Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chuyện người con lầm đường lạc lối

Chuyện người con lầm đường lạc lối

Chương 86

Chuyện người con lầm đường lạc lối

GIÊ-SU vừa kể xong cho người Pha-ri-si nghe hai chuyện ví dụ về chiên đi lạc và đồng bạc bị thất lạc. Giờ đây ngài kể tiếp một chuyện ví dụ khác. Chuyện này nói về một người cha đầy tình thương và cách ông đối xử với hai người con trai và cả hai đều phạm những lỗi nặng.

Trước hết, người em là nhân vật chủ chốt của câu chuyện. Một ngày nọ, chàng ta đòi cha chia gia tài cho mình và người cha không ngần ngại chấp thuận điều này. Chàng rời nhà ra đi và bắt đầu một cuộc sống rất vô luân. Nhưng hãy nghe Giê-su kể lại câu chuyện ấy, và bạn đọc thử đoán xem các nhân vật trong chuyện tượng trưng cho ai.

Giê-su bắt đầu kể: “Một người kia có hai con trai. Người em nói với cha rằng: Thưa cha, xin chia cho tôi phần của mà tôi sẽ được. Người cha liền chia của mình cho hai con”. Người con thứ sẽ làm gì với của cải nhận được?

Giê-su kể tiếp: “Cách ít ngày, người em tóm thâu hết, đi phương xa, ở đó, ăn chơi hoang-đàng, tiêu sạch gia-tài mình”. Thật ra, chàng ta đã vung phí hết cả của cải với những cô gái mãi dâm. Thế rồi sau đó chàng bị túng bấn, như Giê-su thuật tiếp:

“Khi đã xài hết của rồi, trong xứ xảy có cơn đói lớn; nó mới bị nghèo-thiếu, bèn đi làm mướn cho một người bổn-xứ, thì họ sai ra đồng chăn heo. Nó muốn lấy vỏ đậu của heo ăn mà ăn cho no, nhưng chẳng ai cho”.

Đối với người Do Thái, buộc lòng phải đi chăn heo là một điều rất hèn hạ, bởi vì theo Luật pháp, heo là loài vật ô uế. Thế nhưng, điều làm chàng ta đau lòng nhất là cơn đói cồn cào khiến chàng đâm ra thèm thuồng đồ ăn mà người ta cho heo ăn. Chàng bị đau khổ khủng khiếp, và Giê-su nói: “Vậy nó mới tỉnh-ngộ”.

Giê-su tiếp tục câu chuyện: “Nó [tự nhủ]: Tại nhà cha ta, biết bao người làm mướn được bánh ăn dư-dật, mà ta đây phải chết đói! Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha, mà rằng: Thưa cha, tôi đã đặng tội với trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa; xin cha đãi tôi như đứa làm mướn của cha vậy. Nó bèn đứng dậy mà về cùng cha mình”.

Đây là điều chúng ta nên suy xét: Khi người con bỏ nhà ra đi, nếu như người cha giận dữ lớn tiếng nạt nộ, thì chắc có lẽ người con sẽ chẳng biết mình phải làm gì. Có thể người con quyết định trở về và tìm việc làm ở chỗ khác để khỏi gặp mặt người cha. Nhưng đằng này thì khác, người con hoàn toàn không có ý gì khác là chỉ muốn về nhà cha mình mà thôi!

Rõ ràng là trong chuyện ví dụ trên, người cha tượng trưng cho Cha đầy nhân từ và thương xót của chúng ta ở trên trời là Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Có thể bạn đọc cũng nhận ra rằng người con lầm đường lạc lối, cũng gọi là người con phá của, tượng trưng cho những người tội lỗi mà nhiều người biết đến. Những người Pha-ri-si mà Giê-su đang ngỏ lời đã chỉ trích ngài trước đó vì ngài ăn chung với những người tội lỗi ấy. Tuy nhiên, còn người con lớn tuổi thì tượng trưng cho ai?

Khi người con lầm đường trở về nhà

Trong câu chuyện ví dụ của Giê-su, người con lầm đường hay người con phá của ấy trở về nhà cha mình thì được đón tiếp ra sao? Hãy nghe Giê-su kể tiếp câu chuyện:

“Khi còn ở đàng xa, cha nó thấy thì động lòng thương-xót, chạy ra ôm lấy cổ mà hôn”. Quả là một người cha đầy nhiệt tình và thương xót! Đúng là ông tượng trưng cho Cha trên trời của chúng ta là Đức Giê-hô-va.

Rất có thể ông đã nghe nói về lối sống phóng đãng và đồi trụy của con. Vậy mà ông đã niềm nở đón tiếp con, không hạch hỏi gì cả. Giê-su cũng thể hiện tinh thần ấy, vì ngài chủ động tìm đến những người tội lỗi và kẻ thâu thuế, tượng trưng bởi người con phá của trong câu chuyện ví dụ này.

