Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Truyền máu có an toàn không?

Truyền máu có an toàn không?

Truyền máu có an toàn không?

Trước khi chấp nhận một phương pháp chữa trị y khoa quan trọng nào, người thận trọng sẽ tìm hiểu để biết những lợi điểm và nguy cơ có thể xảy ra. Truyền máu thì sao? Ngày nay nó là công cụ chính yếu của y khoa. Nhiều bác sĩ tận tâm với bệnh nhân không chút ngần ngại cho truyền máu. Nó được gọi là món quà sự sống.

Hàng triệu người đã cho hoặc nhận máu. Với số dân 25 triệu người, Canada có 1,3 triệu người hiến máu trong năm 1986-1987. “[Trong] năm gần đây nhất mà người ta giữ số thống kê, chỉ riêng tại Hoa Kỳ, người ta đã truyền từ 12 đến 14 triệu đơn vị máu”.—The New York Times, ngày 18-2-1990.

Bác Sĩ Louise J. Keating nhận định: “Máu luôn được xem như ‘có phép thần diệu’. Trong 46 năm đầu cả bác sĩ lẫn công chúng đều xem nguồn cung cấp máu an toàn hơn thực tế”. (Cleveland Clinic Journal of Medicine, tháng 5-1989) Tình hình lúc đó ra sao, và ngày nay thế nào?

Ba mươi năm trước đây các nhà bệnh lý học và nhân viên ngân hàng máu cũng đã được khuyên rằng: “Máu là chất nổ! Nó có thể giúp ích rất nhiều hoặc làm hại rất nhiều. Số người tử vong do truyền máu bằng số tử vong do sự gây mê bằng ether hoặc mổ ruột thừa. Người ta nói có khoảng một người tử vong trong 1.000 tới 3.000 hoặc có thể 5.000 ca truyền máu. Trong khu vực Luân Đôn, người ta báo cáo cứ mỗi 13.000 chai máu được dùng thì có một người tử vong”.—New York State Journal of Medicine, ngày 15-01-1960.

Ngày nay để việc truyền máu an toàn các nguy hiểm đã được loại ra chưa? Quả thật, mỗi năm hàng trăm ngàn người bị phản ứng có hại vì máu, và nhiều người chết. Đọc những bình luận trên, điều bạn có thể nghĩ đến là những bệnh lây qua máu. Trước khi xem xét khía cạnh này, hãy xem một số nguy hiểm ít được biết đến.

MÁU VÀ TÍNH MIỄN DỊCH

Đầu thế kỷ 20, các khoa học gia giúp chúng ta hiểu sâu hơn về sự phức tạp kỳ diệu của máu. Họ biết được có nhiều loại máu khác nhau. Lựa máu người cho để hợp với máu người bệnh là thiết yếu trong việc truyền máu. Nếu người có máu A nhận máu B, người đó có thể bị phản ứng huyết tan trầm trọng. Nó có thể hủy diệt nhiều hồng cầu và giết người đó mau chóng. Dầu ngày nay phân loại máu và thử nghiệm chéo là thông lệ, lỗi vẫn xảy ra. Năm nào cũng có nhiều người chết vì phản ứng huyết tan.

Sự thật cho thấy rằng vấn đề máu không hợp nhau không chỉ liên quan đến một vài loại máu mà các bệnh viện lo chọn cho hợp. Tại sao? Trong bài “Truyền máu: Sử dụng, lạm dụng và nguy cơ”, Bác Sĩ Douglas H. Posey, Jr., viết: “Gần 30 năm trước, Sampson đã cho việc truyền máu là một phương pháp tương đối nguy hiểm... [Từ đó] có thêm ít nhất 400 kháng nguyên hồng cầu được nhận diện và định loại. Chắc chắn số đó sẽ tiếp tục gia tăng vì màng hồng cầu rất phức tạp”.—Journal of the National Medical Association, tháng 7-1989.

Ngày nay các khoa học gia đang nghiên cứu hiệu quả của máu được truyền đối với hệ thống bảo vệ, hoặc miễn dịch của cơ thể. Điều này có ảnh hưởng gì đối với bạn hoặc một người thân cần giải phẫu?

