Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ai có thể nói cho chúng ta biết?

Ai có thể nói cho chúng ta biết?

Phần 2

Ai có thể nói cho chúng ta biết?

1, 2. Cách tốt nhất để kiếm ra mục đích của một vật được chế tạo là gì?

1 Ai có thể nói cho chúng ta biết mục đích đời sống thật sự là gì? Giả sử bạn đến thăm một nhà chuyên môn chế tạo máy móc và thấy ông đang chế tạo một loại máy phức tạp mà bạn không nhận ra được, làm thế nào bạn có thể tìm ra máy đó dùng để làm gì? Cách tốt nhất là hỏi chính nhà chế tạo đó.

2 Vậy thì nói gì về sự sáng tạo huy hoàng mà chúng ta thấy khắp nơi trên trái đất, chẳng hạn như tất cả các sinh vật cho đến loại tế bào nhỏ nhất? Ngay cả các phân tử và nguyên tử nhỏ hơn nhiều trong tế bào cũng được cấu tạo một cách khéo léo và có trật tự. Còn nói gì về sự sáng tạo kỳ diệu của trí óc con người? Và nói gì về thái dương hệ, dải Ngân hà của chúng ta và cả vũ trụ? Phải chăng tất cả các sự sáng tạo tuyệt vời đó đòi hỏi phải có một Đấng Tạo hóa? Chắc chắn Đấng ấy có thể nói cho chúng ta biết tại sao Ngài đã tạo ra tất cả những sự này.

Phải chăng sự sống đã bắt đầu cách ngẫu nhiên?

3, 4. Có thể nào sự sống phát sinh do sự ngẫu nhiên không?

3 “Bách khoa Tự điển Hoa-kỳ” (The Encyclopedia Americana) nói về “sự cực kỳ phức tạp và có tổ chức trong các tạo vật sống” và tuyên bố: “Khi xem xét kỹ càng những bông hoa, côn trùng và động vật có vú, người ta thấy các bộ phận được sắp đặt một cách chính xác đến mức hầu như khó mà tin nổi”. Nhà thiên văn học người Anh Sir Bernard Lovell, khi nói về sự cấu tạo hóa học của các sinh vật, đã viết: “Nếu tính ra... sự ngẫu nhiên đưa đến sự thành hình của một trong những phân tử protein nhỏ nhất thì ta thấy xác suất của việc này là rất nhỏ không thể tưởng tượng nổi... Hầu như là con số không”.

4 Tương tợ như vậy, nhà thiên văn học Fred Hoyle có nói: “Toàn bộ cơ cấu của ngành sinh vật học chính thống vẫn cho rằng sự sống đã do ngẫu nhiên mà nảy sinh ra. Tuy nhiên, khi các nhà sinh hóa học càng ngày càng khám phá ra nhiều thêm về sự cực kỳ phức tạp của sự sống, hiển nhiên điều này cho thấy không thể nào tin được là sự sống phát sinh do tình cờ. Sự sống không thể nào phát sinh do sự ngẫu nhiên”.

5-7. Ngành phân tử sinh vật học kiểm chứng thế nào rằng sinh vật không thể do ngẫu nhiên mà có?

5 Ngành phân tử sinh vật học, một trong những phạm vi mới nhất của khoa học, là một môn học về những sinh vật ở mức đơn vị di truyền (gen), phân tử và nguyên tử. Nhà phân tử sinh vật học Michael Denton nhận xét về những điều đã được khám phá ra: “Loại tế bào đơn giản nhất mà người ta biết được có một mức độ phức tạp cao đến nỗi ta không thể nào chấp nhận rằng một biến cố ngẫu nhiên và khó xảy ra đã đột ngột hỗn hợp được một vật thể như thế”. “Tuy nhiên không phải chỉ có sự phức tạp của hệ thống sinh vật làm cho người ta khó nghĩ, mà còn có sự tinh xảo không thể tưởng tượng được mà ta thường thấy rõ trong sự cấu tạo những hệ thống sinh vật ấy”. “Chính ở mức phân tử mà... người ta thấy rõ nhất sự cấu tạo khéo léo tài tình và các mục tiêu đạt đến cách hoàn hảo”.

