Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Máu nào thực sự cứu mạng sống

Máu nào thực sự cứu mạng sống

Máu nào thực sự cứu mạng sống

Có những điểm rõ ràng qua các thông tin đã được nói đến. Dầu truyền máu được nhiều người xem là cách cứu sống, nhưng nó chứa đầy nguy hiểm. Mỗi năm hàng ngàn người chết vì truyền máu; nhiều người khác nữa bị bệnh nặng và phải chịu những hậu quả lâu dài. Vì vậy, ngay cả theo quan điểm thể chất, vẫn có sự khôn ngoan ngay bây giờ khi vâng theo lệnh Kinh Thánh là ‘kiêng huyết’.—Công-vụ 15:28, 29.

Bệnh nhân tránh được nhiều nguy hiểm nếu họ yêu cầu chữa trị không dùng máu. Các bác sĩ giỏi chấp nhận thách thức áp dụng điều này cho Nhân Chứng Giê-hô-va đã phát triển được một tiêu chuẩn hành nghề an toàn và hữu hiệu, như nhiều bản báo cáo y khoa đã chứng minh. Các bác sĩ chữa trị bằng phương pháp tốt không dùng máu không bỏ qua các nguyên tắc y khoa được coi trọng. Đúng hơn, họ tỏ ra tôn trọng quyền của một bệnh nhân được biết những lợi ích và rủi ro hầu người đó có thể làm một chọn lựa có ý thức về điều gì sẽ được thực hiện liên quan đến thân thể và sự sống của mình.

Chúng ta không ngây thơ trong vấn đề này, vì nhận thức rằng không phải tất cả đều đồng ý với cách này. Người ta khác nhau về lương tâm, đạo đức, và quan điểm y khoa. Vì thế, những người khác, kể cả một số bác sĩ, có thể thấy khó chấp nhận quyết định kiêng huyết của một bệnh nhân. Một bác sĩ phẫu thuật ở New York viết: “Tôi không bao giờ quên 15 năm về trước, khi còn là một bác sĩ trẻ tập sự, tôi đứng bên giường của một Nhân Chứng Giê-hô-va bị chảy máu đến chết vì loét tá tràng. Nguyện vọng của bệnh nhân đã được tôn trọng và không truyền máu, nhưng tôi vẫn còn nhớ với tư cách một bác sĩ tôi đã cảm thấy vô cùng bất lực”.

Ông chắc chắn nghĩ rằng nếu dùng máu thì đã cứu được mạng sống. Thế nhưng, năm sau khi ông viết điều đó, tờ The British Journal of Surgery (tháng 10-1986) báo cáo là trước khi người ta dùng máu, xuất huyết dạ dày và ruột “chỉ có tỷ lệ tử vong là 2,5 phần trăm”. Từ khi có thông lệ dùng máu, ‘phần lớn các cuộc nghiên cứu báo cáo một tỷ lệ tử vong 10 phần trăm’. Tại sao tỷ lệ tử vong lại cao gấp bốn lần? Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết: “Truyền máu sớm hình như đảo ngược phản ứng tăng tính đông khi chảy máu, điều này làm chảy máu lại”. Khi người Nhân Chứng với tá tràng chảy máu từ chối máu, sự chọn lựa của ông có thể còn làm tăng tối đa triển vọng sống sót.

Bác sĩ phẫu thuật này nói thêm: “Thời gian và kinh nghiệm chữa trị nhiều bệnh nhân có khuynh hướng thay đổi quan điểm của người ta, và ngày nay tôi thấy có sự tin tưởng giữa bệnh nhân và bác sĩ, và bổn phận tôn trọng nguyện vọng của một bệnh nhân thì quan trọng hơn gấp bội kỹ thuật y khoa mới xung quanh chúng ta... Điều đáng chú ý là cảm giác bất lực nay đã nhường chỗ cho cảm giác kính nể và sùng kính đối với đức tin không lay chuyển của bệnh nhân đặc biệt đó”. Bác sĩ này kết luận: ‘Điều này nhắc tôi là phải luôn luôn tôn trọng nguyện vọng cá nhân và tín ngưỡng của bệnh nhân bất chấp cảm nghĩ của tôi hoặc hậu quả’.

Bạn có lẽ đã nhận ra điều mà nhiều bác sĩ dần dần hiểu rõ với “thời gian và kinh nghiệm chữa trị nhiều bệnh nhân”. Ngay cả với sự chữa trị tốt nhất trong bệnh viện tân tiến nhất, vào một lúc nào đó người ta cũng chết. Dùng máu hay không rồi họ cũng chết. Tất cả chúng ta rồi sẽ già, và đời sống tiến dần đến sự chết. Đây không phải là quan điểm tin nơi định mệnh. Đó là thực tế. Chết là sự thật của cuộc đời.