Khi bác sĩ ghép tim, gan hoặc một bộ phận khác, hệ miễn dịch của người nhận có thể nhận ra mô lạ và loại thải nó. Tuy thế, truyền máu là một sự ghép mô. Ngay cả máu đã được “cẩn thận” thử nghiệm chéo vẫn có thể ức chế hệ miễn dịch. Tại một cuộc họp của các nhà bệnh lý học, điểm được nêu ra là hàng trăm báo y khoa “liên kết truyền máu với phản ứng miễn dịch”.—“Case Builds Against Transfusions”, Medical World News, ngày 11-12-1989.

Chức năng chính yếu của hệ miễn dịch của bạn là phát hiện và tiêu diệt các tế bào ung thư. Ức chế tính miễn dịch có đưa đến ung thư và sự chết không? Hãy xem hai báo cáo.

Tạp chí Cancer (ngày 15-2-1987) cho biết về kết quả một cuộc nghiên cứu tại Hà Lan: “Nơi các bệnh nhân bị ung thư ruột, có hiệu ứng bất lợi đáng kể của truyền máu trên sự sống sót dài hạn. Trong nhóm này, sống 5 năm là 48% cho người nhận máu và 74% cho người không nhận máu”. Các bác sĩ tại Đại Học Southern California theo dõi một trăm bệnh nhân đã được giải phẫu ung thư. “Tỷ lệ tái phát của tất cả ung thư thanh quản là 14% cho người không nhận máu và 65% cho người nhận máu. Ung thư miệng, yết hầu, và mũi hoặc xoang thì có tỷ lệ tái phát là 31% cho người không nhận máu và 71% cho người nhận”.—Annals of Otology, Rhinology & Laryngology, tháng 3-1989.

Những nghiên cứu đó ám chỉ gì về truyền máu? Trong bài “Truyền máu và phẫu thuật cho ung thư”, Bác Sĩ John S. Spratt kết luận: “Bác sĩ phẫu thuật ung thư có thể cần phải trở thành bác sĩ phẫu thuật không dùng máu”.—The American Journal of Surgery, tháng 9-1986.

Một chức năng chính yếu khác của hệ miễn dịch của bạn là chống lại sự nhiễm trùng. Vì vậy, điều dễ hiểu là một số cuộc nghiên cứu cho thấy bệnh nhân nhận máu thì dễ bị lây bệnh hơn. Bác Sĩ P. I. Tartter thực hiện một cuộc nghiên cứu về phẫu thuật ruột. Trong số những người nhận máu, 25 phần trăm bị nhiễm trùng, so với 4 phần trăm người không nhận máu. Ông báo cáo: “Truyền máu liên quan đến biến chứng nhiễm trùng, dầu là trước, trong hay sau phẫu thuật... Nguy cơ bị nhiễm trùng sau phẫu thuật tăng dần với số đơn vị máu nhận được”. (The British Journal of Surgery, tháng 8-1988) Những người dự buổi họp năm 1989 của Hiệp Hội Các Ngân Hàng Máu Hoa Kỳ học được điều này: Trong phẫu thuật thay xương háng, 23 phần trăm người nhận máu đã bị nhiễm trùng, còn những người không nhận máu thì không ai bị nhiễm trùng.

Bác Sĩ John A. Collins viết về hiệu ứng này của truyền máu: “Thật trớ trêu thay nếu một ‘phương pháp trị liệu’ đã chẳng có hiệu quả gì mấy mà sau lại còn là lý do khiến một trong những vấn đề chính của bệnh nhân tệ hơn”.—World Journal of Surgery, tháng 2-1987.

KHÔNG BỆNH HAY ĐẦY NGUY HIỂM?

Bệnh do máu gây ra là mối lo sợ của bác sĩ tận tâm và nhiều bệnh nhân. Bệnh nào? Quả thật, bạn không thể chỉ nói về một bệnh, vì thật ra có nhiều bệnh.

