Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao có nhiều đau khổ và bất công đến thế?

Tại sao có nhiều đau khổ và bất công đến thế?

Phần 6

Tại sao có nhiều đau khổ và bất công đến thế?

1, 2. Xét thấy những gì nhân loại đã trải qua, ta có thể nêu ra những câu hỏi nào?

1 Tuy nhiên, nếu Thượng Đế có ý định cho những người hoàn toàn được sống đời đời trên đất trong những điều kiện hoàn hảo của địa đàng và nếu Ngài vẫn có ý định đó thì tại sao bây giờ ta không thấy địa đàng gì cả? Tại sao loài người lại phải trải qua hàng bao nhiêu thế kỷ đau khổ và bất công?

2 Chắc chắn lịch sử nhân loại đầy dẫy những sự khốn khổ gây ra bởi chiến tranh, các cuộc chinh phục của đế quốc, sự bóc lột, bất công, nghèo đói, tai họa, bệnh tật và sự chết. Tại sao lại có nhiều điều dữ đến thế xảy ra cho biết bao nạn nhân vô tội? Nếu Thượng Đế là Đấng Toàn năng, tại sao Ngài lại cho phép nhiều sự đau khổ đến thế trải qua hàng ngàn năm như vậy? Vì Đức Chúa Trời đã cấu tạo và sắp đặt vũ trụ khéo léo như vậy, tại sao Ngài lại để cho có sự vô trật tự và hủy hoại diễn ra trên trái đất?

Một ví dụ

3-5. a) Ví dụ nào có thể giúp chúng ta hiểu lý do tại sao một Đức Chúa Trời của sự trật tự lại cho phép sự vô trật tự trên trái đất? b) Trong số những lý do đưa ra để giải thích, lý do nào phù hợp với tình thế của trái đất?

3 Chúng ta hãy thử dùng một ví dụ để hình dung xem tại sao một Đức Chúa Trời của sự trật tự lại cho phép sự vô trật tự diễn ra trên đất. Hãy thử tưởng tượng bạn đang đi vào một cánh rừng và chợt thấy một căn nhà. Khi bạn xem xét căn nhà thì thấy nhà đó bừa bãi, lộn xộn quá: cửa sổ thì vỡ, mái nhà thì hư hại nghiêm trọng, hiên bằng gỗ thì đầy những lỗ hổng, cửa thì treo trên một bản lề và ống dẫn nước không dùng được nữa.

4 Đứng trước mọi khuyết điểm ấy, bạn sẽ kết luận rằng không thể nào có một người thông minh nào đó đã xây cất căn nhà đó chăng? Sự vô trật tự có khiến bạn quả quyết rằng cái nhà đó chẳng qua chỉ do sự ngẫu nhiên mà ra sao? Hoặc giả nếu bạn kết luận rằng có người nào đó đã thiết kế và xây cất cái nhà đó, thì bạn sẽ nghĩ rằng người đó hẳn không có tài năng và không có đầu óc suy nghĩ chăng?

5 Nhưng khi bạn xem xét kỹ hơn về kiến trúc, bạn thấy rằng cái nhà đó ban đầu được xây cất rất khéo léo và chứng tỏ đã được chăm lo chu đáo. Nhưng bây giờ cái nhà đó bị hư hại và sắp bị đổ nát. Những khuyết điểm và vấn đề có thể là dấu hiệu của điều gì? Có thể là 1) chủ nhà đã chết; 2) chủ nhà đã xây cất nhà rất tốt nhưng bây giờ không còn chú tâm đến cái nhà này nữa; hay 3) chủ nhà đã tạm thời cho người ta thuê nhà, nhưng người thuê nhà vô ơn không biết trọng tài sản. Điều thứ ba này tương tự với tình thế của trái đất.

Tình trạng xấu đã bắt đầu thế nào

6, 7. Điều gì đã xảy đến cho A-đam và Ê-va khi họ phạm luật của Đức Chúa Trời?

6 Qua sự ghi chép hồi ban đầu trong Kinh-thánh, chúng ta được biết rằng Đức Chúa Trời không có ý định để cho loài người phải chịu đau khổ hay phải chết. Tổ tiên chúng ta, A-đam và Ê-va, đã chết chỉ bởi vì họ không vâng lời Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký đoạn 2 và 3). Khi họ không vâng lời, họ không còn làm theo ý Đức Chúa Trời nữa. Họ đã rút lui ra khỏi sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Thực thế, họ đã tự ý cắt đứt liên lạc với Đức Chúa Trời, “nguồn của sự sống” (Thi-thiên 36:9).

