Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giê-su khiển trách người Pha-ri-si

Giê-su khiển trách người Pha-ri-si

Chương 42

Giê-su khiển trách người Pha-ri-si

GIÊ-SU lập luận rằng nếu ngài nhờ quyền lực của Sa-tan mà đuổi quỉ thì chẳng khác nào Sa-tan tự chia rẽ chính mình. Ngài nói tiếp: “Hoặc cho là cây tốt thì trái cũng tốt, hoặc cho là cây xấu thì trái cũng xấu; vì xem trái thì biết cây”.

Thật vô lý khi tố cáo rằng trái tốt của việc đuổi quỉ là kết quả của việc Giê-su phụng sự Sa-tan. Nếu trái tốt thì cây không thể là cây thối nát được. Ngược lại, những trái thối nát của người Pha-ri-si, tức những lời tố cáo vô lý và chống đối vô căn cứ của họ đối với Giê-su, chứng tỏ chính họ là thối nát. Giê-su thốt lên: “Hỡi dòng-dõi rắn lục; bay vốn là loài xấu, làm sao nói được sự tốt? Bởi vì do sự đầy-dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra”.

Vì lời nói của chúng ta phản ảnh tình trạng trong lòng cho nên chúng ta có thể bị xét đoán căn cứ trên những gì chúng ta nói. Giê-su nói: “Vả ta bảo các ngươi, đến ngày phán-xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư-không mà mình đã nói: vì bởi lời nói mà ngươi sẽ được xưng là công-bình, cũng bởi lời nói mà ngươi sẽ bị phạt”.

Tuy Giê-su đã làm bao nhiêu phép lạ rồi, nhưng các thầy thông giáo và người Pha-ri-si vẫn yêu cầu: “Bẩm thầy, chúng tôi muốn xem thầy làm dấu lạ”. Mặc dù những người này từ Giê-ru-sa-lem đến có lẽ chưa tận mắt thấy phép lạ của ngài, nhưng có những bằng chứng không thể chối cãi được cho thấy phép lạ đã xảy ra. Vì vậy Giê-su nói cùng các nhà lãnh đạo Do Thái ấy: “Dòng-dõi hung-ác gian-dâm nầy xin một dấu lạ, nhưng sẽ chẳng cho dấu lạ khác ngoài dấu lạ của đấng tiên-tri Giô-na”.

Ngài giải thích ý ngài muốn nói gì: “Vì Giô-na đã bị ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng một thể ấy, Con người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm”. Sau khi bị cá nuốt, Giô-na thoát ra như thể được sống lại vậy. Vì thế, Giê-su báo trước là ngài sẽ chết và vào ngày thứ ba ngài sẽ được sống lại. Tuy nhiên, ngay cả khi ngài sống lại, các nhà lãnh đạo Do Thái vẫn không chấp nhận “dấu lạ của Giô-na”.

Như thế Giê-su nói rằng dân thành Ni-ni-ve ăn năn khi nghe lời Giô-na rao giảng sẽ được sống lại vào ngày phán xét và kết án những người Do Thái chối bỏ Giê-su. Tương tự, ngài cũng so sánh sự kiện nữ hoàng Sê-ba từ đầu cùng trái đất đến để nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn và thán phục về những điều đã thấy và nghe được. Rồi Giê-su nói: “Mà đây nầy, có một người tôn-trọng hơn vua Sa-lô-môn!”

Đoạn, ngài kể một chuyện ví dụ nói về một người vừa thoát khỏi quỉ nhập. Tuy nhiên, người ấy không biết lấp khoảng trống ấy bằng những gì tốt đẹp, đến nỗi lại bị bảy quỉ dữ hơn nhập vào. Giê-su nói: “Dòng-dõi dữ nầy cũng như vậy”. Dân Y-sơ-ra-ên đã được tẩy uế và cải hoá, giống như quỉ dữ tạm thời ra khỏi. Nhưng dân đó đã chối bỏ các đấng tiên tri của Đức Chúa Trời, và cuối cùng chống đối luôn cả đấng Christ, cho thấy tình trạng gian ác còn tệ hại hơn khi trước.

Trong lúc Giê-su đang nói thì mẹ và các em ngài đến, đứng ngoài mé đám đông. Có người nói với ngài: “Đây nầy, mẹ và anh em thầy ở ngoài, muốn nói cùng thầy”.

Giê-su hỏi: “Ai là mẹ ta, ai là anh em ta?” Ngài giơ tay chỉ môn đồ ngài và nói: “Nầy là mẹ ta cùng anh em ta! Vì hễ ai làm theo ý-muốn Cha ta ở trên trời, thì người đó là anh em, chị em ta, cùng là mẹ ta vậy”. Với lời này, Giê-su cho thấy rằng mối liên lạc gia đình dù có thân thiết đến đâu cũng không sao bằng mối liên hệ giữa ngài với môn đồ ngài. (Ma-thi-ơ 12:33-50; Mác 3:31-35; Lu-ca 8:19-21).

▪ Làm sao mà người Pha-ri-si đã không làm “cây” lẫn “trái” được tốt?

▪ “Dấu lạ của Giô-na” là gì, và sau này người ta không chấp nhận dấu đó như thế nào?

▪ Dân Y-sơ-ra-ên trong thế kỷ thứ nhất giống như một người thoát khỏi quỉ nhập như thế nào?

▪ Giê-su nhấn mạnh mối liên lạc chặt chẽ giữa ngài và môn đồ ngài như thế nào?