Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bài giảng nổi tiếng nhất từ xưa tới nay

Bài giảng nổi tiếng nhất từ xưa tới nay

Chương 35

Bài giảng nổi tiếng nhất từ xưa tới nay

CẢNH TƯỢNG ấy là một trong những hình ảnh đáng nhớ nhất của lịch sử Kinh-thánh: Giê-su ngồi bên sườn núi, thuyết trình Bài Giảng trên Núi nổi tiếng của ngài. Nơi đó gần biển Ga-li-lê, có lẽ gần thành Ca-bê-na-um nữa. Sau một đêm dài cầu nguyện, Giê-su vừa mới chọn xong 12 người trong số môn đồ ngài để làm sứ đồ. Kế đến, ngài đi cùng với tất cả xuống một chỗ bằng phẳng trên núi này.

Có lẽ bạn nghĩ Giê-su chắc hẳn rất mệt mỏi vào lúc đó và muốn ngủ một chút. Nhưng dân chúng lại kéo đến, một số đi từ mãi tận Giu-đê và Giê-ru-sa-lem tới, cách đó khoảng 100 hay 110 cây số. Một số khác đi từ vùng bờ biển ở Ty-rơ và Si-đôn ở phía bắc. Họ đến để nghe Giê-su giảng dạy và được ngài trị bệnh. Có cả những người bị quỉ ám, tức bị thiên sứ ác của Sa-tan nhập vào.

Khi Giê-su đến đó thì bệnh nhân xáp lại gần để chạm vào ngài, và ngài chữa lành cho tất cả. Sau đó, chắc Giê-su trèo lên một chỗ cao hơn trên núi. Rồi ngài ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy cho dân chúng lúc đó đã tản ra trên khu đất bằng phẳng trước mặt ngài. Bạn thử nghĩ xem! Bấy giờ, không có một người trong toàn thể cử tọa bị đau khổ vì một bệnh tật trầm trọng nào cả!

Mọi người đều nôn nóng nghe lời dạy của một bậc thầy đã làm được những phép lạ phi thường. Tuy nhiên, Giê-su cho bài giảng này chủ yếu để môn đồ ngài được lợi ích. Họ có lẽ ngồi quây quần bên ngài. Nhưng để cho chúng ta ngày nay cũng được lợi ích, cả Ma-thi-ơ và Lu-ca đều ghi lại bài giảng đó.

Lời tường thuật của Ma-thi-ơ dài khoảng gấp bốn lần lời tường thuật của Lu-ca. Ngoài ra, vài điều do Ma-thi-ơ ghi chép cũng được Lu-ca chép lại nhưng coi như Giê-su nói ra ở một thời điểm khác trong thánh chức của ngài, như ta có thể nhận thấy khi so sánh Ma-thi-ơ 6:9-13 với Lu-ca 11:1-4, và Ma-thi-ơ 6:25-34 với Lu-ca 12:22-31. Nhưng điểm này cũng không có gì đáng lấy làm lạ, vì đương nhiên Giê-su đã nhiều lần dạy cùng những điều giống nhau, và Lu-ca đã chọn ghi những lời đó trong một khung cảnh khác.

Điều làm cho bài giảng của Giê-su có giá trị đến thế là vì ngài không những trình bày một nội dung về thiêng liêng rất sâu xa, mà còn trình bày lẽ thật một cách giản dị và rõ ràng. Ngài dùng những sự việc xảy ra thường ngày và những điều quần chúng quen thuộc nên tất cả những ai thật tình muốn có một cuộc sống tốt hơn trong đường lối của Đức Chúa Trời đều có thể hiểu được ý ngài một cách dễ dàng.

Ai thật sự hạnh phúc?

Mọi người đều muốn được hạnh phúc. Giê-su biết thế, và ngài đã bắt đầu Bài Giảng trên Núi bằng cách giải thích ai là người thật sự hạnh phúc. Như chúng ta có thể tưởng tượng, lời nhập đề đó đã lôi cuốn được ngay cử tọa đông người nghe ngài. Tuy thế, lời ấy chắc có vẻ mâu thuẫn đối với một số người.