Sau khi thảo luận những bệnh nhiều người biết, sách Techniques of Blood Transfusion (Những kỹ thuật truyền máu) (1982) nói về “những bệnh nhiễm trùng khác liên quan đến truyền máu” như bệnh giang mai, bệnh do virút ­cytomega, và sốt rét. Sách đó nói tiếp: “Một số bệnh khác nữa cũng bị lây qua việc truyền máu, trong đó có bệnh herpes, bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn (virút Epstein-Barr), bệnh toxoplasma, bệnh trypanosoma [bệnh ngủ Phi châu và bệnh Chagas], bệnh leishmania, bệnh brucella [sốt gợn sóng], sốt ban, bệnh giun chỉ, bệnh sởi, bệnh salmonella, và sốt ve Colorado”.

Danh sách các bệnh như thế càng ngày càng dài. Bạn có thể đã đọc những tựa đề như: “Bệnh Lyme do truyền máu? Có lẽ không, nhưng các chuyên gia cảnh giác”. Máu của người bệnh Lyme có an toàn không? Một nhóm chuyên viên y tế được hỏi là họ có chấp nhận loại máu như thế không. “Tất cả đều trả lời không, dầu không ai đề nghị loại bỏ máu của người bị bệnh như thế”. Công chúng nghĩ sao về máu được tồn trữ mà chính các chuyên gia không muốn nhận?—The New York Times, ngày 18-7-1989.

Một lý do thứ hai để quan tâm là máu được thâu nhận tại một xứ có một bệnh nào đó lan tràn có thể được đem dùng ở xa, nơi mà cả công chúng lẫn bác sĩ đều không biết mối nguy đó. Ngày nay với sự gia tăng về du lịch, gồm cả tị nạn và di dân, ngày càng có nhiều nguy cơ là bệnh lạ có thể ở trong chế phẩm máu.

Ngoài ra, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cảnh báo: “Máu tồn kho có thể cần phải được thử nghiệm để ngăn ngừa việc truyền một số bệnh trước đây không coi là truyền nhiễm, như ung thư bạch cầu, ung thư u lympho và sự sa sút trí tuệ [hoặc bệnh Alzheimer]”.—Transfusion Medicine Reviews, tháng 1-1989.

Những nguy cơ này đáng sợ, nhưng những điều khác còn gây nhiều lo ngại hơn nữa.

ĐẠI DỊCH AIDS

“Bệnh AIDS đã thay đổi vĩnh viễn cách suy nghĩ của bác sĩ và bệnh nhân về máu. Và điều đó là phải, theo lời các bác sĩ hội họp tại Viện Y Tế Quốc Gia trong một hội nghị về truyền máu”.—Washington Post, ngày 5-7-1988.

Đại dịch AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) đã thức tỉnh người ta, một cách hết sức mạnh mẽ, về nguy cơ bị bệnh truyền nhiễm qua máu. Hàng triệu người ngày nay bị nhiễm bệnh. Bệnh dịch này đang lan tràn. Tỷ lệ tử vong gần như là 100 phần trăm.

Bệnh AIDS do virút HIV gây ra, có thể lan truyền qua máu. Dịch AIDS hiện đại được phát hiện vào năm 1981. Ngay năm sau đó, các chuyên gia y tế biết được là virút HIV có thể đã lan truyền qua chế phẩm máu. Ngày nay người ta thừa nhận rằng kỹ nghệ máu đã phản ứng chậm, ngay cả sau khi đã có sự thử nghiệm để nhận ra máu chứa kháng thể HIV. Cuối cùng vào năm 1985 người ta bắt đầu thử nghiệm máu thâu nhận, * nhưng ngay cả lúc đó họ cũng không thử nghiệm những chế phẩm máu tồn kho.

Sau đó công chúng được bảo đảm rằng: ‘Máu tồn trữ ngày nay an toàn’. Thế nhưng, sau này người ta được biết là có một “giai đoạn cửa sổ” nguy hiểm của bệnh AIDS. Sau khi một người bị lây bệnh, có thể phải nhiều tháng sau mới thấy được kháng thể trong máu. Không biết là mình mang virút, người đó có thể hiến máu, và kết quả thử nghiệm máu đó sẽ là âm tính. Điều đó đã xảy ra. Người ta đã bị bệnh AIDS sau khi nhận loại máu đó!

