Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Họ không bắt được ngài

Họ không bắt được ngài

Chương 67

Họ không bắt được ngài

TRONG khi Lễ Lều tạm đang diễn ra, các nhà lãnh đạo Do Thái giáo đã phái lính giữ an ninh đi bắt Giê-su. Thay vì lẩn trốn, ngài vẫn điềm nhiên giảng dạy cho công chúng: “Ta còn ở với các ngươi ít lâu nữa; rồi ta đi về cùng Đấng sai ta đến. Các ngươi sẽ kiếm ta mà chẳng thấy, và nơi ta ở, các ngươi không thể đến được”.

Dân Do Thái không hiểu nên hỏi nhau: “Thế thì người sẽ đi đâu mà ta không tìm được? Có phải người sẽ đi đến cùng những kẻ lưu-lạc trong dân Gờ-réc và dạy dân Gờ-réc chăng? Người đã nói rằng: Các ngươi sẽ tìm ta, mà chẳng thấy, và nơi ta ở, các ngươi không thể đến được, ấy là nghĩa làm sao?” Tất nhiên Giê-su muốn nói về cái chết sắp tới của ngài và sự sống lại để lên trời, là nơi mà các kẻ thù không thể theo được.

Ngày thứ bảy và là ngày cuối cùng của kỳ lễ đã đến. Cứ mỗi sáng, một thầy tế lễ đổ nước múc từ ao Si-lô-ê cho nước chảy xuống chân bàn thờ. Rất có thể là Giê-su muốn nhắc dân chúng về nghi lễ thường nhật đó, nên ngài kêu lên rằng: “Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh-thánh đã chép vậy”.

Thật ra ở đây Giê-su muốn nói về những thành quả kỳ diệu khi thánh linh được đổ xuống. Việc này xảy ra vào Lễ Ngũ tuần năm sau đó. Lúc đó những dòng nước sự sống chảy ra khi 120 môn đồ khởi sự rao giảng cho công chúng. Nhưng cho đến khi đó thì chưa có thánh linh với ý nghĩa là chưa có môn đồ nào của đấng Christ được xức dầu bằng thánh linh và được gọi để sống trên trời.

Nghe lời giảng dạy của Giê-su, một số người nói: “Người này thật là đấng tiên-tri”. Hiển nhiên họ muốn nói đấng tiên tri lớn hơn Môi-se đã được Đức Chúa Trời hứa ttrước. Người khác nói: “Ấy là đấng Christ”. Thế nhưng kẻ khác phản đối: “Đấng Christ há từ Ga-li-lê mà đến sao? Kinh-thánh há chẳng nói rằng đấng Christ phải ra từ dòng-dõi vua Đa-vít, làng Bết-lê-hem, là làng vua Đa-vít sao?”

Vậy dân chúng bị chia rẽ. Một số muốn Giê-su bị bắt nhưng không ai động đến ngài. Khi lính giữ an ninh trở về tay không, người Pha-ri-si và mấy thầy tế lễ cả hỏi chúng: “Sao các ngươi không điệu người đến?”

Chúng đáp: “Chẳng hề có người nào đã nói như người nầy!”

Các nhà lãnh đạo tôn giáo bỗng tức giận, giở trò chế giễu, xuyên tạc và chửi rủa. Họ lên giọng nhạo báng: “Các ngươi cũng đã bị phỉnh-dỗ sao? Có một người nào trong các quan hay là trong những người Pha-ri-si tin đến người đó chăng? Song lũ dân nầy không biết luật chi cả, thật là dân đáng rủa!”

Nghe thế, Ni-cô-đem, một người Pha-ri-si và là một trong những người lãnh đạo dân Do Thái (tức một thành viên của Tòa Công luận) đã can đảm lên tiếng bênh vực Giê-su. Chắc bạn đọc còn nhớ trước đây hai năm rưỡi, vào một đêm tối, Ni-cô-đem đã đến gặp Giê-su và bày tỏ đức tin nơi ngài. Bấy giờ ông lên tiếng: “Luật chúng ta há bắt tội một người nào chưa tra-hỏi đến, và chưa biết điều người ấy đã làm, hay sao?”

Người Pha-ri-si càng giận thêm khi nghe người của mình bênh vực Giê-su. Họ hỏi với giọng đầy châm biếm: “Ngươi cũng là người Ga-li-lê sao? Ngươi hãy tra-xét, sẽ thấy rằng chẳng có tiên-tri nào từ xứ Ga-li-lê mà ra hết”.

Dù Kinh-thánh không nói thẳng rằng một nhà tiên tri sẽ ra từ xứ Ga-li-lê, nhưng có nói đấng Christ sẽ đến từ vùng ấy khi nói rằng người ta sẽ thấy “sự sáng lớn” chiếu ở vùng đó. Hơn nữa Giê-su ra đời tại Bết-lê-hem và thuộc dòng họ Đa-vít. Trong khi người Pha-ri-si có lẽ biết rõ điều ấy, nhưng dường như họ đã truyền bá cho dân chúng những ý niệm sai lầm về Giê-su. (Giăng 7:32-52; Ê-sai 9:1, 2; Ma-thi-ơ 4:13-17).

▪ Mỗi sáng trong kỳ lễ có việc gì xảy ra, và có lẽ Giê-su đã nhắc đến việc này như thế nào?

▪ Tại sao những người lính không bắt Giê-su, và các nhà lãnh đạo tôn giáo đã phản ứng thế nào?

▪ Ni-cô-đem là ai, ông có thái độ nào đối với Giê-su và ông bị người Pha-ri-si đối đãi như thế nào?

▪ Có bằng cớ nào cho thấy đấng Christ sẽ ra từ xứ Ga-li-lê?