.

11 Ba-by-lôn không ý thức rằng việc nó có quyền trên dân Do Thái chỉ tạm thời mà thôi. Nó không thèm chú ý đến lời cảnh cáo của Ê-sai là với thời gian, Đức Giê-hô-va sẽ giải phóng dân Ngài. Nó hành động như thể mình được quyền thống trị vĩnh viễn trên dân Do Thái và sẽ mãi mãi là chủ mẫu các nước chư hầu. Nó đã không lưu ý đến thông điệp là sự cai trị hà khắc của nó sẽ có sự “cuối-cùng”!

Báo trước Ba-by-lôn bị sụp đổ

12. Tại sao Ba-by-lôn được gọi là “kẻ ham lạc thú”?

12 Đức Chúa Trời tuyên bố: “Hỡi người sung-sướng [“kẻ ham lạc thú”, “Tòa Tổng Giám Mục”] ở yên-ổn, bụng bảo dạ rằng: Ta đây, ngoài ta chẳng còn ai! Ta sẽ chẳng góa-bụa, chẳng biết mất con-cái là gì”. (Ê-sai 47:8) Ba-by-lôn nổi tiếng là ham lạc thú. Sử gia vào thế kỷ thứ năm TCN là Herodotus nói đến một “phong tục đáng xấu hổ nhất” của người Ba-by-lôn là tất cả đàn bà phải làm mãi dâm để tôn kính nữ thần ái tình. Cũng vậy, sử gia thời xưa là Curtius nói: “Lối sống của thành này ô uế cực độ; không một sự đồi trụy nào khác có thể sánh bằng Ba-by-lôn trong việc tạo ra mọi kích thích và khêu gợi trong lãnh vực trác táng”.

13. Khuynh hướng ham lạc thú của Ba-by-lôn sẽ khiến nó sụp đổ mau lẹ như thế nào?

13 Khuynh hướng ham lạc thú của Ba-by-lôn sẽ đưa nó đến chỗ sụp đổ mau chóng. Vào đêm trước ngày nó sụp đổ, vua và các đại thần tiệc tùng phủ phê, say sưa tới mức trở thành mụ mẫm. Bởi vậy họ không để ý đến đạo quân Mê-đi Phe-rơ-sơ đang xâm nhập thành. (Đa-ni-ên 5:1-4) “Ở yên-ổn”, Ba-by-lôn cứ tưởng rằng các bức tường và hào sâu dường như không thể vượt qua được sẽ bảo vệ thành. Nó tự nhủ là “ngoài ta chẳng còn ai”, tức chẳng có ai có thể chiếm được địa vị tối cao của mình. Nó không hề nghĩ là mình có thể bị “góa-bụa”, tức bị mất hoàng đế cũng như “con-cái”, hay là thần dân. Tuy nhiên, không bức tường nào có thể bảo vệ nó khỏi cánh tay báo thù của Giê-hô-va Đức Chúa Trời! Đức Giê-hô-va nói sau này: “Dầu Ba-by-lôn dấy lên tận trời, dầu nó làm thành rất cao cho kiên-cố, ta cũng sẽ sai những kẻ hủy-hại đến nghịch cùng nó”.—Giê-rê-mi 51:53.

14. Ba-by-lôn bị “mất con-cái và sự góa-bụa” như thế nào?

14 Ba-by-lôn sẽ lãnh hậu quả nào? Đức Giê-hô-va nói tiếp: “Cùng trong một giây phút trong một ngày, hai nạn ấy, là sự mất con-cái và sự góa-bụa, sẽ xảy đến cho ngươi. Hai nạn ấy sẽ đến đầy-đủ trên ngươi, khi ngươi làm tà-thuật rất nhiều, và có lắm quyền của phù-chú!” (Ê-sai 47:9) Đúng vậy, quyền bá chủ của Ba-by-lôn với tư cách là cường quốc thế giới sẽ đi đến chỗ chấm dứt bất thình lình. Trong các nước Đông Phương thời xưa, việc trở thành góa bụa và mất hết con cái là những điều bất hạnh nhất đối với một người đàn bà. Chúng ta không biết Ba-by-lôn mất bao nhiêu “con-cái” trong đêm nó bị sụp đổ. * Nhưng đến kỳ định, thành đó sẽ hoàn toàn bị hoang vu. (Giê-rê-mi 51:29) Nó cũng sẽ góa bụa vì vua của nó bị truất ngôi.