Tình trạng còn trở nên tối tăm hơn nữa. Tờ The New England Journal of Medicine (ngày 1-6-1989) báo cáo về “Sự nhiễm HIV hạ lâm sàng”. Sự kiện được xác minh rằng người ta có thể mang virút bệnh AIDS nhiều năm mà nó không bị phát hiện qua các thử nghiệm gián tiếp thông thường. Một số người muốn coi nhẹ những trường hợp này như là hiếm có, nhưng họ chứng minh “rằng không thể hoàn toàn loại bỏ nguy cơ truyền bệnh AIDS qua máu và các thành phần của nó”. (Patient Care, ngày 30-11-1989) Lời kết luận đáng lo: Không thể cho rằng một thử nghiệm có kết quả âm tính có nghĩa là sức khỏe tốt. Còn bao nhiêu người nữa sẽ bị bệnh AIDS qua máu?

TIẾNG GIÀY TỚI? HAY NHIỀU TIẾNG?

Nhiều người ở chung cư nghe tiếng một chiếc giày nện trên sàn ở tầng trên, họ có thể căng thẳng chờ đợi tiếng thứ nhì. Trong tình thế khó khăn về máu, không ai biết còn bao nhiêu tiếng giày chết người nữa có thể nện xuống.

Virút bệnh AIDS được gọi là HIV, nhưng ngày nay nhiều chuyên gia gọi nó là ­HIV-1. Tại sao? Vì họ tìm ra virút khác cùng loại bệnh AIDS (HIV-2). Nó có thể gây triệu chứng bệnh AIDS và đang lan tràn ở một số vùng. Hơn thế nữa, tờ The New York Times (ngày 27-6-1989) báo cáo: “Những thử nghiệm bệnh AIDS hiện dùng ở đây không luôn luôn phát hiện HIV-2. Những khám phá mới... gây khó khăn hơn cho các ngân hàng máu để chắc chắn máu của một người cho là an toàn”.

Còn họ hàng xa của virút AIDS thì sao? Một ủy ban của tổng thống (Hoa Kỳ) nói rằng một trong các virút đó “là nguyên nhân gây bệnh ung thư bạch cầu/ung thư u lympho loại tế bào T và một bệnh thần kinh nguy hiểm”. Virút này hiện đang ở nơi những người hiến máu và có thể lan truyền qua máu. Người ta có quyền tự hỏi: ‘Việc sàng lọc các virút khác của các ngân hàng máu hiệu quả thế nào?’

Chỉ có thời gian mới trả lời được còn bao nhiêu virút lan qua máu tiềm ẩn trong máu tồn kho. Bác Sĩ Harold T. Meryman viết: “Điều chưa biết có thể còn đáng lo hơn là điều đã biết. Sẽ khó để liên kết vi khuẩn gây bệnh mà thời gian ủ bệnh là nhiều năm, với truyền máu, và càng khó hơn để phát hiện. HTLV chắc chắn chỉ là nhóm đầu trong đám này xuất hiện”. (Transfusion Medicine Reviews, tháng 7-1989) “Như thể dịch AIDS chưa gây đau khổ đủ,... một số nguy cơ mới của truyền máu gợi chú ý trong thập niên 1980. Không cần nhiều trí tưởng tượng để tiên đoán là có nhiều bệnh virút nguy hiểm khác và chúng được lây lan qua việc truyền máu tương đồng”.—Limiting Homologous Exposure: Alternative Strategies, 1989.

Có quá nhiều “tiếng giày” đã nện xuống cho nên các Trung Tâm Phòng Trừ Bệnh khuyên nên “phòng ngừa tổng quát”. Nghĩa là, ‘nhân viên y tế phải nghĩ rằng tất cả các bệnh nhân đều nhiễm HIV hoặc các tác nhân khác gây bệnh truyền qua máu’. Với lý do chính đáng, nhân viên y tế và nhiều người trong công chúng đang xét lại cái nhìn của họ về máu.

