Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Dạy bằng những ví dụ

Dạy bằng những ví dụ

Chương 43

Dạy bằng những ví dụ

GIÊ-SU dường như ở Ca-bê-na-um khi ngài khiển trách người Pha-ri-si. Cùng ngày hôm ấy, ngài ra khỏi nhà và đi bộ về phía mé biển Ga-li-lê gần đấy, nơi dân chúng tụ họp đông đảo. Giê-su lên một chiếc thuyền, rời bờ và bắt đầu giảng dạy cho dân trên bờ về Nước Trời bằng một loạt những chuyện ví dụ, hoặc minh họa, dựa vào các sự việc thường ngày mà dân chúng quen thuộc.

Đầu tiên, ngài nói về một người gieo hạt giống. Có những hạt rơi dọc đường và bị chim ăn mất. Có những hạt khác rơi nhằm chỗ đất có đá sỏi. Vì rễ không ăn sâu nên cây mới mọc héo đi khi nắng gắt. Còn những hạt khác rơi nhằm bụi gai làm cây bị che không mọc lên được. Cuối cùng có một số hạt rơi chỗ đất tốt, sanh trái, một số ra được một trăm, một số sáu chục, hoặc một số ba chục.

Trong một chuyện ví dụ khác, Giê-su ví Nước Trời với một người gieo giống. Thời gian trôi qua, trong khi người ấy ngủ và lúc người ấy thức giấc, hạt giống vẫn cứ nẩy mầm. Người ấy không biết hạt nẩy mầm ra sao. Cây tự nó lớn lên và kết hột, và khi hột chín mùi thì người ấy thu huê lợi.

Giê-su kể chuyện ví dụ thứ ba nói về một người gieo giống tốt. Nhưng “đương khi người ta ngủ”, kẻ thù lén đến gieo cỏ lùng lẫn lộn với lúa mì. Đầy tớ của người đó hỏi chủ xem có nên nhổ cỏ lùng đi không. Ông đáp: “Chẳng nên, e khi nhổ cỏ lùng, hoặc các ngươi nhổ lộn lúa mì đi chăng. Hãy để cho cả hai thứ cùng lớn lên cho đến mùa gặt; đến mùa gặt, ta sẽ dặn con gặt rằng: Trước hết hãy nhổ cỏ lùng, bó lại từng bó mà đốt đi; song hãy thâu-trữ lúa mì vào kho ta”.

Tiếp tục bài giảng với đám đông trên bờ, Giê-su kể thêm hai chuyện ví dụ nữa. Ngài nói “nước thiên-đàng” giống như một hột cải mà người kia đem gieo. Ngài nói tuy hột cải nhỏ nhất trong các loại hạt giống, nhưng khi đã mọc lên thì lớn hơn mọi thứ rau. Nó mọc lên thành cây, và có chim tới đậu.

Ngày nay có một số người bắt bẻ, cho rằng có vài loại hạt giống khác còn nhỏ hơn cả hột cải nữa. Nhưng Giê-su không dạy về thực vật học. Vào thời ấy, hột cải thật sự là loại hạt giống nhỏ nhất mà dân Ga-li-lê biết đến. Vậy nên dân chúng hiểu rõ Giê-su muốn cho ví dụ về một sự phát triển lạ thường.

Sau cùng, Giê-su ví “nước thiên-đàng” với men mà người đàn bà nọ đem trộn chung với ba đấu bột. Với thời gian men thấm vào khắp bột nhồi.

Nói xong năm chuyện ví dụ trên, Giê-su cho đám đông ra về và ngài cũng về nơi ngài trú ngụ. Sau đó 12 sứ đồ và một số người khác cùng đến chỗ ngài ở.

Được lợi ích qua các chuyện ví dụ

Khi môn đồ đến gặp Giê-su sau bài giảng ngài nói với dân chúng trên bãi biển, họ tò mò muốn biết về phương pháp giảng dạy mới của ngài. Dĩ nhiên họ đã có dịp nghe ngài dùng chuyện ví dụ rồi, nhưng chưa bao giờ tới mức độ ấy. Họ bèn hỏi: “Sao thầy dùng thí-dụ mà phán cùng chúng vậy?”

Một lý do ngài làm vậy là để làm ứng nghiệm lời tiên tri: “Ta sẽ mở miệng ra mà nói lời ví-dụ, ta sẽ rao-bảo những điều kín-nhiệm từ khi dựng nên trời đất”. Nhưng còn có lý do khác nữa. Cách ngài dùng ví dụ có mục đích làm người ta lộ ra thái độ trong lòng họ.

