Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bên hữu của Đức Chúa Trời

Bên hữu của Đức Chúa Trời

Chương 132

Bên hữu của Đức Chúa Trời

THÁNH LINH đổ xuống vào Lễ Ngũ tuần là bằng chứng cho thấy Giê-su đã lên trời. Sau đó môn đồ Ê-tiên nhận được sự hiện thấy cũng chứng tỏ rằng ngài đã lên trời. Ngay trước khi bị ném đá vì trung thành làm chứng, Ê-tiên tuyên bố: “Kìa, ta thấy các từng trời mở ra, và Con người đứng bên hữu Đức Chúa Trời”.

Giê-su đứng bên hữu Đức Chúa Trời, chờ đợi Cha ngài ban mệnh lệnh như sau: “Hãy cai-trị giữa các thù-nghịch ngươi”. Nhưng cho đến lúc Giê-su ra tay diệt hết các kẻ thù nghịch thì ngài sẽ làm gì? Ngài cai trị các tín đồ được xức dầu, hướng dẫn họ trong công việc rao giảng và chuẩn bị cho họ để sau khi sống lại họ sẽ trở thành vua cộng sự với ngài trong Nước của Cha ngài.

Chẳng hạn, Giê-su chọn Sau-lơ (sau này nhiều người biết ông dưới tên La Mã là Phao-lô) để làm tiên phong trong việc đào tạo môn đồ tại các xứ khác. Sau-lơ vốn rất nhiệt thành đối với Luật pháp Đức Chúa Trời, nhưng ông bị các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái làm cho lầm lạc. Bởi vậy, không những Sau-lơ đã tán thành việc giết Ê-tiên, mà ông còn đi Đa-mách với giấy phép của thầy tế lễ thượng phẩm Cai-phe để bắt các tín đồ cả nam lẫn nữ của Giê-su mà ông tìm được và giải về Giê-ru-sa-lem. Song, trên đường đi Đa-mách, thình lình có ánh sáng từ trời lóe lên chung quanh khiến ông té xuống đất.

Một giọng nói từ trên trời vọng xuống: “Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, sao ngươi bắt-bớ ta?” Sau-lơ hỏi: “Lạy Chúa, Chúa là ai?”

Có lời đáp: “Ta là Jêsus mà ngươi bắt-bớ”.

Ánh sáng siêu phàm đó làm mắt Sau-lơ bị lòa. Giê-su bảo ông hãy đến Đa-mách và đợi chỉ thị tại đó. Sau đó trong sự hiện thấy, Giê-su hiện ra cho A-na-nia là một môn đồ của ngài. Về Phao-lô, Giê-su nói với A-na-nia: “Ta đã chọn người nầy làm một đồ-dùng ta, để đem danh ta đồn ra trước mặt các dân ngoại, các vua, và con-cái Y-sơ-ra-ên”.

Thật vậy, với sự trợ giúp của Giê-su, Sau-lơ (giờ đây được gọi là Phao-lô) và những người rao giảng khác đã thành công mỹ mãn trong công việc rao giảng và dạy dỗ. Quả vậy, khoảng 25 năm sau khi Phao-lô thấy Giê-su hiện ra trên đường đi Đa-mách, Phao-lô viết rằng “tin-lành” đã được “giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời”.

Nhiều năm sau, Giê-su lại cho sứ đồ yêu dấu của Ngài là Giăng một loạt nhiều sự hiện thấy. Trong những sự hiện thấy mà Giăng miêu tả ở sách Khải-huyền, ông coi như được sống để tận mắt thấy Giê-su trở lại trong quyền hành Nước Trời. Giăng chép rằng nhờ “Đức Thánh-Linh cảm-hóa”, ông đã được đưa đến thời kỳ gọi là “ngày của Chúa”. Nhưng “ngày” đó là gì?

Sự nghiên cứu các lời tiên tri trong Kinh-thánh một cách kỹ lưỡng, kể cả lời tiên tri của Giê-su nói về những ngày cuối cùng, cho thấy rằng “ngày của Chúa” đã bắt đầu vào năm 1914 là năm có tầm quan trọng lịch sử! Năm 1914 là năm mà Giê-su đã trở lại một cách vô hình, không rầm rộ, và chỉ có những người tôi tớ trung thành của ngài mới nhận biết sự trở lại đó. Năm ấy, Đức Giê-hô-va đã ban cho Giê-su lệnh đi cai trị giữa các thù nghịch của ngài.

Giê-su vâng lệnh Cha ngài quét sạch các từng trời bằng cách quăng Sa-tan và các quỉ của hắn xuống trái đất. Sau khi nhìn thấy điều này xảy ra trong sự hiện thấy, Giăng nghe một tiếng nói từ trời vọng xuống: “Bây giờ sự cứu-rỗi, quyền-năng, và nước Đức Chúa Trời chúng ta đã đến cùng quyền-phép của Đấng Christ Ngài nữa”. Thật vậy, kể từ năm 1914, Giê-su đã bắt đầu làm Vua cai trị!

Thật là một tin mừng cho những ai thờ phượng Đức Giê-hô-va ở trên trời! Họ được khuyến khích: “Hỡi các từng trời và các đấng ở đó, hãy vui-mừng đi!” Nhưng tình hình trên trái đất này thì sao? Tiếng từ trên trời tiếp tục vọng xuống: “Khốn-nạn cho đất và biển! vì ma-quỉ biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi”.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ ngắn ngủi ấy. Hiện nay người ta đang chứng tỏ họ có hội đủ điều kiện hay không để được vào thế giới mới của Đức Chúa Trời, hoặc để bị hủy diệt. Sự thật là tương lai của chúng ta tùy thuộc vào cách chúng ta phản ứng khi nghe tin mừng về Nước Trời, hiện đang được rao giảng trên khắp đất, dưới sự chỉ huy của đấng Christ.

Sau đó, Giê-su Christ sẽ ra tay với tư cách là đấng Đại diện của Đức Chúa Trời để hủy diệt toàn thể hệ thống mọi sự của Sa-tan và tất cả những kẻ ủng hộ hệ thống đó. Ngài sẽ chấm dứt mọi sự gian ác qua trận chiến mà Kinh-thánh gọi là Ha-ma-ghê-đôn. Sau đó, Giê-su Christ, đấng vĩ đại nhất vũ trụ sau Giê-hô-va Đức Chúa Trời, sẽ bắt Sa-tan và các quỉ của hắn, trói và ném chúng vào “vực” trong một ngàn năm. Vực ấy tượng trưng cho tình trạng không hoạt động giống như chết vậy. (Công-vụ các Sứ-đồ 7:55-60; 8:1-3; 9:1-19; 16:6-10; Thi-thiên 110:1, 2; Hê-bơ-rơ 10:12, 13; I Phi-e-rơ 3:22; Lu-ca 22:28-30; Cô-lô-se 1:13, 23; Khải-huyền 1:1, 10; 12:7-12; 16:14-16; 20:1-3; Ma-thi-ơ 24:14).

▪ Sau khi Giê-su lên trời, vị trí ngài ở đâu, và ngài chờ đợi gì?

▪ Giê-su cai trị ai sau khi lên trời, và sự cai trị của ngài được biểu lộ như thế nào?

▪ “Ngày của Chúa” bắt đầu khi nào, và điều gì đã xảy ra khi ngày đó bắt đầu?

▪ Công việc rao giảng đang tiến triển ngày nay ảnh hưởng đến mỗi cá nhân chúng ta như thế nào?

▪ Chừng nào công việc rao giảng sẽ kết thúc, và có những chuyện gì xảy ra sau đó?