Nhằm vào các môn đồ, Giê-su bắt đầu nói: “Phước cho các ngươi nghèo-khó, vì nước Đức Chúa Trời thuộc về các ngươi! Phước cho các ngươi hiện đương đói, vì sẽ được no-đủ! Phước cho các ngươi hiện đương khóc-lóc, vì sẽ được vui-mừng! Phước cho các ngươi khi... thiên-hạ... ghét... các ngươi... Ngày đó, hãy vui-vẻ, nhảy-nhót và mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi trên trời sẽ lớn lắm”.

Đó là phần nhập đề bài giảng của Giê-su theo lời tường thuật của Lu-ca. Nhưng theo lời tường thuật của Ma-thi-ơ thì Giê-su còn nói tất cả những người nhu mì, có lòng thương xót, có lòng trong sạch và có lòng hòa thuận cũng có hạnh phúc. Giê-su nói những người đó có hạnh phúc vì họ sẽ hưởng được trái đất, họ sẽ được Đức Chúa Trời thương xót, được thấy Ngài và được gọi là con cái của Ngài.

Tuy nhiên, khi Giê-su nói về hạnh phúc, ngài không chỉ nói đến sự vui vẻ hoặc cười đùa hớn hở, ví dụ như lúc chơi đùa. Hạnh phúc thật sự thì sâu đậm hơn và bao hàm ý nghĩa của sự hài lòng, thỏa chí và thỏa nguyện trong đời sống.

Như thế, Giê-su cho thấy rằng những người thật sự hạnh phúc là những người ý thức đến nhu cầu thiêng liêng, cảm thấy buồn vì tình trạng tội lỗi của mình, nhận biết Đức Chúa Trời và phụng sự Ngài. Lúc ấy, dù họ có bị người đời ganh ghét và bắt bớ vì làm theo ý định của Đức Chúa Trời, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc vì họ biết rằng họ đang làm Đức Chúa Trời vui lòng và họ sẽ nhận được phần thưởng Ngài ban cho là sự sống đời đời.

Tuy nhiên, nhiều người nghe Giê-su giảng lúc đó, cũng giống một số người ngày nay, tin rằng giàu sang và lạc thú là những điều làm cho người ta có hạnh phúc. Giê-su biết không phải vậy nên ngài đưa ra một hình ảnh tương phản, chắc làm những người nghe ngạc nhiên không ít:

“Khốn cho các ngươi là người giàu-có, vì đã được sự yên-ủi của mình rồi! Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đương no, vì sẽ đói! Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đương cười, vì sẽ để tang và khóc-lóc! Khốn cho các ngươi, khi mọi người sẽ khen các ngươi, vì tổ-phụ họ cũng xử với các tiên-tri giả như vậy!”

Giê-su muốn nói gì? Tại sao giàu có, cười đùa tìm kiếm lạc thú, và được người ta khen đem lại sự khốn khổ? Tại vì khi mà người nào có những điều đó và ham thích chúng thì người đó sẽ không còn màng đến việc phụng sự Đức Chúa Trời, và chỉ có việc phụng sự ngài mới đem lại hạnh phúc thật sự mà thôi. Đồng thời Giê-su không có ý muốn nói là chỉ có nghèo, đói và than khóc mới cho người ta được hạnh phúc. Tuy nhiên, thường thường thì chính những người bị thiệt thòi như thế có lẽ sẽ đáp ứng trước những sự dạy dỗ của Giê-su, và do đó sẽ có được hạnh phúc thật sự.

Tiếp đó, Giê-su nói cùng môn đồ: “Các ngươi là muối của đất”. Đương nhiên ngài không muốn nói muối theo nghĩa đen. Thay vì thế, muối là một chất để gìn giữ thực phẩm cho lâu hư. Trong đền thờ Đức Giê-hô-va có một đống muối lớn gần bàn thờ, và các thầy tế lễ dùng muối bỏ lên các lễ vật.

Môn đồ của Giê-su là “muối của đất” có nghĩa là họ có ảnh hưởng bảo tồn cho mọi người. Đúng thế, thông điệp của họ bảo tồn sinh mạng cho những ai biết đáp ứng theo! Thông điệp này sẽ đem những đức tính như bền vững, trung thành, trung tín vào đời sống của những người đó, và giữ cho họ tránh khỏi bị đồi bại về thiêng liêng và đạo đức.

Giê-su nói với môn đồ ngài: “Các ngươi là sự sáng của thế-gian”. Đèn thắp lên không phải để đem đặt dưới cái thúng, mà là để đặt trên chân đèn, nên Giê-su nói: “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy”. Môn đồ ngài chiếu sáng bằng cách rao giảng cho công chúng, và cũng nêu gương sáng về hạnh kiểm phù hợp với nguyên tắc Kinh-thánh.