Thật ra đa số người ta chú ý tới Giê-su chỉ vì ngài kể chuyện hay và làm phép lạ, chứ họ không chịu hy sinh theo ngài và không xem ngài như một nhân vật đáng cho họ phụng sự như Chúa. Họ không muốn thay đổi quan điểm và lối sống của họ. Họ không muốn để cho thông điệp thấm vào lòng đến mức độ đó.

Thế nên Giê-su nói: “Vậy nên ta phán thí-dụ cùng chúng; vì họ xem mà không thấy, lắng tai mà không nghe, và không hiểu chi hết. Vậy, về họ, đã được ứng-nghiệm lời tiên-tri của Ê-sai rằng:... Vì lòng dân nầy đã cứng-cỏi”.

Ngài nói tiếp: “Nhưng phước cho mắt các ngươi, vì thấy được; phước cho tai các ngươi, vì nghe được! Quả thật, ta nói cùng các ngươi, có nhiều đấng tiên-tri, nhiều người công-chính đã ước-ao thấy điều các ngươi thấy, mà chẳng được thấy; ước-ao nghe điều các ngươi nghe, mà chẳng được nghe”.

Thật vậy, 12 sứ đồ và những người cùng đi với họ có lòng dễ tiếp thụ. Do đó Giê-su nói: “Bởi vì đã ban cho các ngươi được biết những điều mầu-nhiệm của nước thiên-đàng, song về phần họ, thì không ban cho biết”. Vì môn đồ ngài muốn được hiểu rõ nên Giê-su giải nghĩa tỏ tường cho họ chuyện ví dụ về người gieo giống.

Ngài giải thích: “Hột giống là đạo Đức Chúa Trời”, còn đất là lòng con người. Còn về những hạt bị rơi trên đất cằn dọc đường, ngài nói: “Ma-quỉ đến, cướp lấy đạo từ trong lòng họ, e rằng họ tin mà được cứu chăng”.

Mặt khác, hột giống gieo trên đất có đá sỏi ám chỉ những người vui mừng khi nghe lời Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, vì lời ấy không thể nào đâm rễ sâu trong lòng họ nên họ bỏ cuộc khi gặp thử thách hay bắt bớ.

Còn những hột giống rơi nhằm bụi gai ám chỉ những người nghe lời Đức Chúa Trời nhưng vì sự lo lắng, giàu sang và vui thú của đời này làm cho họ bận tâm nên họ hoàn toàn không phát triển được về thiêng liêng và chẳng đem lại kết quả nào hết.

Cuối cùng, Giê-su nói về hột giống gieo nơi đất tốt là những người có lòng tốt sau khi nghe được lời Đức Chúa Trời thì giữ lấy đạo và với sự nhịn nhục, họ sanh ra bông trái.

Thật phước thay cho các môn đồ tìm đến hỏi Giê-su về ý nghĩa những gì ngài đã dạy! Giê-su muốn họ hiểu rõ những chuyện ví dụ của ngài để họ có thể truyền lại lẽ thật cho người khác nữa. Ngài hỏi: “Có ai đem đèn để dưới cái thùng hoặc dưới cái giường chăng? Há chẳng phải để trên chơn đèn sao?” Vậy nên ngài nói thêm: “Vậy, hãy coi chừng về cách các ngươi nghe”.

Được dạy dỗ thêm nữa

Sau khi nghe Giê-su giải thích chuyện ví dụ về người gieo giống, các môn đồ ngài muốn biết thêm nữa. Họ hỏi ngài: “Xin thầy giải lời ví-dụ về cỏ lùng trong ruộng cho chúng tôi”.

Thái độ của môn đồ thật khác hẳn thái độ của đám đông trên bãi biển! Đám đông ấy không thật sự ao ước muốn biết ý nghĩa của lời minh họa, mà chỉ cần biết sơ qua là đủ. Nhấn mạnh sự tương phản giữa đám đông ở ngoài bãi biển và các môn đồ đầy thắc mắc đến nhà gặp ngài, Giê-su nói:

“Người ta sẽ đong cho các ngươi bằng lường các ngươi đã đong cho, và thêm vào đó nữa”. Các môn đồ đã “đong” cho Giê-su một sự lưu tâm nồng nhiệt và chú ý nghiêm chỉnh, nên họ đã được dạy dỗ thêm nữa. Như vậy, để trả lời câu hỏi của môn đồ, Giê-su giải thích như sau:

“Kẻ gieo giống tốt, là Con người; ruộng, là thế-gian; giống tốt, là con-cái nước thiên-đàng; cỏ lùng, là con-cái quỉ dữ; kẻ nghịch thù gieo cỏ ấy, là ma-quỉ; mùa gặt, là ngày tận-thế; con gặt, là các thiên-sứ”.

