Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Điềm của ngày sau rốt

Điềm của ngày sau rốt

Chương 111

Điềm của ngày sau rốt

LÚC bấy giờ là chiều Thứ Ba. Giê-su đang ngồi trên núi Ô-li-ve nhìn xuống đền thờ ở phía dưới, thì có Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng đến gặp riêng ngài. Họ quan tâm về chuyện Giê-su vừa nói là đền thờ sẽ bị hủy diệt, chẳng còn một hòn đá nào ở trên một hòn đá nào nữa.

Nhưng chắc hẳn họ còn nghĩ ngợi về chuyện khác nữa khi đến gặp Giê-su. Vì trước đó vài tuần, ngài đã bàn về “sự hiện diện” của mình, lúc mà “Con người hiện ra”. Và trước đó nữa, ngài cũng nói đến “sự kết liễu của hệ thống mọi sự này”. Bởi vậy các sứ đồ rất tò mò muốn biết.

Họ bèn hỏi Giê-su: “Xin Chúa phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó [Giê-ru-sa-lem và đền thờ bị hủy phá] sẽ xảy ra? và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến [hiện diện, NW] và tận-thế [sự kết liễu của hệ thống mọi sự này, NW]”. Thật ra, câu hỏi ấy gồm có ba phần. Trước hết họ muốn biết về sự hủy phá thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ, kế đến là sự hiện diện của Giê-su trong quyền hành Nước Trời, và sau hết là sự kết liễu của toàn thể hệ thống mọi sự này.

Trong lời giải đáp khá dài, Giê-su trả lời đủ ba phần của câu hỏi đó. Ngài cho biết một điềm đánh dấu khi nào hệ thống mọi sự của Do Thái sẽ chấm dứt. Nhưng ngài đi xa hơn nữa. Ngài còn cho biết một điềm giúp môn đồ tương lai của ngài nhận biết được họ đang sống trong thời kỳ ngài hiện diện và thời kỳ gần kề sự kết liễu của toàn thể hệ thống mọi sự này.

Nhiều năm trôi qua, các sứ đồ đã chứng kiến lời tiên tri của Giê-su được ứng nghiệm. Thật vậy, những điều Giê-su báo trước đã bắt đầu diễn ra vào thời các sứ đồ. Quả thế, 37 năm sau, tức vào năm 70 công nguyên, các tín đồ đấng Christ còn sống đều không lấy làm ngạc nhiên khi đền thờ và cả hệ thống Do Thái bị hủy diệt.

Tuy thế, sự hiện diện của đấng Christ không xảy ra vào năm 70 công nguyên. Sự hiện diện của đấng Christ trong quyền hành Nước Trời xảy ra rất lâu sau đó. Nhưng khi nào? Chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời khi xem xét lời tiên tri của Giê-su.

Giê-su báo trước sẽ có “giặc và tiếng đồn về giặc”, “dân này sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác” và sẽ có đói-kém, động đất và dịch-lệ. Môn đồ ngài sẽ bị người ta thù ghét và sát hại. Tiên tri giả sẽ nổi lên và lường gạt nhiều người. Sự khinh thường luật pháp sẽ gia tăng và lòng yêu thương của đại đa số sẽ nguội lần. Tin mừng về Nước Trời đồng thời sẽ được rao truyền để làm chứng cho muôn dân.

Mặc dù lời tiên tri của Giê-su đã ứng nghiệm trong một phạm vi nhỏ trước khi Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ vào năm 70 công nguyên, nhưng sự ứng nghiệm chính yếu là trong thời kỳ ngài hiện diện và trong thời kỳ kết liễu của hệ thống mọi sự này. Khi cẩn thận xem xét lại các biến cố trên thế giới từ năm 1914 đến nay, chúng ta sẽ thấy rõ lời tiên tri rất quan trọng của Giê-su đã có sự ứng nghiệm chính yếu kể từ năm ấy đến nay.

Một yếu tố khác của điềm mà Giê-su đã cho biết là sự xuất hiện của vật “gớm-ghiếc tàn-nát [gây điêu tàn, NW ]”. Vào năm 66, vật gớm ghiếc ấy xuất hiện dưới dạng “quân-lính vây thành”, tức quân đội La Mã bao vây Giê-ru-sa-lem và phá vách đền thờ. “[Vật] gớm-ghiếc” đứng ở một nơi không phải chỗ của nó.