7 Giống như một cái máy chạy chậm dần và dừng lại khi cắt đứt khỏi nguồn điện lực, cơ thể và trí óc họ bị thoái hóa đi. Hậu quả là A-đam và Ê-va bị suy yếu, già nua và cuối cùng phải chết. Điều gì xảy ra khi đó? Họ trở về nơi mà từ đó họ đã ra: “Ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi”. Đức Chúa Trời đã cảnh cáo họ rằng hậu quả của việc bất tuân luật pháp của Ngài sẽ là sự chết: ‘Ngươi chắc chắn sẽ chết’ (Sáng-thế Ký 2:17; 3:19).

8. Tội lỗi của tổ tiên chúng ta đã ảnh hưởng đến gia đình nhân loại như thế nào?

8 Không phải chỉ có tổ tiên chúng ta phải chết, mà tất cả con cháu họ, tức toàn thể dòng giống loài người cũng phải chịu phục sự chết. Tại sao vậy? Bởi vì theo luật về di truyền thì cha mẹ truyền cho con cái những đặc tính của họ. Do đó tất cả con cháu của A-đam và Ê-va đã thừa hưởng sự bất toàn và sự chết. Rô-ma 5:12 nói với chúng ta: “Bởi một người [tức A-đam, tổ phụ nhân loại], mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội [vì thừa hưởng sự bất toàn, nghĩa là các khuynh hướng tội lỗi]”. Và bởi vì người ta chỉ biết đến tội lỗi, sự bất toàn và sự chết, cho nên một số người xem đó là điều tự nhiên và không thể tránh được. Nhưng những người đầu tiên đã được tạo ra với khả năng và ước muốn được sống đời đời. Đó là lý do tại sao phần lớn người ta cảm thấy thất vọng trước viễn ảnh là sự chết sẽ cắt đứt đời sống họ.

Tại sao lâu thế?

9. Tại sao Đức Chúa Trời đã cho phép sự đau khổ tiếp diễn lâu đến thế?

9 Tại sao Đức Chúa Trời đã để cho loài người đi theo đường lối riêng của họ lâu đến thế? Tại sao Ngài lại cho phép sự đau khổ tiếp diễn qua biết bao thế kỷ như vậy? Một lý do cốt yếu là vì có một vấn đề hết sức quan trọng đã được nêu lên: Ai có quyền cai trị? Đức Chúa Trời có phải là Đấng Cai trị nhân loại không, hay họ có thể tách rời khỏi Ngài mà vẫn thành công trong việc tự cai trị lấy mình?

10. Loài người đã được ban cho khả năng gì, nhưng với trách nhiệm gì?

10 Nhân loại đã được tạo ra với quyền tự do lựa chọn, nghĩa là với khả năng lựa chọn. Họ không được tạo ra như người máy hoặc như thú vật được dẫn dắt phần lớn bằng bản năng. Vậy loài người có thể chọn lựa sẽ phục vụ ai (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19; II Cô-rinh-tô 3:17). Do đó Lời của Đức Chúa Trời khuyên: “Hãy ăn-ở như người tự-do, nhưng chớ dùng tự-do làm cái màn che sự hung-ác, song phải coi mình là tôi-mọi Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 2:16). Tuy nhiên, trong khi loài người được sự ban cho tuyệt diệu là sự tự do lựa chọn, họ cũng phải nhận lấy các hậu quả của sự lựa chọn của mình.

