Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Các chuồng chiên và người chăn chiên

Các chuồng chiên và người chăn chiên

Chương 80

Các chuồng chiên và người chăn chiên

GIÊ-SU đã đến Giê-ru-sa-lem để dự lễ Khánh thành đền thờ, còn gọi là lễ Hanukkah, tức lễ kỷ niệm sự dâng hiến lại đền thờ cho Đức Giê-hô-va. Khoảng 200 năm về trước, tức năm 168 trước công nguyên, Antiochus IV Epiphanes chiếm thành Giê-ru-sa-lem và làm ô uế đền thờ cùng bàn thờ. Tuy nhiên, ba năm sau người ta chiếm lại được Giê-ru-sa-lem và làm lễ dâng hiến lại đền thờ. Kể từ đó, hằng năm người ta cử hành lễ ấy.

Lễ này diễn ra vào ngày 25 tháng Kít-lơ theo lịch Do Thái, tương đương với khoảng cuối tháng 11 và đầu tháng 12 theo dương lịch ngày nay. Vì thế, chỉ còn hơn một trăm ngày nữa là đến Lễ Vượt qua đáng ghi nhớ của năm 33 công nguyên. Vì là mùa lạnh, nên sứ đồ Giăng gọi là “mùa đông”.

Giê-su dùng một chuyện ví dụ nói về ba chuồng chiên và vai trò của ngài là Người Chăn Hiền lành. Chuồng đầu tiên liên quan đến sự sắp đặt của giao ước Luật pháp Môi-se. Luật pháp dùng làm một hàng rào tách dân tộc Do Thái ra khỏi những thực hành sa đọa của các dân không ở trong giao ước đặc biệt với Đức Chúa Trời. Giê-su giải thích: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào chẳng vào bởi cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào từ nơi khác, thì người đó là trộm-cướp. Nhưng kẻ bởi cửa mà vào, là người chăn chiên”.

Lắm kẻ đã đến và tự xưng là đấng Mê-si hay đấng Christ, nhưng chúng không phải là người chăn chiên thật như Giê-su miêu tả tiếp: “Người canh cửa mở cho, chiên nghe tiếng người chăn; người chăn kêu tên chiên mình mà dẫn ra ngoài... Nhưng chiên chẳng theo người lạ; trái lại, nó chạy trốn, vì chẳng quen tiếng người lạ”.

“Người canh cửa” của chuồng thứ nhất là Giăng Báp-tít. Là người canh cửa, Giăng đã “mở cửa” cho Giê-su bằng cách cho các chiên tượng trưng mà Giê-su sẽ dắt đi ăn cỏ biết ngài là ai. Các chiên này Giê-su gọi bằng tên riêng và dẫn ra ngoài và cuối cùng sẽ được đưa vào một chuồng khác, như Giê-su giải thích: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi: ta là cửa của chiên”, có nghĩa cửa của chuồng chiên mới này. Khi Giê-su thiết lập giao ước mới với môn đồ ngài, và vào ngày Lễ Ngũ tuần tiếp theo đó ngài từ trên trời đổ thánh linh xuống họ thì lúc đó chính là lúc họ được nhận vào chuồng chiên mới này.

Giê-su giải thích thêm về vai trò của ngài: “Ta là cái cửa: nếu ai bởi ta mà vào, thì sẽ được cứu-rỗi; họ sẽ vào ra và gặp đồng cỏ... Ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống dư-dật... Ta là người chăn hiền-lành, ta quen chiên ta, và chiên ta quen ta, cũng như Cha biết ta, và ta biết Cha vậy; ta vì chiên ta phó sự sống mình”.

Trước đó không lâu, Giê-su đã an ủi môn đồ ngài rằng: “Hỡi bầy nhỏ, đừng sợ chi; vì Cha các ngươi đã bằng lòng cho các ngươi nước thiên-đàng”. Cuối cùng bầy nhỏ này sẽ là 144.000 người và được vào chuồng chiên thứ hai, tức chuồng chiên mới. Tuy nhiên, Giê-su còn nói thêm nữa: “Ta còn có chiên khác chẳng thuộc về chuồng này; ta cũng phải dẫn nó về nữa, chiên đó sẽ nghe tiếng ta, rồi sẽ chỉ có một bầy, và một người chăn mà thôi”.

Bởi lẽ các “chiên khác” không thuộc về “chuồng này” cho nên hẳn phải có một chuồng khác cho chúng: chuồng chiên thứ ba. Chiên trong hai chuồng này có phần khác nhau. “Bầy nhỏ” trong một chuồng sẽ cai trị với đấng Christ ở trên trời và các “chiên khác” trong chuồng kia sẽ sống trong địa đàng trên đất. Dù ở hai chuồng khác nhau nhưng các chiên không ganh ghét nhau, và không cảm thấy bị tách riêng, vì như Giê-su nói họ trở thành “một bầy” và có cùng “một người chăn mà thôi”.

Người Chăn Hiền lành Giê-su Christ sẵn sàng hiến mạng sống mình cho các chiên thuộc cả hai chuồng. Ngài nói: “Tự ta phó cho; ta có quyền phó sự sống, và có quyền lấy lại; ta đã lãnh mạng-lịnh nầy nơi Cha ta”. Khi Giê-su nói thế thì có sự chia rẽ giữa dân Do Thái.

Trong đám đông có nhiều người nói: “Người bị quỉ ám, người là điên; sao các ngươi nghe làm chi?” Nhưng những người khác lại nói: “Ấy đó chẳng phải là lời nói của một kẻ bị quỉ ám”. Và rồi, chắc hẳn nhớ đến chuyện Giê-su hai tháng trước đã chữa lành một người mù từ thuở sanh ra, họ nói tiếp: “Quỉ há có thể mở mắt kẻ mù được sao?” (Giăng 10:1-22; 9:1-7; Lu-ca 12:32; Khải-huyền 14:1, 3; 21:3, 4; Thi-thiên 37:29).

▪ Lễ Khánh thành đền thờ là gì, và lễ đó cử hành khi nào?

▪ Chuồng chiên thứ nhất là gì, và ai là người canh cửa?

▪ Người canh cửa mở cửa cho Người Chăn chiên như thế nào, và sau đó các chiên được nhận vào đâu?

▪ Chiên trong hai chuồng của Người Chăn Hiền lành là ai, và họ hợp thành mấy bầy?