Tiêu chuẩn cao cho môn đồ của ngài

Các nhà lãnh đạo tôn giáo coi Giê-su là người vi phạm Luật pháp Đức Chúa Trời, và trước đó không lâu họ thậm chí còn mưu tính giết ngài. Vì vậy, trong khi nói tiếp Bài Giảng trên Núi, Giê-su giải thích: “Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật-pháp hay là lời tiên-tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn”.

Giê-su rất tôn trọng Luật pháp Đức Chúa Trời và khuyến khích mọi người cũng nên tôn trọng Luật pháp như thế. Thật vậy, ngài nói: “Ai hủy một điều cực nhỏ nào trong những điều-răn nầy, và dạy người ta làm như vậy, thì sẽ bị xưng là cực nhỏ trong nước thiên-đàng”, có nghĩa là kẻ ấy không vào được Nước Trời.

Giê-su không những không coi thường Luật pháp Đức Chúa Trời, mà ngài còn lên án ngay cả những thái độ đưa người ta đến chỗ vi phạm Luật pháp. Sau khi lưu ý Luật pháp nói: “Ngươi chớ giết ai”, ngài nói tiếp: “Song ta phán cho các ngươi: Hễ ai giận anh em mình thì đáng bị tòa-án xử-đoán”.

Bởi vì tiếp tục giận người cộng tác với mình là một tội nghiêm trọng, có thể dẫn tới việc giết người, nên Giê-su đưa ra một ví dụ cho thấy người ta phải cố gắng hòa thuận đến mức độ nào. Ngài truyền: “Ấy vậy, nếu khi nào ngươi đem dâng của-lễ nơi bàn-thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của-lễ trước bàn-thờ, trở về giảng-hòa với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của-lễ”.

Khi lưu ý người nghe về điều răn thứ bảy trong số mười điều răn, Giê-su nói tiếp: “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội tà-dâm”. Tuy nhiên, Giê-su lên án ngay cả người có thái độ tà dâm. Ngài nói: “Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai [tiếp tục, NW ] ngó đờn-bà mà động tình tham-muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà-dâm cùng người rồi”.

Giê-su không chỉ muốn nói về những ý nghĩ vô luân thoáng qua trong đầu óc, nhưng ngài nói về việc ‘tiếp tục ngó’. Người nào tiếp tục ngắm nhìn như vậy sẽ gợi trong mình những dục vọng mãnh liệt, và có thể đưa người ta tới chỗ ngoại tình nếu có cơ hội thuận tiện. Thế thì làm sao người ta có thể ngăn ngừa chuyện này xảy ra? Giê-su dùng một ví dụ cho thấy rõ có thể cần đến những biện pháp quyết liệt: “Vậy nếu con mắt bên hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy móc mà quăng nó cho xa ngươi đi... Lại nếu tay hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy chặt mà liệng nó cho xa ngươi đi”.

Người ta thường chịu hy sinh tay hay chân bị làm độc để bảo tồn mạng sống của mình. Nhưng theo lời Giê-su thì thà ‘ném cho xa’ bất cứ gì, ngay cả những phần quí giá của cơ thể như mắt và tay, hầu tránh những ý tưởng hoặc hành động vô luân. Giê-su giải thích là nếu không thì kẻ phạm tội như thế sẽ bị quăng vào Ghê-hen-na (chỗ thiêu đốt rác rến gần Giê-ru-sa-lem), là nơi tượng trưng cho sự hủy diệt đời đời.

Giê-su cũng bàn tới phương cách đối xử với những người muốn gây tổn thương hoặc xúc phạm đến chúng ta. Ngài khuyên: “Đừng chống-cự kẻ dữ. Trái lại, nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn”. Giê-su không có ý muốn nói là một người không được tự vệ hoặc bảo vệ gia đình mình khi bị tấn công. Một người tát người kia thật ra không nhằm mục đích gây thương tích nhưng nhằm mục đích nhục mạ người đó. Vì vậy, điều Giê-su muốn nói là nếu bất cứ ai tìm cớ gây với chúng ta để cãi cọ hay đánh nhau, dù họ có tát tai thật sự hoặc nói xúc phạm đến chúng ta, thì chúng ta cũng không nên trả đũa vì làm thế là không tốt.

