Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đi Giê-ru-sa-lem một cách bí mật

Đi Giê-ru-sa-lem một cách bí mật

Chương 65

Đi Giê-ru-sa-lem một cách bí mật

LÚC ấy là mùa thu năm 32 công nguyên, và sắp gần đến Lễ Lều tạm. Kể từ Lễ Vượt qua năm 31, khi người Do Thái định sát hại Giê-su, thì ngài giới hạn hoạt động của ngài đặc biệt trong vùng Ga-li-lê. Có thể là từ lúc đó ngài chỉ lên Giê-ru-sa-lem để dự ba lễ thường niên của người Do Thái mà thôi.

Giờ đây, các em trai của ngài thôi thúc: “Hãy đi khỏi đây, và qua xứ Giu-đê”. Giê-ru-sa-lem là thành phố chính của xứ Giu-đê và là trung tâm tôn giáo của cả nước. Các em trai ngài lập luận: “Khi nào người ta muốn tỏ mình ra, thì không ai làm kín-giấu việc gì”.

Dù rằng họ không tin Giê-su là đấng Mê-si, các em trai của ngài là Gia-cơ, Si-môn, Giô-sép và Giu-đa đều muốn anh mình cho đám đông người dự lễ thấy ngài có quyền năng làm phép lạ. Nhưng Giê-su ý thức được mối nguy hiểm và nói: “Thế-gian chẳng ghét các ngươi được; nhưng ghét ta, vì ta làm chứng nầy về họ rằng công-việc họ là ác”. Vậy nên ngài bảo các em mình: “Các ngươi hãy lên dự lễ nầy, còn ta chưa lên dự lễ đó”.

Lễ Lều tạm kéo dài bảy ngày. Vào ngày thứ tám, người ta làm một lễ khác rất là trịnh trọng để đánh dấu sự kết thúc của một năm canh nông, và cũng là để vui mừng và tạ ơn. Sau khi các em trai ra đi với đoàn lữ hành được mấy ngày, Giê-su và môn đồ bí mật lên đường không cho ai thấy. Họ đi đường qua xứ Sa-ma-ri, chứ không theo lộ trình người ta thường đi là dọc theo sông Giô-đanh.

Vì họ sẽ phải dừng chân và cần chỗ nghỉ ngơi tại một làng Sa-ma-ri nên Giê-su sai vài môn đồ đi trước tìm chỗ trọ. Nhưng khi nghe nói ngài sẽ đi thẳng lên Giê-ru-sa-lem, thì dân làng không ai chịu giúp đỡ gì hết. Tức giận, Gia-cơ và Giăng hỏi Giê-su: “Thưa Chúa, Chúa có muốn chúng tôi khiến lửa từ trên trời xuống thiêu họ chăng?” Giê-su quở trách họ về lời đề nghị ấy, rồi tất cả đi qua làng khác.

Đang khi đi đường, có một thầy thông giáo thưa cùng Giê-su: “Lạy thầy, thầy đi đâu, tôi sẽ theo đó”.

Giê-su đáp: “Con cáo có hang, chim trời có ổ, song Con người không có chỗ mà gối đầu”. Ngài giải thích cho người đó hiểu rằng muốn đi theo ngài thì phải chịu khó nhọc. Và dường như ngài có ý muốn nói rằng người đó còn quá kiêu hãnh, khó mà chấp nhận được lối sống này.

Sau đó Giê-su gọi một người khác: “Ngươi hãy theo ta”.

Người này thưa: “Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã”.

Giê-su đáp: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, còn ngươi, hãy đi rao-giảng nước Đức Chúa Trời”. Hiển nhiên cha của người này chưa chết, bằng không người này đã chẳng có mặt tại đấy để nghe Giê-su nói. Dường như người này muốn xin Giê-su cho phép mình đợi đến lúc cha qua đời. Người này không sẵn sàng đặt Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống mình.

Đang khi Giê-su và môn đồ tiếp tục đi về hướng Giê-ru-sa-lem, một người khác thưa với ngài: “Lạy Chúa, tôi sẽ theo Chúa, song xin cho phép tôi trước về từ-giã người trong nhà tôi”.

Giê-su trả lời: “Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng-đáng với nước Đức Chúa Trời”. Những ai muốn làm môn đồ của Giê-su phải chú tâm vào việc phục vụ Nước Trời. Vì một người đi cày mà không chịu ngó ngay trước mặt thì thế nào luống cày cũng ngoằn ngoèo. Tương tự thế, ai cứ nhìn về phía sau tức nhìn lại hệ thống mọi sự cũ này thì có thể dễ dàng đi lệch ra khỏi con đường đưa đến sự sống đời đời. (Giăng 7:2-10; Lu-ca 9:51-62; Ma-thi-ơ 8:19-22).

▪ Anh em của Giê-su là ai, và họ nghĩ gì về ngài?

▪ Tại sao người Sa-ma-ri lại khiếm nhã đến thế, và Gia-cơ và Giăng muốn làm điều gì?

▪ Khi đi trên đường, Giê-su có ba cuộc nói chuyện nào, và ngài nhấn mạnh như thế nào về việc cần phải phụng sự với tinh thần hy sinh?