11. Có cách duy nhất nào để tìm biết xem con đường độc lập khỏi Đức Chúa Trời có thể thành công hay không?

11 Tổ tiên của chúng ta đã lựa chọn sai lầm. Họ đã chọn con đường độc lập khỏi Đức Chúa Trời. Thật ra, Đức Chúa Trời đã có thể giết cặp vợ chồng phản nghịch ngay lập tức sau khi họ lạm dụng sự tự do lựa chọn của họ. Nhưng làm thế sẽ không giải quyết được vấn đề liên quan đến quyền cai trị của Đức Chúa Trời trên nhân loại. Vì cặp vợ chồng đầu tiên muốn được độc lập khỏi Đức Chúa Trời, câu hỏi cần được giải đáp là: Có thể nào con đường ấy sẽ dẫn đến một đời sống hạnh phúc và thành công hay không? Cách duy nhất để biết câu trả lời là để cho tổ tiên chúng ta và con cháu họ đi theo con đường riêng của họ, vì chính họ đã lựa chọn như thế. Thời gian sẽ chứng tỏ là con người có được tạo ra để tự cai trị độc lập khỏi Đấng Tạo hóa của mình mà thành công được hay không.

12. Giê-rê-mi đã nói gì về sự cai trị của loài người, và tại sao lại như vậy?

12 Người viết Kinh-thánh là Giê-rê-mi đã biết hậu quả sẽ là gì. Dưới sự hướng dẫn của thánh linh mạnh mẽ của Đức Chúa Trời tức sinh hoạt lực của Ngài, ông đã viết thật đúng: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biết đường loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn đưa bước của mình. Hỡi Đức Giê-hô-va, vậy xin hãy sửa-trị tôi” (Giê-rê-mi 10:23, 24). Ông biết rằng loài người cần phải được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời đến từ trên cao. Tại sao vậy? Lý do giản dị là vì Đức Chúa Trời không hề tạo ra loài người để sống thành công nếu tách rời khỏi sự hướng dẫn của Ngài.

13. Hậu quả của hàng ngàn năm dưới sự cai trị của loài người đã chứng tỏ điều gì cách không chối cãi được?

13 Hậu quả của hàng ngàn năm dưới sự cai trị của loài người chứng tỏ cách không chối cãi được rằng loài người không có quyền tự điều khiển các công việc của mình tách rời khỏi Đấng Tạo hóa. Bởi vì họ cố làm thế, họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các hậu quả bi thảm. Kinh-thánh nêu rõ điều này: “Công-việc của Hòn-Đá [tức Đức Chúa Trời] là trọn-vẹn; vì các đường-lối Ngài là công-bình. Ấy là Đức Chúa Trời thành-tín và vô-tội; Ngài là công-bình và chánh-trực. Chúng đáng mang xấu-hổ, vì đã phản Ngài, chẳng phải là con trai của Ngài nữa: quả là một dòng-dõi gian-tà và điên-đảo” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4, 5).

Đức Chúa Trời sắp sửa can thiệp

14. Tại sao Đức Chúa Trời sẽ không trì hoãn việc can thiệp vào các công việc của loài người?

14 Sau khi đã cho phép một thời gian đầy đủ để chứng tỏ sự thất bại của loài người trong việc tự cai trị qua bao nhiêu thế kỷ nay, giờ đây Đức Chúa Trời có thể can thiệp vào các công việc của loài người và chấm dứt sự đau khổ, buồn rầu, bệnh tật và sự chết. Sau khi đã cho phép loài người đi đến tột điểm những thành tích của họ về mặt khoa học, kỹ nghệ, y khoa và các lãnh vực khác, Đức Chúa trời không cần cho phép loài người thêm nhiều thế kỷ nữa để sống độc lập khỏi Đấng Tạo hóa của họ hầu chứng tỏ xem họ có thể đem lại hay không một thế giới thanh bình như địa đàng. Họ đã không thành công và sẽ không thể thành công được. Sự độc lập khỏi Đức Chúa Trời đã dẫn đến hậu quả là một thế giới rất xấu xa, đầy thù hằn và giết chóc.

15. Chúng ta nên nghe theo lời khuyên nào của Kinh-thánh?

15 Trong khi đã có những nhà cai trị thành thật mong ước giúp đỡ nhân loại, các nỗ lực của họ đã không đạt được kết quả mong muốn. Ngày nay khắp nơi đều có bằng chứng rằng sự cai trị của loài người đã thất bại. Đó là lý do tại sao Kinh-thánh khuyên: “Chớ nhờ-cậy nơi các vua-chúa, cũng đừng nhờ-cậy nơi con loài người, là nơi không có sự tiếp-trợ” (Thi-thiên 146:3).

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 24, 25]

Ngay cả những nhà cai trị thành thật của thế gian đã không thể đem lại một thế giới thanh bình như địa đàng