15. Ngoài việc Ba-by-lôn đối xử tàn bạo với dân Do Thái, còn lý do nào khác nữa khiến Đức Giê-hô-va nổi giận với nó?

15 Tuy nhiên, việc Ba-by-lôn ngược đãi dân Do Thái không phải là lý do duy nhất khiến Đức Giê-hô-va nổi giận. Việc nó “làm tà-thuật rất nhiều” cũng trêu cơn giận của Ngài nữa. Luật Pháp Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên cấm thực hành ma thuật, thế mà Ba-by-lôn lại say mê tà thuật này. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-12; Ê-xê-chi-ên 21:21) Sách Social Life Among the Assyrians and Babylonians nói rằng người Ba-by-lôn “luôn sống trong sự phập phồng lo sợ vì họ tin là có vô số quỉ ở quanh họ”.

Cậy sự gian ác

16, 17. (a) Ba-by-lôn “cậy sự gian-ác của mình” như thế nào? (b) Tại sao việc Ba-by-lôn bị kết liễu không thể tránh được?

16 Các thầy bói của Ba-by-lôn có thể cứu nó không? Đức Giê-hô-va trả lời: “Ngươi cậy sự gian-ác của mình và nói rằng: Chẳng ai thấy ta. Sự khôn-ngoan thông-biết của ngươi đã phỉnh-dỗ ngươi, và ngươi tự nói trong lòng rằng: Ta đây, ngoài ta chẳng còn ai!” (Ê-sai 47:10) Ba-by-lôn nghĩ rằng nhờ sự khôn ngoan về tôn giáo và thế tục, sự hùng mạnh về quân sự và sự tàn nhẫn xảo quyệt của mình, nó có thể duy trì được địa vị cường quốc thế giới. Nó cảm thấy không ai có thể “thấy” nó, nghĩa là bắt nó khai trình về các hành động gian ác của mình. Trước mắt nó, không thấy có một đối thủ nào. Nó tự nói trong lòng: “Ta đây, ngoài ta chẳng còn ai”.

17 Tuy nhiên, qua một nhà tiên tri khác, Đức Giê-hô-va cảnh cáo: “Có người nào có thể giấu mình trong các nơi kín cho ta đừng thấy chăng?” (Giê-rê-mi 23:24; Hê-bơ-rơ 4:13) Do đó, Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Vậy nên tai-vạ sẽ lâm trên ngươi, mà chẳng biết từ đâu; hoạn-nạn sẽ đến cho ngươi, mà chẳng trừ được; sự hủy-diệt xảy ra thình-lình, ngươi không thể liệu trước”. (Ê-sai 47:11) Các thần của Ba-by-lôn cũng như bùa chú của những kẻ thực hành ma thuật không thể ngăn ngừa được tai họa sẽ đến—một tai họa mà nó chưa từng trải qua!

Mưu sĩ của Ba-by-lôn thất bại

18, 19. Việc Ba-by-lôn tin cậy nơi các mưu sĩ là họa cho nó như thế nào?

18 Bằng lời lẽ châm biếm nhức nhối, Đức Giê-hô-va ra lệnh: “Vậy ngươi hãy đứng lên [“đứng yên”, “NW”], dùng những tà-thuật với vô-số phù-chú mà ngươi đã tập từ khi thơ-ấu! Có lẽ ngươi sẽ được lợi-ích; và có lẽ nhân đó ngươi sẽ nên đáng sợ chăng?” (Ê-sai 47:12) Ba-by-lôn bị thách “hãy đứng yên”, hay là nhất định không chịu cải sửa, trong sự tin cậy vào bùa chú. Nói cho cùng, với tư cách một dân tộc, nó đã bỏ nhiều công sức để phát triển các thuật huyền bí từ “thơ-ấu”.

19 Nhưng Đức Giê-hô-va nhạo báng nó: “Ngươi đã nhọc sức vì cớ nhiều mưu-chước. Vậy những kẻ hỏi trời, xem sao, xem trăng mới mà đoán việc ngày sau, bây giờ hãy đứng lên và cứu ngươi cho khỏi những sự xảy đến trên ngươi”. (Ê-sai 47:13) * Ba-by-lôn sẽ phải chứng kiến các mưu sĩ nó bị thất bại hoàn toàn. Thật vậy, khoa chiêm tinh của Ba-by-lôn được phát triển sau nhiều thế kỷ quan sát về thiên văn. Nhưng vào đêm bị sụp đổ, sự thất bại thảm thương của các chiêm tinh gia bị phơi bày ra, cho thấy sự vô dụng của bói toán.—Đa-ni-ên 5:7, 8.

