Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đời sống có mục đích gì không?

Đời sống có mục đích gì không?

Phần 1

Đời sống có mục đích gì không?

1. Người ta thường hỏi gì về mục đích đời sống, và một người đã bình luận thế nào về điều này?

Không sớm thì muộn, hầu như mọi người đều có lúc tự hỏi mục đích đời sống là gì. Phải chăng để làm việc cần mẫn hầu cải thiện mức sống, cung cấp cho gia đình, rồi chết đi có lẽ sau khi được 70 hay 80 tuổi, và rốt cuộc vĩnh viễn không hiện hữu nữa? Một thanh niên cảm thấy như vậy và nói rằng đời sống không có mục đích nào khác hơn là “sống, sanh con đẻ cái, hưởng hạnh phúc rồi chết đi”. Nhưng có đúng vậy không? Và sự chết có thật sự chấm dứt tất cả mọi việc không?

2, 3. Tại sao việc tìm kiếm của cải vật chất không đủ để có mục đích trong đời?

2 Nhiều người ở các nước Đông phương cũng như Tây phương nghĩ rằng mục đích chính trong đời là đạt được sự giàu có về vật chất. Họ tin điều này sẽ dẫn đến một đời sống hạnh phúc đầy ý nghĩa. Nhưng về phần những người đã đạt được sự giàu có về vật chất rồi thì họ nghĩ gì? Văn sĩ Gia-nã-đại Harry Bruce nói: “Một số lớn những người giàu có khẳng định rằng họ không có hạnh phúc”. Ông nói thêm: “Những cuộc thăm dò ý kiến cho thấy một sự bi quan khủng khiếp đang hoành hành tại Bắc Mỹ...Có ai được hạnh phúc trên đời không? Nếu có, thì bí quyết là gì?”

3 Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter tuyên bố: “Chúng ta đã khám phá ra rằng có hay tiêu thụ những đồ vật đều không làm thỏa mãn lòng khát khao muốn biết về ý nghĩa đời sống... Tích trữ của cải không thể che lấp sự trống rỗng của một đời sống không có tin tưởng hay mục đích”. Và một lãnh tụ chính trị khác nói: “Trong mấy năm qua tôi đã vất vả đi tìm kiếm để biết những sự thật về chính tôi và đời tôi; nhiều người quen của tôi cũng đang làm như vậy. Có nhiều người hơn bao giờ hết đặt câu hỏi: ‘Chúng ta là ai? Mục đích đời sống chúng ta là gì?’ ”

Tình trạng ngày càng khó khăn hơn

4. Tại sao một số người nghi ngờ là đời sống có mục đích?

4 Nhiều người không tin rằng đời sống có mục đích, khi họ thấy tình trạng đời sống ngày càng trở nên khó khăn hơn. Trên khắp thế giới, hơn một tỷ người đang bị bệnh nặng hoặc thiếu ăn, do đó mỗi năm riêng ở Phi Châu có khoảng mười triệu trẻ em bị chết. Dân số thế giới, nay gần 6 tỷ người, tiếp tục gia tăng mỗi năm hơn 90 triệu. Hơn 90 phần trăm sự gia tăng này là ở các nước đang phát triển. Việc dân số gia tăng không ngớt làm tăng thêm nhu cầu về thực phẩm, nhà cửa và kỹ nghệ, và điều này lại càng làm hư hại thêm đất đai, nước uống và không khí do các chất gây ô nhiễm thuộc loại kỹ nghệ và các loại khác.

5. Điều gì đang xảy ra cho cây cỏ trên đất?

5 Cuốn sách nhan đề “Chi tiêu về quân sự và xã hội trên thế giới trong năm 1991” (World Military and Social Expenditures 1991) tường trình: “Cứ mỗi năm một vùng rừng rộng lớn bằng toàn thể diện tích nước [Anh] bị tàn phá. Với tốc độ này thì tới năm 2000 chúng ta đã đốn đi 65% các khu rừng vùng nhiệt đới ẩm thấp”. Theo một cơ quan của LHQ, thì cứ mỗi mười cây bị đốn trong những vùng này mới có một cây được trồng; tại Phi Châu tỷ lệ lên tới hơn 20 trên 1. Vì thế các vùng sa mạc cứ gia tăng và mỗi năm một vùng đất bằng diện tích nước Bỉ không thể trồng trọt được nữa.

