Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cần phải cầu nguyện và khiêm nhường

Cần phải cầu nguyện và khiêm nhường

Chương 94

Cần phải cầu nguyện và khiêm nhường

TRƯỚC đó không lâu, lúc ở Giu-đê, Giê-su đã minh họa về tầm quan trọng của việc kiên trì trong lời cầu nguyện. Giờ đây khi đi lên Giê-ru-sa-lem lần cuối, ngài lại nhấn mạnh việc cần phải cầu nguyện, không nên bỏ cuộc. Dường như ngài vẫn còn ở miền Sa-ma-ri hay Ga-li-lê khi ngài kể cho môn đồ một chuyện ví dụ khác nữa:

“Trong thành kia, có một quan án không kính-sợ Đức Chúa Trời, không vị-nể ai hết. Trong thành đó cũng có một người đờn-bà góa, đến thưa quan rằng: Xin xét lẽ công-bình cho tôi về kẻ nghịch cùng tôi. Quan ấy từ-chối đã lâu. Nhưng kế đó, người tự nghĩ rằng: Dầu ta không kính-sợ Đức Chúa Trời, không vị-nể ai hết, song vì đờn-bà góa nầy khuấy-rầy ta, ta sẽ xét lẽ công-bình cho nó, để nó không tới luôn làm nhức đầu ta”.

Đoạn, Giê-su cho thấy cách áp dụng câu chuyện: “Các ngươi có nghe lời quan án không công-bình đó đã nói chăng? Vậy, có lẽ nào Đức Chúa Trời chẳng xét lẽ công-bình cho những người đã được chọn, là kẻ đêm ngày kêu xin Ngài, mà lại chậm-chạp đến cứu họ sao!”

Giê-su không ngụ ý nói rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời giống ông quan án không công bình ấy về bất cứ phương diện nào. Nói đúng hơn, nếu ngay cả ông quan án không công bình còn nhận lời phán xét cho người không ngừng van xin, thì chắc chắn Đức Chúa Trời là Đấng vừa công bình vừa nhân từ, thế nào cũng nhậm lời cầu xin nếu tôi tớ ngài không ngừng cầu nguyện. Giê-su nói thêm: “Ta nói cùng các ngươi, Ngài sẽ vội-vàng xét lẽ công-bình cho họ”.

Công lý thường không chiếu cố kẻ nghèo hèn, trong khi đó lại thiên vị những người quyền thế giàu sang. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không những bảo đảm chắc chắn rằng những kẻ ác sẽ bị trừng trị một cách thích đáng, mà ngài còn cam kết với tôi tớ ngài rằng họ sẽ được đối đãi một cách công bình qua việc ban cho họ sự sống đời đời. Nhưng có bao nhiêu người tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ nhanh chóng thực hiện công lý?

Khi đặc biệt nói về đức tin liên quan đến sức mạnh của sự cầu nguyện, Giê-su hỏi: “Song khi Con người đến, há sẽ thấy đức-tin trên mặt đất chăng?” Tuy không được trả lời, nhưng ngụ ý của câu hỏi ấy cho thấy không nhiều người có được đức tin như thế khi Giê-su đến trong quyền hành Nước Trời.

Trong số những người lắng nghe Giê-su, có một số người tự cho là có đức tin mạnh lắm. Họ tin nơi chính mình và tự cho là công bình, và họ khinh bỉ người khác. Có thể trong nhóm đó có cả vài môn đồ của Giê-su nữa. Vậy nên, Giê-su nhắm vào những người như thế khi ngài kể câu chuyện ví dụ sau đây:

“Có hai người lên đền-thờ cầu-nguyện: một người Pha-ri-si và một người thâu thuế. Người Pha-ri-si đứng cầu-nguyện thầm như vầy: Lạy Đức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham-lam, bất-nghĩa, gian-dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy. Tôi kiêng ăn một tuần-lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi”.

Người Pha-ri-si nổi tiếng khoe khoang mình công bình một cách công khai để gây ấn tượng với dân chúng. Họ thường kiêng ăn ngày Thứ Hai và Thứ Năm mỗi tuần, và nộp thuế chính xác đến độ nộp phần mười các rau thơm nhỏ ngoài đồng nữa. Cách đó vài tháng, vào kỳ Lễ Lều tạm họ đã tỏ ra khinh bỉ người dân thường khi nói: “Song lũ dân nầy không biết luật [tức luật giải thích theo ý người Pha-ri-si] chi cả, thật là dân đáng rủa!”

Tiếp tục chuyện ví dụ, Giê-su nói về một người “đáng rủa” như thế: “Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời, xin thương-xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội!” Bởi vì người thâu thuế đó khiêm nhường nhìn nhận tội lỗi mình, nên Giê-su nói tiếp: “Ta nói cùng các ngươi, người nầy trở về nhà mình, được xưng công-bình hơn người kia; vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên”.

Như vậy, Giê-su lại nhấn mạnh về sự cần thiết phải khiêm nhường. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy ngay cả các môn đồ của Giê-su cũng bị ảnh hưởng, bởi vì họ đã lớn lên trong một xã hội mà những người Pha-ri-si tự cho mình là công bình lại có thế lực, và xã hội đó lại luôn luôn xem trọng địa vị và đẳng cấp. Quả thật Giê-su đã dạy những bài học tuyệt diệu về sự khiêm nhường! (Lu-ca 18:1-14; Giăng 7:49).

▪ Tại sao ông quan án không công bình lại nhận lời van xin của người đàn bà góa và qua lời ví dụ của Giê-su, chúng ta học được bài học nào?

▪ Giê-su sẽ tìm thứ đức tin nào khi ngài đến?

▪ Giê-su nhắm vào ai khi kể câu chuyện ví dụ về người Pha-ri-si và người thâu thuế?

▪ Ta cần phải tránh thái độ nào của người Pha-ri-si?