Sau khi lưu ý môn đồ ngài về luật pháp của Đức Chúa Trời dạy phải yêu thương người lân cận, Giê-su nói: “Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù-nghịch, và cầu-nguyện cho kẻ bắt-bớ các ngươi”. Vì muốn cho môn đồ một lý do mạnh mẽ để làm thế nên ngài nói tiếp: “Hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành”.

Giê-su kết luận phần này của bài giảng bằng lời khuyên bảo: “Các ngươi hãy nên trọn-vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn-vẹn”. Giê-su không có ý muốn nói rằng người ta có thể hoàn toàn theo nghĩa tuyệt đối, nhưng họ có thể noi theo Đức Chúa Trời nới rộng tình yêu thương đến cả kẻ thù nghịch. Trong lời tường thuật về phần này của Bài Giảng trên Núi, Lu-ca có ghi lại lời của Giê-su như sau: “Hãy thương-xót như Cha các ngươi hay thương-xót”.

Cầu nguyện và tin cậy nơi Đức Chúa Trời

Khi Giê-su giảng tiếp, ngài kết án sự giả hình của những kẻ phô trương vẻ sùng đạo bề ngoài. Ngài nói: “Vậy, khi ngươi bố-thí, đừng thổi kèn trước mặt mình, như bọn giả-hình làm”.

Ngài nói tiếp: “Khi các ngươi cầu-nguyện, đừng làm như bọn giả-hình; vì họ ưa đứng cầu-nguyn nơi nhà hội và góc đường, để cho thiên-hạ đều thấy”. Thay vì thế, ngài dạy: “Song, khi ngươi cầu-nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cầu-nguyện Cha ngươi, ở nơi kín-nhiệm đó”. Giê-su không lên án những lời cầu nguyện trước công chúng, vì chính ngài cũng từng làm thế. Điều ngài tố cáo ở đây là cầu nguyện với mục đích làm cho ngưi nghe thán phục và khen ngợi mình.

Giê-su còn khuyên thêm: “Khi các ngươi cầu-nguyện, đừng dùng những lời lặp vô-ích như người ngoại”. Ngài không muốn nói rằng nhắc lại là xấu. Có lần chính ngài cũng đã lặp lại những “lời trước” trong khi cầu nguyện. Nhưng điểm ngài không tán thành ở đây là việc “lặp đi lặp lại” những câu học thuộc lòng, giống như kẻ vừa lần chuỗi vừa lặp đi lặp lại những lời cầu nguyện thuộc lòng.

Để giúp người nghe biết cầu nguyện, Giê-su cho một bài cầu nguyện mẫu bao gồm bảy điều cầu xin. Ba điều cầu xin đầu tiên công nhận đúng cách quyền thống trị của Đức Chúa Trời và ý định của ngài. Đó là những lời mong ước cho danh Đức Chúa Trời được nên thánh, Nước ngài được đến và ý muốn ngài được thực hiện. Bốn điều cầu xin sau là những mong ước cá nhân: có thức ăn hàng ngày, được tha tội, không bị cám dỗ quá sức chịu đựng và được giải cứu khỏi kẻ ác.

Sau đó Giê-su bàn về cạm bẫy của việc quá chú trọng đến của cải vật chất. Ngài khuyến khích: “Các ngươi chớ chứa của-cải ở dưới đất, là nơi có sâu-mối, ten-rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy”. Của cải loại đó không những có thể tiêu tan, mà nó chẳng có giá trị gì dưới mắt Đức Chúa Trời.

Do đó, Giê-su nói: “Nhưng phải chứa của-cải ở trên trời”. Người ta làm thế bằng cách đặt việc phụng sự Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong đời sống mình. Không một ai có thể lấy đi công trạng mà ta đạt được trước mặt Đức Chúa Trời hoặc lấy đi phần thưởng huy hoàng mà Ngài sẽ ban cho ta. Giê-su nói thêm: “Vì chưng của-cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó”.