Trong sự ứng nghiệm chính yếu của điềm, vật gớm ghiếc đó chính là Hội Quốc Liên và sau đó là Liên Hiệp Quốc. Tổ chức này nhằm đem lại hòa bình cho thế giới và được các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ xem như là thay thế cho Nước Trời. Thật gớm ghiếc làm sao! Bởi thế sẽ có ngày các cường quốc chính trị phối hợp với Liên Hiệp Quốc để tấn công các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ (tức Giê-ru-sa-lem theo nghĩa bóng) và hủy diệt chúng.

Chính vì thế, Giê-su báo trước: “Vì lúc ấy sẽ có hoạn-nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa”. Giê-ru-sa-lem bị hủy phá vào năm 70 quả thật là một đại nạn. Theo lời tường trình, có hơn một triệu người bị giết. Phần tiên tri ấy sẽ có sự ứng nghiệm chính yếu trên một bình diện rộng lớn hơn nhiều.

Vững lòng tin trong những ngày cuối cùng

Ngày Thứ Ba 11 Ni-san ấy sắp tàn, Giê-su vẫn tiếp tục nói chuyện với các sứ đồ về điềm cho biết sự hiện diện của ngài trong quyền hành Nước Trời và sự kết liễu của hệ thống mọi sự này. Ngài cảnh giác họ về hiểm họa đi theo những kẻ giả danh đấng Christ. Ngài bảo “nếu có thể được” thì họ cũng sẽ mưu toan “dỗ-dành chính những người được chọn”. Nhưng, giống như chim ó có thể nhìn rất xa, những người được chọn nói trên sẽ tụ họp lại tại nơi có thức ăn thiêng liêng thật, đó là cùng họp lại với đấng Christ khi ngài hiện diện mà mắt thường không thể thấy được. Họ sẽ không bị lạc lối hoặc tụ tập theo một người nào giả danh đấng Christ.

Những người giả danh đấng Christ chỉ có thể xuất hiện một cách hữu hình. Ngược lại sự hiện diện của đấng Christ sẽ là vô hình. Giê-su nói rằng khi hoạn nạn lớn bùng nổ thì: “Mặt trời liền tối-tăm, mặt trăng không sáng”. Đúng vậy, đó sẽ là một giai đoạn đen tối nhất của lịch sử, như thể mặt trời ban ngày bị tối tăm, và mặt trăng ban đêm chẳng có ánh sáng.

Giê-su nói tiếp: “Thế-lực của các từng trời rúng-động”. Ngài muốn ám chỉ bầu trời theo nghĩa đen sẽ có một sắc thái lạ lùng. Sự sợ hãi và bạo lực sẽ vượt đến một mức độ chưa từng thấy trong lịch sử loài người.

Giê-su cho biết kết quả là “dân các nước sầu-não rối-loạn vì biển nổi tiếng om-sòm và sóng-đào. Người ta nhơn trong khi đợi việc hung-dữ xảy ra cho thế-gian, thì thất-kinh mất vía”. Thật vậy, khi giai đoạn đen tối nhất của nhân loại gần đến lúc kết thúc, “điềm Con người sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân-tộc dưới đất sẽ đấm ngực”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đều than thở khi ‘Con người lấy đại quyền đến’ để hủy diệt hệ thống mọi sự ác này. “Những người được chọn” tức 144.000 người có phần với đấng Christ trong Nước Trời cũng như những bạn đồng hành của họ, tức những người mà Giê-su gọi là “chiên khác” sẽ đều không than thở. Mặc dầu sống trong giai đoạn đen tối nhất của lịch sử nhân loại, những người đó đáp ứng lời Giê-su khuyến khích: “Chừng nào các việc đó khởi xảy đến, hãy đứng thẳng lên, ngước đầu lên, vì sự giải-cứu của các ngươi gần tới”.

Để giúp các môn đồ ngài sống trong ngày sau rốt có thể xác định khi hệ thống mọi sự này sắp sửa kết liễu, Giê-su minh họa: “Hãy xem cây vả và các cây khác; khi nó mới nứt lộc, các ngươi thấy thì tự biết rằng mùa hạ gần đến. Cũng vậy, khi các ngươi thấy những điều ấy xảy ra, hãy biết nước Đức Chúa Trời gần đến. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, dòng-dõi [thế hệ, NW ] nầy chẳng qua trước khi mọi sự kia chưa xảy đến”.

