Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bài học về sự khiêm nhường

Bài học về sự khiêm nhường

Chương 62

Bài học về sự khiêm nhường

SAU khi chữa lành cho người trai trẻ bị quỉ ám trong vùng gần Sê-sa-rê Phi-líp, Giê-su tỏ ý muốn về nhà ở Ca-bê-na-um. Tuy nhiên, ngài muốn đi riêng với môn đồ để có thể chuẩn bị trước cho họ về cái chết của ngài và về trách nhiệm của họ sau đó. Ngài giải thích với họ: “Con người sẽ bị nộp trong tay người ta, họ sẽ giết đi; Ngài bị giết đã ba ngày rồi, thì sẽ sống lại”.

Dù Giê-su đã từng đề cập đến vấn đề này, và dù ba sứ đồ đã thấy tận mắt sự hóa hình mà trong đó “sự ra đi” của ngài đã được thảo luận, vậy mà môn đồ vẫn chưa hiểu gì về vấn đề này. Dù cho không có môn đồ nào cố gắng phủ nhận rằng ngài sẽ bị giết, như Phi-e-rơ từng làm trước đây, nhưng họ không dám hỏi thêm về điều đó.

Cuối cùng mọi người về đến Ca-bê-na-um. Đây gần như là căn cứ trong thời gian Giê-su thi hành thánh chức của ngài, và cũng là nguyên quán của Phi-e-rơ và nhiều sứ đồ khác. Tại đây, những người thâu thuế cho đền thờ đến gặp Phi-e-rơ. Có lẽ họ có ý muốn gây cho Giê-su vi phạm tục lệ về việc đóng thuế, nên họ hỏi: “Thầy ngươi có nộp tiền thuế [đền thờ] chăng?”

Phi-e-rơ trả lời: “Có”.

Có thể không lâu sau đó Giê-su về đến nhà nên ngài biết chuyện gì vừa xảy ra. Thành thử Phi-e-rơ chưa kịp nói gì thì Giê-su đã hỏi: “Hỡi Si-môn, ngươi nghĩ sao? Các vua thế-gian thâu lương lấy thuế của ai? Thâu của con trai mình hay là của người ngoài?”

Phi-e-rơ thưa rằng: “Người ngoài”.

Giê-su nói: “Vậy thì các con trai được miễn thuế!” Bởi vì Cha của Giê-su là Vua của cả vũ trụ, là Đấng được thờ trong đền thờ, thì luật pháp không đòi hỏi Con của Đức Chúa Trời phải đóng thuế cho đền thờ. Giê-su nói tiếp: “Song le, để chúng ta khỏi làm gương xấu cho họ, thì ngươi hãy ra biển câu cá, bắt lấy con cá nào dính câu trước hết, banh miệng nó ra, sẽ thấy một đồng bạc ở trong. Hãy lấy đồng bạc đó, và đem nộp thuế cho ta với ngươi”.

Khi các môn đồ nhóm lại sau khi trở về Ca-bê-na-um, có thể tại nhà của Phi-e-rơ, họ hỏi: “Ai là lớn hơn hết trong nước thiên-đàng?” Giê-su biết rõ tại sao họ nêu câu hỏi đó, vì ngài biết họ đã bàn cãi về việc này khi họ đi theo sau ngài trên đường từ Sê-sa-rê Phi-líp về đây. Ngài bèn hỏi: “Lúc đi đường, các ngươi nói chi với nhau?” Các môn đồ ngượng ngùng nín thinh, vì dọc đường họ đã tranh cãi nhau để xem ai là lớn nhất.

Một cuộc tranh cãi như thế giữa những môn đồ đã được Giê-su dạy dỗ gần ba năm nay thật là khó tin được, phải không? Điều này cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của sự bất toàn của con người, cũng như ảnh hưởng của tôn giáo trước kia. Các môn đồ đã lớn lên trong Do Thái giáo, và đạo này chuyên nhấn mạnh về địa vị hay đẳng cấp trong mọi sự giao dịch. Hơn nữa, có thể Phi-e-rơ đã cảm thấy mình hơn các anh em bởi vì Giê-su hứa sẽ ban cho ông mấy “chìa-khóa” dẫn đến Nước Trời. Lại có thể Gia-cơ và Giăng cũng có tư tưởng đó bởi vì hai người đã được đặc ân chứng kiến sự hóa hình của Giê-su.

Dù sao đi nữa, Giê-su dùng một sự trình diễn sống động để cố gắng sửa chữa quan điểm của họ. Ngài gọi một đứa trẻ đến, để nó đứng giữa các môn đồ. Đoạn ngài ôm nó và bảo: “Nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên-đàng đâu. Vậy, hễ ai trở nên khiêm-nhường như đứa trẻ này, sẽ là lớn hơn hết trong nước thiên-đàng. Hễ ai vì danh ta chịu tiếp một đứa trẻ thể nầy, tức là chịu tiếp ta”.

Thật là một cách tuyệt vời để sửa trị môn đồ! Giê-su không giận dữ với họ, cũng không rầy la họ là kiêu ngạo, tham lam, hay đầy tham vọng. Không, nhưng ngài đã minh họa sự dạy dỗ của ngài bằng cách nêu gương tốt của trẻ nhỏ vì chúng thường hay khiêm nhường, không tham vọng và nói chung chúng không để ý đến cấp bậc. Vì thế, Giê-su cho thấy môn đồ ngài cần phải vun trồng những đức tính của trẻ thơ khiêm nhường. Ngài kết luận: “Kẻ nào hèn-mọn hơn hết trong vòng các ngươi, ấy chính người đó là kẻ cao-trọng”. (Ma-thi-ơ 17:22-27; 18:1-5; Mác 9:30-37; Lu-ca 9:43-48).

▪ Khi trở về Ca-bê-na-um, Giê-su lặp lại lời dạy dỗ nào, và môn đồ lần này tiếp nhận thế nào?

▪ Tại sao Giê-su không có nhiệm vụ phải trả thuế cho đền thờ, nhưng tại sao ngài lại chịu trả?

▪ Điều gì có lẽ đã làm môn đồ cãi nhau, và Giê-su sửa trị họ như thế nào?