Tiếp tục nói về cạm bẫy của vật chất, Giê-su đưa ra ví dụ như sau: “Con mắt là đèn của thân-thể. Nếu mắt ngươi sáng-sủa thì cả thân-thể ngươi sẽ được sáng-láng; nhưng nếu mắt ngươi xấu, thì cả thân-thể sẽ tối-tăm”. Mắt tốt thì đối với thân thể chẳng khác nào ngọn đèn thắp sáng trong nơi tối tăm. Nhưng để nhìn rõ, mắt phải đơn giản, tức là phải nhìn vào một vật duy nhất mà thôi. Nếu mắt không nhìn rõ, người ta sẽ bị nhầm lẫn trong việc nhận định giá trị của mọi vật và đặt mục tiêu vật chất lên trước việc phụng sự Đức Chúa Trời. Điều này dẫn đến hậu quả là “cả thân-thể” bị tối tăm.

Giê-su làm nổi bật điều trên bằng một ví dụ hùng hồn: “Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn [của cải, NW ] nữa”.

Nói xong lời khuyên ấy, Giê-su quả quyết với những người nghe rằng họ chẳng cần gì mà phải lo lắng về nhu cầu vật chất nếu họ đặt việc phụng sự Đức Chúa Trời lên hàng đầu. Ngài nói: “Hãy xem loài chim trời: chẳng có gieo, gặt, cũng chẳng có thâu-trữ vào kho-tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó”. Đoạn, ngài hỏi: “Các ngươi há chẳng phải là quí-trọng hơn loài chim sao?”

Kế đến Giê-su chỉ những bông huệ ngoài đồng và nói rằng: “Dẫu vua Sa-lô-môn sang-trọng đến đâu, cũng không được mặc áo tốt như một hoa nào trong giống đó. Hỡi kẻ ít đức-tin... Đức Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các ngươi!” Do đó, Giê-su kết thúc: “Ấy vậy, các ngươi chớ lo-lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì?... Cha các ngươi trên trời vốn biết các ngươi cần-dùng những điều đó rồi. Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”.

Đường dẫn đến sự sống

Con đường dẫn đến sự sống là làm theo những sự dạy dỗ của Giê-su. Đây không phải là dễ. Chẳng hạn như người Pha-ri-si thường có khuynh hướng phán xét khắt khe người đồng loại, và có lẽ nhiều người cũng bắt chước họ. Cho nên Giê-su cảnh giác trong phần tiếp của Bài Giảng trên Núi: “Các ngươi đừng đoán-xét ai, để mình khỏi bị đoán-xét; vì các ngươi đoán-xét người ta thể nào, thì họ cũng đoán-xét lại thể ấy”.

Thật là nguy hiểm nếu ai làm theo người Pha-ri-si hay chỉ trích người khác. Theo lời tường thuật của Lu-ca, Giê-su nói lên sự nguy hiểm của điều này qua lời minh họa như sau: “Kẻ mù có thể dắt kẻ mù được chăng? Cả hai há chẳng cùng té xuống hố sao?”

Phê bình gay gắt người khác, hạch sách hoặc thổi phồng lỗi của người ấy lên là một tội nghiêm trọng. Vậy nên Giê-su hỏi: “Sao ngươi dám nói với anh em rằng: Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh, mà chính ngươi có cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ giả-hình! trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được”.

Điều này không có nghĩa môn đồ của Giê-su hành động không cần sáng suốt khi cư xử với người khác, vì ngài nói: “Đừng cho chó những đồ thánh, và đừng quăng hột trai mình trước mặt heo”. Các lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời là thánh khiết, ví như ngọc trai. Nhưng nếu người nào, tựa như chó hay heo, không biết quí trọng giá trị của các lẽ thật quí báu ấy, thì môn đồ của Giê-su nên bỏ họ mà đi tìm những người sẵn sàng tiếp nhận lẽ thật.

Mặc dù Giê-su đã bàn về việc cầu nguyện trong Bài Giảng trên Núi, nhưng giờ đây ngài nhấn mạnh việc cần phải kiên trì cầu nguyện. Ngài khuyên: “Hãy [tiếp tục, NW ] xin, sẽ được”. Để minh họa việc Đức Chúa Trời sẵn sàng đáp lời cầu nguyện, Giê-su hỏi: “Trong các ngươi có ai, khi con mình xin bánh, mà cho đá chăng?... Vậy nếu các ngươi vốn là xấu, còn biết cho con-cái mình các vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban các vật tốt cho những người xin Ngài sao?”

