Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giê-su giảng dạy tại Giê-ri-cô

Giê-su giảng dạy tại Giê-ri-cô

Chương 99

Giê-su giảng dạy tại Giê-ri-cô

KHÔNG lâu sau, Giê-su và đoàn lữ hành tới Giê-ri-cô, cách Giê-ru-sa-lem một ngày đường. Hình như Giê-ri-cô là một thành phố gồm hai khu hợp lại. Khu phố cổ Do Thái cách xa khu phố mới La Mã chừng một cây số rưỡi. Có hai người mù ăn mày nghe thấy tiếng ồn ào khi đoàn người ra khỏi khu phố cổ và tiến về khu phố mới. Một trong hai người này tên là Ba-ti-mê.

Khi biết được Giê-su đang đi qua, Ba-ti-mê và người mù kia bèn kêu lên: “Lạy Chúa, con cháu vua Đa-vít, xin thương-xót chúng tôi!” Đoàn dân nghiêm giọng bảo hai người nín, nhưng họ càng kêu lớn hơn nữa: “Lạy Chúa, con cháu vua Đa-vít, xin thương-xót chúng tôi!”

Vì nghe có tiếng náo động nên Giê-su dừng lại và bảo những người ở gần đi gọi hai người đang kêu la đó. Người ta tới gần hai người ăn mày và bảo một người: “Hãy vững lòng, đứng dậy, ngài gọi ngươi”. Người này vui mừng khôn xiết, trút bỏ áo ngoài, bật đứng dậy và bước về phía Giê-su.

Giê-su hỏi: “Ngươi muốn ta làm chi cho ngươi?”

Hai người mù van xin: “Lạy Chúa, xin cho mắt chúng tôi được mở ra”.

Giê-su động lòng thương xót bèn rờ lên mắt họ. Theo lời tường thuật của Mác, Giê-su đã nói với một trong hai người mù: “Đi đi, đức-tin ngươi đã chữa lành ngươi rồi”. Mắt của hai người ăn mày liền sáng ra, và chắc hẳn cả hai đều tôn vinh Đức Chúa Trời. Khi chứng kiến cảnh này, dân chúng cũng cùng nhau ngợi khen Đức Chúa Trời. Sau đó, Ba-ti-mê và người kia đi theo Giê-su.

Khi Giê-su băng qua thành Giê-ri-cô, một đám đông nghịt người vây quanh ngài. Ai cũng muốn xem mặt người đã chữa cho hai người mù được sáng mắt. Họ lấn ép vào Giê-su từ mọi phía, đến nỗi có người không làm sao thấy được ngài. Trong số ấy có Xa-chê, là người đứng đầu những người thâu thuế tại Giê-ri-cô và vùng phụ cận. Xa-chê quá thấp thành thử chẳng nhìn thấy gì cả. Ông ta bèn chạy ra phía trước, trèo lên một cây sung dọc trên đường mà Giê-su sắp đi qua. Từ trên cây, ông nhìn thấy rõ tất cả. Lúc đoàn người đi tới, Giê-su ngước mắt nhìn lên cây và gọi: “Hỡi Xa-chê, hãy xuống cho mau, vì hôm nay ta phải ở nhà ngươi”. Xa-chê rất vui mừng, liền leo xuống và chạy vội về nhà để sửa soạn đón tiếp vị khách đặc biệt.

Tuy nhiên, mọi người đều cằn nhằn khi thấy điều này. Họ nghĩ Giê-su tới trọ tại nhà một người như Xa-chê là điều không nên làm. Sở dĩ họ làm vậy là vì Xa-chê đã làm giàu một cách phi nghĩa, lợi dụng chức vụ thâu thuế để ăn chận tiền bạc người khác.

Nhiều người đi theo Giê-su, và khi thấy ngài vào nhà của Xa-chê, họ phàn nàn: “Người nầy vào nhà kẻ có tội mà trọ!” Tuy nhiên Giê-su đã nhận thấy nơi Xa-chê những dấu hiệu tỏ ra có sự ăn năn. Và ngài đã nhận xét đúng, vì Xa-chê đứng dậy và nói: “Lạy Chúa, nầy, tôi lấy nửa gia-tài mình mà cho kẻ nghèo, và nếu có làm thiệt-hại ai, bất-kỳ việc gì, tôi sẽ đền gấp tư”.

Xa-chê chứng tỏ có sự ăn năn thành thật khi đem nửa tài sản mình mà cho kẻ nghèo và dùng nửa kia mà đền cho ai đã bị mình ăn gian. Chắc hẳn ông ta có thể tính được những món nợ mình thiếu căn cứ theo sổ thuế. Vì vậy ông nguyện sẽ đền gấp tư, theo đúng Luật pháp Đức Chúa Trời đã nói: ‘Ví ai bắt trộm bò hay chiên,... thì phải thường năm con bò cho một con, và bốn con chiên cho một con’.

Giê-su rất hài lòng với cách Xa-chê hứa dùng tài sản để đền nợ, vì ngài nói: “Hôm nay sự cứu đã vào nhà nầy, vì người nầy cũng là con cháu Áp-ra-ham. Bởi Con người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất”.

Trước đó không lâu, Giê-su đã minh họa tình trạng của “kẻ bị mất” qua câu chuyện người con lầm đường. Bây giờ đây, chúng ta có được một thí dụ thật của một người lạc lối và tìm lại được. Dẫu các nhà lãnh đạo tôn giáo và những kẻ theo họ có cằn nhằn và than phiền về việc Giê-su quan tâm đến những người như Xa-chê, ngài vẫn tiếp tục tìm kiếm và đem con cháu lầm đường lạc lối của Áp-ra-ham trở về. (Ma-thi-ơ 20:29-34; Mác 10:46-52; Lu-ca 18:35 đến 19:10; Xuất Ê-díp-tô Ký 22:1).

▪ Giê-su có lẽ đã gặp những người mù ăn mày ở đâu, và ngài làm gì cho họ?

▪ Xa-chê là ai, và tại sao ông trèo lên cây?

▪ Xa-chê chứng tỏ mình ăn năn như thế nào?

▪ Cách Giê-su đối đãi với Xa-chê dạy chúng ta bài học gì?