[Chú thích]

^ đ. 27 Chúng ta không thể cho rằng tất cả máu đều đang được thử nghiệm. Ví dụ, người ta báo cáo là vào đầu năm 1989, khoảng 80 phần trăm ngân hàng máu ở Brazil không ở dưới sự kiểm soát của chính phủ, và cũng không được xét nghiệm bệnh AIDS.

[Khung nơi trang 8]

Khoảng 1 trên 100 ca truyền máu, bệnh nhân bị sốt, lạnh, nổi mày đay... Khoảng 1 trên 6.000 ca truyền hồng cầu, bệnh nhân bị phản ứng huyết tan. Đây là phản ứng miễn dịch trầm trọng có thể xảy ra liền hoặc chậm vài ngày sau khi truyền máu; nó có thể làm [thận] suy cấp tính, sốc, máu đông lại trong mạch, và ngay cả tử vong”.—Hội nghị Viện Y Tế Quốc Gia, năm 1988.

[Khung nơi trang 9]

Nhà khoa học Đan Mạch Niels Jerne là người đồng nhận giải Nobel Y khoa năm 1984. Khi được hỏi tại sao ông từ chối không nhận tiếp máu, ông trả lời: “Máu của một người giống như dấu tay họ—không có hai thứ máu nào giống y hệt nhau”.

[Khung nơi trang 10]

MÁU, GAN HƯ VÀ...

Báo Washington Post giải thích: “Trớ trêu thay, bệnh AIDS lây qua máu... chưa bao giờ là mối đe dọa lớn như các bệnh khác, ví dụ, viêm gan”.

Vâng, rất nhiều người đã bị bệnh nặng và chết do viêm gan, là bệnh không có cách chữa rõ ràng. Theo tạp chí U.S. News & World Report (ngày 1-5-1989), khoảng 5 phần trăm số người nhận máu tại Hoa Kỳ bị nhiễm viêm gan—175.000 người mỗi năm. Khoảng phân nửa trở thành người mang mầm bệnh mãn tính, và ít nhất 1 trong 5 người bị xơ gan hoặc ung thư gan. Người ta ước lượng khoảng 4.000 người chết. Hãy tưởng tượng bạn đọc những hàng đầu trong báo khi một máy bay khổng lồ rớt, tất cả mọi người đều chết. Nhưng 4.000 người chết tương đương với việc mỗi tháng một máy bay khổng lồ đầy người rớt !

Từ lâu bác sĩ đã biết có một loại viêm gan nhẹ hơn (loại A) lây qua thức ăn hoặc nước uống bẩn. Rồi họ thấy một loại nguy hiểm hơn lây qua máu, và họ không có cách nào thử nghiệm máu cho bệnh đó. Cuối cùng, các bác học lỗi lạc biết được cách tìm ra “dấu chân” của virut đó (loại B). Vào đầu thập kỷ 1970, máu đã được thử nghiệm tại một số quốc gia. Nguồn cung cấp máu có vẻ an toàn và tương lai máu sáng sủa! Phải vậy không?

Không lâu sau đó người ta thấy rõ là hàng ngàn người nhận máu đã được thử nghiệm vẫn bị viêm gan. Nhiều người sau khi bị suy nhược vì bệnh, biết được là họ bị hư gan. Nhưng nếu máu đã được thử nghiệm, thì tại sao điều này lại xảy ra? Vì máu mang một loại khác, gọi là viêm gan không-A, không-B (NANB). Trong một thập kỷ bệnh này đã gây tệ hại cho việc truyền máu—khoảng từ 8 đến 17 phần trăm người nhận máu tại Do Thái, Hoa Kỳ, Nhật, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Ý bị bệnh đó.

Rồi chúng ta thấy những hàng tựa lớn như “Cuối cùng bệnh viêm gan không-A, không-B bí ẩn đã được phân lập”; “Làm giảm cơn sốt trong máu”. Một lần nữa, thông điệp là, ‘Đã tìm ra tác nhân lẩn tránh!’ Vào tháng 4-1989, công chúng được cho biết là có thể thử nghiệm cho NANB, bây giờ được gọi là viêm gan C.