Sau khi định rõ mỗi đặc điểm trong chuyện ví dụ, Giê-su mô tả kết cuộc của chuyện ví dụ. Ngài nói rằng trong ngày kết liễu của hệ thống mọi sự này, các thợ gặt, tức các thiên sứ, sẽ tách môn đồ giả hiệu của đấng Christ ví như cỏ lùng khỏi “con-cái nước thiên-đàng”. Lúc bấy giờ “con-cái của quỉ dữ” sẽ bị đánh dấu để hủy diệt, trong khi con cái của Nước Đức Chúa Trời, tức “những người công-bình” sẽ chói rạng trong Nước Trời của Cha họ.

Kế đó Giê-su còn nói thêm ba chuyện ví dụ cho các môn đồ đến hỏi ngài. Đầu tiên ngài nói: “Nước thiên-đàng giống như của báu chôn trong một đám ruộng kia. Một người kia tìm được thì giấu đi, vui-mừng mà trở về, bán hết gia-tài mình, mua đám ruộng đó”.

Ngài nói tiếp: “Nước thiên-đàng lại giống như một người lái-buôn kiếm ngọc châu tốt, khi đã tìm được một hột châu quí giá, thì đi bán hết gia-tài mình mà mua hột châu đó”.

Chính Giê-su giống như người tìm được của báu trong đám ruộng và giống như người lái buôn tìm được hột châu quí giá. Có thể nói là ngài đã bán hết gia tài khi ngài bỏ vị thế vinh hiển ở trên trời để xuống thế làm con người thấp hèn. Và khi làm người trên đất, ngài đã phải chịu đựng bao nhục nhã và bắt bớ ác độc, chứng tỏ rằng ngài xứng đáng làm Vua của Nước Đức Chúa Trời.

Tương tự thế, tín đồ đấng Christ cũng đứng trước sự thử thách phải bán hết gia tài để nhận lấy phần thưởng lớn là cùng cai trị với đấng Christ hoặc làm công dân trên đất của Nước Trời. Chúng ta có xem việc được dự phần vào Nước Trời là quan trọng hơn tất cả mọi thứ trong đời sống, tựa như của báu vô giá hoặc hột châu quí giá không?

Cuối cùng Giê-su ví “nước thiên-đàng” như một lưới đánh cá bắt đủ mọi thứ cá. Đến khi lựa cá ra thì giống tốt được giữ lại còn giống xấu bị vứt đi. Giê-su nói tiếp rằng đến ngày kết liễu của hệ thống mọi sự này cũng vậy; các thiên sứ sẽ phân chia kẻ ác với người công bình, và kẻ ác sẽ bị hủy diệt.

Chính Giê-su đã khởi đầu công việc đánh cá ấy khi mời các môn đồ đầu tiên theo ngài để “đánh lưới người”. Dưới sự trông nom của các thiên sứ, công việc đánh cá đã tiếp diễn qua nhiều thế kỷ. Cuối cùng nay đã đến lúc kéo “lưới” lên. Lưới ấy tượng trưng cho tất cả các tổ chức trên đất tự xưng theo đạo đấng Christ, kể cả hội thánh của tín đồ được xức dầu.

Mặc dù cá xấu bị quăng vào sự hủy diệt nhưng mừng thay ‘cá tốt’ được giữ lại. Nếu chúng ta giống như môn đồ của Giê-su bày tỏ lòng nhiệt thành ao ước được thêm sự hiểu biết và khôn ngoan, thì chẳng những chúng ta sẽ được dạy dỗ thêm nhiều mà còn được Đức Chúa Trời ban cho ân phước tuyệt diệu là sống đời đời. (Ma-thi-ơ 13:1-52; Mác 4:1-34; Lu-ca 8:4-18; Thi-thiên 78:2; Ê-sai 6:9, 10).

▪ Giê-su nói chuyện với đám đông bằng lời ví dụ khi nào, và ở đâu?

▪ Giê-su kể năm chuyện ví dụ nào cho đám đông?

▪ Tại sao Giê-su nói hột cải là hột giống nhỏ nhất?

▪ Tại sao Giê-su nói bằng những lời ví dụ?

▪ Môn đồ của Giê-su cho thấy họ khác với đám đông như thế nào?

▪ Giê-su giải thích chuyện ví dụ về người gieo giống như thế nào?

▪ Các môn đồ khác với đám đông trên bãi biển như thế nào?

▪ Người gieo giống, ruộng, giống tốt, kẻ thù, mùa gặt và con gặt tượng trưng cho ai hoặc cho điều gì?

▪ Giê-su nói thêm ba chuyện ví dụ nào, và chúng ta học được gì qua ba chuyện đó?