Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giăng giảm, Giê-su tăng

Giăng giảm, Giê-su tăng

Chương 18

Giăng giảm, Giê-su tăng

SAU Lễ Vượt qua vào mùa xuân năm 30 công nguyên, Giê-su và môn đồ rời Giê-ru-sa-lem. Họ không trở về nhà ở Ga-li-lê nhưng đi đến vùng Giu-đê và nơi đây họ làm báp têm cho nhiều người. Giăng Báp-tít cũng làm báp têm từ gần một năm nay, và ông vẫn còn nhiều môn đồ kết hợp cùng ông.

Thật ra không phải chính tay Giê-su làm báp têm, mà là môn đồ ngài làm dưới sự điều khiển của ngài. Phép báp têm do họ làm cũng có cùng ý nghĩa với phép báp têm do Giăng làm. Phép báp têm này biểu hiệu cho sự ăn năn hối lỗi mà người Do Thái bày tỏ khi vi phạm giao ước Luật pháp của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, sau khi sống lại, Giê-su dạy môn đồ làm một loại báp têm có ý nghĩa khác. Phép báp têm của tín đồ đấng Christ ngày nay biểu hiệu cho sự dâng mình để phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

Mặc dù hoạt động riêng biệt nhau nhưng vào thời điểm này trong thánh chức của Giê-su, thì cả Giăng và ngài đều dạy dỗ và làm báp têm cho những người biết ăn năn. Tuy nhiên, môn đồ của Giăng trở nên ganh tị nên than phiền với ông về Giê-su: “Thưa thầy, kìa,... [người ấy] đương làm phép báp-têm, và ai nấy đều đến cùng người”.

Thay vì ganh tị, Giăng tỏ ý mừng về sự thành công của Giê-su, và ông muốn môn đồ của mình cũng mừng như thế. Ông nhắc họ: “Chính các ngươi làm chứng cho ta rằng ta đã nói: Ấy không phải ta là Đấng Christ, nhưng ta được sai đến trước ngài”. Và ông dùng một ví dụ rất hay: “Ai mới cưới vợ, nấy là chàng rể, nhưng bạn của chàng rể đứng gần và nghe người, khi nghe tiếng của chàng rể thì rất đỗi vui-mừng; ấy là sự vui-mừng trọn-vẹn của ta đó”.

Giăng, với tư cách là bạn của Chàng rể, đã từng vui mừng sáu tháng trước đó khi ông giới thiệu môn đồ của ông với Giê-su. Một số người đó trở nên thành viên tương lai của lớp “vợ” trên trời của đấng Christ gồm tất cả các tín đồ đấng Christ được xức dầu bằng thánh linh. Lúc đó Giăng muốn các môn đồ của mình cũng đi theo Giê-su, bởi vì mục đích của ông là dọn đường cho đấng Christ làm thánh chức. Như Giăng Báp-tít giải thích: “Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống”.

Môn đồ mới của Giê-su là Giăng, trước kia cũng từng là môn đồ của Giăng Báp-tít, viết về nguồn gốc của Giê-su và vai trò trọng đại của ngài trong việc giải cứu loài người như sau: “Đấng từ trên cao đến là trên hết mọi loài... Cha yêu Con, và đã giao hết mọi vật trong tay Con. Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó”.

Sau khi Giăng Báp-tít nói về sự suy giảm của mình được ít lâu thì ông bị vua Hê-rốt bắt giam. Hê-rốt đã đoạt Hê-rô-đia là vợ của Phi-líp anh mình, và khi Giăng tố cáo hành động ấy trước công chúng, Hê-rốt bắt ông bỏ vào tù. Được tin này, Giê-su cùng môn đồ rời vùng Giu-đê và đi về Ga-li-lê. (Giăng 3:22 đến 4:3; Công-vụ các Sứ-đồ 19:4; Ma-thi-ơ 28:19; II Cô-rinh-tô 11:2; Mác 1:14; 6:17-20).

▪ Phép báp têm dưới sự điều khiển của Giê-su trước khi ngài sống lại mang ý nghĩa gì? Còn sau khi ngài sống lại thì sao?

▪ Làm sao Giăng cho các môn đồ thấy họ không có lý do để than phiền?

▪ Tại sao Giăng bị bỏ vào tù?