Vì thế, khi môn đồ ngài trông thấy nhiều yếu tố của điềm được ứng nghiệm, họ sẽ hiểu rằng hệ thống mọi sự này sắp chấm dứt và Nước Trời sắp sửa tiêu diệt mọi sự gian ác. Quả thực, sự cuối cùng sẽ đến trong đời của những người chứng kiến sự ứng nghiệm của những điều mà Giê-su đã báo trước! Giê-su cảnh giác các môn đồ sống trong những ngày cuối cùng nghiêm trọng này:

“Hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá-độ, sự say-sưa và sự lo-lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê-mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình-lình trên các ngươi như lưới bủa; vì ngày đó sẽ đến cho mọi người ở khắp trên mặt đất cũng vậy. Vậy, hãy tỉnh-thức luôn và cầu-nguyện, để các ngươi được tránh khỏi các tai-nạn sẽ xảy ra, và đứng trước mặt Con người”.

Trinh nữ khôn và trinh nữ dại

Giê-su đã trả lời câu hỏi của các sứ đồ về điềm cho thấy sự hiện diện của ngài trong quyền hành Nước Trời. Bây giờ, ngài cho họ biết các đặc điểm khác của điềm qua ba sự minh họa, hay chuyện ví dụ.

Những người sống vào thời kỳ Giê-su hiện diện sẽ thấy sự ứng nghiệm của mỗi minh họa đó. Ngài mở đầu minh họa thứ nhất như sau: “Nước thiên-đàng sẽ giống như mười người nữ đồng-trinh kia cầm đèn đi rước chàng rể. Trong các nàng đó, có năm người dại và năm người khôn”.

Khi nói “nước thiên-đàng sẽ giống như mười người nữ đồng-trinh”, Giê-su không có ý nói phân nửa những người thừa kế Nước Trời là khôn, và phân nửa là dại đâu! Ngài muốn nói là có đặc điểm thế này, thế nọ liên quan đến Nước Trời, hay những vấn đề liên quan đến Nước Trời sẽ như thế này, thế nọ.

Mười trinh nữ tượng trưng cho tất cả tín đồ đấng Christ có hy vọng hoặc cho mình có hy vọng dự phần vào Nước Trời. Vào Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên, hội thánh tín đồ đấng Christ được hứa gả cho Chàng Rể vinh hiển là Giê-su Christ, đấng đã được sống lại. Nhưng hôn lễ sẽ cử hành ở trên trời vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Trong lời minh họa này, mười trinh nữ ra đón chàng rể để chào mừng chàng và nhập vào đoàn rước dâu. Khi chàng đến, các nàng sẽ đốt đèn soi đường cho đoàn rước dâu, làm chàng được vinh dự khi đưa cô dâu về ngôi nhà đã được chuẩn bị cho nàng. Tuy nhiên, Giê-su nói tiếp: “Người dại khi cầm đèn thì không đem dầu theo cùng mình. Song người khôn khi cầm đèn đi thì đem dầu theo trong bình mình. Vì chàng rể đến trễ, nên các nàng thảy đều buồn ngủ và ngủ gục”.

Việc chàng rể đến muộn cho thấy thời điểm đấng Christ hiện diện với tư cách là vị vua cai trị hãy còn ở xa trong tương lai. Cuối cùng, ngài được lên ngôi vào năm 1914. Trong đêm dài trước đó, tất cả các trinh nữ đều ngủ thiếp đi mất. Tuy nhiên việc đó không đáng trách. Các trinh nữ dại bị kết tội vì không đem dầu theo. Giê-su nói tiếp: “Đến khuya, có tiếng kêu rằng: Kìa, chàng rể đến, hãy đi ra rước người! Các nữ đồng-trinh bèn thức dậy cả, sửa-soạn đèn mình. Các người dại nói với các người khôn rằng: Xin bớt dầu của các chị cho chúng tôi, vì đèn chúng tôi gần tắt. Nhưng các người khôn trả lời rằng: Không, e chẳng đủ cho chúng tôi và các chị; thà các chị hãy đi đến người bán dầu mà mua”.

Dầu tượng trưng cho những gì giúp tín đồ đấng Christ chiếu sáng như đuốc. Đó chính là Lời Đức Chúa Trời được soi dẫn mà các tín đồ nắm vững, cùng với thánh linh giúp họ hiểu được Lời đó. Dầu thiêng liêng này giúp cho các trinh nữ khôn có thể soi sáng trong khi đón tiếp chàng rể trên đường đi với đoàn người đến tiệc cưới. Nhưng lớp người trinh nữ dại không đem theo trong bình thứ dầu thiêng liêng cần thiết ấy. Vì thế Giê-su miêu tả điều xảy ra:

“Song trong khi [các trinh nữ dại] đang đi mua [dầu], thì chàng rể đến; kẻ nào chực sẵn, thì đi với người cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. Chặp lâu, những người nữ đồng-trinh khác cũng đến và xin rằng: Hỡi Chúa, hỡi Chúa, xin mở cho chúng tôi! Nhưng người đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ta không biết các ngươi đâu”.