20. Số phận của các mưu sĩ của Ba-by-lôn sẽ là gì?

20 Đức Giê-hô-va kết luận phần tiên tri này bằng lời phán: “Kìa, họ sẽ trở nên như rơm-rạ, bị lửa thiêu-đốt; họ sẽ chẳng cứu mình được khỏi quyền ngọn lửa; lửa ấy chẳng phải lửa than để sưởi, hay là lửa để ngồi kề một bên. Kìa, những sự mà ngươi đã làm khó-nhọc thì đã trở nên như vậy: những kẻ buôn-bán với ngươi từ thuở nhỏ, ai về chỗ nấy, chẳng ai đến cứu ngươi hết!” (Ê-sai 47:14, 15) Đúng vậy, những thời kỳ như dầu sôi lửa bỏng sắp đến trên những mưu sĩ giả đó. Sẽ không phải là ngọn lửa mà người ta ngồi quanh để sưởi ấm, nhưng là ngọn lửa hủy diệt, thiêu đốt, sẽ vạch trần mưu sĩ giả là rơm rạ vô dụng. Vậy chẳng lấy làm lạ khi các mưu sĩ Ba-by-lôn hốt hoảng chạy trốn! Khi kẻ ủng hộ cuối cùng của Ba-by-lôn đã cao bay xa chạy, không còn ai cứu nó nữa. Nó sẽ nhận được chính số phận mà nó đã áp đặt trên Giê-ru-sa-lem.—Giê-rê-mi 11:12.

21. Lời tiên tri của Ê-sai được ứng nghiệm thế nào và khi nào?

21 Vào năm 539 TCN, những lời được soi dẫn này bắt đầu ứng nghiệm. Quân của Mê-đi và Phe-rơ-sơ dưới sự lãnh đạo của Si-ru tiến chiếm thành, giết chết vua đương nhiệm là Bên-xát-sa. (Đa-ni-ên 5:1-4, 30) Chỉ trong một đêm, Ba-by-lôn bị lật khỏi địa vị bá chủ thế giới. Do đó, sự bá chủ kéo dài nhiều thế kỷ của người Xêmít đi đến chỗ chấm dứt và bây giờ thế giới nằm dưới sự cai trị của người Aryan. Còn Ba-by-lôn thì đi vào giai đoạn suy tàn kéo dài nhiều thế kỷ. Đến thế kỷ thứ tư CN, nó chỉ còn là “đống hư-nát”. (Giê-rê-mi 51:37) Như vậy, lời tiên tri của Ê-sai đã được ứng nghiệm trọn vẹn.

Một Ba-by-lôn thời nay

22. Sự sụp đổ của Ba-by-lôn dạy chúng ta bài học nào về sự tự cao?

22 Lời tiên tri của Ê-sai khiến chúng ta phải suy nghĩ. Trước nhất nó nhấn mạnh đến mối nguy hiểm của tính tự cao và kiêu ngạo. Sự sụp đổ của Ba-by-lôn kiêu ngạo chứng minh lời châm ngôn của Kinh Thánh: “Sự kiêu-ngạo đi trước, sự bại-hoại theo sau, và tánh tự-cao đi trước sự sa-ngã”. (Châm-ngôn 16:18) Sự tự cao đôi khi chi phối bản chất bất toàn của chúng ta, nhưng sự “tự-kiêu” có thể khiến một người bị “sỉ-nhục và mắc bẫy ma-quỉ”. (1 Ti-mô-thê 3:6, 7) Vậy thật thích đáng để lưu ý đến lời khuyên của Gia-cơ: “Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên”.—Gia-cơ 4:10.