Bằng chứng cho thấy rằng những người coi thường luật về máu của Đức Chúa Trời thường bị nguy hiểm lập tức hay về sau; một số người ngay cả chết vì dùng máu. Những người sống sót không sống vĩnh viễn. Vì vậy truyền máu không cứu sống mãi.

Đa số những người, vì lý do tôn giáo và/hay y khoa, từ chối máu nhưng chấp nhận phương pháp chữa trị thay thế, rất khỏe mạnh. Họ có thể nhờ thế kéo dài đời sống thêm nhiều năm. Nhưng không vĩnh viễn.

Sự kiện mọi người đều bất toàn và đang chết từ từ đưa chúng ta đến lẽ thật chính yếu của những gì Kinh Thánh nói về máu. Nếu chúng ta hiểu và quý lẽ thật này, chúng ta sẽ thấy cách nào máu có thể vĩnh viễn cứu sống—sự sống của chúng ta.

MÁU DUY NHẤT CỨU SỐNG

Như đã được lưu ý, Đức Chúa Trời truyền cho toàn thể nhân loại là họ không được ăn huyết. Tại sao? Vì máu tượng trưng cho sự sống. (Sáng-thế Ký 9:3-6) Ngài giải thích thêm về điều này trong bộ Luật ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Khi bộ Luật được thông qua, máu của thú vật hiến tế được dùng trên bàn thờ. (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:3-8) Luật đó nêu lên sự thật là mọi người đều bất toàn; họ đều có tội, như Kinh Thánh nói. Đức Chúa Trời nói với dân Y-sơ-ra-ên rằng qua việc dâng cho Ngài thú vật làm của-lễ, họ có thể thấy được việc họ cần được chuộc tội. (Lê-vi Ký 4:4-7, 13-18, 22-30) Đành rằng đó là điều Đức Chúa Trời đòi hỏi họ hồi xưa, không phải điều Ngài đòi hỏi người thờ phượng thật ngày nay, thế nhưng nó cực kỳ quan trọng đối với chúng ta bây giờ.

Chính Đức Chúa Trời giải thích nguyên tắc nằm sau các vật hiến tế đó: “Sanh-mạng của xác-thịt ở trong huyết; ta đã cho các ngươi huyết rưới trên bàn-thờ đặng làm lễ chuộc tội cho linh-hồn mình; vì nhờ sanh-mạng mà huyết mới chuộc tội được. Bởi cớ đó ta đã phán cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Trong vòng các ngươi không ai nên ăn huyết”.—Lê-vi Ký 17:11, 12.

Trong kỳ lễ xưa gọi là Ngày Lễ Chuộc Tội, thầy tế lễ thượng phẩm của Y-sơ-ra-ên đem huyết của thú vật hiến tế vào nơi chí thánh của đền thờ, trung tâm thờ phượng Đức Chúa Trời. Làm thế là một cách tượng trưng để cầu xin Đức Chúa Trời tha tội cho dân. (Lê-vi Ký 16:3-6, 11-16) Những của-lễ đó thật ra không xóa hết mọi tội lỗi, cho nên phải lặp lại mỗi năm. Dầu vậy, sự dùng máu này đề ra một kiểu mẫu có ý nghĩa.

Một điều dạy dỗ rất quan trọng trong Kinh Thánh là cuối cùng Đức Chúa Trời sẽ cung cấp một của-lễ hy sinh hoàn toàn có thể chuộc hết tội của mọi người tin kính. Của-lễ này gọi là giá chuộc, và tập trung nơi sự hy sinh của Đấng Mê-si đã nói trước, tức Đấng Christ.

Kinh Thánh so sánh vai trò của Đấng Mê-si với những gì thực hành vào Ngày Lễ Chuộc Tội: “Đấng Christ đã hiện đến, làm thầy tế-lễ thượng-phẩm của những sự tốt-lành sau nầy; Ngài đã vượt qua [đền thờ] lớn hơn và trọn-vẹn hơn, không phải tay người dựng ra... Ngài đã vào nơi rất thánh [trời] một lần thì đủ hết, không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời. Theo luật-pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được sạch: không đổ huyết thì không có sự tha-thứ”.—Hê-bơ-rơ 9:11, 12, 22.