6 Ông Denton tuyên bố thêm: “Bất luận nhìn nơi nào và bất luận tìm kiếm sâu xa đến đâu, chúng ta tìm thấy một sự tao nhã và khéo léo thuộc loại siêu việt, nghịch lại ý kiến cho rằng mọi sự do ngẫu nhiên mà ra. Có thể nào tin rằng các tiến trình ngẫu nhiên lại có thể cấu tạo một thực thể, mà phần tử nhỏ nhất trong đó— protein hoặc đơn vị di truyền—phức tạp ngoài khả năng sáng chế của chúng ta, một thực thể tương phản với sự ngẫu nhiên và trong mọi phương diện vượt xa bất cứ sản phẩm nào chế tạo bởi sự thông minh của con người?” Ông nói tiếp: “Giữa một tế bào sống và một hệ thống vô sinh tinh xảo nhất, chẳng hạn như một tinh thể hay một bông tuyết, có một vực thẳm cách biệt rộng lớn và tuyệt đối đến mức cao nhất mà óc loài người có thể ý thức được”. Một giáo sư vật lý, Chet Raymo, tuyên bố: “Tôi rất khâm phục...Mỗi phân tử dường như được cấu tạo cách kỳ diệu để thi hành phận sự của nó”.

7 Nhà phân tử sinh vật học Denton kết luận rằng “những ai còn biện hộ cho tín điều nói rằng mọi thực thể mới mẻ này đều là kết quả của sự ngẫu nhiên may rủi” đang tin vào một chuyện hoang đường. Thật ra, ông gọi sự tin tưởng nơi thuyết Darwin chủ trương sinh vật xuất hiện do sự ngẫu nhiên “là câu chuyện thần thoại vĩ đại về vũ trụ của thế kỷ 20”.

Sự cấu tạo đòi hỏi phải có người chế tạo

8, 9. Hãy cho một ví dụ chứng tỏ mọi vật phải có một người nào làm ra.

8 Sự khả hữu về việc các vật vô sinh có thể trở thành vật sống do sự ngẫu nhiên, do một tai biến may rủi nào đó, là quá xa vời đến nỗi không thể nào có được. Không đâu, tất cả mọi sinh vật trên mặt đất được cấu tạo một cách xuất sắc không thể nào xuất hiện do sự tình cờ, vì tất cả mọi vật nào được cấu tạo bắt buộc phải có người đã chế tạo ra chúng. Bạn có biết một trường hợp ngoại lệ nào không? Tất nhiên là không. Và sự cấu tạo càng phức tạp bao nhiêu thì nhà chế tạo đó càng phải tài giỏi bấy nhiêu.

9 Chúng ta có thể ví dụ điều này như sau: Khi chúng ta thấy một bức tranh, chúng ta chấp nhận đó là bằng chứng có một họa sĩ. Khi chúng ta đọc một cuốn sách, chúng ta chấp nhận là có một tác giả. Khi chúng ta nhìn thấy một căn nhà, chúng ta chấp nhận là có một người đã xây nhà đó. Khi chúng ta nhìn thấy đèn lưu thông, chúng ta biết rằng phải có một cơ quan lập luật. Tất cả những vật này được làm ra với một mục đích do những người làm ra chúng. Và tuy chúng ta có lẽ không hiểu hết mọi điều về những người đã làm ra chúng, chúng ta không nghi ngờ chút nào là những người đó có thật.

10. Người ta có thể thấy bằng chứng nào về Đấng Tạo hóa Tối cao?

10 Tương tợ thế, chúng ta có thể thấy bằng chứng về sự hiện hữu của Đấng Tạo hóa Tối cao qua sự cấu tạo trật tự và sự phức tạp của những sinh vật trên đất. Mọi vật này đều chứng tỏ có một Đấng Thông minh Siêu việt. Điều này cũng đúng khi nói về sự cấu tạo, trật tự và sự phức tạp của vũ trụ với hàng tỷ thiên hà và mỗi thiên hà có tới hàng tỷ ngôi sao. Và tất cả các thiên thể được điều khiển bởi các định luật chính xác như luật về sự chuyển động, sức nhiệt, ánh sáng, âm thanh, điện từ và trọng lực. Có thể nào có luật mà không do ai lập nên không? Nhà bác học về hỏa tiễn, tiến sĩ Wernher von Braun, tuyên bố: “Các định luật thiên nhiên của vũ trụ chính xác đến nỗi chúng tôi không có khó khăn gì khi chế tạo một phi thuyền không gian để bay tới mặt trăng và có thể tính thời gian chuyến bay với một sự chính xác đến mức một phần nhỏ của một giây đồng hồ. Những định luật này chắc chắn phải do ai đã lập ra”.