6, 7. Một số vấn đề khó khăn mà các lãnh tụ loài người không thể giải quyết được là gì, vậy các câu hỏi nào cần phải được trả lời?

6 Ngoài ra, thế kỷ 20 này đã có gấp bốn lần số người chết vì chiến tranh so với bốn thế kỷ trước hợp lại. Tội ác gia tăng khắp nơi, đặc biệt các tội ác hung bạo. Gia đình sụp đổ, lạm dụng ma túy, bệnh liệt kháng (AIDS/Sida), các bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục và nhiều yếu tố tiêu cực khác làm cho đời sống càng khó khăn hơn. Và các lãnh tụ thế giới chưa thể cung cấp giải pháp nào cho nhiều vấn đề khó khăn đang gây khốn khổ cho nhân loại. Vì vậy, ta dễ hiểu tại sao nhiều người thắc mắc: Mục đích đời sống là gì?

7 Các học giả và các nhà lãnh đạo tôn giáo đã bình luận thế nào về câu hỏi đó? Sau bao nhiêu thế kỷ trôi qua, họ đã cung cấp một câu trả lời thỏa đáng nào không?

Họ nói gì

8, 9. a) Một học giả Trung hoa nói gì về mục đích đời sống? b) Một người sống sót khỏi các trại tập trung của Đức Quốc Xã đã nhận xét gì?

8 Học giả Nho giáo Từ Uyên Minh (Tu Wei-Ming) đã nói: “Ý nghĩa tối hậu của đời sống thể hiện trong cuộc đời tầm thường của con người”. Theo quan điểm này, loài người sẽ tiếp tục sanh ra, tranh đấu để tồn tại, rồi chết đi. Có ít hy vọng trong một viễn ảnh như thế. Nhưng điều đó có thật không?

9 Elie Wiesel, một người đã sống sót qua khỏi các trại tập trung của Đức Quốc Xã vào thời Đệ nhị Thế Chiến, nhận xét: “ ‘Tại sao chúng ta hiện hữu?’ là câu hỏi quan trọng nhất mà một người phải đương đầu... Tôi tin rằng đời sống có ý nghĩa mặc dù tôi đã chứng kiến những cái chết thật vô lý”. Nhưng ông không thể nói mục đích đời sống là gì.

10, 11. a) Một nhà xã luận cho thấy thế nào rằng loài người không có lời giải đáp? b) Tại sao quan điểm của một nhà khoa học tin thuyết tiến hóa là không thỏa đáng?

10 Nhà xã luận Vermont Royster tuyên bố: “Trong sự suy gẫm về chính con người,... địa vị của con người trong vũ trụ này, chúng ta không đi xa hơn mấy so với thời khởi thủy. Chúng ta vẫn còn có những câu hỏi như: chúng ta là ai, tại sao chúng ta hiện hữu và chúng ta sẽ đi về đâu”.

11 Nhà khoa học về tiến hóa Stephen Jay Gould lưu ý: “Chúng ta có thể mong mỏi có một câu trả lời ‘cao siêu hơn’—nhưng không có”. Đối với những người tin vào thuyết tiến hóa, đời sống là một cuộc tranh đấu cho sự sống còn của những loài mạnh nhất, và sự chết chấm dứt tất cả. Quan điểm này cũng không có chút hy vọng gì cả. Và một lần nữa, điều đó có thật không?

12, 13. Các nhà lãnh đạo tôn giáo có những quan điểm nào, và có thỏa đáng gì hơn quan điểm của những nhà quan sát thế tục không?