Sau khi đấng Christ đến trong Nước Trời ở trên trời, các tín đồ thật và được xức dầu của đấng Christ, tức lớp người trinh nữ khôn, ý thức được mình có đặc ân chiếu sáng trong thế giới tối tăm này để ca ngợi Chàng Rể đã trở lại. Tuy nhiên những người tượng trưng bởi các trinh nữ dại đã không sửa soạn để ca ngợi đón tiếp chàng rể. Do đó khi thời điểm đến, đấng Christ không mở cửa cho họ vào dự tiệc cưới trên trời. Ngài bỏ họ bên ngoài, giữa đêm khuya tối tăm nhất của thế gian này, cho họ bị hủy diệt chung với những kẻ khinh thường luật pháp. Giê-su kết luận: “Vậy, hãy tỉnh-thức, vì các ngươi không biết ngày, cũng không biết giờ”.

Ví dụ về các ta-lâng

Giê-su tiếp tục nói chuyện với các sứ đồ trên núi Ô-li-ve. Ngài cho họ một minh họa khác, tức chuyện ví dụ thứ nhì trong một loạt ba câu chuyện. Vài hôm trước đó, tại Giê-ri-cô, ngài kể chuyện ví dụ về các nén bạc để cho thấy Nước Trời hãy còn ở xa trong tương lai. Lần này, tuy có vài điểm tương tợ, nhưng chuyện ví dụ này miêu tả những sự kiện sẽ diễn ra khi Giê-su hiện diện trong quyền hành Nước Trời. Chuyện ví dụ này cho thấy rằng môn đồ ngài khi còn sống trên đất thì phải làm cho “của-cải [ngài]” sanh lợi.

Giê-su bắt đầu: “Vả, [các hoàn cảnh liên quan đến Nước Trời] sẽ giống như một người kia, khi đi đường xa, gọi các đầy-tớ mà giao của-cải mình”. Giê-su chính là người sắp phải đi xa, tức lên trời, đã giao lại sản nghiệp cho các đầy tớ, tức là các môn đồ của ngài có triển vọng được cai trị Nước Trời ở trên trời. Sản nghiệp ấy không phải là của cải vật chất, nhưng sản nghiệp ấy tượng trưng cho một cánh đồng mà Giê-su đã trồng trọt để có thể sản xuất thêm nhiều môn đồ nữa.

Giê-su đã giao sản nghiệp của mình cho các đầy tớ không lâu trước khi lên trời. Ngài đã giao ra sao? Bằng cách truyền cho họ phải tiếp tục canh tác cánh đồng ấy, tức rao truyền thông điệp Nước Trời đến tận cùng trái đất. Như ngài nói: “Chủ đó cho người nầy năm ta-lâng, người kia hai, người khác một, tùy theo tài mỗi người; đoạn, chủ lên đường”.

Tám đồng ta-lâng tượng trưng sản nghiệp của đấng Christ được phân chia tùy theo tài, có nghĩa tùy theo khả năng về thiêng liêng của mỗi đầy tớ. Các đầy tớ tượng trưng cho nhiều hạng môn đồ khác nhau. Vào thế kỷ thứ nhất, hạng môn đồ nhận được năm ta-lâng hiển nhiên gồm các sứ đồ. Tiếp đó, Giê-su cho biết các đầy tớ nhận năm và hai ta-lâng đều đã sanh lợi gấp đôi qua việc rao truyền Nước Trời và đào tạo thêm môn đồ. Tuy nhiên, người đầy tớ nhận một ta-lâng đã đem tiền đi chôn.

Giê-su nói tiếp: “Cách lâu ngày, chủ của những đầy-tớ ấy trở về khiến họ tính sổ”. Cho đến thế kỷ 20 này, tức khoảng 1900 năm sau, đấng Christ mới trở lại để tính sổ với họ. Vậy quả thật là “cách lâu ngày”. Giê-su giải thích:

“Người đã nhận năm ta-lâng bèn đến, đem năm ta-lâng khác nữa, và thưa rằng: Lạy chúa, chúa đã cho tôi năm ta-lâng; đây nầy, tôi làm lợi ra được năm ta-lâng nữa. Chủ nói với người rằng: Hỡi đầy-tớ ngay-lành trung-tín kia, được lắm; ngươi đã trung-tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi-sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui-mừng của chúa ngươi”. Người nhận hai ta-lâng cũng làm lợi ra được hai ta-lâng nữa và cũng được chủ khen thưởng giống vậy.