11. Tại sao chúng ta không nên phủ nhận sự hiện hữu của một Đấng Tạo hóa Tối cao chỉ vì chúng ta không thể nhìn thấy Ngài?

11 Đành rằng chúng ta không thể nhìn thấy Đấng Tạo hóa Tối cao và Đấng Lập Luật với cặp mắt trần của chúng ta. Nhưng chúng ta có phủ nhận sự hiện hữu của các hiện tượng như trọng lực, từ lực, điện lực và làn sóng vô tuyến chỉ vì chúng ta không thể nhìn thấy chúng không? Không, bởi vì chúng ta có thể quan sát các hiệu quả của chúng. Vậy thì tại sao chúng ta lại phủ nhận sự hiện hữu của Đấng Tạo hóa Tối cao và Đấng Lập Luật chỉ vì chúng ta không thể nhìn thấy Ngài, trong khi có thể quan sát kết quả của những công việc kỳ diệu của Ngài?

12, 13. Bằng chứng cho thấy gì về sự hiện hữu của Đấng Tạo hóa?

12 Giáo sư vật lý Paul Davies kết luận rằng sự hiện hữu của con người không phải chỉ do một trò chơi của định mệnh. Ông tuyên bố: “Chúng ta thật sự đã được hoạch định để có mặt ở đây”. Và ông nói về vũ trụ như sau: “Qua công trình khoa học, tôi đã càng lúc càng tin mạnh mẽ hơn là vũ trụ được cấu tạo một cách tinh xảo lạ lùng đến nỗi tôi không thể nào chấp nhận đó chỉ là một sự kiện tự nhiên mà có. Tôi nghĩ chắc phải có một sự giải thích sâu xa hơn”.

13 Vậy bằng chứng cho chúng ta thấy vũ trụ, trái đất và những sinh vật trên đất không thể nào do sự nhẫu nhiên mà ra. Tất cả những điều này đều âm thầm làm chứng cho một Đấng Tạo hóa có quyền năng và thông minh vượt bực.

Kinh-thánh nói gì

14. Kinh-thánh kết luận gì về Đấng Tạo hóa?

14 Kinh-thánh, cuốn sách xưa nhất của nhân loại, cũng kết luận như thế. Thí dụ, sách Hê-bơ-rơ trong Kinh-thánh do sứ đồ Phao-lô viết cho chúng ta biết: “Vả, chẳng có một cái nhà nào không phải bởi có người dựng nên; mà Đấng đã dựng nên muôn vật, ấy là Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 3:4). Sách cuối cùng của Kinh-thánh do sứ đồ Giăng viết cũng nói: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh-hiển, tôn-quí và quyền-lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý-muốn Chúa mà muôn-vật mới có và đã được dựng nên” (Khải-huyền 4:11).

15. Làm sao chúng ta có thể nhận thức được các đức tính chính của Đức Chúa Trời?

15 Kinh-thánh cho thấy rằng mặc dù không thể nhìn thấy Đức Chúa Trời, chúng ta có thể nhận biết Ngài là một Đức Chúa Trời như thế nào qua những gì Ngài đã sáng tạo. Kinh-thánh tuyên bố: “Bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền-phép đời đời và bổn-tánh Ngài, thì từ buổi sáng-thế vẫn sờ-sờ như mắt xem-thấy, khi người ta xem-xét công-việc của Ngài” (Rô-ma 1:20).