Đương nhiên, trông thấy điệu bộ thiểu não và u sầu của con mình, người cha trong chuyện ví dụ chắc hẳn đã thấy rằng người con đã hối hận. Tuy vậy, cử chỉ đầy tình thương của ông đã giúp người con thú tội dễ dàng hơn như Giê-su kể tiếp: “Con thưa cùng cha rằng: Cha ơi, tôi đã đặng tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con của cha nữa”.

Người con chỉ mới kịp nói đến đây thì người cha đã ra lệnh cho người làm: “Hãy mau mau lấy áo tốt nhứt mặc cho nó; đeo nhẫn vào ngón tay, mang giày vào chơn. Hãy bắt bò con mập làm thịt đi. Chúng ta hãy ăn mừng, vì con ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ lại thấy được”. Đoạn, họ khởi sự “vui-mừng”.

Trong khi ấy, “con trai cả đương ở ngoài đồng”. Bạn đọc hãy nghe đoạn kết của câu chuyện và hãy đoán xem người con cả tượng trưng cho ai. Giê-su nói về người con lớn như sau: “Khi trở về gần đến nhà, nghe tiếng đờn ca nhảy múa, bèn gọi một đầy-tớ mà hỏi cớ gì. Đầy-tớ thưa rằng: Em cậu bây giờ trở về, nên cha cậu đã làm thịt bò con mập, vì thấy em về được mạnh-khoẻ. Con cả liền nổi giận, không muốn vào nhà. Vậy cha nó ra khuyên nó vào. Nhưng nó thưa cha rằng: Nầy, tôi giúp việc cha đã bấy nhiêu năm, chưa từng trái phép, mà cha chẳng hề cho tôi một con dê con đặng ăn chơi với bạn-hữu tôi. Nhưng nay con của cha kia, là đứa đã ăn hết gia-tài cha với phường điếm-đĩ rồi trở về, thì cha vì nó làm thịt bò con mập!”

Ai giống như người con cả đã chỉ trích Giê-su vì ngài có lòng vị tha và quan tâm đến những người tội lỗi? Đấy chẳng phải là những thầy thông giáo và người Pha-ri-si đó sao? Chính vì họ đã trách móc Giê-su niềm nở đón tiếp những người có tội nên ngài mới kể câu chuyện ví dụ ấy. Rõ ràng người con lớn tượng trưng cho họ vậy.

Giê-su kết thúc câu chuyện với lời kêu gọi của người cha nói với người con cả: “Con ơi, con ở cùng cha luôn, hết thảy của cha là của con. Nhưng thật nên dọn tiệc và vui-mừng, vì em con đây đã chết mà lại sống, đã mất mà lại thấy được”.

Giê-su không tiết lộ người con cả sẽ làm gì. Thật ra sau này, khi Giê-su chết và sống lại thì “có rất nhiều thầy tế-lễ vâng-theo đạo nữa”. Có thể trong đó có một số người trước kia thuộc lớp người “con trai cả” mà Giê-su đang nói ở đây.

Nhưng vào thời kỳ chúng ta ngày nay thì hai người con ấy tượng trưng cho ai? Đó phải là những người biết khá rõ về ý định của Đức Giê-hô-va để làm nền tảng cho một mối quan hệ với ngài. Người con trai cả tượng trưng cho một số thành viên của “bầy nhỏ” hay “Hội-thánh của những con trưởng được ghi tên trong các từng trời”. Những người này có một thái độ giống như người con cả. Họ không muốn tiếp đón lớp người có hy vọng sống trên đất, tức các “chiên khác”, vì cho rằng những người này lấy mất danh tiếng của họ.

Mặt khác, người con trai phá của tượng trương cho những người trong số dân sự của Đức Chúa Trời đã bỏ đi để hưởng lạc thú của thế gian. Nhưng sau đó, họ ăn năn và trở về tích cực phụng sự Đức Chúa Trời. Thật vậy, Đức Chúa Trời đã tỏ lòng yêu thương nhân từ biết bao cho những người nhìn nhận mình cần được tha thứ và trở lại cùng ngài! (Lu-ca 15:11-32; Lê-vi Ký 11:7, 8; Công-vụ các Sứ-đồ 6:7; Lu-ca 12:32; Hê-bơ-rơ 12:23; Giăng 10:16).

▪ Giê-su nói lời ví dụ hay câu chuyện này với ai, và tại sao?

▪ Ai là nhân vật chính trong câu chuyện, và điều gì đã xảy ra cho người đó?

▪ Người cha và người con thứ tượng trưng cho ai trong thời của Giê-su?

▪ Giê-su noi theo gương mẫu của người cha đầy thương xót trong câu chuyện ví dụ như thế nào?

▪ Người con cả nghĩ gì về việc tiếp đón người em, và người Pha-ri-si cư xử giống người con cả như thế nào?

▪ Lời ví dụ của Giê-su có sự áp dụng nào vào thời chúng ta?