Nhưng các đầy tớ ấy hưởng sự vui mừng của chúa như thế nào? Sự vui mừng của chúa họ, tức Giê-su Christ, là nhận được Nước Trời khi ngài đi xa, tức lên trời với Cha mình. Đối với các đầy tớ trung thành của thời kỳ hiện đại, họ rất vui mừng được giao phó thêm trách nhiệm liên quan đến Nước Trời, và khi chấm dứt đời sống trên đất, họ sẽ vui mừng tột bực vì được sống lại trong Nước trên trời. Nhưng còn người đầy tớ thứ ba thì sao?

Người này than phiền: “Lạy chúa, tôi biết chúa là người nghiêm-nhặt... nên tôi sợ mà đi giấu ta-lâng của chúa ở dưới đất; đây nầy, vật của chúa xin trả cho chúa”. Người đầy tớ này cố ý từ chối làm việc trong cánh đồng, tức rao giảng và đào tạo môn đồ. Vì vậy người chủ gọi hắn là “đầy-tớ dữ và biếng-nhác” và tuyên án: “Các ngươi hãy lấy ta-lâng của người nầy... Còn tên đầy-tớ vô-ích đó, hãy quăng nó ra ngoài là chỗ tối-tăm, ở đó sẽ có khóc-lóc và nghiến răng”. Bị ném ra ngoài như thế, những kẻ thuộc lớp đầy tớ gian ác bị tước hết mọi niềm vui mừng thiêng liêng.

Đó là một bài học nghiêm trọng cho tất cả những ai tự cho mình là tín đồ đấng Christ. Nếu họ muốn được ngài khen thưởng và tránh bị quăng ra nơi tối tăm bên ngoài và cuối cùng bị hủy diệt, họ phải làm việc để sanh lợi cho gia tài của Chúa trên trời bằng cách tham gia hết mình trong công việc rao giảng. Bạn có tích cực làm thế không?

Khi đấng Christ đến trong quyền hành Nước Trời

Giê-su vẫn còn ở trên núi Ô-li-ve với các sứ đồ. Để đáp lời họ yêu cầu, ngài cho họ biết về điềm của sự hiện diện ngài và sự kết liễu của hệ thống mọi sự, ngài bấy giờ kể chuyện cuối cùng trong một loạt ba câu chuyện minh họa. Ngài bắt đầu như sau: “Khi Con người ngự trong sự vinh-hiển mình mà đến với các thiên-sứ thánh, thì ngài sẽ ngồi trên ngôi vinh-hiển của ngài”.

Giê-su đến vào lúc hệ thống mọi sự này sắp kết liễu. Nhưng mục đích là gì? Giê-su giải thích: “Muôn dân nhóm lại trước mặt ngài, rồi ngài sẽ chia người nầy với người khác ra, như kẻ chăn chiên chia chiên với dê ra; để chiên ở bên hữu và dê ở bên tả”.

Luận về những gì sẽ đến cho các chiên, Giê-su nói: “Bấy giờ, vua sẽ phán cùng những kẻ ở bên hữu rằng: Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên-đàng đã sắm-sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất”. Chiên trong câu chuyện minh họa này sẽ không cùng đấng Christ cai trị trên trời, nhưng họ thừa hưởng Nước Trời theo nghĩa họ sẽ trở thành thần dân sống trên đất. “Khi dựng nên trời đất [lập nên thế gian, NW ]” có nghĩa là khi A-đam và Ê-va bắt đầu sanh con đẻ cái, là những người có thể được lợi ích qua sự sắp đặt của Đức Chúa Trời nhằm cứu chuộc nhân loại.

Nhưng tại sao các chiên lại được để ở bên hữu, tức vị thế được Vua ban cho ân huệ? Vua đáp: “Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các người đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp-rước ta; ta trần-truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi viếng ta”.

Vì sống trên đất nên các chiên muốn biết xem làm sao họ đã có thể thực hiện những việc tốt lành như thế đối với Vua trên trời. Họ hỏi: “Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống? Lại khi nào chúng tôi đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp-rước; hoặc trần-truồng mà mặc cho? Hay là khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đau, hoặc bị tù, mà đi thăm-viếng Chúa?”

