Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bài học về sự thương xót

Bài học về sự thương xót

Chương 40

Bài học về sự thương xót

GIÊ-SU có thể vẫn còn ở Na-in, nơi ngài đã làm người con trai duy nhất của một bà góa nọ sống lại, hoặc có lẽ ngài đang đi thăm một thành phố gần đó. Một người Pha-ri-si tên là Si-môn muốn được gặp tận mặt người đã làm nhiều công việc khác thường như vậy. Vì vậy ông mời Giê-su đến nhà dùng bữa ăn với ông.

Giê-su coi như đây là cơ hội để rao giảng cho những người có mặt, nên ngài nhận lời mời, như trước kia đã từng nhận lời mời của người thâu thuế và kẻ có tội. Tuy nhiên, khi đến nhà Si-môn, Giê-su không được đón tiếp một cách thân mật thường dành cho khách.

Khách mang dép đi đường khá lâu nên chân thường bị bụi bặm, nóng và dơ, và theo phong tục thì chủ nhà rửa chân khách bằng nước mát để tỏ lòng hiếu khách. Thế nhưng khi Giê-su đến, chẳng có ai rửa chân ngài cả. Cũng không ai lịch sự ra hôn chào ngài theo phép xã giao. Và cũng chẳng ai đem dầu thơm để xức tóc cho ngài như theo truyền thống đón tiếp khách.

Giữa bữa ăn, khi những người khách đều ngả mình bên bàn, có một người đàn bà không được mời lặng lẽ bước vào phòng. Bà này ở trong thành mang tiếng xấu vì có lối sống vô luân. Chắc hẳn bà đã có dịp nghe Giê-su dạy dỗ, kể cả lời ngài mời ‘tất cả những ai mệt mỏi và gánh nặng đến cùng ngài để được khuây khỏa’. Vì xúc động sâu xa bởi những gì tai nghe mắt thấy, nên bà đi tìm kiếm Giê-su đến tận nơi này.

Bà đến phía sau Giê-su đang ngả mình bên bàn và quì xuống chân ngài. Bà khóc và vì nước mắt sa ướt chân ngài, nên bà lấy tóc chùi cho khô. Đoạn bà lấy chai dầu thơm, rồi hôn chân ngài một cách trìu mến, và xức dầu thơm cho ngài. Si-môn nhìn thấy thế không hài lòng. Ông tự nghĩ: “Nếu người nầy là đấng tiên-tri, chắc biết người đờn-bà rờ đến mình đó là ai, cũng biết ấy là người đờn-bà xấu nết”.

Biết ông đang nghĩ gì, Giê-su nói: “Hỡi Si-môn, ta có vài lời nói cùng ngươi”.

Ông đáp: “Thưa thầy, xin cứ nói”.

Giê-su bắt đầu nói: “Một chủ nợ có hai người mắc nợ: một người mắc năm trăm đơ-ni-ê, một người mắc năm chục. Vì hai người đều không có chi mà trả, nên chủ nợ tha cả hai. Trong hai người đó, ai yêu chủ nợ hơn?”

Si-môn có lẽ xem thường câu hỏi vì cho là không quan trọng nên đáp lại một cách thờ ơ: “Tôi tưởng là người mà chủ nợ đã tha nhiều nợ hơn”.

Giê-su nói: “Ngươi đoán phải lắm”. Đoạn, xây lại người đàn bà, ngài nói với Si-môn: “Ngươi thấy đờn-bà nầy không? Ta vào nhà ngươi, ngươi không cho nước rửa chơn; nhưng người đã lấy nước mắt thấm ướt chơn ta, rồi lấy tóc mình mà chùi. Ngươi không hôn ta; nhưng người từ khi vào nhà ngươi, thì hôn chơn ta hoài. Ngươi không xức dầu đầu ta; nhưng người lấy dầu thơm xức chơn ta”.

Người đàn bà đã chứng tỏ bà thành tâm ăn năn về lối sống vô luân trong quá khứ. Vì vậy, Giê-su kết luận: “Vậy nên ta nói cùng ngươi, tội-lỗi đờn-bà nầy nhiều lắm, đã được tha hết, vì người đã yêu-mến nhiều; song kẻ được tha ít thì yêu-mến ít”.

Giê-su không hề dung túng hay làm ngơ trước sự vô luân. Đúng hơn, sự kiện này cho thấy ngài có lòng thương xót và thông cảm đối với những ai lầm lỗi nhưng tỏ ra ăn năn và đến cùng ngài để được khuây khỏa. Giê-su đem sự an ủi thật sự cho người đàn bà khi nói: “Tội-lỗi ngươi đã được tha rồi... Đức-tin của ngươi đã cứu ngươi; hãy đi cho bình-an”. (Lu-ca 7:36-50; Ma-thi-ơ 11:28-30).

▪ Giê-su được Si-môn tiếp đón như thế nào?

▪ Ai đi tìm Giê-su, và tại sao?

▪ Giê-su cho lời ví dụ nào, và ngài áp dụng lời đó như thế nào?