23. Lời tiên tri của Ê-sai giúp chúng ta có niềm tin tưởng nào?

23 Những lời tiên tri này cũng giúp chúng ta tin tưởng nơi Đức Giê-hô-va, Đấng có quyền năng mạnh mẽ hơn mọi kẻ chống Ngài. (Thi-thiên 24:8; 34:7; 50:15; 91:14, 15) Đây là một sự nhắc nhở khích lệ trong những ngày khó khăn này. Sự tin tưởng nơi Đức Giê-hô-va giúp chúng ta quyết tâm giữ hạnh kiểm không chê trách được trước mắt Ngài, vì biết rằng “tương lai của người [không chỗ chê trách được] sẽ là hòa bình”. (Thi-thiên 37:37, 38, NW) Để đối phó với các “mưu-kế” của Sa-tan, việc trông cậy nơi Đức Giê-hô-va chứ không nơi sức riêng luôn luôn là điều khôn ngoan.—Ê-phê-sô 6:10-13.

24, 25. (a) Tại sao thuật chiêm tinh phi lý, nhưng tại sao nhiều người tin? (b) Đâu là một số lý do khiến tín đồ Đấng Christ tránh xa mê tín?

24 Chúng ta được đặc biệt cảnh cáo về các thực hành ma thuật, nhất là thuật chiêm tinh. (Ga-la-ti 5:20, 21) Dù Ba-by-lôn đã sụp đổ, thuật chiêm tinh vẫn còn ảnh hưởng đến người ta. Một điều đáng chú ý là sách Great Cities of the Ancient World ghi nhận những chòm sao do người Ba-by-lôn vẽ ra đã “xê dịch” khỏi vị trí thời xưa “khiến cho toàn bộ khái niệm [về chiêm tinh] trở nên vô nghĩa”. Dù vậy, thuật chiêm tinh tiếp tục phát triển, và nhiều tờ báo đăng những cột đoán số tử vi sẵn cho độc giả.

25 Điều gì khiến người ta—gồm cả những người có học thức cao—xem sao hoặc tham gia vào những thực hành mê tín và phi lý? Sách The World Book Encyclopedia (Bách khoa tự điển thế giới) nói: “Chừng nào người ta còn sợ hãi lẫn nhau và không biết chắc tương lai sẽ ra sao, thì có lẽ đời sống sẽ còn sự mê tín dị đoan”. Sự sợ hãi và tương lai bấp bênh có thể dồn người ta vào sự mê tín. Tuy nhiên, tín đồ Đấng Christ tránh xa sự mê tín. Họ không sợ hãi loài người—Đức Giê-hô-va là nơi họ nương tựa. (Thi-thiên 6:4-10) Họ không nghi ngờ gì về tương lai; họ biết ý định rõ ràng của Đức Giê-hô-va và tin chắc rằng “mưu của Đức Giê-hô-va được vững lập đời đời”. (Thi-thiên 33:11) Nếu sống hòa hợp với lời khuyên của Đức Giê-hô-va, chúng ta bảo đảm có một tương lai hạnh phúc lâu dài.

26. “Ý-tưởng của người khôn-ngoan” đã chứng tỏ là “vô-ích” như thế nào?

26 Trong những năm gần đây, một số người cố gắng dùng các phương pháp có tính cách “khoa học” hơn để tiên đoán tương lai. Thậm chí có một môn học gọi là tương lai học, được định nghĩa là “ngành nghiên cứu về những gì có thể xảy ra trong tương lai dựa vào xu hướng hiện thời”. Chẳng hạn, hồi năm 1972, một nhóm học giả và thương gia có tên là Câu Lạc Bộ La Mã tiên đoán rằng đến năm 1992, các tài nguyên như vàng, thủy ngân, kẽm và dầu hỏa của cả thế giới sẽ cạn. Thế giới đã có những vấn đề khủng khiếp từ năm 1972, nhưng lời tiên đoán đó hoàn toàn sai. Trái đất vẫn còn các tài nguyên như vàng, thủy ngân, kẽm và dầu hỏa. Con người quả đã dốc sức cố tiên đoán tương lai, nhưng tiên đoán của họ không luôn luôn đáng tin. Thật vậy, “ý-tưởng của người khôn-ngoan... đều là vô-ích”.—1 Cô-rinh-tô 3:20.

