Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Dạy Ni-cô-đem

Dạy Ni-cô-đem

Chương 17

Dạy Ni-cô-đem

TRONG kỳ về dự Lễ Vượt qua năm 30 công nguyên, Giê-su làm nhiều phép lạ đặc biệt, và điều này khiến nhiều người tin nơi ngài. Ni-cô-đem, một thành viên của Tòa Công luận, tức tòa án tối cao của người Do Thái, lấy làm khâm phục và muốn biết thêm. Ông đến gặp Giê-su vào lúc đêm tối. Ông làm vậy có lẽ vì sợ đi ban ngày sẽ bị người ta thấy và thanh danh ông sẽ bị tổn thương đối với những người lãnh đạo Do Thái.

Ông nói với Giê-su: “Thưa thầy, chúng tôi biết thầy là giáo-sư từ Đức Chúa Trời đến; vì những phép lạ thầy đã làm đó, nếu Đức Chúa Trời chẳng ở cùng, thì không ai làm được”. Giê-su trả lời Ni-cô-đem rằng nếu ai muốn vào Nước Đức Chúa Trời thì phải “sanh lại”.

Tuy nhiên, làm sao mà người ta có thể sanh lại được? Vì thế, Ni-cô-đem hỏi: “Có thể nào trở vào lòng mẹ và sanh lần thứ hai sao?”

Sanh lại không có nghĩa như thế. Giê-su giải thích: “Nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh-Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời”. Khi Giê-su làm báp têm và thánh linh ngự xuống trên ngài, thì lúc đó ngài được sanh lại “nhờ nước và thánh linh”. Cùng lúc ấy có lời tuyên bố từ trên trời vọng xuống: “Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng”. Với lời này Đức Chúa Trời thông báo rằng Ngài đã sanh ra một con thiêng liêng có triển vọng được vào Nước Trời. Về sau, vào Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên, có những người khác đã làm báp têm cũng nhận được thánh linh và như thế họ cũng được sanh lại với tư cách là con thiêng liêng của Đức Chúa Trời.

Nhưng Con của Đức Chúa Trời dưới hình dạng con người có một vai trò rất quan trọng. Giê-su nói với Ni-cô-đem: “Xưa Môi-se treo con rắn lên nơi đồng vắng thể nào, thì Con người cũng phải bị treo lên dường ấy, hầu cho hễ ai tin đến ngài đều được sự sống đời đời”. Đúng vậy, giống như những người Y-sơ-ra-ên thời xưa bị rắn độc cắn phải nhìn lên con rắn bằng đồng để được sống, thì nay tất cả mọi người cần phải thực hành đức tin nơi Con của Đức Chúa Trời mới được giải cứu khỏi sự chết.

Để nhấn mạnh về tình yêu thương của Đức Giê-hô-va trong việc này, Giê-su sau đó nói với Ni-cô-đem: “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời”. Vì thế cho nên tại Giê-ru-sa-lem, chỉ sáu tháng sau khi bắt đầu làm thánh chức, Giê-su đã cho thấy rõ ngài chính là đấng mà Đức Chúa Trời dùng để giải cứu nhân loại.

Ngài giải thích thêm cho Ni-cô-đem: “Vả, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế-gian, chẳng phải để đoán-xét thế-gian đâu”. Điều này không có nghĩa là để kết tội hay tuyên án nhân loại phải bị hủy diệt, “nhưng hầu cho thế-gian nhờ Con ấy mà được cứu”.

Vì sợ nên Ni-cô-đem đến gặp Giê-su vào lúc đêm tối. Vì vậy, điều đáng chú ý là lời Giê-su kết thúc buổi nói chuyện: “Vả, sự đoán-xét đó là như vầy: sự sáng [thể hiện qua đời sống của Giê-su và các sự dạy dỗ của ngài] đã đến thế-gian, mà người ta ưa sự tối-tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là xấu-xa. Bởi vì phàm ai làm ác thì ghét sự sáng và không đến cùng sự sáng, e rằng công-việc của mình phải trách-móc chăng. Nhưng kẻ nào làm theo lẽ thật thì đến cùng sự sáng, hầu cho các việc của mình được bày-tỏ ra, vì đã làm trong Đức Chúa Trời”. (Giăng 2:23 đến 3:21; Ma-thi-ơ 3:16, 17; Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-4; Dân-số Ký 21:9).

▪ Điều gì khiến Ni-cô-đem đến gặp Giê-su, và tại sao ông đến vào lúc đêm tối?

▪ “Sanh lại” có nghĩa gì?

▪ Giê-su diễn tả vai trò của ngài trong sự giải cứu chúng ta như thế nào?

▪ Việc Giê-su đến không phải để đoán xét thế gian có nghĩa gì?