Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bị giải đến Hê-rốt, rồi lại giải về cho Phi-lát

Bị giải đến Hê-rốt, rồi lại giải về cho Phi-lát

Chương 122

Bị giải đến Hê-rốt, rồi lại giải về cho Phi-lát

GIÊ-SU không giấu Phi-lát rằng ngài là vua, nhưng giải thích rõ rằng Nước của ngài không là mối đe dọa cho La Mã. Ngài nói: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế-gian nầy. Ví bằng nước ta thuộc về thế-gian nầy, thì tôi-tớ của ta sẽ đánh trận, đặng ta khỏi phải nộp cho dân Giu-đa; nhưng hiện nay nước ta chẳng thuộc về hạ-giới”. Như vậy Giê-su nhìn nhận ba lần rằng ngài có một Nước, nhưng nước của ngài không thuộc về thế gian này.

Tuy nhiên Phi-lát gặn hỏi thêm: “Thế thì ngươi là vua sao?” Nói cách khác, phải chăng ngươi là vua, dù rằng nước của ngươi không thuộc về thế gian này?

Giê-su cho Phi-lát biết ông đã kết luận đúng: “Thật như lời, ta là vua. Nầy, vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng-thế: ấy là để làm chứng cho lẽ thật. Hễ ai thuộc về lẽ thật thì nghe lấy tiếng ta”.

Đúng thế, mục đích Giê-su xuống trái đất này là để làm chứng cho “lẽ thật”, đặc biệt là lẽ thật về Nước Trời. Giê-su sẵn sàng trung thành với lẽ thật ấy, dù phải hy sinh mạng sống. Mặc dù Phi-lát hỏi: “Lẽ thật là cái gì?” nhưng ông không cần chờ nghe Giê-su trả lời gì cả. Ông ta đã nghe đủ để có thể phán quyết.

Phi-lát lại ra gặp đám đông đang đợi ngoài dinh. Hiển nhiên với Giê-su đứng kế bên, Phi-lát nói với các thầy tế lễ cả và đồng bọn: “Ta không thấy người nầy có tội gì”.

Bực tức vì quyết định ấy, đám đông phản đối: “Người nầy xui-giục dân-sự, truyền-giáo khắp đất Giu-đê, bắt đầu từ xứ Ga-li-lê rồi đến đây”.

Sự cuồng tín phi lý của dân Do Thái hẳn làm cho Phi-lát ngạc nhiên lắm. Vì thế, lúc các thầy tế lễ cả và các trưởng lão còn đang tiếp tục la ó, Phi-lát quay sang hỏi Giê-su: “Họ có nhiều điều làm chứng kiện ngươi, ngươi há không nghe đến sao?” Nhưng Giê-su không đáp lại một lời gì. Sự bình tĩnh của ngài trước những lời buộc tội bừa bãi khiến Phi-lát lấy làm lạ lắm.

Khi biết Giê-su là người Ga-li-lê, Phi-lát nghĩ ra cách tránh trách nhiệm. Vì người cai trị miền Ga-li-lê, là Hê-rốt An-ti-ba (con Hê-rốt Lớn) cũng có mặt ở Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Vượt qua, nên Phi-lát sai giải Giê-su đến cho Hê-rốt. Trước kia, Hê-rốt đã sai chém đầu Giăng Báp-tít, và sau đó khi nghe Giê-su làm nhiều phép lạ, ông đâm ra sợ hãi vì e rằng Giê-su chính là Giăng sống lại.

Giờ đây, Hê-rốt rất mừng sắp được gặp Giê-su, không phải vì quan tâm đến ngài, cũng không phải muốn xem những lời buộc tội ngài đúng hay sai, mà là vì tò mò và muốn xem Giê-su làm vài phép lạ.

Tuy nhiên, Giê-su từ chối thỏa mãn sự hiếu kỳ của Hê-rốt. Thực tế là lúc Hê-rốt chất vấn, ngài không trả lời một tiếng. Thất vọng, Hê-rốt và bọn lính cận vệ nhạo báng ngài. Họ cho ngài mặc áo sáng láng và chế giễu ngài. Xong chúng giao ngài về cho Phi-lát. Nhờ sự kiện này mà Phi-lát và Hê-rốt trước kia thù hiềm nhau, nay đã trở thành bạn hữu.

Khi Giê-su trở lại, Phi-lát triệu tập các thầy tế lễ cả, những người lãnh đạo dân Do Thái và dân chúng, rồi nói: “Các ngươi đã đem nộp người nầy cho ta, về việc xui dân làm loạn; nhưng đã tra-hỏi trước mặt các ngươi đây, thì ta không thấy người mắc một tội nào mà các ngươi đã cáo; vua Hê-rốt cũng vậy, vì đã giao người về cho ta. Vậy người nầy đã không làm điều gì đáng chết, nên ta sẽ đánh đòn rồi tha đi”.

Như thế, Phi-lát đã hai lần tuyên bố Giê-su vô tội. Ông rất muốn thả ngài ra, vì hiểu rằng chỉ tại ganh ghét mà các thầy tế lễ cả bắt nộp Giê-su. Trong lúc Phi-lát đang cố tìm cách thả Giê-su, ông lại có thêm một động lực nữa thúc đẩy ông làm thế. Đó là khi ông ngồi xử án, vợ của ông sai người nhắn ông: “Đừng làm gì đến người công-bình đó; vì hôm nay tôi đã bởi cớ người mà đau-đớn nhiều trong chiêm-bao [chắc do Đức Chúa Trời ứng]”.

Tuy nhiên, làm sao Phi-lát có thể thả người vô tội này, dù biết đó là điều nên làm? (Giăng 18:36-38; Lu-ca 23:4-16; Ma-thi-ơ 27:12-14, 18, 19; 14:1, 2; Mác 15:2-5).

▪ Giê-su trả lời thế nào cho câu hỏi về quyền làm vua của ngài?

▪ Giê-su đã dùng đời sống trên đất để làm chứng về “lẽ thật”, vậy “lẽ thật” ấy là gì?

▪ Phi-lát phán xét thế nào, dân chúng phản ứng ra sao, và Phi-lát làm gì với Giê-su?

▪ Hê-rốt An-ti-ba là ai, tại sao ông rất mừng vì sắp được gặp Giê-su, và ông muốn ngài làm gì?

▪ Tại sao Phi-lát rất muốn thả Giê-su?