Đoạn, Giê-su cho biết cách đối xử với người khác mà nay đã trở thành một phương châm nổi tiếng thường gọi là Luật Vàng: “Hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ”. Sống theo luật này bao gồm việc tích cực làm điều tốt cho người khác, đối đãi với họ giống như mình muốn họ đối đãi với mình.

Chính Giê-su cũng cho thấy con đường dẫn đến sự sống không phải là dễ theo. Ngài nói: “Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng-khoát dẫn đến sự hư-mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít”.

Giê-su thấy được mối nguy cơ lớn của việc người ta bị lừa dối, nên ngài cảnh giác: “Hãy coi chừng tiên-tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muông-sói hay cắn-xé”. Giê-su nhận thấy rằng người ta có thể biết cây nào tốt và cây nào xấu bằng cách nhìn các trái cây, thì tương tự như vậy, người ta cũng có thể nhận ra tiên tri giả qua hành động và sự dạy dỗ của họ.

Giê-su giảng tiếp và giải thích rằng không phải là qua những gì người ta nói mà họ trở thành môn đồ ngài nhưng là qua những gì họ làm. Một số người cho rằng Giê-su là Chúa của họ, nhưng nếu họ không làm theo ý muốn của Cha ngài, thì ngài nói: “Ta sẽ phán rõ-ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian-ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!”

Cuối cùng, Giê-su nói những lời kết luận đáng ghi nhớ trong bài giảng của ngài: “Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn-ngoan cất nhà mình trên hòn đá. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô-động nhà ấy; song không sập, vì đã cất trên đá”.

Mặt khác, Giê-su nói rõ: “Kẻ nào nghe lời ta phán đây, mà không làm theo, khác nào như người dại cất nhà mình trên đất cát. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô-động nhà ấy, thì bị sập, hư-hại rất nhiều”.

Lúc Giê-su kết thúc bài giảng, dân chúng đều ngạc nhiên vì phong cách giảng dạy của ngài, bởi vì ngài dạy như một người có đầy uy quyền chứ không như những người lãnh đạo tôn giáo của họ. (Lu-ca 6:12-23; Ma-thi-ơ 5:1-12; Lu-ca 6:24-26; Ma-thi-ơ 5:13-48; 6:1-34; 26:36-45; 7:1-29; Lu-ca 6:27-49).

▪ Giê-su nói bài giảng nổi tiếng nhất của ngài ở đâu, ai có mặt nơi đó và điều gì đã xảy ra ngay trước khi ngài nói bài giảng?

▪ Tại sao ta không ngạc nhiên khi thấy Lu-ca ghi chép một số các sự dạy dỗ của bài giảng ấy trong một bối cảnh khác?

▪ Điều gì khiến cho bài giảng của Giê-su có giá trị đến thế?

▪ Ai thật sự hạnh phúc, và tại sao?

▪ Ai sẽ bị khốn khổ, và tại sao?

▪ Môn đồ của Giê-su là “muối của đất” và “sự sáng của thế-gian” như thế nào?

▪ Giê-su tỏ ra rằng ngài kính trọng Luật pháp Đức Chúa Trời như thế nào?

▪ Giê-su dạy gì hầu loại trừ tận gốc rễ những nguyên nhân gây ra tội giết người và tội ngoại tình?

▪ Giê-su có ý gì khi nói về việc đưa má bên kia ra?

▪ Làm sao chúng ta có thể trọn vẹn như Đức Chúa Trời trọn vẹn?

▪ Giê-su cho những lời chỉ dẫn nào về việc cầu nguyện?

▪ Tại sao của cải trên trời lại tốt hơn, và làm sao ta có thể có được của cải đó?

▪ Giê-su cho những lời ví dụ nào để giúp ta tránh khỏi sự theo đuổi vật chất?

▪ Tại sao Giê-su nói rằng chúng ta không cần lo lắng?

▪ Giê-su nói gì về việc xét đoán người khác, nhưng làm sao ngài cho thấy rằng môn đồ ngài phải có sự sáng suốt khi cư xử với người khác?

▪ Giê-su còn nói thêm gì về việc cầu nguyện, và ngài nói gì về cách đối xử với người khác?

▪ Làm thế nào Giê-su cho thấy rằng đường dẫn đến sự sống không phải là dễ, và có nguy cơ bị người ta lừa dối?

▪ Giê-su kết thúc bài giảng như thế nào, và bài giảng ấy có hiệu quả gì?