Sự kết liễu sắp tới của Ba-by-lôn Lớn

27. Khi nào và bằng cách nào Ba-by-lôn Lớn đã sụp đổ giống như Ba-by-lôn vào năm 539 TCN?

27 Nhiều học thuyết của Ba-by-lôn cổ xưa vẫn còn sống trong các tôn giáo thời nay. Do đó, đế quốc tôn giáo giả thế giới xứng danh là Ba-by-lôn Lớn. (Khải-huyền 17:5) Khối tôn giáo quốc tế đó đã bị sụp đổ tương tự như Ba-by-lôn cổ xưa sụp đổ vào năm 539 TCN. (Khải-huyền 14:8; 18:2) Vào năm 1919, các anh em của Đấng Christ còn sót lại đã thoát ra khỏi sự cầm tù về thiêng liêng và đã giũ sạch ảnh hưởng của khối đạo tự xưng theo Đấng Christ, thành phần chính của Ba-by-lôn Lớn. Kể từ đó, khối đạo tự xưng theo Đấng Christ đã bị mất ảnh hưởng đáng kể ở nhiều quốc gia, nơi y thị có quyền lực mạnh mẽ trước đây.

28. Ba-by-lôn Lớn tự hào như thế nào, nhưng điều gì chờ đón nó?

28 Tuy nhiên, sự sụp đổ đó chỉ là điềm báo trước sự hủy diệt tối hậu của tôn giáo giả. Điều đáng để ý là lời tiên tri của sách Khải-huyền về sự sụp đổ của Ba-by-lôn Lớn nhắc chúng ta nhớ đến lời tiên tri nơi Ê-sai 47:8, 9. Giống Ba-by-lôn cổ xưa, Ba-by-lôn Lớn thời nay nói: “Ta là một nữ-vương ngự trên ngôi mình, không phải là đàn-bà góa, và ta sẽ không thấy sự than-khóc bao giờ”. Nhưng “trong một ngày, những tai-nạn này sẽ giáng trên nó, nào sự chết, nào sự than-khóc, nào đói-kém, và nó sẽ bị lửa thiêu mình đi nữa; vì Đức Chúa Trời phán-xét nó là Chúa có quyền-lực”. Bởi vậy những lời tiên tri nơi chương 47 sách Ê-sai là lời cảnh cáo những ai vẫn còn là hội viên của tôn giáo giả. Để tránh bị hủy diệt cùng với nó, họ hãy làm theo lời khuyên được soi dẫn: “Hãy ra khỏi Ba-by-lôn”.—Khải-huyền 18:4, 7, 8.

[Chú thích]

^ đ. 2 Muốn biết thêm chi tiết về sự phát triển của các học thuyết tôn giáo giả, xin xem sách Mankind’s Search for God, do Hội Tháp Canh xuất bản.

^ đ. 3 Trong tiếng Hê-bơ-rơ, “con gái đồng-trinh của Ba-by-lôn” là một thành ngữ ám chỉ Ba-by-lôn hay dân cư Ba-by-lôn. Nó còn “đồng-trinh” vì chưa bị nước nào chinh phục từ khi nó trở thành một cường quốc.

^ đ. 6 Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “Ta sẽ không tử tế đón tiếp bất cứ một ai” được các học giả cho là “một câu vô cùng khó” dịch. Bản dịch Thế Giới Mới xen vào chữ “tử tế” nhằm truyền đạt ý tưởng là không một người ngoài cuộc nào được phép đến cứu Ba-by-lôn. Một bản dịch của Hội Ấn Phẩm Do Thái dịch câu này là: “Ta sẽ... không cho người nào can thiệp”.

^ đ. 14 Trong sách Nabonidus and Belshazzar, Raymond Philip Dougherty ghi nhận là trong khi Bia Sử của Na-bô-nê-đô cho rằng quân xâm lăng tiến vào Ba-by-lôn “không cần đánh”, sử gia Xenophon người Hy Lạp cho biết có thể đã có một cuộc chém giết đẫm máu.

^ đ. 19 Một số người dịch nhóm từ Hê-bơ-rơ “những kẻ hỏi trời” là “những kẻ chia trời ra”. Điều này nói về thực hành chia cắt trời ra từng cung để đoán tử vi.

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 111]

Ba-by-lôn ham lạc thú sẽ bị hạ xuống bụi đất

[Hình nơi trang 114]

Các nhà chiêm tinh của Ba-by-lôn sẽ không thể tiên đoán về sự sụp đổ của nó

[Hình nơi trang 116]

Lịch chiêm tinh của người Ba-by-lôn, thiên niên kỷ thứ nhất TCN

[Các hình nơi trang 119]

Ba-by-lôn thời nay chẳng bao lâu sẽ không còn nữa