Vì thế điều trở nên rõ ràng là lý do tại sao chúng ta cần có quan điểm của Đức Chúa Trời về máu. Phù hợp với quyền Ngài là Đấng Tạo Hóa, Ngài đã định rõ tính hữu ích duy nhất của máu. Dân Do Thái xưa có thể đã được lợi ích về sức khỏe nhờ không dùng máu thú vật hoặc máu người, nhưng đó không phải là điểm quan trọng nhất. (Ê-sai 48:17) Họ phải tránh duy trì sự sống bằng máu, chủ yếu không phải vì dùng nó có hại cho sức khỏe, mà vì việc đó ô uế đối với Đức Chúa Trời. Họ phải kiêng máu, không phải vì nó dơ bẩn, mà vì nó quý báu để được tha tội.

Sứ đồ Phao-lô giải thích về giá chuộc: “Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu-chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư-dật của ân-điển Ngài”. (Ê-phê-sô 1:7, chúng tôi viết nghiêng). Chữ Hy Lạp nguyên bản ở đây được dịch đúng là “huyết”, nhưng có một số bản dịch Kinh Thánh dịch sai khi thay bằng chữ “chết”. Vì vậy, độc giả có thể không thấy điểm nhấn mạnh là quan điểm của Đức Chúa Trời về máu và giá trị hy sinh mà Ngài gắn với máu.

Chủ đề của Kinh Thánh tập trung vào sự kiện Đấng Christ hy sinh mạng sống hoàn toàn để làm giá chuộc nhưng không chết luôn. Theo kiểu mẫu Đức Chúa Trời đặt ra trong Ngày Lễ Chuộc Tội, Chúa Giê-su đã được sống lại để lên trời đặng “vì chúng ta hiện ra trước mặt Đức Chúa Trời”. Nơi đó ngài đã dâng giá trị huyết hy sinh của mình. (Hê-bơ-rơ 9:24) Kinh Thánh nhấn mạnh là chúng ta phải tránh bất cứ đường lối nào được xem như ‘giày đạp con Đức Chúa Trời và coi thường huyết ngài’. Chỉ như vậy chúng ta mới giữ được mối quan hệ tốt và hòa thuận với Đức Chúa Trời.—Hê-bơ-rơ 10:29, New World Translation; Cô-lô-se 1:20.

VUI HƯỞNG SỰ SỐNG CHUỘC BẰNG MÁU

Khi hiểu Đức Chúa Trời nói gì về máu, chúng ta có niềm tôn kính sâu xa đối với giá trị cứu sống của nó. Kinh Thánh tả Đấng Christ là “Đấng yêu-thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội-lỗi chúng ta”. (Khải-huyền 1:6; Giăng 3:16) Vâng, nhờ huyết của Chúa Giê-su, chúng ta có thể được tha tội hoàn toàn và vĩnh viễn. Sứ đồ Phao-lô viết: “Nay chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công-bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh-nộ là dường nào!” Đó là cách máu có thể cứu sống vĩnh viễn.—Rô-ma 5:9; Hê-bơ-rơ 9:14.

Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã bảo đảm từ lâu là nhờ Đấng Christ mà ‘mọi dân trên đất đều sẽ được phước’. (Sáng-thế Ký 22:18) Ân phước đó bao gồm việc tái lập trái đất thành địa đàng. Và nhân loại tin kính sẽ không còn bị bệnh tật, già đi, hay ngay cả chết nữa; họ sẽ hưởng ân phước trội hơn gấp bội sự giúp đỡ nhất thời mà nhân viên y tế có thể cung cấp ngày nay. Chúng ta có lời hứa tuyệt diệu này: “Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi”.—Khải-huyền 21:4.

Vậy, điều thật khôn ngoan cho chúng ta là nghiêm chỉnh tuân thủ tất cả đòi hỏi của Đức Chúa Trời! Điều này bao hàm việc vâng theo mệnh lệnh của Ngài về máu, không lạm dụng nó ngay cả trong trường hợp y khoa. Vì thế chúng ta sẽ không chỉ sống cho lúc này. Trái lại, chúng ta cho thấy mình coi trọng sự sống, kể cả hy vọng tương lai của chúng ta là sống vĩnh viễn trong sự hoàn toàn.

[Khung nơi trang 25]

Dân tộc của Đức Chúa Trời từ chối không duy trì sự sống của họ bằng máu, không phải vì làm vậy hại sức khỏe, mà vì đó là việc ô uế, không phải vì máu dơ bẩn, mà vì nó quý báu.

[Khung nơi trang 24]

“Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu-chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội”.—Ê-phê-sô 1:7

[Khung nơi trang 26]

Sự cứu sống bằng máu của Chúa Giê-su mở đường cho đời sống vĩnh viễn, khỏe mạnh trong địa đàng trên đất