Bạn có lẽ tự hỏi người ta vui mừng quá sớm chăng. Trên thực tế, các nhà khoa học Ý báo cáo có một virút viêm gan khác, một thể đột biến, có lẽ là nguyên nhân gây ra một phần ba các trường hợp. Tờ Harvard Medical School Health Letter (tháng 11-1989) nhận định: “Một số chuyên gia lo ngại rằng bệnh viêm gan không chỉ có A, B, C, và D mà thôi, những loại khác nữa có thể xuất hiện”. Báo The New York Times (ngày 13-2-1990) viết: “Các chuyên gia nghi rằng còn những virút khác có thể gây bệnh viêm gan; nếu tìm ra, nó sẽ được đặt tên là viêm gan E và v.v...”

Các ngân hàng máu có phải dành ra nhiều thì giờ tìm kiếm những thử nghiệm khác nữa để làm máu an toàn không? Viện dẫn vấn đề phí tổn, giám đốc Hội Hồng Thập Tự Mỹ đã cho lời bình luận làm lo âu này: “Chúng ta không thể cứ đưa ra hết thử nghiệm này đến thử nghiệm khác cho mỗi tác nhân gây bệnh có thể lan truyền”.—Medical World News, ngày 8-5-1989.

Ngay cả thử nghiệm cho viêm gan B cũng có thể sai; nhiều người vẫn bị nhiễm bệnh đó từ máu. Hơn nữa, người ta sẽ thỏa mãn với thử nghiệm cho viêm gan C không? Báo The Journal of the American Medical Association (ngày 5-1-1990) cho thấy là một năm trôi qua trước khi thử nghiệm có thể phát hiện ra kháng thể của bệnh, thì người nhận máu này có thể bị hư gan—và chết.

[Khung/​Hình nơi trang 11]

Bệnh Chagas là một thí dụ cho thấy máu mang mầm bệnh từ xa tới như thế nào. “The Medical Post” (ngày 16-1-1990) báo cáo rằng ‘có từ 10 đến 12 triệu người tại Châu Mỹ La-tinh mắc bệnh kinh niên’. Nó được gọi là “một trong những nguy hiểm nhất trong việc truyền máu tại Nam Mỹ”. Một “con rệp giết người” cắn trên mặt nạn nhân đang ngủ, hút máu, và đại tiện lên vết thương. Nạn nhân có thể bị bệnh Chagas nhiều năm (trong khi ấy có thể cho máu) trước khi bị các biến chứng tim chết người.

Tại sao người ở lục địa xa phải lo điều này? Trong “The New York Times” (ngày 23-5-1989), Bác Sĩ L. K. Altman báo cáo về các bệnh nhân mắc bệnh Chagas sau khi truyền máu, một người đã chết. Ông Altman viết: “Nhiều trường hợp khác có thể không bị phát hiện vì [bác sĩ ở đây] không quen với bệnh Chagas, và cũng không ngờ là nó có thể lan qua việc truyền máu”. Vâng, máu có thể là một phương tiện để bệnh lan truyền.

[Khung nơi trang 12]

Bác Sĩ Knud Lund-Olesen viết: “Từ khi... một số trong nhóm những người có nhiều nguy cơ mắc bệnh tự nguyện hiến máu, họ sẽ được tự động cho thử nghiệm bệnh AIDS, tôi nghĩ là có lý do để không muốn nhận máu. Nhân Chứng Giê-hô-va đã từ chối điều này qua nhiều năm. Họ đã nhìn thấy được tương lai sao?”—“Ugeskrift for Læger” (Doctors’ Weekly), ngày 26-9-1988.

[Hình nơi trang 9]

Giáo hoàng sống sót sau khi bị bắn. Sau khi rời bệnh viện, ông phải trở lại và nằm hai tháng “đau đớn lắm”. Tại sao? Vì ông bị nhiễm virút cytomegalo, có khả năng gây tử vong, qua máu nhận trước đó

[Nguồn tư liệu]

UPI/Bettmann Newsphotos

[Hình nơi trang 12]

Virút AIDS

[Nguồn tư liệu]

CDC, Atlanta, Ga.