Vua đáp: “Quả thật ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn-mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy”. Những anh em của đấng Christ chính là những người còn sống ở trên đất, thuộc thành phần còn sót lại của số 144.000 người và trong tương lai sẽ cai trị với ngài ở trên trời. Và Giê-su nói ai tốt với họ cũng như tốt với ngài vậy.

Tiếp đó, Vua phán cùng các dê: “Hỡi kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi ta; đi vào lửa đời đời đã sắm-sẵn cho ma-quỉ và những quỉ-sứ nó. Vì ta đã đói, các ngươi không cho ăn; ta khát, các ngươi không cho uống; ta là khách lạ, các ngươi không tiếp-rước; ta trần-truồng, các ngươi không mặc cho ta; ta đau và bị tù, các ngươi không thăm-viếng”.

Tuy nhiên, các dê than phiền: “Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa, hoặc đói, hoặc khát, hoặc làm khách lạ, hoặc trần-truồng, hoặc đau-ốm, hoặc bị tù mà không hầu việc Ngài ư?” Ngài dùng một căn bản để xét xử chiên và dê; dê bị phạt còn chiên được thưởng. Giê-su đáp: “Hễ các ngươi không làm việc đó cho một người trong những người rất hèn-mọn nầy [anh em của ta], ấy là các ngươi cũng không làm cho ta nữa”.

Vì thế, sự hiện diện của đấng Christ trong quyền hành Nước Trời sẽ gồm có cả một thời kỳ phán xét. Điều này diễn ra ngay trước khi cơn đại nạn kết liễu hệ thống gian ác này. Các dê “sẽ vào hình-phạt đời đời, còn những người công-bình [các chiên] sẽ vào sự sống đời đời”. (Ma-thi-ơ 24:2 đến 25:46; 13:40, 49; Mác 13:3-37; Lu-ca 21:7-36; 19:43, 44; 17:20-30; II Ti-mô-thê 3:1-5; Giăng 10:16; Khải-huyền 14:1-3).

▪ Điều gì khiến các sứ đồ hỏi Giê-su, nhưng rõ ràng họ nghĩ về điều gì khác nữa?

▪ Phần nào trong lời tiên tri của Giê-su đã được ứng nghiệm vào năm 70 công nguyên, nhưng điều gì đã không xảy ra vào lúc đó?

▪ Lời tiên tri của Giê-su đã được ứng nghiệm lần đầu tiên khi nào, nhưng khi nào lời tiên tri đó có sự ứng nghiệm chính yếu?

▪ Vật gớm ghiếc là gì trong sự ứng nghiệm lần đầu, và là gì trong sự ứng nghiệm lần cuối?

▪ Khi Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt, tại sao lần đó không phải là lần ứng nghiệm cuối cùng của hoạn nạn lớn?

▪ Những tình trạng nào trên thế giới đánh dấu sự hiện diện của đấng Christ?

▪ “Mọi dân-tộc dưới đất sẽ đấm ngực” khi nào, nhưng tín đồ đấng Christ sẽ làm gì?

▪ Để giúp môn đồ tương lai của ngài biết khi hệ thống mọi sự này sắp sửa kết liễu, ▪ Giê-su cho những môn đồ sống trong ngày sau rốt lời khuyên nào?

▪ Mười trinh nữ tượng trưng cho ai?

▪ Hội thánh tín đồ đấng Christ được hứa gả cho chàng rể khi nào, nhưng khi nào chàng rể mới rước nàng đi dự tiệc cưới?

▪ Dầu tượng trưng cho những gì, và nhờ có dầu các trinh nữ khôn có thể làm gì?

▪ Tiệc cưới diễn ra ở đâu?

▪ Các trinh nữ dại mất phần thưởng lớn nào, và số phận của họ là gì?

▪ Câu chuyện ví dụ về các ta-lâng cho chúng ta bài học nào?

▪ Các đầy tớ là ai, và của cải mà họ được giao cho là gì?

▪ Khi nào người chủ về để tính sổ sách, và người thấy gì?

▪ Sự vui mừng mà các đầy tớ trung tín được hưởng là gì, và điều gì xảy ra cho đầy tớ thứ ba gian ác?

▪ Trong thời kỳ đấng Christ hiện diện, ngài làm công việc phán xét nào?

▪ Các chiên thừa hưởng Nước Trời theo nghĩa gì?

▪ “Khi dựng nên trời đất” là khi nào?

▪ Căn cứ trên điều gì người ta được cho là chiên hoặc bị coi là dê?