12 Nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo nói mục đích đời sống là ăn hiền ở lành để khi chết linh hồn người ta được lên trời và ở trên đó vĩnh viễn. Còn đối với người ác thì họ sẽ bị hành hạ đời đời trong lửa địa ngục. Tuy nhiên, theo sự tin tưởng này, sự sống tẻ nhạt vẫn tiếp tục tái diễn trên đất như trong suốt lịch sử. Nhưng nếu ý định của Đức Chúa Trời là cho loài người sống trên trời như các thiên sứ, tại sao ngay lúc ban đầu Ngài lại không tạo ra họ như các thiên sứ?

13 Ngay cả hàng giáo phẩm cũng gặp khó khăn với các quan điểm như vậy. Tiến sĩ W. R. Inge, cựu viện trưởng Đại giáo đường Thánh Phao-lồ (St. Paul’s Cathedral) tại Luân-đôn một lần nọ đã nói: “Suốt đời tôi đã gắng hết sức để kiếm ra mục đích đời sống. Tôi đã thử trả lời cho ba vấn đề mà đối với tôi luôn luôn có vẻ là những điều căn bản: vấn đề vĩnh cửu; vấn đề nhân cách con người; và vấn đề tội ác. Tôi đã thất bại. Tôi không có lời giải đáp nào cả”.

Hiệu quả

14, 15. Các quan điểm xung đột lẫn nhau gây ra hiệu quả nào trên nhiều người?

14 Vì lẽ các học giả và các nhà lãnh đạo tôn giáo đưa ra quá nhiều quan niệm khác nhau về vấn đề mục đích đời sống, hiệu quả là gì? Nhiều người phản ứng giống như một cụ già đã nói: “Gần như suốt đời, tôi đã tự hỏi tại sao tôi hiện hữu. Nếu có một mục đích, tôi cũng chẳng màng đến nữa”.

15 Sau khi xem xét nhiều quan điểm khác nhau trong các tôn giáo trên thế giới, nhiều người đi đến kết luận là dù người ta tin gì thật ra cũng chẳng quan trọng. Họ nghĩ tôn giáo chỉ là một sự giải khuây cho trí óc, một điều gì đem lại một chút an tâm và an ủi hầu cho một người có thể đương đầu với các vấn đề khó khăn trong đời sống. Những người khác nghĩ tôn giáo chẳng khác nào mê tín dị đoan. Họ nghĩ lý thuyết của tôn giáo trong suốt bao nhiêu thế kỷ đã không trả lời được câu hỏi về mục đích đời sống, lại cũng chẳng cải tiến đời sống của người dân thường. Thật vậy, lịch sử cho thấy các tôn giáo trên thế giới đã thường cản trở sự tiến bộ của nhân loại và gây ra thù hằn và chiến tranh.

16. Kiếm cho ra mục đích đời sống có thể quan trọng đến độ nào?

16 Tuy nhiên, tìm kiếm lẽ thật về mục đích đời sống có thật sự quan trọng không? Nhà chuyên viên về sức khỏe tâm thần Viktor Frankl trả lời: “Cố gắng tìm kiếm ý nghĩa của đời sống là động lực chính yếu thúc đẩy con người... Tôi dám cả quyết rằng không một điều gì trên thế gian lại có hiệu lực giúp một người sống còn, ngay cả trong những tình trạng tệ nhất, cho bằng sự hiểu biết là đời sống mình có một ý nghĩa”.

17. Bây giờ chúng ta cần phải đặt ra các câu hỏi nào?

17 Bởi vì các triết lý loài người và các tôn giáo không thể giải thích vấn đề này một cách thỏa đáng, chúng ta có thể quay về đâu để tìm ra mục đích đời sống là gì? Có một nguồn khôn ngoan siêu việt nào có thể nói cho chúng ta biết lẽ thật về vấn đề này không?

Bản dịch Kinh-thánh dùng trong sách mỏng này là bản của Thánh-kinh Hội, trừ khi có ghi NW, tức bản dịch Anh ngữ Kinh-thánh Thế giới Mới (New World Translation of the Holy Scriptures—With References, 1984 Edition).

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 4]

“Cứ mỗi năm một vùng rừng rộng lớn bằng toàn thể diện tích nước [Anh] bị tàn phá”

[Hình nơi trang 5]

“Gần như suốt đời, tôi đã tự hỏi tại sao tôi hiện hữu”