Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Họ vẫn mưu toan giết Giê-su

Họ vẫn mưu toan giết Giê-su

Chương 81

Họ vẫn mưu toan giết Giê-su

VÌ LÀ mùa đông nên Giê-su đi dưới hàng cột trụ có mái che dọc theo đền thờ, gọi là hiên cửa Sa-lô-môn. Chính tại đây, dân Do Thái vây quanh ngài và nói: “Thầy để chúng tôi nghĩ vơ-vẩn mãi cho đến khi nào? Nếu thầy là Đấng Christ, hãy nói rõ cho chúng tôi”.

Giê-su đáp: “Ta đã bảo các ngươi, mà các ngươi không tin”. Giê-su không nói thẳng cho họ biết ngài là đấng Christ, như ngài đã nói với người đàn bà Sa-ma-ri bên giếng nước. Nhưng thật ra ngài đã tiết lộ lai lịch của mình khi giải thích rằng ngài từ trên cao xuống và ngài đã có trước Áp-ra-ham.

Tuy nhiên, Giê-su muốn mọi người tự kết luận rằng ngài là đấng Christ khi so sánh các công việc của ngài với những gì Kinh-thánh tiên tri đấng Christ sẽ làm. Đó là lý do tại sao trước đó ngài đã bảo môn đồ đừng tiết lộ với ai rằng ngài là đấng Christ. Cũng chính vì thế mà bấy giờ ngài nói thêm với những người Do Thái căm ghét ngài: “Những việc ta nhơn danh Cha ta mà làm đều làm chứng cho ta. Nhưng các ngươi không tin”.

Tại sao họ không chịu tin? Có phải tại vì thiếu bằng chứng rằng Giê-su là đấng Christ không? Không, nhưng Giê-su cho thấy lý do thật của họ khi ngài nói: “Các ngươi chẳng phải là chiên của ta. Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta. Ta ban cho nó sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay ta. Cha ta là Đấng lớn hơn hết đã cho ta chiên đó, và chẳng ai cướp nổi chiên đó khỏi tay Cha”.

Rồi Giê-su miêu tả mối quan hệ mật thiết giữa ngài và Cha ngài: “Ta với Cha là một”. Vì Giê-su ở dưới đất, và Cha ngài ở trên trời, vậy rõ ràng ngài không nói Cha ngài và ngài là một nhân vật có cùng một thân thể. Đúng hơn, ngài muốn nói cả hai có cùng một ý định và hợp nhất với nhau.

Những lời trên làm dân Do Thái nổi cơn thịnh nộ. Họ lượm đá định giết ngài, như họ đã từng làm tại Lễ Lều tạm. Giê-su can đảm đối diện với những kẻ định giết mình và nói: “Ta đã làm trước mắt các ngươi lắm việc lành bởi Cha đến; vì việc chi mà các ngươi ném đá ta?”

Người Do Thái trả lời: “Ấy chẳng phải vì một việc lành mà chúng ta ném đá ngươi, nhưng vì lỗi lộng-ngôn; ngươi là người, mà tự xưng là Đức Chúa Trời”. Nhưng vì sao họ lại nói thế, trong khi Giê-su chẳng hề xưng mình là Đức Chúa Trời bao giờ?

Hiển nhiên tại vì Giê-su nói ngài có những quyền phép mà họ nghĩ là chỉ Đức Chúa Trời mới có được mà thôi. Thí dụ, ngài vừa nói về “chiên” rằng: “Ta ban cho nó sự sống đời đời”, đó là điều mà không một người phàm nào có thể làm được. Thế nhưng dân Do Thái đã quên rằng Giê-su nhìn nhận chính Cha ngài đã ban quyền hành cho ngài.

Kế đến, Giê-su cho thấy rõ ngài nhỏ hơn Đức Chúa Trời. Ngài hỏi: “Trong luật-pháp của các ngươi [nơi Thi-thiên 82:6] há chẳng chép rằng: Ta đã phán: Các ngươi là các thần, hay sao? Nếu luật-pháp gọi những kẻ được lời Đức Chúa Trời phán đến là các thần... thì ta đây, là Đấng Cha đã biệt ra là thánh, và sai xuống thế-gian, nói: Ta là Con Đức Chúa Trời, cớ sao các ngươi cáo ta là nói lộng-ngôn?”

Nếu như Kinh-thánh gọi các quan xét bất công người phàm là “thần”, thì làm sao người Do Thái có thể bắt lỗi Giê-su khi ngài nói: “Ta là Con Đức Chúa Trời”? Giê-su nói tiếp: “Ví bằng ta không làm những việc của Cha ta, thì các ngươi chớ tin ta. Còn nếu ta làm, thì, dầu các ngươi chẳng tin ta, hãy tin những việc ta, để các ngươi hiểu và biết rằng Cha ở trong ta và ta ở trong Cha”.

Khi Giê-su nói đến đây, người Do Thái tìm cách bắt ngài. Tuy nhiên, ngài trốn thoát, giống như hồi trước vào kỳ Lễ Lều tạm. Ngài rời Giê-ru-sa-lem và qua bờ bên kia sông Giô-đanh, đến nơi mà Giăng đã khởi sự làm báp têm gần bốn năm trước. Hình như nơi này không xa bờ phía nam của biển Ga-li-lê và cách Giê-ru-sa-lem khoảng hai ngày đường.

Nhiều người đến gặp Giê-su ở đây và họ bắt đầu nói: “Giăng chưa làm một phép lạ nào, nhưng mọi điều Giăng đã nói về người nầy là thật”. Vì thế tại đây, nhiều người tin nơi ngài. (Giăng 10:22-42; 4:26; 8:23, 58; Ma-thi-ơ 16:20).

▪ Giê-su muốn người ta nhận ra ngài là đấng Christ qua cách nào?

▪ Giê-su và Cha ngài là một có nghĩa gì?

▪ Có lẽ vì sao mà người Do Thái nói rằng Giê-su tự xưng là Đức Chúa Trời?

▪ Lời Giê-su trích trong Thi-thiên cho thấy thế nào rằng ngài không tự xưng là bình đẳng với Đức Chúa Trời?