16. Tại sao chúng ta nên biết ơn vì loài người không thể nhìn thấy Đức Chúa Trời?

16 Vậy thì Kinh-thánh đưa chúng ta đi từ kết quả đến nguyên nhân. Kết quả—những tạo vật tuyệt vời—là bằng chứng về một nguyên nhân đầy thông minh và quyền năng: tức là Đức Chúa Trời. Vả lại, chúng ta cũng biết ơn vì Ngài là vô hình, vì với tư cách là Đấng Tạo hóa của cả vũ trụ, chắc hẳn Ngài có quyền năng phi thường đến nỗi loài người bằng xương bằng thịt không thể nào mong nhìn thấy Ngài mà còn sống. Và chính Kinh-thánh nói điều này: “Không ai thấy mặt [Đức Chúa Trời] mà còn sống” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:20).

17, 18. Tại sao khái niệm về một Đấng Tạo hóa là rất quan trọng đối với chúng ta?

17 Khái niệm về một Đấng Tạo hóa Vĩ đại, một Đấng Tối Cao—Đức Chúa Trời—phải là một điều rất quan trọng đối với chúng ta. Nếu chúng ta đã được Đấng Tạo hóa dựng nên, chắc hẳn Ngài phải có một lý do, một mục đích, khi dựng nên chúng ta. Nếu chúng ta đã được dựng nên để có một mục đích trong đời sống, vậy thì chúng ta có lý do để hy vọng rằng mọi sự sẽ tốt đẹp hơn trong tương lai. Nếu không chúng ta chỉ sống và chết không một niềm hy vọng. Vậy điều rất quan trọng là chúng ta tìm ra ý định của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Khi đó chúng ta có thể chọn xem chúng ta muốn sống phù hợp với ý định của Ngài hay không.

18 Ngoài ra, Kinh-thánh nói Đấng Tạo hóa là một Đức Chúa Trời đầy yêu thương rất quan tâm đến chúng ta. Sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Ngài hay săn-sóc anh em”. (I Phi-e-rơ 5:7; cũng xem Giăng 3:16 và I Giăng 4:8, 16). Một cách mà chúng ta có thể nhìn thấy Đức Chúa Trời quan tâm đến chúng ta nhiều tới mức nào là xem xét Ngài đã dựng nên chúng ta một cách kỳ diệu cả về tâm thần lẫn thể chất.

“Được dựng nên cách đáng sợ lạ-lùng”

19. Người viết Thi-thiên là Đa-vít đã lưu ý chúng ta đến sự thật nào?

19 Trong Kinh-thánh, người viết Thi-thiên Đa-vít nhìn nhận: “Tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ-lùng” (Thi-thiên 139:14). Điều này chắc chắn là sự thật, vì bộ óc và thân thể con người được cấu tạo một cách kỳ diệu bởi Đấng Tạo hóa Tối cao.

20. Một cuốn bách khoa tự điển miêu tả bộ óc con người như thế nào?

20 Chẳng hạn, bộ óc của bạn cực kỳ phức tạp hơn bất cứ máy điện toán nào. Cuốn “Tân Bách khoa Tự điển Anh quốc” (The New Encyclopædia Britannica) nhận xét: “Sự truyền đạt tin tức bên trong hệ thống thần kinh còn phức tạp hơn tổng đài điện thoại lớn nhất; bộ óc con người có thể giải quyết những vấn đề vượt quá khả năng của máy điện toán tối tân nhất”.

21. Chúng ta nên kết luận gì khi thấy các hoạt động của bộ óc?

21 Bộ óc của bạn thâu trữ hàng trăm triệu dữ kiện và hình ảnh, nhưng không chỉ là một kho tồn trữ các dữ kiện. Với bộ óc này bạn có thể học huýt gió, nướng bánh, nói nhiều ngoại ngữ, dùng máy điện toán hoặc lái máy bay. Bạn có thể hình dung nghỉ hè sẽ ra sao hoặc tưởng tượng mùi vị thơm ngon của trái cây sẽ như thế nào. Bạn có thể phân tích và thiết kế nhiều thứ. Bạn cũng có thể trù liệu, biết ơn, yêu thích và liên kết các ý tưởng với những điều trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Bởi vì loài người chúng ta không thể làm ra được một vật kỳ lạ như bộ óc con người, vậy thì Đấng đã tạo ra bộ óc hiển nhiên phải có sự khôn ngoan và khả năng vượt xa hơn bất cứ con người nào.

22. Các nhà khoa học nhìn nhận điều gì về bộ óc con người?

22 Nói về bộ óc, các nhà khoa học nhìn nhận: “Người ta chỉ hiểu mập mờ làm thế nào mà bộ máy vô cùng phức tạp này, được cấu kết một cách trật tự dị kỳ, có thể thi hành tất cả các hoạt động nói trên...Loài người có lẽ sẽ không bao giờ giải đáp nổi tất cả những bí ẩn riêng biệt hiện diện trong bộ óc” (Scientific American). Giáo sư vật lý Raymo nói: “Thành thật mà nói, chúng ta vẫn không biết nhiều về cách thức mà bộ óc con người thâu trữ các dữ kiện, hoặc làm sao nó có thể gợi lại những kỷ niệm bất cứ lúc nào ta muốn...Số tế bào thần kinh trong bộ óc con người có thể lên tới một trăm tỷ. Mỗi tế bào thông tin với hàng ngàn tế bào khác qua các điểm tiếp hợp (synapse) sắp xếp giống như những cây. Khả năng giao tiếp của chúng thật là cực kỳ phức tạp”.

23, 24. Hãy kể một vài bộ phận trong cơ thể được cấu tạo một cách kỳ diệu, và một kỹ sư đã nói gì?

23 Con mắt của bạn chính xác và thích ứng tốt hơn bất cứ máy ảnh nào; thật ra con mắt là một máy quay phim có khả năng tự động điều chỉnh và có thể thâu hình màu di động. Tai của bạn có thể thâu nhận nhiều loại âm thanh khác nhau và giúp bạn nhận thức về phương hướng và vị thế thăng bằng. Trái tim của bạn là một máy bơm với nhiều khả năng đến nỗi các kỹ sư giỏi nhất không thể nào chế tạo được cái giống như vậy. Ngoài ra, các bộ phận khác của thân thể bạn cũng là tuyệt diệu: cái mũi, lưỡi và bàn tay của bạn cũng như hệ thống tuần hoàn và hệ thống tiêu hóa của bạn, ấy là chỉ kể vài thứ.

24 Vì vậy, một kỹ sư được mướn để thiết kế và chế tạo một máy điện toán lớn đã suy luận: “Nếu máy điện toán của tôi đòi hỏi phải có một nhà thiết kế, vậy thì cơ thể con người tôi giống một cái máy thật phức tạp gồm có các chất lý-hóa-sinh tất phải đòi hỏi một nhà thiết kế nhiều hơn tới mức nào—vậy mà cơ thể con người tôi so với vũ trụ hầu như vô tận thì chỉ là một vật cực kỳ nhỏ bé?”

25, 26. Đấng Tạo hóa Vĩ đại tất có thể nói cho chúng ta biết gì?

25 Giống như người ta có một mục đích trong trí khi chế tạo máy bay, máy điện toán, xe đạp và nhiều máy móc khác, thì Đấng Tạo hóa của bộ óc và thân thể con người hẳn phải có một ý định nào khi tạo ra chúng ta. Và Đấng Tạo hóa này cũng phải có sự khôn ngoan siêu việt so với loài người, vì không một ai trong chúng ta có thể bắt chước làm được những thứ như Ngài làm. Vì thế điều rất hợp lý là chính Ngài có thể nói cho chúng ta biết tại sao Ngài đã dựng nên chúng ta, tại sao Ngài đã đặt chúng ta trên mặt đất và chúng ta sẽ đi về đâu.

26 Khi chúng ta học biết những điều đó, lúc ấy chúng ta có thể dùng bộ óc và thân thể kỳ diệu mà Đức Chúa Trời ban cho để thực hiện mục đích trong đời sống. Nhưng chúng ta có thể học biết ở đâu về các ý định của Ngài? Ngài cho chúng ta những tin tức này ở đâu?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 7]

Cách tốt nhất để biết tại sao một vật gì được chế tạo là hỏi chính nhà chế tạo đó

[Hình nơi trang 8]

Người ta có thể nhìn thấy sự phức tạp và sự cấu tạo các sinh vật trong phân tử DNA

[Hình nơi trang 9]

“Bộ óc con người có thể giải quyết những vấn đề vượt quá khả năng của máy điện toán tối tân nhất”